Cuộc đời Đức Phật: 03. Từ hạ thứ nhất đến hạ thứ 5

CUỘC ĐỜI
ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005)
Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh
Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội:
Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai
—o0o—

Mục lục

CHƯƠNG III – TỪ HẠ THỨ NHẤT ĐẾN HẠ THỨ NĂM

Ðây là giai-đoạn thành lập Giáo-Hội Tăng-Già và Giáo-Hội Tỳ-kheo-ni. Trong giai đoạn này, đức Phật huấn luyện các đệ tử nồng cốt, thuyết phục để được sự ủng hộ của những nhân vật có thế lực về chính-trị cũng như về tôn-giáo, thành lập bốn tinh xá lớn làm cơ sở tu học cho tăng ni. Ðó là: Venuvana[1] (Veluvana,Trúc Lâm) tại thủ đô Rajagriha của xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), Jetavana (Kỳ Viên) tại thủ đô Sravasti của xứ Kosala (Kiều-tát-la), Mahavana (Ðại Lâm) tại thủ đô Vesali của xứ Vajji (Bạt-kỳ), Nigrodha (Ni-câu-đà) tại thủ đô Kapilavastu của xứ Sakya. Thời bấy giờ Magadha và Kosala là hai xứ lớn nhất ở lưu vực sông Ganga. Vua Bimbisara xứ Magadha và vua Pasenadi xứ Kosala đều trở thành hai thiện tín nhiệt thành của đức Phật.

1- Hạ thứ nhất tại Lộc-Uyển (năm -589)

Ðến ngày trăng tròn tháng bảy dương lịch, Phật nhập Hạ[2] đầu tiên với mười vị đệ tử A-la-hán tại Lộc Uyển, trong làng Isipatana hiện nay là Sarnath. Hiện nay có chùa Mulagandhakuti do ngài Anagarika Dharmapala (Pháp Hộ) khởi công xây cất vào năm 1922 để kỷ niệm nơi Phật nhập Hạ lần đầu. Nơi đây là một địa điểm thiêng liêng của Phật giáo, là một trong Bốn Ðộng Tâm (Nơi Phật giáng sanh, thành đạo, thuyết pháp lần đầu, và nơi Phật nhập niết-bàn), vừa là nơi Phật chuyển pháp luân (thuyết pháp lần đầu), vừa là nơi xuất phát Giáo Hội Tăng Già với đầy đủ Phật, Pháp, Tăng. Vào năm 244 trước tây lịch, đại đế Asoka đến hành hương nơi thánh địa này, có cho xây cất một số đền đài và một trụ đá kỷ-niệm, trên đầu trụ có tượng đá sư tử bốn mặt đội “Bánh Xe Pháp Bảo” (Dharmacakra) tuyệt đẹp, ngày nay vẫn còn được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Sarnath. Hình sư tử bốn mặt được dùng làm biểu tượng chánh thức của xứ Ấn. Ông Jawaharlal Nehru viết: “Tại Sarnath, gần Benares, dường như tôi vẫn còn thấy Ðức Phật đang thuyết giảng bài pháp đầu tiên, và những lời dạy của ngài văng vẳng từ xa vang lại, đang còn thì thầm bên tai tôi, xuyên qua hai ngàn năm trăm năm. Trụ đá Asoka với những lời ghi khắc trên đó dường như nói lên cho tôi bằng những ngôn từ tuyệt mỹ về một con người, mặc dù cũng là hoàng đế, nhưng vĩ đại hơn bất luận vua chúa hay hoàng đế nào.” (The Discovery of India, trang 44; Calcutta, Signet Press 1946).

Năm mươi người bạn khác của ông Yasa xin xuất gia[3]

Trong mùa hạ này, 50 người bạn khác của ông Yasa, tất cả đều thuộc các gia đình nổi tiếng nhứt trong vùng, cũng đến nghe Phật thuyết pháp, đắc quả A-la-hán và xin xuất gia tỳ-kheo, nâng số đệ tử Phật lên 60 vị, đều là bậc A-la-hán.

Phật trao sứ mệnh hoằng pháp cho các vị tỳ-kheo

Ðến ngày mãn hạ, Ðức Phật gọi các đệ tử đến bảo:
– Này các tỳ-kheo, Như-Lai đã thoát ra khỏi mọi ràng buộc, dù ở cảnh người hay cảnh trời. Các thầy cũng vậy, này các tỳ-kheo, các thầy cũng đã thoát ra khỏi mọi ràng buộc, dù ở cảnh người hay cảnh trời. Các thầy hãy ra đi đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ-bi, các thầy hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Các thầy hãy đi mỗi người một ngả, hoằng dương Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo về cả hai phương diện tinh-thần và văn-tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng vừa toàn thiện vừa trong sạch.
Có những chúng sanh vướng ít nhiều cát bụi trong mắt, nếu không nghe được Giáo Pháp sẽ sa đọa. Cũng sẽ có những người am hiểu được Giáo Pháp.
Chính Như-Lai cũng đi, Như-Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Sananigama để hoằng dương Giáo Pháp.
Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo Pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Ðược vậy là các thầy đã hoàn tất nhiệm vụ.
– Bạch đức Thế-Tôn, Ðại-đức Kondanna nói, xin ngài chỉ dạy chúng con cách làm lễ xuất gia cho người phát tâm tu học.
– Quý thầy đã từng thấy Như-Lai làm lễ xuất gia cho nhiều người rồi; vậy quý thầy cứ làm như thế.
– Bạch đức Thế-Tôn, Ðại-đức Assaji nói, oai-đức ngài rất lớn nên không cần nghi thức rườm-rà. Nhưng đối với chúng con, một nghi thức tối thiểu để sử dụng trong lúc làm lễ xuất gia rất là cần thiết. Xin sư huynh Kondanna đề nghị một nghi thức đơn giản, rồi nhờ đức Thế-Tôn chỉ dạy thêm.
– Bạch đức Thế-Tôn, Ðại-đức Kondanna nói, theo con nghĩ, trước hết nên cho giới tử cạo sạch râu tóc, mặc áo cà-sa, rồi theo nghi lễ quỳ xuống trước mặt vị tỳ-kheo truyền giới, chấp tay thành khẩn lập lại ba lần như thế này: ” Con xin quy y Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời này. Con xin quy y Pháp, con đường của tình thương và sự giác-ngộ. Con xin quy y Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh-thức.” Bạch đức Thế-Tôn, con mạo muội đề nghị như thế, không biết con có phạm vào lỗi-lầm nào không?
– Nghi-thức thầy đề-nghị hay lắm, Như-Lai xác nhận với đại chúng: Quỳ đọc ba lần tam quy dưới chân một vị tỳ-kheo thì có thể trở nên một vị tỳ-kheo.
Ðại chúng hoan-hỷ tuân theo lời Phật dạy.

