Primary Menu
Secondary Menu

Tứ Thiền – Thích Đức Thắng

TỨ THIỀN
Thích Đức Thắng

Tứ thiền (catvāri dhyānāni) là bốn phương pháp thiền định dùng cho cả nội giáo và ngoại giáo cùng tu tập thực hành, nhằm đối trị các lậu hoặc, là nhân siêu việt mọi lưới hoặc nghiệp của dục giới, là quả sinh lên cõi sắc giới, là y địa căn bản nơi sinh ra các công đức, cũng có nghĩa là bốn loại thiền định căn bản sinh ra các thứ công đức; đó chính là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thuộc Sắc giới, vì nghĩa này nên có nơi còn gọi là Định sắc giới. Thiền là tên gọi tắt của Thiền-na (dhyāna), có nghĩa là tĩnh lự (yên lặng tư duy), là do nhờ yên lặng tư duy thẩm xét khéo léo mà đạt đến ý hiểu biết rõ ràng như thật, cho nên Tứ thiền còn gọi là Tứ tĩnh lự, Tứ định tĩnh lự. Ở đây, thể của Tứ thiền là “nhất tâm tánh cảnh”, dụng của chúng là “thường tư duy suy xét” và đặc điểm của Tứ thiền là ly cảm thọ của cõi dục mà cùng quán tướng của sắc giới tương ưng với cảm thọ. Từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền, hoạt động tâm lý phát triển theo thứ tự từ thấp đến cao, thế giới tinh thần hình thành không đồng, tùy theo thuộc tính của chúng trong quá trình tự tu chứng của hành giả, tức là ba thiền trước cần theo thứ tự phương tiện (đối tượng pháp tu), còn đệ tứ thiền mới chính là Thiền chân thật.

(1) Sơ Thiền (prathama-dhyāna), trước khi hành giả đi vào Sơ thiền thì buộc chúng ta phải trải qua thực hành trụ vào thô, tế, Dục giới định và Vị chí định. Trong thiền này phải có đầy đủ Bát xúc [động, dương (ngứa), khinh, trọng, lãnh, noãn, sáp (rít), hoạt (trơn)] và Thập công đức (nhập trí, khởi thông, đại vô lượng, thập lợi ích thành tựu, ngũ sự báo quả thành tựu, tâm tự tại, tu tập đối trị, đối trị thành tựu, tu tập chánh đạo, chánh đạo thành tựu). Trước tiên hành giả ngồi yên, đoan thân nhiếp tâm, điều hòa hơi thở, biết tâm mình chìm lặng lắng trong, tịch tĩnh an ổn, tâm mình tùy duyên, an trụ trong duyên không cho chạy tán loạn, đó gọi là hành giả trụ vào thô. Nhờ tâm này hành giả sau đó tiếp tục làm tâm mình trở nên hoàn thiện hơn trước, đó gọi là trụ vào tế. Sau đó, từ một hai ngày cho đến hai tháng tâm địa hành giả hoát nhiên từ từ được khai sáng một phần, thân chúng ta lúc này nhẹ nhàng như mây khói, như ảnh trong sáng sạch không, tuy là không tịnh nhưng vẫn còn thấy có tướng thân tâm, chưa có công đức bên trong định, đó gọi là định dục giới theo Thành Thật luận, còn trong luận Câu-xá thì gồm thâu ở trong Vị chí định. Từ trong định này, tâm lắng trong sau đó chuyển đổi không còn thấy thân đầu, y phục, giường chiếu trong định dục giới nữa, giống như hư không, đó gọi là Vị chí định (định này không có trong Thành Thật luận, mà có trong Câu-xá luận), lúc này vì tánh còn chướng ngại nên chưa vào được Sơ thiền. Ở đây, Vị chí định, thân và tâm hư tịch, trong không còn thấy thân, ngoài không còn thấy vật trải qua từ một ngày cho đến một tháng hay một năm, tâm định không hoại và, ở trong định biết tự tâm vẫn còn một ít dao động nhỏ, hoặc vẫn còn Bát xúc nổi dậy. Đó chính là tứ đại cực nhỏ của Sắc giới được hình thành hoán đổi tứ đại cực nhỏ còn lại của Dục giới tạo ra sắc tướng này, đó chính là bắt đầu nhập vào tướng của Sơ thiền. Sơ thiền là đệ nhất trong Tứ thiền, nếu đạt được Sơ thiền thì trong tâm trở nên thanh tịnh, các lậu bất động, đó là trạng thái của Sơ thiền. Khi hành giả vào Sơ thiền câu hữu với năm chi là tầm, tứ, hỷ, lạc và, tâm nhất tánh cảnh, tức là được Bát xúc và Thập công đức, tâm có khả năng trở nên tịch tĩnh tư duy suy xét, cảm thọ đến việc ly khai cái ác của dục giới mà sinh ra hỷ lạc; tâm cảm thọ hỷ, thân cảm thọ lạc, cho nên gọi là “Ly sanh hỷ lạc”, có nghĩa là nhờ hành giả xa lìa ác của cõi dục nên sinh ra hỷ lạc trong thiền định; vì ở trạng thái này vẫn còn có sự hoạt động của tâm lý tầm và tứ, nên được gọi là Sơ thiền. Tầm còn dịch là giác (cựu dịch), tức là chỉ cho tâm sự phân biệt tác dụng còn thô của tâm; tứ còn dịch là quán (cựu dịch), là chỉ cho sự phân biệt tác dụng vi tế của tâm. Vì hành giả nào đạt được Thiền định này thì sẽ có tác dụng của hữu tầm và tứ, nên còn gọi là “hữu giác hữu quán”. Trong hiện tại, nếu hành giả nào thành tựu được Sơ thiền thì sẽ đạt được quả báo Sơ thiền thiên đối với Sắc giới. Hơn nữa, hành giả ở trong thiền định này có thể đối trị tham nhuế, hại tầm, khổ, ưu, phạm giới là năm chủng loại làm chướng nạn trong tu đạo. Ngoài ra, ở trong định Sơ thiền dùng hoạt động tâm lý tầm tứ, cho nên có hoạt động của thấy, nghe, xúc lại có thể khởi lên ngữ nghiệp, đó là những giới hạn của Sơ thiền có được trong lúc hành giả tu tập, nếu muốn vượt qua những trở ngại này thì hành giả phải bước sang Nhị thiền.

