Primary Menu
Secondary Menu

Hệ thống truyền thừa Thiền tôn tại Trung Hoa

1. NGÀI BỒ ĐỀ ĐẠT MA SƠ TỔ CỦA THIỀN TÔN Ở TRUNG HOA.

Sau khi được ngài Bát Nhã Đa La, vị Tổ thứ 27 của Thiền Tôn ở Ấn Độ, ấn chứng cho làm Tổ thứ 28; ngài Bồ Đề Đạt Ma ở lại Ấn Độ ít lâu, rồi vâng lời phú chúc của Sư phụ, Ngài sang Trung Hoa truyền đạo.

Ngài sang Trung Hoa nhằm vào đời vua Lương Võ Đế (528 dl) trị vì. Ngài đến yết kiến vua và hy vọng rằng vua sẽ giúp một tay đắc lực trong việc truyền bá Phật giáo ở Trung Hoa. Nhưng nhận thấy căn cơ của vua còn thấp thỏi và sự tín ngưỡng của vua chỉ có tánh cách hình thức, bề ngoài, nên tổ Đạt Ma đã từ giã vua đến tu tại chùa Thiếu Lâm, ở Trung Sơn (đất Ngụy). Ngài ngồi xây mặt vào tường, tham thiền nhập định trong chín năm, đợi thời cơ thuận tiện để truyền đạo. Chính lối tham thiền này mà đời sau có tên là “Đạt Ma tổ sư thiền”. Trong thời gian chín năm Ngài tham thiền ở Thiếu Lâm, có nhiều vị tu sĩ nghe danh Ngài, đến cầu đạo, nhưng Ngài không tiếp một ai. Đó cũng là một phương pháp để dò xét căn cơ, tâm tánh của những người đến cầu đạo có thiết tha với đạo hay không. Trong số những người đến cầu đạo này, chỉ có một vị tỏ ra vô cùng kiên nhẫn nhiệt thành, dám hy sinh tất cả vì đạo. Đó là ngài Thần Quang mà sau này được Tổ Đạt Ma ấn chứng cho làm cho làm tổ thứ hai của Thiền Tôn ở Trung Hoa, và đổi pháp hiệu là Huệ Khả.

Để làm kim chỉ nam cho người tu thiền đời sau, Tổ Bồ Đề Đạt Ma còn truyền lại bộ kinh Lăng Già gồm 4 quyển rất có giá trị.

2. NGÀI HUỆ KHẢ (THẦN QUANG) VỊ TỔ THIỀN TÔN THỨ HAI Ở TRUNG HOA.

Ngài Thần Quang, nghe danh Tổ Đạt Ma đến cầu đạo, nhưng Tổ không tiếp. Ngài Thần Quang quỳ đợi luôn mấy năm ở ngoài hiên chùa; nhưng Tổ cũng không đoái hoài đến. Cuối cùng, để tỏ lòng chí thành tột mức của mình, dám xả thân cầu đạo, Ngài Thần Quang đã chặt đứt cánh tay của mình. Lúc bấy giờ Tổ Đạt Ma mới xoay lại hỏi :

– Ông đến đây để cầu gì ?

Ngài đáp :

– Con cầu pháp an tâm.

Tổ bảo :

– Ông đem tâm đến đây ta an cho.

Ngài thưa :

– Con tìm tâm không được.

Tổ dạy :

– Ta đã an tâm cho ông rồi đó !

Ngài liền ngộ đạo. Tổ Đạt Ma nói bài kệ sau đây, trong khi truyền pháp cho ngài Huệ Khả :

Nguyên văn chữ Hán :

Ngô bổn lại tự độ

Truyền pháp độ mê tình

Nhất hoa khai ngũ diệp

Kết quả tự nhiên thành

Dịch nghĩa :

Ta đến xứ Trung Hoa

Truyền pháp độ kê mê

Một bông trổ năm cánh

Kết quả tự nhiên thành

3. NGÀI TĂNG XÁNG VỊ TỔ THỨ BA CỦA THIỀN TÔN Ở TRUNG HOA.

Ngài Huệ Khả, sau một thời gian hành đạo, lại ấn chứng cho ngài Tăng Xáng làm vị Tổ sư thứ ba của Thiền Tôn ở Trung Hoa.

