Primary Menu
Secondary Menu

Năm Địa Điểm Hoằng Pháp Đầu Tiên Của Phật Giáo Nguyên thủy

Mục lục | Table of contents

Nhắc đến Kỳ Viên ở giai đoạn đầu, chúng ta không thể nào quên một vị pháp sư tài ba lỗi lạc, đó là Pháp sư Thông Kham. Ngài thông thạo Tam Tạng, thuyết pháp giảng đạo thật lưu loát. Nhờ có Ngài nên Phật tử mới am tường chánh pháp Phật giáo Nguyên thủy và cứ thế quần chúng Phật tử đến quy y tại Chùa Kỳ Viên càng ngày càng đông. Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy những quyển sách của pháp sư như Ba Mươi Tám Pháp An Lành, Phật Tổ Cồ Ðàm, Giải Ðáp Thắc Mắc Người Cư Sĩ, Tìm Hiểu Phật giáo v.v… Người thứ hai là Pháp sư Hòa thượng Narada người Tích Lan. Ngài đến đây dâng Xá Lợi cho Chùa Kỳ Viên và Ngài từng thuyết pháp giảng đạo bằng Anh ngữ qua sự thông ngôn của đạo hữu Phạm Kim Khánh cho Phật tử Việt Nam. Những bài pháp của Ngài là những viên ngọc quý cho thiện nam tín nữ noi theo tu hành. Ngài có rất nhiều quyển sách được dịch sang Việt ngữ để phổ biến cho người Việt Nam nương theo đó tu hành. Kể từ ngày có hai vị pháp sư trên, Chùa Kỳ Viên là một vị sao Bắc Ðẩu trên bầu trời Sài Gòn. Nhắc đến Kỳ Viên ai cũng biết và dần dần trở nên nổi tiếng ở trong nước cũng như trên thế giới.

Năm Địa Điểm Hoằng Pháp Đầu Tiên

Của Phật Giáo Nguyên thủy

Tỳ kheo Thiện Minh

Ngày xưa đức Phật thành công rực rỡ trong việc hoằng pháp lợi sinh, một phần cũng nhờ các vị Vua, bá hộ và những người mộ đạo kiến tạo những Tinh Xá dâng cúng cho Ngài và giáo đoàn để có trú xứ cư ngụ. Tinh Xá vừa là trú xứ chư Tăng cư ngụ vừa là địa điểm để thuyết giảng Phật pháp cho người tại gia cư sĩ. Do đó, Tinh Xá rất quan trọng trong việc thiết lập giáo đoàn để hoằng pháp. Tương tự, Hòa thượng Hộ Tông sở dĩ thành công trong việc khai sáng Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam, phần lớn cũng nhờ những cư sĩ hộ pháp đắc lực, hỗ trợ Ngài xây dựng Chùa chiền để có cơ sở hoằng pháp và là trú xứ cho chư Tăng cư ngụ để tu tập. Có thể nói nhờ năm địa điểm hoằng pháp đầu tiên này mà Phật giáo Nguyên thủy có cơ sở để phát triển tại Việt Nam cho đến ngày nay. Ðó là:

– Chùa Sùng Phước

– Chùa Bửu Quang

– Chùa Giác Quang

– Chùa Kỳ Viên

– Chùa Bửu Long

1/ CHÙA SÙNG PHƯỚC

Ngôi Chùa này kiến tạo vào năm nào không biết chính xác nhưng biết chắc là do Việt kiều ở Campuchia hùn nhau xây dựng để có nơi lễ bái. Chùa tọa lạc tại xóm Trường Ðua, Quận 5, Thành phố Phnômpênh (Nam Vang), chu vi khoảng một mẫu. Vì Phật giáo ở Campuchia theo truyền thống Nam tông (Theravada) cho nên đối với Việt kiều chúng ta thì rất xa lạ, vì họ đã từng quen hình thức thờ cúng và tu tập theo truyền thống Phật giáo Bắc tông (Mahayana). Cho nên việc kiến lập một ngôi Chùa theo truyền thống Bắc tông để đốt nhang cầu nguyện đối với Việt kiều là để đáp ứng một nhu cầu cần thiết, mang theo kỷ niệm từ quê nhà. Ðược biết khoảng thập niên ba mươi thì Chùa Sùng Phước do thân sinh của Thầy Lê Minh Học trụ trì.

Trong khoảng thời gian sau khi vị trụ trì viên tịch, phong trào nghiên cứu Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy của các Phật tử Việt kiều được phát huy mạnh mẽ. Họ càng nghiên cứu thì họ càng cảm nhận một điều Phật giáo mà người Campuchia đang tu chính là Phật giáo Nguyên thủy có nguồn gốc từ Ấn Ðộ, Tích Lan chứ không phải là Phật giáo của riêng dân tộc người Campuchia. Hiểu được điều đó, Thầy Lê Minh Học kết hợp một số bạn đạo như Thầy Sáu Hoa, Thầy Ba Lý bàn bạc nhau và thống nhất biến ngôi Chùa Sùng Phước thành ngôi Chùa Phật giáo Nguyên thủy cho người Việt. Từ đó về sau, Phật tử Chùa Sùng Phước nghiên cứu Kinh điển và tụng niệm theo hình thức Phật giáo Nguyên thủy.

Kiến trúc ngôi Chùa này hoàn toàn theo kiến trúc Phật giáo Bắc tông Việt Nam, mang nặng hình thức quê hương. Chắc có lẽ Việt kiều đến đây lễ bái là để nhớ lại quê hương Việt Nam hiện trong tâm trí của họ. Cách thức thờ phượng thì cũng giống tương tự. Về sau này, khi chuyển sang truyền thống Nam tông thì lối kiến trúc của ngôi Chùa vẫn giữ nguyên như xưa, duy chỉ có thay đổi đôi chút như việc kết giới Sìmà để phù hợp với Phật giáo Nam tông, và cách thờ phượng thì giờ đây trong chánh điện chỉ có độc tôn Phật Thích Ca.

Vị trụ trì tiếp nối thân sinh ông Lê Minh Học là sư Cả Thạnh tục danh Nguyễn Văn Thạnh, người gốc Vũng Liêm. Vào thời sư cả Thạnh, có rất nhiều Việt kiều có ý thức cao về đạo pháp và cho con xuất gia gieo duyên lành trong chánh pháp, như ông Phán Long có hai người con gái xuất gia: bà Trần Thị Thiệt pháp danh Tín Bạch, bà Trần Thị Hay, pháp danh Tín Thanh. Về thiện nam có ông Thiện Tâm, ông Nguyễn Hữu Nghiệp với pháp danh Tuệ Báu, v.v… Ða số các vị tiền bối thông hiểu đạo Phật Nguyên thủy là nhờ Chùa Sùng Phước, nhưng khi xuất gia các Ngài ít cư ngụ ở đây mà thường ở Chùa Mahàmontereym để học đạo pháp với những nhà sư Campuchia. Tiếc thay vào năm 1965, Chùa bị giải tỏa làm sân Vận Ðộng Olympic, và Chùa dời về Tul Cốt. Ðến năm 1975, Chùa bị bọn Pônpốt phá hủy hoàn toàn, và sư cả Thạnh cũng bị họ giết. Và ngày nay Chùa không còn nữa.

Lúc ngôi Chùa này chuyển sang Phật giáo Nam tông, bác sĩ Lê văn Giảng có công trùng tu lại ngôi Chùa và kết giới Sìma. Trong buổi lễ kết giới có sự chứng minh của đức Vua Sải Chunnat và Hòa thượng Sasanamunì.

