Cuộc đời Đức Phật: 06. Đức Phật nhập Niết Bàn

CUỘC ĐỜI
ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005)
Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh
Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội:
Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai
—o0o—

CHƯƠNG IV – ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

Các nhân vật quan trọng như vua Suddhodana[1], Uruvela Kassapa[2], vua Suppabuddha[3], vua Bimbisara[4], Ni sư Maha-Pajapati[5], Rahula[6], vua Pasenadi[7], Moggallana[8], Yasodhara[9] rồi đến Sariputta[10] đều lần lượt qua đời. Ðức Phật cũng đã già yếu, ngài quyết định nhập niết-bàn đúng theo luật sinh già bệnh chết, và ban những lời dạy cuối cùng.

1- Hạ 44 tại Jetavana (năm -546)

Vua Pasenadi ca ngợi Phật [11]

Sau mùa an cư thứ 44 tại Jetavana vào năm 546 trước tây lịch, Phật đi về hướng tây, đến xứ Kuru, thuộc vùng thượng lưu sông Ganga và sông Yamuna. Sau khi ở đó hai tháng, Phật lại theo bờ sông Yamuna đi xuống miền nam, đến Kosambi, rồi đến Benares (Varanasi). Từ Benares, Phật trở về Vesali; rồi từ Vesali đi Kapilavastu. Một hôm, Phật đang cư trú hành đạo tại làng Ulumpa thuộc quận Medalumpa trong xứ Sakya thì có vua Pasenadi đến thăm.
Vua Pasenadi đang du ngoạn tại Nagaraka với hoàng tử Vidudabha[12] (Virudhaka, Tỳ-Lưu-Ly) và tướng Digha-Karayana. Nagaraka chỉ cách Medalumpa chừng nửa ngày đường. Nghe tin Phật đang ở tại Ulumpa, vua Pasenadi liền dắt đoàn tùy tùng cùng đi trên bốn chiếc xe song mã đến thăm Phật. Ðến công viên, nơi Phật đang cư trú, vua để đoàn tùy tùng ở lại bên ngoài, rồi bảo tướng Karayana cùng đi với mình vào công viên. Thấy bóng các vị khất sĩ áo vàng qua lại, vua hỏi thăm Phật ở đâu. Vị khất sĩ chỉ một cái am lá ẩn dưới bóng cây và nói:
– Tâu Ðại vương, Thế Tôn đang ở trong am đó. Cửa đóng, Ðại vương cứ ho lên một tiếng và gõ cửa hai tiếng, Thế Tôn sẽ mở cửa rước Ðại vương vào.
Vua cởi thanh gươm và tháo vương miện xuống trao cho vị tướng lãnh, bảo ông ta trở ra cổng với đoàn tùy tùng chờ mình, rồi vua đi một mình đến am Phật. Tới trước cửa, vua đằng hắng và ho lên một tiếng, chưa kịp gõ cửa thì cửa đã mở. Phật vui vẻ mời vua vào am. Hai Thượng tọa Sariputta và Ananda bước đến chào đón vua.
Phật mời vua ngồi trên một chiếc ghế, rồi tự mình ngồi trên chiếc ghế đối diện. Hai vị Thượng tọa đứng hầu sau lưng Phật. Vua Pasenadi vừa ngồi xuống ghế đã vội đứng dậy chấp tay đảnh lễ dưới chân Phật, miệng nói:
– Bạch Thế Tôn, trẫm là Pasenadi, vua nước Kosala, xin đảnh lễ đức Thế Tôn. Trẫm là Pasenadi, vua nước Kosala, xin đảnh lễ đức Thế Tôn.
Phật đỡ vua đứng lên, mời ngồi vào ghế, rồi hỏi:
– Ðại vương, sao hôm nay Ðại vương làm lễ cung kính quá đáng như thế? Chúng ta không phải là đôi bạn thân thiết hay sao?
– Bạch Thế Tôn, trẫm có vài điều muốn nói với Thế Tôn hôm nay, sợ không còn có dịp nào khác.
– Có điều chi xin Ðại vương cứ nói.
– Thưa Thế Tôn, trẫm nghe có người nói Sa-môn Gotama hiểu biết tất cả (sabbannu, omniscient), không có điều gì mà ngài không biết. Có đúng thế không?
– Thưa Ðại Vương, nói thế hơi quá. Ðúng ra chỉ nên nói Sa-môn Gotama có đầy đủ Tam Minh là Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh.
– Thưa Thế Tôn, có người cho rằng Thế Tôn đã nói không có vị sa-môn hay bà-la-môn nào có thể hiểu biết tất cả (omniscient). Có đúng thế không?
– Thưa Ðại Vương, Như Lai chỉ nói không ai có thể thấy và biết tất cả cùng một lúc.[13]
– Thưa Thế Tôn, trẫm hoàn toàn tin tưởng Thế Tôn là bậc toàn giác. Trẫm hoàn toàn tin tưởng nơi giáo pháp và giáo đoàn khất sĩ của Thế Tôn. Trẫm đã từng biết những tu sĩ Bà-la-môn và các đạo sĩ thuộc các giáo phái khác. Có người tu hành đứng đắn được mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm, nhưng sau đó trẫm lại thấy họ bỏ cuộc và trở về nếp sống ngũ dục. Ở trong đạo pháp của Thế Tôn, trẫm thấy các vị khất sĩ hầu hết đều tu phạm hạnh cho đến trọn đời.
Thế Tôn, trẫm từng thấy vua chúa chống đối vua chúa, tướng sĩ âm mưu chống tướng sĩ, Bà-la-môn chống Bà-la-môn, vợ cãi cọ với chồng, con cãi cọ với cha, anh cãi cọ với em, bè bạn cãi cọ với bè bạn. Ở đây trẫm thấy các vị khất sĩ sống trong hòa kính, an vui, hợp nhau như nước với sữa. Trẫm không thấy ở đâu có được sự thương yêu hòa hợp như trong giáo đoàn khất sĩ.
Thế Tôn, khắp nơi trẫm đã từng thấy giới đạo sĩ với dáng điệu khắc khổ, vẻ mặt âu sầu. Nhưng ở đây, trẫm thấy các vị khất sĩ luôn luôn tỉnh táo, tươi cười, vui vẻ, thong dong. Ðiều này làm trẫm càng thêm tin tưởng nơi Thế Tôn và giáo pháp của Thế Tôn hơn.
Thế Tôn, trẫm là vua, thuộc dòng dõi chiến sĩ. Trẫm có quyền ra lệnh chém đầu, hoặc giam cầm, hoặc trừng phạt bất cứ ai, nếu trẫm muốn. Vậy mà trong các phiên họp, thiên hạ vẫn dám cướp lời trẫm. Dù trẫm có nói “Quí vị không được cướp lời trẫm”, họ cũng vẫn quên và vẫn cướp lời trẫm như thường. Nhưng ở tinh xá, có khi có trên một ngàn vị khất sĩ ngồi nghe Thế Tôn thuyết pháp mà trẫm không nghe một tiếng động nhỏ, đừng nói chi có ai dám cướp lời Thế Tôn. Trẫm nghĩ: Thật là mầu nhiệm. Phật chẳng cần quyền uy, chẳng cần gươm giáo, chẳng cần trừng phạt gì mà ai cũng tôn kính Phật một cách tuyệt đối. Ðiều này làm cho trẫm càng thêm tin tưởng nơi Thế Tôn và giáo pháp của Thế Tôn.
Thế Tôn, trẫm đã từng biết nhiều người trong giới trí thức, học giả, đạo sư lừng danh họp với nhau để soạn trước những câu hỏi bí hiểm có thể làm cho Thế Tôn lúng túng. Nhưng khi đến gặp Thế Tôn và nghe Thế Tôn thuyết pháp, họ đều bị Thế Tôn chinh phục, đến nỗi không còn nghĩ tới việc nêu lên những câu hỏi của họ đã soạn sẵn. Ðiều này càng làm cho trẫm có thêm tin tưởng nơi Thế Tôn và giáo pháp của Thế Tôn.
Thế Tôn, trẫm có hai người thợ mộc rất khéo tay tên là Isidatta và Purana. Có lần trẫm đem họ theo trong một chuyến du hành xa. Gặp đêm mưa gió bất ngờ, vua tôi đều phải ngủ chung trong một chiếc lều tranh nhỏ. Hai người thợ mộc của trẫm ngồi nói chuyện với nhau về giáo pháp học được của Thế Tôn, đến khi mỏi mệt họ nằm xuống ngủ, đầu họ hướng về núi Linh-Thứu, chân họ xoay về phía trẫm. Thế Tôn có cho họ lương bổng gì đâu, thế mà họ tôn kính Thế Tôn hơn cả trẫm đang ở bên cạnh. Ðiều này khiến trẫm càng tin tưởng nơi Thế Tôn và giáo pháp của Thế Tôn hơn.
Thưa Thế Tôn, Thế Tôn thuộc giai cấp vua chúa, trẫm cũng thuộc giai cấp vua chúa. Thế Tôn năm nay đã 78 tuổi, trẫm năm nay cũng đã 78 tuổi. Vì vậy trẫm nghĩ đây là cơ hội quí báu để trẫm tỏ lòng quy kính Phật và bày tỏ tình tri kỷ giữa trẫm và Thế Tôn. Bây giờ trẫm xin từ giã Thế Tôn.
– Ðại vương hãy cẩn trọng giữ gìn sức khỏe.
Phật đứng dậy tiễn đưa vua Pasenadi ra cửa. Lúc trở vào, Phật nói:
– Này Sariputta và Ananda, Quốc vương Pasenadi đã nói những lời rất chân thành của quốc vương đối với Tam Bảo. Hai thầy nên ghi nhớ để làm vững mạnh thêm đức tin của những người hậu học.

Vua Pasenadi băng hà ở Rajagriha[14]

Sau cuộc viếng thăm Phật ở làng Ulumpa, vua Pasenadi trở ra đến cổng công viên chỉ còn thấy một chiếc xe và một người cung phi già ở lại. Người cung phi cho vua biết tướng Digha Karayana đã đem vương miện, ấn tín và thanh gươm báu của vua ra, bảo hoàng tử Vidudabha (Tỳ-Lưu-Ly) nên thừa dịp may hiếm có này trở về Sravasti ngay để lên ngôi vua, đừng để một người quá già yếu ngồi mãi trên ngai vàng. Hoàng tử còn dùng dằng chưa chịu thì Karayana dọa nếu hoàng tử không chịu về làm vua, ông ta sẽ về kinh tự xưng vương. Trước áp lực ấy hoàng tử Vidudabha phải tuân theo, nhưng buộc Karayana phải để lại cho vua cha một cỗ xe và một cung phi. Sau đó hoàng tử Vidudabha theo tướng Karayana về Sravasti, giết thái tử Jeta rồi lên ngôi vua.
Vua Pasenadi quyết định đến thành Rajagriha để cầu viện với cháu là vua Ajatasattu. Suốt quãng đường dài trên 300 km dưới cơn nắng, gió và bụi, vua chỉ uống nước mà không ăn được gì cả. Tới Rajagriha thì trời đã khuya, cửa thành đã đóng chặt. Vua phải vào nghỉ đêm trong công quán. Ðêm ấy vua Pasenadi lên cơn bạo bệnh và chết trên tay người cung phi già. Sáng ngày, vua Ajatasattu hay tin vội cho rước long thể vua Pasenadi vào cung, ra lệnh tổ chức một lễ quốc táng long trọng cho người cậu ruột của mình. Sau khi tang lễ hoàn mãn, vua Ajatasattu định cử binh trị tội quốc vương Vidudabha, nhưng khất sĩ Jivaka can rằng: Dù sao quốc vương Pasenadi cũng đã băng hà, thái tử Jeta cũng đã bị tướng Karayana giết chết, vị vua mới là Vidudabha cũng là con trai duy nhất còn lại của vua Pasenadi lên nối ngôi, vừa là anh em cô cậu của vua Ajatasattu, nếu có cử binh chinh phạt cũng không đưa đến một giải pháp nào khác mà còn làm cho biết bao binh tướng và dân chúng chết oan và chịu cảnh lầm than. Thấy Jivaka có lý, vua Ajatasattu đã cử sứ thần đến Sravasti thừa nhận quốc vương mới.

Vua Vidudabha tàn sát dòng họ Sakya[15]

Sau khi được tướng Digha-Karayana đưa từ làng Ulumpa về Sravasti giết thái tử Jeta rồi lên ngôi vua xứ Kosala, Vidudabha (Tỳ-Lưu-Ly) nhớ lại mối thù thuở nhỏ bị hoàng tộc Sakya khinh khi và nhục mạ[16], liền thống lãnh đại binh đi rửa hận. Ðức Phật biết được liền hiện thân đến ngồi dưới một cội cây vùng ranh giới gần thành Kapilavastu để đón đường đạo binh của Vidudabha. Gần đó, bên ranh giới xứ Kosala, có một cây cổ thụ to lớn, bóng cây rất mát mẻ. Vidudabha trông thấy Phật liền đến đảnh lễ và thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, trời nắng thế này mà Thế Tôn ngồi dưới bóng cây nhỏ này thì nóng lắm, sao Thế Tôn không đến ngồi dưới tàng cây cỗ thụ đàng kia cho mát?
– Xin Ðại Vương chớ quan tâm. Chính bóng mát của dòng họ tôi làm tôi được mát mẻ.
Vidudabha thầm nghĩ chắc Phật cố ý đến đây để bảo vệ dòng họ Sakya. Do đó ông đãnh lễ Phật rồi trở về Sravasti. Ðức Phật trở về Jetavana. Ðược vài hôm, vua Vidudabha lại nhớ đến mối thù xưa liền cử binh đi lần thứ hai; nhưng khi gặp Phật ngồi ngay chỗ cũ, vua lại quay trở về. Lần thứ ba cũng thế. Ðến lần thứ tư, đức Phật quán chiếu nghiệp trước của những người dòng Sakya, nhận thấy rằng họ không thể tránh khỏi quả báo ác nghiệp trước kia của họ đã bỏ thuốc độc xuống dòng sông để hại người dưới nguồn, nên đức Phật không đến can thiệp nữa.
Lần này Vidudabha quyết chí rửa hận, ông ta ra lệnh giết hết những người nói. Chúng tôi là người SakyaỂ trừ những người đi theo vua Mahanama. Trái lại binh tướng Sakya thì thà chịu chết chứ không giết kẻ thù. Họ bắn tên hoặc đâm xuyên qua những tấm khiên của địch nhưng không bao giờ chạm vào người. Cuối cùng chỉ còn những người chạy theo vua Mahanama và những người Sakya miệng ngậm cỏ hoặc ngậm cọng sậy, không trả lời được câu hỏi. Chúng bây có phải là người Sakya không?Ể, là sống sót. Cho đến những người già cả và trẻ em lớn nhỏ đều bị giết sạch[17].
Vua Vidudabha bắt sống vua Mahanama rồi lên đường trở về Sravasti. Giữa đường, đến giờ ăn sáng, Vidudabha bảo đưa Mahanama đến ngồi ăn cùng bàn với ông. Thấy gần đó có một hồ nước lớn, Mahanama bảo:
– Này cháu, tay chân ông dơ lắm, để ông đi tắm rửa sạch sẽ trước đã.
– Ðược, ông ngoại cứ đi tắm tự nhiên.
Ðến bờ hồ, Mahanama xỏa tóc xuống trước mặt, cột ngọn tóc lại thành gút, rồi phóng mình xuống nước, thọt hai bàn chân vào giữa chùm tóc, tự trầm mình. Long Vương hiện đến rước Mahanama về Long Cung ở 12 năm. Vidudabha chờ lâu không thấy, cho người tìm kiếm khắp nơi không gặp, nghĩ rằng Mahanama đã bỏ trốn, ra lệnh lên đường về Sravasti.
Ðêm đó đại binh cắm trại bên bờ sông Aciravati. Gặp mùa nước cạn, lòng sông bày cát khô, một số binh lính nằm xuống cát giữa lòng sông, một số khác nằm hai bên bờ sông. Nhưng những người kiếp trước đã gây ác nghiệp, nằm trên bờ sông, bị kiến cắn, bèn đi xuống lòng sông nằm trên cát. Những người kiếp trước có thiện nghiệp, đang nằm trên cát ở lòng sông, cảm thấy chật chội, bỏ lên bờ nằm. Ðến nửa đêm, một cơn giông mưa lớn nổi lên gây ngập lụt, cuốn trôi Vidudabha và những người nằm dưới lòng sông ra biển làm mồi cho những bầy cá và bầy rùa.
Ðối với những người cho rằng dòng họ Sakya bị giết oan uổng vì họ là những người tốt, thà chịu chết chứ không giết kẻ địch, đức Phật dạy:
– Do cộng ác nghiệp gây ra đời trước bằng cách bỏ thuốc độc xuống sông để hại người nên kiếp này họ phải chịu quả báo, không sao tránh khỏi.
Ðối với những khất sĩ cho rằng Vidudabha và vây cánh thân tín của ông ta tuy đã tàn sát dòng họ Sakya nhưng lòng ham muốn chưa thỏa mãn, sao lại bị nước cuốn trôi ra biển làm mồi cho cá và rùa? Ðức Phật dạy:
– Này các thầy, lòng ham muốn, dục vọng của con người, không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn. Do đó thần Chết, như một trận thủy tai càn quét một làng trong đêm tối, hiện đến bất ngờ, cướp lấy sự sống của họ và đẩy họ vào bốn đại dương đau khổ.