Ông Punna Mantaniputta và 29 người bạn xuất gia[4]

Sau ngày mãn hạ, đức Phật đi từ Isipatana về Uruvela. Trên khoảng đường từ Isipatana đến Benares, lúc đức Phật dừng chân, ngồi dưới cội cây, trong một cụm rừng nhỏ Kappasika[5], có ba mươi thanh niên vui vẻ trẻ trung cũng dắt vợ đến chơi trong cụm rừng ấy. Một trong ba mươi người đó không vợ nên dắt theo một người bạn gái. Trong khi ai nấy xuống sông tắm, vui đùa với nhau, thì cô bạn gái bỏ đi, lén đem theo các món đồ quí giá của mấy người kia. Ðến lúc hay ra, mọi người cùng nhau chạy đi tìm kiếm trong rừng. Gặp đức Phật, họ đến gần, hỏi thăm ngài có thấy một người phụ-nữ chạy ngang qua đó không. Ðức Phật hỏi lại:
– Theo ý các ông thì nên tìm một người phụ-nữ hay nên tìm ra thực ngã của mình là hơn?
– Thưa sa-môn, tìm ra thực ngã của mình hẳn là hơn.
– Vậy các ông hãy ngồi lại đây, Như-Lai sẽ giảng Giáo-pháp cho các ông.
– Chúng con xin nghe.
Ba mươi thanh niên cung kính đảnh lễ rồi ngồi xuống chăm chỉ nghe. Sau khi nghe đức Phật giảng về Vọng-Ngã, Chơn-Ngã và Tứ Diệu Ðế, cả ba mươi thanh niên ấy lấy làm hoan-hỉ, liền xin xuất gia theo Phật. Sau khi làm lễ xuất gia, Phật bảo tất cả đến Lộc-Uyển gặp thầy Kondanna, xin thầy cho cạo bỏ râu tóc, khoác áo khất-sĩ và thọ lãnh những lời chỉ dẫn tu học; đến tháng bảy năm sau sẽ gặp lại Phật tại Rajagriha (Vương-Xá) để nhập Hạ. Trong nhóm 30 thanh niên nầy có một vị tên Punna Mantaniputta (Purana Maitrayaniputra[6],Phú-Lâu-Na Di-Ða-La-Ni-Tử) về sau được Phật xác nhận là vị tỳ-kheo thuyết pháp hay nhất trong số các đệ-tử Phật.
Số đệ-tử Phật từ nay được 90 vị.

Ông Uruvela Kassapa, 2 người em, và 1000 đệ tử xuất gia[7]