(2) Đệ Nhị thiền (dvitīya-dhyāna), là đệ nhị trong Tứ thiền, bên trong câu hữu với bốn chi là thanh tịnh, hỷ, lạc, nhất tâm tánh cảnh. Thiền định này xa lìa tâm lý hoạt động tầm, tứ của Sơ thiền. Ở trong tâm tin vào tướng minh tịnh, cho nên gọi là “Nội đẳng tịnh”; do ở trong thiền định này sống trong trạng thái hỷ, lạc, nên gọi là “Định sinh ra hỷ lạc”. Hơn nữa ở trong thiền định này, hành giả chúng ta có thể đối trị năm loại làm chướng ngại là tham, tầm, tứ, khổ, trạo cử trong lúc tu đạo. Vả lại, lúc hành giả ở trong Sơ thiền, ngữ nghiệp còn khởi lên thì ở đây ngữ hành không còn nữa. Ngoài ra, sự tu tập Đệ nhị thiền định có thể đưa hành giả đến quả báo sinh lên đệ nhị thiền thiên, ở tầng trời này có ba trời là Thiểu quang (thiên chúng ở đây có ánh sáng tối thiểu), Vô lượng quang (thiên chúng ở đây ánh sáng từ từ tăng thêm cho đến vô lượng) và, Cực quang tịnh (thiên chúng ở đây càng sáng hơn hai trời kia, từ dưới đất chiếu soi khắp, dùng ánh sáng làm ngữ âm, nên cũng gọi là Quang âm thiên). Ngoài ba trời này ra có quan hệ y xứ quả báo thân lượng và thọ lượng của chư thiên đệ nhị thiền thiên; vì thiên chúng của trời này an trụ vào thiền định mà sinh khởi ra cảm thọ hỷ lạc, nên trời này còn gọi là “Định sinh hỷ lạc địa”. Đó là trạng thái thiền của thiên chúng ở trong thiền định đệ nhị đạt được trong đệ nhị thiền.

