Hiểu về Tam Giới để tìm con đường GIẢI THOÁT

Đức Phật chuyển pháp luân thuyết tứ diệu đế
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển pháp luân có niên đại khoảng thế kể thứ 4 SCN

Tam giới (tiếng Phạn: Triloka, còn gọi là Tam hữu hoặc Ba cõi) nói về những cảnh giới trong vòng sinh tử luân hồi. Kinh sách dạy rằng, tất cả mọi loài chúng sinh đều có sẵn Phật tính, nhưng do bị các kiến chấp sai lạc làm cho nhận thức mờ tối khiến họ không tự phát hiện, thắp sáng được khả năng giác ngộ ấy.

Vì vậy, họ cứ phải quanh quẩn mãi trong Tam giới và bị phiền não chi phối. Chỉ khi nào đạt quả vị giác ngộ thì mới giải thoát ra khỏi Tam giới, tức là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Tam giới bao gồm: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

A. TAM GIỚI

I. CÕI DỤC GIỚI

(zh. 欲界; s, p: kāmaloka, kāmadhātu, bo. `dod khams འདོད་ཁམས་, `dod pa`i khams འདོད་པའི་ཁམས་)

Dục giới là cõi của thực phẩm, ước muốn vật chất và ham vọng thể xác. Chúng sinh ở cõi Dục giới tuy hưởng dục lạc khác nhau (ở cõi trên thì sung sướng hơn cõi dưới), nhưng nói chung đều chịu những nỗi khổ: hành khổ (không thoát được luân hồi, đã sinh ra thì phải có lúc chết đi), hoại khổ (thể xác và những dục lạc được hưởng rồi sẽ mất đi chứ không duy trì được mãi), bất tác ý khổ (không đạt được ham muốn nên buồn khổ). Những chúng sinh ở 3 cõi thấp (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) thì gần như không có sung sướng mà chỉ có khổ đau.

Các loài chúng sinh trong giới Dục này gồm có 6 nẻo

1. Địa ngục (zh. 地獄, sa. naraka)

Cõi này có màu sắc tối mờ hắc ám ghê sợ. Đây là nơi dành cho những linh hồn mà lúc còn sống là những kẻ đại gian ác, vô lương tâm, những kẻ chuyên tàn sát, khủng bố, những kẻ gây tai họa đau thương nghiệt ngả cho vô số đồng loại. Theo Tử Kinh Tây Tạng thì khi Hồn tới một nơi mà cảnh trí nơi đó tối tăm thấp thoáng những căn nhà màu đen, trắng xen kẻ, hay lẫn lộn kề bên những hố sâu thăm thẳm thì đó chính là cõi địa ngục. Sau khi chết tùy theo nghiệp lực còn hay hết mà được tái sinh trở lại làm người hay phải đọa là súc vật hoặc quỷ đói.

2. Ngạ quỷ/Quỷ đói (zh. 餓鬼, sa. preta)

Đây là cõi giới của những linh hồn mà khi còn sống đã rất tham lam, gian manh cướp của làm của riêng mình, vu khống đoạt tình… thấy người đói khát mà lòng không mảy may thương xót, còn đánh đập xua đuổi. Màu sắc nơi cõi ngạ quỷ là màu đỏ bầm dữ tợn. Cõi này là cõi thê thảm nhất, khổ cực nhất trong 6 nẻo. Địa Tạng Bồ Tát thường ghé qua cõi này để bố thí, cứu khổ cứu nạn mong luân chuyển nghiệp chướng cho những sinh linh tội lỗi, lầm lạc có cơ hội hồi hướng chuyển sang cõi khác.

3. Súc sinh/Loài thú (zh. 畜生, sa. paśu)

Đây là cõi giới của những loài động vật, chúng chỉ biết sống theo bản năng. Theo Tử Kinh Tây Tạng thì người mới chết khi “hồn” còn ngơ ngác thấy những vùng đất trải dài đầy hang lỗ, động đá thế là hồn đang ở ngưỡng cửa của cõi Súc sinh. Màu sắc cõi này màu xám mờ mờ. Ở cõi này cái chết thường kết thúc bi thảm do loài này ăn thịt loài kia một cách dã man. Sau khi chết tùy theo nghiệp lực đã tạo trước đó tốt hay xấu mà được chuyển kiếp hoặc lại bị đọa trở lại cõi này.