4. NGÀI ĐẠO TÍN VỊ TỔ THỨ TƯ CỦA THIỀN TÔN Ở TRUNG HOA.

Tổ Tăng Xáng truyền pháp cho ngài Đạo Tín là vị Tổ thứ tư. Từ tổ Đạo Tín, sự truyền pháp lại chia ra làm hai dòng, do hai ngài sau đây cầm đầu :

a) Ngài Hoằng Nhẫn ở núi Đông Sơn, huyện Huỳnh Mai.

b) Ngài Pháp Dung ở non Ngưu Đầu, cũng gọi là “Ngưu Đầu Thiền”.

5. NGÀI HOẰNG NHẪN VỊ TỔ THỨ NĂM CỦA THIỀN TÔN Ở TRUNG HOA.

Chữ Hoằng Nhẫn có nghĩa là kiên nhẫn tột độ, chịu đựng lâu dài. Hai chữ này có thể tóm tắt cho cả một câu chuyện truyền pháp bao hàm nhiều tính chất nhẫn nhục sau đây :

Một hôm Ngài Đạo Tín, vị tổ thứ tư Thiền Tôn, thấy một ông già đến cầu đạo, căn tánh thông lợi, có thể được truyền thọ đạo pháp. Nhưng vì tuổi ông đã già, chẳng còn sống được bao lâu, nên Tứ tổ dạy :

– Ta đã già, ông cũng già ! Nếu truyền pháp cho ông, ít ngày ta chết, rồi ông cũng chết, thì ai ở lại mà truyền đạo ? Vậy, nếu ông có thể đi đổi xác, ta sẽ truyền đạo cho ! Ông già thưa :

– Nếu con đi đổi xác chưa xong, mà lỡ Tổ đã tịch trước, thì làm sao truyền đạo cho con được ?

Đức Tứ tổ dạy :

– Ta sẽ ở nán lại cõi đời chờ ông.

Vâng lời Tổ dạy, ông già đi vòng theo dòng suối, thấy có một cô gái ngồi giặt bên bờ. Ông già hỏi :

– Cô cho tôi ngủ nhờ một đêm, có được không ?

Cô gái thưa :

– Ông hãy hỏi cha mẹ cháu

Ông già nói tiếp :

– Nếu có bằng lòng, tôi sẽ hỏi sau.

Cô gái trả lời :

– Dạ bằng lòng !

Được rồi, ông già đi khuất vào rừng rồi bỏ xác. Còn cô gái kia, không có chồng mà bổng nhiên có mang. Bị cha mẹ đuổi đánh, cô phải bỏ nhà đi xin ăn vất vả, nhẫn chịu không biết bao nhiêu điều khổ nhục. Sau khi sanh đứa bé được vài tuổi, cô bồng nó vào chùa. Đứa bé trông thấy Tứ tổ, mừng rỡ mở miệng cười.

Tổ nói :

– Ta đang trông đợi người đây !

Tổ xin đứa bé để nuôi và đặt tên là Hoằng Nhẫn. Ngài đặt tên ấy là có ý nói rằng : Tổ đã nhẫn nhục chưa chết để chờ truyền đạo, và bà mẹ đã nhẫn chịu bao sự nhục nhã, oan ức, khổ sở để sanh đứa bé.

Tổ Đạo Tín nuôi đứa bé cho đến khi khôn lớn rồi truyền pháp cho. Ngài Hoằng Nhẫn tức là vị tổ thứ năm của Thiền Tôn. Sau khi truyền đạo xong, Tứ tổ Đạo Tín mới viên tịch. (Theo Quy Nguyên Trực Chỉ âm nghĩa).

