Primary Menu
Secondary Menu

Lục Ba La Mật – HT Thích Đức Thắng

LỤC BA-LA-MẬT
(ṣaṭ pāramitā) 六波羅蜜多
Thích Đức Thắng

Đây là sáu phương pháp thực tiễn tu tập dành cho các hàng đệ tử của đức Đạo sự từ tại gia cũng như xuất gia và, nhất là dành cho các hàng Bồ-tát tu tập muôn hạnh trong việc tự độ và độ tha; có nơi còn gọi là Lục độ vạn hạnh. Lục ba-la-mật gọi đủ là Lục Ba-la-mật-đa. Ở đây, Lục Ba-la-mật-đa được dịch nghĩa cùng phiên âm từ chữ Phạn Ṣaṭ parāmitā; ṣaṭ có nghĩa là sáu, còn parāmitā được phiên âm là Ba-la-mật-đa có nghĩa là vượt qua (độ), đến bờ bên kia, tức là chỉ cho sáu phương pháp để hành giả tu tập đến bờ bên kia (từ bờ mê đến bờ giác); Parāmitā còn có những nghĩa: Tuyệt đối, nghĩa hoàn toàn, rốt ráo, thành tựu, có nghĩa là đạt thành lý tưởng mà hành giả đã đặt ra cho mình, là hoàn thành mọi ý nguyện, đó chính là mục tiêu cuối cùng của các hành giả thực hành con đường Bồ tát của mình qua sáu phương pháp vừa tự lợi và lợi tha. Sáu phương pháp này có khả năng độ thoát biển khổ sinh tử đạt đến thường lạc Niết-bàn của bờ bên kia theo nghĩa tương đối. Theo Lục Độ Tập kinh quyển 1 thì: “Chư Phật biết chúng sanh khó đuổi kịp hạnh cao, nên vì họ nói sáu độ vô cực của Bồ-tát đề họ mau được làm Phật. Sao gọi là sáu? Một là Bố thí, Hai là Trì giới, Ba là Nhẫn nhục, Bốn là Tinh tấn, Năm là Thiền Định, Sáu là Minh độ vô cực (Trí tuệ Ba-la-mật).” Sáu Ba-la-mật chúng ta gặp rải rác trong khắp các văn bản Kinh, Luật, Luận trong Tạng Đại Chánh Tân Tu. Trong đó, Lục Độ Tập kinh, Lục Ba-la-mật kinh v.v…, toàn kinh đều giảng rộng về về hành Lục Độ; ngoài ra, những kinh khác như kinh Đại Bát Nhã 5, 7, 9 phần cuối, Luận Đại Trí Độ 11 phần cuối cũng đều tường thuật rõ ràng về chúng, đó là pháp môn cực kỳ trọng yếu của kinh điển Đại thừa Phật giáo. Về ý nghĩa của Lục Độ này được lược thuật như sau:

1 – Đàn-na Ba-la-mật (dāna-pāramitā), hay còn phiên Đà-na Ba-la-mật, người Trung quốc dịch nghĩa phiên âm là Bố thí ba-la-mật, hoặc Bố thí đáo bỉ ngạn, Thí ba-la-mật, Bố thí độ vô cực. Cũng dịch là bố thí hoàn toàn tuyệt đối, hay hoàn thành Bố thí, trong đó có cả ba loại Tài thí, Pháp thí và, Vô úy thí.

2 – Thi-la Ba-la-mật (Śīla-pāramitā), người Trung quốc dịch nghĩa, phiên âm là Trì giới Ba-la-mật, hay còn gọi là Giới độ vô cực. Cũng có nghĩa là tuyệt đối, trì giới hoàn toàn, hay hoàn thành trì giới, tức là chỉ cho việc trì giữ luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới, chúng có khả năng đối trị nghiệp ác khiến cho thân và tâm thanh tịnh.

3 – Sàn-đề Ba-la-mật (ksānti-pāramitā), người Trung quốc dịch nghĩa, phiên âm là Nhẫn nhục Ba-la-mật hay An nhẫn Ba-la-mật, Nhẫn nhục độ vô cực. Cũng dịch là tuyệt đối, an nhẫn hoàn toàn, hay hoàn thành nhẫn, tức là chỉ cho việc tu tập nhẫn nại oán hại, An nhẫn chịu khổ, xét kỹ pháp nhẫn có khả năng đối trị sân nhuế, khiến tâm trụ vào an ổṇ

4 – Tỳ-lị-da Ba-la-mật (vīrya-pāramitā), người Trung quốc dịch nghĩa, phiên âm là Tinh tấn Ba-la-mật, hay Tinh tấn độ vô cực. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, hoàn toàn tinh tấn, hoàn thành tinh tấn, trong đó có cả hai tinh tấn thân và tâm. Tinh tấn siệng năng tu tập các thiện pháp, hành đạo, lễ tụng, giảng thuyết, siêng giúp, khai hóa, tức là chỉ cho thân siêng năng tinh cần tu tập bố thí, trì giới thiện pháp và tâm siêng năng hành thiện đạo, tâm tâm liên tục miên mật siêng năng tu tập nhẫn nhục, thiền định trí tuệ. Cho nên tinh tấn cả khả năng về hai mặt thân và tâm để đối trị với căn bệnh lười biếng của ác pháp sinh trưởng các pháp lànḥ

5 – Thiền-na Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā), người Trung quốc dịch nghĩa, phiên âm Thiền định Ba-la-mật, hay Tịnh lự Ba-la-mật, Thiền độ vô cực. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, thiền định hoàn toàn, hay hoàn thành thiền định, tứ là chỉ cho sự tu tập tịnh lự hiện pháp lác trú, tịnh lự đưa đến thần thông, tịnh lự lợi lạc hữu tình, chúng có khả năng đối trị loạn ý, nhiếp giữ ý niệm đối tượng bên trong không cho chạy theo các duyên bên ngoài.

6 – Bát Nhã Ba-la-mật (prajñā-pāramitā), người Trung quốc dịch nghĩa, phiên âm trí tuệ Ba-la-mật, hay Minh độ vô cực. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, trí tuệ hoàn toàn, hoàn thành trí tuệ, có nghĩa được tuệ thế tục, tuệ duyên thắng nghĩa, tuệ duyên hữu tình, có khả năng chấm dứt ngu si, biết rõ thật tướng các pháp hiện hữu và biến dịch.

Qua những tóm lược về ý nghĩa công dụng của Lục Ba-la-mật, cho hành giả chúng ta có một nhận thức cơ bản về cả hai mặt tự lợi và lợi tha cho cả hai Thừa của Phật giáo, tuy trên mặt căn cơ có sự sai biệt, nhưng về mặt tác dụng chúng vẫn có những giá trị nhân quả ngang nhau dù là đại hay tiểu, dù là tiêu cực hay tích cực, chúng vẫn mang lại cho hành giả những kết quả theo từng thuộc tính của chúng.

– Về Đàn-na Ba-la-mật (dāna-pāramitā), ở đây được y cứ vào tâm từ bi mà thể hiện phước lợi cho mình và cho người. Bố thí vốn được phát xuất từ sự khuyến khích và hướng dẫn của chính đức Đạo sư cho các hàng Phật tử Ưu-bà-tắc tại gia thực hành pháp này về tài vật. Ý nghĩa vật chất của nó không ngoài dùng y thực cùng tất cả những vật thực khác có được cúng dường hay bố thí cho những vị có đức lớn và những người cùng khổ nghèo nàn; và cho đến thời kỳ Đại thừa phát triển thì bố thí là một pháp trong Lục Ba-la-mật, ngoài Tài thí ra còn thêm hai pháp nữa đó chính là Pháp thí và Vô úy thí đem tài vật, thể lực, trí tuệ ra bố thí rộng rãi cho người khác, vì người khác tạo phước thành trí mà cầu được công đức dần dần tích lũy trở thành to lớn, đó chính là một phương pháp tu hành đưa hành giả đi đến chỗ giải thoát. Theo Đại Thừa Nghĩa Chương 12 giải thích thì, nghĩa của Bố thí là dùng tài vật của mình mà phân phát cho người khác được gọi là Bố; còn tình thực mình ban ân cho người thì gọi là thí.

Mục đích Bố thí của các nhà Tiểu thừa là để dẹp trừ tính cò kè bớt một thêm hai cùng lòng tham cá nhân trong hiện tại, tạo ra tác nhân vì mình vì người mà hành thí khiến tránh khỏi cái hậu quả bần khốn trong đời vị lai, trong khi các nhà Đại thừa thì liên kết Bố thí với giáo nghĩa Đại từ đại bi tâm để tự cứu thoát mình cứu thoát mọi người. Người bố thí giúp đỡ tiền tài vật chất được gọi là Đàn Việt (dānapani, là chỉ cho người cúng dường, người giúp đỡ, ý dịch là người chủ bố thí, hay đàn-na chủ gọi tắt là Đà-na); còn của cải tài vật được đem ra bố thí gọi là của cải giúp đỡ, tài vật giúp đỡ, vàng bạc giúp đỡ, tiền tài giúp đỡ, nhà cửa giúp đỡ (Nhà cửa cúng dường cho Tăng chúng), vật giúp đỡ phân chia, vật tín đồ cúng dường.

Bố thí có khả năng khiến cho con người xa lìa lòng tham, như chúng ta đối với Phật, Tăng cùng những người bần cùng mà cúng dường giúp đỡ y phục, đồ ăn thức uống, của cải vật chất thì cái hậu quả tất yếu là chúng ta sẽ chiêu cảm được quả báo hạnh phúc có được về vật chất sung túc dư giã sau này. Đó là đức Đạo sư chỉ mới dạy cho chúng ta tự thể hiện lòng từ qua bố thí vật chất, còn về mặt tinh thần trong đó bố thí cũng được vì mọi người hướng dẫn tuyên giảng về chánh pháp khiến cho người ta chỉ ác hành thiện không những chỉ đạt được công đức lợi mình lợi người mà còn sinh về nơi nhân thiên hưởng lạc quả sau này qua Pháp thí, đức Đạo sư không những chỉ dừng lại ở đó mà còn khiến cho mọi người ly khai xa lia lòng sợ hãi do vô minh mang lại làm cho chúng ta không làm chủ được vận mệnh của chính mình mà phải đem giao phó cho những thần linh không biết bên ngoài làm chủ, đó chính là đem lại cho mọi người lòng vô úy không sợ hãi mà đức Đạo sự gọi pháp này là Vô úy thí. Giữa ba cách bố thí này sự khác nhau hiển nhiên về giá trị vật chất và tinh thần với nhau mà chúng còn khác nhau trên mặt đánh giá tiêu cực và tích cực trong ý nghĩa thế gian và xuất thế gian. Ngay đến Bố thí, nếu bố thí với mục đích vì để xa lìa lòng tham và để khai ngộ việc chỉ ác hành thiện thì được gọi là thanh tịnh thí, còn nếu ngược lại mà bố thí thì bố thí này gọi là bất thanh tịnh thí. Đối với Pháp thí, giá trị nội hàm của chúng cũng tùy thuộc vào thuộc tính của chính chúng, có nghĩa là Pháp thí chỉ dạy mọi người pháp sinh về Nhơn-Thiên Pháp thí thế gian, còn giáo pháp dạy người làm Phật thì gọi là Pháp thí xuất thế. Ngoài Tài thí và Pháp thí thông thường ra, riêng Bố thí Ba-la-mật cũng tùy thuộc vào thời gian mà khu biệt có hai loại. Loại thứ nhất được gọi là Bố thí, theo kinh Ưu-bà-tắc giới 2 thì, việc hành Thí của các hàng Thinh Văn, Duyên Giác, Phàm phu, ngoại đạo cùng việc hành thí của các hàng Bồ-tát ở vào thời gian sơ hay nhị A-tăng-kỳ kiếp thì vẫn còn gọi là Thí; còn các hàng Bồ-tát từ đệ tam A-tăng-kỳ kiếp trở lên mà hành thí thì gọi là Thí Ba-la-mật. Theo kinh Bồ-tát Thiện Giới 1, phẩm tự thì, các hàng Bồ-tát tại gia hành Tài thí cùng Pháp thí, còn các hàng Bồ-tát xuất gia hành Tứ thí: bút thí, mặc thí, kinh thí và, thuyết pháp thí, trong khi các hàng Bồ-tát Vô sanh nhẫn thì chỉ hành có Cụ túc thí, Đại thí và, Vô thượng thí thôi. Theo Câu Xá luận 18 thì có 8 loại Bố thí: Tùy chí thí, Bố úy thí, Báo ân thí, Cầu báo thí, Tập tiên thí, Yếu danh thí, Vị trang nghiêm tâm đẳng thí. Cũng trong luận này đưa ra bảy loại thí khác nữa: Thí khách nhơn, Thí hành nhơn, Thí bệnh nhơn, Thí thĩ bệnh giả, Thí viên lâm, Thí thường thực, Tùy thời thí. Theo kinh Hoa Nghiêm 12 có 10 loại thí: Tu tập thí, Tối hậu nạn thí, Nội thí, Ngoại thí, Nội ngoại thí, Nhất thiết thí, Quá khứ thí, Vị lai thí, Hiện tại thí, Cứu Cánh thí. Đó là những sự sai biệt tùy thuộc vào nội hàm của những thuộc tính mà theo các kinh luận đưa ra về nội dung, thái độ, cùng mục đích không đồng của chúng, nên có những phương thức phân loại như vậy. Hơn nữa nếu chúng ta căn cứ vào thật tướng Duyên Khởi của các pháp để đánh giá thì tự chúng: Người thí, người nhận, vậy được bố thí cà ba từ bản chất của chúng vốn là Không, không tồn tại bỡi luật vô thường tác dụng chi phối, nên Tánh, tướng chúng vốn không, vốn như huyễn chúng ta căn cứ vào đâu để mà chấp phá. Vì vậy cho nên gọi là ba luân thể không, ba luân thanh tịnh là vậy.