4. Loài người (zh. 人世, sa. nāra)

Loài Người có tâm ý phát triển cao nhất, là cảnh giới có khổ đau và hạnh phúc lẫn lộn. Bởi vậy, các vị Bồ tát thường chọn sinh vào thế giới loài Người, nơi có nhiều hoàn cảnh thuận lợi, để phụng sự chúng sinh và tu tập các pháp môn cần thiết sau cùng để thành tựu quả Phật. Màu sắc ở cõi người thường là mây vàng không chói sáng mà sáng đục. Sau khi chết tùy theo nghiệp lực đã tạo lúc sống là lành hay ác mà có thể được tái sinh trở lại làm người hay sinh lên cõi Trời hoặc bị đọa vào các cõi dưới.

5. A-tu-la (zh. 阿修羅, sa. asura)

Đây là nơi hiện diện của những linh hồn của những con người mà khi còn sống thường kiêu hãnh vì được nhiều người kính nể do có công tu hành, học hỏi, luyện tập, cố gắng. Tuy nhiên họ lại là người tham danh lợi, thích tiếng khen, tự đắc, huênh hoang. Ví dụ như người tu hành tới cấp cao nhưng lại Tham – Sân – Si, thích tán tụng công đức, mỗi bước đi có lọng tàng che, chung quanh đầy kẻ hầu người hạ, thích được mọi người bái lạy, tôn xưng… Những tính cách ấy đã tạo thành Nghiệp mà khi qua đời phải đọa vào cõi A Tu La. Về màu sắc thì cõi Atula thường mơ hồ, phảng phất màu xanh lá cây. Sau khi chết tùy theo nghiệp lực đã tạo lúc sống là lành hay ác mà có thể được tái sinh trở lại hay được sinh về cõi Trời hoặc bị đọa vào các cõi khác.

6. Cõi trời ở Cõi dục (lục dục thiên 六欲天)

Nơi thanh thoát an vui dành cho những người khi sống làm điều phước thiện tốt lành cũng như những đời trước đó đã tạo phước đức, tu niệm chân chính. Cảnh trí ở đây trong sáng tươi vui, không có sự lo buồn, tức giận, đau khổ hay chán chường. Cõi trời tuy hưởng được nhiều phước báo hơn Loài Người, nhưng vẫn là những phước báo tạm bợ và trí tuệ thì không hơn Loài Người. Sau khi chết tùy theo nghiệp lực đã tạo lúc sống là lành hay ác mà có thể được tái sinh trở lại hoặc bị đọa vào các cõi dưới.

    • Trời Tứ thiên vương (zh. 四天王, sa. cāturmahārājika);
    • Trời Đao lợi[1] (忉利) hay trời Ba mươi ba (zh. 三十三天, sa. trayastriṃśa);
    • Trời Dạ-ma (zh. 夜摩, sa. yāmadeva) hoặc trời Tu-dạ-ma (zh. 須夜摩天, sa. suyāma);
    • Trời Đâu-suất (zh. 兜率天, sa. tuṣita);
    • Trời Hoá lạc (zh. 化樂天, sa. nirmāṇarati);
    • Trời Tha hoá tự tại (zh. 他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti);

II. CÕI SẮC GIỚI

(zh. 色界, sa. rūpaloka, rūpadhātu, bo. gzugs khams གཟུགས་ཁམས་)

Chúng sinh ở cõi Sắc giới không phải chịu bất tác ý khổ (không đạt được ham muốn nên buồn khổ) bởi họ đã trừ hết những ham muốn về giới tính, thể xác. Nhưng họ vẫn chịu hành khổ (không thoát được luân hồi), hoại khổ (do vẫn có thể xác nên thể xác đó rồi cũng tới lúc phải hư hoại rồi chết). Các chúng sinh ở đây đều đã chấm dứt mọi ham muốn giới tính, không cần ăn uống, nhưng còn có thân xác và khoái lạc tinh thần. Đây là thế giới của những người đã đạt tới cõi Thiền (sa. dhyāna).

Sắc giới gồm bốn cõi, mỗi cõi lại được chia thành nhiều cõi trời khác nhau. Những người tu thiền đã đạt đến Tứ thiền định, khi thọ mạng hết thì tùy mức chứng đắc mà có thể sinh vào 1 trong 4 xứ này (ví dụ: người chứng đắc được Nhị thiền thì sẽ tái sinh vào cõi Nhị thiền trong Sắc giới).

1. Trời Sơ thiền

Các vị Phạm Thiên ở các cõi này có thân thể khác nhau, nhưng cách suy nghĩ thì đều giống nhau, và trong tám thức thì không còn có tị thức và thiệt thức hoạt động.