Ðộ mười ngày sau, đức Phật đến Uruvela (vùng Bodhgaya). Nơi đây có ba anh em tu khổ hạnh, thờ thần Lửa. Người anh cả là Uruvela Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-Diếp) có 500 đệ-tử, người anh kế là Nadi Kassapa (Na-đề Ca-Diếp) có 300 đệ-tử, và người em út là Gaya Kassapa (Già-da Ca-Diếp) có 200 đệ-tử. Các tiếng Uruvela, Nadi, Gaya chỉ nơi cư trú của mỗi người. Ba vị này tu theo đạo Bà-la-môn, thờ Thần Lửa. Họ sống trong những túp lều dựng bằng cành cây và lá cây. Áo của họ mặc làm bằng vỏ cây. Tóc để dài thắt thành bính hoặc bới trên đỉnh đầu. Họ không đi khất thực nhưng tiếp nhận các thức cúng dường của dân chúng từ các làng mạc trong vùng. Họ tự nấu nướng lấy. Họ cũng chăn nuôi súc vật để ăn và để cúng tế. Ðạo-sĩ Uruvela Kassapa đã trên 100 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh. Ông là người tinh thông ba bộ kinh Vệ-đà, sống một cuộc đời đức hạnh gương mẫu, và tự tin rằng mình đã chứng quả A-la-hán. Ông rất được hai người em tôn kính. Những buổi giảng đạo của ông được dân chúng địa phương đến tham dự rất đông.
Ðức Phật đến viếng vị này trước nhất. Tôn giả Uruvela Kassapa thấy vị sa-môn còn trẻ mà đạo phong uy-nghiêm cũng đem lòng quý mến. Sau một lúc đàm đạo, ông hoảng hốt nhận thấy rằng có những tư-tưởng trong kinh Vệ-đà mà ông chưa nắm vững được. Vị sa-môn này đã chỉ cho ông những chỗ uyên-áo (rất khó hiểu) của các bộ Atharvaveda và Rigveda. Lạ hơn nữa là khi nói đến các môn ngữ-học, văn pháp, sử truyện và mười tám pháp tế-tự của đạo Bà-la-môn, không có điều gì mà vị sa-môn này không thông.
Trưa hôm ấy, đức Phật nhận lời thọ ngọ trai với Uruvela Kassapa. Xếp áo cà-sa lại làm bốn để trải thành tọa cụ trên bờ cỏ, đức Phật ngồi đoan trang thọ trai trong im lặng. Uruvela Kassapa cũng giữ sự yên lặng đoan trang để thọ trai bên cạnh vị khách sa-môn.
Chiều hôm ấy, trong khi đàm đạo với Uruvela Kassapa, đức Phật hỏi:
– Này hiền giả, hiền giả hãy nói cho tôi biết vì sao Thần Lửa lại có thể đem lại cho chúng ta sự giải thoát?
– Sa-môn Gotama, sau một lúc im lặng suy nghĩ tôn giả Kassapa đáp, lửa là bản chất uyên nguyên của vũ-trụ. Lửa có nguồn gốc từ Phạm-thiên (Brahma). Vì vậy trong các điện thờ, hình tượng Phạm-thiên luôn luôn được đặt vào vị trí trung-ương. Kinh Atharvaveda có nói về phép thờ Lửa. Lửa là sự sống. Nếu không có lửa thì không có sự sống. Lửa là ánh sáng, là hơi ấm, là nguồn năng lượng làm phát sinh ra cây cối, muông thú và con người. Lửa phá tan bóng tối, phá tan sự lạnh lẽo, đem tới nguồn vui và sự sinh trưởng của vạn vật. Thức ăn nhờ lửa mà trở nên tinh-khiết. Con người nhờ lửa mà trở về hợp nhất được với Brahma. Vì lửa là sự sống nên lửa chính là Brahma vậy. Thần lửa Agni cũng chỉ là một trong muôn ngàn biểu hiện của Brahma. Trong hỏa viện, thần lửa Agni thường được biểu hiện như có hai cái đầu: một đầu biểu trưng cho lửa thường dùng hằng ngày và một đầu biểu trưng cho lửa của sự tế lễ và trở về nguyên thể. Có tới bốn mươi bốn phép tế lửa. Người đạo-sĩ thờ lửa phải giữ giới, phải khổ hạnh và phải chuyên cần tu tập mới có đủ tư cách duy trì Thần Lửa và làm sáng tỏ con đường giải-thoát.
– Tôn giả Kassapa, đức Phật hỏi tiếp, ngài nghĩ thế nào về những người cho rằng nước là bản chất đầu tiên của sự sống, nước bắt nguồn từ Brahma, và nước có công năng làm cho con người trở nên thanh-tịnh để trở về hợp nhất với Brahma (Phạm-thiên)?
Uruvela Kassapa im lặng. Ông nghĩ đến hằng triệu người, ngay trong giờ phút này, đang tắm trong nước sông Hằng (Ganga) và trong những dòng sông, hồ nước linh thiêng khác, mong rửa sạch được mọi tội-lỗi và nghiệp chướng để sau này có thể trở về với Brahma. Một lát sau, ông nói:
– Sa-môn Gotama, nước không thật sự giúp ta siêu thoát được. Nước đi xuống, trong khi lửa bốc lên. Khi ta chết, thân xác ta nhờ lửa mà bay lên thành khói …
– Tôn giả Kassapa, ngài nói như vậy e không đúng. Ðám mây trắng đang bay trên trời kia cũng là nước đấy. Nước cũng có thể bay lên. Khói cũng là hơi nước. Cả hai thứ mây và khói đều sẽ phải trở lại mặt đất. Vạn vật, như ngài đã biết, luôn luôn luân chuyển tuần hoàn.