Moggallana bị ngoại đạo ám sát tại Rajagriha[18]

Thượng tọa Moggallana là vị đại đệ tử thứ hai của Phật, sau Thượng tọa Sariputta. Các đệ tử lớn của Phật đã có nhiều người viên tịch trước Phật. Thượng tọa Uruvela Kassapa và hai người em là Gaya Kassapa và Nadi Kassapa cũng đã viên tịch.
Thượng tọa Moggallana là một vị đại khất sĩ có nhiều dũng khí, phát ngôn thẳng thắn không e-dè. Thượng tọa thường chỉ thẳng những điểm sai lầm trong các giáo lý ngoại đạo nên bị thù ghét. Mỗi khi về Rajagriha, Thượng tọa Moggallana thường ở trên núi Isigili một mình với hai đệ tử thân tín để tu thiền định. Một hôm, Thượng tọa lên đường đi Venuvana sớm với hai vị đệ tử. Bọn sát nhân, có dự tính trước, mai phục dưới chân núi. Vừa thấy Thượng tọa, họ xông ra tấn công bằng gậy gộc. Ba thầy trò tay không, không thể chống cự nổi với đám đông. Hai vị đệ tử bị đánh văng ra ngoài. Họ la lên cầu cứu. Nhưng không kịp nữa. Thượng tọa Moggallana hét lên một tiếng vang động cả rừng cây trước khi bị bọn chúng đập xuống những hèo cuối cùng làm vỡ sọ, gãy xương nhiều chỗ, chết ngay tại chỗ. Khi các thầy ở Venuvana hay tin, chạy đến nơi thì bọn sát nhân đã tẩu thoát mất dạng. Hai vị đệ tử bị thương khá nặng. Khi Phật về đến Venuvana thì nhục thân của Thượng tọa Moggallana đã được trà tỳ, xá lợi được đựng trong một cái bình đặt trước cửa am của Phật.
Hỏi đến Thượng tọa Sariputta, các thầy cho Phật biết Thượng tọa Sariputta đã đóng cửa am từ ngày Thượng tọa Moggallana bị ám sát. Ai cũng biết hai vị Thượng tọa này thân với nhau còn hơn anh em ruột, đối với nhau luôn luôn như hình với bóng. Phật chưa kịp nghỉ ngơi, đi ngay đến am của Sariputta để an ủi. Thượng tọa Ananda theo sau, thầm nghĩ: Phật đi an ủi Thượng tọa Sariputta, nhưng ai là người an ủi Phật khi hầu hết dòng họ Sakya bị tàn sát? Bỗng Phật quay lại nhìn thầy rồi lên tiếng:
– Này Ananda, ai cũng nói thầy học nhiều và ghi nhớ nhiều về Chánh Pháp.Thầy không nên lấy sự học nhiều và nhớ nhiều làm đủ. Chăm sóc cho Như Lai và lo lắng cho giáo đoàn tuy là điều cần thiết, nhưng cũng không đủ. Thì giờ qua nhanh, cuộc đời ngắn ngủi vô chừng, thầy phải sớm lo nỗ lực để vượt thoát sanh tử. Thầy phải tập bình thản trước sanh tử, xem sanh tử như những hoa đóm giữa hư không.
Thượng tọa Ananda cuối đầu im lặng. Một vị khất sĩ xin Phật giải nghi:
– Bạch Thế Tôn, sư huynh Moggallana thần thông xuất chúng sao không chống lại nổi với ngoại đạo, đến đổi phải bị sát hại?
– Này các thầy, không phải Moggallana không chống cự nổi với ngoại đạo, nhưng vì trong một đời quá khứ Moggallana đã nghe lời vợ giả làm bọn cướp, dùng cây đánh cha mẹ già mù lòa đến chết ở giữa rừng[19]; và trong một kiếp khác đã làm nghề chài lưới sát hại oan uổng không biết bao nhiêu sanh linh, do đó ngày nay phải chịu quả báo. Các thầy nên biết thần thông không qua được nghiệp lực, chỉ có sám hối mới có thể làm cho quả báo nhẹ bớt.
Sáng hôm sau Phật chỉ vị trí để xây tháp kỷ niệm và an trí xá lợi của Thượng tọa Moggallana gần cổng tinh xá Venuvana.

Devadatta qua đời tại Griddhakuta

Một buổi chiều vàng, khi Phật đang đi thiền hành trên triền núi Griddhakuta (Linh Thứu) thì có hai người võng Thượng tọa Devadatta lên xin gặp Phật.
Thượng tọa Devadatta bệnh nặng đã chín tháng nay. Thượng tọa muốn gặp lại Phật để xin sám hối trước khi qua đời. Hai người đang khiêng Thượng tọa hôm nay là hai trong sáu đệ tử còn sót lại. Trong thời gian nằm liệt giường trên núi Gayasisa, không mấy ai đến thăm Thượng tọa, kể cả những người đã ủng hộ Thượng tọa tích cực nhất ngày xưa. Suốt thời gian ấy Thượng tọa có cơ hội bình tâm suy xét lại về giá trị của những hành động mình đã làm.
Ðược thông báo có Thượng tọa Devadatta xin được gặp, Phật liền trở về tịnh thất. Phật bảo đặt Thượng tọa lên giường của mình, rồi đến bên cạnh an ủi:
– Thầy bệnh như thế đã bao lâu rồi? Bấy lâu nay Như Lai thường mong được gặp thầy.
Thượng tọa Devadatta yếu lắm, không ngồi dậy được. Thượng tọa cũng không nói được nhiều, chỉ nhìn Phật rồi cố gắng chấp tay lại nói thều thào:
– Con xin về nương tựa Phật.
– Tốt lắm, thầy nên an nghỉ.
Phật đặt tay lên trán Devadatta để an ủi Thượng tọa. Ðến chiều hôm ấy Thượng tọa qua đời[20]. Phật nói với các vị khất sĩ: Devadatta vì tham danh, tham lợi nên tạo nhiều nghiệp ác, bị đọa địa ngục A-tỳ (Avici)[21]; nhưng nhờ nghiệp lành xuất gia nên sau một trăm ngàn kiếp sẽ tái sanh thành Bích Chi Phật (Pacceka-Buddha) hiệu Atthissara.

Sứ giả của Ajatasattu thỉnh ý Phật về việc cử binh đánh nước Vajji[22]

Sau lễ trà tỳ nhục thân của Thượng tọa Devadatta, đức Phật đang sắp sửa du hành về phương bắc thì có quan đại thần Vassakara, thừa lệnh vua Ajatasattu, đến xin thỉnh ý Phật. Ðại thần Vassakara thuộc dòng Bà-la-môn. Ông đến đảnh lễ Phật, rồi trình bày ý vua và triều đình muốn cử binh đánh nước Vajji ở phía bắc sông Ganga để củng cố bờ cõi phương bắc, đồng thời phát triển giao thông và kinh tế trong xứ. Thay vì đáp lời sứ thần Vassakara, đức Phật quay lại hỏi Thượng tọa Ananda đang đứng quạt sau lưng Phật:
– Này Ananda, thầy có nghe dân Vajji[23] thường hay hội họp đông đảo để bàn bạc chính sự không?
– Bạch Thế Tôn, con nghe nói dân Vajji thường cùng nhau hội họp đông đảo để đàm luận về chính sự.
– Vậy thì nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có biết khi họ hội họp với nhau để đàm luận, họ có đoàn kết một lòng một dạ với nhau không?
– Bạch Thế Tôn, con nghe họ rất hòa thuận và đoàn kết với nhau.
– Vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, dân Vajji có tôn trọng những pháp chế và luật lệ đã được ban hành không?
– Bạch Thế Tôn, con nghe nói họ rất tôn trọng những pháp chế và luật lệ đã được ban hành.
– Vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, dân Vajji có kính trọng và nghe lời những bậc tôn trưởng của họ không?
– Bạch Thế Tôn, con nghe họ rất kính trọng và nghe lời các vị tôn trưởng của họ.
– Vậy thì nước họ vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có nghe trong nước họ có những vụ bạo động, trộm cướp, giết hại lẫn nhau không?
– Bạch Thế Tôn, những vụ bạo động, trộm cướp, giết hại lẫn nhau rất ít khi xảy ra.
– Vậy thì nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có nghe dân Vajji còn biết bảo vệ tông miếu và di sản của tổ tiên họ không?
– Bạch Thế Tôn, con nghe họ vẫn còn biết bảo vệ tông miếu và di sản của tổ tiên họ.
– Vậy thì, này Ananda, nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Thầy có nghe dân Vajji biết tôn kính, cúng dường và chịu học hỏi theo các thánh nhân tu sĩ không?
– Bạch Thế Tôn, cho đến ngày nay họ vẫn rất tôn kính, thường cúng dường và thích học hỏi với các thánh nhân tu sĩ.
– Này Ananda, vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn cường thịnh, chưa bị suy đồi. Khi xưa Như Lai đã từng có dịp chỉ dạy cho giới lãnh đạo ở Vesali về bảy yếu tố giữ gìn cho quốc gia không bị suy thoái, gọi là Thất Bất Thoái Pháp. Bảy điều đó là:
1/ Chuyên cần hội họp;
2/ Hòa thuận và đoàn kết;
3/ Tôn trọng luật lệ đã ban hành;
4/ Kính trọng và nghe lời các bậc tôn trưởng;
5/ Không bạo động với cấp trên hoặc hiếp đáp cấp dưới;
6/ Biết bảo vệ di sản của tổ tiên;
7/ Tôn kính và học hỏi với các vị hiền thánh.
Ananda, thì ra đến ngày nay họ vẫn còn thi hành bảy phép bất thoái ấy. Vì vậy Như Lai nghĩ rằng nước Vajji vẫn còn cường thịnh, chưa bị suy yếu. Nước Magadha dù có binh hùng tướng mạnh cũng khó đánh chiếm được.
Ðại thần Vassakara nói:
– Bạch Thế Tôn, dân Vajji chỉ cần thực hành một vài điều trong bảy điều Phật dạy cũng đủ làm cho nước họ cường thịnh rồi, huống chi họ thực hành cả bảy phép Bất Thoái. Thưa Thế Tôn, con nghĩ vua Ajatasattu không thể thắng được dân Vajji bằng vũ lực đâu. Vua chỉ có thể thắng họ nếu gieo được mầm móng chia rẽ trong giới lãnh đạo của họ. Con xin cảm tạ Thế Tôn và xin lui bước về triều phục lệnh.
Sau khi đại thần Vassakara rút lui, Phật than thở với Ananda:
– Vị đại thần này có nhiều mưu chước lắm. Chắc trong tương lai Ajatasattu sẽ cử binh đánh chiếm nước Vajji.
Phật dạy Bảy Pháp Bất Thối để giữ gìn chánh pháp
Chiều hôm ấy, Phật bảo thầy Ananda cho triệu tập tất cả các vị khất sĩ có mặt ở thủ đô Rajagriha và trong các vùng phụ cận về Griddhakuta (Linh-Thứu).
Trong vòng ba ngày đã có gần hai ngàn khất sĩ nam nữ quy tụ về vùng núi Griddhakuta. Màu áo cà-sa vàng rực rỡ tràn ngập cả ngọn đồi. Từ xa nhìn lại, người ta có cảm tưởng núi Griddhakuta là một cụm hoa cúc vàng vĩ đại.
Vào khoảng bốn giờ chiều, mặt trời vừa xế bóng, đức Phật đứng trên đỉnh Griddhakuta nhìn xuống, ngài cất tiếng chào hỏi các vị khất sĩ, giọng ngài trong trẻo và vang xa như tiếng chuông đồng, ngài nói:
– Này các thầy, Như Lai đã lớn tuổi rồi, sức khỏe của Như Lai đã suy giảm, không còn được như xưa, nên hôm nay Như Lai mời các thầy tập họp về đây để chỉ cho các thầy bảy phương pháp để giữ gìn cho Chánh Pháp và Giáo Ðoàn không bị suy thoái. Các thầy hãy lắng nghe cho kỹ.
1- Thứ nhất là các thầy nên thường xuyên gặp mặt nhau trong các buổi hội họp đông đủ để cùng nhau học hỏi và luận bàn về Chánh Pháp.
2- Thứ hai là các thầy nên tới họp với tinh thần hòa hợp và đoàn kết, và lúc chia tay nhau cũng với tinh thần hòa hợp và đoàn kết.
3- Thứ ba là phải cùng nhau tôn trọng và sống theo tinh thần pháp chế và giới luật đã được ban hành.
4- Thứ tư là biết tôn trọng và vâng lời các bậc trưởng lão có đạo đức và kinh nghiệm trong giáo đoàn.
5- Thứ năm là có một nếp sống thanh đạm và giản dị, đừng để bị lôi cuốn vào tham dục.
6- Thứ sáu là biết quý trọng sự im lặng.
7- Thứ bảy là biết an trú trong chánh niệm để thực hiện an lạc và giải thoát, làm chỗ nương tựa cho các bạn đồng tu.
Này các thầy, chừng nào mà Bảy Pháp Bất Thối nói trên còn được thực hành đúng đắn thì chánh pháp còn được hưng thịnh và giáo đoàn không bị suy thoái. Không một yếu tố nào bên ngoài có thể phá hoại được giáo đoàn. Chỉ có những phần tử bên trong giáo đoàn mới làm cho giáo đoàn tan rã mà thôi.
Này các thầy, khi con sư tử chúa chốn sơn lâm ngã quỵ, không có một loài nào dám đến ăn thịt nó. Chỉ có những con ký sinh trùng phát sinh từ bên trong cơ thể của sư tử mới ăn thịt được sư tử mà thôi. Các vị hãy bảo vệ chánh pháp bằng cách sống theo Bảy Pháp Bất Thối, đừng bao giờ tự biến mình thành loài côn trùng trong cơ thể của con sư tử.
Sau khi giảng về bảy pháp bất thối, Phật dặn dò các vị khất sĩ không nên bỏ phí thì giờ quý báu của mình vào các câu chuyện phiếm hoặc những cuộc hý luận vô bổ, đừng lười biếng, đừng chạy theo danh lợi và tham dục, đừng thân cận với những người xấu ác, đừng tự mãn với những kiến thức và trình độ chứng đắc thấp thỏi; trái lại nên thân cận với những vị khất sĩ có nhiều kinh nghiệm, với những thiện tri thức để học hỏi thêm về Bát Chánh Ðạo vì đó là kho tàng tri kiến vô tận của chư Phật.
Phật nhắc lại giáo lý bảy yếu tố giác ngộ (Thất Giác Chi hay Thất Bồ-Ðề Phần) như con đường mà mỗi vị khất sĩ đều phải đi: Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Ðịnh, Xả. Rồi Phật nhắc nhở các vị khất sĩ còn sơ cơ nên tinh cần thực hành bốn phép quán (Tứ Niệm Xứ): Thân bất tịnh, Thọ là khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã; và sáu phép thiền (Lục Diệu Pháp Môn): Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh[24].
Gần hai ngàn vị khất sĩ rất sung sướng được sống với Phật mười ngày trên núi Griddhakuta, và mỗi ngày được nghe chính từ kim khẩu đức Phật nhắc nhở và tóm lược những điều ngài đã dạy và chỉ điểm thêm những chỗ khó hiểu. Họ cư trú khắp nơi trên núi Griddhakuta và vùng lân cận, nơi cội cây, hang đá, am thất, khe suối, một số đông cư trú trong vườn xoài của y sĩ Jivaka. Ðến ngày thứ mười, Phật từ giã các vị khất sĩ, khuyên họ trở về trú sở để hành đạo, chỉ có các vị thường trú tại Linh Thứu còn ở lại mà thôi.
Các vị khất sĩ đi rồi, Phật đứng thật lâu trên đỉnh núi nhìn khắp phong cảnh tĩnh mịch của rừng núi chung quanh. Mặt trời lần lần khuất bóng sau ngọn núi phía tây. Phật bảo Thượng tọa Ananda:
– Này Ananda, ngày mai chúng ta sẽ đi Venuvana (Trúc Lâm).

