Primary Menu
Secondary Menu

HÌNH ẢNH HOA SEN TRONG PHẬT GIÁO

Vừa mới sinh ra từ hông Mẫu hậu, Thái tử Tất Đạt Đa đã đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen nâng chân. Có phải chăng, đây là dấu hiệu cho thấy Thái tử là một Bậc siêu phàm? Cây sen ở trong bùn lầy nhơ nhớp mà phát triển, nở hoa trên không và tỏa hương tinh khiết.

Đạo sĩ A Tư Đà xem tướng Thái tử, đã tiên đoán tương lai Ngài theo hai hướng: “Nếu thuận theo dòng đời, Thái tử sẽ là một vị Chuyển luân Thánh Vương. Nếu xuất gia tu hành, ngược dòng thế tục, Ngài sẽ chứng quả Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tuy nhiên, khuynh hướng đi ngược dòng đời có thể mạnh hơn”. Điều tiên đoán nầy chứng tỏ Đạo sĩ đã căn cứ vào những dấu hiệu bí ẩn nào đó, ngoài 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp – hình tướng mà một Chuyển luân Thánh Vương cũng có – để giả thuyết về thiên hướng thoát tục của Thái tử. Có phải Đạo sĩ nghĩ đến cách thức ra khỏi lòng mẹ, đến bài kệ Đản sinh, hay đến những đóa sen nở trên từng bước chân đầu đời của một Bồ tát Nhất sanh Bổ xứ?

Khi Thái tử được 19 tuổi, lời tiên đoán của Đạo sĩ A Tư Đà đã một phần thành hiện thực. Bỏ lại sau lưng tất cả những gì tốt đẹp nhất mà người đời thường ao ước, Thái tử tự nguyện dấn thân để tìm cho mình cánh cửa mở ra khoảng trời tự do đích thực. Năm năm tìm Đạo và sáu năm khổ hạnh trong rừng thâm u, nếm trải đến tột cùng những chất liệu đau khổ, chướng ngại đến từ hoàn cảnh bên ngoài và ngay trong thân tâm, Sa môn Cù Đàm đi đến quyết định tối hậu: Chỉ có mình mới làm Thầy cho chính mình. 49 ngày đêm thiền định dưới cội Tất bát la, Ngài đã tìm ra lời giải đáp cho vấn nạn ôm ấp từ bao năm: “Con người từ đâu sinh ra, Sau khi chết đi về đâu, Làm thế nào thoát khỏi luân hồi sinh tử?” Và trong bài ca khải hoàn của Người Chiến Thắng Vĩ Đại, lại lung linh hình ảnh một hoa sen. “Như hoa sen đẹp đẽ và dễ thương, không ô nhiễm bùn nhơ nước đục, giữa đám bụi trần ta không vướng chút bợn nhơ. Như vậy, ta là Phật!”.

Suốt 49 năm hoằng pháp lợi sinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhiều lần nhắc đến hoa sen trong những bài pháp thoại. Trong Nhiếp Thừa Luận Thích; bốn đặc tính của sen (hương thơm, thanh tịnh, mềm mại, khả ái) được dùng để ví với bốn đức Thường – Lạc – Ngã – Tịnh của Niết bàn. Kinh Đại Bát Nhã nói về một loài sen đặc biệt có nghìn cánh là Thiên diệp Liên hoa. Kinh Đại thừa Bổn sanh Tâm Địa Quán diễn tả hình ảnh huyền diệu của chư Phật, giảng pháp cho các hàng Bồ tát theo ba hạng: Chư Phật ngồi trên hoa sen trăm cánh giảng Bách pháp Minh môn, ngồi trên sen ngàn cánh giảng Thiên pháp Minh môn, ngồi trên sen vạn cánh giảng Vạn pháp Minh môn. Một trong những thần chú thông dụng và nổi tiếng nhất của Mật tông là Lục tự Đại minh chân ngôn “Om mani padme hum” được hiểu là “Quy y châu ma ni trên hoa sen”(*). Và chín phẩm Liên Hoa, nơi hóa sinh của những hành giả Tịnh Độ, là phần thưởng cao quý nhất nếu niệm Lục tự Di Đà đến nhất tâm bất loạn.

Vào cuối đời, Đức Thế Tôn thấy trình độ tâm linh của môn đệ đã vươn đến một tầm cao thích hợp, nên trong pháp hội Linh Sơn, Ngài thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hoa sen một lần nữa bước lên địa vị cao tột, khi được ví với tánh giác sẵn đủ của tất cả chúng sinh. Mỗi chúng ta đều như một cây sen còn bị vùi trong bùn lầy ngũ dục, mà mầm hoa còn ẩn tàng đâu đó. Có người tưởng lớp bùn ấy là nguồn vui bất tận, nên chịu mãi trầm luân trong sinh tử. Có người chán ghét bùn nhơ, mong cầu một nơi thanh tịnh mà không ngờ rằng, sen chỉ phát triển và nở hoa trong môi trường ô nhiễm như thế. Có người thấu triệt, bùn lầy nước đọng và không gian mênh mông vốn chỉ là hai mặt đối đãi không thật có; nếu nhận ra mầm hoa tại hiện tiền, thì tức khắc hoa sen nở. Đó là tinh thần Đốn ngộ của Lục Tổ Huệ Năng: Phật pháp ngay tại thế gian, không thể xa lìa thế gian tìm cầu sự giác ngộ.