– Về Thi-la Ba-la-mật (Śīla-pāramitā), nguyên ngữ căn của động từ √īl có nghĩa là hành vi, động tác khi chuyển sang danh từ thì nó chỉ chung cho mọi hành vi, hay tập quán, tính cách, đạo đức của con người. Thi-la Ba-la-mật là hành giới của Lục Ba-la-mật được đức Đạo sư y cứ vào việc làm, hành vi các đệ tử của mình, nếu không phù hợp với chánh pháp thì theo đó mà Ngài chế định giới cấm, khiến cho đệ từ của Ngài sau đó không được phạm vào những điều giới đã ngăn cấm đó nữa. Với mục đích là ngăn ngừa những điều sai lầm, đình chỉ những việc làm xấu xa không phù hợp với chánh pháp. Ngoài những ý nghĩa như trên ra Thi-la Ba-la-mật, theo Tạp A-tỳ đàm tâm luận 10 thì nó còn có những nghĩa như: Tu tập, Chánh thuận, Tam-muội, Thanh lương cùng an giấc; còn theo luận Đại Tỳ-bà-sa 44 thì lại có mười nghĩa sau: Thanh lương, yên giấc, luôn tập, đạt định, Toại đăng (đường hầm lên núi), Gương sáng, Bậc thềm, Tăng thượng, Đứng đầu. Nhưng ở đây, đối với Thi-la Ba-la-mật thì nó có nghĩa là Thanh lương, mát mẻ mà nói, vì tội của ba nghiệp thân-khẩu-ý hay khiến cho người tu hành sinh phiền não nóng nảy bực bội, mà giới thí có khả năng đình chỉ và làm dịu mát đi những phiền não bực bội nóng nảy đó, làm cho hành giả đạt được mọi sự an vui, cho nên Thi-la ở đây có nghĩa là Thanh lương. Ngoài ra cũng có rất nhiều văn bản trong kinh luận có sự giải thích khác nhau, nhưng đó chỉ là những giải thích tùy thuộc vào thuộc tính của nhũng đối tượng cần được giải thích như vậy, cho phù hợp với căn cơ của đối tượng đó.Tuy nhiên dù có giải thích như thế nào đi nữa thì, ý nghĩa cơ bản của chúng cũng không mất đi giá trị chính của nó là: phòng ngửa tội lỗi và đình chỉ mọi việc ác không làm, đó là ý nghĩa chính của nó. Vì vậy cho nên việc trì giới rất quan trọng đối với con đường giải thoát khổ đau, nếu không trì giới mà đòi giải thoát khổ đau được là điều không thể có được trong giới pháp của Ngài. Vì hành giả đến với đức Phật là đến để thực hành giải thoát chứ không phải đến với đức Phật để hiểu và biết giới pháp giải thoát là thế nào! Ở đây việc giữ giới thật là quan trọng nếu hành giả muốn thoát khổ. Trong việc trì giới mà hành giả không hiểu và thấu suốt được bốn việc phải làm của hành giả trong khi trì giới thì kể như việc trì giới không thành công. Bốn việc đó là: Chỉ là trì, Tác là phạm; Tác là trì, Chỉ là phạm”

Tại sao gọi Chỉ là trì? Trước hết, chúng tôi sẽ giải thích ý nghĩa của bốn việc làm này. Thứ nhất chữ Chỉ có nghĩa là dừng lại, còn chữ Trì có nghĩa là giữ lấy. Vậy trong câu đầu có nghĩa là hãy dừng lại tất cả mọi việc làm ác hại mình hại người không làm thì đó gọi là chỉ, khi mà chúng ta dừng không làm các việc ác thì chính lúc đó là lúc hành giả đang trì giữ giới mà mình đã thọ cho nên dừng không làm ác được gọi là trì giới hay là giữ giới. Thứ hai sao gọi Tác là Phạm? Ở đây Tác có nghĩa là làm, là hành động, còn chữ Phạm có nghĩa là phạm vào giới Phật đã cấm. Vậy trong câu thứ hai có nghĩa là hành giả đã làm những việc, những giới điều Phật đã cấm không cho làm: Như không cho sát sanh mà hành giả sát sinh, không cho trộm cắp mà hành giả trộm cắp … thì việc làm hay hành động đó gọi là Phạm giới. Thứ ba sao gọi Tác là Trì? ở đây chữ Tác có nghĩa là làm, hành động, tạo tác, còn Trì là giữ lấy, giữ giới. Vậy câu thứ ba này có nghĩa là khi hành giả đã làm việc hay tạo tác việc giữ giới, không làm ác; tuy có vẻ tiêu cực nhưng thực chất là chúng ta đang trì giữ giới cấm, có nghĩa là chúng ta không làm ác, chính lúc đó là lúc chúng ta đang tạo việc thiện rồi. Đó là chúng ta nói theo mặc tiêu cực, còn nếu chúng ta nói theo nghĩa tích cực thì không tạo ác mà chúng ta hành thiện. Ở đây vì nhờ có không tạo ác nên chúng ta trở nên trong sạch, mà khi chúng ta trở nên trong sạch chính là lúc chúng ta đang trì giới vậy, cho nên gọi Tác là Trì là vậy. Thứ tư sao gọi Chỉ là Phạm? Ở đây Chỉ cũng có nghĩa là dừng lại, đình chỉ không tạo tác, còn Phạm có nghĩa là phạm vào giới cấm. Nếu hành giả đình chỉ không làm: trước là giữ giới, sau nữa là làm việc thiện lợi mình lợi người mà không làm thì coi như phạm giới trong việc chỉ ác hành thiện. Đó là ý nghĩa của bốn câu buộc hành giả phải tyho6ng hiểu một cách thấu đáo thì, việc trì giới chúng ta mới đưa đến thành công trong việc giải thoát khổ mà đạt Niết-bàn an lạc được.

Giới nguyên chỉ là những lời răn của đức Phật đối với các đệ tử của Ngài, tùy theo thời, theo chỗ phạm của đệ tử mà chế định ra những nguyên tắc khuyên răn. Khởi đầu Ngài chỉ tuyên dạy là :”Các việc ác chớ làm …” Nhưng sau đó do vì Tăng chúng dần đông và cuộc sống vì vậy trở nên phức tạp hơn, sản sinh ra những hành vi không hợp với chánh pháp, nên theo đó giới mới bắt đầu được Ngài chế ra theo sau những tạo tác phi pháp đó, mỗi ngày mỗi tăng lên nhiều theo thời giaṇ, tùy thuộc vào những tướng phạm đó mà chúng trở nên phức tạp hơn. Trong lúc này giáo đoàn của đức Phật gồm có bảy chúng đệ tử, theo đó giới cũng được tùy theo chỗ phạm và căn cơ của họ mà tùy chế nên giới cũng được phân ra theo đó mà có Giới của các bậc xuất gia, giới của các vị tại gia như trong luật tạng ghi lại. Tuy là bảy chúng và tùy thuộc vào đó mà Ngài chế nên có sự khác nhau về tướng trạng của giới điều trên chi tiết, nhưng trên mặt đại thể thuộc tánh giới thì cho dù xuất gia hay tại gia cũng đồng một, chúng chỉ khác nhau trên mặt Giá giới mà thôi. Vì mục đích của Giới là đưa hành giả đến chỗ giải thoát khổ đau đạt an vui tịch tĩnh dù là xuất gia hay tại gia thì việc thực hiện giới, cuối cùng cũng chỉ nhằm đến việc thanh tịnh hóa ba nghiệp tham sân si để đưa đến cứu cánh Niết-bàn an lạc chung cuộc, nhanh hay chậm cũng tùy thuộc vào giới tướng mà chúng ta nhận lãnh và thọ trì có kết quả hay không mà thôi.

Căn cứ vào phần 1 Luật Tứ phần hành sự sao quyển trung nói về thuyết pháp thì giới được phân ra làm bốn gồm có: Giới pháp, Giới thể, Giới hành và Giới tướng. Ở đây Giới pháp chỉ cho những điều giới được đức Đạo sư chế định ra như không sát sinh, không trộm cắp v.v… tất cả những giới dùng để ngăn cấm các pháp bất thiện đó chúng làm cơ sở cho mọi quy củ cùng mọi giới hạn phòng ngửa cho hành giả trong thực hành qua chỉ ác hành thiện, trong đó chúng có cả Tiểu thừa giới và Đại thừa giới riêng biệt. Giới thể chỉ cho cái thể của giới có được sau khi hành giả thọ trì Giới pháp, sự có được này chúng pháp xuất từ những tác dụng của việc phòng ngừa tội lỗi cùng việc thực hành đình chỉ các việc ác không làm nữa. Giới hành chỉ cho những hành vi động tác của ba nghiệp thân khẩu ý chúng không chống trái với các pháp sau khi hành giả làm phát sinh được Giới thể. Giới tướng chỉ cho tướng trạng của việc trì giới, tức là chỉ cho tình trạng của việc trì giới hay phạm giới có được trong thực hành của hành giả. Cũng theo luật Tứ Phần hành sự sao phần 1 quyển thượng thì, Bàn về Giới pháp tức là chúng ta bàn về pháp ngữ, chúng không thuộc về phàm hay là Thánh, mà chúng ta nói thắng rõ ràng về pháp này, thì chúng chính là con đường xuất ly khiến cho người thọ trì tin, biết là có nó. Bàn về Giới thể nếu dựa vào chỗ phát ra nghiệp thể mà luận một cách rõ ràng thì đó chính là sự hiển bày thẳng sự lãnh nạp của tướng tâm qua tác dụng yết ma xong và giá trị tác dụng vô biểu của sự trì giới được thể hiện qua thân khẩu ý. Bàn về Giới hành chỉ cho khi hành giả đã dụng tâm thọ trì giới xong, tất phải cần phương tiện rộng tu, kiểm soát mọi hành vi oai nghi của thân khẩu, trước chuyên tâm khắc chí tôn sùng hâm mộ các bậc Thánh, sau khởi giữ tâm thuận nghĩa với trước gọi là giới hành. Bàn về Giới tướng chỉ cho hành tướng của mỗi oai nghi thành tựu, tùy theo sự việc mà thể hiện, mọi động tác đều xứng hợp với pháp, đức tốt sáng hiện, gọi là giới tướng. Trong bốn loại này Giới tướng tuy là một trong bốn loại, nhưng đồng thời cũng là tên chung của bốn loại, cho nên bảo giới tướng có nhiều đường là vậy. Vì khi còn tại thế đức Thế Tôn bao giờ cũng tùy thuộc vào tướng phạm của các đệ tử để mà chế ra giới tướng có nhiều có ít tùy thuộc vào các hàng đệ tử xuất gia của Ngài mà chế ra và họ cũng căn cứ vào những giới tướng này mà giùn giữ Giới.