Sariputta ca ngợi Phật[25]

Sau khi thăm viếng tinh xá Venuvana trong hai ngày, Phật từ giã thủ đô Rajagriha đi về khu lâm viên Ambalatthika. Ambalatthika xưa kia cũng là một nơi nghỉ mát của vua Bimbisara; về sau, Phật và các vị khất sĩ, trên đường đi Nalanda, thường ghé nghỉ chân. Hai thầy trò Sariputta và Rahula ngày xưa cũng thường cư trú tại đây. Sau khi thăm viếng và ủy lạo các vị khất sĩ, Phật rời Ambalatthika đi Nalanda. Ðoàn khất sĩ đi theo Phật có chừng một trăm vị. Các Thượng tọa Ananda, Sariputta và Anuruddha theo sát bên Phật. Tới Nalanda, Phật nghỉ ở vườn xoài Pavarika. Sáng ngày hôm sau Thượng tọa Sariputta đến ngồi im lặng bên Phật hồi lâu rồi bỗng nhiên Thượng tọa mở lời:
– Bạch Thế Tôn, con thiết nghĩ trong quá khứ, trong hiện tại và trong cả tương lai, không thể có một vị sa-môn hay Bà-la-môn nào có được trí huệ và sự chứng đắc siêu việt hơn Thế Tôn.
– Này Sariputta, lời nói đó của thầy thật là táo bạo. Thầy đã gặp và đã biết tất cả các bậc giác ngộ trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai chưa mà dám nói như thế?
– Bạch Thế Tôn, làm gì mà con gặp được tất cả các bậc giác ngộ trong ba đời. Nhưng có một điều con biết chắc là con sống thân cận với Thế Tôn đã trên bốn mươi năm. Không những con được nghe lời Thế Tôn dạy dỗ mà con còn được nhìn thấy Thế Tôn sống như thế nào. Quả thật Thế Tôn đã sống thường trực trong tỉnh thức và chánh niệm. Sáu căn được Thế Tôn hộ trì một cách tuyệt hảo. Không bao giờ có một vết nhỏ của năm thứ che ngăn là tham dục, oán giận, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi được nhận thấy trong sinh hoạt hằng ngày của Thế Tôn. Vì thế con nghĩ rằng các bậc thánh nhân trong quá khứ, hiện tại và tương lai, khi đạt tới sự giác ngộ cùng tột thì trí huệ và sự chứng đắc cũng chỉ bằng Thế Tôn mà thôi, chứ làm sao cao hơn được.
– Này Sariputta, thầy đã khéo suy luận, nhưng tốt hơn hết là nên giữ gìn chánh niệm, không nên suy nghĩ gì.
Tại Nalanda, Phật giảng dạy thêm cho đại chúng về ba môn tu học chính yếu (tam vô lậu học) là Giới, Ðịnh và Huệ. Phật bảo ba môn Giới, Ðịnh, Huệ phải được tu tập song song với nhau thì kết quả mới được nhanh chóng.
Rời Nalanda, Phật đi về Pataliputta. Tại đây Phật và các vị khất sĩ được rất nhiều giới cư sĩ ra đón tiếp và thỉnh về tư gia của họ để cúng dường và được nghe thuyết pháp.
Bà Rupa-Sari, mẹ Thượng tọa Sariputta bệnh nặng
Trước khi lên đường đi Pataliputta, Thượng tọa Sariputta đến từ giã Phật để về quê thăm mẹ. Thượng tọa vừa được tin bà Rupa-Sari đang bệnh nặng, e khó qua khỏi. Năm nay bà đã trên trăm tuổi. Thượng tọa lạy Phật ba lạy rồi cùng chú sa-di Cunda đi về làng Upatissa (Nalaka), thuộc quận Nalanda.

Cổng thành và bến đò Gotama tại Pataliputta[26]

Lúc Phật và đoàn khất sĩ sắp rời Pataliputta, vừa ra tới cửa thành phía bắc thì có hai vị đại thần xứ Magadha là Sunidha và Vassakara tới trình diện. Họ được vua Ajatasattu phái tới đây để nghiên cứu và phát triển thành phố Pataliputta (còn gọi là Pataligama, hiện nay là Patna) thành một đô thị lớn, vừa để phát triển kinh tế xứ Magadha, vừa làm thành trì ngăn chận sự xâm nhập của xứ Vajji. Hai vị đại thần vui mừng nói:
– Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Chúng con vừa xây cất lại cổng thành và bến đò gần xong thì tình cờ được Thế Tôn đến viếng. Vậy chúng con xin phép Thế Tôn được đặt tên cho cổng thành này là cổng Gotama. Chúng con cũng xin phép được đưa Thế Tôn và giáo đoàn đến bến đò mới để qua sông Ganga. Và chúng con cũng xin đặt tên cho bến đò này là bến đò Gotama.
– Quý vị cứ tùy nghi. Pataliputta này sẽ trở nên một thị trấn thương mãi phồn thịnh, nhưng về sau sẽ không tránh khỏi ba hiểm họa lớn là hỏa hoạn, ngập lụt và chiến tranh. Quý vị nên sáng suốt, thận trọng và gieo trồng nhiều phước đức để được chư thiên phò trợ.
Sông Hằng mùa này nước dâng cao gần tới mé bờ. Hai vị đại thần cho gọi năm chiếc đò ngang lớn để đưa Phật[27] và giáo đoàn sang sông một lượt.

[1] Vua Suddhodana (Tịnh-Phạn) băng hà vào năm -585, thọ 81 tuổi.
[2] Tỳ-kheo Uruvela Kassapa (Ưu-Lầu-Tần-Loa Ca-Diếp) nhập diệt vào khoảng năm -584, thọ 125 tuổi.
[3] Vua Suppabuddha (Thiện-Giác Vương) băng hà vào năm -575.
[4] Vua Bimbisara (Tần-Bà-Ta-La, Bình-Sa Vương) băng hà vào năm -553, thọ 66 tuổi.
[5] Ni sư Maha-Pajapati (Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Ðề) nhập diệt vào năm -548, thọ 117 tuổi.
[6] Tỳ-kheo Rahula (La-Hầu-La) nhập diệt vào khoảng năm -547, thọ 48 tuổi.
[7] Vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) băng hà vào năm -546, thọ 78 tuổi.
[8] Tỳ-Kheo Moggallana (Mục-Kiền-Liên) nhập diệt năm -546.
[9] Ni sư Yasodhara (Da-Du-Ðà-La) nhập diệt vào năm -546, thọ 78 tuổi.
[10] Tỳ-kheo Sariputta (Xá-Lợi-Phất) nhập diệt năm -545.
[11] Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 43; Majjhima-nikaya 89: Dhammacetiya-sutta; Trung A-Hàm 213.
[12] Hoàng tử Virudhaka (Vidudabha) vừa được 26 tuổi, là con của vua Pasenadi với thứ hậu Visabhaksatriya, con gái của vua Mahanama với một người tỳ nữ.
[13] Hai câu hỏi trên đây trích trong The Life of Buddha as Legend and History, trang 213. Xem Majjhima-nikaya 90: Kannakatthala-sutta.
[14] Xem Majjhima nikaya 89: Dhammacetiya-sutta.
[15] Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 43-46; Tăng Nhất A-hàm 26, 266; Tỳ-nại-da Tạp Sự 7; Luật Ngũ Phần 21; Luật Tứ Phần 41; Kinh Ðại Bát Niết Bàn, phẩm Phạm-Hạnh, trang 427.
[16] Lúc 7 tuổi, Vidudabha xin phép cha mẹ về Kapilavastu thăm ông bà ngoại, mong được cưng chìu và cho quà. Gặp lúc triều đình đang lập trai đàn thỉnh Phật thuyết pháp, Vidudabha leo lên pháp tòa ngồi chơi, bị những người Sakya mắng là “kẻ nô tỳ mà dám to gan”, đuổi đi, rồi dùng nước và sữa để tẩy sạch pháp tòa. Vidudabha tức giận lắm, nguyện sau này sẽ dùng máu của dòng họ Sakya để tẩy sạch ghế của mình.
[17] Có tài liệu cho rằng Vidudabha bắt 500 cô gái xinh đẹp dòng Sakya để vui thú . Bị chống cự mãnh liệt, ông ta tức giận sai chặt hết tay chân rồi ném xuống hầm. Khi đức Phật và các vị tỳ-kheo đến nơi, Phật thuyết pháp cho 500 cô gái bị nạn nghe, khiến họ đều được pháp nhãn thanh tịnh và được sanh lên cõi trời. Lại có tài liệu nói rằng trong khi Kapilavastu đang bị tấn công, Thượng tọa Moggallana dùng thần thông hiện đến cứu một số người ưu tú dòng Sakya, để vào bình bát bay đi, nhưng đến khi mở nắp bình bát ra thì chỉ thấy toàn là máu.
[18] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 141-142; Buddhist Legends, quyển II, trang 304-308.
[19] Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 306-308.
[20] Có tài liệu cho rằng Devadatta muốn hại Phật nên để chất độc vào các đầu móng tay, rồi giả đến đảnh lễ Phật để sám hối, mong thừa dịp dùng móng tay cào bàn chân Phật cho chất độc ngấm vào. Không dè chính Devadatta bị chất độc ngấm vào trước. Có tài liệu lại cho rằng sau khi để chất độc vào móng tay, Devadatta tìm đến Jetavana để hại Phật, không dè vừa đến gần cổng tinh xá thì bị sụp hố chết. Hiện nay gần cổng tinh xá Jetavana còn di tích “hồ nước Devadatta” (Devadatta’s pond). Theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì Phật thọ ký cho Devadatta sẽ thành Phật hiệu là Devaraja.
[21] Xem Majjhima-nikaya 29: Maha-Saropama-sutta.
[22] Xem Digha-nikaya 16; Trường A-Hàm 2.
[23] Xứ Vajji thời bấy giờ đã có thể chế Dân Chủ Cộng Hòa rất tốt đẹp; tổng thống Cedaga Licchavi và các chức sắc trong xứ đều do dân cử bằng cách phổ thông đầu phiếu.
[24] Lục Diệu Pháp Môn: Sổ là phép đếm hơi thở để trừ phiền não; dùng tâm điều khiển hơi thở vào, ngưng, ra, đếm một … Tùy là để hơi thở tự do ra vào nhẹ nhàng, không đếm, nhưng để tâm theo dõi để biết lúc nào thở ra, lúc nào thở vào, lúc nào ngưng, quán xem động cơ nào điều động hơi thở. Chỉ là dừng vọng tưởng bằng cách tập trung tư tưởng vào một nơi trên cơ thể như đỉnh đầu, tam tinh, chóp mũi, tim, rún, lòng bàn tay. Quán là suy nghĩ trong yên lặng để tìm thật tướng, thật tánh, thật thể của sự vật (các pháp). Hoàn là quán sát tâm mình xem đã hết vọng tưởng và phiền não chưa. Tịnh là xả hết, không chỉ không quán, để tâm an nhiên thanh tịnh, không nghĩ tưởng. Trong khi thực hành Chỉ mà có vọng tưởng nổi lên thì dùng Quán để trừ. Xong rồi thực hành Hoàn để xem tâm mình đã hết vọng tưởng đó chưa. Nếu hết thì chuyển sang Tịnh (Xả), nếu còn thì tiếp tục dùng Quán để trừ.
[25] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 548-549; Digha-nikaya 28: Sampasadaniya-sutta; Digha-nikaya 16: Maha-Parinibbana-sutta; Trường A-hàm 2: Kinh Du Hành; Mahavastu.
[26] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 143.
[27] Theo tài liệu của Nam Tông thì đức Phật dùng thần thông cùng chư đệ tử sang sông trong lúc hai vị đại thần đang chuẩn bị đò.

