Primary Menu
Secondary Menu

Những kinh nghiệm cá nhân của đức Phật về Thiền

Thiền là một pháp môn do sáng kiến của đức Phật, do kinh nghiệm tu tập bản thân của Ngài, không một ai dạy cho Ngài, và chính nhờ kinh nghiệm bản thân ấy mới giúp cho Ngài xây dựng một pháp môn giải thoát và giác ngộ, rất độc đáo, tuyệt diệu; đó là pháp môn: Giới Định Tuệ.

Kinh nghiệm Thiền đầu tiên của đức Phật là khi Ngài đến học đạo với Alara Kalama về pháp môn Vô-sở-hữu-xứ, và học đạo với Uddaka Ramaputta về pháp môn Phi-tưởng Phi-phi-tưởng-xứ. Hai pháp môn Thiền ngoại đạo, Ngài học, Ngài hành, Ngài chứng và được hai vị ngoại đạo sư xác nhận là đã thật chứng.

Nhưng Ngài nhận thấy hai pháp môn ấy không đem đến giải thoát nên Ngài đã bỏ đi. Hai vị ngoại đạo sư ấy xác nhận: “Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính pháp ấy hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú. Pháp mà hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố. Pháp mà tôi biết, chính pháp ấy hiền giả biết; Pháp mà hiền giả biết, chính Pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, hiền giả là như vậy; hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, hiền giả! Hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Alara Kalama là đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của người ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này các Tỷ-kheo, rồi ta tự suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yếm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tôn kính Pháp này, và từ khước pháp ấy, Ta bỏ đi” (Trung Bộ Kinh).

Kinh nghiệm thứ hai là kinh nghiệm của đức Phật khi chưa thành Đạo, Ngài muốn đoạn trừ các dục, nhưng vì Ngài chưa hành Thiền, nên chưa đoạn trừ được tham sân si, như đoạn kinh sau đây nêu rõ: “Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là vị Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh đẳng, Chánh giác, Ta khéo thấy như thật chánh kiến: “Các dục, vị ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây nhiều hơn”. Dầu ta khéo thấy với như thật chánh kiến như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly bất thiện pháp sanh, hay một pháp nào khác cao thượng hơn, và như vậy, Ta biết rằng ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh quán: “Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, và sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn”. Và ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly bất thiện pháp sanh, hay một pháp nào cao thượng hơn, như vậy ta mới khỏi các dục chi phối” (Trung Bộ Kinh)

Kinh nghiệm này nêu rõ, chỉ một mình như thật quán các dục là vui ít khổ nhiều chưa đủ, phải có hành Thiền, tức là chứng được hỷ lạc do ly dục sanh mới có thể nhiếp phục và đoạn trừ các dục. Chính do kinh nghiệm này, đức Phật sau này đã hành Thiền định để nhiếp phục các dục và đã thiết lập pháp môn Giới Định Tuệ, trong ấy có Thiền để đưa hành giả đi đến giác ngộ giải thoát.

Kinh nghiệm thứ ba của Sa-môn Gotama là khi tu hành sáu năm khổ hạnh đã xong, Ngài nhận thấy khổ hạnh không đưa con người đến giác ngộ và giải thoát, nên Ngài đã từ bỏ khổ hạnh và đi đến Uruvela.

Tại đây, Ngài tìm thấy một địa điểm khả ái, có con sông trong sáng chảy gần, một khóm rừng thoải mái, một trú xứ thuận tiện để hành Thiền. Ngài chọn lựa địa điểm ấy và quyết định ngồi xuống tại đấy để tu trì. Nhưng ba ví dụ đã khởi lên, giúp Ngài hiểu rõ phải hành Thiền như thế nào mới có kết quả.

Ví dụ thứ nhất, một người cầm lửa lấy một khúc cây đẫm ướt đầy nhựa sống, đặt vào trong nước rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa để nhen lửa. Lẽ dĩ nhiên, với điều kiện này, lửa không thể nhen nhúm được.

Ví dự thứ hai cũng giống như trên, lần này khúc cây vẫn đẫm ướt, vẫn đầy nhựa sống, nhưng được vớt ra khỏi nước, nếu có cọ xát với dụng cụ làm lửa để nhen lửa, lẽ dĩ nhiên với điều kiện này lửa cũng không thể nhen nhúm được.

