Primary Menu
Secondary Menu

Câu hỏi ôn tập khảo hạch Đại Giới Đàn

CÂU HỎI ÔN TẬP KHẢO HẠCH ĐẠI GIỚI ĐÀN
ĐỨC TẠNG 2016
(Dành chung cho các giới tử thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa Ma-na, Sa-di và Sa-di-ni)

1. Đọc kệ chú Đăng đạo tràng .
Nhược đắc kiến Phật, đương nguyện chúng sanh, đắc vô ngại nhãn, kiến nhất thế Phật. Án a mật lật đế hồng phấn tra

2. Xuất gia có mấy nghĩa ?
Có 3 nghĩa, xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia

3. Đọc kệ chú Thế phát
Thế trừ tu phát, đương nguyện chúng sanh, viễn ly phiền não, cứu cánh tịch diệt. Án tất điện đô mạn đa ra bạt đà da sa bà ha .

4. Sa di là gì?
Phạn ngữ sa di, thử vân tức từ, vị tức ác hành từ, tức thế nhiễm nhi từ tế chúng sanh dã, diệc vân cần sách, diệc vân cầu tịch.

5. Ngũ đức sa di ?
Nhất giả phát tâm xuất gia hoài bội đạo cố
Nhị giả hủy kỳ hình hảo ứng pháp phục cố
Tam giả cắt ái từ thân vô thích mạc cố
Tứ giả ủy khí thân mạng tôn sùng đạo cố
Ngũ giả chí cầu đại thừa vị độ nhân cố

6. Đọc Sa di thập giới tướng (10 giới tướng Sa di)
Nhất viết bất sát sanh; nhị viết bất đạo; tam viết bất dâm ; tứ viết bất vọng ngữ; ngũ viết bất ẩm tửu; lục viết bất trước hương hoa man, bất hương đồ thân; thất viết bất ca vũ xướng kỹ cập cố vãng quan thính; bát viết bất tọa cao quảng đại sàng; cửu viết bất phi thời thực; thập viết bất tróc trì sanh tượng kim ngân bảo vật.

7. Thức xoa ma na giới tướng (giới tướng Thức xoa ma na)
Nhất viết bất dâm, nhị viết bất đạo, tam viết bất sát, tứ viết bất vọng ngữ, ngũ viết bất phi thời thực, lục viết bất ẩm tửu.

8. Hãy nêu Bát kỉnh pháp?
1. Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ khi gặp thầy Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ kheo.
2- Một Tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào.
3- Tỳ kheo ni không được ngăn Tỳ kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo ni.
4- Muốn thọ trì Cụ túc giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ kheo ni và Tỳ kheo
5- Nếu Tỳ kheo ni phạm tội hữu dư (Tăng tàn) thì phải đến trước hai bộ Tăng thực hành pháp Ý hỷ (Ma na đỏa) trong thời gian nửa tháng.
6- Nửa tháng phải đến bên Tỳ kheo tăng cần cầu dạy bảo.
7- Không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ kheo ở.
8- Khi an cư xong, phải đến Tỳ kheo tăng cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe và nghi.

9. Đọc kệ chú Ngũ y (pháp y 5 điều)
Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y, ngã kim đảnh đới thọ, thế thế bất xả ly. Án tất đà da sa ha .

10. Đọc kệ chú Thất Y
Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y , ngã kim đảnh đới thọ, thế thế thường đắc phi. Án độ ba độ ba sa ha.

11. Đọc Kệ chú Đại y (pháp y lớn)
Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y, phụng trì Như lai mạng, quảng độ chư chúng sanh. Án ma ha ca bà ba tra tất đế sa ha .

12. Pháp Sa di thờ thầy như thế nào ?
Phải xem thầy như cha, phải dậy sớm. Muốn vào cửa phòng thầy trước phải búng ngón tay ba lần. Phải chuẩn bị đồ súc miệng rửa mặt cho thầy. Phải rải nước khi quét đất. Phải xếp y phục, dọn dẹp lau quét giường chiếu cho thầy. Thầy đi chưa về, không được bỏ phòng ra đi. Nếu có lỗi thầy răn dạy không được cãi lại, phải cúi đầu lắng nghe lời thầy và nghĩ nhớ để vâng làm. Đi ra phải đóng cửa lại cẩn thận.