2- Hạ 45 tại làng Beluva gần Vesali[1] (năm -545)

Sau khi qua sông Ganga tại Pataliputta, Phật và giáo đoàn đi tới Kotigama. Phật ở lại Kotigama vài ngày để chỉ dạy cho một số đông khất sĩ tại đây về cách thực hành Tứ Diệu Ðế để chấm dứt đau khổ luân hồi, rồi Phật lại đi đến làng Nadika. Nơi đây Phật và giáo đoàn nghỉ tại một ngôi nhà xây bằng gạch gọi là Ginjakavasatha. Tại đây, nhân dịp Thượng tọa Ananda hỏi thăm Phật về những vị đệ tử đã mệnh chung tại vùng này, trong số đó có nữ khất sĩ Sundari Nanda, em gái của Phật, các vị khất sĩ Salha, Nadika, nữ cư sĩ Sujata ngày xưa đã dâng bát cháo sữa cho Phật, và các cư sĩ Kakudha, Bhadda, Subhadda, … Phật nói những vị vừa kể cùng với khoảng năm mươi vị khác đã từng sinh sống tại đây đều đã chứng được các quả vị từ nhập lưu (sotapanna) đến bất hoàn (anagami), có hai vị khất sĩ đã chứng quả A-la-hán. Phật dạy người tu hành nào thông hiểu và vững tin nơi Phật, Pháp, Tăng đều có thể nhìn vào Gương Chánh Pháp[2] (Dhammadasa) rồi tự quán xét tâm mình để biết mình có được vào dòng giải thoát chưa, không cần phải hỏi ai khác.

Phật bệnh nặng tại Beluva, gần Vesali[3]

Rời Nadika, Phật và giáo đoàn tới thủ đô phồn thịnh Vesali của xứ Vajji, ngụ tại vườn xoài của bà Ambapali trong làng Amvara. Bà Ambapali thiết lễ cúng dường trai tăng ngày hôm sau. Trong buổi lễ bà dâng cúng khu vườn xoài của bà cho giáo đoàn khất sĩ dùng làm tinh xá, và bà cũng xin được xuất gia, về sau đắc quả A-la-hán.
Vài ngày sau, Phật rời Vesali đi tới làng Beluvagamaka (hiện nay là Basarli) thuộc ngoại ô thủ đô Vesali. Cơn mưa đầu tiên đổ xuống, kéo dài gần hai ngày. Phật quyết định an cư năm nay tại làng Beluva này, và khuyên các vị khất sĩ trong đoàn nên nhập hạ bên trong hoặc xung quanh thành Vesali vì làng Beluva không có nơi thuận lợi để giáo đoàn có thể nhập hạ chung. Ðây là mùa an cư thứ 45 sau ngày Phật thành đạo tại Bodh-Gaya, và cũng là mùa an cư cuối cùng của đức Phật.
Giữa mùa an cư năm nay Phật bị bệnh nặng. Thân thể người đau đớn vô cùng. Người nằm yên, không hề rên siết, giữ vững chánh niệm và hơi thở. Mọi người nghĩ rằng Phật sẽ không qua khỏi. Nhưng không ngờ sau một tuần, Phật vượt qua được cơn đau. Sức khỏe dần dần hồi phục. Vài ngày sau Phật tự đứng dậy được, đi ra khỏi am, đến ngồi trên một tảng đá trước am để phơi nắng.

Phật dạy nương tựa nơi tự tính Tam Bảo[4]

Thượng tọa Ananda đến ngồi bên cạnh Phật, nói:
– Bạch Thế Tôn, bốn mươi mấy năm nay con chưa từng thấy Thế Tôn bệnh nặng như lần này. Hôm Thế Tôn nằm im lìm suốt ngày không động đậy, con cảm thấy bủn rủn cả tay chân. Ðầu óc của con lúc ấy không được sáng suốt, con nghĩ rằng Thế Tôn sẽ không qua khỏi. Nhưng con lại tự nhủ thầm: Ðức Thế Tôn chưa di chúc gì hết cho giáo đoàn khất sĩ thì chắc Thế Tôn chưa nhập niết-bàn đâu. Nhờ nghĩ như vậy mà con an tâm được phần nào.
– Này Ananda, giáo đoàn khất sĩ còn chờ đợi gì ở Như Lai nữa mà thầy bảo là Như Lai phải để lại di chúc? Chánh pháp đã được Như Lai giảng bày cặn kẽ cho mọi người, có điều gì cần cho sự tu tập giải thoát mà Như Lai còn chưa chỉ dạy cho quý vị đâu?
Này Ananda, chỗ nương tựa của giáo đoàn là Chánh Pháp, không phải ở một vị Giáo Chủ. Các thầy đừng đi tìm một chỗ nương tựa nào khác ngoài Chánh Pháp. Mỗi người phải tự lấy Chánh Pháp làm nơi nương tựa. Phải sống theo Chánh Pháp. Phải biết sống theo tự tâm thanh tịnh của chính mình. Này Ananda, Phật, Pháp, Tăng đều có sẵn trong mỗi người chúng ta: khả năng giác ngộ là Phật, pháp môn tu học là Pháp, tinh tấn thực hành là Tăng. Không ai có thể cướp giật Phật, Pháp, Tăng ra khỏi thân tâm quí thầy được. Dù trời đất có nghiêng ngã, tự tính Tam Bảo nơi mỗi người vẫn còn nguyên vẹn. Ðó là nơi nương tựa an ổn nhất của quí thầy. Vị khất sĩ trở về an trú trong chánh niệm, quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng của tâm ý, đó là vị khất sĩ đang có nơi nương tựa vững chãi nhất. Một người khác, dù là giáo chủ, thượng thủ hay bổn sư của mình, cũng vẫn không phải là chỗ nương tựa vững chãi hơn tự tính Tam Bảo sẵn có nơi mỗi người.
Này Ananda, những gì cần biết Như Lai đã chỉ dạy đầy đủ. Ngọn đuốc Chánh Pháp Như Lai đã làm sẵn. Các thầy hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.
Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng có người nào phải lãnh đạo Giáo Ðoàn Khất Sĩ, hoặc Giáo Ðoàn Khất Sĩ phải tùy thuộc nơi người nào. Tại sao Như Lai phải để lại di chúc về Giáo Ðoàn?
Này Ananda, bây giờ Như Lai đã kiệt lực, già yếu và gần đến ngày lìa trần. Như Lai đã gần tám mươi tuổi rồi, không khác nào một cỗ xe quá cũ kỹ phải cần có những sợi dây để cột lại các bộ phận, giữ cho nó khỏi rời ra. Thân của Như Lai hiện nay cũng cần có những sợi dây thừng tương tợ[5].
Này Ananda, chừng nào Như Lai không còn nghĩ gì đến sự vật xung quanh, mọi cảm thọ đều chấm dứt, tâm hoàn toàn an trụ và bất động, chừng đó thân của Như Lai mới thật là thoải mái.

Thượng tọa Sariputta viên tịch tại Nalaka[6]

Vào cuối mùa an cư thứ 45, sức khỏe của Phật đã được hồi phục. Một buổi sáng, chú tiểu Cunda, thị giả của Thượng tọa Sariputta, đi từ làng Upatissa (Nalaka), quận Nalanda, đến làng Beluva, bước vào am của Thượng tọa Ananda với nét mặt mệt mỏi vì đường xa. Vừa trông thấy Thượng tọa Ananda, chú khóc nức nở, nước mắt ràng rụa trên đôi má bám đầy bụi đất. Chú cuối xuống đảnh lễ Thượng tọa Ananda, rồi đứng lên thò tay vào đãy lấy ra hai chiếc cà-sa, một bình bát và một bình đựng tro xương xá lợi của Thượng tọa Sariputta. Chú nức nở khóc, không nói nên lời. Mà chú cũng chẳng cần nói gì. Vừa thấy chú bước vào, Thượng tọa Ananda đã hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Thượng tọa ôm chú sa-di vào lòng, để chú khóc một hồi rồi dắt chú ra ngồi dưới gốc cây trước cửa am. Chú sa-di Cunda đã bớt khóc, chú bắt đầu kể:
Thượng tọa Sariputta về đến làng Upatissa thăm mẹ là bà Rupa-Sari, thuyết pháp cho bà nghe. Sau khi nghe xong bà đắc quả Tu-đà-hoàn. Thượng tọa đã săn sóc bà cho đến khi bà lâm chung. Sau lễ trà tỳ của bà Sari, sẵn có mặt đầy đủ bà con và dân cư quen biết trong làng, Thượng tọa lại thuyết pháp cho họ nghe. Mọi người đều chăm chú lắng nghe vì Thượng tọa nói hay lắm. Thượng tọa giảng về cuộc đời là vô thường và dẫy đầy những thống khổ về thân cũng như về tâm, Chánh Pháp là con đường duy nhất có thể đưa con người ra khỏi biển khổ sanh tử để đến niết-bàn an lạc thanh tịnh. Sau thời pháp, Thượng tọa làm lễ quy y Tam Bảo cho gần mười người. Rồi đêm đó, nhằm đêm trăng tròn tháng Kattika (11 dl) Thượng tọa ngồi nhập định trong tư thế kiết già trong phòng nơi ngài sinh ra. Ðến sáng sớm hôm sau, chú Cunda mới biết là Thượng tọa Sariputta đã nhập diệt có lẽ vào lúc nửa đêm. Trước đó Thượng tọa có nói là Thượng tọa muốn nhập diệt trước Phật, và dặn Cunda nên đem y bát và xá lợi của Thượng tọa đến trình Phật và xin Phật cho chú đi theo kề cận ngài.
Thượng tọa Ananda lau nước mắt, đứng dậy, dắt chú tiểu Cunda đi gặp Phật, đem theo cà-sa, bình bát và bình xá lợi của Thượng tọa Sariputta. Phật đứng lặng yên nhìn cà-sa, bình bát và bình xá lợi của vị đệ nhất đệ tử. Một lúc lâu sau, Phật xoa đầu chú Cunda, rồi bảo Thượng tọa Ananda thu xếp cho chú được đi theo kề cận Phật. Thượng tọa Ananda nói:
– Bạch Thế Tôn, khi con nghe tin sư huynh viên tịch, con thấy bủn rủn cả chân tay, và đầu óc con mất hết sáng suốt. Con buồn quá.
– Này Ananda, sư huynh của thầy khi nhập diệt có mang theo hết giới, định, huệ và sự giải thoát của thầy đâu?
– Bạch Thế Tôn, không phải như thế. Con nghĩ sư huynh Sariputta lúc còn sanh tiền đã phục vụ Chánh pháp và Thế Tôn rất đắc lực trong mọi lãnh vực, từ việc hoằng pháp đến việc tổ chức an cư kiết hạ và hướng dẫn chúng con mỗi khi ai có điều gì chưa hiểu rõ hoặc chưa biết cách thực tập thế nào cho đúng phép. Bây giờ cả hai sư huynh Moggallana và Sariputta đều không còn nữa. Giáo đoàn đã bị mất mát lớn. Chúng con cảm thấy trống trải, bơ vơ, thương tiếc một vị sư huynh từng ân cần lo lắng chỉ dạy cho chúng con mỗi khi Thế Tôn vắng mặt.
– Này Ananda, Như Lai đã nhiều lần nhắc nhở thầy là hễ có sanh thì có diệt, có hội ngộ thì có phân ly. Các pháp hữu vi đều như thế, biến đổi không dừng, thành, trụ, hoại, không. Chúng ta nên xem các pháp hữu vi như giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ, như hình ảnh trong bong bóng nước, như tia chớp khi trời mưa, như hoa đốm giữa hư không. Nhưng nếu chúng ta biết sống với thực thể, thực tánh của vạn vật, chúng ta sẽ thấy vạn vật cùng một thể tánh, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm[7]. Này Ananda, hai vị sư huynh của thầy không hề mất. Tinh thần Moggallana và Sariputta vẫn còn đó, sự nghiệp của Moggallana và Sariputta vẫn còn đó, tư tưởng và lời nói của Moggallana và Sariputta vẫn còn đó, nơi thầy, nơi Như Lai, nơi các vị khất sĩ, nơi chú tiểu Cunda, nơi các tinh xá, nơi các lối đi, nơi cội cây, nơi bãi cỏ, ở khắp mọi nơi. Này Ananda, thầy hãy bình tâm, dừng vọng tưởng, để nhìn thấy bản thể thanh tịnh trường tồn của hai vị sư huynh của thầy. Này Ananda, Sariputta là giác ngộ, là trí tuệ và tình thương rộng lớn, chứ Sariputta nào phải là mớ tro tàn trong bình đựng xá lợi này đâu. Này Ananda, thầy không nên để tâm mình bị vướng mắc vào các pháp hữu vi. Thầy nên biết Yasodhara là tình thương, Sudatta là nguyện lớn, Moggallana là hiếu thảo, Mahakassapa là tri túc, Punna Mantaniputta là hoằng pháp, Anuruddha là tinh tấn. Có bao giờ những tinh thần đó biến mất trên thế gian này đâu.
Vua xứ Kosala được tin, sai sứ đến thỉnh y bát và xá lợi của Thượng tọa Sariputta về Sravasti và xây tháp thờ tại Jetavana[8]. Về sau, dân làng và Phật tử cũng có xây một tháp khổng lồ bằng gạch thờ ngài Sariputta tại viện Ðại Học Phật Giáo Nalanda.