Theo Luật Thập Tụng 11 Phật dạy thì, “Người trì giới, không phạm vào những giới điều mà Phật đã chế, theo Đại giới dạy thì người trì giới phải biết oai nghi, biết lúc nào nên hành xử, lúc nào không nên hành xử, cho đến phá giới nhỏ cũng sinh sợ hãi lớṇ” Đó là những điều kiện tối thiểu để cho hành giả biết rằng việc trì giới không phải chỉ biết giới không thôi, hay chỉ biết giới mình đã nhận lãnh là được rồi mà còn phải biết thực hành, đem giới áp dụng vào cuộc sống qua nên iết lúc nào nên hành xử và lúc nào không nên hành xử, như bốn việc mà chúng tôi đã đề cập bên trên và, điều cốt yếu của việc trì giới là hành giả nếu lỡ phá đi một giới cấm nào cho dù là nhỏ, như phải coi đó như là một việc trọng đại, chúng có thể phá đi toàn bộ con đường giải thoát của chính mình; hành giả phải nên đem lòng sợ hãi để tránh khỏi phải lập lại việc đã vi phạm.

Theo luận A-tỳ-đạt-ma Câu Xá 14 thì, Giới có khả năng chinh phục nghiệp ác nên gọi là Thi-la, từ để giải thích rõ ràng là thanh lương, như nói với người thọ trì giói thì tâm an vui, thân không nhiệt não, cho nên gọi là Thi-la. Ở đây Thi-la có nghĩa là mát mẻ (thanh lương), có nghĩa là luận này theo ý nghĩa ý nghĩa từ nhân qua quả theo nghĩa tiêu cực của chúng mà định nghĩa nhân và quả, nhận và quả vì thế không ngoài nhau theo nghĩa tích cực.

Theo luận Đại Trí độ 13, 25, 153 thì Thi-la có nghĩa là: “Làm tốt đường lành, không tự mình buông lung, đó gọi là Thi-la. Hoặc thọ giới hành thiện, hay không thọ giới mà hành thiện đều gọi là Thi-la cả.” Như vậy Theo luận Đại Trí Độ thì việc có thọ giới hay không có thọ giới, nhưng hành giả chỉ cần thực hành thiện hạnh thì cũng là Thi-la Ba-la-mật cả. Với luận Đại Trí độ cũng vậy giới được đồng hóa theo nghĩa tích cực của chúng, có nghĩa là hành vi thiện, không buông lung theo ác pháp thì đó chính là Thi-la. Đây đứng về mặt giá trị được đánh giá theo thời gian ngay trong hiện tại khi hành giả làm thiện ngay lúc đó Thi-la được thể hiện.

Những giá trị có được từ người giữ giới mang lại nếu thực hành giới từ việc đưa đến tươi mát an ổn cả thân và tâm cho hành giả trong cuộc sống hiện tại qua việc thanh tịnh hóa ba nghiệp đưa đến thoát khổ đạt an vui Niết-bàn như trê,n qua những bộ luật luận mà chúng tôi đã đưa ra, chúng còn có những giá trị tùy thuộc vào người trì giới có tinh tấn hay không thì, theo đó chúng cũng có những giá trị dưa đến sự thành tựu mọi thứ công đức rất nhiều như nhiều kinh luận đã thuật lại như: theo kinh Chánh Pháp Niệm xứ 22 thì: “Người trì giới, thường được ba thứ vui: Được khen ngợi, được tài vật, và sau khi mất sinh Thiên … và nếu người thích trì giới thời sẽ đạt đến Niết-bàn.” Hay theo luận Đại Trí Độ 13 thì: “Người trì giới an lạc đầy đủ, nổi tiếng khắp nơi, Trời người kính mến, hiện đời được nhiều khoái lạc, nếu muốn lên Trời hay sinh làm người sẽ giàu sang sống lâu, không bao giờ bị nạn.” Cũng theo Đại Trí độ luận thì nếu người trì giới thuộc hàng sơ sơ thì sẽ sinh làm người, còn bậc trung thì sẽ sinh lên Trời Lục dục, bậc thượng mà lại hành Tứ thiền, tứ không định sẽ sinh về cõi Trời Sắc, Vô sắc thanh tịnh. Trì giới bậc thượng có ba loại, trì giới hạ thanh tịnh thì đắc A-la-hán, trì giới trung thanh tịnh thì sẽ đạt được Bích-chi Phật, còn trì giới thanh tịnh bậc thượng thì sẽ được Phật đạo.”

Đó là những giá trí đích thực dành cho người trì giới sẽ đạt được trong hiện tại và trong tương lai cả vật chất lẫn tinh thần đều mang lại cho hành giả những lợi lạc khó có được nơi người không trì giới.

Về Sàn-đề Ba-la-mật (ksānti-pāramitā), là phiên âm từ tiếng phạn Ksānti-paramita, nghĩa là nhẫn, an nhẫn, nhẫn nại, nhẫn nhục; là một chi trong Lục ba-la-mật, Thập ba-la-mật, có nghĩa là những gì khiến cho tâm chúng ta an ổn, kham nhẫn trước mọi não hại, mọi hủy nhục từ bên ngoài đưa đến và, cũng chỉ cho những khổ não, thống khổ thuộc về cả thân, tâm đều có khả năng kham nhẫn hết tất cả của con người đều gọi là nhẫn nhục. Theo Du-già Sư địa luận 57 thì, nhẫn nhục bao gồm cả ba loại hành tướng không phẫn nộ, không kết oán và, tâm không ôm lòng ác ý. Phật giáo rất đặt biệt chú trọng đến nhẫn nhục và, điều này luôn thể hiện hàng đầu trong giáo lý Phật giáo Đại thừa dành cho các hàng Bồ-tát khi thực hành hành nguyện của mình trong việc tự lợi cùng lợi tha qua Lục Ba-la-mật. Tuy hai thừa Thinh văn cùng Duyên giác cũng lấy nhẫn nhục trong pháp tu tập nhưng vì thuộc tính của chúng nhẫn chưa được nâng cao nên chì bó buộc trong phạm vi cá nhân là nhất trong khi các hàng Bồ-tát lấy nhẫn nhục để thử thách bước đường tu hành của mình trong lúc giao tiếp với tha nhân qua việc lợi tha nên nhẫn nhục được đặt lên hàng đầu, vì vậy cho nên sự khác biết của nó rất lớn.

Theo Thập tụng luật thì đức Đạo sư dạy các Tỳ-kheo đối với các hàng cư sĩ tại gia đến giúp đỡ chúng Tăng thì ngoài việ giảng dạy cho họ thông hiểu các pháp sâu xa phân biệt được chánh tà đạo cho họ mà Tỳ kheo còn phải giảng dạy về phương pháp thực hành Bố thí, trì giới, nhẫn nhục nữa: “Nếu các cư sĩ nào đến, thì nên vì họ mà nói pháp thậm thâm, chỉ rõ đâu là chánh đạo, tà đạo. Nên giảng về tri kiến thực hành bố thí, trì giới, và nhẫn nhục.” Đó là bổn phận của các Tỳ-kheo đối với các hàng cư sĩ tại gia phải phân biệt cho họ biết đường nào chánh đưa đến giải thoát, đường nào tà đưa đến khổ đau để tránh.

Theo Kinh Trường A-hàm 21 đức Đạo sư đã kể lại hạnh tu nhẫn nhục của chính Ngài khi còn là một Thiên đế Thích, đã từng bị vua A-tu-la người bại trận trong cuộc chiến giữa Chư thiên và A-tu-la mắng chửi khi đang còn bị trói. Cuộc đàm thoại giữa Thiên đế và người hầu của Thiên đế. Đại ý là vị hầu Thiên đế chê trách Thiên đế tại sao không trả lời lại trước những lời lẽ hủy nhục mắng chửi của Vua A-tu-la: Trước hết là sợ, tự thể hiện sự yếu kém của mình, sao lại phải nghe những lời ác; nay không triệt hạ đứa ngu thì sau khó nhịn, hãy đánh nó bằng gậy cho nó hối lỗi; hơn nữa Thiên vương im lặng vì sợ giảm đức trí, nhưng họ đâu biết cho là vua sợ hãi, nên đối đầu liều chết xúc phạm, muốn vua Thiên đế lùi lại như bò. Và chúng ta sẽ thấy được những gì mà vị Thiên đế đã trả lời lạ cho người hầu qua những bài kệ như sau:

“Ngu kia không thấy biết,
Bảo ta lòng sợ hãi.
Ta quán đệ nhất nghĩa:
Nhịn im là tối thượng.
Điều xấu trong các xấu:
Trong sân lại nổi sân;
Ở trong sân không sân,
Là chiến đấu tối thượng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Mọi người có tranh tụng,
Ai không tranh là thắng.
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Thấy người không tranh tụng,
Lại cho là ngu đần.
Nếu người có sức lớn,
Nhịn được người không sức;
Sức này là đệ nhất,
Là tối thượng trong nhẫn.
Ngu tự cho mình mạnh,
Sức này chẳng là sức;
Người mạnh nhẫn như pháp,
Sức này không ngăn được.

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lúc bấy giờ, Thiên đế Thích há là người nào khác sao? Không nên có ý nghĩ như vậy. Lúc ấy, Thiên đế Thích chính là bản thân Ta vậy. Vào lúc bấy giờ, Ta tu tập nhẫn nhục, không hành động nóng vội, thường thường khen ngợi người hay nhẫn nhục. Nếu có người trí nào muốn hoằng dương đạo của Ta, thì phải tu tập nhẫn nhục im lặng, chớ ôm lòng phẫn hận đấu tranh.( )” Theo đức Đạo sư thì mọi sự đấu tranh đều phát xuất từ lòng phẫn hận và, để đối trị lại lòng phẫn hận hành giả chúng ta phải dùng nhẫn nhục để nhổ tận gốc độc sân hân mới mong làm trong sạch được ba nghiệp, ví nhẫn nhục là một sức manh tối thượng không gì có thể ngăn được. Đó là những kinh nghiệm tu tập hành nhẫn nhục của đức Đạo sư khi cò là một chúng sanh ở cõi chư Thiên, Ngài đem ra kể lại cho các Tỳ-kheo đệ tử của Ngài cùng nhấn mạnh đế sức mạnh không gì ngăn cản được của hạnh nhẫn nhục.

Theo Tăng Nhất A-hàm 44 Phât kể lại cho Tôn giả A-nan về những kiếp xa xưa của đức Phật Tỳ-bà-thi thì, nhẫn nhục được chư Phật coi như là một thứ sức mạnh tối ưu trong việc giữ gìn thanh tịnh cuộc sống của chúng Tỳ-kheo trong vòng một trăm năm đầu khi cấm giới chưa được chế ra vào lúc bấy giờ:

“Chín mươi mốt kiếp có Phật xuất thế hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác. Bấy giờ có ba hội Thánh chúng Hội thứ nhất, Thánh chúng gồm một trăm mười sáu vạn tám nghìn Tỳ kheo. Hội thứ hai, Thánh chúng gồm mười sáu vạn. Hội thứ ba, Thánh chúng mười vạn. Thảy đều A-la-hán. Phật thọ tám vạn bốn nghìn tuổi. Trong vòng một trăm năm, Thánh chúng thanh tịnh. Đức Phật ấy lấy một bài kệ làm cấm giới.

Nhẫn nhục là bậc nhất.
Phật nói Vô vi nhất.
Không vì cạo râu tóc
Sa-môn mà hại người.

“Bấy giờ, Đức Phật ấy chỉ nói một bài kệ này làm cấm giới trong vòng một trăm năm. Khi cấu uế đã phát sanh mới lập cấm giới.”( )

Ở đây sức mạnh của nhẫn nhục làm cuộc sống của chúng Tăng trở nên vô sự, vô sự là sự thể hiện thanh tịnh của chúng Tăng trong cuộc sống. Đó là những thể hiện vượt bực sức mạnh của lòng nhẫn nhục trong quá khứ của chính Ngài và Thánh chúng của chư Phật trong quá khứ. Nhưng đây chỉ là sự thể hiện theo giá trị của luật tắc nhân quả của pháp nhẫn nhục theo hữu lậu pháp còn giới hạn trong vòng đối đãi nhau, chứ chưa phải là hạnh nhẫn nhục vướt thoát của pháp nhẫn vô lậu giải thoát.

