Primary Menu
Secondary Menu

10 Món Ma về Hành Ấm

MƯỜI MÓN MA VỀ HÀNH ẤM

1/ Chấp không nguyên nhân sanh.

A Nan, người tu thiền định khi tưởng ấm hết rồi, thì tâm được minh chánh, không còn khởi các vọng tưởng tham muốn như trên, nên các Thiên ma không gặp dịp thuận tiện để nhiễu hại nữa. Lúc bấy giờ hành giả tự nghiên cứu nguồn gốc của muôn loài, rồi sanh ra hai lối chấp :

a/ Vì chỉ thấy biết được chúng sanh từ tám vạn kiếp trở lại, ngoài tám vạn kiếp thì mù mịt không thấy biết, nên sanh ra chấp : “chúng sanh từ tám vạn kiếp trở lại tự nhiên có, không có nguyên nhân sanh”.

b/ Hành giả nghiên cứu chỉ thấy người sanh ra người, chim sanh ra chim, quạ từ hồi nào đến giờ vẫn đen, không phải do nhuộm mà đen, cò từ hồi nào đến giờ vẫn trắng, không phải do rửa mới trắng v.v…từ tám vạn kiếp đến nay đã vậy, thì từ đây về sau cũng thế. Hành giả tự nghĩ : “ta từ hồi nào đến giờ không thành Bồ đề, thì về sau đâu lại có thành Phật”; rồi khởi ra tà chấp : “Các vật tượng ngày nay đều không có nguyên nhân”. Bởi họ mê mờ tánh Bồ đề, mất chánh tri kiến, sanh ra hai lối chấp trên, nên đều đọa về ngoại đạo.

2/ Bốn món chấp thường.

A Nan, người tu thiền định, khi tưởng ấm hết rồi, tâm được minh chánh, nên ngoại ma không còn thuận tiện để nhiễu hại được. Khi đó hành giả tham cứu cùng tột cội gốc của muôn loài, khởi ra bốn món chấp thường :

a/ Chấp hai vạn kiếp thường. – Vì hành giả nghiên cứu cùng tột cả tâm và cảnh đều vô nhơn, vì sức tu chỉ biết được chúng sanh sanh diệt xoay vần từ hai vạn kiếp trở lại không mất, nên chấp cho là thường.

b/ Chấp bốn vạn kiếp thường. – Hành giả tham cứu cùng tột tánh của tứ đại thường còn, do sức tu tập chỉ biết được chúng sanh từ bốn vạn kiếp trở lại, tuy có sanh diệt, mà bản thể nó vẫn thường còn không mất nên chấp là thường.

c/ Chấp tám vạn kiếp là thường. – Hành giả tham cứu cùng tận tám thức, thấy nó thường hằng. Vì thấy từ tám vạn kiếp trở lại chúng sanh xoay vần không mất nên chấp là thường.

d/ Chấp cái không sanh diệt là thường. – Người tu thiền định khi các tưởng ấm sanh diệt đã hết, nhơn đó khởi tâm chấp cái không sanh diệt là thường.

A Nan, người tu thiền định, do mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ đề, khởi ra bốn món chấp thường trên, nên đều đọa về ngoại đạo.

3/ Chấp một phần thường, một phần vô thường.

Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết, nghiên cứu cùng tột cội gốc của sanh loại, rồi khởi ra bốn lối chấp điên đảo :

a/ Chấp tâm là thường, chúng sanh vô thường. – Hành giả khi khi quán tâm mình yên lặng khắp cả mười phương, các chúng sanh từ trong tâm mình tự sanh và tự chết, rồi chấp tâm ta là thường, chúng sanh vô thường.

b/ Chấp thế giới, những chỗ bị hoại là vô thường những chỗ không hoại là thường. – Người tu thiền định quán sát cả mười phương thế giới, chỗ kiếp hoại (như từ tam thiền trở xuống bị tam tai làm hoại) thì chấp là vô thường; những chỗ không hoại thì chấp là thường (từ tứ thiền trở lên, tam tai không làm hoại được, chấp cho là cứu cánh Niết bàn).

c/ Chấp cái tâm là thường, còn sanh tử vô thường. – Người tu thiền định, quán sát tâm mình không biến đổi, nó nhỏ nhiệm tinh vi như hạt bụi và lưu chuyển cả mười phương, lại khiến cho thân này sanh và diệt mà nó không biến đổi; nên chấp cho : “Tâm là thường; tất cả các vật đều từ tâm sanh ra, có sanh tử nên vô thường”.

d/ Chấp hành ấm thường; sắc, thọ, tưởng, là vô thường. – Người tu thiền định, khi thấy sắc, thọ, tưởng, trước đã diệt, nên chấp là vô thường, thấy hành ấm lưu chuyển thường còn nên chấp là thường.