3- Phật nhập niết-bàn tại Kusinagar [9] (năm -544)

Phật báo tin sẽ nhập diệt trong ba tháng[10]

Một hôm, sau khi mãn hạ, Phật và Ananda từ Beluva vào thành Vesali khất thực, thọ trai ở một cụm rừng. Phật bảo:
– Ananda, chúng ta hãy đến đền Capala để nghỉ trưa.
Trên đường đi, Phật dừng lại nhiều lần để ngắm phong cảnh. Phật nói:
– Ananda, Vesali thật là đẹp. Ðền Udena cũng đẹp. Các ngôi đền khác trong vùng như Gotamaka, Sattanbaka và Bahuputta cũng đều là những ngôi đền đẹp. Ðền Capala mà chúng ta sắp đến cũng xinh lắm.
Nhưng Thượng tọa Ananda đang mãi âu sầu, đau đớn về sự vĩnh biệt của Thượng tọa Sariputta, không còn để ý gì đến cảnh vật chung quanh. Ði một lúc, đức Phật lại nói:
– Này Ananda, thầy có biết không? Người nào đã trau giồi và phát triển đầy đủ các đức hạnh, thực hành đầy đủ các nguyện lớn, chứng nghiệm đầy đủ thực tại an lạc thanh tịnh, có đủ các thiện phương tiện, người ấy, nếu muốn, có thể sống đến trăm tuổi hay có thể thêm chút ít. Này Ananda, Như Lai đã trau giồi và phát triển đầy đủ các đức hạnh, thực hành đầy đủ các nguyện lớn, chứng nghiệm đầy đủ thực tại an lạc thanh tịnh, có đủ các thiện phương tiện. Nếu muốn, Như Lai có thể sống đến trăm tuổi, hay có thể thêm chút ít.
– Bạch Thế Tôn, vâng.
Thượng tọa Ananda đang mơ màng nhớ đến những kỷ niệm tốt đẹp với Thượng tọa Sariputta. Thầy không biết rõ đức Phật đã nói gì và thầy đã đáp như thế nào. Sau này thầy rất ân hận đã bỏ lỡ cơ hội để xin Phật trụ thế thêm vài chục năm nữa.
Ðến đền Capala, sau khi sắp đặt chỗ nghỉ cho Phật, Thượng tọa Ananda đi ra ngoài để thiền hành. Trong khi đang thiền hành, Thượng tọa bỗng nhận thấy đất đai rung động dữ dội làm tâm thần thầy cũng bị chấn động theo. Thượng tọa vội trở về đền Capala, thấy Phật đang ngồi yên tĩnh trong đền. Thượng tọa Ananda trình bày hiện tượng động đất vừa xảy ra và hỏi lý do. Phật bảo:
– Này Ananda, có tám nguyên nhân làm cho đại địa chấn động: Thứ nhất là vì đất nương trên nước, nước nương trên gió, gió nương vào không gian, nên khi gió thổi làm nước động, nước làm đất động. Thứ hai là khi một tu sĩ đắc thần thông hay khi một vị trời có thần lực thực hành phép quán địa đại hay phép quán thủy đại. Thứ ba, thứ tư và thứ năm là khi một vị Bồ-tát nhập thai, sinh ra, hay thành đạo. Thứ sáu là khi Phật chuyển pháp luân. Thứ bảy là khi Phật quyết định nhập diệt. Thứ tám là khi Phật nhập Ðại-bát Niết-bàn.
Này Ananda, Như Lai đã quyết định rồi. Trong ba tháng nữa Như Lai sẽ diệt độ.
Thượng tọa Ananda bỗng thấy tay chân bủn rủn, mắt hoa, đầu choáng váng. Thượng tọa vội quỳ xuống trước Phật và năn nỉ:
– Xin đức Thế Tôn đừng diệt độ sớm như thế. Xin đức Thế Tôn thương xót chúng con.
Phật ngồi im lặng. Thầy Ananda lặp lại lời thỉnh cầu tới lần thứ ba. Phật nói:
– Ðủ rồi, Ananda, không nên khẩn cầu Như Lai. Thời gian cầu khẩn ấy đã qua. Này Ananda, nếu thầy có đức tin nơi Như Lai thì thầy nên biết rằng những quyết định của Như Lai là những quyết định hợp thời và hợp cơ duyên. Như Lai đã nói là Như Lai sẽ diệt độ trong ba tháng nữa. Thầy hãy cho mời tất cả các vị khất sĩ trong vùng quy tụ về giảng đường Kutagara (Trùng Các) ở Mahavana (Ðại Lâm). Bảy ngày nữa Như Lai sẽ thông báo quyết định này cho đại chúng.
Ðến ngày thứ bảy, trên một ngàn năm trăm vị khất sĩ và nữ khất sĩ tụ tập tại giảng đường Kutagara. Ðức Phật được thỉnh vào ngồi trên pháp tòa. Phật đưa mắt nhìn đại chúng rồi lên tiếng:
– Này các vị khất sĩ, Những gì Như Lai đã thực chứng và đã trao truyền lại cho quý vị, quý vị hãy thận trọng giữ gìn, chuyên cần học hỏi, tu tập để chứng nghiệm, và hãy khéo léo truyền đạt lại cho những thế hệ tương lai. Nếp sống phạm hạnh cần được nối tiếp vì sự an lạc và hạnh phúc của muôn loài.
Này các vị khất sĩ, những pháp môn tu mà Như Lai đã truyền đạt lại cho quý vị tuy nhiều, nhưng có thể tóm lược trong 37 phẩm trợ đạo. Các pháp môn như Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Ðạo, các vị phải chuyên cần học hỏi, tu tập để thực chứng, rồi khéo léo truyền đạt lại cho người khác.
Này các vị, Như Lai đã thường nói các pháp hữu vi đều vô thường, có sanh có diệt, có hợp có tan. Các vị hãy tinh tiến lên để đạt tới giải thoát. Ba tháng nữa Như Lai sẽ diệt độ. Vậy còn điều gì nghi ngờ hoặc chưa hiểu rõ, các vị hãy tự mình nêu lên hay nhờ người khác nêu lên để Như Lai phương tiện giải thích cho, đừng để quá muộn.
Hơn một ngàn năm trăm vị khất sĩ ngồi im lặng nghe Phật nói. Nghe Phật sắp diệt độ, ai nấy đều đau lòng. Có nhiều vị thút thít khóc. Có nhiều vị lấy khăn lau nước mắt. Không ai còn lòng dạ nào nêu lên những câu thắc mắc trong lúc này.

Bát cháo nấm của người thợ rèn[11] Cunda[12]

Sáng hôm sau, Phật đi vào thủ đô Vesali khất thực. Khất thực xong Phật ghé vào một cụm rừng để thọ trai. Sau đó Phật cùng các vị khất sĩ rời thủ đô Vesali, đi về hướng tây bắc, dọc theo bờ sông Hiranyavati (hiện nay là sông Gandak). Ngoái nhìn lại Vesali, Phật nói:
– Này Ananda, Vesali thật đẹp. Ðây là lần cuối cùng Như Lai nhìn thành phố này; Như Lai sẽ không bao giờ trở lại nơi đây nữa.
Rồi Phật nhìn trở lại phía trước và nói:
– Bây giờ chúng ta hãy đi đến làng Bhandagama.
Nghe tin Phật sắp nhập niết-bàn và sắp rời Vesali, các vương tử Licchavi và thân hào nhân sĩ theo tiễn đưa Phật rất đông. Ðã nhiều lần Phật khuyên các vị ấy nên trở lại, nhưng ai nấy đều bịn rịn, không đành lòng. Ðức Phật liền gây ra ảo giác có một con sông lớn chắn ngang giữa Phật và họ, nước đang dâng cao và chảy mạnh khiến những người tiễn đưa buộc lòng phải quay trở về Vesali. Vào thế kỷ thứ 3, vua Asoka có cho dựng trụ đá kỷ niệm tại địa điểm Deora, trong làng Kesariya hiện nay.
Chiều hôm ấy tới Bhandagama, Phật thuyết pháp cho trên ba trăm vị khất sĩ về giới, định, huệ và giải thoát. Sau vài hôm nghỉ ngơi, Phật rời Bhandagama đi Hatthigama, rồi đến Ambagama và Jambugama. Nơi nào Phật cũng thăm viếng và khuyến khích các vị khất sĩ nên siêng năng tinh tấn tu tập.
Sau đó đức Phật và các vị khất sĩ đến làng Bhoganagara. Tại đây Phật dạy bốn Ðại Giáo Pháp (Mahapadesa), đại ý như sau:
– Khi nghe ai nói điều gì là giáo pháp của Phật, dù người đó đạo cao đức trọng và có thẩm quyền, quí vị cũng không nên chấp nhận hay bác bỏ ngay. Quí vị nên nghe cho kỹ rồi đem so sánh từng chữ, từng lời với Kinh và Luật. Nếu thấy vừa phù hợp với Kinh, vừa phù hợp với Luật thì chắc chắn điều đó là giáo huấn của đức Bổn sư, nên chấp nhận và thực hành theo.
Ðến ngày thứ sáu, Phật và giáo đoàn tới thủ đô Pava (hiện nay là làng Pawanagar) của xứ Malla. Sau khi được nghe Phật thuyết pháp, ông thợ rèn tên Cunda (Thuần Ðà) thỉnh Phật và cả giáo đoàn khoảng ba trăm người đến khu vườn xoài nhà ông để cúng dường trai tăng. Lúc bấy giờ có mặt các Thượng tọa Anuruddha, Ananda, Upavana. Trong khi người nhà và bạn bè dâng cúng thức ăn vào bát của các vị khất sĩ, ông Cunda cung kính dâng lên Phật bát cháo do chính tay ông nấu với nấm cây chiên-đàn (Sukara-maddava)[13] rất quí giá, dành riêng cho Phật dùng.
Sau khi thọ trai xong, Phật gọi ông Cunda đến bảo:
– Này ông Cunda, món cháo nấm chiên đàn này còn lại bao nhiêu ông nên đào đất mà chôn đi, không nên để cho người khác ăn.
Ông Cunda vâng dạ làm theo lời dặn của đức Phật mà không biết tại sao.
Sau bữa ngọ trai, theo thông lệ, Phật vẫn thuyết pháp cho mọi người nghe, xong rồi mới trở về khu lâm viên nghỉ ngơi. Tối hôm ấy Phật bị đau bụng dữ dội, bụng quặn đau từng chập, thân mình ướt đẫm mồ hôi, bệnh kiết (dysentery) tái phát. Nhưng Phật nhẫn nại chịu đựng, điềm tĩnh, không một lời rên siếc.
Mặc dầu suốt đêm không ngủ, sáng sớm hôm sau Phật bảo các vị khất sĩ lên đường đi Kusinagar. Làng Kusinagar cách thủ đô Pava lối 16 km về hướng tây bắc. Trên đoạn đường cuối cùng này, theo kinh sách ghi chép, đức Phật phải ngồi lại nghỉ lối 25 lần vì bệnh và yếu.
Giữa đường, cơn đau bụng lại hoành hành dữ dội. Phật dừng lại, ngồi nghỉ dưới một cội cây, trên một chiếc áo cà-sa xếp làm tư. Phật bảo:
– Này Ananda, thầy hãy tìm ít nước cho Như Lai uống đỡ khát.
– Bạch Thế Tôn, nước ở khe suối gần đây đục lắm vì có một đoàn xe bò mấy trăm chiếc vừa mới đi qua. Xin Thế Tôn đợi một lát nữa tới sông Kakuttha. Nước ở đó trong và ngọt lắm, con sẽ lấy cho Thế Tôn uống, rửa mặt và tay chân cho mát.
– Như Lai khát lắm, thầy cứ đi lấy nước ở đây đi.
Thượng tọa Ananda vâng lời, đến dòng suối nhỏ gần đó lấy nước, thì lạ quá, nước suối đã trở nên trong vắt.
Uống nước xong, Phật ngồi nghỉ. Các Thượng tọa Anuruddha và Ananda ngồi bên cạnh người. Ba trăm vị khất sĩ cũng ngồi nghỉ ngơi rải rác đó đây, nhiều vị đến ngồi xung quanh Phật. Lúc ấy có một người bộ hành tên Pukkusa, thuộc bộ tộc Malla, đi từ Kusinagar tới. Ngày xưa ông ta cũng đã từng học với đạo sư Alara Kalama ở gần thủ đô Vesali và đã từng biết tiếng sa-môn Gotama. Pukkusa bước tới đảnh lễ Phật, hỏi thăm về sức khỏe của Phật và nói:
– Thưa tôn giả, sau khi tôn giả rời đạo sư Alara Kalama, có lần ông ấy ngồi thiền định bên vệ đường, có một đoàn xe bò 500 chiếc đi ngang qua làm áo ông ấy lấm đầy bụi bặm mà ông ta vẫn không hay biết gì cả mặc dù ông vẫn tỉnh thức.
– Này đạo hữu, có lần Như Lai đang đi kinh hành trước sân đền Atuma, bỗng có mưa giông và sấm sét làm chết hai người dân cày và bốn con bò gần đó, lúc ấy mặc dù Như Lai vẫn tỉnh thức mà vẫn không nghe không thấy mưa giông sấm sét gì cả[14]. Sau đó nhờ đám đông người thuật chuyện lại mới biết.
Ông Pukkusa nghe xong sinh lòng kính phục, dâng cúng hai tấm y mới. Phật nhận một tấm và bảo Pukkusa cúng dường tấm kia cho Thượng tọa Ananda. Pukkusa xin quy y Tam Bảo. Sau khi nghe lời Phật dạy, ông sung sướng từ tạ lên đường.
Khi Thượng tọa Ananda thay y mới cho Phật, thì Thượng tọa ngạc nhiên thấy nước da của Phật chiếu sáng lạ thường. Thượng tọa hỏi:
– Bạch Thế Tôn, sao hôm nay màu da của Thế Tôn trở nên vàng óng ánh, sáng rỡ một cách lạ thường như thế?
– Này Ananda, có hai trường hợp màu da của Như Lai trở nên óng ánh, sáng rỡ lạ thường. Ðó là lúc Như Lai sắp đắc quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác và lúc Như Lai sắp nhập diệt. Này Ananda, đêm nay Như Lai sẽ diệt độ trong cụm rừng cây sala (song long thọ, ba-la-xoa) tại làng Kusinagar[15] vào lúc canh ba. Bây giờ chúng ta hãy lên đường cho kịp lúc.
Ðến bờ sông Kukuttha, Phật đi xuống sông tắm và uống nước. Tắm xong Phật lên bờ, đi đến một vườn xoài gần đó. Phật bảo Thượng tọa Ananda xếp áo cà-sa trải xuống đất cho người nằm. Nằm nghỉ một lát, Phật gọi Thượng tọa Ananda đến bảo:
– Này Ananda, bữa ăn hồi sáng tại nhà của cư sĩ Cunda là bữa ăn cuối cùng của Như Lai. Nhưng chuyện sau đây có thể xảy ra. Có người sẽ làm cho ông Cunda ăn năn hối hận vì họ nói rằng “Này Cunda, ông thật là người có tội. Ông sẽ bị chìm đắm sa đọa vì đức Thế Tôn đã lìa trần sau khi thọ món ăn của ông dâng.” Mỗi lần ông Cunda ăn năn hối hận như thế thầy phải giải thích như vầy “Này Cunda, ông thật có nhiều phước báo tốt đẹp. Ông sẽ hưởng được nhiều lợi lộc vì đức Phật đã thọ thực lần cuối cùng với các món ăn do ông dâng cúng. Này Cunda, bần tăng có nghe chính đức Thế Tôn dạy rằng có hai vật thực cúng dường đem lại phước báo bằng nhau, tạo quả bằng nhau và vô cùng quí báu hơn tất cả. Hai vật ấy là gì? Ðó là vật thực cúng dường Bồ Tát thọ lần cuối cùng trước khi chứng ngộ đạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác và vật thực cúng dường mà đức Phật thọ dụng lần cuối cùng trước khi ngài nhập diệt. Này ông Cunda, vật thực cuối cùng mà đức Thế Tôn thọ dụng do chính tay ông dâng cúng. Nghiệp tốt này sẽ trổ quả trong sự tái sanh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt hái nhiều may mắn, danh vọng, được hưởng phước báo trong các cõi trời và trong cảnh vua chúa, quyền quí cao sang.” Này Ananda, thầy phải khuyên lơn Cunda như thế.
Sau khi nghỉ ngơi một lát, Phật bảo:
– Này Ananda, chúng ta hãy lên đường đến rừng cây sala, nơi công viên Upavattana của bộ tộc Malla. Công viên này rất đẹp, nó nằm ở bờ bên kia sông Hiranyavati.
Khi Phật và các vị khất sĩ tới rừng cây sala thì trời đã xế chiều. Phật bảo:
– Này Ananda, Như Lai đã mệt mỏi lắm rồi. Thầy hãy sắp xếp chỗ nằm cho Như Lai giữa hai cây sala (cây song long thọ), đầu hướng về phía bắc.
Thượng tọa Ananda tìm một khoảng đất bằng phẳng, sạch sẽ, giữa hai cây sala, rồi thầy lấy nhiều chiếc cà-sa gắp làm đôi, trải xuống đất[16]. Ðức Phật nằm xuống, đầu hướng về phương bắc, mình ngiêng về bên phải, bàn tay phải để ngửa lót dưới mặt, tay trái để xuôi trên hông trái, chân trái nằm dài trên chân phải, hơi thở nhẹ nhàng đều đặn.
Thượng tọa Ananda quỳ bên cạnh Phật, thút thít khóc. Ðức Phật nằm nghỉ mệt một lát rồi mở mắt nói:
– Này Ananda, thầy không nên khóc, thầy đừng nghĩ rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn thầy giảng dạy, thầy không còn đạo sư. Không nên, Ananda, thầy không nên suy tư như thế. Giáo Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy đầy đủ và quảng bá rộng rãi. Khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là đạo sư của quý thầy.
Nói tới đây, đức Phật nhìn các vị khất sĩ, nói tiếp:
– Vả lại, này các thầy, giáo pháp mà Như Lai giảng dạy từ 45 năm nay chỉ là phương tiện, tùy duyên, khế hợp căn cơ của thính chúng mà giảng nói. Ðối với chân lý tuyệt đối của chư Phật, Như Lai chưa từng thốt ra một lời. Tại sao vậy? Tại vì chân lý đó không thể nghĩ bàn, không có lời lẽ để diễn tả. Các thầy nên biết:
Pháp pháp bổn vô pháp,
Vô-pháp pháp, diệc pháp.
Kim phú vô-pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.[17]
Thượng tọa Anuruddha nói:
– Bạch Thế Tôn, chúng con đã hiểu. Như khi dùng ngón tay chỉ mặt trăng thì ngón tay không phải là mặt trăng. Khi dùng Giáo Pháp để chỉ Chân Lý thì Giáo Pháp không phải là Chân Lý.