6. NGÀI HUỆ NĂNG VỊ TỔ THỨ SÁU CỦA THIỀN TÔN Ở TRUNG HOA.

Ngài Huệ Năng lúc nhỏ nhà nghèo, không biết chữ, chuyên nghề đốn củi đem bán lấy tiền về nuôi mẹ già. Một hôm, gánh củi đến bán cho nhà một phú ông, trong khi chờ đợi, Ngài lắng nghe chủ nhà tụng kinh Kim Cang. Đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, ngài liền ngộ đạo.

Đợi cho chủ nhà tụng kinh xong, Ngài trầm trồ khen ngợi và hỏi rằng :

– Chẳng hay ông tụng kinh gì mà hay quá vậy ? Tôi cũng muốn thọ trì tụng đọc như ông.

Phú Ông mách cho ngài :

– Tại núi Đông Sơn, huyện Huỳnh Mai có đức Ngũ tổ, thường truyền pháp độ người. Ông nên đến đó mà cầu đạo.

Ngài trả lời :

– Tôi cũng muốn như thế lắm; ngặt vì còn mẹ già không ai nuôi dưỡng nên không biết liệu làm sao !

Phú Ông bảo :

– Nếu ông thật quyết chí xuất gia cầu đạo thì hãy về cố gắng đốn củi cho thật nhiều, đem đến đây tôi sẽ đổi vàng cho. Ông lấy vàng ấy để lại nuôi mẹ, rồi đi xuất gia.

Ngài Huệ Năng mừng rỡ trở về, ngày đêm cố gắng đốn thật nhiều củi đem đến bán cho Phú Ông, và sau khi thu xếp việc nhà xong xuôi, Ngài đến huyện Huỳnh Mai cầu bái yết đức Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

Ngũ tổ thấy Ngài hỏi :

– Ông ở đâu đến và đến đây để cầu về việc gì ?

Ngài đáp :

– Con từ phương Nam đến đây, để cầu làm Phật.

Ngũ tổ thấy Ngài hình thù tuy kỳ dị, nhưng căn tánh lại thông lợi phi thường, có thể nối Tổ vị sau này. Ngài không muốn cho trong chúng biết, nên giả quở to rằng :

– Ông là người mọi rợ ở phương Nam, mà cầu thành Phật cái gì ?

Ngài Huệ Năng trả lời :

– Bạch Tổ sư, thân người tuy có phân chia kẻ Nam người Bắc, chứ Phật tánh vẫn bình đẳng, không phân biệt Nam, Bắc.

Ngũ tổ sợ trong chúng để ý, lộ bí mật, nên chẳng hỏi han gì thêm nữa, mà truyền cho xuống nhà trù công quả giã gạo.

Từ đấy, Ngũ tổ không nhắc nhỡ gì đến Ngài nữa, và ngài Huệ Năng, ngày ngày cũng cứ siêng năng cặm cụi giã gạo.

Trải qua một thời gian lâu, một hôm Ngũ tổ thấy mình đã già, muốn tìm người truyền Tổ vị, nên tuyên bố rằng :

– Nếu ai làm kệ dâng lên, được tỏ ngộ thiền cơ, thì ta sẽ ấn chứng và truyền pháp cho làm Tổ thứ Sáu.

Tin này được truyền ra rất mau chóng.

Trong chúng, mọi người đều đều nô nức, xôn xao bàn tán :

– Trong chúng, chỉ có Thượng tọa Thần Tú là thông minh, học nhiều và tài giỏi hơn hết, chắc thế nào Thượng tọa cũng sẽ được truyền Tổ vị.