Thiền sư Ngộ Ấn đời Lý khi sắp tịch, để lại một bài kệ nói về Hoa – sen – tâm như sau:

Diệu tánh hư vô bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị càn.

Hòa thượng Trúc Lâm dịch:

Diêu tánh rỗng không chẳng thể vin

Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin

Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy

Lò lửa hoa sen nở thật xinh.

“Diệu tánh” hay chân tâm của mỗi chúng sinh đều bình đẳng, nhưng vì rỗng rang như hư không nên chẳng thể bám víu, chẳng thể đo lường. Tuy vậy, khi hành giả trực nhận Diệu tánh, thấy sao quá đơn giản, quá dễ tin, mà người đời không ngờ được. Diệu tánh ấy được ví với viên minh châu, dù ở trong ngọn núi năm uẩn luôn bị lửa vô thường thiêu cháy, vẫn tươi nhuần sắc ngọc. Cũng như đóa sen mầu nhiệm, tuy ở trong lò lửa xác thân mà vẫn khoe sắc khoe hương. Hai cặp hình ảnh đối nghịch: ngọc quý và núi cháy, hoa sen và lò lửa đã diễn tả đầy đủ lý nghĩa thâm sâu: Trong thân tâm vô thường sinh diệt luôn sẵn đủ tánh giác thường hằng bất biến.

Cũng trong pháp hội Linh Sơn, Đức Phật cùng Tôn giả Ca Diếp đã vẽ nên một bức tranh Niêm hoa vi tiếu, một biểu tượng thiêng liêng trong nhà Thiền. Một vị Trời cúng dường Đức Phật bó hoa sen xanh. Đức Phật im lặng cầm một cành sen giơ lên, đôi mắt màu sen xanh nhìn khắp lượt đại chúng. Mọi người đều ngơ ngác, chỉ riêng Tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Ngay đó, Đức Phật liền bảo: “Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết bàn Diệu tâm, Thực tướng Vô tướng, nay truyền trao cho Ca Diếp”. Tôn giả Ca Diếp trở thành Sơ Tổ Thiền tông trong lịch sử Phật giáo. Có ý nghĩa uyên áo nào trong câu chuyện vừa kể?

– Ý nghĩa thâm sâu không ở nơi cành sen được Đức Phật đưa lên (niêm hoa), cũng không ở nụ cười của Ngài Ca Diếp (vi tiếu). Ý nghĩa ấy cũng không phải từ sự khai thị Tánh thấy mà Đức Thế Tôn muốn đại chúng nhận ra và thể nhập. Lý Thiền biểu hiện thẳng tắt, rỡ rỡ, tại thời điểm tứ mục tương cố. Bốn mắt nhìn nhau, tâm Thầy và Trò tương ưng. Thời gian ngừng trôi, không gian lắng đọng. Một niệm mà muôn thuở, một sát na mà rạng chiếu ngàn đời. Không còn phân chia Thầy và Trò, hoa và người, mà Tâm – Phật – Hoa không hai không khác.

Hội Linh Sơn đến giờ vẫn còn tiếp diễn, hoa sen vẫn ngân vang bài pháp không lời, từ ngàn xưa đến ngàn sau không dứt. Và ngày nay, trong chánh điện trang nghiêm, Đức Thế Tôn vẫn đang ung dung trong tư thế tọa thiền trên đài sen báu. Người Phật tử chiêm ngưỡng, bái lạy tôn tượng Đức Phật nhớ đến trí tuệ, đức độ và công hạnh xuất thế của Ngài, đồng thời cũng nghĩ về những tính chất vô song của hoa sen. Một trong những nét đặc thù ấy là tính vô nhiễm của hoa sen, tượng trưng tinh thần nhập thế của đạo Phật. Dù đang tu đạo, chứng đạo hay hành đạo, chư vị Bồ tát vẫn ngay trần lao mà thể nhập tự tánh, làm mọi Phật sự bằng tâm vô sở cầu vô sở đắc. Khi “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành”, các Ngài vẫn thị hiện vào mọi cảnh giới, tùy duyên giáo hóa chúng sinh.


Thái tử sinh ra trong trần thế, nhưng không cam chịu thân phận con người với bản án sinh – già – bệnh – chết. Cuộc đời Ngài cũng vươn lên từ bùn nhơ của ngũ dục, của luyến ái gia đình, trở thành một Bậc Đại Giác Ngộ – Đức Bổn Sư của cả Trời người.
Từ buổi bình minh của đạo Phật, khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh trong vườn Lâm Tỳ Ni, hoa sen đã góp mặt và dâng hương thanh khiết. Hoa cũng làm một chứng nhân trong những giờ phút trọng đại của Phật giáo, khi Đức Thế Tôn thành đạo, hóa đạo và truyền trao tâm pháp. Cho nên có thể nói, hoa sen không những là loài hoa được tôn quý ở Ấn Độ thời cổ, là nét đẹp văn hóa của Việt Nam từ xưa nay, mà còn là biểu tượng không thể thiếu trong lịch sử truyền thừa của đạo Phật.

Thích Thông Hụê

====================
Theo Phật giáo Việt nam





Add Comment