Thế nào là làm vẻ vang Như Lai[18]

Khi nhìn thấy những cây sala trổ đầy bông[19] mặc dù không phải mùa, các thiên thần tung hoa mạn-đà-la (mandara), hoa mạn-thù-sa (manjusaka) và hương thơm cúng dường, các vị khất sĩ lễ bái xung quanh ngài, đức Phật nói:
– Này các thầy, không phải dâng hoa, lễ bái là tôn trọng, kính cẩn, sùng bái, làm vẻ vang Như Lai đâu. Các thầy hãy noi gương đại đức Attadattha[20] quyết tâm thành đạo trước ngày Như Lai nhập diệt. Bất luận vị tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni hay thiện nam, tín nữ nào an trú trong Chánh Pháp, thực hành đúng theo giáo pháp, phẩm hạnh trang nghiêm, đời sống chơn chánh là người tôn trọng, kính cẩn, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai một cách cao thượng nhứt. Như vậy, này Ananda, thầy không nên bận tâm tới việc làm vẻ vang nhục thể của Như Lai. Thầy hãy tận lực tinh tấn để đạt cho được hạnh phúc tối thượng của chính mình.
Này Ananda, vô số chư thiên, long thần, địa thần, trời rồng tám bộ đang tụ tập rất đông đảo nơi đây để thăm viếng và tiển đưa Như Lai. Có kẻ khóc than đầu tóc rũ rượi, có kẻ đưa hai tay lên trời mà khóc, có kẻ quỳ gối đập hai tay xuống đất mà khóc, có kẻ nằm lăn dưới đất mà khóc, họ than rằng Ðức Như Lai qua đời quá sớm! Ðức Như Lai nhập diệt quá sớm . Con Mắt của thế gian không còn nữa! Nhưng cũng có kẻ biết tự chủ, bình tỉnh, sáng suốt, nghĩ rằng Tất cả sự vật ở thế gian đều do duyên hợp nên không ai tránh khỏi luật vô thường
Rồi đức Phật nói kệ:
Ðừng lo chuyện người khác
Mà quên việc của mình.
Mau lo tu giải thoát,
Làm vẻ vang Như Lai. (Kinh Pháp Cú, bài 166)

Thượng tọa Upavana đứng che án chư Thiên[21]

Lúc đó trời vẫn còn nóng, Thượng tọa Upavana đứng trước mặt Phật để quạt cho người. Phật bảo:
– Này Upavana, thầy hãy tránh sang một bên, đừng đứng trước mặt Như Lai.
– Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Ananda ngạc nhiên nói, Thượng tọa Upavana là chủng tử của Thế Tôn và trước kia đã từng là thị giả săn sóc, hầu cận Thế Tôn lâu ngày, hôm nay Thượng tọa đứng bên cạnh để hầu quạt cho Thế Tôn, không biết có điều chi không phải, xin Thế Tôn chỉ dạy.
– Này Ananda, hiện đang có vô số chư Thiên trong khắp mười ngàn thế giới đang tề tựu đông đủ nơi đây để chiêm bái Như Lai. Chung quanh công viên Upavattana này, xa tới 12 dặm, chẳng có một khoảng trống nào mà không có chư Thiên đang đứng. Này Ananda, một số chư Thiên xầm-xì với nhau rằng “Chúng ta từ xa xôi đến đây để chiêm bái đức Như Lai. Rất hiếm có một đấng toàn giác xuất hiện trong thế gian này. Hơn nữa, vào lúc canh ba đêm nay, đức Như Lai sẽ nhập vô dư y niết-bàn. Vậy mà ông Upavana kia lại đứng án phía trước, làm chúng ta không thấy được mặt ngài trong những giờ phút cuối cùng”. Này Ananda, chư Thiên họ nói thầm thì với nhau như vậy[22].

Lợi ích của sự chiêm bái Bốn Thánh Tích[23]

Thượng tọa Ananda bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, theo thông lệ, sau mùa an-cư kiết-hạ chư tăng ni thường đến viếng Phật, nghe pháp. Ðến khi Thế Tôn nhập diệt rồi thì nên làm thế nào?
– Này Ananda, sau khi Như Lai nhập diệt rồi, có những Phật tử xuất gia hoặc tại gia nào có tâm đạo, đến chiêm bái với lòng thành kính và tôn sùng bốn nơi động tâm[24]: nơi Như Lai giáng sanh, nơi Như Lai thành đạo, nơi Như Lai thuyết pháp lần đầu, nơi Như Lai nhập niết-bàn. Ðến tận các nơi ấy tham thiền, đảnh lễ, tụng niệm, cầu nguyện, một lòng hướng về Chánh Pháp, thì các vị ấy sẽ hưởng nhiều phước báo, sau khi mạng chung sẽ được sanh về nhàn cảnh (cõi trời).

Phật dạy chư tăng cách đối xử với nữ giới[25]

Thượng tọa Ananda hỏi:
– Bạch Thế Tôn, chúng con nên đối xử với nữ giới như thế nào?
– Không nên nhìn họ.
– Bạch Thế Tôn, nếu phải nhìn họ thì sao?
– Không nên nói chuyện với họ.
– Bạch Thế Tôn, nếu buộc lòng phải nói chuyện với họ thì sao?
– Phải thực hành Chánh niệm (Tứ niệm xứ). Này Ananda, Chánh niệm là thần lực xua đuổi tất cả mọi tà niệm.
Thượng tọa Ananda hỏi tiếp:
– Bạch Thế Tôn, lễ an táng của đức Thế Tôn nên tổ chức như thế nào?
– Này Ananda, lễ an táng Như Lai nên làm theo nghi thức của một Chuyển Luân Thánh Vương và nên xây tháp thờ ở ngả tư đường.
Nghe đến đây, Thượng tọa Ananda không cầm lòng được nữa, vội bước ra ngoài, đến một gốc cây vắng đứng khóc.

Phật khen tài làm thị giả của Ananda[26]

Một lát sau, không thấy Thượng tọa Ananda bên cạnh, Phật hỏi:
– Này Anuruddha, Ananda đâu, sao Như Lai không thấy?
Một vị khất sĩ thưa:
– Bạch Thế Tôn, con thấy sư huynh Ananda đang đứng khóc sau một cội cây. Sư huynh nói một mình “Ta chưa thành tựu được đạo nghiệp mà thầy ta đã tịch. Con mắt của thế gian đã nhắm lại. Ta không còn ai để nương tựa. Có ai thương ta bằng thầy ta đâu!”
Phật bảo vị khất sĩ đi gọi Thượng tọa Ananda đến, rồi ngài an ủi Thượng tọa:
– Này Ananda, đừng buồn khổ nữa. Như Lai đã từng nhắc thầy là vạn pháp vô thường, có sanh thì có diệt. Làm sao có sanh mà không có diệt cho được? Ananda, mấy mươi năm nay thầy đã hầu cận Như Lai, săn sóc Như Lai với tất cả tấm lòng thương mến của thầy. Thầy đã khôn khéo và tế nhị giúp đỡ Như Lai trong mọi công việc lớn nhỏ. Như Lai rất cám ơn thầy. Công đức của thầy rất lớn. Nhưng này Ananda, thầy có thể đi xa hơn nữa. Nếu thầy nương theo Chánh Pháp, cố gắng tinh tấn thêm chút nữa thì thầy sẽ thoát khỏi sanh tử, đạt được giải thoát, vượt lên trên mọi sầu khổ bi ai. Như Lai tin chắc thầy sẽ làm được điều đó, và đó cũng là điều làm Như Lai vui lòng nhất.
Nhìn các vị khất sĩ đang ngồi xung quanh, đức Phật nói:
– Này các thầy, làm thị giả cho Như Lai, không ai bằng Ananda. Ngày xưa có những thị giả đánh rơi bát và y của Như Lai xuống đất. Nhưng với Ananda, những chuyện ấy không bao giờ xảy ra. Ananda lo cho Như Lai rất chu đáo từ việc nhỏ đến việc lớn. Nhất là thầy rất khéo léo thu xếp đúng chỗ và đúng lúc cho Như Lai gặp một khất sĩ, một nữ khất sĩ, một cư sĩ, một vị quốc vương, một vị đại thần, một tu sĩ ngoại đạo, vân vân.
Này các thầy, Ananda có bốn ưu điểm đặc biệt như sau: Thường khi có ai muốn gặp Như Lai thì gặp Ananda trước, vừa gặp mặt Ananda thì họ đã sanh lòng cảm mến; khi Ananda mở lời nói chuyện với họ thì họ càng cảm mến hơn; khi Ananda thuyết giảng một thời pháp ngắn thì họ rất hoan hỷ muốn được nghe thêm; khi Ananda làm thinh thì họ vô cùng thích thú nhìn Ananda im lặng.
Này các thầy, Ananda là một thị giả có đầy đủ phẩm hạnh như các thị giả của 7 đức Phật quá khứ là Vipassin (Tỳ-Bà-Thi), Sikhin (Thi-Khí), Vessabhu (Tỳ-Xá-Phù), Kakucchandha (Câu-Lưu-Tôn), Konagamana (Câu-Na-Hàm), Kassapa (Ca-Diếp)[27], nhờ có 8 đức tính sau đây:
1- Tín căn bền vững: Khi nghe Như Lai giảng dạy, Ananda liền có đức tin vững chắc và ghi nhớ đầy đủ, không sai, không thiếu.
2- Tâm tính chất trực: Tâm tính hiền hòa, chất phát, ngay thẳng, dễ gây cảm tình với tất cả mọi người.
3- Thân không bệnh khổ: Rất ít khi mắc bệnh.
4- Thường siêng tinh tấn: Vững tin theo Chánh Pháp, cứ một đường thẳng tiến, không bao giờ thối chí ngã lòng.
5- Niệm căn đầy đủ: Luôn luôn ghi nhớ Chánh Pháp, không bao giờ quên.
6- Tâm không kiêu mạn: Luôn luôn nhẫn nhịn, hòa nhã với tất cả mọi người.
7- Thành tựu định ý: Tâm ý không bao giờ rời Chánh Pháp.
8- Từ nghe sanh trí: Nghe rồi suy nghĩ, rồi hiểu, trí huệ phát sáng.
Như Lai nghĩ là nếu các bậc giác ngộ trong tương lai mà có được một vị thị giả giỏi thì vị thị giả ấy cũng chỉ giỏi bằng Thượng tọa Ananda là cùng.
Thượng tọa Ananda lau nước mắt nói:
– Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn đừng nhập niết-bàn ở đây. Kusinagar chỉ là nơi hẻo lánh. Có nhiều nơi xứng đáng hơn để Thế Tôn nhập diệt như Campa, Rajagriha, Sravasti, Saketa, Kosambi hay Benares (Varanasi). Xin đức Thế Tôn chọn một trong những nơi ấy để nhập diệt cho đông đảo quần chúng có cơ duyên nhìn mặt Thế Tôn lần cuối, và cung kính cúng dường xá-lợi.
– Này Ananda, Kusinagar là một nơi quan trọng lắm. Tuy hiện nay nó là một làng nhỏ hẻo lánh, nhưng trước kia nó là một thủ đô rất phồn thịnh tên là Kusavati (Câu-xá-bà-đề), có lâu đài nguy nga, có công viên xinh đẹp, dân chúng đông đúc đều an cư lạc nghiệp. Lúc bấy giờ Như Lai là Chuyển-luân-vương Maha-Sudassana (Ðại-Thiện-Kiến)[28] tại đây. Này Ananda, hiện giờ tại rừng sala này cũng không phải vắng vẻ đâu. Rất đông đảo chư Thiên đang tập họp trổi nhạc, ca hát, tung hoa mạn-đà-la (mandara) và hoa mạn-thù-sa (manjusaka) cúng dường Như Lai kia. Bây giờ thầy hãy đến gặp các giới chức của bộ tộc Malla, báo cho họ biết rằng đêm nay, vào lúc canh ba (nửa đêm) Như Lai sẽ nhập niết-bàn trong rừng cây sala của họ.
Sau khi nghe Thượng tọa Ananda báo tin, dân chúng kéo hết gia đình đến chiêm bái Phật. Số người quá đông, Thượng tọa Ananda phải mời từng gia đình vào một lượt.