Nhưng Thượng tọa Thần Tú lại không dám tin chắc mình sẽ được cái may mắn ấy, nên không dám trực tiếp đem dâng bài kệ của mình cho Ngũ tổ. Thượng tọa đợi đêm khuya thanh vắng, trong chúng đều ngủ cả, mới cầm đèn hồi hộp đến viết một bài kệ trên vách phía đông lang và không dám ký tên. Thượng tọa Thần Tú nghỉ thầm : “Nếu nhờ công phu tu hành bấy lâu mà bài kệ này được trúng ý Tổ, thì đây là một diễm phúc lớn lao vô cùng cho ta. Lúc bấy giờ ta sẽ ra bái nhận, bằng không thì ta sẽ làm thinh như không biết.

Nguyên văn chữ Hán :

“Thân thị Bồ đề thọ

Tâm như minh cảnh đài

Thời thời thường phất thức

Dật sử nhá trần ai”.

Dịch nghĩa :

“Thân là cây Bồ đề

Tâm như đài gương sáng

Thường ngày hằng lau quét

Chớ cho dính bụi trần”.

Sáng ngày, tăng chúng qua lại thấy bài kệ xuất hiện trên vách đông lang, ai nấy đều trầm trồ kính phục :

– Đây rồi ! kế tổ vị đây rồi ! Nếu không phải thượng tọa Thần Tú thì còn ai nữa !

Nghe Tăng chúng trầm trồ khen ngợi, nô nức kéo nhau đến xem bài kệ, ngài Huệ Năng cũng từ nhà trù theo chúng lên xem. Sau khi xem xong bài kệ, ngài Huệ Năng nói :

– Còn đứng ngoài cửa rào.

Kẻ qua người lại nghe Ngài nói thế, bĩu môi khinh bỉ :

– Đã dốt nát không biết một chữ thế kia, mà dám chê là còn đứng ngoài cửa rào !

Ngài Huệ Năng ôn tồn bảo :

– Tôi cũng có một bài kệ, xin các ngài viết lên vách giùm tôi, vì tôi không biết chữ.

Một người liền hoan hỉ viết hộ.

Ngài Huệ Năng đọc bài kệ sau đây :

Nguyên văn chữ Hán :

“Bồ đề bổn vô thọ

Tâm phi minh cảnh đài

Bổn lai vô nhứt vật

Hà xứ nhá trần ai ?”

Dịch nghĩa :

“Bồ đề vốn không cây

Tâm không phải đài gương

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi trần ?”

Nghe xong bài kệ, mọi người trong chúng đều kinh ngạc : Không ngờ một người dốt nát như thế mà lại làm được bài kệ xuất sắc, thâm diệu như thế !

Ngũ tổ thấy trong chúng xôn xao bàn tán, muốn đánh tan dư luận có thể nguy hại cho ngài Huệ Năng, nên bảo trong chúng truền đọc bài kệ của Thượng tọa Thần Tú, mà bôi bỏ bài kệ của ngài Huệ Năng.

Một buổi chiều, Ngũ tổ một mình đi xuống nhà trù, đến chỗ ngài Huệ Năng giã gạo và hỏi rằng :

– Gạo đã trắng chưa ?

Ngài Huệ Năng đáp :

– Bạch, gạo con giã đã trắng rồi mà còn thiếu người sàng. Mật ý Ngài muốn nói : “Đạo con đã ngộ rồi mà còn thiếu người truyền”.

Ngũ tổ nghe xong, lấy cây gậy gõ lên đầu chày ba cái rồi đi lên (Ngũ tổ muốn bảo ngài Huệ Năng canh ba vào phòng). Đúng canh ba, ngài Huệ Năng vào phòng Ngũ tổ. Ngài được Ngũ tổ ấn chứng và truyền y bát cho Ngài làm tổ thứ sáu, và dạy Ngài phải đi về phương Nam ngay đêm hôm ấy, để truyền đạo (xem quyển Lục Tổ Huệ Năng).