13. Sa di Phải kính Đại Sa môn ?
Không được kêu tên của Đại Sa môn. Lúc Đại Sa môn thuyết giới kinh không được lén nghe. Không được tìm điều hay dở của Đại Sa môn. Đại Sa môn có lỗi lầm không được nói với người khác. Không được nói xấu Đại Sa môn khi vắng mặt. Không được khinh dễ cười cợt trước Đại Sa môn và nhái theo ngôn ngữ hình tướng của Ngài. Thấy Đại Sa môn phải lập tức đứng dậy, trừ khi đọc kinh, ăn cơm, công tác. Giữa đường gặp Đại Sa môn, phải đứng nép qua một bên. Nếu lúc chơi đùa thấy Đại Sa môn liền phải ngưng ngay.

14. Quy Sơn Cảnh Sách nói về Bổn phận người xuất gia như thế nào?
– Phù xuất gia giả phát túc siêu phương tâm hình dị tục thiệu long thánh chủng chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân bạt tế tam hữu.
– Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức.
– Tấn đạo nghiêm thân, tam thường bất túc.

15. Đọc Kệ chú Tán Phật (tán dương Phật)
Tán Phật tướng hảo, đương nguyện chúng sanh, thành tựu Phật thân, chứng vô tướng pháp. Án mâu ni,mâu ni, tam mâu ni, tát phạ hạ.

16. Hãy cho biết thân thế của Thái tử Tất-đạt-đa?
Phụ thân là đức vua Tịnh-phạn, thuộc họ Cồ-đàm , bộ tộc Thích-ca , và thân mẫu là hoàng hậu Ma-gia , trị vì kinh thành Ca-tỳ-la-vệ , thuộc miền Trung Ấn Độ.

17 . Thái tử Tất-đạt-đa đản sinh vào thời gian nào, tại đâu?
Thái tử Tất-đạt-đa đản sinh ngày trăng tròn mùng 8 (hoặc 15 ÂL) tháng 4 năm 624 trước Dương lịch, bên cội cây Vô Ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni , kinh thành Ca-tỳ-la-vệ thuộc miền Trung Ấn Độ.

18. Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia vào thời gian nào?
Thái tử từ giả kinh thành Ca-tỳ-la-vệ xuất gia vào mùng 08 tháng 2 ÂL năm 605 trước Dương lịch (theo Bắc truyền), năm 595 trước Dương lịch (theo Nam truyền).

19. Vì sao thái tử Tất-đạt-đa phát tâm xuất gia?
Sau khi dạo 4 cửa thành, Thái tử thấy cảnh già, bệnh, chết của con người mà nhận thức được nỗi thống khổ của chúng sinh trong vòng sinh tử luân hồi và thấy hình ảnh một vị sa môn thanh cao, giải thoát. Vì lòng từ bi, Ngài phát tâm xuất gia để tìm chân lý giải thoát khổ đau cho tất cả chúng sinh.

20. Hãy cho biết 2 vị Thầy mà thái tử Tất-đạt-đa đã tham học trong khi tầm đạo?
Đó là ông A-đa-la Già-đà-na chứng Vô sở hữu xứ định và Uất-đầu-lam-phất chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

21. Thái tử Tất-đạt-đa thành đạo vào thời gian nào, tại đâu, lúc đó Ngài bao nhiêu tuổi?
Thái tử thành đạo vào mùng 08 tháng 12 ÂL năm 594 trước Dương lịch (theo Bắc truyền), tháng 2 năm 589 trước Dương lịch (theo Nam truyền).
Ngài thành đạo tại cội Bồ-đề, nơi dòng sông Ni-liên-thuyền, xứ Ma-kiệt-đà .
Lúc đó, Ngài 30 tuổi (theo Bắc truyền), 35 tuổi (theo Nam truyền).

22. Hãy cho biết những vị đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật?
Những vị đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật là 5 anh em Kiều-trần-như.

23. Vị sa-di đầu tiên trong giáo đoàn của đức Phật là vị nào?
Tôn giả La-hầu-la, lúc Ngài mới 7 tuổi.

24. Đức Phật thuyết pháp độ mẫu thân ở đâu, khi nào?
Đức Phật thuyết pháp độ mẫu thân là hoàng hậu Ma-gia tại cung trời Đao Lợi vào mùa An cư Kiết hạ thứ 7.