(3) Đệ Tam thiền (tṛtīya-dhyāna), là đệ tam trong Tứ thiền câu hữu với năm chi là hành xả, chánh niệm, chánh tri (chánh tuệ), thọ lạc, tâm nhất tánh cảnh. Hành giả ở trong thiền định này đã lìa thoát trạng thái hỷ, lạc của nhị thiền, trụ vào chánh niệm, chánh tri, tiến lên một bước nữa là vui cầu được thắng pháp thuộc cảnh giới cao hơn mà luôn thực hành tu tập trong tinh tấn. Nhờ đã xa lìa hỷ, lạc của nhị thiền định, song hành giả, cái vui vi diệu của tự địa vẫn còn tồn tại, cho nên trạng thái lúc này được gọi là “Ly hỷ diệu lạc”. Hơn nữa, ở trong định này có khả năng đối trị được bốn loại tham, hỷ, hớn hở, định hạ liệt tánh làm chướng nạn lúc tu đạo của đệ nhị thiền định. Khi hành giả tu tập thiền định này, có thể được quả báo đối với đệ tam thiền thiên. Ở trong mười tám trời cõi sắc gồm có ba trời Thiểu Tịnh (thiên chúng trời này dùng cảm thọ lạc của ý địa nên gọi là “Tịnh”, nhưng cảm thọ lạc của họ ở trong đệ tam thiền thiên là tối thiểu, nên gọi là “thiểu”), Vô lượng tịnh (cảm thọ lạc của thiên chúng trời này từ từ tăng trưởng khó mà đo lường, cho nên gọi là vô lượng tịnh) và, Biến tịnh (cảm thọ lạc của thiên chúng trời này rất là thù thắng biến đầy khắp nơi, cho nên gọi là biến tịnh). Ngoài ba cõi trời này có quan hệ y xứ quả báo thân lượng và thọ lượng của chư thiên đệ tam thiền; vì thiên chúng của trời này xa lìa cảm thụ hỷ của đệ nhị thiền định mà trụ vào cảm thọ lạc của tam thiền, nên gọi là “Ly hỷ diệu lạc địa” Đó là trạng thái thiền của thiên chúng ở trong thiền định đệ tam đạt được trong Đệ tam thiền.

(4) Đệ Tứ thiền (caturtha-dhyāna), là đệ tứ trong Tứ thiền. Theo Đại thừa A-tỳ-đạt-ma Tạp tập luận 9 thì, thiền định này câu hữu với bốn chi là xả thanh tịnh, niệm thanh tịnh, bất khổ bất lạc thọ, và tâm nhất tánh cảnh. Hành giả ở trong thiền định này đã lìa thoát trạng thái diệu lạc của tam thiền, cho nên gọi là “Xả thanh tịnh”; vì chỉ có thể tu dưỡng công đức, nên được gọi là “Niệm thanh tịnh” và, cũng vì vậy nên trụ vào trong cảm thọ không khổ không vui. Hơn nữa, ở trong định này có khả năng đối trị được năm loại là hơi thở ra vào, tham, lạc, tác ý lạc, định hạ liệt tánh của đệ tam thiền định, làm chướng nạn cho việc tu đạo của hành giả. Khi hành giả tu tập thiền định này, có thể được quả báo sanh về đệ tứ thiền thiên. Trời này thuộc nơi tối cao của tứ thiền thiên Sắc giới. Ở đây gồm có tám trời là Vô vân (vị trí trời này ở trên tầng mây hợp kín, trời này từ khi khai thỉ mây địa nhẹ nhàng, giống như sao tán), Phước sanh (trời này câu hữu với thắng phước của chúng sanh phàm phu, mới được sinh vào trời này), Quảng quả (ở trong chư thiên Sắc giới, trời này từ chỗ chúng sanh phàm phu nếu sanh về nơi đó là chỗ tối vi thù thắng), Vô phiền (ở trong trời này không có bất cứ sự vật hay hiện tượng phiền tạp phân loạn nào và vì thiên chúng trời này không cầu sinh về Vô sắc giới, nên trời này còn gọi là Vô cầu), Vô nhiệt (thiên chúng trời này đã hàng phục mọi chướng ngại của phẩm trung và thượng, ý vui nhu nhuyến, lìa các nhiệt não, nên gọi là Vô nhiệt), Thiện hiện (thiên chúng trời này đã đạt được định tạp tu thiện phẩm, nhờ quả đức hiện rõ, nên gọi là Thiện hiện), Thiện kiến (thiên chúng của trời này đã lìa được chướng tu định, đạt đến chỗ vi tế, phàm những gì thấy được đều cực trong suốt, nên gọi là Thiện kiến), Sắc cứu cánh (thiên chúng trời này đã đạt đến chỗ cùng cực của khổ qua thân tối hậu sau cùng, tức là thân tối hậu hữu sắc, qua trời này là Vô sắc giới). Ngoài tám trời này ra có quan hệ y xứ quả báo thân lượng và thọ lượng của chư thiên đệ tứ thiền; vì thiên chúng của trời này đã lìa thoát diệu lạc của đệ tam thiền thiên mà chỉ có thể tu dưỡng công đức, nên trời này gọi là “Xả niệm thanh tịnh địa”. Đó là những trạng thái thiền của thiên chúng ở trong thiền định đệ tứ đạt được trong đệ tứ thiền.