Theo Giới Kinh Ưu-bà-tắc 7, trong phẩm Sàn-đề Ba-la-mật thì sở hành của các hàng Nhị thừa về nhẫn nhục, tuy cũng là nhẫn nhục nhưng chẳng phải là Ba-la-mật, chỉ có sở hành các hàng Bồ-tát mới được gọi là nhẫn nhục Ba-la-mật. Vì sở hành của các hàng Nhị thừa chủ yếu về tự lợi tích cực hơn là tiêu cực nên đặt nặng trong vấn đề nhân quả, còn các hàng Bồ-tát mặt tích cực của họ là lợi tha đặt ra nhiều hơn, nên cần phải vượt qua khỏi nhân quả để hoàn thành Giác hành viên mãn, nên có nơi Ksānti-paramita còn dịch là nhẫn độ.

Theo phẩm Lục an nhẫn Ba-la-mật-đa trong kinh Đại thừa lý thú lục Ba-la-mật-đa 6 thì, dùng an nhẫn hành quán tất cả đều không, mới gọi là an nhẫn Ba-la-mật, còn an nhẫn khác không gọi là Ba-la-mật như an nhẫn phân biệt thiện ác của mình người thông thường không gọi là an nhẫn mà gọi là nhẫn nhục theo nhân quả. Kinh Giải thâm Mật 4, phẩm Địa Ba-la-mật-đa thì phân loại nhẫn nhục Ba-la-mật gồm có ba loại: Nại oán hại nhẫn (Chỉ khả năng nhẫn nhịn những điều oán hại của kẻ khác đối với mình), An thọ khổ nhẫn (Có khả năng nhẫn chịu mọi thứ khổ), Đế sát pháp nhẫn (có khả năng quán sát xét thật các pháp). Ngoài ra trong Thập Thiện hạnh cũng có nhẫn nhục hạnh, chỉ cho khả năng nhẫn nhịn tất cả mọi sự nhục nhã não hại mà không khởi lên tâm sân hận lúc hành giả tu hành. Như kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật 1 thì, “Vì Tâm không động cho nên đầy đủ Sàn-đề Ba-la-mật.” tức là khi hành giả đem tâm mình trụ vào chân lý thì sẽ không bị người khác não hại, hay mọi sự nhục mà làm cho động.

Nhẫn được phân ra làm nhiều loại: có hai như Sanh nhẫn cùng Pháp nhẫn; có ba như Nại oán hại nhẫn, An thọ khổ nhẫn, Đế sát pháp nhẫn; có bốn như Vô sanh pháp nhẫn, Vô diệt nhẫn, Nhân duyên nhẫn, Vô trụ nhẫn; có năm như Phục nhẫn, Tín nhẫn, Thuận nhẫn, Vô sanh nhẫn, Tịch diệt nhẫn; có sáu như Tín nhẫn, Pháp nhẫn, Tu nhẫn, Chánh nhẫn, Vô cấu nhẫn, Nhất thiết trí nhẫn; có mười như Túy thuận âm thinh nhẫn, Thuận nhẫn, Vô sanh pháp nhẫn, Như huyễn nhẫn, Như diễm nhẫn, Như mộng nhẫn, Như hưởng nhẫn, Như điện nhẫn, Như hóa nhẫn, Như hư không nhẫn. Đó là các loại nhẫn được kinh điển phân ra làm nhiều loại và theo đó chúng khế hợp với từng loại căn cơ đáp ứng được những cách đối trị đối với những trường hợp câu hữu với chính chúng. Những định nghĩa theo từng thuộc tính, quan điểm thuộc từng lớp căn cơ tu hành của các hành giả tu hạnh nhẫn nhục; sự khác biệt đó phải được nhận thức một các rõ ràng khi người thực hành áp dụng vào tu tập mới mong đạt kết quả theo sở hành của mình được.

– Về Tỳ-lị-da Ba-la-mật (vīrya-pāramitā), người Trung quốc dịch nghĩa, phiên âm là Tinh tấn Ba-la-mật, hay Tinh tấn độ vô cực. Vīrya người Trung quốn phiên âm là Tỳ-lị-da, hay Tỳ-ly-da có nghĩa là siệng năng, tinh cần. Theo tiếng phạn thì động từ căn √Vīr, có nghĩa là chiến thắng, hay đình chỉ, còn tiếp vỹ ngữ “ya” được thêm vào do biến cách để trở thành danh từ trung tính mang ý nghĩa là tự kiềm chế mà siêng năng tu tập. Theo Trần Chân Đế thì khả năng diệt trừ lười biếng, và các pháp ác bất thiện gọi là “Tỳ-lị”; và thực hành không phóng dật làm tăng trưởng các pháp lành gọi là “da”( ). Theo Đại thừa nghĩa Chương 12( ) thì, Tỳ-lị-da có nghĩa là tinh tấṇ Pháp luyện tâm gọi là tinh; đạt tâm tinh chuyên gọi là tấn. Tinh tấn là pháp căn bản trong việc thực hành pháp tu của mọi người, nên trong pháp tu cơ bản của Nguyên thỉ Phật giáo thì tinh tấn là một chi tối quan trọng trong tám chi Thánh đạo và, trong pháp tu của các nhà Bồ-tát hành Đại thừa cũng lấy tinh tấn làm hàng đâu trong việc hành đạo của mình qua Lục ba-la-mật hay Thập Ba-la-mật. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, hoàn toàn tinh tấn, trong đó có cả hai tinh tấn thân và tâm. Trước hết về sự tinh cần của thân trong việc nổ lực siêng năng tu tập các pháp thiện trong lúc hành đạo như lễ bái, độc tụng, giảng pháp và, làm trợ duyên khuyến khích hướng dẫn cho mọi người thực hành các pháp thiện như bố thí, trì giới v.v… Sau đến tự tâm hành giả nổ lực tinh cần thực hành thiện đạo, tâm hành giả lúc nào cũng miên mật liên tục hướng đến đạo Niết-bàn trong mọi nổ lực tinh tấn tu tập nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ, đánh tan mọi sự giải đãi biếng nhác để làm tăng trưởng các thiện pháp một cách nhanh chóng hơn trên bước đường giải thoát khổ đau đạt an vui tịch diệt. Như vậy tinh tấn vốn là một độ rất ư là quan trong đối vối lục độ, hay thập độ và, cũng là một pháp cơ bản quan trọng đứng đầu trong sự thành tựu pháp tu của hành giả. Ở đây, cho dù pháp tu tốt hay dễ đến độ nào đi chăng nữa; nhưng hành giả thiếu tinh tấn nổ lực về thân và tâm thì pháp ấy cũng trở thành vô giá trị đối với mọi người.

– Về Hành tướng của tinh tấn tùy theo căn cơ và thuộc tính của từng đối tượng tu, nên theo đó chúng có những sự sai khác và không đồng nhau: Theo tâm sở thì gọi là siêng, tức chỉ cho tâm dõng mãnh dứt ác hành thiện, các nhà Câu Xá cùng Duy thức lấy tinh tấn làm một trong những pháp địa đại thiện. Hoăc nó cùng với dục, tâm, tư duy hiệp thành bốn như ý túc. Hoặc nó cùng với tín, niệm, định, tuệ hiệp lại thành năm căn năm lực. Hoặc nó cùng với dục, niệm, xảo huệ, nhất tâm hiệp thành ngũ pháp. Hoặc nó là một trong lục Ba-la-mật hành, hay thập ba-la-mật hành. Hoặc một trong thất bồ-đề phần pháp.

Theo Đại trí độ luận 16 thì tinh tấn thuộc tâm số pháp, siêng làm không trụ vào tướng, làm theo tâm cùng với tâm sanh khởi. Theo A-tỳ-đàm thì hoặc có giác có quán, hoặc không giác mà có quán, hoặc không giác không quán. Trong tất cả các pháp thiện thì siệng năng tu tập không biếng nhác thì gọi là tướng tinh tấn. Trong năm căn, thì tinh tấn gọi là tinh tấn căn, nếu căn này tăng trưởng thì gọi là tinh tấn lực, tâm có khả năng khai ngộ thì gọi là tinh tấn giác, trường hợp có khả năng đưa đến thành Niết-bàn Phật đạo thì gọi là chánh tinh tấn. Trong tứ niệm xứ thường hay liên hệ với tâm thuộc tinh tấn phần, trong tứ chánh cần nó là tinh tấn môn, trong tứ như ý túc thì dục tinh tấn chính là tinh tấn, trong lục ba-la-mật gọi là tinh tấn Ba-la-mật. Vì tính quan trọng và cần thiết của tinh tấn trong việc hoàn thành những pháp tu cho mọi hành giả nên tinh tấn trở thành như là hiện hữu trong mọi pháp tu đối trị mọi căn bệnh vậy và, theo đó cũng tùy thuộc vào từng chức năng mà mang ý nghĩa của chính chúng trong năm thừa: Nhơn, Thiên, Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát.

– Về chủng loại thì cũng được phân ra làm nhiều chủng loại cho phù hợp với thuộc tính của từng loại căn cơ mà đức Đạo sư phân chia theo đối tượng đối trị đó, do đó chúng cũng thuộc loại đa dạng, theo theo Đại Thừa Trang Nghiêm kinh luận 8 thì tinh tấn có sáu loại:

Một, Tinh tấn tăng giảm (hāniviṛddhi-vīrya): có trong Tứ chánh cần, dùng để giảm từ từ hai pháp ác và, cũng làm tăng dần hai pháp thiện.

Hai, tinh tấn tăng thượng (mokṣāddhipa-vīrya): có trong ngũ căn, làm nghĩa tăng thượng đối pháp giải thoát.

Ba, tinh tấn xả chướng (pakṣavipakṣa-vīrya): có trong ngũ lục, cho dù có bất cứ chướng ngại nào cũng không thể ngăn cản được.

Bốn, tinh tấn nhập chơn (praviṣta-vīrya): có trong Thất giác chi, để thành lập kiến đạo.

Năm, tinh tấn chuyển y (parivartaka-vīrya): ở trong tám chi Thánh đạo, là nhân chuyển y đưa đến cứu cánh lúc tu đạo.

Sáu, tinh tấn đại lợi (mahārtha-vīrya): ở trong lục Ba-la-mật, làm lợi cho tự mình và làm lợi cho người khác.

Chính vì sự hiện hữu cần thiết của tinh tấn trong mọi pháp tu nên tinh tấn cũng trở nên đa dạng và, có nhiều thuyết về tinh tấn: Theo Đại trang nghiêm thừa kinh luận 8 thì căn cứ vào căn cơ và pháp tu của người ba thừa mà đức Đạo sư phân ra làm ba phẩm năm loại tinh tấn riêng biệt: Tinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát cho phù hợp với kết quả mà họ nhận được sau khi tu tập. Năm loại đó là:

Một, tinh tấn hoằng thệ (samnāha-vīrya), là muốn phát khởi thực hành.

Hai, tinh tấn phát hành (prayoga-vīrya), đang thực hành các pháp thiện trong hiện tại.

Ba, tinh tấn Vô hạ (alīna-vīrya), sẽ được kết quả lớn chứ không phải nhỏ nhặt.

Bốn, tinh tấn bất động (akṣobhya-vīrya), tức là những nỗi khổ của lạnh nóng v.v… khong làm hành giả lay động.

Năm, tinh tấn vô yểm (asaṃtuṣṭi-vīrya) không vì được kết quả chút ít mà cho là đủ.