25. Vua Tịnh-phạn cử bao nhiêu phái đoàn đi thỉnh đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ nhất? Ai là người thỉnh được Ngài về hoàng cung?
Vua Tịnh-phạn cử 9 phái đoàn thỉnh đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ nhất.
Tôn giả Ca-lưu-đà-di (, sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm với đức Phật) là người thỉnh đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ nhất. Đức Phật vừa đi vừa thuyết pháp trải qua 2 tháng với quãng đường khoảng 600km.

26. Đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ 2 vào lúc nào? Nhân duyên gì Ngài về thăm hoàng cung?
Đức Phật về thăm hoàng cung lần thứ 2 vào năm thứ 5 sau khi thành đạo.
Lúc này, vua Tịnh-phạn đã 90 tuổi, sắp băng hà. Đức Phật đã thuyết chân lý vô thường, vua đắc thánh quả A-la-hán.

27. Vị đệ tử thiện nam, đại thí chủ, đại hộ pháp của đức Phật là ai?
Trưởng giả Cấp-cô-độc, ông vốn tên là Tu-đạt nhưng vì ông có lòng thương người, đặc biệt chăm lo hỗ trợ người cô độc khó khăn nên mọi người quý mến gọi ông là Cấp-cô-độc . Người phát tâm dâng cúng Tịnh xá Kỳ Hoàn .

28. Vị đệ tử tín nữ, đại thí chủ, đại hộ pháp của đức Phật là ai?
Tín nữ Visakha còn được gọi là mẹ hiền Migàra hay Thánh nữ Migàra (chồng là Trưởng giả Migàra) do không chỉ hết lòng hộ trì Tam Bảo mà còn có lòng thương người, bố thí rộng khắp. Cô trở thành tín nữ hộ pháp đắc lực của đức Phật, sánh như trưởng giả Cấp-cô-độc.
Tín nữ là người cúng dường Tịnh xá Đông Viên (phía Đông Tịnh xá Kỳ Viên) lên đức Phật.

29. Đọc bài kệ Mạn Y
Đại tai giải thoát phục, vô tướng phước điền y, phi phụng trì giới hạnh, quảng độ chư quần sanh. Nam mô Ca Sa Tràng Bồ Tát Ma Ha Tát

30. Người dâng cúng bữa ăn cuối cùng lên đức Thế Tôn (trước khi Ngài nhập Niết-bàn) là ai?
Người dâng cúng bữa ăn cuối cùng lên đức Thế Tôn (trước khi Ngài nhập Niết-bàn) là người thợ rèn Thuần-đà ở Pava. Ông dâng cúng đức Phật bát cháo nấm.

31. Tam Bảo được hình thành từ lúc nào?
Tam Bảo được hình thành từ khi đức Phật thuyết bài pháp Tứ Diệu Đế (bài pháp đầu tiên) tại vườn Lộc Uyển cho 5 anh em Kiều-trần-như.

32. . Hãy cho biết sự luân chuyển của 12 nhân duyên?
Do vô minh sinh nên hành sinh, do hành sinh nên thức sinh, do thức sinh nên danh sắc sinh, do danh sắc sinh nên lục nhập sinh, do lục nhập sinh nên xúc sinh, do xúc sinh nên thọ sinh, do thọ sinh nên ái sinh, do ái sinh nên thủ sinh, do thủ sinh nên hữu sinh, do hữu sinh nên sinh sinh, do sinh sinh nên lão tử ưu bi khổ não sinh.

