Primary Menu
Secondary Menu

Hạnh Sa Môn – HT Thích Trí Quảng

HẠNH SA MÔN
HT. Thích Trí Quảng

Mỗi năm tôi tới thăm trường hạ này và trao đổi kinh nghiệm an cư. Tuy nhiên, năm nay tuổi tôi đã lớn, sức khỏe không cho phép, nhưng ba tịnh xá của hệ phái Khất sĩ tổ chức an cư và tập trung về đây nghe pháp, nên tôi nhận lời đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm tu hành với quý Tăng Ni.

Quý vị biết tôi chuyên tu theo kinh Pháp hoa và thêm hai bộ kinh là Hoa nghiêm và Bát-nhã. Vì vậy, tôi sống và hành đạo trên tinh thần của ba bộ kinh Đại thừa này, nhưng khi nghiên cứu và ứng dụng trong cuộc sống, tôi thấy giáo lý Phật có sự xuyên suốt từ bậc thấp nhất đến cao nhất, nên gọi là nhứt Phật thừa. Theo tôi, chúng ta chia tông phái, pháp môn đại tiểu là không đúng, vì chỉ có một pháp môn duy nhất là thành Phật. Tất cả chúng ta tu hành đều có mục tiêu cao nhất là hướng đến thành Phật, nhưng trong nhứt thời không thành Phật được, vì căn tánh, hành nghiệp khác nhau. Từ đó, Phật chia ra tam thừa giáo là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát; nhưng chia như vậy vẫn chưa đủ, nên thêm hai thừa nữa là nhân thừa và thiên thừa.

sa_mon-content

Người ta cung kính bậc sa-môn vì giới-nghi mà các vị gìn giữ,
làm mô phạm sáng đẹp nơi cuộc đời – Ảnh minh họa của Trần Nguyên Hải

Chúng ta bắt đầu tu từ con người và phát huy phước đức để trở thành chư Thiên. Từ vị trí chư Thiên, chúng ta xả tục xuất gia làm Sa-môn, từ Sa-môn tiến lên bậc trí giả là Duyên giác và tiến lên kế cận Phật là Bồ-tát. Đó là con đường xuyên suốt qua năm chặng đường tu từ người lên chư Thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Tuy nhiên, ta phải xác định được vị trí của mình mới tu lên được. Thực tế cho thấy có người tu, nhưng không tiến bộ hay bị sụp đổ, vì không thấy chỗ đứng của mình, nhận lầm chỗ đứng của người khác, mặc áo Sa-môn nhưng thực chất không phải là Sa-môn. Đầu tiên mới thọ giới, đắp y, ta mới có tướng Sa-môn và từ đó chúng ta cần khắc phục, trau dồi cho thành hạnh Sa-môn, vì không có hạnh Sa-môn, việc tu hành phải bị gãy đổ.

Vì vậy, phát tâm xuất gia, học đạo, thọ giới Sa-di cho đến Cụ túc, Hòa thượng thường nhắc nhở chúng ta phải tu cho thành hạnh Sa-môn. Còn Phật khuyên ban đầu phải tu chứng quả vị La-hán. Nhưng phần lớn chúng ta không làm tròn hạnh Sa-môn, không đắc Thánh quả, lại nóng vội đi giáo hóa chúng sanh, làm chúng sanh phiền não và bị chúng sanh giáo hóa ngược lại, nên đọa. Quý vị cần suy nghĩ ý này.

Tôi kính trọng Tổ Minh Đăng Quang, gần như một đời ngài dành thì giờ cho việc tu học nhiều hơn, còn giáo hóa ít, nhưng ngài chỉ giáo hóa người có duyên; đó là điều quan trọng theo Phật dạy. Thật vậy, Phật dạy đắc La-hán rồi mới giáo hóa chúng sanh. Kinh Nguyên thủy ghi rằng tại Lộc Uyển, Phật giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như trước và Ngài bảo năm anh em Kiều Trần Như ở nhà chuyên tu.