Từ đó, Ngài Lục Tổ Huệ Năng truyền pháp ở phương Nam, còn ngài Thần Tú thì truyền pháp ở phương Bắc. Phương Nam chủ trương về đốn ngộ; phương Bắc chủ trương về tiệm tu, nên gọi là “Nam đốn, Bắc tiệm”.

Sau đây là bản lược đồ về sáu vị tổ Thiền Tôn ở Trung Hoa :

Sơ tổ : Ngài Bồ Đề Đạt Ma

Nhị tổ : Ngài Huệ Khả (Thần Quang)

Tam tổ : Ngài Tăng Xáng

Tứ tổ : Ngài Đạo Tín

Ngũ tổ : Ngài Hoằng Nhẫn, Ngài Ngưu Đầu Thiền sư

Lục tổ : Ngài Huệ Năng, Ngài Thần Tú.

Từ Ngài Lục Tổ Huệ Năng về sau, không còn cái lệ truyền y bát nữa, và các tổ cũng không còn ấn chứng riêng cho một vị nào. Do đó trong Thiền tôn không còn truyền thống nhất nữa, mà lại chia ra làm hai phái và năm dòng sau đây :

Hai phái và Năm dòng

Ngài Huệ Năng từ khi lên làm Lục tổ đã truyền pháp cho rất nhiều đệ tử. Trong số các đệ tử, nổi tiếng hơn hết là ngài Hoài Nhượng ở Nam Nhạc, và ngài Hành Tú ở Thanh Nguyên (xem Pháp Bảo Đàn Kinh). Hai ngài này mở đầu cho hai phái Thiền tôn là phái Nam Nhạc và phái Thanh Nguyên.

Phái Nam Nhạc về sau lại chia làm hai dòng là : Lâm Tế và Quy Ngưỡng.

Phái Thanh Nguyên lại chia làm ba dòng là : Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn.

1. Dòng Lâm Tế :

a/ Sự truyền thừa của dòng Lâm Tế tuần tự như sau :

– Hoài Nhượng Thiền sư

– Đạo Nhứt Thiền sư (họ Mã, tục gọi là Mã Tổ)

– Bách Trượng Thiền sư (Hoài Hải)

– Huỳnh Nghiệt Thiền sư (Hy Vân)

– Lâm Tế Nghĩa huyền

b/ Sự truyền pháp (thiền cơ) của tôn Lâm Tế :

Như chúng tôi đã nói ở phần đầu của tập sách này, sự truyền pháp của phái Thiền tôn thật khó mà hiểu được, đối với người thường. Chẳng hạn như trong phái Lâm tế, sự truyền pháp chỉ dùng thiền trượng đánh và hét to lên, mà làm cho thiền giả được ngộ đạo. Cái lối khai ngộ này khởi đầu từ ngài Huỳnh Nghiệt Thiền sư :

Để cầu giác ngộ, một hôm ngài Lâm Tế hỏi ngài Huỳnh Nghiệt :

– Sao gọi là đại ý Phật pháp ?

Ngài Huỳnh Nghiệt liền lấy thiền trượng đánh ngài Lâm Tế một cái. Ba lần ngài Lâm Tế hỏi, ba lần đều bị đánh như thế.

Ngài Lâm Tế lấy làm bối rối, không hiểu ý nghĩa làm sao, nên đến tham học với ngài Đại Ngu Thiền sư, nhờ thế ngài Lâm Tế mới ngộ được tôn chỉ của ngài Huỳnh Nghiệt.

Từ đó về sau, dòng Lâm Tế mỗi khi khai ngộ cho đệ tử, đều dùng phương pháp đánh và hét ấy.

Ngài Lâm Tế nói :

“Có khi hét một tiếng như bửu kiếm kim cương vương, có khi hét một tiếng như sư tử dậm chân, có khi hét một tiếng như quơ cây nơi bóng cỏ, có khi hét một tiếng, không khởi cái dụng của tiếng hét”. Bởi thế nên người đời gọi là “Lâm tế tứ yết” (bốn tiếng hét của Lâm tế).