33. Hãy kể tên và công hạnh của Thập đại đệ tử Phật?
– Tôn giả Xá-lợi-phất trí tuệ đệ nhất
– Tôn giả Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất
– Tôn giả Đại Ca-diếp khổ hạnh đệ nhất
– Tôn giả A-nan đa văn đệ nhất
– Tôn giả Phú-lâu-na thuyết pháp đệ nhất
– Tôn giả Tu-bồ-đề giải không đệ nhất
– Tôn giả Ca-chiên-diên nghị luận đệ nhất
– Tôn giả A-na-luật thiên nhãn đệ nhất
– Tôn giả Ưu-ba-ly trì giới đệ nhất
– Tôn giả La-hầu-la mật hạnh đệ nhất

34. Vị tôn giả nào cung thỉnh đức Phật cho nữ giới được xuất gia và thành lập Ni đoàn?
Sau khi Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề và Da-du-đà-la nhiều lần thỉnh cầu đức Thế Tôn cho phép xuất gia nhưng không được, tôn giả A-nan đã cầu thỉnh Ngài cho nữ giới được xuất gia. Đức Thế Tôn đã nhận lời với yêu cầu Ni giới phải giữ gìn 8 kỉnh pháp.

35. Hãy cho biết vị nào lãnh đạo giáo đoàn Ni của đức Phật?
Nữ tôn giả Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di ,
Thuộc vương tộc Maha Suppa Buddha (Thiện Giác, em của hoàng hậu Maha Maya. Gotami làm kế mẫu của thái tử Tất-đạt-đa sau khi hoàng hậu Maha Maya sinh thái tử 7 ngày đã sinh về cõi trời Đao Lợi.
Khi Đức Phật về thăm hoàng cung Ca-tỳ-la-vệ lần thứ nhất, đức Phật thuyết bài pháp Túc sanh truyện, bà đắc quả Tu-đà-hoàn (lúc đó, vua Tịnh-phạn nghe bài pháp này đã đắc quả A-na-hàm).
Sau, Tỳ-kheo-ni Kiều-đàm-di đã đắc quả A-la-hán và được Thế Tôn giao lãnh đạo Ni đoàn, được khen ngợi là Hạ lạp bậc nhất.

36. Vị vua nào diện kiến đức Phật đầu tiên?
Bình-sa vương hay Tần-bà-sa-la là vị vua đầu tiên diện kiến đức Phật và là người dâng cúng Trúc Lâm Tịnh Xá .

37. Phật dạy có 4 thánh tích cần chiêm bái như là lễ lạy Ngài, đó là những thánh tích nào?
Phật dạy 4 thánh tích cần chiêm bái sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, chúng sinh đảnh lễ 4 thánh tích như là đảnh lễ Ngài. Bốn thánh tích đó là:
– Nơi đức Phật giáng sinh tại vườn Lâm-tỳ-ni thuộc kinh thành Ca-tỳ-la-vệ .
– Nơi đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng thuộc nước Ma-kiệt-đà .
– Nơi đức Phật chuyển Pháp luân tại vườn Nai gần Ba-la-nại .
– Nơi đức Phật nhập Niết-bàn tại rừng Sa-la song thọ thuộc Câu-thi-na .
Đức Phật dạy rằng: “Những người nào qua đời trong quá trình đi chiêm bái, với lòng có đức tin, thì sẽ được sanh lên các cõi trời” (Đức Phật và Phật pháp, Narada, Phạm Kim Khánh dịch, NXB TP HCM 2008, trang 228).

38. Đức Phật nhập Niết-bàn lúc nào, tại đâu?
Đức Phật nhập Niết-bàn vào lúc Ngài 80 tuổi, vào năm 544 trước Dương lịch, tại rừng Sa-la song thọ, thành Câu-thi-na .

39. Xá-lợi đức Phật sau khi trà tỳ được chia làm mấy phần? Có bao nhiêu tháp thờ xá-lợi?
Xá-lợi đức Phật sau khi trà tỳ được chia làm 8 phần cho 8 nước.
Có 10 tháp được dựng lên, trong đó, 8 tháp thờ xá-lợi ở mỗi quốc gia, 1 tháp dựng lên nơi để bình phân chia xá-lợi và 1 tháp thờ tro của giàn hỏa thiêu.

40. Vị nào thừa kế y bát đức Thế Tôn và vai trò lãnh đạo giáo đoàn sau khi Ngài nhập Niết-bàn?
Tôn giả Đại Ca-diếp thừa kế y bát của đức Thế Tôn và lãnh đạo giáo đoàn.

TM. BAN KIẾN ĐÀN
HỘI ĐỒNG KHẢO THÍ
CHÁNH CHỦ KHẢO
Nguồn Ban Thông Tin Truyền Thông GHPGVN tỉnh Ninh thuận.



Add Comment