Tu gì? Phật bảo diệt sạch phiền não, lắng lòng thanh tịnh là bước một nhập Không môn, tức việc đời loại khỏi tai và khỏi tâm chúng ta để không vướng bận việc đời. Nhưng nhiều khi chúng ta phạm sai lầm, mặc áo Phật ở chùa, lại bàn việc đời là làm sai lời Phật dạy; đem việc đời vào lòng nên một thời gian lòng chúng ta toàn phiền não nghiệp chướng trần lao. Thậm chí Phật không cho khất thực, vì Phật dạy không phải vì ăn mà khất thực. Vì đói mà xin ăn là ăn mày thực sự, không phải Sa-môn. Phật nói nếu các thầy đói thì ngồi đó tu, Như Lai đi xin chia cho năm thầy Tỳ-kheo cùng ăn. Phật dạy rằng có ít ăn ít. Điều này chúng ta học theo gọi là tri túc, ăn ít ngủ ít, tiêu xài ít tốn kém để chúng ta được giải thoát.

Đức Phật khất thực được bao nhiêu thì chia cho năm thầy cùng ăn. Ăn ít, trí tuệ phát sanh; hai điều này tỷ lệ nghịch với nhau. Theo kinh nghiệm tôi, ăn nhiều ngủ nhiều, nhưng ăn ít tự nhiên ngủ ít; lấy pháp làm thức ăn, lấy thiền thay cho ngủ. Ta thấy bạn đồng tu nào ăn pháp nhiều hơn thức ăn là đắc đạo, vì trí tuệ sanh ra. Thời kỳ tôi còn là học Tăng ham học đến quên ăn, nên hiểu được ý nghĩa ăn pháp. Phật dạy có hai thức ăn chính của người tu là thiền duyệt thực và pháp hỷ thực. Nguồn sống của chúng ta chỉ là Thiền và pháp. Vì vậy, Tỳ-kheo nào ăn nhiều ngủ nhiều không thể tiến tu đạo nghiệp.

Phật không cho khất thực vì chưa thành hạnh Tỳ-kheo. Tu cho thành hạnh Tỳ-kheo, hay đắc La-hán, tức làm sao đạt được Bát Chánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh định, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn. Lúc nào ta cũng đặt mục tiêu này đạt cho được. Trước nhất là chánh kiến, tức cái thấy của chúng ta có chính xác hay không. Thấy không chính xác, thấy ma tưởng Phật, thấy xấu tưởng tốt sẽ bị mắc lầm, rất nguy hiểm.

Truyện Tây du ký cũng gợi ý này. Ngài Huyền Trang quyết chí tu hành, nhưng đôi khi nhận lầm ma, nhận trái là phải. Vì vậy, quý vị nên luôn luôn lắng lòng thanh tịnh để nhìn đời qua lăng kính Phật pháp, thấy theo cách thấy của Phật, không thấy theo thế gian. Trung Hoa có câu châm ngôn rằng bắt đầu tu thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông. Nghĩa là người tu nhìn đời tất cả đều hoàn không, cuộc đời này không có gì hấp dẫn. Người đời thấy đẹp nên ham mới chạy theo là lao vào sanh tử. Tổ diễn tả ý này là “Trục sắc thanh nhi tham nhiễm, thập triền thập sử tích thành hữu lậu chi nhơn, lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội, mê luân khổ hải thâm nịch tà đồ…”. Chúng ta chết là buông tất cả. Mạng sống của chúng ta bị giới hạn trong hơi thở, thở ra mà không hít hơi thở vào được là chấm dứt cuộc sống. Ý thức mạng sống mong manh như vậy, chúng ta cố gắng đạt Thánh quả trước khi chết.

Nhập Không môn, lắng lòng thanh tịnh để lòng trống không, không còn gì khởi lên từ vô minh, vì biết rằng tất cả khởi niệm từ ham muốn, si mê sẽ dẫn chúng ta vào con đường tội lỗi. Có hai nguồn khởi lên, một là từ tâm thanh tịnh khởi lên, đó là chơn như duyên khởi; hai là từ A-lại-da thức khởi lên gọi là A-lại-da duyên khởi. Bắt đầu tu, hàng ngày chúng ta phải cắt vọng duyên là cắt những điều khởi lên từ A-lại-da thức để thâm nhập pháp Không. Phải thể nghiệm như vậy, không phải tu pháp Không là Không suông, bị mất gốc. Cái gì khởi lên thì ta cắt ngay. Tôi kinh nghiệm pháp này. Khi ngồi yên, ta thường nhớ điều này điều nọ, nhớ việc của kiếp này là nhớ lại từ thuở nhỏ cho đến lúc đi tu xảy ra những gì và bạn bè đối xử với mình như thế nào, v.v…, những khởi niệm như vậy là từ A-lại-da duyên khởi bùng lên thuộc về vọng nghiệp, đưa chúng ta vào sanh tử.