Ví dụ thứ ba nói đến khúc cây không có nhựa, được vớt khỏi nước, và đặt trên đất khô. Nếu người này cọ xát khúc cây ấy với dụng cụ làm lửa, thời lửa có thể hiện ra. Ví dụ này giới thiệu cho Sa-môn Gotama rõ là muốn hành Thiền cho có hiệu quả thời phải ly dục, ly bất thiện pháp mới hy vọng chứng quả như đã ghi trong đoạn kinh Trung Bộ:

“Này Aggivessana, những tôn giả Sa-môn hay Bà la môn nào sống không xả ly các dục vọng về thân, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt, những tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không có thể chứng được Vô thượng Chánh đẳng giác… Nếu tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn nào sống xả ly các dục vọng về thân… và nội tâm đã được khéo đoạn trừ, đã được khéo làm cho nhẹ bớt, những tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy có thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Ba ví dụ trên đã giới thiệu cho Sa-môn Gotama biết là muốn hành Thiền cho có kết quả thì phải ly dục, ly bất thiện pháp. Do vậy, sau này khi dạy về hành Thiền điều kiện tiên quyết của hành Thiền phải làm là “ly dục, ly bất thiện pháp”. Còn đắm say các dục, còn làm các hạnh bất thiện, thì không thể hành Thiền cho có kết quả. Những kinh nghiệm quí báu này điều được đức Phật áp dụng khi Ngài giảng dạy về Thiền.

Một kinh nghiệm nữa đến với Sa-môn Gotama: Sau khi tu hành khổ hạnh trong 6 năm không có kết quả, Ngài tự hỏi có con đường nào khác có thể đưa Ngài đến giác ngộ, và sau đây là những lời ghi nhận của Ngài khi Ngài hướng tìm một con đường khác, như đã ghi trong Đại kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh:

“Nhưng ta với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thăng xứng đáng bậc Thánh. Hay là có con đường nào khác đưa đến giác ngộ?”.

“Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta biết, trong khi phụ thân Ta, dòng họ Thích Ca, đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây Diêm phù đề. Ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ, khi an trú như vậy Ta nghĩ: “Theo con đường này có thể đưa đến giác ngộ chăng”? Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Đây là con đường đưa đến giác ngộ”. Với kinh nghiệm này, Sa-môn môn Gotama thực hành Thiền định chứng Sơ thiền, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư. Rồi đến Thiền thứ tư, Ngài hướng tâm và chứng được ba minh và cuối cùng, Ngài thành Đạo, chứng được Thánh quả, thành bậc Chánh giác.

Chúng tôi ghi chép sau đây kinh nghiệm hành Thiền, chứng đạo của Ngài như đã được ghi trong Đại Kinh Saccaka: “Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Này Aggivessana, như vậy là thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả niệm xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta”.

Rồi với tâm định tĩnh trong Thiền thứ tư ấy, Sa-môn môn Gotama hướng tâm đến Túc mạng minh, đến Thiên nhãn minh, đến Lậu tận minh: “Nhờ hiểu biết như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Ta đã biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành. Việc cần làm đã làm. Không còn trở lui trạng thái này nữa”. Này Aggivessana, đó là Minh thứ ba, Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt minh sanh, mê tối diệt ánh sáng sanh, do ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần” (Trung Bộ Kinh).

Sau khi đức Phật thành Đạo, nếp sống đặc biệt của Ngài như đã được diễn ra trong Kinh tạng Pàli là thuyết pháp độ sanh, và hành Thiền giải thoát. Thật sự ở nơi đây hai hình ảnh linh động nhất của bậc giáo chủ đạo Phật là thuyết Pháp và hành Thiền. Trong đời sống hàng ngày của đức Phật, ngoài trách nhiệm thuyết Pháp độ sanh, đức Phật hoàn toàn sống đời sống hành Thiền. Buổi sáng đi khất thực, độ ngọ xong, Ngài đi sâu vào rừng núi để hành Thiền. Buổi chiều, đức Phật thường từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, tức là buổi chiều Ngài cũng hành Thiền. Ban đêm, trong canh một Ngài đi kinh hành. Trong canh hai, Ngài đi kinh hành và ngồi Thiền. Canh ba, Ngài nằm nghỉ với dáng nằm con sư tử. Ngài thức dậy, lại đi kinh hành và ngồi Thiền. Khi Ngài nhập Niết bàn, Ngài cũng từ nơi cảnh Thiền định mà nhập Niết bàn: “Xuất Thiền thứ tư, Ngài nhập định Thiền thứ ba. Xuất Thiền thứ ba, Ngài nhập định Thiền thứ hai. Xuất thiền thứ hai, Ngài nhập định Sơ Thiền. Xuất Sơ Thiền, Ngài nhập định Thiền thứ hai. Xuất Thiền thứ hai, Ngài nhập định Thiền thứ ba. Xuất Thiền thứ ba, Ngài nhập định Thiền thứ tư. Xuất Thiền thứ tư, Ngài lập tức Nhập diệt” (Trung Bộ Kinh).