Như chúng ta đã biết qua Tứ thiền, thì Tứ thiền có thể nhiếp thu cả tầm, từ, hỷ, lạc, các chi Tịnh lự. Trong đó chúng được phân bố theo thuộc tính cần thiết trong tu tập cho chính chúng mà hành giả phải theo tùy theo trình độ căn cơ mà thâm nhập tuần tự vào định của mỗi hành giả. Theo Tạp A-hàm 17 (Đ. 2, tr. 121b) thì thứ tự lúc hành giả vào chánh thọ Sơ thiền là đình chỉ ngôn ngữ, vào chánh thọ nhị thiền thì đình chỉ giác quán (tầm, tứ), vào chánh thọ tam thiền thì đình chỉ tâm hỷ, vào chánh thọ tứ thiền thì đình chỉ hơi thở ra vào; đó là những hình thức có được từ hành tướng hình thức của tứ thiền, còn nội dung ý nghĩa tư tưởng như các chánh định của tứ thiền như chúng tôi đã nói ở trên. Ở đây vì có sự sai biệt về hình thức cũng như ý nghĩa nội dung của chúng, nhất là sự thâu nhiếp của tịnh lự có sự khác biệt nên chúng được phân ra làm bốn loại: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền như trên; và cũng theo Tứ thiền này được phân ra mỗi loại thiền gồm có ba loại chi theo giá trị kết quả có được từ sự thực hành của hành giả đưa đến: Đối trị chi, Lợi ích chi và Tự tánh chi. Theo Câu-xá luận 28 (Đ. 29, tr. 145b), Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận 9 thì đem Tứ thiền phân ra ba loại gồm mười tám chi thiền: Ba loại thuộc Đối trị chi, Lợi ích chi và Tự tánh chi, còn mười tám chi thiền gồm có: Sơ thiền có năm chi, Nhị thiền có bốn chi, Tam thiền có năm chi và, Tứ thiền có bốn chi theo sơ đồ sau đây:

Sơ Thiền theo đối trị chi có hai chi là tầm (giác) tứ (quán), theo ích lợi chi có hai chi là hỷ và lạc, theo Tự tánh chi có một chi là tâm nhất tánh cảnh, tất cả gồm có năm chi.

Nhị thiền theo đối trị chi có một chi là nội đẳng tịnh, theo lợi ích chi có hai chi là hỷ và lạc, theo tự tánh chi có một chi là tâm nhất tánh cảnh, tất cả gồm có bốn chi.

Tam thiền theo đối trị chi có ba chi là hành xả, chánh niệm và chánh tri, theo lợi ích chi có một chi là lạc, theo tự tánh chi là tâm nhất tánh cảnh, tất cả gồm có năm chi.

Tứ thiền theo đối trị chi có hai chi là xả thanh tịnh và niệm thanh tịnh, theo lợi ích chi có một chi là chẳng có cảm giác khổ vui, theo tự tánh chi có một chi là tâm nhất tánh cảnh, tất cả gồm có bốn chi.

