Primary Menu
Secondary Menu

Một số quy cách về tạo tượng Phật

Tg cổ Việt Nam còn lại cơ bản là tượng ở trong các chùa, được chú ý nhiều là tượng Phật và các Bồ tát. Nghệ nhân xưa tạc tượng dù theo trực quan và kinh nghiệm làm nghề là chính, song càng về sau – nhất là ở thời Nguyễn, khi kinh sách về quy cách tạc tượng và những quy chuẩn về tượng Phật được nhập vào Việt Nam và được in ấn để phổ biến rộng, thì nếu có điều kiện vẫn là những sách tham khảo rất tốt cho các nghệ nhân tạc tượng. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến quy cách tạo tượng theo sách và đặc điểm của tượng Phật.
Một số quy định tạo tượng trong sách Phật học
Thư viện Viện Hán Nôm còn giữ được một số sách liên quan đến việc làm tượng Phật. Bộ sách “Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu” có giới thiệu mang tính chỉ dẫn ba cuốn sách:
1. Diên quang tam muội tạo tượng (ký hiệu A.3134)
Do Tổ sư chùa Bích Động soạn, chép lại năm Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại tức năm 1943, dày 244 trang viết khổ 28×16, gồm 5 phần:
– Tân biên Tam muội tạo tượng nghi quỹ: nói về cách dựng tượng và hủy tượng.
– Diên Quang tập: nói về cách điểm nhãn.
– An tâm phù thức: nói về cách thức làm bùa an thần.
– Thỉnh Phật an tâm khoa: nói về các nghi thức trong thỉnh Phật an tâm.
– Thỉnh Phật an tọa khai quang khánh tán nghi: nói về các nghi thức tụng niệm Phật.

Tượng Phật Thích Ca lộ thiên" niêm hoa vi tiếu" tại TV Vạnh Hạnh Tp Đà Lạt.
Tượng Phật Thích Ca lộ thiên” niêm hoa vi tiếu” tại TV Vạnh Hạnh Tp Đà Lạt.

2. Tạo tượng lượng đạc đồ dạng (ký hiệu 3104/g), dày 51 trang in khổ 31×23. Nói về chân dung các Phật, Đế, Quân… dùng làm mẫu để tô (nặn), đúc tượng; phân tích tượng theo đồ họa để hướng dẫn cách làm.
3. Tạo tượng lượng đạc kinh (ký hiệu AC.123), dày 138 trang khổ 31×22, có cả bản Nôm. Nói về cách thức làm tượng Phật, có bản vẽ mẫu và chú thích, trích yếu kinh và diễn Nôm. Sách của Trung Quốc bài Tựa và bài Tiểu dẫn đều ghi làm năm Nhâm Tuất niên hiệu Càn Long 7, tức năm 1742. Trong sách có cả phần Tạo tượng lượng đạc tục bổ in tại chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, bên hữu Văn Miếu tỉnh Hà Nội.
Dưới yêu cầu tìm hiểu công thức tạc tượng Phật, chúng tôi hoàn chỉnh bản Nôm (do Lê Quốc Việt đọc) để giữ đúng cách diễn tả của người xưa.
Nguyên văn:
Tạo tượng lượng đạc kinh trích yếu Phật tượng diễn âm. Hễ phàm phép tô Phật tượng, thời chẳng cứ tượng lớn tượng nhỏ, cũng phải kể từ đỉnh đầu xuống đến bàn chân, chia làm 120 phần. Mỗi 1 phần gọi là một ngón. Trên đỉnh nhục kế 4 ngón. Từ chân tóc đến ấn đường 4 ngón. Từ ấn đường đến đầu mũi 4 ngón rưỡi. Từ mũi đến cằm 4 ngón. Từ cằm đến vai 4 ngón. Từ vai đến vú 12 ngón. Từ vú đến rốn 12 ngón. Từ rốn đến âm nang 12 ngón. Từ âm nang đến bẹn 4 ngón. Từ bẹn đến bánh chè đầu gối 24 ngón. Bánh chè 4 ngón. Từ bánh chè đến mắt cá 24 ngón. Từ mắt cá đến bàn chân 4 ngón. Ấy là kể từ đỉnh nhục kế đến bàn chân 120 ngón.
Từ đầu vai đến khuỷu cánh tay 20 ngón. Từ khuỷu đến cổ tay 16 ngón. Từ cổ tay đến đầu ngón tay giữa 12 ngón. Kể từ vai đến đầu ngón tay giữa, cả thảy 48 ngón. Ấy là chiều dựng đứng đo đủ.
ượng Phật nhập Niết bàn 49 m chiều dài tại núi Tà Cú -Bình Thuận
ượng Phật nhập Niết bàn 49 m chiều dài tại núi Tà Cú -Bình Thuận