Subhadda, người đệ tử xuất gia cuối cùng của Phật[29]

Những người trong bộ tộc Malla và dân chúng nghe tin Phật sắp nhập diệt tại rừng cây sala trong công viên Upavattana liền vội vã đến nơi, thay phiên nhau đến ra mắt, vấn an và đảnh lễ Phật. Trong khi đó du sĩ Phạm-chí Subhadda (Tu-Bạt-Ðà-La), đã trên trăm tuổi, đến thương thuyết với Thượng tọa Ananda để xin được tham vấn Phật, nhờ Phật giải một mối nghi rất quan trọng đối với ông. Thượng tọa từ chối bảo là Phật đang yếu lắm, không thể tiếp chuyện được.
Nghe được câu chuyện giữa hai người, Phật bảo:
– Ananda, thầy cứ cho du sĩ Subhadda vào đây. Như Lai có thể tiếp ông ấy.
Ông Subhadda mừng rỡ bước vào đảnh lễ, vấn an Phật, rồi nói:
– Bạch Thế Tôn, có con đường nào đi xuyên qua không gian không? Một người ngoài Giáo Ðoàn Khất Sĩ có thể được gọi là TăngỂ không? Năm ấm (uẩn) có trường tồn không?
– Không có con đường nào xuyên qua không gian cả; Như Lai không hề di chuyển. Không có TăngỂ ngoài giới luật và giáo pháp của Giáo Ðoàn Khất Sĩ. Năm uẩn không trường tồn; chư Phật không hề thay đổi.[30]
– Bạch Thế Tôn, con thường nghe nói tới các vị lãnh đạo các giáo phái như các đạo sư Purana Kassapa, Makkhali Gosaleiputta, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccana, Sanjaya Belatthiputta và Nigantha Nataputta. Con muốn hỏi Thế Tôn xem trong những vị đó có ai là người thật sự đạt đạo không?
– Này Subhadda, những vị ấy có đạt đạo hay không là việc của họ. Ông hãy lắng nghe, Như Lai sẽ chỉ cho ông con đường tu học để tự ông có thể đạt đạo.
Rồi Phật giảng cho ông về Bát Chánh Ðạo: Thế nào là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Rồi Phật kết luận:
– Này Subhadda, ở đâu, trong đoàn thể nào có sự thực hành Bát Chánh Ðạo là ở đó có những người đạt đạo quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán. Này Subhadda, chính nhờ thực hành đúng mức Bát Chánh Ðạo mà Như Lai đã thành đạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác cách nay 45 năm. Chính nhờ thực hành Bát Chánh Ðạo mà trong Giáo đoàn khất sĩ đã có rất đông người đạt thánh quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán. Này Subhadda, ông hãy cố thực tập pháp môn này đi rồi chính ông sẽ trở nên người đạt đạo, không cần phải đặt câu hỏi người này hay người kia có phải là người đã thật sự đạt đạo hay không.
Rồi đức Phật nói bài kệ như sau:
“Hỡi này Subhadda!
“Lúc vừa được hai mươi chín tuổi xuân,
“Ta rời bỏ gia đình, xa lìa thế tục,
“Ðể đi tìm lợi ích tối cao.
“Từ đó đến nay, đã năm mươi mốt năm qua,
“Ta hằng cố gắng giữ mình theo Chánh Ðạo.
“Ngoài Chánh Ðạo, chẳng tìm đâu ra quả vị thánh nhân.
– Lành thay! Lành thay! Bạch đức Thế Tôn, tựa hồ như có người sửa lại ngay ngắn một vật bị nghiêng ngã, hay khám phá ra một vật bị dấu kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc lối, hay đốt lên ngọn đèn trong đêm tối cho ai có mắt có thể trông thấy. Giáo lý mà đức Thế Tôn truyền dạy cũng như thế. Kính xin Thế Tôn hoan hỷ cho con được làm lễ xuất gia sa-di và tỳ-kheo trước mặt ngài.
– Này Subhadda, người sống trong một hệ thống giáo lý khác muốn xuất gia sa-di và tỳ-kheo phải trải qua một thời kỳ học tập bốn tháng, và sống biệt trú trong bốn tháng ấy. Sau đó, khi được chấp thuận, giới tử có thể thọ lễ xuất gia và được nâng lên hàng tỳ-kheo. Tuy nhiên, hôm nay, Như Lai đặc biệt cho phép làm một ngoại lệ.
Rồi đức Phật dạy Thượng tọa Ananda làm lễ xuất gia sa-di và tỳ-kheo cho du sĩ Subhadda. Sau khi thọ đại giới không bao lâu, đại đức Subhadda sống cô độc một mình nơi vắng vẻ, xa thành thị, nhiệt thành và tinh tấn tu tập, về sau đắc quả A-la-hán.

Lời nói cuối cùng của Phật

Sau lễ xuất gia của Subhadda, các vị khất sĩ hỏi Phật về vài điểm nhỏ trong giới luật như cách đối xử giữa các khất sĩ mới với các khất sĩ có nhiều tuổi hạ. Trong dịp này đức Phật có cho phép Giáo Hội Tăng Già, nếu cần, có thể hủy bỏ hay sửa đổi vài giới luật không quan trọng[31]. Cuối cùng đức Phật nhìn các vị khất sỉ và nói:
– Này các vị khất sĩ, nếu các thầy còn bất luận một phân vân thắc mắc nào về Phật, Pháp, Tăng, giáo pháp hay cách hành trì thì hãy nêu lên câu hỏi để về sau khỏi ăn năn hối tiếc vì nghĩ rằng “Lúc ấy ở trước mặt đức Thế Tôn mà ta không hỏi”.
Lúc bấy giờ có khoảng 500 vị khất sĩ quy tụ xung quanh Phật. Tất cả đều giữ im lặng. Ðức Phật hỏi đến lần thứ ba. Các vị khất sĩ vẫn giữ im lặng. Thượng tọa Ananda lên tiếng:
– Bạch Thế Tôn, quả thật kỳ diệu! Con rất tin tưởng nơi Thế Tôn, nơi giáo pháp và giáo đoàn khất sĩ, vì Thế Tôn đã giảng dạy giáo pháp thật sáng tỏ và chỉ dẫn cách hành trì thật đầy đủ, cho nên hôm nay không có vị đệ tử nào còn thắc mắc hay hoài nghi gì cả. Quả thật tuyệt vời.
– Này Ananda, thầy nói điều ấy là do đức tin của thầy. Nhưng Như Lai biết rằng trong 500 vị khất sĩ có mặt hôm nay không ai còn hoài nghi hay thắc mắc về Giáo pháp, về Giáo hội, về Con đường tu tập hay về Phương pháp hành trì, vì tất cả, này Ananda, người chậm trễ nhất cũng đã nhập lưu, không còn phải rơi trở xuống nữa, chắc chắn sẽ chứng ngộ.
Ðức Phật im lặng đưa mắt nhìn đại chúng, rồi ngài nói tiếp:
– Này các vị khất sĩ, hãy nghe Như Lai nói đây: Vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Các thầy hãy tinh tiến lên để đạt tới giải thoát.
Nói xong, Phật nhắm mắt. Ðó là lời di huấn cuối cùng của Ðức Thế Tôn.

Ðức Phật viên tịch

Ðức Thế Tôn nhập sơ thiền. Xuất sơ thiền, ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền, ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, ngài nhập không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ, ngài nhập thức vô biên xứ. Xuất thức vô biên xứ, ngài nhập vô sở hữu xứ. Xuất vô sở hữu xứ, ngài nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, ngài nhập diệt thọ tưởng định.
Lúc đó Thượng tọa Ananda chưa có thiên nhãn, hỏi Thượng tọa Anuruddha:
– Bạch Thượng tọa, có phải Ðức Thế Tôn đã nhập diệt rồi không?
– Chưa đâu, này đạo hữu Ananda, Ðức Thế Tôn chưa diệt độ, Ngài mới nhập diệt thọ tưởng định.
Ðức Thế Tôn xuất diệt thọ tưởng định, ngài nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, ngài nhập vô sở hữu xứ. Xuất vô sở hữu xứ, ngài nhập thức vô biên xứ. Xuất thức vô biên xứ, ngài nhập không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ, ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền, ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, ngài nhập sơ thiền.
Rồi Ðức Thế Tôn tiếp tục xuất sơ thiền, nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, nhập tam thiền. Xuất tam thiền, nhập tứ thiền. Cuối cùng Ðức Thế Tôn xuất tứ thiền và nhập diệt liền sau đó, vào Ðại-Bát-Niết-Bàn[32] (Mahaparinibbana).
Bỗng nhiên đại địa rúng động, sấm sét vang rền. Hoa sala rụng xuống như mưa. Mọi người tự nhiên thấy tâm thần chấn động. Ai cũng biết là Ðức Thế Tôn đã nhập niết-bàn. Lúc bấy giờ là nửa đêm trăng tròn tháng vesak năm 544 trước tây lịch, nhằm ngày rằm tháng hai âm lịch năm Đinh Tỵ.
Phật đã diệt độ. Một số các vị khất sĩ quỳ gối đưa hai tay lên trời đập mạnh xuống đất, có vị nằm lăn ra đất, có vị lấy hai tay ôm mặt khóc thương thảm thiết. Họ rên rỉ:
– Phật đã nhập niết-bàn! Ðức Thế Tôn đã diệt độ! Con mắt của thế gian không còn nữa! Con biết nương tựa vào đâu!?
Trong khi những vị khất sĩ này lăn lộn khóc than như thế thì một số các vị khất sĩ khác ngồi im lặng, theo dõi hơi thở, quán chiếu về những điều Phật dạy. Thượng tọa Anuruddha lên tiếng:
– Này các huynh đệ, các huynh đệ đừng khóc thương thảm não như thế! Ðức Thế Tôn đã dạy có sanh thì có diệt, có thành thì có hoại, có hợp thì có tan. Nếu các huynh đệ hiểu và vâng theo lời đức Thế Tôn thì xin các huynh đệ hãy giữ im lặng, trở về chỗ ngồi của mình, theo dõi hơi thở, giữ gìn chánh niệm, tôn trọng giờ phút thiêng liêng này để tiễn đưa đấng Từ Phụ của chúng ta về cảnh niết-bàn an lạc thanh tịnh.
Mọi người im lặng trở về chỗ ngồi theo lời khuyên của Thượng tọa Anuruddha. Thượng tọa hướng dẫn đại chúng đọc lên những đoạn kinh kệ mà đa số đã thuộc lòng, những đoạn nói về vô thường, khổ, không, vô ngã và giải thoát. Không khí trở lại trang nghiêm như cũ.
Những cây đuốc đã được những người trong bộ tộc Malla thắp lên tự hồi nào, bập bùng tỏa chiếu ánh sáng vàng lấp lánh dưới bóng trăng xuyên qua cành lá, tạo ra một khung cảnh thiêng liêng mầu nhiệm. Tiếng tụng kinh trầm hùng vang dội trong đêm thanh tĩnh đưa mọi người vào cảnh sắc không huyền diệu của tâm tư và vạn vật.
Sau thời tụng kinh, Thượng tọa Anuruddha bắt đầu nói pháp thoại ca ngợi công hạnh của Ðức Phật, một bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn. Thượng tọa Anuruddha kết luận: Ðức Thế Tôn cũng là một con người như chúng ta, nhưng nhờ phát đại nguyện cứu khổ chúng sanh, rồi dũng mãnh tinh tấn tu Bát Chánh Ðạo, thực tập thiền quán mà trở thành bậc Ðại Giác Ngộ, có đầy đủ trí huệ rộng lớn, đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, có đầy đủ phương tiện thiện xảo chỉ dạy và hướng dẫn chúng sanh hết mê được ngộ, thoát khổ được vui, biết phương pháp tu tập để tự giải thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi, vào cảnh niết-bàn an lạc thanh tịnh. Này các huynh đệ, để đền đáp ơn Ngài, chúng ta hãy nương theo lời giáo huấn của Ngài và noi theo gương sáng của Ngài mà tinh tấn tu tập Bát Chánh Ðạo, cố đạt cho kỳ được mục tiêu giải thoát.
Sau khi Thượng tọa Anuruddha dứt lời, Thượng tọa Ananda lên tiếng nhắc lại những kỷ niệm êm đẹp giữa Phật và giáo đoàn khất sĩ, và những lời giáo huấn quan trọng của đức Thế Tôn. Suốt đêm, hai Thượng tọa thay phiên nhau nói pháp thoại và hướng dẫn đại chúng tụng niệm cho tới sáng. Năm trăm vị khất sĩ và ba trăm cư sĩ ngồi im lặng lắng nghe.

Lễ trà tỳ tại Kusinagar[33]