Ban dịch thuật Kinh điển và tạp chí Ánh Sáng Phật pháp của Phật giáo Nguyên thủy lần đầu tiên được thành lập tổ chức tại đây do Hòa thượng Hộ Tông, thế danh Lê văn Giảng làm trưởng ban biên tập. Ban này gồm các thành viên: Thầy Sáu Hoa, Thầy Ba Lý, ông Phán Nghiêm, ông Trần văn Long (Phán Long), ông Phán Lai, ông Phán Ngọt, ông Phán Huê, Kinh sư Tô Kim Phước, ông Dương văn Phát, Kinh sư Lý văn Ngữ, và ông Trương Phong Vĩnh. Phật giáo Nguyên thủy ở Việt nam có Kinh sách dồi giàu để phổ biến tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy là nhờ có sự hoạt động của ban dịch thuật này.

Tóm lại, nhờ có Chùa Sùng phước đầu tiên nên Phật tử Việt kiều mới có cơ hội hiểu biết Phật giáo Nguyên thủy nhiều hơn. Nhiều vị Hòa thượng có công khai sáng Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam cũng nhờ ngôi Chùa này mà các Ngài mới hiểu đạo và xuất gia. Có thể nói đây là địa điểm hoằng pháp đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy cho người Việt, và nhờ đó việc truyền bá chánh pháp về Việt Nam có thêm phần thuận lợi và thành tựu hơn.

2. CHÙA BỬU QUANG

Chùa được xây dựng vào năm 1938, do cụ Nguyễn văn Hiểu chủ quản. Lý do là cụ Hiểu hay tin người bạn đạo Lê văn Giảng xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy. Vì trước đây, hai người bạn này có giao nguyện với nhau là cụ ở lại quê hương tìm đất xây Chùa, còn bác sĩ Giảng lên Nam Vang khảo cứu Kinh điển, xuất gia và truyền đạo Phật về Việt Nam để phổ biến. Khi biết được tin bác sĩ Giảng đã xuất gia, các ông Nguyễn văn Hiểu, Nguyễn văn Quyến và Văn Công Hương lập tức vào Chợ Lớn tìm đất xây Chùa nhưng không tìm được chỗ nào thích hợp. Sau đó, ba người lên Gò Dưa, Thủ Ðức, tìm được một khu đất rất thích hợp để xây Chùa, vì địa điểm không xa thành phố mà cũng không gần thành thị, với phong cảnh rất yên nhàn. Ðược biết đất này của Bà Cả và của ông Xã Trưởng Bùi Nguơn Hứa, họ đến gặp hai ông bà để thương lượng giá cả tiến hành việc xây dựng Chùa. Nhận thấy ba người này có thiện tâm lo việc Chùa chiền, ông bà rộng lòng cho họ khai phá hơn hai mẫu đất để xây Chùa mà không cần phải trả tiền. Trước nghĩa cử cao đẹp của ông bà chủ đất, cụ Hiểu và những người bạn đạo rất cảm kích, và chính nghĩa cử này giúp họ gia Tăng đức tin Phật pháp nhiều hơn nữa.

Kiến trúc đầu tiên của ngôi Chùa này rất đơn giản, không có gì đặc sắc. Ban hộ tự chỉ xây một chánh điện thờ Phật và tám Liêu Thất theo kiểu nhà sàn của người Campuchia để cho chư Tăng cư ngụ. Năm 1939, nhận thấy nhu cầu cần thiết để đào tạo các vị Sa di (người mới vào Chùa tu tập) tu học Giới luật, và đọc Kinh kệ cho thông thạo – vì những vị này là mầm non của đạo pháp – ban hộ tự lại tiếp tục xây thêm một phòng học đặc biệt để huấn luyện Sa di. Ðến năm 1940, cụ Nguyễn Văn Hiểu phát tâm bán căn nhà riêng của mình, dùng phân nữa số tiền bán nhà để xây lại Chùa Bửu Quang bằng ngói gạch theo lối kiến rất đặc biệt, kết hợp và pha chế theo các loại kiến trúc Khơme, Tây và Tàu thành ra một loại kiến trúc rất Việt Nam. Ngày nay chúng ta vẫn còn nhìn thấy loại kiến trúc này ở Thích Ca Phật Ðài (Vũng Tàu). Ðồng thời, cụ cũng xây một Tăng xá ba lầu cũng bằng ngói gạch cho chư Tăng trú ngụ. Còn phân nữa số tiền còn lại cụ dùng để mua đất làm ruộng, thâu huê lợi cho Chùa. Chùa Bửu Quang ngày nay không phải là kiến trúc thời của cụ Nguyễn văn Hiểu xây dựng, vì năm 1947 Chùa bị giặc Pháp tàn phá. Sau chiến tranh, anh em cư sĩ ở đó đi xin vật liệu cất lại Chùa và nó tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Chùa Bửu Quang là ngôi Chùa Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên của người Việt tại Việt Nam. Năm 1939, Hòa thượng Hộ Tông cùng một số chư Tăng lần đầu tiên về Việt Nam truyền đạo và các Ngài trú tại đây để làm căn cứ điểm hoằng dương chánh pháp. Từ đó đến nay, theo nhịp bước của thời gian, Bửu Quang đã trải qua những đời trụ trì:

– Hòa thượng Hộ Tông

– Hòa thượng Pháp Tịnh

– Thượng tọa Thiện Quang

– Ðại đức Sán Nhiên

– Ðại đức Thiện Nghiêm.

Ngôi Tam bảo này có lúc mạnh lúc yếu, tùy thuộc vào vị trụ trì lãnh đạo. Có thể nói thời trụ trì của Hòa thượng Hộ Tông thì rất thạnh hành nhưng không được tồn tại bao lâu để rồi Hòa thượng lại đi đến chỗ khác tiếp tục con đường hoằng pháp. Ðến thời trụ trì của Thượng tọa Thiện Quang chẳng những do bàn tay khéo tạo của Thượng tọa làm cho phong cảnh ở đây càng khởi sắc hơn, mà còn cả tài ngoại giao khéo léo của Thượng tọa làm cho người đến Chùa Bửu Quang không những Phật tử mà còn cả các đạo giáo khác.

Chùa Bửu Quang là ngôi Chùa tiêu biểu đầu tiên cho nên ngay từ buổi đầu đã có những sinh hoạt khá đặc biệt. Có trường học để đào tạo cho các vị Sa di. Có những lớp học dành cho chư thiện nam tín nữ nghiên cứu về pháp học lẫn pháp hành. Ðặc biệt pháp hành ở đây được xiển dương một cách khá cao độ và người học Thiền lúc đó cũng khá nhiều. Lý do chính là vì những người đến học Thiền ở đây là những công chức với đời sống rất bận rộn và căng thẳng, nhờ có hành Thiền mà tâm trí ho được thoải mái và thanh thản hơn. Thường thường những khóa Thiền như vậy do Hòa thượng Hộ Tông và chư Tăng trong Chùa phụ trách. Thỉnh thoảng Hòa thượng Bửu Chơn được thỉnh từ Nam Vang về dạy phụ đạo, vì lúc này Hòa thượng đang hành Thiền ở rừng núi Campuchia.