Có ba cõi sau:

    • Trời Phạm thân (zh. 梵身天, sa. brahmakāyika): Các vị trời tùy tùng của các vị Phạm Thiên;
    • Trời Phạm phụ (zh. 梵輔天, sa. brahmapurohita): Các vị trời thân cận các vị Phạm Thiên;
    • Trời Đại phạm (zh. 大梵天, sa. mahābrahmā): Các vị Phạm Thiên có nhiều hạnh phúc, đẹp đẽ, tuổi thọ cao nhất trong cõi Sơ thiền.

Có hệ thống ghi thêm cõi trời thứ tư của trời Sơ thiền là trời Phạm chúng (zh. 梵眾天, sa. brahmaparśadya).

2. Trời Nhị thiền

Cõi Nhị thiền này có rất nhiều ánh sáng. Các vị Phạm Thiên ở đây đều có thân thể giống nhau nhưng cách suy nghĩ thì khác nhau, và trong tám thức thì từ cõi Nhị thiền này trở lên, cả năm thức cảm giác đều không còn hoạt động.

Có ba cõi sau:

    • Trời Thiểu quang (zh. 少光天, sa. parīttābha): các vị Phạm Thiên có chút ít ánh sáng;
    • Trời Vô lượng quang (zh. 無量光天, sa. apramāṇābha): các vị Phạm Thiên có ánh sáng vô cùng;
    • Trời Cực quang tịnh (zh. 極光淨天, sa. abhāsvara, kiểu dịch cũ là trời Quang âm (zh. 光音天): các vị Phạm Thiên có ánh sáng rực rỡ.

3. Trời Tam thiền

Cõi Tam thiền này mọi sự đều thanh tịnh, cả thân và tâm của các vị Phạm Thiên đều hoàn toàn giống nhau

Bao gồm:

    • Trời Thiểu tịnh (zh. 少淨天, sa. parīttaśubha): có hào quang nhỏ;
    • Trời Vô lượng tịnh (zh. 無量淨天, sa. apramāṇaśubha): có hào quang vô hạn;
    • Trời Biến tịnh (zh. 遍淨天, sa. śubhakṛtsna): có hào quang không xao động.

4. Trời Tứ thiền

Chúng sinh sống trong cảnh giới thiền định sâu xa, hoàn toàn tịch tịnh, chẳng những năm thức cảm giác mà cả ý thức cũng không còn hoạt động nữa.

Gồm có:

    • Trời Vô vân (zh. 無雲天, sa. anabhraka): cảnh giới quang đãng;
    • Trời Phúc sinh (zh. 福生天, sa. puṇyaprasava): cảnh giới trường cửu;
    • Trời Quảng quả (zh. 廣果天, sa. bṛhatphala): hưởng phước báo rộng lớn;
    • Trời Vô tưởng (zh. 無想天, sa. asāṃjñika): hoàn toàn tinh khiết;
    • Trời Vô phiền (zh. 無煩天, sa. avṛha): hoàn toàn thanh tịnh;
    • Trời Vô nhiệt (zh. 無熱天, sa. atapa): cảnh giới đẹp đẽ;
    • Trời Thiện kiến (zh. 善見天, sa. sudarśana): hoàn toàn tự tại;
    • Trời Sắc cứu kính (zh. 色究竟天, sa. akaniṣṭha): cảnh giới tối thượng;
    • Trời Hoà âm (zh. 和音天, sa. aghaniṣṭha): không còn tư tưởng;
    • Trời Đại tự tại (zh. 大自在天, sa. mahāmaheśvara).

Có sách xếp trời Vô tưởng, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu kính, trời Hoà âm thuộc trời Tịnh phạm (zh. 淨梵天), không thuộc về trời Tứ thiền.

III. CÕI VÔ SẮC GIỚI

(zh. 無色界, sa. arūpaloka, arūpadhātu, bo. gzugs med khams གཟུགས་མེད་ཁམས་, gzugs med kyi khams གཟུགས་མེད་ཀྱི་ཁམས་)

Thế ở cõi này được tạo dựng thuần túy bằng tâm thức trú trong các cảnh giới thiền định thâm diệu, hoàn toàn không còn có vật chất, hình thể, cho nên cũng không có tướng nam nữ, không có dục vọng. Đây là cõi cao nhất trong ba cõi. Các chúng sinh ở đây không còn thân xác vật chất mà chỉ tồn tại dưới dạng ý thức, họ đã chấm dứt mọi ham muốn và khoái lạc, tinh thần.