Theo Đại phương quảng Thập luân kinh 8, trong Tinh tấn tướng phẩm thì tinh tấn chia ra làm hai loại: Thế gian và xuất thế gian tinh tấn khác nhau. Như Kinh Ưu-bà-tắc giới 7 dạy thì, tinh tấn của Bồ-tát xuất gia không khó bằng tinh tấn của Bồ-tát tại gia, vì Bồ-tát tại gia do vì kề cận với nhiều nhân duyên ác trói bộc nên rất khó tu trong việc thực hành siêng năng tinh tấṇ. Theo Đại Trí Độ luận 16 thì, đề cập rất rộng và nhiều về tinh tấn cả thân và tâm trong việc thực hành, nhưng hai việ này khác xa nhau. Theo kinh Giải thâm mật 4 trong phẩm Địa ba-la-mật-đa thì, tinh tấn có ba loại: Bị giáp tinh tấn, tinh tấn gia hành chuyển sanh thiện pháp, tinh tấn gia hành nhiêu ích hữu tình. Theo Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận 12 thì cũng có ba loại tinh tấn: Bị giáp, phương tiện và, nhiêu ích hữu tình; còn Thành Duy thức luận 9 thì, Bị giáp, nhiếp thiện, và lợi lạc tinh tấn. Ở đây tinh tấn bị giáp là chỉ cho sự phát tâm đại thề nguyện dõng mãnh cho việc thực hành tự lợi và lợi tha từ kiếp này sang kiếp khác thề không thối chuyển trong việc hoàn thành sự ngiệp giải thoát của mình; lúc khởi lên tâm niệm như vậy cũng giống như mặc áo giáp sắt xông trận vậy, có oai lực lớn vậy. Tinh tấn nhiếp thiện là chỉ cho việc tinh tấn tu tập và thực hành các pháp thiện. Tinh tấn lợi lạc, là chỉ cho vì việc lợi ích của tất cả chúng sanh mà tinh tấn không biếng nhác. Theo Nhiếp đại thừa luận quyển trung, Trần Chân Đế dịch thì,tinh tấn chia ra làm ba phẩm loại: tinh tấn cần dõng, tinh tấn gia hành, tinh tấn bất hạ nan hoại vô túc (tinh tấn vô khiếp nhược, vô thối chuyển, vô hí túc)

Theo Hoa Nghiêm kinh 24 thì phân làm mười loại tinh tấn: Bất chuyển, bất xả, bất nhiễm, bất hoại, bất yểm quyện, quảng đại, vô biên, mãnh lợi, vô đẳng đẳng, cứu nhất thiết chúng sanh và, nói về Bồ tát khi tu tập tinh tấn như vậy thì tâm trở nên ngay thẳng thanh tịnh, không mất tâm sâu xa, tin hiểu rõ ràng sắc bén, căn lành thêm lớn, xa lìa thế gian, bất tín cấu uế đều trừ sạch hếṭ. Ngoài ra, theo Du-già Sư địa luận 42, phẩm tinh tấn thì, chia ra làm 9 loại: Một, tinh tấn tự tánh. Hai, tinh tấn nhất thiết (có hai loại: tại gia và xuất gia. hai loại này, mỗi loại có ba: hoằng thệ, nhiếp thiện, nhiêu ích). Ba, tinh tấn nan hành (có ba loại tinh tấn khó thực hành: tinh tấn Không gián đoạn, tinh tấn không tưởng đến y thực, giường nằm, thân mình, tinh tấn thường tu pháp lành). Bốn, tinh tấn nhất thiết môn (có bốn loại: lìa bỏ pháp nhiễm ô, sinh pháp bạch tịnh, trừ sạch ba nghiệp, tăng ích trí tuệ). Năm, tinh tấn thiện nhơn (có năm loại: không có gì để vất bỏ, không thối giảm, không theo hạ liệt, không điên đảo, siêng năng dõng mãnh gia hành). Sáu, tinh tấn nhất thiết chủng (có hai loại: Lục chủng và thất chủng. Luc chủng: vô gián, ân trọng, đẳng lưu, gia hành, bất động, vô hí túc tinh tấn. Thất chủng: câu hành với dục, bình đẳng tương ưng, thắng tiến, cần cầu, tu học, lợi tha, khéo giữ tinh tấn). Bảy, trừ phiền não tinh tấn. Tám, đời này đời sau vui tinh tấn. Chín, thanh tịnh tinh tấn (có mười loại tinh tấn: Tùy thuận, tu tập, chuyên tinh, thiện nhiếp, tùy thời tu tập tương ưng, thông đạt các tướng tương ưng, không thối lui yếu, không hoại, bình đẳng,hồi hướng đại Bồ-đề).

Tất cả những hành tướng và chủng loại trên của tinh tấn, chúng tôi chỉ nêu ra một số ít trong kinh luận để cho hành giả biết rằng trong tu tập của chúng ta, việc siêng năng tinh tấn là một điều kiện cần thiết và hàng đầu buộc phải có trong việc thực hành; nếu trong tu tập mà chúng ta biếng nhác không chịu khó chịu khổ để thực hành pháp tu thì cho dù pháp tu đó dễ dàng đến đâu hay, phương pháp hay đến đâu đi nữa mà chúng ta không chịu nổ lực tinh tấn để thực hành thì kết qua sẽ không bao giờ đến với chúng ta. Pháp của đức Đạo sư là đến để thực hành chứ không phải đến để biết. Đó là điều kiện tiên quyết cho mọi hành giả muốn đạt được kết quả trong hiện tại hay trong tương lai xa hơn dù là Đại hay Tiểu cũng vậy.

– Về Thiền-na Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā), còn gọi là Thiền định ba-la-mật hoặc, Tịnh lự Ba-la-mật, Thiền độ Ba-la-mật. Ở đây có thể dịch là tuyệt đối, hoàn toàn hay sự hoàn thành của Thiền định; chỉ cho tịnh lự tu tập hiện pháp lạc trú, dẫn đến thần thông, nhiêu ích hữu tình, có khả năng điều hòa đối trị loạn ý và khả năng nhiếp giữ chánh ý bên trong, đưa đến bến bờ giải thoát, an vui cuối cùng trong quá trình tu tập thực hiện bồ-tát hạnh của hành giả.

Thiền là từ lược củaThiền-na (dhyāna) còn dịch là tư duy tu, hay tịnh lự. Tư duy tu có nghĩa là tư duy về đối cảnh mà chúng ta đang để tâm vào mà nghiên cứu tu tập và, dùng tâm thể tịch tĩnh tịnh lự để xét về nghĩa tư duy suy nghĩ đó.

Định được dịch nghĩa từ chữ Samādhi Trung Hoa phiên âm là Tam-ma-địa, Tam-mội hay Tam-ma-đề, có nghĩa là chánh thọ, chánh định là định tâm dừng vào một cảnh xa lìa mọi vọng động.

Vậy Thiền có nghĩa là một lòng khảo sát nghiên cứu về một vật nào đó tức là Thiền, còn nhớ nghĩ về một cảnh vắng lặng nào đó gọi là định. Sự khác biệt giữa Thiền và Định chỉ được dùng để nói đến nghĩa rộng chỉ cho Định và, nghĩa hẹp chỉ cho Thiền mà thôi. Bỡi vì sự tư duy xét nghĩ của Thiền-na, tự nó đã có cái nghĩa của đình chỉ tịch tĩnh rồi cho nên cũng gọi nó là Định; nhưng trong Tam-muội (chánh định) lại không có nghĩa xét nghĩ tư duy, nên mới gọi là Thiền. Trong Thiền tối sơ khi Phật còn tại thế thì Thiền không chỉ làm căn bản cho các định mà còn phát ra những sức mạnh chung cho thiên nhãn và thiên nhĩ nữa, tất cả đều nương vào Thiền này. Hơn nữa, trong Thiền có cả những tác dụng của suy xét và quán niệm chân lý, cho nên người học đạo thường lấy Thiền làm khởi đầu tối yếu trong việc thực hành. Tuy nhiên do tính chất trong Thiền đã có định và trong định không có Thiền nên Định được phân ra làm ba loại: Vị Định, Tịnh định, vô lậu định. Vị định (chưa có định) là lúc nó cùng với phiền não tham tương ưng mà khởi, yêu đắm đối với định. Tịnh định là cùng với tâm thiện hữu lậu tương ưng mà khởi. Vô lậu định, là bậc trí nương vào định mà đạt được trí vô lậu.

Theo Luận Đốn ngộ nhập đạo yếu môn quyển thượng: “Hỏi: Sao gọi là Thiền? Sao gọi là Định?” Đáp: “ Vọng niệm không sinh là Thiền, ngồi thấy bản tánh là Định. Bản tính tức là tâm không sinh. Định là đối cảnh không tâm, tám ngọn gió không thể lay động. Tám ngọn gió là: hơn, kém, khen, chê, ca ngợi, trách, khổ, vui, đó gọi là tám ngọn gió. Người nào nếu được định như vậy thì, dù là phàm phu cũng nhập vào địa vị của Phật.” Ngoài ra thường Thiền định được dùng cùng một nghĩa để chỉ cho tâm vật bất động đều gọi là tam-muội cả. Như Trí Độ luận 5 “Khéo trụ tâm vào một chỗ bất động, đó gọi là Tam-muội.” hay cũng trong Trí Độ luận 28 thì: “Tất cả Thiền định đều gọi là Định hay tam-muội. Ngoài tứ Thiền ra, các Định khác cũng gọi là Định, cũng gọi là Tam-muội, mà không gọi là Thiền.”

Về tên gọi thì Định có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào người đọc mà có được phiên âm để phù hợp với đối cơ mà gọi tên trong khi phiên âm. Theo luận Câu Xá Quang ký 6 thì có ba tên: Tam-ma-địa (samādhi), Tam-ma Bát-để (samā-patti), Ta-ma-di-đa (samāhita). Theo Duy Thức Liễu nghĩa đăng 7 thì có năm tên gọi: (1). Tam-ma-di-đa (samāhita) là Đẳng dẫn. (2). Tam-ma-địa hay ta-muội (Samādhi) là Đẳng trì. (3). Ta-ma Bát-để (samā-patti) là Đẳng chí. (4). Đà-na-diễn-na, Thiền-na (dhyāna) là Tịnh lự. (5). Chất-đa-hê-ca A-yết-la-ca (cittaikāgratā) là Nhất tâm cảnh tánh. (6). Xà-ma-tha (śamatha) là Chỉ. (7). Hiện pháp lạc trú (dṛiṣṭadharma-sukhavihara). Theo Pháp Giới Thứ Đệ, quyển hạ thì, Thiền có thế gian Thiền và xuất thế gian Thiền. Thiền thế gian là thiền của các hàng phàm phu thực hành, tức căn bản là lấy tứ Thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc Định làm căn bản. Trong khi Thiền xuất thế gian có hai loại: (1). Xuất thế gian Thiền, hay là nhị thừa cộng Thiền, chỉ cho Lục Diệu môn, Thập lục đặc thắng, Thông minh, Cửu tưởng, Thập tưởng, Bát-bối-xả, Bát thắng xứ, Thập nhứt thiết xứ, Luyện thiền, Tứ thập biến hóa, Nguyện trí, Đảnh thiền, Vô tránh tam-muội, Tam tam-muội, Sư tử phấn tấn, Siêu việt tam-muội, Tam minh, Lục thông thiền v.v… (2). Xuất thế gian thượng thượng thiền, hay là bất cộng thiền, như Tự tánh đẳng tứ chủng đại thiền, Thủ lăng nghiêm đẳng bách bát tam-muội, Chư Phật bất động đẳng bách nhị thập tam-muội.

Tuy Thiền Định đều phát xuất từ đức của tâm, song tâm của dục giới không có đức này (chỉ có được khi chúng ta tu tập), mà chúng thuộc về tâm đức của sắc giới và vô sắc giới. Đứng về mặc tương đối của sắc và vô sắc thì Thiền là pháp của sắc giới, Định là pháp của vô sắc giới và, tự chúng có bốn cấp bậc cạn sâu khác nhau, nên chúng ta thường nghe có tứ Thiền, tứ Định. Tứ Thiền, tứ Định này là pháp thế gian chung cho Phật pháp, ngoại đạo, phàm thánh cùng tu tập, ngoài Định thế gian này ra còn có Định xuất thế gian của Phật, Bồ-tát, A-la-hán chứng đắc, đó là các Định vô lậu nhờ tu tập mà có được, cho nên muốn đạt được Thiền thì phải xa lìa phiền não dục giới. Muốn đạt được Định thì phải đoạn trừ phiền não dục giới và, muốn đạt được các Định vô lậu thì phải đoạn tuyệt phiền não vô sắc giới. Vì chúng ta là hành giả của dục giới nên muốn đạt được Thiền định này bắt buộc chúng ta phải nổ lực tu tập mà thôi. Theo tông Câu xá thì định này được chia ra là hai phần: Hữu tâm định và Vô tâm định. Hữu tâm định gồm có bốn Tịnh lự và bốn vô sắc định, Tâm định này có được là nhờ tu tập đoạn trừ dần dần các phiền não hạ địa trong mười địa của các nhà Câu Xá tông, nhờ đó mà sinh ra sắc giới bốn tịnh lự thiên và bốn vô sắc giới thiên định này. Vô tâm định gồm có vô tưởng định và Diệt tận định. Vô tưởng định chỉ cho trạng thái vô tưởng mà các phàm phu cùng ngoại đạo tưởng lầm và cho rằng đây là trạng thái chân Niết-bàn để cho họ tu tập và mong đạt đến. Diệt tân định, chỉ cho cảnh giới tịch tĩnh vô dư Niết-bàn mà các bậc Thánh tu tập đạt được định. Ngoài ra giai đoạn trung gian cận phân định của sơ tịnh lự và nhị tịnh lự được gọi là trung gian định; nếu hành giả nào tu tập định này sẽ được sinh về Đại Phạm thiên. Đây là hai loại định có được nhờ vào sự tu tập của hành giả dành cho cõi dục mà chúng ta đang cư ngụ, chứ không phải sinh ra đã có rồi như là cõi sắc và vô sắc.