Số Phật tử đầu tiên đến quy y và tu Thiền là những gia đình của ông bà Cả Hứa, ông cả Ngưu ở Phú Nhuận, Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương, Nguyễn văn Quyến, ông Hương Giáo Thêm (Hòa thượng khai sáng tổ đình Giác Quang), ông Thông Phán, Phạm công Lợi, ông Núi (nay là Thiền sư Bửu Hạnh), ông Trần văn Cầm, ông Trần Văn Nhân, ông Nguyễn văn Mum (cố Ðại đức Tuệ Quang), Ðoàn văn Huờn, v.v… . . Ðời sống vật chất chư Tăng lúc này tương đối đầy đủ nhờ có cụ Hiểu khéo léo tổ chức mướn người làm ruộng để có lúa gạo để chư Tăng thọ dụng. Tuy nhiên, hằng ngày các vị Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Thiện Luật và chư Tăng đều mang bát sống hạnh khất thực.

Khất thực cũng là lối sống khiêm nhường của chư Tăng, đồng thời là một phương cách gần gũi quần chúng để giúp họ phát tâm đặt bát cúng dường gieo duyên lành trong chánh pháp. Mỗi lần Hòa thượng và chư Tăng đi khất thực như vậy đã gieo trong tâm trí của người dân đức tin đối với chư Tăng và nhà Chùa rất lớn và cũng có một số người rất thắc mắc tại sao những người này lại đi xin ăn? Tại sao những người này ăn mặn? Tại sao những người này không ăn buổi chiều? Từ những hoài nghi thắc mắc như vậy, họ kéo nhau đến Chùa để nhờ các nhà sư giải đáp. Những lần như vậy thì được Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Thiện Luật giải thích cận kẽ cho họ hiểu đúng chánh pháp của Phật giáo Nguyên thủy. Thế là những người đó hoan hỷ phát tâm xin quy y Tam bảo, trở thành cận sự Nam và cận sự Nữ của Phật giáo Nguyên thủy, thậm chí có những người xuất gia trở thành nhà sư. Do đó Chùa Bửu Quang lúc bấy giờ rất nổi tiếng, nhiều Phật tử tới lui đến Chùa học đạo và có nhiều nhà sư cư ngụ đến tại đây. Những vị tiền bối của Phật giáo Nguyên thủy đa phần điều có sinh hoạt Phật pháp và lưu trú tại đây một thời gian khá dài trước khi lên đường hoằng pháp.

3. CHÙA GIÁC QUANG

Chùa Giác Quang được xây dựng năm 1945, do Hòa thượng Giác Quang chủ quản. Trước khi xuất gia, Hòa thượng là một người rất có uy tín với xã hội, Ngài từng đảm nhận những chức vụ Chánh Lục Bộ, Hương Hào, Hương Quản và Xã Trưởng. Mặc dù thành danh trên đường đời và có một mái ấm gia đình vô cùng hạnh phúc, nhưng Ngài vẫn quyết định xuất gia kể từ khi Phật giáo Nguyên thủy du nhập Việt Nam năm 1939, Lúc đó, tiếng chuông chánh pháp đánh vang dội bốn phương trời phía nam, thấu tai thiện nam Dương Văn Thêm.

Thế rồi những ngày cuối tuần thiện nam đến Chùa Bửu Quang học đạo do lời giới thiệu một người bạn. Lần đầu tiên trong cuộc đời của thiện nam mới gặp một người xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy, phong thái sung sướng và hoan hỷ, tướng mạo trang nghiêm, y phục chỉnh tề, lời nói hiền dịu. Tuy những vị Sa môn này chưa nói một lời nào về đạo pháp nhưng ông cảm thấy một bài pháp vô ngôn có giá trị luân lý rất cao. Những vị Sa môn đầu tiên mà thiện nam Dương Văn Thêm gặp là các vị Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Thiện Luật. Nhờ nhân duyên hạnh ngộ hai vị cao Tăng của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam và đức tu của hai vị này, ông phát tâm tu học đạo pháp.

Ðể phát triển thêm đạo tâm của mình, sau cuộc hạnh ngộ hai vị Sa môn của Phật giáo Nguyên thủy, thiện nam quyết chí về Bình Ðông lập thất tu tập. Ở đây thiện nam vừa tu vừa giới thiệu bạn bè đồng nghiệp và những thân hữu, bạn hữu để biết Phật giáo Nguyên thủy. Trong số những người đó sau này cũng có vị xuất gia theo Phật giáo Nguyên thủy như Hòa thượng Tinh Tuệ, Pháp Tâm, Giác Nhân, v.v… . . Sau nhiều đêm đắn đo, suy tư, thiện nam họp bạn đạo để giao tịnh thất cho cư sĩ Tinh Tuệ trông nom và hướng dẫn bạn đạo tu hành. Ðể rồi một ngày nọ, năm 1940, thiện nam Dương Văn Thêm được sự cho phép của hiền thê rời bỏ gia đình, quê hương yêu dấu và cuộc đời phú quý để sang Nam Vang tìm Thầy học đạo và xuất gia. Hòa thượng tế độ đặt cho pháp danh là Giác Quang.

Trải qua 5 năm tầm sư học đạo và xuất gia ở đất nước Chùa Tháp, Ngài Giác Quang nhìn thấy đất nước Campuchia Phật giáo Nguyên thủy quá thạnh hành, nhìn về quê hương biết các vị tiền bối đang chuẩn bị thành lập Giáo hội Tăng già Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Ngài quyết định xin phép Thầy tế độ để về Việt Nam kết hợp các vị Hòa thượng trong phái đoàn truyền giáo của Hòa thượng Hộ Tông để đóng góp phát huy Phật giáo Nguyên thủy.

Vì Phật giáo Nguyên thủy mới truyền về Việt Nam không được bao lâu nên Chùa chiền rất hiếm. Muốn đào tạo Tăng tài thì phải có Chùa. Ðể góp phần kiến tạo Chùa cho Giáo hội, Hòa thượng không màng cực nhọc cùng các bạn đạo ngày xưa vận động tịnh tài mua đất thêm xung quanh tịnh thất của Hòa thượng và dần dần xây dựng một ngôi Chùa khang trang cho chư Tăng cư ngụ. Chùa do Hòa thượng có công sáng lập nên tất cả mọi người đề nghị đặt tên Chùa là Giác Quang Tự và nó tồn tại cho đến bây giờ. Năm 1959, Hòa thượng và các Phật tử trùng tu lại ngôi Chùa, xây dựng thêm cốc liêu, tạo thêm Phật cảnh để cho chư Tăng có đầy đủ chỗ cư ngụ và Phật tử có thêm Phật cảnh lễ bái cúng dường.

Về kiến trúc, từ năm 1959, Chùa Giác Quang tương đối có một kiểu kiến trúc đặc biệt tiêu biểu cho kiến trúc của Phật giáo Nam tông thời đó. Vì Hòa thượng xuất gia ở Campuchia nên hình thức ngôi Chùa đôi nét cũng bị ảnh hưởng nhưng không mất đi tính dân tộc, chẳng hạn như mặt tiền Chùa xoay về hướng tây nhưng chánh điện xoay hướng về phương đông, tượng Phật trong chánh điện đúc theo kiểu Campuchia. Chánh điện tuy nhỏ nhưng trang trí rất trang nghiêm. Chùa nằm trên khu đất khoảng một mẫu, nay tọa lạc tại số 47 đường Lương Văn Can, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa chia làm hai khu, khu mặt tiền là Chánh điện, giảng đường, Tăng xá, Nhà trù và trường học; khu mặt hậu là những liêu thất của chư Ni. Du khách từ cổng chánh bước vào bên tay phải là một trường Phật học, xây dựng ngay từ khi thành lập Chùa với ý định dạy chữ Pàli và giáo lý cho chư Tăng và Phật tử, bề ngang khoảng 3m chiều dài khoảng 10m, phía trên trường có ghi ba dòng chữ bằng ba ngữ văn: Pàli-Miên, chữ Hán và chữ việt, nội dung đề là Trường Phật Học.