– Nhưng vạn vật đều có một nguồn gốc, và có thể trở về nguồn gốc ấy.
– Tôn giả Kassapa, vạn vật nương nhau mà có mặt. Tôn giả hãy nhìn chiếc lá trong tay tôi đây. Hạt giống là nhân, đất, nước, hơi nóng, đám mây, mặt trời, thời gian, không gian … đều là duyên giúp cho chiếc lá này có mặt. Thiếu một trong các duyên ấy thì chiếc lá này sẽ khác đi hoặc không thành. Tất cả các loài đất đá, thảo mộc và cầm thú đều theo luật nhân duyên sinh ấy. Nguồn gốc của một vật là vạn vật. Tôn giả hãy quán sát kỹ xem. Có bao giờ chỉ có một nhân đơn độc mà đưa tới được một quả đâu. Phải có đủ nhân duyên hòa hợp mới sanh ra quả. Ý niệm về một nguyên nhân duy nhất đầu tiên là một vọng tưởng do vọng chấp thiếu nhận xét mà ra. Này tôn giả, chiếc lá trong tay tôi đây là do tất cả các pháp trong vũ-trụ họp lại để tạo thành, trong đó có nhận thức của tôn giả.
Vị đạo-sĩ Bà-la-môn im lặng.
Trời đã tối. Ðạo-sĩ Uruvela Kassapa mời Phật ngủ lại trong túp lều của ông. Nhưng đức Phật ngỏ ý muốn được nghỉ đêm một mình trong hỏa viện. Vị đạo-sĩ Bà-la-môn nói:
– Mấy hôm nay có một con rắn lớn vào ẩn trong hỏa viện, đuổi thế nào nó cũng không đi. Sa-môn Gotama không nên nghỉ đêm trong đó, có thể bị nguy hiểm. Chính vì con rắn kia mà lâu nay chúng tôi đã phải lập tế đàn ngoài trời để hành lễ. Xin ngài nghỉ đêm tại đây cho an-toàn.
– Tôn giả an tâm. Tôi xin được nghỉ đêm trong hỏa viện. Chắc cũng không sao đâu.
– Sa-môn đã muốn nghỉ đêm tại hỏa viện thì xin cứ tự tiện. Ngài muốn ở đó bao lâu cũng được.
Ðêm ấy đức Phật nghỉ trong hỏa viện. Trên bàn thờ trung ương, lửa được nuôi bằng nhiều ngọn đèn, mỗi ngọn đèn có nhiều bấc. Góc bên trái có một đống gỗ lớn, có lẽ đây là gỗ chiên-đàn dùng để đốt lên mỗi khi hành lễ. Ðức Phật nghĩ nếu có một con rắn ở trong hỏa viện thì chắc nó ẩn mình trong đống gỗ. Ngài chọn góc đối diện, xếp áo cà-sa làm bốn, trải xuống làm tọa cụ và bắt đầu ngồi thiền định. Ðến khuya, đức Phật thấy một con rắn thật lớn nằm khoanh tròn giữa hỏa viện, ngài lên tiếng nhỏ nhẹ nói:
– Rắn ơi, hãy đi ra ngoài rừng ở cho an ổn, đừng ở đây sẽ nguy hiểm đến tánh mạng.
Giọng nói của Phật chứa đầy tinh thương và sự hiểu biết. Con rắn từ từ trườn đi về phía cửa. Ðức Phật cũng ngả lưng xuống tọa cụ. Khi Phật thức giấc thì ánh trăng khuya chênh chếch chiếu qua khung cửa sổ vào nơi người nằm. Ngài ngồi dậy, cầm áo lên rũ bụi, rồi khoác áo lên người, đi ra khỏi hỏa viện, vào ven rừng để thiền hành. Lúc trời tang tảng sáng thì hỏa viện bốc cháy, không biết vì lý do gì. Các đệ tử của đạo-sư Kassapa thấy lửa, hoảng hốt la lớn, rồi chạy đi tìm bình xuống sông Nairanjana múc nước lên tưới. Nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu. Hỏa viện của họ bốc cháy dữ dội, không còn cách gì cứu chữa.
Ðạo-sĩ Uruvela Kassapa đang bùi-ngùi thương tiếc vị sa-môn đức hạnh và tài ba mà ông vừa mới được quen biết từ sáng hôm qua. Giữa lúc ấy thì đức Phật xuất hiện. Ðang đi thiền hành trên đồi cao, thấy lửa bốc cháy, ngài quay trở về. Thấy Phật, đạo-sĩ Kassapa mừng rỡ chạy lại nắm lấy tay người.
– May quá, may quá, sa-môn Gotama vẫn an toàn, không sao cả. Tôi mừng quá.
– Cám ơn tôn giả, tôi vẫn được an toàn.
Ðức Phật biết hôm nay là ngày đạo-sĩ Uruvela Kassapa thuyết pháp. Nghe nói trong số những người nghe pháp, ngoài năm trăm đệ-tử tu-sĩ, còn có gần một ngàn người từ các thôn xóm kéo tới. Giờ thuyết pháp được định vào buổi trưa, sau giờ thọ trai. Biết rằng sự có mặt của mình trong buổi thuyết pháp sẽ làm cho vị lãnh đạo không được thoải mái, đức Phật cầm bát đi vào thôn xóm để khất thực. Ðến giờ ngọ, ngài ngồi thọ trai bên bờ hồ sen. Ði thiền hành quanh hồ, rồi đến tĩnh tọa dưới bóng cây cổ thụ. Ðến xế chiều, đạo-sĩ Kassapa tìm tới.
– Sa-môn Gotama, hôm nay vào giờ ngọ trai chúng tôi chờ mãi mà không thấy ngài. Sao ngài không tới?
– Cám ơn tôn giả, tôi muốn đi ngắm cảnh quanh đây, và để ngài được tự nhiên trong lúc thuyết pháp.