Bốn lối chấp trên, đều sai lầm cả, do mê muội tánh Bồ đề, mất chánh kiến, nên đọa về ngoại đạo.

4/ Chấp có bốn món biên giới.

Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết rồi, thấy được cùng tột cội gốc của sanh loại, lúc bấy giờ khởi ra bốn lối chấp có biên giới :

a/ Chấp ba đời. – Người tu thiền định, lúc bấy giờ chấp tâm niệm hiện tại tương tục (hành ấm) là vô biên, còn quá khứ và vị lai là hữu biên.

b/ Chấp chúng sanh. – Người tu thiền định vì chỉ thấy được chúng sanh trong tám vạn kiếp, nên chấp là hữu biên; còn trước tám vạn kiếp thì tịch mịch không thấy và cũng không nghe, nên chấp là vô biên.

c/ Chấp tâm tánh. – Người tu thiền định khi thấy tâm mình biến khắp và biến ra tất cả người, nên khởi lên chấp tâm ta vô biên; còn tất cả người đều ở trong tâm ta, là hữu biên.

d/ Chấp sanh diệt. – Người tu thiền định, khi cùng tột hành ấm, thấy được tâm mình, họ sanh tâm chấp tất cả chúng sanh và thế giới đều có phân nửa diệt; sanh là hữu biên, diệt là vô biên.

Các lối tà chấp trên, đều do trong khi tu thiền mất chánh kiến, mê mờ Bồ đề, nên đều đọa về ngoại đạo cả.

5/ Bốn món luận nghị rối loạn không có nhứt định.

Người tu thiền định, khi tưởng ấm hết, liền khởi ra bốn lối chấp điên đảo không nhất định.

a/ Chấp bốn món “cũng”. – Người tu thiền định, khi quan sát nguồn gốc biến hóa của muôn vật, thấy có chỗ thì biến đổi, có chỗ lại thường còn; có cái sanh, có cái diệt, có pháp tăng, có vật giảm, có cái có, có cái không. Bởi thế, khi có ai đến hỏi đạo thì họ đáp rằng : “Cũng biến, cũng hằng, cũng sanh, cũng diệt, cũng tăng, cũng giảm, cũng có, cũng không”. Lúc nào họ cũng nói rối loạn như vậy, làm cho người không hiểu chi cả.

b/ Chấp chỉ có cái “không”. – Người tu thiền định, vì quán cả tâm và pháp đều không; rồi cứ chấp ở nơi cái “không”. Có ai đến hỏi đạo thì họ chỉ đáp một chữ “không”; ngoài cái “không” ra thì không còn nói chi nữa cả.

c/ Chấp chỉ có cái “có”. – Người tu thiền định, do quán sát tâm mình biến khắp tất cả, chỗ nào cũng có, rồi cứ chấp ở cái “có”. Có ai đến hỏi đạo, họ chỉ nói một chữ “có”; ngoài cái “có” ra thì không còn nói gì nữa cả.

d/ Chấp “cũng có” và “cũng không”. – Người tu thiền định vì thấy ở nơi cảnh đã lăng xăng, còn tâm thì rối loạn, nên có người đến hỏi đạo, họ lại đáp rằng : cái “cũng có” cũng tức là cái “cũng không”; trong cái “cũng không” cũng tức là cái “cũng có”. Lúc nào họ cũng rối loạn như vậy, không ai gạn cùng được.

Người tu thiền định vì mất chánh kiến, mê mờ tánh Bồ đề, khởi ra các lối chấp như vậy, nên đều đọa về ngoại đạo.

6/ Chấp mười sáu tướng có.