Ði vào 10 m nữa, bên tay trái là chánh điện. Chánh điện theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy là nơi chư Tăng công phu sáng và tối, cử hành các nghi lễ lớn và nhỏ như lễ xuất gia, trai Tăng, thuyết pháp, lễ Phát Lồ v.v… Bên trong chánh điện thờ duy nhất một tượng Phật tổ, trang trí theo dạng tam cấp, tầng cao nhất là tôn trí Xá Lợi Phật tổ, tầng thứ nhì tôn trí tượng Phật tổ, tầng thứ ba là đặt bát nhang để dâng hương cúng Phật hằng ngày. Trước tam cấp này là một bộ ghế sơn son, thếp vàng do quân đội Hoàng gia Thái Lan hiến cúng, sử dụng cho việc tôn trí những tượng Phật Thích Ca loại nhỏ bằng đồng, tư thế đứng, nằm, ngồi. Hai bên tam cấp là hai tủ Kinh Tam Tạng, một tủ chứa đựng Tam Tạng bằng tiếng Anh, còn tủ khác đựng Tam Tạng bằng Pàli-Miên.

Sau chánh điện có một cửa hậu, cửa này thường chư Tăng vào hành lễ khi có những cuộc lễ lớn. Bức tường hậu chánh điện đồng thời là mặt tiền Chùa Giác Quang có vẽ tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn rất đẹp, khi chúng ta đi ngoài đường Lương Văn Can là nhìn thấy tượng Phật, vì thế nên người ở đây thường gọi Chùa này là Chùa Phật Nằm. Hai bức tường hai bên của chánh điện treo nhiều bức ảnh về cuộc đời Ðức Phật Thích Ca. Trước sân chánh điện có tạo ba Phật cảnh để cho Phật tử lễ bái, một tượng Bồ tát khổ hạnh, tượng thứ hai Phật nhập Niết bàn, tượng thứ ba đức Phật an cư trong rừng một mình, xung quanh có chú khỉ và bạch tượng. Sau ba Phật cảnh này là Bảo tháp tôn trí Xá Lợi tầng trên và tầng dưới thờ cốt của chư Tăng và Phật tử. Giữa khu đất là nhà giảng dành cho chư Tăng Ni và Phật tử dùng cơm hằng ngay đồng thời là nơi tiếp khách. Bên phía phải của nhà giảng có những liêu thất của chư Tăng cư ngụ. Khu vực cuối cùng của khu đất Chùa Giác Quang thì có nhiều liêu thất của quý bà tu Nữ, quý bà tu học biệt lập ở khu đất này, hằng ngày chỉ vào giờ công phu chiều quý bà mới lên chánh điện lễ bái, hoặc những ngày lễ Trai Tăng lớn.

Tóm lại chánh điện, giảng đường, bảo tháp đều có đường nét, nghệ thuật kiến trúc độc đáo của nó, nhẹ nhàng uyển chuyển, đơn giản, mộc mạc nhưng đa dụng và không kém phần quan trọng về mặt tâm linh. Thậm chí ngay cả chiếc lá Bồ đề đúc bằng xi măng đặt giữa giảng đường trên mái ngói cũng đã thể hiện phong cách rất sống động của giảng đường Chùa Giác Quang.

Từ ngày thành lập đến nay Chùa Giác Quang trải qua các đời trụ trì:

– Hòa thượng Giác Quang

– Hòa thượng Tinh Tuệ

– Thượng tọa Giác Nhân

– Thượng tọa Giác Nhẫn

– Thượng tọa Bửu Trí

– Ðại đức Thiện Ðạt

Trong giai đoạn đầu, thời trụ trì của Hòa thượng Giác Quang, Chùa rất thạnh hành. Lúc bấy giờ Ngài thường xuyên liên lạc với Tăng đoàn Campuchia, giữ mối quan hệ Việt Miên chặt chẽ để mỗi khi có những cuộc lễ lớn như Tăng sự xuất gia, kết giới Sima thì Ngài phải mời Tăng già Campuchia tham dự để cố vấn thêm, vì Ngài mới xuất gia. Ðôi khi có những giới tử phát tâm xuất gia, Ngài phải thỉnh sư từ Nam Vang về làm Thầy tế độ. Theo luật Phật giáo Nam Tông, Thầy tế độ cho giới tử xuất gia Tỳ kheo phải đủ 20 tuổi đạo và thông thạo Kinh luật. Vì thế nên lúc đầu chư Tăng Chùa Giác Quang rất vắng nhưng nhờ có chư Tăng Campuchia trú trụ nên đông đảo thiện nam tín nữ rất hoan hỷ.

Bên cạnh đó, Ngài thường xuyên thuyết pháp giảng đạo vào những ngày lễ cho chư thiện nam tín nữ thông hiểu thêm về Phật pháp. Nhờ nghe pháp, Phật tử xin quy y rất đông và trở thành thiện tín Chùa Giác Quang. Trong số các thiện tín này có những người về sau xuất gia thành nhà sư như Hòa thượng Tinh Tuệ, Ngài Cả Giác Nhân, Thượng tọa Pháp Tâm. Mặc dù bận rộn Phật sự của Chùa như vậy nhưng Ngài vẫn tích cực đóng góp cùng với quý Ngài trong phái đoàn truyền giáo của Hòa thượng Hộ Tông vận động và đệ đơn xin thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Khi được chấp thuận thành lập, với Ban Trưởng Quản lý GHTGNTVN, Ngài được tập thể Tăng đoàn suy tôn vào chức vụ cố vấn GHTGNTVN.

Ðến thời trụ trì của Hòa thượng Tinh Tuệ và Thượng tọa Giác Nhân, chư Tăng rất đông đảo, khoảng 15 -20 vị trú ngụ tu học. Có thể nói có rất nhiều vị Tăng tài của Giáo hội đã xuất thân từ Chùa Giác Quang như Thượng Tọa Giác Minh, thượng tọa Tịnh Giác, v.v… Chùa Giác Quang đặc biệt có Ðại đức Giác Chơn, mặc dù không phải là trụ trì nhưng Ðại đức đóng góp rất nhiều công đức cho ngôi Chùa này trong ba đời trụ trì. Ðúng ra sau khi Ngài Giác Nhân viên tịch, Ðại đức là người tiếp nối chức trụ trì nhưng có lẽ Ðại đức khiêm tốn nhường cho vị khác, và chỉ nhận giữ chức phó trụ trì. Ðại đức là người có công mua thêm phần đất bên phía trái của Chùa, bề ngang khoảng 3 m, chiều dài khoảng 80 m, bây giờ nơi này làm Tăng xá cho chư Tăng trú ngụ.