Vậy Thiền là tên gọi tắc của Thiền-na được phiên âm từ chữ Phạn dhyāna có nghĩa là tịnh lự cùng với nghĩa “Định” của Tam-ma-địa được phiên âm từ samādhi chữ Phạn họp lại mà gọi là Thiền định. Thông thường tinh thần chúng ta không ổn định hoàn toan, lúc thế này lúc thế khác, luôn thay đổi theo các duyên bên ngoài và bên trong ý nghĩ nên chúng ta không làm chủ được tâm lý ổn định của mình nên mọi rắc rối phức tạp luôn vây khốn chúng ta là cho chúng ta luôn luôn cảm thấy bất ổn trước cuộc sống, nên để kiểm soát cuộc sống của chúng ta trở nên an ổn và an lạc phát sinh thì hành giả chúng ta, nhất là các hàng Bồ-tát trong lúc thực hành con đường Bồ-tát của mình thì, Thiền định là con đường đi đến tối ưu, dành cho chúng ta trong sự nghiệp tự độ và độ tha, lợi mình lợi người đưa đến an vui giải thoát, mà đức Đạo sư đã từng dạy: “Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện”. (Để tâm vào một chỗ, không việc gì là không làm được).

Vậy muốn khống chế tâm cảnh dao động, nhiễu loạn của chúng ta khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh chung quanh, khi chúng ta chưa làm chủ được chính mình thì điều cốt yếu là phải dùng Thiền định làm một phương pháp đối trị lại những nhiễu loạn dao động trước mọi hoàn cảnh bằng cách kéo tâm mình trụ vào một đối tượng duy nhất thì, mọi sự dao động nhiễu loạn bất ổn của ngoại cảnh và tự tâm sẽ tự biến mất và mọi sự an ổn ổn sẽ tự hiện hữu; cho nên gọi “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” là vậy. Khi chúng ta đem tâm mình tập trung vào một đối tượng duy nhất thì, ngay lúc đó tâm chúng ta cắt đứt hết đối các duyên liên hệ khác bên trong hoặc bên ngoài, lúc này tâm chúng ta chỉ có một đối tượng duy nhất, trong thiền học gọi đó là “nhất tâm tánh cảnh” , chính là cảnh giới thiền định được hình thành. Cảnh giới này nếu chúng ta huân tập nhiều chừng nào thì lực của tâm định mạnh chừng đó và, cứ như thế chúng ta tiến lên sẽ đạt được trạng thái “Tâm vật nhất như” là thành tựu được Thiền đinh và, trí tuệ phát sinh cũng là nhờ vào sức mạnh của tâm định này.

Ở đây trí tuệ là hậu quả tất yếu có được từ Thiền định, nên người nào có công phu thiền định thì người đó sẽ tập trung bảo trì được lực lượng trí tuệ càng ngày càng sáng hơn và, khi chúng ta gặp phải bất cứ cảnh ngộ nào đi nữa cũng điều hòa ngay vào cảnh đó một cách tự nhiên, để sau đó đưa đến giải thoát hết mọi hoàn cảnh có thể làm bất ổn cho hành giả. Đây là lúc chúng ta làm chủ được tâm mình, vô công dụng đạo hiện bày, việc độ ta độ người, lợi ta lợi người sẽ được thành tựu viên mãn. Đối với Thiền định nhiều người hiểu lầm rằng ngồi Thiền sẽ đưa đến thân khô, tâm lạnh như gỗ đá bên vực sâu, nhức đầu ù tai, sinh ra điên loạn v.v… Họ không biết rằng việc tu thiền định tiêu cực như vậy của họ là do không đúng phương pháp, không người hướng dẫn nên đi sai đường, hoặc dụng tâm không đúng, điều thân, điều tức không thông, do vậy nên từ đó sinh ra những trở ngại. Đối Thiền định nếu hành giả nào đi đúng đường có người hướng dẫn đúng thì những hiện tượng tiêu cực đó sẽ không bao giời xảy ra và, sẽ thành tựu được mọi kết quả như hành giả mong muốn.

Tóm lại, Thiền-na Ba-la-mật là một trong Lục ba-la-mật nên mục tiêu hướng đến của Thiền định Ba-la-mật là dành cho các hàng Bồ-tát. Ở đây tuy cũng là Thiền định hết nhưng Thiền định của các nhà Tiểu thừa được giới hạn trong ba học, cũng chỉ có giá trị thực tiễn trong tự lợi mà thôi, còn đối với các hàng Bồ-tát không những có giá trị trong tự lợi mà còn mang đến lợi tha cho người nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa Bồ-tát và Thinh văn là như vậy, nên trong cùng Thiền định, nhưng chúng cũng tùy thuộc vào thuộc tính của người hành trì, nên vấn đề sai biệt đó phải có, để phù hợp với căn cơ.

– Về Bát Nhã Ba-la-mật (prajñā-pāramitā), người Trung quốc dịch nghĩa, phiên âm trí tuệ Ba-la-mật, hay Minh độ vô cực. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, trí tuệ hoàn toàn, hoàn thành trí tuệ, có nghĩa được tuệ thế tục, tuệ duyên thắng nghĩa, tuệ duyên hữu tình, có khả năng chấm dứt ngu si, biết rõ thật tướng các pháp hiện hữu và biến dịch, hoặc gọi là tuệ Ba-la-mật, thắng nghĩa Ba-la-mật; là một trong lục Ba-la-mật, một trong thập Ba-la-mật dùng để quán chiếu rõ thật tướng các pháp, là cùng cực tuệ lớn của Bồ-tát. Như Kinh Đại phẩm Bát-nhã 14, Phẩm Phật mẫu (Đ.8, tr. 323b) đức Đạo sư dạy:

“Trí tuệ sâu xa qua bờ bên kia này, hay sinh ra chư Phật, hay cùng nhất thiết trí chư Phật có khả năng thị hiện tướng thế gian, vì vậy nên chư Phật thường dùng Phật nhãn quán xét trí tuệ sâu xa qua bờ bên kia này và, dùng trí tuệ qua bờ bên kia này thường sinh ra Thiền-na Ba-la-mật cho đến Đàn-na Ba-la-mật, sinh ra nội không, cho đến không của vô pháp cùng hữu pháp, sinh ra Tứ niệm xứ, cho đến tám phần Thánh đạo, sinh ra thập lực Phật, cho đến nhất thiết chủng trí. Cũng vậy, Bát-nhã Ba-la-mật thường sinh ra Tu-đà-hòan, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích Chi Phật. Tu-bồ-đề! Những gì chư Phật đã sở hữu về A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề, nay được, sẽ được đều nhờ vào nhân duyên Bát-nhã Ba-la-mật nên có được.” Và chỗ khác đức Đạo sư dạy: “Bát-nhã tức chỉ cho trí tuệ, Thinh Văn Duyên Giác cũng đạt được trí tuệ, song Thinh Văn Duyên Giác chỉ cầu đều mau tiến đến Niết-bàn, chứ không cầu trí tuệ rốt ráo, cho nên chưa có thể được Ba-la-mật. Chỉ có Bổ-tát mới cầu nhất thiết trí đến bờ bên kia, cho nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật đầy đủ.”

Qua Những lời dạy của đức Đạo sư cho chúng ta biết rằng Trí tuệ thì ai cũng có thể đạt được hết, đây chính là trí tuệ của hậu đắc trí có được từ sự phát sinh của tu tập. Tuệ này nếu chúng ta không thực hành qua tu tập thì sẽ khơng bao giờ có được; nhưng đối với căn bản trí là trí tuệ bản giác chân thật từ xưa đến nay ai cũng có, chúng thuộc loại trí bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm. Theo nghĩa tuyệt đối thì chính chúng hay sinh ra Thiền-na Ba-la-mật cho đến Đàn-na Ba-la-mật, sinh ra nội không, cho đến không của vô pháp cùng hữu pháp, sinh ra Tứ niệm xứ, cho đến tám phần Thánh đạo, sinh ra thập lực Phật, cho đến nhất thiết chủng trí. Cũng vậy, Bát-nhã Ba-la-mật thường sinh ra Tu-đà-hòan, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích Chi Phật. Tu-bồ-đề! Những gì chư Phật đã sở hữu về A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề, nay được, sẽ được đều nhờ vào nhân duyên Bát-nhã Ba-la-mật nên có được này. Vì mỗi hữu tình chúng sinh được sinh ra vốn đã mang trong người một nghiệp thức di truyền từ vô lượng kiếp, cộng vào hiện thức đang huân tập từ trong cuộc sống hiện tại qua tác nhân của thân miệng và í trong hiện tại huân tập tạo ra cho chúng ta một tập khí làm nhân nghiệp mới, cả hai hiện tại cho chúng ta một loại nhận thức hữu lậu thế gian chúng câu hữu với vô minh nên chưa được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Như Luận Đại Trí Độ 43 (Đ. 25, tr. 371a) dạy thì, :”Người phàm phu tuy lại ly dục, mà có tâm ta, người đắm vào pháp ly dục, nên không thích Bát-nhã Ba-la-mật. Thinh Văn, Bích Chi Phật dù có thích muốn Bát-nhã Ba-la-mật, nhưng vì từ bi không thâm sâu, nên rất chán thế gian, một lòng hướng tới Niết-bàn, cho nên Bát-nhả Ba-la-mật không thể đầy đủ được. Bát-nhã Ba-la-mật này lúc Bồ-tát thành Phật thì chuyển thành Nhất thiết chủng trí, vì vậy cho nên Bát-nhã Ba-la-mật cũng không thuộc của Phật, cũng không thuộc của Thinh Văn, Bích Chi Phật, không thuộc phàm phu, chỉ có dành cho Bồ-tát mà thôi.”

Những gì đức Đạo sư dạy trong luận Đại Trí Độ cho chúng ta biết rằng Bát-nhã thì ai cũng có, ai cũng muốn thực hành nhưng độ thâm tín của nó còn tùy thuộc vào sự sâu dày của nó và luôn tùy thuộc vào thuộc tính căn cơ, do đó ở đây chúng chỉ dành riêng cho các hàng Bồ-tát trong chức năng thực thỉ Bồ-tát hạnh mà thôi. Cũng như Kinh Ưu-bà-tắc giới 7, phẩm Bát-nhã Ba-la-mật dạy: “Trí tuệ phi Ba-la-mật, là chỉ cho tất cả những trí tuệ thế gian, những sở hành trí tuệ của Thinh Văn, Duyên Giác. Ba-la-mật phi trí tuệ, ở đây không có nghĩa này. Trí tuệ là Ba-la-mật, là chỉ cho tất cả lục Ba-la-mật. Phi trí tuệ phi Ba-la-mật, là chỉ cho tất cả Bố thí, Trì giới, Tinh tấn.” Và để làm sáng tỏ và rõ ràng hơn về Bát-nhã Ba-la-mật cũng theo luận Đại Trí Độ 18 (Đ. 25, tr. 190a) thì, :”Chư Bồ-tát từ lúc bắt đầu phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí thì trong thời gian này biết hết thật tướng của các pháp, Tuệ là Bát-nhã Ba-la-mật. Hỏi: ‘Nếu như vậy thì không nên gọi là Ba-la-mật. Vì sao? Vì chưa đạt đến trí tuệ rốt ráo!’ Đáp: ‘Chỗ đạt được trí tuệ của Phật là thật Ba-la-mật, và nhân Ba-la-mật này nên sở hành của Bồ-tát cũng gọi là Ba-la-mật, trong nhân nói quả. Bát-nhã Ba-la-mật ở trong tâm Phật đã biến thành Nhất thiết chủng trí. Bồ-tát hành trí tuệ là cầu qua bờ kia cho nên gọi là Ba-la-mật. Phật đã qua bờ kia rồi, nên gọi là Nhất thiết chủng trí’.”