Ở đây, Sơ thiền thâu nhiếp cả năm chi tầm, tứ, hỷ, lạc; vì tâm nhất tánh cảnh là thể của tịnh lự tức là tam-ma-địa, cho nên tứ tịnh lự đều lấy nó làm tự tánh. Tầm, tứ còn dịch là giác, quán, là hai hình thức của thô và tế của tâm phân biệt, tức là tánh phân biệt của tâm thô gọi là tầm (giác); tánh phân biệt của tâm tế gọi là tứ (quán). Sơ thiền vì hai chi chưa lìa được sự phân biệt của thô và tế nên còn gọi là hữu tầm, hữu tứ (hữu giác, hữu quán). Nhưng hai chi hỷ, lạc lại được sinh ra nhờ từ sự ly dục, pháp ác bất thiện mà có được nơi tâm và thân, cho nên sơ thiền còn gọi là ly sanh hỷ lạc địa. Nhị thiền thâu nhiếp bốn chi nội đẳng tịnh, hỷ, lạc cùng tâm nhất tánh cảnh; tâm nhất tánh cảnh như trên đã nói là chi tự tánh của nhị thiền. Bên trong đều thanh tịnh (nội đẳng tịnh) vì nhị thiền đã lìa được tầm, tứ của Sơ thiền mà lòng tin bên trong trở nên trong sáng vì vậy cho nên lấy đó mà gọi tên, tức là vô tầm, vô tứ (vô giác, vô quán). Hỷ, lạc ở đây được sinh ra từ định nên Nhị thiền được gọi là định sanh hỷ lạc. Tam thiền thâu nhiếp năm chi hành xả, chánh niệm, chánh tuệ, thọ lạc cùng tâm nhất tánh cảnh. Vì Tam thiền xả bỏ hỷ lạc tối thắng của Nhị thiền mà trụ vào “hành xả” đối với phi khổ phi lạc cảnh giới, nhờ tiếp tục tu tập chánh niệm chánh tri nên sinh ra “ly hỷ diệu lạc”. Tứ thiền thâu nhiếp bốn chi hành xả, niệm thanh tịnh, phi khổ lạc thọ cùng tâm nhất tánh cảnh. Ở đây, Tứ thiền xả lạc vi diệu của tam thiền nên gọi là xả thanh tịnh, chỉ nhớ (niệm) đến tu dưỡng công đức nên gọi là niệm thanh tịnh, nhờ đó mà đạt được cảm thọ phi khổ phi lạc. Đối với hành giả lúc này ở trong trạng thái thiền định tâm nhất tánh cảnh và cứ như vậy tiến hành, cho nên được gọi là “Tự tánh chi” hay còn gọi là “Xả niệm thanh tịnh”. Và cũng theo Hiển Dương Thánh Giáo luận 19 y cứ vào Tứ thiền để đối trị lại đối với những chướng nạn cho hành giả chúng ta khi tu tập. Theo luận này thì Sơ thiền dùng để đối trị năm chướng ngại tham nhuế hại tầm, khổ, ưu, phạm giới cùng tán loạn; Nhị thiền dùng để đối trị năm chướng ngại tham, tầm tứ, khổ, trạo cử cùng định hạ liệt tánh của sơ thiền; Tam thiền dùng để đối trị bốn chướng ngại tham, hỷ, nhảy nhót cùng định hạ liệt tánh của nhị thiền; Tứ thiền dùng để đối trị hơi thở ra vào cùng năm chướng ngại tham, hỷ, lạc, tác ý cùng định hạ liệt tánh của tam thiền. Tóm lại, hành giả xa lìa dục ái, tâm tịch tĩnh mà tư duy suy xét, có tầm, tứ mà trụ vào trạng thái hỷ lạc đó là sơ thiền; khi hành giả xa lìa tầm, tứ, lòng tin trong sáng được hình thành, lúc này hành giả đang ở trong trạng thái của hỷ lạc thì đó gọi là nhị thiền; khi nào hành giả lìa hỷ lạc, chánh niệm chánh tri trụ vào trụ địa diệu lạc thì đó gọi là tam thiền; khi nào hành giả thoát ly khỏi lạc cả thân và tâm, trụ vào trạng thái bất khổ bất lạc, đạt được cái cực thiện thanh tịnh thì đó gọi là tứ thiền.