Ðời trụ trì của Ngài Giác Nhẫn và Ngài Bửu Trí không có gì nổi bật lắm vì tuổi tác quý Ngài quá cao, chỉ làm bóng mát cho chư Tăng và Phật tử noi theo tu niệm, chứ không có phát huy thêm việc gì mới lạ, ngoại trừ duy trì những gì Chùa hiện có. Tuy nhiên đến đời trụ trì của đại đức Thiện Ðạt có những bước đổi mới, mặc dù Ðại đức tuổi còn trẻ nhưng lãnh đạo ngôi Chùa có nhiều điều tiến triển tốt đẹp. Chẳng hạn như các công tác đào tạo thêm giới tử cho xuất gia, cho chư Tăng trẻ học văn hóa, mở khóa học Vi Diệu Pháp, giáo lý, Kinh tụng cho chư Tăng và Phật tử, phát huy và gìn giữ những ngày sám hội lệ. Những kỳ sám hối đều có thỉnh nhiều vị pháp sư giảng đạo cho Phật tử, tổ chức những ngày đại lễ như Rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư, tổ chức đầu đà sáng đêm để thiện nam tín nữ có cơ hội học pháp, và Rằm tháng Chín tổ chức dâng y Ka-thi-na đến chư Tăng và Phật tử tham dự rất đông. Ðặc biệt những khi đồng bào bị thiên tai bão lụt, Ðại đức thường tích cực tổ chức cứu trợ đến đồng bào.

Tóm lại, sau ngôi tổ đình Bửu Quang, Chùa Giác Quang là ngôi Chùa thứ hai của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam. Từ ngày thành lập đến nay, Chùa là một địa điểm hoằng pháp rất mạnh mẽ và thu hút nhiều tín đồ cho Phật giáo Nam tông, và là nơi đào tạo chư Tăng có cả tài lẫn đức.

4. CHÙA KỲ VIÊN

Chùa Kỳ Viên thành lập vào năm nào không có tài liệu để chứng minh cụ thể, nhưng theo bảng Chùa Kỳ Viên hiện nay vẫn còn treo ở trước chánh điện thì trong bản Chùa đó có ghi hai dòng chữ Tàu có thể giúp chúng ta xác định được niên đại của Chùa. Dòng thứ nhất phía bên phải có ghi:

THIÊN VẬN NHÂM TUẤT NIÊN LỤC NGUYỆT THẬP CỬU NHẬT KÍNH TẠO.

Dòng thứ hai phía bên trái có ghi:

THÍ CHỦ LÊ VĂN THỤ THẤT CHUNG NGUYỄN THỊ TRUNG ÐỒNG PHỤNG CÚNG.

Qua hai dòng chữ trên, chúng ta có hai giả thuyết:

1) Thứ nhất, nếu ngày tháng năm ghi trên bảng của ông bà họ Lê và họ Nguyễn hiến cúng bảng Chùa dựa theo ngày, tháng, năm lập bảng thì có lẽ Chùa được thành lập trước năm 1922, lý do là xây dựng Chùa trước rồi thí chủ cúng dường bảng Chùa sau;

2) thứ hai, nếu bảng Chùa đó căn cứ vào ngày thành lập Chùa thì chắc chắn Chùa Kỳ Viên được thành lập vào ngày 19 tháng 6 năm 1922.

Theo lịch sử Chùa Kỳ Viên được viết trong văn bản ngày 09-01-1957, vào năm 1947 Chùa này do bà Bùi Thị Ngọc (thường gọi là bà Năm Chùa hay bà Năm Ngọc) trụ trì, bà tu theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Những người hộ pháp ở đây có lòng tin với Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên là ông Huờn, ông Ðội Hậu, ông Chín Cửu, cô Năm Mập và bà Chín Cửu. Thỉnh thoảng ở đây có một nhà sư khất sĩ được mời đến giảng đạo, đó là sư Năm, sau này là tổ Minh Ðăng Quang của Phật giáo Khất Sĩ.

Năm 1948, do tình hình chiến tranh, Chùa Bửu Quang bị tàn phá. Cụ Nguyễn văn Hiểu cùng với nhóm cư sĩ Chùa Bửu Quang đến mượn Chùa Kỳ Viên của bà Năm Ngọc để làm địa điểm luận đạo, thuyết pháp. Không lâu sau, Chùa Kỳ Viên bị giải tỏa phóng đường cho xe cứu hỏa lưu thông. Thừa lúc đó, nhóm cư sĩ Nguyễn văn Hiểu thấy đối diện có đất trống của gia đình Hui Bổn Hỏa (Chú Hỏa) nằm góc đường Phan đình Phùng và Bàn Cờ nên họ đến mướn đất để xây Chùa với ý định sau này sẽ làm trụ sở Phật giáo Nguyên thủy tại Sài Gòn.

Ngày 21 tháng 7 năm 1949, Ðô thành Sài Gòn cấp giấp phép cho xây lại Chùa Kỳ Viên mới. Từ ngày khởi công cho đến hoàn thành chỉ mất có ba tháng, và lễ nhập tự và lễ An vị Phật được cử hành vào ngày 9 tháng 10 năm 1949.

Từ ngày xây cất xong, Chùa Kỳ Viên sinh hoạt thuần túy theo Phật giáo Nguyên thủy nhưng Chùa còn ở trong tình trạng đất mướn. Bỗng nhiên có hai vị chư hộ pháp xuất hiện phát tâm trong sạch xuất tiền mua toàn bộ khu đất Chùa Kỳ Viên mà nhóm cụ Hiểu đang mướn đất, để dâng cúng Tam bảo. Hai người đó là ông Kim Long và bà Lâm Thị Thiệt. Vào ngày 16/ 2/ 1952 (nhằm ngày 21 tháng Giêng, Nhâm Thìn), ông bà và chư thiện tín cư sĩ long trọng cử lễ dâng đất và Chùa đến chư Tăng Phật giáo Nguyên thủy. Ðại diện chư Tăng nhận đất và Chùa là Hòa thượng Hộ Tông dưới sự chứng minh của Ngài Sư Cả trụ trì Chùa Mahàmontrey ở Campuchia.

Năm 1953, một trận hỏa hoạn thiêu hủy gần hết xóm Bàn Cờ và Chùa Kỳ Viên bị lửa táp cháy xén một gốc nhà bếp. Qua cuộc hỏa hoạn đường xá trong Xóm Bàn Cờ được mở rộng và chánh quyền thời bấy giờ nối dài con đường Richaud (Phan đình Phùng), chính vì thế mặt tiền Chùa Kỳ Viên bị khuất sau những dãy phố cất trên khoảng đất trống trước cửa Chùa. Do đó, nhóm cư sĩ hộ pháp Nguyễn Văn Hiểu bàn tính lên kế hoạch kêu gọi bá tánh hùn phước cùng nhau trùng tu lại Chùa Kỳ Viên để xoay mặt tiền Chùa ra đường mới, nay là đường Nguyễn đình Chiểu. Thời gian trùng tu lần này bắt đầu từ 12 tháng 2 năm 1954 kéo dài đến tháng 11 năm 1954 mới hoàn thành, và từ đó Chùa giữ nguyên dạng cho đến ngày nay. Tổng chi phí xây dựng trên tám trăm ngàn đồng, một số tiền rất lớn vào thời đó. Lúc đó ở Sài gòn, Chùa Kỳ Viên được xem là một trong những ngôi Chùa đẹp nhất.