Ở đây vì nhận thức theo thuộc tính của pháp hành trì tương đối nên chúng tùy thuộc đối tượng hành trì đã đạt được hay chưa đạt được qua bờ bên kia. Nếu đạt được qua bờ bên kia rồi thì, lúc này không còn là Bát-nhã Ba-la-mật nữa mà là Nhất thiết chủng trí và, chỉ khi nào chưa đạt được đến bờ bên kia, có nghĩa là còn trong thời gian thực hành, chúng tùy thuộc vào thời gian thì chính nó là Trí tuệ qua bờ kia (Bát-nhã Ba-la-mật). Nhưng dù là tương đối hay tuyệt đối mà nhận thức về trí tuệ thì nhân và quả chúng cũng phải tùy thuộc vào nhau mà hiện hữu: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không; cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt …” Theo luật tắc nhân quả Duyên khởi thì Nhất thiết chủng trí cũng chính là Bát-nhã Ba-la-mật và, Bát-nhã Ba-la-mật cũng chính là Nhất thiết chủng trí. Vì ở đây chúng lệ thuộc vào thời gian để qua bờ kia, do đó chúng cũng lệ thuộc vào pháp tu tương đối, nên giữa trí tuệ thế gian hữu lậu với trí tuệ xuất thế gian vô lậu chúng trở nên sai biệt đa thù tùy thuộc vào căn cơ nhận thức của các loài hữu tình chúng sanh mà mà theo đó có những ‎nghĩa và tên gọi khác nhau.

Nếu chúng ta đứng về mặt tương đối mà nhận thức thì giữa trí tuệ thế gian và xuất thế gian trên tên gọi và nhận thức về sự thật chân lí thì không khác chúng cùng một dạng, dù rằng trí tuệ trong Phật pháp vượt thóat và cao sâu hơn. ‎Những gì đức Phật đã dạy về trí tuệ là cho chúng ta nhận thức về chân lí, quán thông muôn pháp, cách thức hành sử ứng dụng trên muôn pháp không có bất cứ một mảy may sai lầm nào, đó chính là nhờ trí tuệ. Dù chúng ta là những chúng sinh hữu tình được sinh ra từ nghiệp lực, dù trí tuệ có bị nghiệp lực làm mê mờ đi chăng nữa, nhưng trên căn bản chúng ta vẫn có Căn bản trí là một thứ trí tuệ chân thật không sinh không diệt, không tăng không giảm về mặt bản thể mà luận, nhưng về mặt nghiệp tướng thì trí tuệ luôn tùy thuộc vào hiện tướng của nghiệp duyên mà chúng thể hiện, do đó trí tuệ trở thành đa dạng sai biệt theo nghiệp lực của hữu tình thế gian mà có được, nên trí tuệ ác hữu lậu nặng hơn là trí tuệ thiện che khuất mất đi tánh thanh tịnh trong sáng xưa kia, đành phải trầm luân trong sinh tử luân hồi. Vậy muốn trở lại Căn bản trí thì theo đức Đạo sư chúng ta phải hành trì tu tập có phương pháp mới mong trở lại trí tuệ bản nhiên được: Đó là ba phương pháp Văn, Tư và, Tu. Trước hết chúng ta cần phải phát tâm tìm cầu nghe pháp (là những lời dạy của đức Phật, chúng câu hữu với giải thoát) để biết đâu là chánh đâu là tà gọi là Văn tuệ; sau khi chúng ta nghe pháp rồi những sự hiểu biết rõ ràng sáng tỏ sẽ phát sinh nhờ vào tư duy pháp gọi là Tư tuệ; sau khi chúng ta tư duy sáng tỏ rõ ràng rồi bắt đầu chúng ta hành trì tu tập gọi là Tu tuệ. Nhưng trong ba tuệ này thì Tư tuệ chính là công phu có được từ Thiền-na như phần trên chúng tôi đã nói là đem tư duy làm sao cho khế hợp với cảnh giới của chân lí và, từ đó dần dần phát sinh trí tuệ nhiều hay ít tùy thuộc vào sự thực hành của hành giả cho đến khi hành giả đạt được trí tuệ rốt ráo qua bờ bên kia, kết quả của trí tuệ rốt ráo có được này gọi là Hậu đắc trí.

Các hàng Bồ-tát khi hành lục độ, ban đầu nổ lực mong cầu thực hành hợp lí đạo, sau đó thì dần dần đạt đến chỗ vô hành không ưa thích cảnh chân lí mà ưa hành chân lí, đó chính là hành trí tuệ. Cho nên trọng tâm của lục độ là ở nơi trí tuệ, đạo trí tuệ tức là đạo Bồ-đề. Mục đích của lục độ là đưa hành giả phàm phu vượt qua phiền não sinh tử đến bờ an vui giải thoát bên kia của các bậc Thánh. Các hàng Bồ-tát ngoại trừ giới căn bản ra, còn cần tu tập lục độ để đạt đến cứu cánh rốt ráo của trí tuệ nữa. Do đó trí tuệ qua bờ kia (Bát-nhã Ba-la-mật) rất quan trọng đối với các hàng Bồ-tát, khi thực hành Bồ-tát hạnh của mình. Vì bản thân của trí tuệ chính là mẹ đẻ của các pháp nên trong lục Ba-la-mật đều có sự hiện diện của trí tuệ, cho dù tác động của nó là tiêu cực khiến hành giả không nhận ra được sự hiện hữa của nó như Bát-nhã Ba-la-mật.

Theo luận Đại Trí Độ 11 thì Tự tánh của Bát-nhã Ba-la mật có rất nhiều thuyết. Có thuyết cho rằng Bát-nhã Ba-la-mật là vô lậu, vô căn, vì Bồ-tát chưa đoạn hết kết sử, nên khi thực hành chỉ là tương tựa vô lậu Bát-nhã Ba-la-mật thôi, cho nên có được tên gọi là hành Bát-nhã Ba-la-mật. Có thuyết cho rằng Bát-nhã Ba-la-mật là tuệ hữu lậu, vì Bồ-tát trước đã có trí tuệ lớn và vô lượng công đức, nhưng các phiền não chưa được đọan tận, nên phải đến dưới bóng cây Bồ-đề để đọan kết sử, cho nên tuệ kia là hữu lậu. Có thuyết cho rằng ban đầu mới phát tâm đến dưới bóng cây Bồ-đề vốn đã sở hữu trí tuệ này rồi nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật, đến lúc thành Phật thì chuyển từ trí tuệ thành Tá-bà-nhã (Nhất thiết trí: sarva-jñatā). Có thuyết cho rằng trí tuệ hữu lậu vô lậu của Bồ-tát gọi chung là Bá-nhã Ba-la-mật, vì Bồ-tát Niết-bàn, hành Phật đạo cho nên trí tuệ của Ngài là vô lậu, còn khi chưa đọan kết sử, sự nghiệp chưa thành tự nên gọi là hữu lậu. Có thuyết cho rằng, Bát-nhã Ba-la-mật của Bồ-tát là vô lậu vô vi, không thể thấy vì không đống tượng. Có thuyết cho rằng Bát-nhã Ba-la-mật không thể thấy tướng mạo được, chẳng phải là chỗ nhiếp của Ấm, Giới, Nhập, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, khôngthủ không xả, không sinh không diệt, phi tứ cú, vô sở trước. Qua những thuyết nói về tự tánh Bát-nhã Ba-la mật tất cả đều khế hợp với thuộc tính của từng giai đoạn thức hành của Bồ-tát. Cũng vì vậy cho nên tự tánh của Bát-nhã Ba-la-mật cũng trở thành đa dạng tùy thuộc vào căn cơ của hành giả và, cũng tùy thuộc vào thời gian tu tập mà chúng thể hiện như tất cả những thuyết đã nêu trên.

Vì theo đức Đạo sư thì hành giả đến với đạo Phật mục đích là để thực nghiệm giáo lý qua thực hành tu tập chứ không phaỉo đến để mà biết suông, do đó vấn đề tu tập Bá-nhã Ba-la-mật cũng được nổ lực thực hành nghiêm túc và tonh tấn thì,kết quả mới đạt đượcnhư mong muốn. Trong rất nhiều kinh có đề cập đến vấn đề tu tập này, như kinh Quang minh Tối Thắng Vương 4 (Đ. 16, tr. 418c) dạy có năm cách tu: “Một, Thường thân cận, cúng dường chư Phật, Bồ-tát và thiện hữu tri thức, không sinh lòng chống trái. Hai, Chư Phật Như Lai nói pháp thậm thâm lòng thường ưa thích nghe không chán hay cho là đủ. Ba, Thắng trí chơn tục, ưa khéo phân biệt. Bốn, thấy tu sửa phiền não nên mau chóng đoạn trừ. Năm, học hỏi Kĩ thuật thế gian. Năm phương pháp này hành giã phải thông đạt. Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu trí tuệ Ba-la-mật.” Và trong Đại Thừa Bảo vân kinh 2, nói có mười cách tu tập Bát-nhã Ba-la-mật: “Một, khéo hiểu chân lí vô ngã. Hai,khéo hiểu quả báo các nghiệp. Ba, khéo hiểu các pháp hữu vi. Bốn, khéo hiểu sự tương tục của sinh tử. Năm, khéo hiểu sự không tương tục của sinh tử. Sáu, khéo hiểu đạo của Thinh Văn Bích Chi Phật. Bảy, khéo hiểu đạo của Đại thừa. Tám, khéo biết cách lìa xa ma nghiệp. Chín, trí tuệ không đổ. Mười, trí tuệ không gì bằng. Và như trong kinh Đại bảo Tích 50 – 53, phẩm Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã thuật lại chánh hạnh của Bát-nhã Ba-la-mật như lý mà chánh quán, chứng nhập, như lý cú cùng khéo léo phân biệt … cùng trong phẩm Bát-nhã Ba-la-mật, Phát Bồ-đề kinh luận cũng nói rõ về ba cách tu tập trí tuệ vừa lợi mình, lợi người và, lợi cả hai…

Tóm lại, Bát-nhã Ba-la-mật (trí tuệ đến bời kia), nếu hành giả nào muốn vượt qua đến bờ bên kia của giác ngộ giải thoát thì nên hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật này, vì chúng ta tu tập chúng thì khả năng từ bên bờ phiền não khổ đau sẽ qua đến bờ an vui giải thoát là đều chắc chắn. Vì mục đích quan trọng của pháp hành này là từ bờ này đến bờ kia, tức là ra khỏi sinh tử đạt đến Bồ-đề, tất cả đều gọi lả Ba-la-mật. Trong kinh hoặc nói Lục Ba-la-mật, hoặc Thập Ba-la-mật, nhưng Ba-la-mật chân thật chỉ có Bát-nhã, ngoài ra đều là giả danh ba-la-mật, vì không có Không tuệ dẫn đạo, tuy Bố thí Ba-la-mật cho đến thiền-na Ba-la-mật đó cũng chỉ là một cách gọi thôi. Pháp Thinh Văn thừa có thể vượt qua sinh tử đến bờ Niết-bàn, nhưng sao không gọi là Ba-la-mật? Vì ý nghĩa cứu cánh Ba-la-mật nói đến ý nghĩa rốt ráo là thâm hiểu tận cùng thật tướng của các pháp và, thành tựu viên mãn tất cả công đức tự lợi–lợi tha mới gọi là Ba-la-mật. Ba vô lậu học của Tiểu thừa không đạt đến cứu cánh này, nên không gọi là Ba-la-mật được.