– Hôm qua sa-môn Gotama nói về sự có mặt của chiếc lá như là sự tập hợp của nhiều yếu-tố nhân duyên. Ngài nói rằng con người cũng do sự tập hợp của nhân duyên mà thành. Vậy thì khi các nhân duyên tan rã, con người đi về đâu?
– Ðã từ lâu chúng ta bị kẹt vào ý niệm về ngã (atma) như một cái ta thường tại bất biến. Chúng ta đã quen nghĩ rằng khi thân xác tan rã, cái ngã ấy vẫn còn tồn tại và có thể trở về nguồn gốc của nó là Brahma (Phạm-thiên) để cộng trú với ngài. Này tôn giả Kassapa, đó là một sai lầm căn bản đã từng làm lạc lối biết bao nhiêu thế-hệ.
Tôn giả Kassapa nên biết: Vạn pháp từ nhân duyên sanh và cũng do nhân duyên mà diệt. Cái này sanh vì cái kia sanh, cái này diệt vì cái kia diệt. Ðó là nguyên lý duyên sinh mà tôi đã khám phá được nhờ thiền quán. Trong thực tại, không có một cái gì đồng nhất và bất biến. Không có ngã, dù là đại ngã hay tiểu ngã. Này tôn giả Kassapa, ngài đã từng quán chiếu về thân-thể, cảm thọ, tâm tưởng, tâm hành và tâm thức chưa[8]? Con người có mặt là do sự tập hợp và vận hành của năm uẩn ấy. Ðó là những dòng biến chuyển liên tục, trong đó không có một yếu-tố nào thường tại.
Ðạo-sĩ Uruvela Kassapa im lặng suy nghĩ hồi lâu, rồi hỏi:
– Như vậy có phải là sa-môn Gotama chủ trương thuyết hư-vô không?
– Không phải. Quan-niệm vạn vật đều là hư-vô cũng là một tà kiến như quan niệm về một bản ngã trường tồn bất biến. Tôn giả Kassapa, ngài hãy nhìn mặt hồ này đây. Tôi không hề nói rằng nước, lá sen, hoa sen trong hồ là hư-vô. Tôi chỉ nói rằng nước, lá sen, hoa sen đều là những hiện-tượng do nhân duyên phối hợp mà có mặt, và trong tự thể của chúng không hề có một thực thể bất biến và thường tại.
– Vậy, nếu không có ngã, không có “atma”, thì cần gì phải tu hành để đạt tới giải thoát? Giải thoát cho ai? Ai là người được giải thoát?
Ðức Phật nhìn vào mắt vị đạo-sĩ Bà-la-môn. Cái nhìn sáng chói như tia nắng mặt trời nhưng cũng êm dịu như ánh trăng. Ngài mỉm cười nói:
– Tôn giả Kassapa hãy thử tự tìm lấy câu trả lời. Hôm khác, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện.
Hai người trở về trú sở. Uruvela Kassapa nhường tịnh thất mình cho Phật nghỉ đêm. Ông sang nghỉ đêm tại túp lều của một người đệ-tử lớn. Tôn giả Uruvela Kassapa rất được các đệ-tử quý mến và cung kính vâng lời.
Trong những ngày kế tiếp, đức Phật không đi khất thực bên ngoài vì sáng nào đạo-sĩ Kassapa cũng cho đem thức ăn cúng dường tại chỗ. Tuy vậy, trưa nào sau khi thọ trai, ngài cũng đi kinh hành ở ven rừng hoặc bên bờ hồ, rồi đến nơi có bóng mát ngồi tĩnh tọa. Cứ xế chiều, Kassapa lại đi tìm Phật để đàm đạo. Càng ngày ông càng nhận thức được tầm vóc vĩ đại của tuệ giác và đức hạnh của đức Thế-tôn.
Một hôm nọ trời mưa giông tầm-tã suốt đêm. Sáng hôm sau nước sông Nairanjana (Ni-liên-thiền) tràn bờ, làm ngập lụt xóm làng nhà cửa trong vùng. Khu rừng nơi đạo-sĩ Kassapa và năm trăm đệ-tử đang hành đạo cũng bị ngập lụt. Tuy vậy mọi người đều chạy kịp lên chỗ cao, không ai bị nước cuốn. Riêng vị sa-môn Gotama thì không ai thấy mặt. Ðạo-sĩ Kassapa đốc thúc nhiều chiếc ghe đi tìm. Cuối cùng người ta thấy đức Phật đang đứng trên một đỉnh đồi.
Nước dâng lên rất mau và rút xuống cũng mau. Các vị tu-sĩ trong giáo đoàn của ông Kassapa đã khởi sự dựng lại hỏa viện bị cháy và các túp lều bị nước cuốn đi hoặc làm cho xiêu vẹo.
Một buổi chiều, đức Phật cùng đạo-sĩ Kassapa đứng bên bờ sông Nairanjana đàm đạo. Ðạo-sĩ Kassapa hỏi Phật:
– Hôm trước sa-môn Gotama có nói về sự quán chiếu năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tôi đã thử thực tập quán sát và thấy rằng cả năm dòng hiện tượng là thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và tâm thức đều biến chuyển luôn, không có cái nào thường tại bất biến. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu được rằng nếu không có tự ngã thì ta cần gì phải nhọc công tu tập? Giải thoát cho ai? Ai là người được giải thoát?
– Này tôn giả Kassapa, ngài có công nhận rằng khổ đau là một sự thật không?
– Tôi công nhận khổ đau là một sự thật.