Về mặt kiến trúc, Chùa Kỳ Viên từ lúc thành lập cho đến năm 1947 hoàn toàn theo lối kiến trúc và cách thờ phượng của Phật giáo Bắc Tông. Từ khi chuyển sang Phật giáo Nguyên thủy, kiến trúc và cách thờ phượng chuyển sang truyền thống Phật giáo Nam tông. Nhưng lúc này kiến trúc cũng không có gì nổi bật lắm chỉ xây thêm một chánh điện thờ Phật, trên nóc giữa chánh điện xây một ngọn tháp hình tứ giác và trên phía tháp mặt tiền có đề hàng chữ Kỳ Viên Tinh Xá.

Khi Chùa Kỳ Viên được trùng tu lại vào năm 1954 thì lúc này mới có nét kiến trúc của Phật giáo Nguyên thủy. Nóc chánh điện xây theo kiểu hai máy. Ðứng trước mặt tiền nhìn vào, phía trên cao nhất xây theo kiểu tam giác, trong đó có hàng chữ KỲ VIÊN TỰ, điều này cho thấy người chủ trương thể hiện dân tộc tính. Tam giác thứ hai, viết chữ Chùa Kỳ Viên bằng tiếng Pàli mẫu tự Latinh: JETAVANA- VIHÀRA. Dưới tam giác thứ hai là một hình bầu dục nhìn vào trông có vẻ uy nghiêm và trầm hùng. Mặt tiền chánh điện có cả thảy là ba ngưỡng cửa để đi vào chánh điện, một của chính và hai cửa phụ hai bên, phía trên ba ngưỡng cửa này đều có xây hình bầu dục, song sắt của hình bầu dục là những chiếc là Bồ đề trông thật đẹp và dễ thương.

Chánh điện thờ Phật theo dạng tam cấp, từng cao nhất là thờ Xá Lợi Phật, từng thứ hai là an vị tượng Phật tổ Thích Ca, tầng thứ ba thờ Phật chuyển pháp luân và phía dưới có một bộ ghế sơn son thép vàng để thờ những tượng Phật Thích Ca loại nhỏ, và có chưng bông hoa. Bộ ghế này do quân đội hoàng gia Thái Lan hiến tặng. Bức tường phía sau nơi thờ Xá Lợi và Phật có vẽ nhiều ngọn tháp nhìn vào thật đẹp trông giống như bồng lai tiên cảnh. Không gian chánh điện rất rộng và cao nên mỗi lần tụng Kinh âm vang nhè nhẹ, vang dội bốn phương khiến cho người tụng Kinh và người ở ngoài chánh điện nghe lời Kinh tiếng kệ rất hay, âm diệu nhẹ nhàn uyển chuyển.

Phía sau chánh điện là một trai đường, gác trên trai đường là Tăng xá dành cho chư Tăng nghỉ, phía trước dãy phòng Tăng xá là một hội trường nho nhỏ dành để chư Tăng hội họp bàn luận về Phật pháp, trên hội trường này có một tủ thờ rất nhiều tượng Phật trên thế giới do Hòa thượng Bửu Chơn hiến tặng sau mỗi lần dự hội nghị Phật giáo. Cổng tam quan Chùa Kỳ Viên ngày nay xây theo lối kiến trúc Thích Ca Phật đài ở Vùng Tàu không giống như cổng tam quan ngày xưa.

Chùa Kỳ Viên thời đức Phật do ông Cấp Cô Ðộc dâng cúng rất đặc biệt. Ðức Phật cư ngụ ở đây rất lâu và nhiều bài pháp ngày nay còn ghi trong Kinh điển cũng được Ngài thuyết giảng tại đây. Chùa Kỳ Viên ở Việt Nam cũng thật xứng đáng với tên gọi Kỳ Viên ở Ấn Ðộ. Vì ở đây có nhiều sự kiện quan trọng và là điểm son của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam.

Nhắc đến Kỳ Viên ở giai đoạn đầu, chúng ta không thể nào quên một vị pháp sư tài ba lỗi lạc, đó là Pháp sư Thông Kham. Ngài thông thạo Tam Tạng, thuyết pháp giảng đạo thật lưu loát. Nhờ có Ngài nên Phật tử mới am tường chánh pháp Phật giáo Nguyên thủy và cứ thế quần chúng Phật tử đến quy y tại Chùa Kỳ Viên càng ngày càng đông. Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy những quyển sách của pháp sư như Ba Mươi Tám Pháp An Lành, Phật Tổ Cồ Ðàm, Giải Ðáp Thắc Mắc Người Cư Sĩ, Tìm Hiểu Phật giáo v.v… Người thứ hai là Pháp sư Hòa thượng Narada người Tích Lan. Ngài đến đây dâng Xá Lợi cho Chùa Kỳ Viên và Ngài từng thuyết pháp giảng đạo bằng Anh ngữ qua sự thông ngôn của đạo hữu Phạm Kim Khánh cho Phật tử Việt Nam. Những bài pháp của Ngài là những viên ngọc quý cho thiện nam tín nữ noi theo tu hành. Ngài có rất nhiều quyển sách được dịch sang Việt ngữ để phổ biến cho người Việt Nam nương theo đó tu hành. Kể từ ngày có hai vị pháp sư trên, Chùa Kỳ Viên là một vị sao Bắc Ðẩu trên bầu trời Sài Gòn. Nhắc đến Kỳ Viên ai cũng biết và dần dần trở nên nổi tiếng ở trong nước cũng như trên thế giới.

Tại địa điểm quan trọng này, vào ngày 14-05-1957 được sự cho phép của chánh phủ, cụ Nguyễn Văn Hiểu thành lập TỔNG HỘI PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VIỆT NAM. Ðồng thời vào ngày 18-12-1957, quý vị Hòa thượng Bửu Chơn, Thiện Luật, Hộ Tông, Kim Quang, Giới Nghiêm, Tối Thắng và Giác Quang thành lập GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NGUYÊN THỦY VIỆT NAM. Kể từ đó cho đến năm 1981, Chùa Kỳ Viên là trụ sở của Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam. Các vị Hòa thượng Tăng thống của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đều là những vị trụ trì Chùa Kỳ Viên, đến nay đã trải qua những đời trụ trì:

–         Hòa thượng Hộ Tông

–         Hòa thượng Bửu Chơn

–         Hòa thượng Tối Thắng

–         Hòa thượng Giới Nghiêm

–         Hòa thượng Thiện Thắng

–         Hòa thượng Ân Lâm

–         Thượng tọa Viên Minh

–         Hòa thượng Siêu Việt

–         Thượng tọa Tăng Ðịnh

Tuy nhiên, đời trụ trì Thượng tọa Viên Minh và Thượng tọa Tăng Ðịnh là thời điểm Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, cho nên hai vị không còn đảm nhận chức vụ Tăng thống nữa. Về mặt hành chánh, kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Chùa Kỳ Viên mặc nhiên không còn là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam nữa. Những vị trụ trì trên đã đóng góp rất tích cực và phát huy Chùa Kỳ Viên nổi bật theo từng giai đoạn khác về mọi mặt như xã hội, văn hóa, hoằng pháp v.v…

Chùa Kỳ Viên hiện nay tọa lạc tại số 610, đường Nguyễn Ðình Chiểu, phường 3, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Thượng tọa Tăng Ðịnh được Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm giữ chức trụ trì từ năm 1992 cho đến nay. Ðây là một trong những điểm hoằng pháp chính của Thành phố Hồ Chí Minh: Chùa Xá Lợi, Chùa Ấn Quang, Chùa Kỳ Viên, Chùa Vĩnh Nghiêm và Tinh Xá Trung Tâm.