Lại nói các phép đo trên đỉnh kế vòng tròn 15 ngón, đen kịt má bóng mà có cát, tóc xanh đen vòng về bên tay phải, không có cái nào rối với cái nào. Tai chiều ngang rộng 2 ngón. Tai rủ xuống 4 ngón rưỡi, thùy châu 5 ngón, đầu tai ngang bằng lông mi. Cửa lỗ tai dài một ngón, ở trong sâu nửa ngón, lá nhĩ ngoài che lỗ tai cao nửa ngón, rộng 1 ngón, mỏng chia tư một phần ngón. Lỗ tai kể vòng ngoài sâu 2 ngón rưỡi. Trong tai trên dưới chia tư một phần ngón. Lông mi dài 4 ngón, như mặt trăng mới mọc. Hai đầu lông mi ở trong có bạch hào tròn 1 ngón rưỡi, có lông trắng nhỏ thưa. Mí mắt to 3 ngón, dạng như cánh hoa sen. Mắt dài 4 ngón, lòng đen 1 ngón, lòng trắng mỗi bên 1 ngón, trong lòng mâu tử (con ngươi) nửa ngón. Mắt mở chia tư một phần ngón. Đầu mắt bên này qua mũi đến đầu mắt bên kia 2 ngón. Mũi rộng hơn 2 ngón. Từ nhân trung cao đến đầu mũi 1 ngón rưỡi. Trong cốt mũi nửa ngón. Hai lỗ mũi mỗi bên nửa ngón, vào trong rộng hơn. Nhân trung chia ba một phần ngón. Từ mũi đến môi trên 1 ngón rưỡi. Hai môi dày 1 ngón. Hai góc môi 1 ngón. Miệng rộng 4 ngón. Từ môi dưới đến cằm 1 ngón rưỡi, cằm rộng 4 ngón. Từ cằm đến cổ sâu 4 ngón. Mặt vòng quanh qua mũi qua gáy 36 ngón. Từ tai bên này qua mũi sang tai bên kia 18 ngón. Từ sau tai bên này qua gáy đến tai bên kia 14 ngón. Từ chân lá nhĩ trước đến chân tai sau 2 ngón. Cổ to 8 ngón, quanh tròn 24 ngón. Cổ từ giáp cằm xuống chia ba một phần ngón, là một ngấn, dưới hơn 1 ngón là 1 ngấn nữa, lại dưới 2 ngón là 1 ngấn nữa. Từ cổ ra vai mỗi bên 12 ngón. Cánh tay gần nách tròn quanh 16 ngón, đoạn dưới gần chậu tròn quanh 12 ngón. Lòng bàn tay duỗi 7 ngón, ngang 5 ngón. Ngón giữa dài 5 ngón, ngón trỏ kém nửa ngón, ngón vô danh cũng thế, ngón út 4 ngón, ngón cái 4 ngón. Các móng tay dài nửa ngón. Gốc ngón cái đến gốc ngón chỏ xa 3 ngón. Từ gốc ngón út đến ngấn cổ tay 4 ngón rưỡi. Lòng bàn tay cái mài bằng phẳng. Ngón cái 2 đốt, các ngón đều ba đốt. Chít khăn tròn 56 ngón, rốn sâu rộng 1 ngón, quanh rốn 48 ngón. Đùi trên gần bẹn quanh tròn 32 ngón, gần bánh chè 28 ngón. Đùi dưới rộng giữa 21 ngón, quanh trên mắt cá 14 ngón, bên cạnh rộng 2 ngón. Gót tròn dài 3 ngón. Dưới bàn chân 12 ngón. Bên ngón cái bề ngang dày 2 ngón. Bên ngón út bề ngang dày 1 ngón. Dưới bàn chân có ngàn vòng, nhỏ nông như ngấn bàn tay. Bốn ngón đều 3 quặp. Móng chân già nửa ngón. Ngón cái vòng quanh 5 ngón, dài 3 ngón. Ngón trỏ 3 ngón. Ngón giữa, ngón út, ngón bên thấp hơn, cũng dày 1 ngón. Ấy là trong kinh Lượng độ phép tô Phật tượng là thế. Dầu như tranh vẽ cũng theo phép thế mà làm, thì người ở chùa cùng dân làng với chủ hưng công đến con cháu cũng được hưởng phúc lâu dài. Nhân quả rồi nên đến vô thượng Bồ đề. Hễ làm sai rối chẳng cứ phép Kinh thì mang tội khổ lâu dài, con cháu sau nhiều tai họa, như Kinh Vọng Tạo đã nói rõ ràng, nên xem cho kỹ.
Tượng Phật ngồi thiền cao 68 trên 70 ngón,ngang 50 ngón
Tượng Phật ngồi thiền cao 68 trên 70 ngón,ngang 50 ngón