– Ngài có công nhận rằng khổ đau nào cũng có nguyên nhân, cũng như muôn vật trong vũ-trụ, vật nào cũng do nhân duyên kết hợp mà thành?
– Tôi công nhận khổ đau nào cũng có nguyên nhân.
– Khi những nguyên nhân của khổ đau có mặt thì khổ đau có mặt; vậy khi những nguyên nhân của khổ đau vắng mặt thì khổ đau có vắng mặt không?
– Dĩ nhiên khi những nguyên nhân của khổ đau không còn thì khổ đau cũng không còn.
– Này tôn giả Kassapa, khổ đau không còn tức là giải thoát, cần gì phải có tự ngã mới có giải thoát. Này tôn giả, nguyên nhân sâu xa của khổ đau là vô minh, nguyên nhân gần của khổ đau là tham ái. Vạn vật đều vô thường mà ta tưởng là thường, đó là vô minh. Vạn vật đều không có tự ngã mà ta tưởng là có tự ngã, đó là vô minh. Từ vô minh phát sinh ra tham ái, mong cầu được cái nọ cái kia, rồi sinh ra thương, ghét, tham lam, giận hờn, sợ hãi …và biết bao phiền não, đau khổ khác. Con đường giải thoát là con đường quán chiếu thực tại để thực chứng được tự tính vô thường, vô ngã, và duyên sinh của vạn pháp, của muôn vật. Con đường giải thoát là con đường diệt trừ vô minh. Vô minh diệt thì tham ái diệt; tham ái diệt thì phiền não diệt và khổ đau diệt. Ðó là giải thoát.
Uruvela Kassapa im lặng. Một lát sau, ông hỏi:
– Sa-môn Gotama, tôi biết những điều ngài nói ra là những điều ngài thực chứng chứ không phải lý luận suông. Theo ngài thì đạo quả giải thoát chỉ có thể do công phu quán chiếu đem lại. Vậy tất cả những lễ nghi thờ phụng và lời khấn nguyện đều là hoàn toàn vô ích hay sao?
Ðức Phật chỉ tay sang bờ sông bên kia nói:
– Này tôn giả Kassapa, nếu có người đang đứng bên này sông muốn sang bờ bên kia thì người ấy phải làm gì?
– Người ấy phải lội qua sông hoặc phải dùng thuyền chèo qua bên kia.
– Ðúng vậy. Nhưng nếu có người muốn qua sông mà không chịu lội, cũng không dùng thuyền, chỉ lập đàn cúng tế và khấn nguyện thì tôn giả nghĩ sao?
– Tôi cho rằng người đó không thực tế, và không biết chừng nào người đó mới qua sông được.
– Cũng vậy, Ðức Phật nói, nếu không tu tập quán chiếu để diệt trừ vô minh, tham ái và phiền não thì ta không đạt tới bờ giải thoát được, dù ta có tế lễ, khẩn cầu suốt cả cuộc đời.
Ðạo-sĩ Uruvela Kassapa bỗng sụp lạy dưới chân Phật. Ông khóc nức nở và nói:
– Kính lạy thầy, con đã lầm lỡ gần hết cuộc đời, giờ đây xin thầy chấp nhận con làm đệ tử của thầy để con có cơ duyên học hỏi và tu tập con đường giải thoát.
– Lành thay! Nhưng còn các đệ tử của ông thì sao?
– Xin thầy cho con có dịp tiếp xúc với họ. Chiều mai con sẽ xin trình thầy quyết định của con.
Hai ngày sau, Uruvela Kassapa và tất cả 500 đệ tử đều cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa. Họ liệng xuống sông Nairanjana tất cả những búi tóc, hình tượng và dụng cụ tế lễ, rồi tập họp trước mặt Phật, quỳ xuống, đồng nói lớn:
” Con xin quy y Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời này.
” Con xin quy y Pháp, con đường của tình thương và sự giác-ngộ.
” Con xin quy y Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
Sau lễ xuất gia, đức Phật giảng cho 500 vị khất sĩ (tỳ-kheo) mới về Tứ Diệu Ðế, Vô Ngã, phép quán hơi thở, thân thể và tâm ý, phép khất thực và tĩnh cư.
Ngày hôm sau, đạo sĩ Nadi Kassapa cùng 300 đệ tử cũng tìm đến nơi. Hôm qua họ hốt hoảng khi thấy hàng trăm búi tóc và dụng cụ thờ cúng trôi lều bều trên sông Nairanjana; họ nghĩ rằng một tai nạn nào đó đã xảy ra cho trung tâm tu học của Uruvela Kassapa. Sau khi nghe giải thích họ đều đồng ý xin xuất gia và cho người đi thông báo cho ông Gaya Kassapa hay. Ba anh em Kassapa rất thương mến nhau, lại cùng chung lý tưởng nên chỉ trong bảy ngày, tất cả ba anh em và 1000 đệ tử đều xuất gia theo Phật , nâng số đệ tử Phật lên 1093 vị.
Sau đó đức Phật hướng dẫn tất cả đến đỉnh núi Gaya-Sisa (núi Tượng Ðầu), cách Uruvela không xa, và giảng kinh thứ ba[9] là kinh Adittapariyaya (kinh Lửa). Nghe xong kinh này, tất cả 1003 vị tỳ-kheo mới đều đắc quả A-la-hán. Ðức Phật cư trú tại Gaya-Sisa liên tiếp trong ba tháng để chỉ dạy cho các tu-sĩ mới.