Nhận thức rõ lý này, chúng ta cắt bỏ vọng nghiệp cho đến khi tâm thanh tịnh được Trí Giả đại sư ví như cái áo phải giặt sạch mới nhuộm màu đạo được. Tâm thanh tịnh mới thấy Phật và nghe pháp được. Tâm không thanh tịnh chỉ nghe ngôn ngữ, không nghe được pháp. Pháp là gì? Pháp là chân thật, hay vô tự chân kinh, không bằng ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ đạo đoạn. Chỉ còn tâm hướng về Phật, nên Phật gia bị, tâm sáng lên, đó là pháp.

Hòa thượng Trí Tịnh không ra khỏi thiền thất, vì ở trong thiền thất để giữ tâm thanh tịnh mới an. Tôi đi hoằng pháp, Hòa thượng cũng nhắc nhở tôi an trú trong tâm thanh tịnh, để tâm chạy ra ngoài sẽ bị bất an. Hòa thượng làm Chủ tịch ba mươi năm nhưng ngài không đi vì e ngại nghiệp khởi. Trong tiềm thức của mỗi chúng ta đều có hạt giống xấu và nó sẽ dễ dàng khởi lên rất nhanh. Hòa thượng dạy rằng khi nào suy nghĩ để giải quyết việc thì may lắm là đúng được một nửa. Nhưng nếu không suy nghĩ, mà từ tâm chơn như thanh tịnh khởi lên thì đáp án chính xác đến 70%, bấy giờ nếu đối tượng là ma thì ta biết là ma, Phật thì ta biết là Phật, không bị mắc lừa. Còn nghe âm thanh, thấy hình dáng bên ngoài sẽ có vô số tội lỗi đi kèm, khiến ta mê lầm.

Từ tâm thanh tịnh hành đạo mới không bị gạt. Vì vậy, Phật khuyên người đắc La-hán mới có thể giáo hóa chúng sanh, chưa đắc Thánh quả mà giáo hóa chúng sanh là mắc nạn. Bồ-tát thị hiện làm Thanh văn thì không đắc đạo mà giáo hóa được chúng sanh, nhưng cũng phải nhớ rằng chỉ giáo hóa được chúng sanh hữu duyên thôi. Ngay như Phật còn chỉ giáo hóa người có duyên với Ngài. Trong thiền định hay từ tâm chơn như, Phật thấy người có duyên, Ngài đến giáo hóa họ. Phật giáo hóa không bỏ ai, kể cả người hốt phân là Sunita; nhưng Phật chỉ giáo hóa được một ông Sunita hốt phân, còn các người hốt phân khác, Ngài không giáo hóa được.

Các vị chân tu trong quá khứ đã đắc đạo, nhưng vì phạm sai lầm nên phải trả quả báo của đời trước. Sunita đời trước đã đắc La-hán, nhưng phạm sai lầm, nên đời này phải gánh phân. Vì vậy, Đức Phật đến lột bỏ cái nghiệp này xuống thì ông Thánh bên trong Sunita hiện ra. Điều này đơn giản, nhưng phải cân nhắc, nhiều khi vì “ngu đột xuất” nên phải trả giá cho cái sai lầm của mình. Sunita tu hạnh Thanh văn làm Sa-môn, làm thầy thì các vị Bồ-tát hiện thân lại cuộc đời để trợ hóa. Họ đóng vai làm vua, làm tướng, làm trưởng giả để trợ hóa ông, nhưng ông không biết. Nhận thức sâu sắc điều này, Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng ngài không dám dự trai tăng, vì e sợ có nhiều vị quỳ lạy là Bồ-tát phát tâm trợ hóa. Đạo lực của các ngài cao hơn đạo lực của ta, nhưng các ngài thị hiện lại đóng vai cư sĩ là vua chúa, trưởng giả…