Mỗi Chủ Nhật đều có tổ chức thuyết giảng Phật pháp cho chư Phật tử, số Phật tử đến tham dự khoảng 500 người. Trong hai ngày sám hối có tổ chức hành Thiền và thuyết pháp, số lượng khoảng 800 người đến tham dự. Ðặc biệt mỗi tháng có hai ngày mùng một và mười lăm, có mở khóa tu Thiền Tứ niệm xứ dành cho các hành giả muốn tu tập pháp hành Thiền, suốt ngày từ 8 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều, do quý Thiền sư Tăng Ðịnh và Hộ Tịnh đảm nhiệm. Mỗi ngày trong tuần đều có tổ chức những lớp giáo lý dành cho Phật tử. Môn học gồm có Vi Diệu Pháp, Thanh Tịnh đạo, Phật pháp chuyên đề, Trung bộ Kinh, Pháp cú Kinh, Kinh tụng Pàli. Thành phần giảng sư gồm những vị có trình độ Phật học uyên thâm.

Ðặc biệt gần đây, Thượng tọa Tăng Ðịnh có tổ chức tái bản tất cả Kinh sách của chư vị tiền bối của Phật giáo Nguyên thủy và cho ấn hành những bản dịch của Hòa thượng Pháp Minh và Tỳ kheo Thiện Minh để đáp ứng nhu cầu học Phật của chư Phật tử.

Tóm lại, Chùa Kỳ Viên trong quá khứ là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, cơ sở hoằng pháp chính của Phật giáo Nguyên thủy và là nơi tiếp đón các phái đoàn Phật giáo quốc tế. Còn Chùa Kỳ Viên ngày nay là trung tâm văn hóa của Phật giáo Nam tông, một địa điểm vừa diễn dương pháp học lẫn pháp hành.

Chùa Kỳ Viên ở trong quá khứ lẫn trong hiện tại là một điểm son xiển dương Phật pháp vô cùng quan trọng và lợi lạc cho tứ chúng. Tuy nhiên, về hạ tầng cơ sở đã bị lạc hậu với thời đại và mỗi ngày số lượng tín đồ càng đông sợ e sức chứa bị quá tải. Hy vọng trong tương lai Chùa Kỳ Viên sẽ được trùng tu và thiết kế lại cho có tầm cỡ để xứng đáng với tên gọi và vị trí của nó trong lịch sử.

5. CHÙA BỬU LONG

Kể từ khi phái đoàn truyền giáo của Hòa thượng Hộ Tông đem Phật giáo Nguyên thủy du nhập Việt Nam năm 1939, một tiếng chuông được gióng lên để thức tỉnh nhiều người còn say mê trong bóng tối cuộc đời, chưa tìm được lối đi đích thực cho chính mình. Thấy đạo mới lạ và đạo hạnh của những nhà sư truyền giáo đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy khác thường hơn những tôn giáo mà họ hay biết trước đây ở Việt Nam, nhiều người tò mò đến tìm hiểu và học đạo, và cứ thế càng học họ càng nhận ra một điều là những gì họ biết trước đây giống như chân núi Tu Di còn Giáo pháp họ đang tiếp xúc tu học giống như đỉnh Tu di. Vì họ nhận thấy từ cách sống, nghi lễ, kinh kệ, y phục, v.v… đều có phần đơn giản nhưng rất ý nghĩa, hình như sinh hoạt của những vị này là đang kế thừa truyền thống Tăng già thời đức Phật. Do đó họ khuyến khích thân bằng quyến thuộc và những người bạn hữu của họ đến quy y Tam bảo rất đông.

Từ đó về sau, tiếng lành đồn xa, tận Biên Hòa, có thiện nam tử Võ Hà Thuật tìm đến trung tâm hoằng pháp đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy tại Gò Dưa, Thủ Ðức để quy y Tam bảo với Hòa thượng Hộ Tông. Mặc dù thiện nam có một đời sống giàu có sang trọng và có địa vị trong xã hội (Hội đồng Ðịa hạt tỉnh Biên Hòa) nhưng thường chứng kiến những cảnh dâu bể của cuộc sống và ngán ngẫm thế sự thăng trầm. Vì vậy vào năm 1942, nhân duyên hội đủ, ông quyết định bỏ tất cả để tìm một hướng đi đích thực cho cuộc đời còn lại của mình. Thế là, ông chọn mua một phần còn lại của ngọn đồi tại ấp Thái bình, Long bình, Thủ Ðức để lập tịnh thất tu niệm và thỉnh thoảng, ông thỉnh Hòa thượng bổn sư của mình qua tịnh thất để trình pháp và cúng dường. Năm 1958, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam chính thức được nhà nước công nhận, Hòa thượng Hộ Tông được suy tôn giữ chức Tăng thống đầu tiên. Hòa chung niềm hoan hỷ khi Giáo hội có pháp nhân, pháp quyền, cư sĩ Võ Hà Thuật hoan hỷ dâng đất và tịnh thất của mình cho Giáo hội để xây dựng trung tâm Thiền. Năm 1959, tịnh thất và đất của ông được đức Tăng thống khởi công xây dựng Chùa Bửu Long và thường xuyên Ngài cư ngụ tại đây hành Thiền và hướng dẫn những hành giả tu tập Tứ niệm xứ, còn tại trụ sở Chùa Kỳ Viên, Hòa thượng chỉ đến đó làm việc cho giáo hội chứ không ở cố định vì Ngài thích sống cảnh u tịch để hành Thiền.

Về kiến trúc, như đã đề cập ở trên, lúc đầu thiện nam Võ Hà Thuật chỉ xây dựng một Thiền thất nhỏ để hành đạo trên một ngọn đồi ở Long Bình, Thủ Ðức, chu vi khoảng hơn mười bốn mẫu tây. Về sau, ông hiến cúng Thiền thất và toàn bộ khu đất cho Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam để thành lập Chùa và đào tạo Chư Tăng. Lúc đó, Hòa thượng Hộ Tông đương kim là Tăng thống của Giáo hội và là Thầy tổ của ông nên Hòa thượng đại diện Tăng già tiếp nhận. Hòa thượng Hộ Tông nhận thấy vùng đất yên tịnh, thoáng mát, rộng rãi và phong cảnh u tịch xứng đáng để mở Thiền viện, cho nên vào năm 1963, Ngài kết hợp với kiến trúc sư phát họa một bản vẽ sơ đồ Thiền viện Bửu Long rất quy mô và vĩ đại. Kiểu mẫu chánh điện rất độc đáo phối hợp nhịp nhàng giữa kiến trúc Việt Nam với kiến trúc Ấn Ðộ, Thái Lan, Miến Ðiện, phía trên chánh điện dự định xây một ngọn tháp để tôn trí Xá Lợi chiều cao khoảng 30m.

Tuy nhiên công trình này không thực hiện được vì một số lý do khách quan. Có lẽ vì cách Thiền viện Bửu Long không xa có một doanh trại quân đội của thời đó, nếu Thiền viện được xây dựng với chiều cao như vậy, chắc chắn nhà chức trách địa phương sẽ không đồng ý và như thế, công trình xây dựng của Hòa thượng sẽ không được nhà nước cấp giấy phép. Do đó, Hòa thượng đành phải xây một chánh điện nhỏ chiều ngang khoảng 12m, chiều dài khoảng 28m để tôn thờ tượng đức Bổn Sư trang nghiêm cho Chư Tăng Ni và Phật tử lễ bái cúng dường hằng ngày, và kiến trúc không có gì nổi bật cho lắm. Ðồng thời với công trình xây dựng đó, có rất nhiều liêu thất được xây cất nằm rải rác khắp ngọn đồi dành cho chư Tăng Ni và Phật tử tu Thiền. Phong cảnh và trú xứ ở đây rất thích hợp cho những Thiền giả tu tập Thiền định.