Ðức Phật nói Kinh Lửa (Aditta-Pariyaya)[10]:

Này các tỳ-kheo, tất cả đều bị thiêu đốt. Này các tỳ-kheo, tất cả đều bị thiêu đốt là như thế nào?
Mắt nằm trong lửa, hình sắc nằm trong lửa, nhãn thức nằm trong lửa. Cảm giác (thọ), dù vui sướng hay đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ, phát sanh do nhãn-xúc, đều nằm trong lửa. Lửa ấy bắt nguồn từ đâu? Từ những ngọn lửa tham ái, sân hận, si mê, sanh, già, bệnh, chết, buồn phiền, than khóc, đau khổ, âu-sầu và tuyệt vọng. Như-Lai tuyên bố như vậy.
Hãy quán tưởng điều này, này các tỳ-kheo, người đệ-tử thuần-thục của bậc thánh nhơn thấy nhàm chán với mắt, hình sắc, nhãn thức, nhãn xúc, dù cho cảm giác nhận được có như thế nào chăng nữa – vui sướng, đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ. Cũng thế, người đệ-tử thuần-thục của bậc thánh nhơn thấy nhàm chán với tai, âm thanh, mũi, mùi hương, lưỡi, vị, thân, xúc, tâm, ý, tâm thức, tâm xúc, dù cho cảm giác nhận được có như thế nào chăng nữa – vui sướng, đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ. Do nhàm chán, người đó không còn luyến ái; do không còn luyến ái, người đó được giải-thoát. Người đó sẽ tự biết rằng mình không còn tái sanh nữa, đời sống phạm hạnh[11] đã hoàn mãn, những gì cần làm đã làm xong, và sẽ không bao giờ trở lại trạng thái này nữa.
Khi đức Phật dứt lời, tất cả các vị tỳ-kheo đều đắc quả A-la-hán, dứt sạch mọi ô-nhiễm.