Dòng Lâm tế về sau lại chia làm hai nhánh : Dương Kỵ và Huỳnh Long. Từ đời Tống về sau, dòng Lâm Tế rất thịnh hành. Cho đến ngày nay về Thiền tôn trong các đại tòng lâm, phần nhiều là dòng Lâm Tế.

2. Dòng Quy Ngưỡng :

Tổ Bách Trượng thiền sư truyền cho ngài Linh Hựu thiền sư ở núi Quy Sơn đất Đàm Châu. Ngài Linh Hựu truyền cho ngài Quy Ngưỡng Huệ Tịch.

Ngài Quy Ngưỡng là một vị thiền sư đắc đạo, sự mầu nhiệm của Ngài, không ai có thể lường được. Ảnh hưởng của Ngài rất lớn, vì thế cho nên người ta đã lấy tên Ngài để đặt tên cho cả một dòng thiền tôn. Sự truyền đạo của Ngài cũng rất kỳ lạ. Mỗi khi có ai đến hỏi đạo thì ngài Quy Ngưỡng chỉ vẽ tướng trâu, hoặc vẽ tướng người, tướng Phật hay chữ vạn, mà người được ngộ đạo.

3. Dòng Tào Động :

Sự truyền thừa của tôn này, thứ tự như sau :

a/ Ngài Thanh Nguyên thiền sư

b/ Ngài Hy Thiên thiền sư, tức ngài Thạch Đầu Hòa thượng.

c/ Ngài Dược Sơn thiền sư

d/ Ngài Vân Nhâm thiền sư

đ/ Ngài Lương Giới thiền sư ở núi Đông Sơn

e/ Ngài Bổn Tịch thiền sư ở núi Tào Sơn

Ngài Vân Nhâm thiền sư đã dùng pháp Bửu cảnh tam muội, truyền cho ngài Lương Giới (Đông Sơn); ngài Lương Giới cũng dùng pháp này để truyền cho ngài Bổn Tịch (Tào Sơn).

4. Dòng Vân Môn :

Sự truyền thừa của tôn này, thứ tự như sau :

a/ Ngài Thạch Đầu thiền sư

b/ Ngài Thiên Hoàng

c/ Ngài Long Đàm

d/ Ngài Đức Sơn

đ/ Ngài Tuyết Phong

e/ Ngài Vân Uyển thiền sư ở đất Thiều Châu, Vân Môn.

Cách truyền pháp của ngài Vân Uyển (Vân Môn) cũng rất kỳ lạ, ít ai hiểu được nghĩa lý : ai đến hỏi đạo, thì Ngài chỉ nói một chữ “Dám”. Nếu người cầu đạo còn ngần ngại không hiểu, thì Ngài nói thêm : “Di”. Vì Ngài chỉ đáp có một chữ như thế cho người cầu đạo, nên người đời gọi phép quán của Ngài là “nhứt tự quán” (quán sát cái lý trong một chữ Dám hay chữ Di).

5. Dòng Pháp Nhãn :

Sự truyền thừa của tôn này, thứ tự như sau :

a/ Ngài Tuyết Phong thiền sư

b/ Ngài Huyền Sa thiền sư

c/ Ngài Xa Hán thiền sư

d/ Ngài Vân Ích thiền sư

Phương pháp khai thị cho người đến cầu đạo của ngài Vân Ích thiền sư là dùng sáu tướng trong kinh Hoa Nghiêm sau đây :

– Tổng tướng : tức là muốn nói đến chơn như nhất tâm.

– Biệt tướng : tức là các duyên sanh khởi từ chơn như nhất tâm.

– Đồng tướng : các pháp đều đồng như nhau.

– Dị tướng : tùy theo mỗi tướng không bình đẳng.

– Thành tướng : dựng lập ra cảnh giới.

– Hoại tướng : vị trí không đồng tức là hoại tướng.



Add Comment