Primary Menu
Secondary Menu

Ý NGHĨA VU LAN BỒN

Ý NGHĨA VU LAN BỒN

Ý nghĩa của Vu lan Bồn là gì? và tại sao ngày Rằm tháng Bảy còn gọi là ngày lễ Tự tứ? Vậy ý nghĩa của hai chữ Tự tứ là gì?

Vu lan Bồn, phiên âm từ chữ Phạn là Uilambana (Hành sự). Còn gọi là Ô lam bà noa. Dịch là Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực. Trong quyển Huyền Ứng Âm Nghĩa 13 có giải thích như sau: “Vu lan Bồn, là nói sai. Nói đúng là Ô lam bà noa, dịch là Đảo huyền.

Theo phép nước Tây Trúc vào ngày Tự tứ của chư tăng, người ta mua sắm thực phẩm, đặt cổ bàn linh đình, dâng cúng Phật tăng để cứu cái khổ treo ngược (đảo huyền) của người đã mất. Xưa nói là một cái chậu đựng thức ăn, đó là nói sai”. Vu Lan Bồn Kinh Sớ Tông Mật nói: “Vu lan là từ ngữ của Tây Vực, nghĩa là Đảo huyền, bồn là âm của Đông Hạ vẫn là đồ dùng cứu chữa. Nếu theo cách nói của địa phương thì phải nói là cứu đảo huyền bồn.”

Trong quyển Vu lan Bồn Tâm Ký quyển thượng của Nguyên Chiếu bác lại: “Theo Ứng Pháp Sư Kinh Âm Nghĩa thì: Tiếng Phạn Ô lam bà noa dịch là đảo huyền, nay xét Ô Lan tức là Vu lan, Bà noa là cái chậu. Thế là 3 chữ đều là tiếng Phạn. Nhưng âm thì có sự xê xích sai lầm.” Đó là ý nghĩa của 3 chữ Vu lan Bồn.

Còn Tự tứ là gì? Tự tứ là một thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn là Pravaranà (Bát Thích Bà) cách dịch cũ là Tự tứ, cách dịch mới là Tùy ý. Buổi lễ này được diễn ra vào ngày cuối cùng của 3 tháng an cư kiết hạ, theo luật tiền an cư là ngày 16 tháng Bảy, hậu an cư là ngày 16 tháng Tám, ngày đó mọi người tự nêu ra các tội lỗi mà mình đã phạm phải trước mặt các vị Tỳ kheo khác, và tự sám hối, nên gọi là Tự tứ. Còn gọi là Tùy ý, vì là tùy theo ý của người khác mà nêu ra các lỗi mình phạm phải, nên gọi là Tùy ý. (Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 1447)

Đó là chúng tôi trích dẫn nguyên văn trong quyển Từ điển Phật học Hán Việt để giải thích ý nghĩa của 2 chữ Tự tứ. Ở đây, chúng tôi cũng xin được nói rõ thêm về ý nghĩa của buổi lễ quan trọng này. Đây là một buổi lễ mà chư tăng, ni sau 3 tháng an cư kiết hạ, ai có lỗi lầm gì phải tự phát lồ sám hối trước đại chúng. Hoặc đại chúng thấy, nghe, hay nghi vị nào đó có phạm tội lỗi, thì có thể chỉ bảo cho vị đó sám hối.

Quả đây là một tinh thần tự giác cao độ của đạo Phật. Thông thường, ai cũng che đậy những lỗi lầm của mình, ít ai dám phơi bày cái lỗi lầm của mình cho người khác biết. Bởi thế có câu: “Xấu che, tốt khoe.”

Ngược lại, đằng này chư tăng, ni không vì tự ái bản ngã cá nhân, mà tự thổ lộ những điều sái quấy của mình trước mặt mọi người. Bởi do sự thành thật chỉ lỗi cho nhau trong tinh thần hòa ái, tương kính, nên chư Phật trong mười phương hết thảy đều hoan hỷ. Do đó, nên ngày này còn gọi là Ngày Phật hoan hỷ là như thế.

Thích Phước Thái
Sưu tầm từ phatgiao.org.vn



Add Comment