Vô sắc giới gồm:

  • Xứ Không vô biên (zh. 空無邊處, sa. ākāśanantyāyatana): Cảnh giới của các vị trời chỉ thấy có không gian vô biên, đã đạt được và đang an trú trong trạng thái thiền định gọi là không vô biên xứ định.;
  • Xứ Thức vô biên (zh. 識無邊處, sa. vijñānanantyāyatana): Cõi chỉ thấy có tâm thức vô biên, là cảnh giới của chư thiên đã đạt được và đang an trú trong trạng thái thiền định gọi là thức vô biên xứ định;
  • Xứ Vô sở hữu (zh. 無所有處, sa. ākiṃcanyāyatana): Cõi này không còn có bất cứ một hiện tượng gì, là cảnh giới của chư thiên đã đạt được và đang an trú trong trạng thái thiền định gọi là vô sở hữu xứ định;
  • Xứ Phi tưởng phi phi tưởng (zh. 非想非非想處, sa. naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana): Cõi này không có tri giác mà cũng không phải là không có tri giác, là cảnh giới của chư thiên đã đạt được và đang an trú trong trạng thái thiền định gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ định..

Hành giả tu học thiền đến cảnh giới cao, trên mức tứ thiền định (từ Không vô biên xứ trở lên) có thể sinh vào bốn xứ này.

Chúng sinh ở cõi Vô Sắc giới không phải chịu bất tác ý khổ (không đạt được ham muốn nên buồn khổ) bởi họ đã trừ hết những ham muốn về giới tính, thể xác. Họ cũng không phải chịu hoại khổ (do không còn thể xác nên không lo bản thân bị hư hoại). Nhưng họ vẫn chịu hành khổ (không thoát được luân hồi), tức là đến một lúc nào đó tuổi thọ của họ sẽ hết và họ sẽ phải chết đi, luân hồi sang kiếp khác.

B. ĐỨC PHẬT DẠY

Dù ở cõi nào, hạnh phúc hay khổ đau, hạnh phúc ít hay nhiều, thọ mạng dài hay ngắn thì vẫn chưa phải là “hoan hảo”, đặc biệt là khi hưởng hết cái quả hạnh phúc ấy thì khi thọ mạng đã hết vẫn có thể bị tái sanh trở lại vào các cõi khổ đau hơn.

Đức Phật đã từng khẳng định rằng: “Như Lai chỉ dạy có mỗi một điều mà thôi, đó là khổ đau và con đường để chấm dứt khổ đau”.

Bài kinh đầu tiên Đức Phật thuyết giảng ngay sau khi thành đạo là bài kinh Chuyển Pháp Luân nói về Tứ Diệu Đế. Và bài kinh cuối cùng trước khi Như Lai nhập Niết Bàn cũng là bài kinh nói về Tứ Diệu Đế. Vì Như Lai muốn nhắc nhở chúng đệ tử cần phải ghi nhớ và học tập Tứ Diệu Đế. Vì đây là cốt lõi, là nền tảng, là khung xương của hệ thống giáo lý Phật Pháp. Giải thích về khổ đau và con đường giải thoát khổ như thế nào cũng đều nằm trọn  trong Tứ Diệu Đế.

Nghiệp của mỗi người là do tự bản thân mỗi người tạo ra, có thể ở kiếp trước hoặc trong kiếp này. Và việc giải nghiệp thì tự bản thân mỗi người phải nỗ lực tu tập để cứu lấy chính mình. Không có bất cứ ai khác có thể can thiệp vào nghiệp của mình, bao gồm cả Đức Phật Thích Ca hay bất cứ vị Phật, Bồ tát nào khác, và cũng đừng mong chờ ai đó giúp giải nghiệp vì điều đó là đi ngược giáo lý của Đức Phật đã dạy trong suốt 45 năm hoằng pháp.

Dù quý vị tu tập theo Pháp môn nào, tông phái nào thì hãy luôn quán chiếu về Tứ Diệu Đế, nếu thấy không đúng theo Tứ Diệu Đế hoặc nằm trong hoặc phát triển Tứ Diệu Đế thì KHÔNG PHẢI PHẬT PHÁP.

Còn nữa ….

Biên tập và Sưu tầm bởi Thanh Tịnh Lưu Ly
Cập nhật lần cuối: 18/01/2021



Add Comment