Người tu thiền định khi tưởng ấm hết, chỉ còn hành ấm diêu động, thấy một nguồn sống vô tận, nên sanh tâm chấp “chết rồi còn có tướng”.

Chấp về sắc uẩn có bốn :

a/ Chấp sắc uẩn là “ta”.

b/ Chấp “ta” có sắc uẩn.

c/ Chấp sắc uẩn thuộc nơi “ta”.

d/ Chấp “ta” ở nơi sắc uẩn.

Còn thọ, tưởng, hành mỗi uẩn cũng đều có bốn lối chấp như vậy, cộng thành mười sáu tướng. Hoặc chấp phiền não và Bồ đề hai tánh thật có; hết phiền não mới được Bồ đề, hai tánh không chung gặp nhau.

Vì hành giả trong lúc tu thiền, mất chánh tri kiến, mê mờ tánh Bồ đề, khởi ra các lối chấp trên, nên đều đọa về ngoại đạo.

7/ Chấp tám món vô tướng.

Người tu thiền định khi sắc, thọ, tưởng đã diệt rồi, lúc bấy giờ thấy thân hình hiện tiền đây còn không thật có, thì khi chết rồi làm gì lại có các hình tướng. Vì so sánh như vậy, nên họ chấp chết rồi không có hình tướng.

Đã chấp sắc ấm như trên thì đối với thọ, tưởng, hành họ cũng quan niệm không thật có (chấp hiện tại và vị lai đều không tướng), thành ra tám món đều vô tướng. Hoặc họ chấp Niết bàn chỉ có cái tên suông, không có nhơn quả, rốt ráo đoạn diệt.

Vì hành giả mê mờ tánh Bồ đề, mất chánh tri kiến, khởi ra các lối tà chấp như vậy, nên đều đọa về ngoại đạo.

8/ Chấp tám món cu phi.

Người tu thiền định, đối với ba ấm : sắc, thọ và tưởng, trước kia thấy có mà nay lại không; còn đối với hành ấm thiên lưu hiện nay thì có mà về sau lại không. Vì chấp mỗi ấm đều có hai tướng : chết rồi phi hữu và phi vô, nên hợp cả bốn ấm thành ra tám tướng. Bởi hành giả mê mờ tánh Bồ đề, mất chánh tri kiến nên đều đọa về ngoại đạo.

9/ Chấp năm món đoạn diệt.

Người tu thiền định, khởi ra các chấp : Cõi Dục thì “sắc thân” diệt hết, cõi Sơ thiền các “dục” diệt hết, cõi Nhị thiền các “khổ” diệt hết, cõi Tam thiền các “vui” diệt hết, cõi Tứ thiền các “xả” diệt hết.

Như vậy xoay vần cùng tột cả năm nơi đều chấp hiện tiền tiêu diệt, diệt rồi không sanh trở lại. Vì hành giả mê mờ tánh Bồ đề, mất chánh tri kiến, sanh các lối tà chấp như vậy, nên đọa về ngoại đạo.

10/ Chấp năm món Niết bàn hiện tại.

Người tu thiền định, khi thọ ấm hết, xét cùng cội gốc của sanh loại, khởi ra chấp năm chỗ Niết bàn :

a/ Chấp Dục giới là cảnh Niết bàn.

b/ Chấp cõi Sơ thiền là Niết bàn.

c/ Chấp cõi Nhị thiền là Niết bàn.

d/ Chấp cõi Tam thiền là Niết bàn.

đ/ Chấp cõi Tứ thiền là Niết bàn.

Vì hành giả mê muội tánh Bồ đề, chấp năm cảnh vui cõi trời hữu lậu mà cho là vô vi Niết bàn, nên đọa về ngoại đạo.

TÓM LẠI

A Nan, mười cảnh ma về hành ấm này, là do hành giả dụng tâm sai lầm nên mới sanh ra như vậy. Vì hành giả mê mờ không biết, tự cho là chứng Thánh, sanh đại vọng ngữ, nên đọa vào ngục vô gián. Vậy ông nên đem những việc ma này, truyền dạy cho chúng sanh đời sau, chớ để cho người tu thiền bị tâm ma khởi lên làm hại đến họ. Các ông phải bảo hộ người tu hành đi thẳng đến đạo Bồ đề, chớ để cho họ gặp con đường chia tẻ.



Add Comment