Hơn nữa, Tứ thiền này chính là định căn bản (maula- samàdhi), để hành giả nhập môn, có nơi còn gọi là cận phân định sàmantaka-samàdhi). Vì vị chí định (anàgamya-samàdhi) của cận phần sơ thiền đồng với căn bản định tương ưng cùng tầm, tứ nên hữu tầm, hữu tứ. Cận phần từ nhị thiền trở lên cũng đồng căn bản định đều không tầm, tứ, cho nên vô tầm, vô tứ. Còn trung gian định nhân của Đại phạm hơn sơ thiền, chỉ không bằng nhị thiền là vô tầm mà hữu tứ. Ở trong này, vị chí cùng tịnh đẳng chí của cận phần vì cùng vô lậu căn bản đẳng chí có thể đoạn trừ các hoặc, trong khi trung gian định không thể đoạn trừ các hoặc. Trong bốn tịnh lự này, vì sơ, nhị, tam tịnh lự có tám tai hoạn tầm, tứ, khổ, lạc, ưu, hỷ cùng hơi thở ra, vào nên gọi là hữu động định, trong khi tứ tịnh lự thì không có tám thứ tai hoạn đó để có thể dấy động, cho nên gọi là bất động định. Nhưng Sơ thiền có tướng phát nghiệp tương ưng với tầm tứ nên có thể thấy, nghe, xúc chạm, lại khởi lên ngữ nghiệp, song từ nhị thiền trở lên vì không tầm, không tứ nên không ngôn ngữ.

Tứ tịnh lự như trên chúng ta đã biết, vì tự thân của nó là định căn bản, nên nó là chỗ được các thứ công đức y cứ vào để phát triển, nếu theo tự thể của nó mà nói thì tứ vô lượng tâm, bát giải thoát, bát thắng xứ, thập biến xứ cũng nương vào nó mà phát khởi. Đối với Tứ vô lượng tâm mà nói thì, hỷ vô lượng tâm vì nhiếp thâu của hỷ thọ nên phải y cứ vào sơ, nhị tịnh lự, còn ba vô lượng tâm nữa thì chúng đều y cứ vào lục địa mà ly bốn chướng sân, hại, v.v… Đối với Bát giải thoát mà nói thì, sơ nhị là nương vào sơ và nhị tịnh lự, vị chí định cùng trung gian định mà có được; tịnh giải thoát của đệ tam là y cứ vào đệ tứ tịnh lự mà có được, ngoài đây ra, thì y cứ vào tứ vô sắc cùng diệt tận định. Đối với Bát thắng xứ mà nói thì, sơ và tứ thắng xứ là y cứ vào sơ và nhị tịnh lư, cuối cùng tứ thì y cứ vào tứ tịnh lự mà phát triển giá trị kết quả của chúng.

Hơn nữa, tứ thiền thiên của Sắc giới, cho đến nơi hành giả tu tứ thiền sẽ sinh về nơi đó thì từ thiền này gọi là định tịnh lự; ở đây một cách tương đối thì chư thiên ở đó tự nhiên mà họ được tứ thiền, nên được gọi là sanh tự lự. Ngoài ra, theo luận Trí độ 17 thì, đối với các đệ tử của đức Đạo sư, có một thầy Tỳ-kheo tuy nhờ ngồi thiền, trì giới mới được tứ thiền, nhưng cứ cho rằng việc tu tập của mình như vậy là hoàn thành, vì vậy mà thầy sinh ra tăng thượng mạn tư xưng là: “Ta đã đạt được bốn quả” (Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán), lại có hành động bất kính đối với đức Đạo sư qua ngôn ngữ và cử chỉ, nên sau khi mạng chung bị đọa vào trong địa ngục; vì nhân duyên này mà Tứ thiền còn gọi là Tứ thiền Tỳ-kheo.