Phép thước đo: Tượng đứng chia làm 120 ngón, tượng ngồi chia làm 68 ngón, không kể từ bẹn xuống đến bàn chân”. Những chuẩn mực trên là ở phương diện lý thuyết. Tượng Phật có nhục kháo, còn nói chung các nhân vật khác không có nhục kháo. Như vậy đầu (không nhục kháo) là 16 ngón, còn mặt là 12 ngón. So với công thức khái quát mà các nghệ nhân truyền nhau thì Phật đứng cao 7 đầu rưỡi (120/16), Phật ngồi cao 4,25 đầu (68/16). Nếu chuyển sang các nhân vật không phải là Phật tức không có nhục kế, thì người đứng là 7,25 đầu (116/16), người ngồi đúng 4 đầu. Và khi lấy mặt làm đơn vị thì chiều dài của mặt đúng bằng một nửa khoảng cách giữa hai vai (12/24). Khi chia mặt làm ba khoảng từ chân tóc đến ấn đường, đến đầu mũi, đến cằm thì bằng nhau (đều 4 ngón).
So với giải phẫu cơ thể người châu Á và châu Âu được đề cập trong các sách khoa học thì người cỡ trung bình đẹp là 7 đầu rưỡi, khi tượng Phật dang hai tay thì chiều ngang đúng bằng chiều cao (120 ngón), chiều dài bàn tay cũng bằng chiều dài mặt (12 ngón), đường cắt ngang âm nang chia đôi thân (60 ngón). Tuy nhiên, về chi tiết cũng có chỗ khác, chẳng hạn theo khoa học giải phẫu thì từ cằm xuống vú cũng bằng từ vú xuống rốn và đều bằng 1 đầu, thì ở đây từ cằm xuống vú bằng 1 đầu (16 ngón), nhưng từ vú xuống rốn lại bằng 1 mặt (12 ngón). Các chi tiết trên mặt cũng không được chuẩn, chẳng hạn mắt dài 4 ngón bằng các khoảng của khuôn mặt chia ba thì quá dài, trong khi khoảng cách giữa hai mắt chỉ có 2 ngón thì lại quá ngắn. Riêng tai quá dài, kể cả thùy châu là 9 ngón thì đó là đặc điểm của tai Phật.
Mặt Phật tròn trăng đầy - Mặt Bồ tát thon trứng gà
Mặt Phật tròn trăng đầy – Mặt Bồ tát thon trứng gà

Nói chung các tỷ lệ cơ thể trong sách về tạo tượng Phật được quy định khá tỉ mỉ, và cũng khá phù hợp với công thức trên, nó còn phụ thuộc vào tương quan với các đồ thờ và khoảng cách người chiêm bái, cốt sao khi nhìn thuận mắt. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung khi cảm nhận vẻ đẹp của tượng Hậu ở chùa Mật đã giải thích rất rõ rằng ngày nay dù “mặt phấn của tượng đã bị tô lại một cách tai hại, nhưng nó vẫn cho ta thấy một cách rõ ràng tại sao các cụ lại trau chuốt nó ở những nơi nhất định, tại sao đầu tượng lại to như vậy, chân lại ngắn, lưng lại sơ sài và thẳng sừng sững như vậy. Nếu không trông thấy những đồ thờ bày la liệt che lấp nó một phần thì sẽ có thể là không hiểu nó và tiếc rẻ cho nó là thiếu mất tỷ lệ cân đối về con người”. (Nguyễn Đỗ Cung: Bàn về mỹ thuật Việt Nam – Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 1993, trang 90). Trên thực tế, một pho tượng đẹp thuộc loại cân đối nhất, được xem là cổ điển với tính mẫu mực về tỷ lệ và mảng khối, là tượng Đức Phật Thế Tôn chùa Phật Tích Bắc Ninh) ở thế ngồi cao 186cm, đầu tượng cả nhục kế cao 55cm, trong đó nhục kế cao 11cm, chân nhục kế đến chân tóc 13cm, chân tóc đến ấn đường 10cm, ấn đường đến đầu mũi 11cm, mũi xuống cằm 10cm, cổ cao 19cm, hai vai cách nhau 71cm. Như vậy đầu tượng không kể nhục kế là 44cm, toàn tượng cao 4,25 đầu (186/44), tượng không kể nhục kế cao 4 đầu (175/44), các khoảng trên đầu kể cả nhục kế không chia 5 phần bằng nhau (11/13/10/11/10), cổ dài gần gấp đôi đoạn từ mũi đến cằm (19/10). Ở đây mắt và miệng dài bằng nhau (đều 11cm) và gần gấp đôi khoảng cách giữa hai mắt (11/6), vai tượng dài hơn hẳn hai lần mặt tượng (71/31). Không theo đúng sách nhưng tượng lại rất thuận mắt.
Các giai đoạn muộn hơn, tượng còn bị lùn đi hẳn. Và do đó chúng ta có phong cách khác nhau của các thời. Đấy là một thực tế nghệ nhân dù có học sách cũng không theo sách, khi hành nghề họ đã quên sách của tiền nhân, cứ làm theo kinh nghiệm cho đến khi thuận mắt nhất thì thôi.



Add Comment