Hòa thượng Trí Thủ lúc sanh tiền có kể rằng cụ Lê Đình Thám dạy các Hòa thượng, nhưng lại đảnh lễ chư Tăng trước rồi mới dạy, vì nghĩ rằng hình thức Tăng-già rất quan trọng để giúp cho Phật pháp tồn tại lâu dài, nên cụ kính ngưỡng Tăng. Vì vậy, Hòa thượng Trí Thủ coi ông Lê Đình Thám là Bồ-tát hiện thân lại giúp chư Tăng phát triển trí tuệ. Thật vậy, nhờ ông này mà phong trào học Phật pháp của chư Tăng được phát triển cho đến thành lập trường học dạy chư Tăng. Các bậc tu hành có trí tuệ thấy được các vị Bồ-tát trợ hóa, nhưng ta chưa đắc La-hán, nên ta không thấy. Riêng tôi chưa đắc La-hán cũng chưa thấy được các Bồ-tát hiện thân lại để trợ hóa người tu, nhưng bằng niềm tin, tôi coi những người trợ hóa giúp tôi là những người đồng hạnh nguyện với tôi trên lộ trình Bồ-tát đạo, nên tôi quý trọng họ.

Hòa thượng Giác Chánh không đi hoằng hóa. Ngài nói không thể hoằng pháp được vì chưa có quốc vương, vương tử, tể quan cư sĩ hiện thân ủng hộ thì không thể làm được. Thật vậy, ta muốn làm gì cũng phải có người ủng hộ. Thí dụ các sư muốn lên Đắk Lắk cất chùa phải coi ông Bí thư tỉnh ủy, hay ông Chủ tịch huyện, tỉnh, hoặc ông Giám đốc công an có ủng hộ ta hay không. Tôi đi giảng pháp thường lắng lòng thanh tịnh để quan sát các nhà lãnh đạo làm gì. Nếu họ không tin Phật, họ là người ngoại đạo thì tôi không đi đến đó; vì chỗ không có người ủng hộ ta thì sẽ gặp nguy hiểm, hoặc có người chống phá mà ta đến là đút đầu vào cái chết.

Lịch sử cho thấy Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất, nhưng chỉ chút sai lầm mà bị nhóm ngoại đạo lõa thể đánh chết. Ngài có thần thông làm vua, trưởng giả phát tâm, nhưng không độ được bà bán bánh ướt, vì ngài vận thần thông cho đá bay làm hư rổ bánh của bà.

Chúng ta lắng lòng thanh tịnh có cái nhìn chính xác thấy được đối tác của ta ở đâu, họ là ai, họ cần chúng ta điều gì thì theo đó mà giáo hóa. Theo ngài Nhật Liên, thấy chính xác bốn điều là giáo, cơ, thời, quốc. Giáo lý có vô số phương tiện và Đức Phật đã dùng vô số phương tiện để giáo hóa chúng sanh làm lợi ích cho người. Nếu nói giáo lý mà người nghe không thực hành theo được, không được lợi ích thì chỉ là danh tự Pháp sư nói nhiều nhưng không ai giải thoát. Kinh Bát-nhã đưa ra sáu pháp ba-la-mật, nhưng kinh Hoa nghiêm nói thêm có mười pháp ba-la-mật, trong đó có phương tiện ba-la-mật. Nói đến phương tiện ba-la-mật thì phải nói đến Tha Hóa Tự Tại Thiên. Vị Trời này mới có được phương tiện ba-la-mật, nên đến đâu cũng tự tại, vì ông biết người nghĩ gì, muốn gì, làm được gì, thì ông nói điều họ muốn, họ nghĩ mới dạy được họ.

Ngoài phương tiện huệ, còn có chân thật trí. Chân thật trí nghĩa là thấy chính xác, không sai lầm, hay đó là cái thấy của Phật hoàn toàn đúng như thật khi Ngài đắc đạo, nhưng nếu nói ra chân lý ấy thì chúng sanh không thể tiếp thu được, không chấp nhận được, họ sẽ bị đọa. Vì vậy, Phật định nhập Niết-bàn khi cái hiểu, cái thấy của Ngài không truyền trao cho ai được. Cũng vậy, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đi khắp Ấn Độ tìm người tri kỷ để truyền pháp, nhưng không có. Ngài phải sang Trung Quốc và ngồi chín năm lặng thinh, may mắn có Huệ Khả tới cầu pháp thì Tổ Đạt Ma mới Niết-bàn.