Theo Pháp giới thứ đệ quyển hạ, thì Thiền có thể phân thành hai loại thế gian thiền và xuất thế gian thiền, trong xuất thế gian thiền còn phân ra hai loại thiền khác nhau đó là: Xuất thế gian thiền cùng xuất thế gian thượng thượng thiền: Loại xuất thế gian thiền dành cho các hàng Thinh Văn, Duyên Giác trong tu tập của mình, còn xuất thế gian thượng thượng thiền, loại sau thì dành cho các hàng Bồ-tát trong pháp tu tập của họ. Đây cũng chỉ là một hình thức tùy thuộc vào căn cơ và thuộc tính của khế cơ phù hợp với khế lý trong pháp tu đưa hành giả đi nhanh trong bước tu của họ. Theo kinh Pháp hoa huyền nghĩa 4 thì, lại phân xuất thế gian thiền ra làm bốn giai đoạn: quán thiền, luyện thiền, huân thiền, tu thiền cũng gọi là tứ thiền trong pháp tu tập của các hàng nhị thừa.
Tóm lại, vì Thiền định là một pháp tu thông dụng theo truyền thống của các tôn giáo Ấn Độ, nên mỗi thời đại từ xa xưa cho đến thời kỳ đức Đạo sư ra đời thì Tứ thiền vẫn là một pháp trọng yếu trong phương pháp tu tập của các học phái tôn giáo vào lúc bấy giờ. Đức Đạo sư cũng dùng Thiền định làm một hành pháp tối yếu trong tu tập, chính Ngài cũng dùng thiền định để thành đạo và khi nhập Niết-bàn cũng dùng pháp tứ thiền mà thành tựu chúng. Và vì đặc điểm của Tứ thiền là xa lìa cảm thọ dục, pháp ác bất thiện của cõi dục mà hành giả cùng quán tướng sắc giới tương ưng với cảm thọ và cũng nhờ lìa xa dục, pháp bất thiện của cõi dục mà hành giả chúng ta có được hỷ lạc xuất hiện để hoàn thành sắc giới định. Từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền, mọi hoạt động tâm lý phát triển theo thứ tự từ thấp đến cao, thế giới trạng thái tinh thần hình thành không đồng tùy theo thuộc tính của chúng theo quá trình tự tu chứng của hành giả mà có được để chúng ta gọi tên, tức là ba thiền trước cần theo thứ tự phương tiện (đối tượng pháp tu), còn đệ tứ thiền mới chính là Thiền chân thật. Qua sơ thiền, khi hành giả ở trong thiền định này có thể đối trị tham nhuế, hại tầm, khổ, ưu, phạm giới là năm chủng loại làm chướng nạn trong tu đạo. Ngoài ra, ở trong định Sơ thiền dùng hoạt động tâm lý tầm tứ, cho nên có hoạt động của thấy, nghe, xúc lại có thể khởi lên ngữ nghiệp. Đến Nhị thiền, lúc hành giả ở trong Sơ thiền khi ngữ nghiệp còn khởi lên thì ở đây ngữ hành không còn nữa. Ngoài ra, sự tu tập đệ nhị thiền định có thể đưa hành giả đến quả báo sinh lên đệ nhị thiền thiên; vì thiên chúng của trời này an trụ vào thiền định mà sinh khởi ra cảm thọ hỷ lạc, nên trời này còn gọi là “Định sinh hỷ lạc địa”. Đến đây, nhờ hành giả đã xa lìa hỷ, lạc của nhị thiền định, song hành giả, cái vui vi diệu của tự địa vẫn còn tồn tại, cho nên trạng thái lúc này được gọi là “Ly hỷ diệu lạc”. Hơn nữa, ở trong định này có khả năng đối trị được bốn loại tham, hỷ, hớn hở, định hạ liệt tánh làm chướng nạn lúc tu đạo của đệ nhị thiền định. Khi hành giả tu tập thiền định này, có thể được quả báo đối với đệ tam thiền thiên. Tiến lên bậc cuối cùng của tứ thiền, vì hành giả ở nơi này đã lìa thoát diệu lạc của đệ tam thiền thiên mà chỉ có thể tu dưỡng công đức, nên ở đây gọi là “Xả niệm thanh tịnh địa”. Đó là trạng thái thiền trong thiền định đệ tứ mà hành đã đạt được trong đệ tứ thiền.



Add Comment