Về sau, do nhu cầu phát triển của chư Ni, Thượng tọa Viên Minh thực hiện một chương trình đào tạo những vị ni trẻ tuổi có năng lực cầu học và cầu tu để giúp sức cho chư Tăng về phương diện văn hóa và xã hội. Trên cơ sở đó, năm 1990, Thượng tọa xây dựng một Ni viện trong khuôn viên Thiền viện Bửu Long cho các vị ni trẻ tuổi xuất gia để có trú xứ tu học. Lối kiến trúc xây dựng theo hình chữ U, có nhiều phòng, một nhà trù, một phòng học. Năm 1995 Thượng Tọa Viên Minh, chư Tăng Ni và Phật tử Phật giáo Nam tông cử hành lễ động thổ xây dựng chánh điện mới, vị trí nằm giữa khuôn viên Thiền viện, nhưng vì kinh tế còn eo hẹp nên chưa thực hiện.

Năm 1996, Thượng tọa Hộ Pháp (du học ở Thái Lan và Miến Ðiện hơn 25 năm) có hoài bão mở lớp chuyên khoa Phật học về Kinh điển Nguyên thủy cho chư Tăng Phật giáo Nam tông. Thượng tọa Hộ Pháp và Viên Minh vận động Phật tử Thái Lan, Miến Ðiện và Việt Nam xây dựng một lớp học chiều ngang khoảng 4m, chiều dài khoảng 30m, 1 lầu. Tầng trệt là phòng học của chư Tăng, có 2 phòng song song dành cho giảng sư nghỉ giải lao. Tầng trên là Tăng phòng dành cho các vị học Tăng cư trú. Kiến trúc rất tao nhã, nhẹ nhàng và thanh thoát, có phần pha tạp kiểu mẫu của Miến Ðiện và Thái Lan, tuy nhiên cũng không mất hẳn đường nét, kiểu mẫu Việt Nam.

Như phần trên đã nói do nhu cầu kinh tế không thể tiếp tục xây dựng chánh điện mới, cho nên vào năm 2000, Thượng tọa Viên Minh trùng tu chánh điện cũ, kinh phí khoảng 600.000.000 đồng. Công trình giữ nguyên hiện trạng cũ, chỉ nới rộng thêm phía sau tượng đức Bổn sư để tăng thêm chu vi của chánh điện. Bên trong chánh điện, thờ phượng rất đơn giản nhưng tôn nghiêm, một tượng đức Phật tổ ngồi trên tòa sen với gương mặt hiền từ và nhân ái, phía sau tượng là bức tường vẽ những vầng sáng tượng trưng cho những ánh hào quang của Ngài. Hai bên tượng Phật là hai tủ Kinh Tam Tạng bằng chữ Pàli mẫu tự Thái Lan, một pháp tòa dành cho pháp sư ngồi giảng giáo lý vào những dịp lễ, hai bên vách tường của chánh điện treo những bức tranh về lịch sử cuộc đời của đấng Giác Ngộ. Chúng ta mới bước vào chánh điện cảm thấy một không gian thênh thang, trầm hùng và uy nghiêm, tưởng chừng như đức Phật đang ngự trong một cung điện uy nga tráng lệ. Lối kiến trúc chánh điện ở đây mang đầy màu sắc Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Bên ngoài chánh điện còn có thêm hai cửa hông, qua hai cửa này chư Tăng và Phật tử thường vào hành lễ, với kiểu mẫu kiến trúc nhìn xa hơi giống loại kiến trúc cổ kính của cung đình. Tuy nhiên cũng có đường nét nghệ thuật, hoa văn, kiến trúc độc lập của Phật giáo Nguyên thủy.

Từ ngày thành lập cho đến nay, Chùa luôn luôn là bóng mát cho Tăng Ni cư ngụ để yên tâm tu hành, là nơi trang nghiêm thanh tịnh cho người tại gia có nơi tôn nghiêm lễ bái cúng dường Tam Bảo. Trụ trì hay còn gọi là viện chủ là những vị lãnh đạo tối cao trong một ngôi Chùa. Các Ngài là tấm gương sáng cho Tăng chúng nương theo tu hành. Thông thường vị trụ trì có cả tài lẫn đức thì ngôi Chùa đó chắc chắc sung túc và đầy đủ phước báu. Theo năm tháng trôi qua, Chùa Bửu Long đã trãi qua những đời trụ trì:

Thượng tọa Lão Tâm

Hòa thượng Hộ Tông

Ðại đức Bửu Ðức

Thượng Tọa Viên Minh

Trong đời trụ trì của Hòa thượng Hộ Tông, mặc dù bị chiến tranh và pháp nạn nhưng Ngài vẫn cố gắng phát triển ngôi Chùa với khả năng của mình. Ðào tạo Tăng tài để phục vụ Giáo hội, nhiều nữ tu sau khi ý thức được con đường tu hành do Hòa thượng giảng dạy, phát tâm bỏ tất cả, theo Ngài xuất gia hành đạo. Ở đây Ngài hướng dẫn chư Tăng và Ni thực hành pháp môn Thiền Tứ niệm xứ. Nhìn chung thấy cách tổ chức và phát triển như vậy hơi khiêm tốn nhưng đầy kinh nghiệm của một bậc thức giả, vì chính những người tu tập thực sự mới là những người bảo tồn và gìn giữ chánh pháp của đức Như Lai.

Mặc dù Hòa thượng có di chúc cho Thượng Tọa Viên Minh kế nghiệp trụ trì, nhưng vì lúc đó Thượng tọa đang nhiệm chức trụ trì Chùa Kỳ Viên, nên Ðại đức Bửu Ðức thế Thượng tọa điều hành Phật sự tại đây với tư cách là quyền trụ trì. Về sau, khi Ðại đức Bửu Ðức xuất ngoại, Thượng tọa Viên Minh trở về trụ trì lại Thiền viện Bửu Long. Có thể nói đời trụ trì của Thượng tọa Viên Minh là một bước chuyển mình rất lớn cho sự phát triển Thiền viện Bửu Long về mọi mặt: xây dựng, văn hóa, xã hội, giáo dục v.v… như đã trình bày ở phần trên.

Thiền viện Bửu Long ngày nay được xem như là tổ đình của Phật giáo Nam Tông Việt Nam, tổ đình ở đây không có nghĩa là ngôi Chùa đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, mà là địa điểm cư ngụ và tôn thờ vị khai sáng Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam. Có thể nói trong tương lai, Thiền viện Bửu Long có thể sẽ là Trung tâm Văn hóa Phật giáo Nam tông Việt nam, vì Bửu Long hiện nay đang nằm trong khu vực Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc. Hy vọng Thiền viện Bửu Long sau này sẽ được xây dựng lại với kiến trúc đặc thù của Phật giáo Nguyên thủy để tương xứng với các công trình khác của dân tộc Việt trong khu vực Công viên Lịch sử đó.

Tỳ kheo Thích Thiện Minh

Tháng 05-2001

tkl



Add Comment