Trời vừa sáng, Thượng tọa Anuruddha bảo Thượng tọa Ananda:
– Này sư huynh Ananda, sư huynh hãy vào thành phố báo cho nhà hữu trách biết đạo sư của chúng ta đã diệt độ, để họ làm những thủ tục cần thiết.
Những vị chức sắc của bộ tộc Malla được tin Phật đã nhập diệt liền họp nhau lại bàn thảo về nghi thức tổ chức lễ trà tỳ cho đức Phật. Dân chúng được tin, nhiều người đấm ngực than khóc, tiếc rằng không được nhìn mặt và đảnh lễ Phật trước khi ngài nhập diệt. Họ kéo nhau đến rừng sala, mang theo hương, hoa, nhạc cụ, vải vóc. Ðến nơi họ quỳ lạy và rải hương hoa lên kim thân đức Phật để cúng dường. Các vị hữu trách trong bộ tộc Malla điều động dân chúng dựng lên những mái lều vải ngũ sắc, tổ chức trình diễn vũ nhạc và cung cấp thức ăn, nước uống cho các vị khất sĩ và dân chúng tham dự. Rừng sala trở nên nhộn nhịp như một ngày hội. Thỉnh thoảng, Thượng tọa Anuruddha hướng dẫn đại chúng đọc tụng những đoạn kinh Pháp Cú (Dhamma-Pada), nhắc nhở những lời Phật dạy.
Trong suốt sáu ngày đêm, dân chúng làng Kusinagar và dân từ thủ đô Pava của xứ Malla đến, liên tục cúng dường Phật bằng hương, hoa, vũ, nhạc. Những cánh hoa thơm tươi mát đủ loại phủ khắp cả thân thể và xung quanh nơi Phật nằm. Ðến ngày thứ bảy, tám vị tộc trưởng của bộ tộc Malla tắm gội sạch sẻ bằng nước hương thơm, mặc lễ phục và bắt đầu rước kim thân đức Phật vào thành phố. Tất cả các vị khất sĩ, kế đến dân chúng đều đi theo đám rước, đưa kim thân đức Phật đến cửa bắc vào thành. Ðám rước đi vào trung tâm thành phố, rồi lại đi ra khỏi thành bằng cửa đông, và sau cùng dừng lại trước sân đền Makuta-bandhana (hiện nay là tháp Rambhar Stupa), ngôi đền chính của bộ tộc Malla. Kim thân đức Phật được đặt tại đây.
Các vị chức sắc trong thành phố ra lệnh làm lễ trà tỳ kim thân đức Phật theo nghi thức dành cho một vị Chuyển Luân Thánh Vương (Ðại Ðế). Kim thân đức Phật được vấn bằng vải trắng mới, rồi đến một lớp bông đâu-la-miên (bông của cây tula, dùng để lấy sợi), rồi đến một lớp vải trắng mới, cứ như thế cho đến nhiều lớp vải và bông. Sau cùng được đặt trong một áo quan bằng sắt, đổ đầy dầu thơm, đậy nắp kín, rồi áo quan này lại được đặt trong một áo quan bằng sắt lớn hơn.
Kim quan được đưa lên một hỏa đàn vĩ đại chất toàn bằng các loại gỗ thơm. Ðến giờ hỏa thiêu, bốn vị tộc trưởng bộ tộc Malla cầm bốn cây đuốc tiến đến hỏa đàn để châm lửa, nhưng châm mãi mà hỏa đàn không bắt lửa. Bỗng có một người đi ngựa hối hả chạy tới báo tin Thượng tọa Maha-Kassapa cùng với năm trăm vị khất sĩ sắp đến nơi. Phái đoàn hiện đang ở giữa chặng đường từ Pava đến Kusinagar. Nghe nói thế, Thượng tọa Anuruddha liền đề nghị xin hoãn giờ hành lễ để chờ Thượng tọa Maha-Kassapa và đoàn khất sĩ.
Thượng tọa Maha-Kassapa đã khởi hành từ Rajagriha để đi hoằng pháp miền tây bắc. Tới Vesali, Thượng tọa được tin Phật tuyên bố sẽ nhập niết-bàn trong ba tháng và hiện người đang đi về thủ đô Pava của xứ Malla. Thượng tọa liền lên đường đi tìm Phật. Tới đâu cũng có các vị khất sĩ xin đi theo. Khi Thượng tọa tới Bhandagama, số khất sĩ xin theo đã lên tới 500 vị.
Tới Pava, Thượng tọa được biết Phật đã quyết định nhập niết-bàn ở Kusinagar. Rời Pava, Thượng tọa gặp một khách bộ hành đi ngược chiều, túi áo có cài hoa sala mặc dù không phải mùa. Người này cho biết Phật đã nhập diệt tại rừng sala ở Kusinagar từ bảy hôm trước.
Ðược tin Phật nhập diệt, một số các vị khất sĩ khóc than thảm não. Khất sĩ Subhadda[34], tuy đã lớn tuổi nhưng xuất gia chưa được hai năm, thấy vậy lên tiếng:
– Thôi đi, này các đạo hữu, có gì mà phải buồn khổ ta thán thảm não như thế? Từ nay chúng ta sẽ được tự do, không còn bị vị đại sa-môn rầy bảo nên làm thế này hay không nên làm thế này. Chúng ta sẽ có thể làm theo ý thích của mình, không còn phải nghe lập đi lập lại những điều phải làm trái ý chúng ta.
Thượng tọa Maha-Kassapa khuyên các vị khất sĩ nên thực hành pháp an-ban-thủ-ý (quán niệm hơi thở, anapanasati) để giữ tâm thanh tịnh, rồi ngài vội vã lên đường, hướng dẫn đoàn khất sĩ đi Kusinagar. Nhân gặp một người đi ngựa cùng hướng, Thượng tọa Maha-Kassapa nhờ người này phi nhanh tới trước báo tin cho Thượng tọa Ananda biết là Thượng tọa và 500 khất sĩ sẽ cố gắng đến trước giờ ngọ để dự lễ trà tỳ của Phật.
Mặt trời vừa đứng bóng thì Thượng tọa Maha-Kassapa và đoàn khất sĩ cũng vừa tới đền Makuta-bandhana. Ðến nơi, Thượng tọa Maha-Kassapa trật vai phải áo sanghati (tăng già lê) xuống, chắp tay cung kính, im lặng bước từng bước một, đi nhiễu quanh hỏa đàn ba vòng. Rồi Thượng tọa dừng lại trước kim quan, phía dưới chân Phật, chắp tay đảnh lễ ba lạy[35]. Năm trăm vị khất sĩ đi theo cũng đồng thời lạy xuống. Thượng tọa lạy xong ba lạy vừa đứng lên thì hỏa đàn tự nhiên bốc cháy.
Tất cả các vị khất sĩ đều quỳ xuống, chắp tay hướng về hỏa đàn. Hàng ngàn người có mặt đều làm như thế. Thượng tọa Anuruddha lại hướng dẫn mọi người đọc những đoạn kinh về vô thường, khổ, không, vô ngã và giải thoát. Giọng đọc kinh trầm hùng vang dội cả một vùng.
Sau khi lửa đã cháy tàn, nước thơm được tưới lên giàn hỏa. Kim quan được thỉnh xuống, mở ra. Xá lợi của đức Thế Tôn được các vị tộc trưởng Malla thâu lượm và an trí trong một chậu vàng đặt trên bàn thờ trung ương trong đền. Xá lợi Phật có nhiều màu lóng lánh như xa-cừ, gồm có 7 miếng lớn thuộc xương trán, xương vai, răng nhọn, và nhiều xương nhỏ bằng hột đậu xanh, hột gạo, hoặc hột cải. Các vị khất sĩ và quân đội Malla thay phiên nhau canh giữ và bảo vệ xá lợi Phật thật nghiêm mật trong vòng bảy ngày, trong khi đại diện chính quyền, sứ thần các nước, nhân sĩ và đủ mọi tầng lớp dân chúng tiếp tục lễ bái, cúng dường tràng hoa, nước hoa và ca vũ nhạc. Mỗi ngày ba lần, các vị khất sĩ họp nhau lễ bái và đọc tụng những đoạn kinh quan trọng. Hiện nay có tháp Rambhar kỷ niệm nơi trà-tỳ kim thân đức Phật.

Phân chia xá lợi Phật ra làm 8 phần[36]

Tin đức Phật diệt độ ở Kusinagar được loan đi rất nhanh. Có bảy xứ lân cận đã cử sứ thần với binh tướng yểm trợ, đến Kusinagar chiêm bái xá lợi Phật và xin thỉnh một phần xá lợi về nước mình để xây bảo tháp thờ phụng cúng dường. Bảy xứ đó là Magadha (thủ đô Rajagriha, vua Ajatasattu), Vajji (thủ đô Vesali, tổng thống Cedaga[37] Licchavi), Sakya[38] (thủ đô Mungali, vua Uttarasena), Koliya (thủ đô Ramagama), Buliya (thủ đô Allakappa), một vị Bà-la-môn ở xứ Vethadipa, Malla (thủ đô Pava). Nhưng dân chúng Malla và chính quyền ở Kusinagar không chịu phân chia xá lợi Phật, viện lý rằng Phật đã nhập diệt tại Kusinagar thì nên xây tháp thờ toàn thể xá lợi Phật tại đây.
Sau một cuộc tranh chấp gây cấn hầu như sắp xảy ra chiến tranh, vị đại thần Dona (Hương Tánh), dòng Bà-la-môn, đại diện xứ Malla đứng ra dàn xếp, ôn tồn dùng lời Phật dạy, khuyên các vị sứ thần nên thương lượng với nhau trong sự ôn hòa. Cuối cùng tất cả đều đồng ý để cho vị Bà-la-môn Dona phân chia xá lợi (sarira) Phật ra làm 8 phần bằng nhau[39]. Xứ Magadha xây tháp thờ xá lợi Phật ở Rajagriha, xứ Vajji xây tháp ở Vesali, xứ Sakya xây tháp ở Mungali, xứ Koliya xây tháp ở Ramagama, xứ Buliya xây tháp ở Allakappa[40], vị Bà-la-môn xây tháp thờ ở Vethadipa, xứ Malla nhận hai phần xá lợi, xây một tháp ở thủ đô Pava và một tháp khác tại Kusinagar. Riêng vị Bà-la-môn Dona xin thỉnh cái chậu vàng dùng để chia xá lợi, đem về khu vườn nhà mình xây tháp thờ. Sứ giả xứ Moriya đến trể, xin thỉnh phần tro còn lại về xây tháp thờ tại thủ-đô Pipphalivana.
Khi đoàn sứ thần các nước đã lãnh phần xá lợi của mình ra về, một ngàn vị khất sĩ cũng tuần tự giải tán và trở về trú sở của mình để hành đạo. Các Thượng tọa Maha-Kassapa, Anuruddha và Ananda cũng rước y bát của Phật về tinh xá Venuvana.
Sau đó ít lâu, Thượng tọa Maha-Kassapa triệu tập 500 vị khất sĩ A-la-hán họp tại động Saptaparna (động Thất Diệp, còn gọi là động Tất-bát-la) ở Rajagriha để ôn tụng và ghi nhớ tất cả những lời Phật dạy thành 3 tạng Kinh, Luật và Luận, còn được chư tăng gìn giữ cẩn thận đến ngày nay.
Ðức Phật-tổ Thích-Ca Mâu-Ni đã nhập niết-bàn, nhưng Tam Tạng Pháp Bảo vẫn còn đó, hiện nay các thánh tăng vẫn có mặt ở khắp năm châu. Không tìm kiếm, học hỏi và tu tập giáo pháp giác ngộ và giải thoát thì thật là phí cả một đời người.
Kiếp người khó được! Làm người rất dễ tu hơn các loài khác . Chúng sanh vô minh, nghiệp chướng nặng nề, khó gặp Phật pháp, có thấy trước mắt cũng không hiểu được nên sanh lòng chê bai, phỉ báng. Than ôi! Biết bao giờ con rùa mù ở đại dương mới ngoi đầu lên mặt nước đúng vào chỗ có bộng cây khô đang trôi?
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu,
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu.
Con nay được biết, xin tu học,
Theo gót Như Lai chẳng ngại lâu.

[1] Xem Digha-nikaya 16: Maha-Parinibbana-sutta; Trường A-hàm 2: kinh Du Hành.
[2] Nhìn vào Gương Chánh Pháp là nhìn vào gương sáng của đức Phật,nương theo giáo lý của đức Phật, noi theo phẩm hạnh của chư thánh Tăng để tự biết mình tu tới đâu.
[3] Xem Digha Nikaya 16: Maha-Parinibbana-sutta; Trường A-Hàm 2: kinh Du Hành.
[4] Xem The Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 66-67.
[5] Xem kinh Vedhamissakena.
[6] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 140-141.
[7] Nhà bác học Lavoisier của Pháp vào thế kỷ 18 đã xác nhận: Dans l’univers, rien ne se perd, rien ne se crée, tout se transforme (Trong vũ trụ, không có gì mất đi, không có gì sinh ra, tất cả đều biến đổi).
[8] Tháp thờ y bát và xá lợi của ngài Sariputta là tháp số 5 theo đồ hình Jetavana hiện nay.
[9] Xem Digha-nikaya 16: Maha-Parinibbana-sutta; Trường A-Hàm 2: kinh Du Hành; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 5; Samyutta-nikaya 47, 56; Tạp A-Hàm 638.
[10] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 146-148.
[11] Có tài liệu cho rằng ông Cunda là thợ bạc.
[12] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 149; Buddha and The Gospel of Buddhism, trang 68.
[13] Theo kinh Du-Hành, Trường A-Hàm 2, thì là cháo nấu với nấm cây chiên đàn (giống như nấm Mộc-nhĩ ở Trung-Hoa). Theo kinh Ðại-Bát Niết-Bàn tiếng Pali thì là cháo nấu với thịt heo rừng. Theo quyển Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 68, thì có thể là loại trufflesỂ, nấm đen mộc dưới mặt đất mà loài heo rừng rất ưa thích. Chữ sukara-maddava có thể hiểu là thịt heo rừng hay thức ăn của heo rừng. Nếu đúng là thịt heo rừng thì nên dùng chữ sukara-mamsa (The Life of Buddha as …, trang 149).
[14] Xem The Life of The Buddha của A.Foucher, trang 232-233; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 69; The Life of Buddha as Legend and History, trang 150.
[15] Kusinagar hiện nay là làng Kasia, thuộc quận Gorakhpur.
[16] Viện Khảo Cổ xác nhận tháp kỷ niệm Ðại Bát Niết Bàn hiện nay được xây đúng vào chỗ Phật nằm khi xưa. Tháp Ðại Bát Niết Bàn là tháp có nóc hình cầu, bên cạnh đền kỷ niệm có tượng Phật nằm.
[17] Có nghĩa là: Các pháp vốn không pháp, “Không pháp” cũng là pháp, Nay truyền cái “không pháp”, “Không pháp” nào có pháp.
[18] Xem Buddha and The Gospel of Buddhism, trang 71; Buddhist Legends, quyển II, trang 366.
[19] Chư Thiên dâng hoa cúng dường.
[20] Ðại đức Attadattha, sau khi nghe Phật tuyên bố sẽ nhập diệt trong ba tháng, thay vì sầu khổ và theo sát bên cạnh Phật, thầy quyết tâm cố gắng tu tập để đắc quả A-la-hán trước khi Phật nhập niết-bàn.
[21] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 151.
[22] Trích kinh Maha-Parinibbana (Ðại Bát Niết-bàn).
[23] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 151.
[24] Bốn động tâm là bốn thánh tích thường làm cho người Phật tử khi đến chiêm bái phải bùi-ngùi xúc động, nhớ đến công ơn sâu dày của đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni, và phát tâm dõng mãnh tu tập giáo pháp của ngài.
[25] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 151-152; Ðức Phật và Phật Pháp, trang 142.
[26] Xem A-Nan và A-Nan Cụ Bát Pháp trong Từ Ðiển Phật Học Huệ-Quang.
[27] Theo kinh Ðại Bát Niết-Bàn, phẩm Kiều-Trần-Như: A-Thúc-Ca là thị giả của Phật Tỳ-Bà-Thi, Sai-Ma-Ca-La là thị giả của Phật Thi-Khí, Ưu-Ba-Phiến-Ðà là thị giả của Phật Tỳ-Xá-Phù, Bạt-Ðề là thị giả của Phật Câu-Lưu-Tôn, Tô-Ðàn là thị giả của Phật Câu-Na-Hàm, Diệp-Ðà-Mật-Ða là thị giả của Phật Ca-Diếp.
[28] Xem Digha-nikaya 17: Maha-Sudassana-sutta.
[29] Xem Buddha and The Gospel of Buddhism, trang 73-74; Ðức Phật và Phật Pháp, trang 229-232; Buddhìst Legends, quyển III, trang 139.
[30] Xem kinh Pháp Cú, bài 254, 255.
[31] Nguyên văn: Akamkamano, Ananda, sangho mamaccayena khuddanukhuddakani sikkhapadani samuhantu Có nghĩa là Sau khi Như Lai nhập diệt, này Ananda, chúng Tăng có thể, nếu muốn, hủy bỏ những giới nhỏ không quan trọng
[32] Ðại-bát-niết-bàn là niết-bàn rốt ráo của chư Phật.
[33] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 154-156; The Buddha and The Gospel of Buddhism, trang 76-78.
[34] Không nên lầm ông Subhadda này với ông Subhadda là vị đệ tử xuất gia cuối cùng của Phật.
[35] Theo kinh Ðại Bát Niết-Bàn, phẩm Trà Tỳ, sau khi ngài Maha-Kassapa đảnh lễ, đức Phật duỗi hai bàn chân ra khỏi kim quan để an ủi ngài; ngài vuốt ve hai bàn chân Phật, lòng rất bi thảm. Sau đó hai bàn chân lại rút vào trong kim quan và hỏa đàn bốc cháy.
[36] Theo kinh Ðại Bát Niết-Bàn, phẩm Cúng Dường Xá Lợi, thì xá lợi răng nanh bên phải hàm trên của Phật được trao cho Thiên-Ðế-Thích trời Ðao-Lợi theo di chúc của Phật; xá lợi cặp răng nanh bên trái của Phật bị quỷ La-Sát Thiệp-Tập lấy trộm; phần xá lợi còn lại được chia ra làm 8 phần cho bảy xứ và làng Kusinagar.
[37] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 138.
[38] Theo ngài Huyền-Trang thì vua dòng Sakya lúc bấy giờ là Uttarasena, đóng đô ở Mungali vùng Udyana, cực tây bắc Ấn-độ. Chính Uttarasena đến Kusinagar thỉnh xá lợi Phật về xây tháp thờ ở thủ đô Mungali. Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 140; Digha nikaya 16; Jataka IV 144.
[39] Xem Trường A-Hàm 4: kinh Du Hành; kinh Ðại Bát Niết-Bàn, phẩm Cúng Dường Xá Lợi.
[40] Theo Buddhist Legends, quyển I, trang 247, nói về vua Udena (Udayana) thì Allakappa, Vethadipaka và Kosambi là 3 xứ giáp ranh nhau, gần Benares.

Add Comment