Primary Menu
Secondary Menu

Sách cổ về tạo tác tranh tượng Phật giáo

Theo nhiều tài liệu ghi chép thì Phật thuyết tạo tượng lượng độ kinh do Xá Lợi Phất (Cariputra – đệ tự trí tuệ đệ nhất của Phật Thích Ca) viết là tiêu chuẩn đo lường của Phật giáo. Các bản dịch hiện nay còn lại không nhiều, chủ yếu là các bản in khắc chữ Hán Nôm, hiện được lưu giữ trong các kho cổ thư như Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một số những ngôi chùa lớn còn hệ thống ván khắc như chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh – các trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XVII. Tuy nhiên hệ thống các văn bản thư tịch liên quan đến nghề tạo tượng thường được ghi niên đại vào thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Dưới đây là danh sách các văn bản:
1. Tân biên tam muội tạo tượng kinh (AC.646) Sách chữ Hán không có minh họa. Nhà sư Thi Hộ dịch, nhà sư Quán Viên chú giải. Bản in tại chùa Bảo Phúc, Hà Đông, niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839). Sách 116 trang 32cm x 21cm: cách thức tạo tượng và nghi lễ sau khi hoàn thành một pho tượng.
2. Phật tượng lượng đạc kinh (AC.136) sách chữ Hán, có 12 bản khắc tranh minh họa.
3. Phật thuyết tạo tượng lượng đạc kinh, hay còn gọi là Phật tượng lượng đạc kinh. Sách này do Công Bố Tra Bố (người trong nội các triều Thanh) dịch ra chữ Hán và viết lời tựa năm Càn Long thứ 7 (1742). Sách in tại chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, ở phía bên phải Văn miếu, Hà Nội. Sách dày 168 trang khổ 30,2 cm x 21,2 cm hiện nay có 3 bản lưu tại Pháp. Nội dung nói về việc tạc tượng, 12 bức tranh tượng và các bài Phật thuyết tạo tượng lượng đạc kinh giải, Tạo tượng lượng đạc kinh tục bổ, Tạo tượng lượng đạc kinh trích yếu…
4. Tạo tượng lượng đạc kinh (AC.123) bản in tại chùa Xiển Pháp, thôn An Thạch, Hà Nội, 138 tr khổ 31 cm x 22 cm. Ngoài phần chữ Hán sách có thêm phần diễn Nôm và có 12 hình vẽ minh họa.
5. Tạo tượng lượng đạc đồ dạng (A. 3104/g) sách tranh khắc minh họa gồm có 52 trang, không ghi rõ niên đại, chỉ có những chú thích bằng chữ Hán mà không có kinh văn như các cuốn khác.
6. Diên quang tam muội tạo tượng (A.3134) Sách chữ Hán, có 72 minh họa các thế tay. Trong các phần viết của sách, đôi chỗ có chú thích bằng hình vẽ nhỏ như các mô tả về việc tạo hình chân dung tượng với các chi tiết như mắt, mũi, miệng. Sách do tổ sư chùa Bích Động soạn, chép lại năm Bảo Đại Quí Mùi (1943). Sách dày 244 trang khổ 28 cm x 16 cm. Nội dung chia làm 5 phần gồm: 1. Tân biên tam muội tạo tượng nghi quĩ: nói về cách dựng tượng và hủy tượng. Bài tựa của phần này có chép thêm về niên đại như sau: Thi Hộ Đại sư Thiên trúc phụng chiếu biên soạn. Quốc sư Huệ, chùa Tường Quang núi Đông Sơn cuối đời Lý biên tập chú giải. Thiền sư Chân Nghiêm am Thụy Quang chùa Phúc Lâm ở Đại An tu hành, nay khắc in Tam muội nghi quĩ, xin làm bài tựa truyền rộng khắp muôn đời sau. Ngày 16 tháng 5 Tự Đức thứ 8 Bính Thìn (1856) nhà sư Chân Thông ở huyện Đại An tổng Quy Nhuế xã Quy Nhuế sao lại nguyên văn… 2. Diên quang tập: nói về cách điểm nhãn. 3. An tâm phù thức: nói về cách thức làm bùa an thần. 4. Thỉnh Phật an tâm khoa: nói về các nghi thức trong việc thỉnh Phật an tâm. 5. Thỉnh Phật an tọa khai quang khánh tán nghi: nói về các nghi thức tụng niệm Phật.
6. Cổ kim Phật tích lục (VHv.2360) bản viết 84 trang, 27cm x 16cm. Đây là một cuốn sách có tính chất ghi chép tổng hợp gồm các phần như văn thơ đề vịnh cảnh chùa, chú giải một số thuật ngữ Phật giáo, giới thiệu một số chùa tháp nổi tiếng ở Việt Nam, chuyện các vị cao tăng, và bài dẫn sách Tạo tượng lượng đạc kinh.
7. Như Lai an tượng tam muội nghi quĩ: một bản viết 124 trang 31,5cm x 22cm không có tranh khắc minh họa (ký hiệu AC.127). Truyền pháp Đại sư Thi Hộ dịch ra chữ Hán, Sa môn Quán Viên chú giải. In tại chùa Xiển Pháp, Hà Nội. Sách viết về việc tô tượng Phật Như Lai Kim Cương, các nghi thức rước tượng lên đàn Phật, cách trình bày đàn Phật, các câu châm ngôn và các bài ca tán tụng công đức của Phật. 2 bản sơ đồ đàn cúng Phật.
8. Như Lai ứng hiện đồ: 4 bản in 2 tựa 1 chí. Ký hiệu (A.1709) chùa Bảo Quang, huyện Quế Dương in năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), 90 trang 38,5cm x 19cm có 40 hình vẽ. Gồm các sách: (VHt.34) 90 trang, 41cm x 20cm, có 39 hình vẽ (có cùng ván khắc ký hiệu A. 1709). Ký hiệu (A. 2779): in năm Tự Đức thứ 13 (1860) 74 trang 39cm x 29cm có 37 hình vẽ. Ký hiệu (A.1035): chùa Phúc Long in năm Tự Đức thứ 10 (1857) 88 trang, 36cm x 29cm có 41 hình vẽ. Nội dung: có các bức vẽ về sự ứng hiện của Phật Như Lai từ lúc mới giáng sinh cho đến lúc thành Phật, dưới mỗi bức vẽ đều có nói về sự tích Phật.
9. Phật thuyết nhất thiết Như Lai an tượng tam muội nghi quĩ kinh, bản in tại chùa Xiển Pháp, Hà Nội, hiện lưu tại Pháp. Sách này gồm có 3 phần: 1. Phật thuyết nhất thiết Như Lai an tượng tam muội nghi quĩ kinh 18 trang, viết về 10 điều cần biết khi tô khắc tượng và nghi lễ rước tượng Phật lên tòa. (Sách lưu tại Thư viện Hán Nôm 1 bản ký hiệu AC.127) 2. Diên quang tam muội an tượng nghi khoa, gồm 10 trang viết về cách bày biện đàn cúng Phật, chủng loại, số lượng, vị trí các đồ cúng. 3. Diên quang tập khai quang an tượng điểm nhãn khánh tán lược nghi khoa gồm 86 trang có nội dung về nghi thức rước tượng lên bệ và điểm nhãn tượng Phật.



Add Comment