Primary Menu
Secondary Menu

Cụ Túc Giới – Từ điển Phật học

Phạm, Pàli: upasaôpanna, hoặc upasôpadà.
Dịch âm: Ô ba tam bát na.
Dịch ý: gần tròn, có nghĩa là gần gũi Niết bàn.
Cũng gọi là Cận viên giới, Cận cụ giới, Đại giới, nói tắt là Cụ giới.

Là giới luật mà tỉ khưu, tỉ khưu ni phải thụ trì; vì giới phẩm đầy đủ so với mười giới của Sa di và Sa di ni, cho nên gọi là Cụ túc giới.

Theo giới pháp qui định, khi thụ trì giới Cụ túc tức là đã chính thức trở thành tỉ khưu và tỉ khưu ni. Phổ thông, giới tỉ khưu có hai trăm năm mươi giới, giới tỉ khưu ni có ba trăm bốn mươi tám giới.

Cứ theo luật Tứ phần chép, thì giới có thể chia làm tám loại: Ba la di (tỉ khưu bốn, tỉ khưu ni tám); Tăng tàn (tỉ khưu mười ba, tỉ khưu ni mười bảy); Bất định (tỉ CỤ TÚC GIỚI khưu hai); Xả đọa (tỉ khưu ba mươi, tỉ khưu ni ba mươi); Đơn đọa (tỉ khưu chín mươi, tỉ khưu ni một trăm bảy tám); Ba la đề đề xá ni (tỉ khưu bốn, tỉ khưu ni tám); Chúng học (tỉ khưu một trăm, tỉ khưu ni một trăm); Diệt tránh (tỉ khưu bảy, tỉ khưu ni bảy).

Còn các bộ luật Thập tụng, luật Ngũ phần, Thiện kiến luật tì bà sa, Ba li giới bản, Tây tạng giới bản v.v… mỗi bộ truyền chép mỗi khác. Khi thụ giới này, phải có tác pháp đặc biệt, chẳng hạn điều kiện phải có đủ ba thầy truyền giới, bảy vị chứng minh, bạch bốn Yết ma v.v… Từ trong giới Cụ túc rút ra năm giới, tám giới… tùy theo căn cơ mà lãnh thụ để làm phương tiện tu tập dần dần trước khi thụ trì giới Cụ túc, gọi là Cụ giới phương tiện. Những người bị mười ba nạn, mười già thì không được phép thụ giới.

Tăng ni Trung quốc, từ Tùy, Đường trở đi, đều y theo luật Tứ phần mà thụ giới; và đặc biệt ngoài việc thụ trì giới Cụ túc, còn thụ thêm mười giới nặng, bốn mươi tám giới nhẹ của giới Bồ tát. Ngoài ra người muốn thụ giới Cụ túc, thân thể phải mạnh khỏe, đầy đủ các căn, không bị điếc, lòa, thân khí trong sạch, không mắc biên tội, phạm tỉ khưu ni, tặc trụ v.v…, đủ tướng xuất gia, cạo bỏ râu tóc; mặc áo casa, đã thụ giới Sa di, Sa di ni rồi, đủ hai mươi tuổi và chưa quá bảy mươi tuổi. Giới Cụ túc là giới luật chủ yếu, giúp người giữ giới nhờ đó mà xa lánh tội ác trong tất cả hoàn cảnh, hướng tới sự hoàn thiện, đầy đủ nên gọi là giới Cụ túc. [X.luật Tứ phần Q.34; Thiện kiến luật tì bà sa Q.2; luật Thập tụng Q.21; luật Ngũ phần Q.16; luật Ma ha tăng kì Q.43]. (xt. Giới).



Add Comment