Và chúng ta thường gặp hai lời khuyên này của đức Phật cho các Tỷ-kheo xuất gia: “Này các Tỷ-kheo, khi các người hội họp lại, thường có hai việc phải làm: một là đàm luận về Phật pháp, hai là giữ im lặng của một bậc Thánh” (Trung Bộ Kinh). Và sự im lặng của các bậc Thánh ở đây là hành Thiền.

Lời dạy thứ hai là lời khuyên hành Thiền của đức Phật: “Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy tu Thiền, chớ có phóng dật, chớ có sanh lòng hối hận về sau. Đây là lời giáo giới của Ta cho các người”. Và khi sắp Niết-bàn, đức Phật nhắc đi nhắc lại nếp sống của một Tỷ-kheo tối thắng là tu Thiền định, Thiền quán:

“Và này Ananda, ở đời Tỷ-kheo quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ…. quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ưu ở đời. Như vậy này Ananda, Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một vị khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác. Những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta” (Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Niết Bàn). Lời dạy nầy của đức Phật chính là một lời khuyên tu Thiền và hành Thiền.

Với một bậc Đạo sư, trước khi thành Đạo đã có nhiều kinh nghiệm về Thiền như vậy, đã khám phá ra con đường Giới Định Tuệ đưa đến giác ngộ giải thoát, trong ấy Thiền chiếm một vị trí quan trọng, cho đến khi thành Đạo và nhập Niết-bàn, cũng điều là những kinh nghiệm bản thân về Thiền định. Hơn nữa, từ khi thành Đạo cho đến khi nhập Niết-bàn, Ngài sống một đời sống hằng ngày hành Thiền để hiện tại lạc trú và sách tấn các đệ tử tu hành, cho đến trong suốt 45 năm thuyết pháp, lời giảng dạy của Ngài chính là hành Thiền. Đến giờ phút gần nhập Niết-bàn, lời khuyến khích cuối cùng cho các đệ tử cũng là những lời khích lệ hành Thiền. Đối với một bậc Đạo sư như vậy, tự nhiên hành Thiền chiếm một địa vị vừa ưu tiên, vừa quan trọng trong những kinh điển Ngài dạy.

Vậy nay, chúng ta hãy tìm hiểu Thiền là gì, và hành tướng của Thiền là như thế nào? Chữ Thiền từ chữ Pàli là Jhàna, từ chữ Sanskrit là Dhyàna, được Ngài Buddhaghosa định nghĩa như sau: “Aramman, ùpanijjhànato paccanika – jhàpanato và jhapam” (Thanh Tịnh Đạo, 150) nghĩa là do Thiền trên các đối tượng lựa chọn, và do đốt cháy những gì đối nghịch nên gọi là Thiền. Như vậy, Thiền là có nghĩa lựa chọn một đối tượng rồi Thiền tư trên đối tượng ấy, khiến cho khả năng đốt cháy, thiêu hủy các pháp đối nghịch, ở đây, chỉ cho các triền cái và các kiết sử phiền não.

Định nghĩa về Thiền trong các kinh điển thường lồng vào trong khung cảnh Giới Định Tuệ, và đề cập đến Định tức là Thiền định, tức là Thiền. Những định nghĩa này có rất nhiều chi tiết và ví dụ, và có thể được phân tích thành những giai đoạn như sau:

– Sửa soạn hành Thiền
– Đoạn trừ các triền cái
– Chứng Sơ thiền cho đến Tứ thiền

Trích Hành Thiền – HT Thích Minh Châu



Add Comment