Tìm người tri kỷ để chia sẻ rất khó. Sở đắc của các bậc Thánh không chia cho chúng ta được, nhưng Phật thương xót chúng sanh, Ngài bày ra phương tiện nghĩa là những cái mà chúng ta làm được, đó là cạo đầu đi tu, ăn chay, còn làm Phật, làm Tổ thì không cách nào chỉ chúng ta được. Vì sự khó khăn đó, cho nên phải thành tựu quả La-hán, tức có đầy đủ Bát chánh đạo thì việc giáo hóa chúng sanh chắc chắn dễ dàng, hoặc người thành tựu hạnh Sa-môn, người trông thấy sanh tâm kính trọng, nên việc cảm hóa họ cũng nhẹ nhàng. Có bốn tướng là đi đứng nằm ngồi theo kiểu Sa-môn. Ngài Trí Giả thêm vào hai tướng nữa là ăn và thuyết pháp.

Thuyết pháp cũng là hạnh Sa-môn. Nhiều thầy thuyết pháp quên hạnh Sa-môn, nên cũng cười giỡn là sai. Có hạnh Sa-môn khi thuyết pháp thì người nhìn thấy ta là Pháp sư, không phải là ông hề. Thuở còn trẻ, tôi thấy có thầy thuyết pháp vừa ca giỡn, nói tiếu lâm, người ta vỗ tay. Nhưng sau nghiên cứu Thiên Thai tông, tôi thấy thuyết pháp như vậy là mất hạnh Sa-môn, lúc đó trở thành người hề, làm cư sĩ đem vui cho người. Ngài Trí Giả dạy rằng người thuyết pháp không cho cái vui đó. Ngài thuyết pháp suốt ba tháng an cư chỉ nói ý nghĩa thâm diệu của chữ Diệu để giúp cho người nghe thâm nhập huệ Như Lai không thấy chán. Nói vui theo thế tục là kéo họ về thế tục.

Ăn theo hạnh Sa-môn thì hành giả của phái Khất sĩ cũng giữ hạnh này. Hạnh Sa-môn là việc thọ thực, kinh hành, ngồi thiền hay thuyết pháp đều làm cho người phát tâm. Tôi thấy các thiền sư ngồi an nhiên thanh thoát cũng phát tâm. Ngày xưa quy định sau khi thọ giới ít nhất năm năm phải hiện sáu tướng giải thoát của Sa-môn. Bổn sư thấy đệ tử tròn hạnh Sa-môn như vậy mới cho đi vân thủy ba năm. Vân là mây, thủy là nước. Mây cũng là nước, nước cũng là mây. Trong suốt ba năm đi vân thủy mà không ai ngăn cản được ta và ta cũng không gây trở ngại việc của người, đó là đi kiểu mây bay ngang núi, nhưng núi không cản được mây và mây cũng không làm hư núi. Đi theo hạnh Tỳ-kheo như vậy thì không làm trở ngại cuộc đời.

Thủy là nước có khả năng len vào lòng đất. Tỳ-kheo đi khất thực thanh tịnh, người thấy thì họ hướng thiện, tu hành được giải thoát. Thuở nhỏ tôi đi khất thực. Thầy dạy muốn ăn chuối thì đến hàng chuối, muốn ăn xôi thì đến hàng xôi, đứng đó, đừng nói gì, chứ không dạy hạnh Tỳ-kheo.

Sau khi thọ giới năm năm sống với thầy, học cho được hạnh Tỳ-kheo và sau ba năm đi vân thủy để tập sự thể nghiệm hạnh Tỳ-kheo trong cuộc đời rồi trở về gặp thầy. Bấy giờ thầy ấn chứng cho đệ tử có đủ tư cách cất tịnh xá. Chưa thành hạnh Tỳ-kheo mà nóng vội cất chùa, độ người, e rằng sẽ bị người độ lại.
Tôi mong rằng quý vị suy nghĩ lời Phật dạy về hạnh Sa-môn để đạt được phước đức trí tuệ, đóng góp được lợi ích cho đạo pháp.

Thích Trí Quảng
(Bài giảng tại trường hạ tịnh xá Trung Tâm ngày 28-5-2013)



Add Comment