Qua những trình bày trên về Lục Ba-la-mật, tuy tất cả đều gọi là Ba-la-mật, nhưng như phần Bát-nhã Ba-la-mật chúng tôi đã đề cập vì ý nghĩa rốt ráo của nó vì sự thành tựu của Bát nhã phải đi đôi với Ba-la-mật, trong khi những chi trước sự thành tựu của chúng không cần đòi hỏi phải có mặt của Ba-la-mật mới được mà tự chúng quyết định được chính chúng. Điều này chúng nói lên Ba-la-mật chỉ câu hữu với căn cơ Bát-nhã là chính, còn những chi khác chúng có hay không cũng không bắt buộc mà chúng tùy thuộc vào các căn cơ mà chúng phù hợp như Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định của mỗi hành giả, cho đến cách sắp xếp trước sau, trên dưới, thô, tế theo thứ tự của sáu pháp này cũng tùy thuộc vào căn cơ cùng thuộc tính của chúng mà các kinh luận có sự sắp xếp phân loại khác nhau, như Đại Trang nghiêm Kinh luận 7, xếp theo trước sau, trên dưới, thô tế tùy theo thực tế hoàn cảnh căn cơ và, cách phân loại theo thuộc tính mà sắp xếp. Nếu không có của cải thì Trì giới sắp trước bố thí sắp sau và, Bố thí dưới trì giới trên cho đến trí tuệ trước, trên, thiền định sau, dưới hay Bố thí là thô, trì giới là tế cho đến thiền định thô, trí tuệ tế. Theo kinh Giải Thâm Mật 4 thì Lục ba-la-mật đuộc phân ra làm hai theo chức năng thuộc tính của chúng: Ba chi trước thuộc về Nhiêu ích hữu tình, còn ba chi sau thuộc đối trị phiền não: Do bố thí nên nhiếp thọ đầy đủ của cải thuộc nhiêu ich1 hữu tình. Do trì giới nên không hành tổn hại bức bách não loạn thuộc nhiêu ích hữu tình. Do nhẫn nhục nên nhẫn thọ tất cả mọi tổn hại bức bách não loạn của người khác mang lại thuộc nhiêu ích hữu tình. Do tinh tấn nên tất cả mọi thứ phiền não tuy chưa điều phục, nhưng có thể dõng mãnh tu tập các thiện phẩm, không làm phiền não khuynh động. Do tịnh lự nên vĩnh viễn điều phục phiền não. Do bát-nhã nên vĩnh viễn đoạn trừ tùy miên. Cũng theo Kinh Giải Thâm Mật 4 thì Lục Ba-la-mật nếu đem phối hợp với ba học thì, ba thí, giới, nhẫn Ba-la-mật thuộc về tăng thượng giới học, thiền Ba-la-mật thuộc tăng thượng tâm học, bát-nhã Ba-la-mật thuộc tăng thượng tuệ học, riêng tinh tấn Ba-la-mật thì dành cho cả ba học, trong khi Bồ-tát Địa trì kinh 10 thì xếp Tinh tấn Ba-la-mật vào tăng thượng giới học. Và Lục Ba-la-mật cũng được Kinh Giải Thâm Mật 4 và Kinh Bồ-tát Địa Trì 1 phân loại Bố thí, trì giới, nhẫn nhục Ba-la-mật thuộc tư lương phước đức, Bát-nhã Ba-la-mật thuộc tư lương trí tuệ, còn hai Ba-la-mật Tinh tấn và Thiền định thì chung cho cả tư lương Phước và trí. Hay theo Kinh ưu-bà-tắc giới 2 thì Bố thí, Trì giới, nhẫn nhục Ba-la-mật thuộc phước trang nghiêm, còn Nhẫn nhục, Thiền định, trí tuệ Ba-la-mật thuộc Trí trang nghiêm. Lục Ba-la-mật tuy là phương cách tu tập của Bồ-tát, thuộc về kinh luận Đại thừa thường đề cập nhiều hơn là Tiểu thừa, nhưng không vì thế mà pháp tu này chỉ dành cho Đại thừa không thôi, theo Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ thì cũng có nhưng chỉ đề cập đến Bố thí, trì giới, tinh tấn và trí tuệ Ba-la-mật mà thôi.

Vì lý tưởng tối cao của các nhà Tiểu thừa là chứng đắc quả A-la-hán, trong khi các nhà Đại thừa nhất là các nhà Trung quán lấy Bồ-tát làm lý tưởng để thực hiện Bát-nhã Ba-la-mật hoàn thành Bồ-tát hành mà chứng đắc quả vị Phật, nên việc hành Lục Ba-la-mật luôn luôn phải tích cực chứ không tiêu cực như các nhà Tiểu thừa. Các hành giả Tiểu thừa trong mắt của họ thì Niết-bàn có thể nói như là cơ hồ trạng thái không hư của một loại lưu ly luôn hấp dẫn họ, trong khi Bồ-tát Đại thừa thì trên cầu quả Phật, dưới hóa độ chúng sanh là cứu cánh mục tiêu tối hậu hoàn mỹ của họ trong việc thực hành Lục Ba-la-mật. Hơn nữa, Các nhà Tiểu thừa theo các nhà Đại thừa thì luôn tự mãn tự kỷ trong giải thoát, đối với người khác họ không tích cực trong vấn đề cứu tế và ban vui nhổ khổ cho mọi người vì lý tưởng của họ là mong đạt được quả A-la-hán và hưởng thụ trong đó mà thôi, nên lý tưởng A-la-hán có nhiều ít ý vị tự tư tự lợi. Họ tự coi “Ba cõi như nhà lửa, chúng sanh là oan gia.” nên đối với tha nhơn họ coi như là một chướng ngại cho sự giải thoát của họ, trong khi Bồ-tát thì tận sức lực cứu tế chúng sanh. Tuy Bồ-tát đã có năng lực, đã đủ tư cách để chứng đắc Niết-bàn, nhưng vì nguyện lực hoàn thành thượng cầu hạ hóa nên cho dù luôn gặp mọi khổ nạn cùng những nổ lực trong sự nghiệp vì chúng sanh mà các ngài đã phải lưu huyết hay đổ mồ hôi vẫn chịu đưng mọi khó khổ trong việc: “Ta không vào địa ngục thì, ai sẽ vào địa ngục đây!” hay “Không đoạn phiền não thì, không tu thiền định.” Đây là hai chức năng tự độ và độ tha của Bồ-tát hành không thể thiếu đi một trong sự nghiệp giải thoát của các Ngài. Qua hành nguyện của các hàng Bồ-tát cho chúng ta thấy rằng hình như có sự mâu thuẫn trong việc thực hành Bồ-tát hành của mình, vì rõ ràng Bồ-tát chưa tự giải thoát cho chính mình thì, làm sao để hướng dẫn người khác giải thoát được? Thật ra về mặt hình thức chúng ta chưa thấy những chứng cứ để bảo rằng các ngài đã giải thoát rồi, nhưng về cách thị hiện rõ ràng các Ngài vì nguyện lực mà thị hiện giữa thế gian này, còn chúng sanh thì sinh ra từ nghiệp lực; nếu chúng ta nhìn ra được điều này thì những mâu thuẫn và những thắc mắc của chúng ta sẽ được hóa giải ngay. Đây là chúng tôi chỉ nêu ra một khía cạnh trong nhiều khía cạnh khác như lòng từ, bình đẳng trên mặt tự lợi, lợi tha, tự độ, độ tha để hoàn thành giác hạnh viên mãn cuối cùng. Đó là những khác biệt giữa Bồ-tát Đại thừa và Thinh văn Tiểu thừa cũng như đối với chúng ta trong việc thực hành Lục Ba-la-mật.

Phương pháp thực hành thực hành Lục Ba-la-mật của Phật giáo luôn trực tiếp liên hệ đến ba học, giới, đinh, tuệ và, không lìa ba nền tảng căn bản này của đức Đạo sư. Qua đây, pháp môn tu hành của Phật giáo trong hiện tại có những chuyển biến tùy thuộc vào thời đại xứ sở nhơn tâm của xã hội mà theo đó bố thí mang ý nghĩa của từ thiện bố thí, nhẫn nhục thì mang bộ mặt mới được an nhẫn ẩn núp trong các dạng đạo đức xã hội, nhưng không mất đi tín tâm ban đầu, luôn đi song song cùng các pháp khác tùy thuộc vào thuộc tính của những đối cơ có được từ chúng ta. Tuy nhiên trong hiện tại kinh Bát-nhã được mọi người cùng chấp nhận như là một nhân tố chủ đạo trong Lục độ dù là Tiểu hay là Đại, họ đều chấp nhận Bát-nhã là một pháp môn tối cao, nhưng nói chung chỉ dành cho lịch trình tu hành của các hàng Bồ-tát hơn là cho tất cả. Vì mọi người quan niệm chúng sinh sinh ra vì nghiệp lực nên việc lấy tu tập thiền định, tu tập phước công đức là chủ yếu vì căn cơ phù hợp và làm sạch ba nghiệp phiền não do thân, khẩu, ý sinh ra.

Tóm lại, qua những trình bày về ý nghĩa công dụng của Lục Ba-la-mật, cho hành giả chúng ta có một nhận thức cơ bản về cả hai mặt tự lợi và lợi tha cho cả hai Thừa của Phật giáo, tuy trên mặt căn cơ có sự sai biệt, nhưng về mặt tác dụng chúng vẫn có những giá trị nhân quả ngang nhau dù là đại hay tiểu, dù là tiêu cực hay tích cực, chúng vẫn mang lại cho hành giả những kết quả theo từng thuộc tính của chúng về: Đàn-na Ba-la-mật (dāna-pāramitā), là bố thí hoàn toàn tuyệt đối, trong đó có cả ba loại Tài thí, Pháp thí và, Vô úy thí, ở đây phải được thể hiện là ba luân không tịch thì mới lột hết cái nghĩa Ba-la-mật được. Thi-la Ba-la-mật (Śīla-pāramitā), là chỉ cho việc trì giữ luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới, chúng có khả năng đối trị nghiệp ác khiến cho ba nghiệp thân và tâm trở thành thanh tịnh, thì việc qua bờ kia đã hòan thành. Sàn-đề Ba-la-mật (ksānti-pāramitā), là chỉ cho việc tu tập nhẫn nại oán hại, An nhẫn chịu khổ, xét kỹ pháp nhẫn có khả năng đối trị sân nhuế, khiến tâm trụ vào an ổn, vượt qua ba độc hòan thành giải thoát khổ đau. Tỳ-lị-da Ba-la-mật (vīrya-pāramitā), là hoàn thành tinh tấn, trong đó có cả hai tinh tấn thân và tâm. Tinh tấn siệng năng tu tập các thiện pháp, tức là chỉ cho thân siêng năng tinh cần tu tập bố thí, trì giới thiện pháp, tâm tâm liên tục miên mật siêng năng tu tập nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ. Cho nên tinh tấn có khả năng về hai mặt thân và tâm để đối trị với căn bệnh lười biếng của ác pháp sinh trưởng các pháp lành và hòan thành mọi nổ lực trong tu tập các pháp vưỡt thoát. Thiền-na Ba-la-mật (dhyāna-pāramitā), là chỉ cho sự tu tập tịnh lự hiện pháp lạc trú, tịnh lự đưa đến thần thông, tịnh lự lợi lạc hữu tình, chúng có khả năng đối trị loạn ý, nhiếp giữ ý niệm đối tượng bên trong không cho chạy theo các duyên bên ngoài, để từ đó làm chủ được thân và tâm mình lúc nào cũng ở trong đại định, hòan thành vô công dụng đạo qua bờ bên kia. Bát Nhã Ba-la-mật (prajñā-pāramitā), là hoàn thành trí tuệ, có nghĩa được tuệ thế tục, tuệ duyên thắng nghĩa, tuệ duyên hữu tình, có khả năng chấm dứt ngu si, biết rõ thật tướng các pháp hiện hữu và biến dịch. Ý nghĩa và giá trị của Lục Ba-la-mật như trên, tuy chúng tùy thuộc vào từng phương pháp một về mặt nhân quả tương đối nói lên giá trị tích cực của chính chúng; nhưng về duyên khởi thì chúng ở trong nhau, một pháp hòan thành thì hòan thành tất cả sáu pháp.
1 Kinh Trường A-hàm 21, Tuệ Sỹ dịch và hiệu chú.
2 Kinh Tăng Nhất A-hàm 44, Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu chú.
3. Nhiếp Đại thừa luận quyển trung.
4 Đ. 44, ta. 705b



Add Comment