2- Hạ thứ 2 tại Venuvana (năm -588)

Phật độ vua Bimbisara

Từ Gayasisa đức Phật đi Rajagriha (còn gọi là Rajagaha, hiện nay là Rajgir, Vương-Xá) để gặp lại vua Seniya Bimbisara (Ba-Tư-Nặc) theo lời hứa trước khi ngài thành đạo. Ðại đức Uruvela Kassapa xin Phật cho cả giáo đoàn đi theo. Ông trình bày với Phật là sẽ không có trở ngại gì cho việc 1000 vị khất-sĩ về tới kinh-đô xứ Magadha (Ma-Kiệt-Ðà). Gần thủ-đô Rajagriha có nhiều khu rừng để các vị khất-sĩ cư trú. Họ có thể đi khất thực ở các vùng ngoại-ô và ngay cả trong thủ-đô để có dịp giáo-hóa dân chúng miền này. Sau khi nghe Ðại đức Uruvela Kassapa trình bày, đức Phật bằng lòng cho tất cả 1003 vị khất sĩ (tỳ-kheo) đi theo người về thành Rajagriha (Vương-xá).
Ba anh em Kassapa tổ chức tăng đoàn rất nghiêm minh. Một ngàn vị khất sĩ được chia ra thành 40 chúng, mỗi chúng gồm 25 vị trong đó có một vị làm chúng trưởng. Ðạo phong của các vị khất-sĩ nhờ khéo tổ-chức nên càng ngày càng sáng rỡ, đầy đủ uy-nghi. Từ Gaya đến Rajagriha chỉ khoảng 52 km mà tăng đoàn phải đi đến 10 ngày. Vì mỗi buổi sáng các vị khất sĩ (tỳ-kheo) phải chia nhau ghé vào các thôn xóm để khất thực. Sau đó họ tập họp lại trong một khu rừng hoặc trên một bãi cỏ để thọ trai trong im-lặng. Thọ ngọ trai xong, họ lại lên đường, đi thành từng chúng. Hình dáng các vị khất-sĩ khoác áo cà-sa màu vàng đi trầm lặng trên đường lần hồi gây một ấn-tượng sâu đậm và đẹp-đẽ trong lòng dân chúng.
Ðến Rajagriha, Ðại đức Uruvela Kassapa hướng-dẫn đức Phật và tăng đoàn về tạm cư ở khu rừng Latthivana (Rừng Kè, Palm Grove), tại đền Supatthita cách thủ-đô Vương-Xá độ 2 km về phía nam. Sáng hôm sau, giáo đoàn được phép ôm bát vào thành khất thực. Các vị khất-sĩ chia ra thành từng chúng 25 người, đi thành hàng một, bước từng bước khoan thai và có ý-thức, mắt nhìn thẳng xuống phía trước mặt, dáng điệu uy-nghi và lặng-lẽ. Theo lời Phật dạy, họ im lặng dừng lại trước mỗi nhà, không phân biệt giàu nghèo, khoảng năm phút, rồi tiến tới trước cổng nhà bên cạnh. Trong khi đứng im lặng chờ đợi được cúng dường, họ theo dõi hơi thở và thực tập phép quán niệm mà đức Phật đã dạy. Khi được cúng dường, họ chỉ lặng lẽ nghiêng mình cám ơn mà không nói lời khen chê nào về thực phẩm được cúng dường. Người cúng dường sau khi sớt thức ăn vào bát vị khất-sĩ, có thể đặt một vài câu hỏi. Các vị khất-sĩ đã được lệnh ân cần trả lời về những câu hỏi đó. Ðại ý, các vị cho biết là mình tu học trong giáo đoàn Tỉnh-Thức, dưới sự hướng dẫn của sa-môn Gotama dòng Sakya, thường được gọi là Phật; họ được thầy dạy về Bốn Sự Thật, Năm Giới và Tám Thánh Ðạo. Tất cả các vị khất-sĩ đều được lệnh trở về trú sở trước giờ ngọ để ăn trưa chung với nhau và nghe pháp thoại. Buổi chiều và buổi tối dành cho sự tu học và thiền tập. Vì vậy từ giữa trưa cho đến rạng sáng ngày hôm sau, không ai còn thấy bóng dáng một khất-sĩ áo vàng nào trong thành phố nữa.
Chỉ trong vòng nửa tháng, phần lớn dân chúng thủ-đô đã biết tới sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ do Phật lãnh đạo. Vào những buổi chiều khi trời đã mát, nhiều vị thí chủ tìm tới Latthivana (Rừng Kè) gặp Phật và tăng đoàn để học hỏi về đạo lý tỉnh thức. Ðức Phật chưa kịp đi thăm vua Seniya Bimbisara[12] thì nhà vua đã được báo cáo về Phật và giáo đoàn khất-sĩ đông đảo của người. Nhà vua được biết người lãnh đạo giáo đoàn này chính là vị sa-môn trẻ tuổi mà mình đã gặp trước đây nơi đạo tràng của đạo-sư Uddaka Ramaputta. Một buổi chiều, nhà vua cùng với hoàng-hậu Videhi và thái-tử Ajatasattu (A-Xà-Thế)[13] ngồi xe tứ mã đến Rừng Kè để thăm Phật. Nhà vua có mời đi theo mình một trăm hai mươi vị nhân sĩ, trí thức và lãnh đạo cao cấp trong giới Bà-la-môn. Ðến ven rừng, nhà vua xuống xe đi bộ vào. Hoàng hậu Videhi cầm tay thái tử Ajatasattu theo sau. Một trăm hai mươi vị tân khách Bà-la-môn cũng làm như thế.
Nghe tin vua đến, đức Phật cùng Uruvela Kassapa đi ra đón tiếp. Tất cả 1003 vị khất sĩ đều có mặt, ngồi vây quanh. Ðức Phật mời vua, hoàng hậu, thái tử và các vị tân khách an tọa. Vua Seniya Bimbisara bắt đầu giới thiệu các nhân sĩ Bà-la-môn với Phật. Trong số các vị tân khách này có nhiều người lảu thông kinh-điển và giáo-lý Vệ-đà. Họ thuộc đủ các khuynh hướng đạo học và tôn giáo trong vùng.
Phần lớn các vị nhân sĩ này đã từng nghe danh đạo sĩ Uruvela Kassapa, và một số đã được gặp ông, nhưng ngoài quốc vương Bimbisara chưa ai được gặp Phật lần nào. Thấy thái độ cung kính của Uruvela Kassapa đối với Phật, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên. Uruvela Kassapa đã trên 100 tuổi trong lúc đức Phật chỉ mới 36 tuổi. Các quan khách thì thầm với nhau, không biết ai là thầy ai là đệ tử. Biết ý họ, đại đức Uruvela Kassapa liền đứng dậy, đi tới trước mặt Phật, chắp tay nói chậm rãi rõ ràng từng tiếng:
– Kính bạch sa-môn Gotama, bậc giác ngộ hoàn toàn, bậc tôn quý nhất trên đời, con là Uruvela Kassapa xin cung kính đảnh lễ thầy.
Nói xong ông kính cẩn lạy Phật ba lạy. Ðức Phật đỡ Kassapa dậy, bảo ông ngồi xuống bên tay trái của người. Bây giờ tất cả cử tọa đều hoàn toàn im lặng. Ðức Phật lên tiếng nói cho mọi người nghe kinh Maha Narada Kassapa Jataka nói về Uruvela Kassapa đã có nhân duyên làm đệ tử Phật từ nhiều kiếp trước. Kế đó đức Phật giảng về Tứ Diệu Ðế, tính vô thường, vô ngã và duyên sanh của con người và vạn vật, chỉ dạy cách diệt trừ mê lầm và đau khổ bằng cách thực hành đời sống tỉnh thức, giữ giới luật thanh tịnh, định tâm và quán chiếu. Giọng Phật trong sáng, vang xa như tiếng chuông đồng, ấm áp như nắng xuân, trầm hùng như tiếng hải triều. Hơn một ngàn người lắng tai nghe trong im lặng, ai nấy đều vui mừng được thấy tâm mình bừng sáng, đầy hy vọng an lạc. Bao nhiêu nghi vấn trong lòng dần dần được cởi mở. Khi đức Phật dứt lời, vua Bimbisara, vừa đắc quả Tu-đà-hoàn, nở một nụ cười sung sướng, rạng rỡ. Ông đứng dậy chắp tay cung kính bạch Phật:
– Thưa Thế Tôn, hồi còn nhỏ trẫm có năm điều ước nguyện. Bây giờ năm điều ước nguyện ấy đều đã được thành tựu. Ước nguyện thứ nhất là được làm lễ quán đảnh và lên ngôi vua; ước nguyện ấy đã thành. Ước nguyện thứ hai là được gặp một bậc đạo sư giác ngộ; ước nguyện ấy cũng đã thành. Ước nguyện thứ ba là có duyên kính ngưỡng bậc giác ngộ ấy; ước nguyện này cũng đã thành. Ước nguyện thứ tư là được bậc giác ngộ ấy dạy cho trẫm con đường chánh pháp; ước nguyện này cũng đã thành. Ước nguyện thứ năm là có thể hiểu được giáo pháp của bậc giác ngộ ấy; ước nguyện này vừa được thành tựu. Thưa Thế Tôn, trẫm đã bắt đầu hiểu được giáo lý mầu nhiệm của ngài. Hôm nay, xin Thế Tôn hoan hỷ nhận trẫm làm đệ tử tại gia của ngài.
Ðức Phật mỉm cười im lặng chấp thuận. Nhà vua lại thỉnh cầu Phật và tất cả tăng đoàn đến thọ trai ở đền vua vào ngày trăng tròn sắp tới. Ðức Phật cũng hoan hỷ nhận lời.

Phật giảng năm giới của người cư sĩ

Vua Seniya Bimbisara có chủ ý tổ chức một cuộc đón rước Phật và tăng đoàn thật long trọng. Vua cho mời rất nhiều nhân sĩ đến nghe Phật thuyết pháp. Tất cả các quan chức trong triều cũng đều được mời đến dự. Dân chúng được lệnh treo đèn kết hoa trên những con đường mà Phật và tăng đoàn sẽ đi qua. Trong lúc nhà vua đang chuẩn bị thì 90 vị khất sĩ đã xuất gia theo Phật ở Lộc-Uyển, Isipatana, đang đi hoằng-hóa các nơi lần lượt tập họp về khu lâm viên Latthivana (Rừng Kè) gặp Phật để chuẩn bị nhập hạ sắp tới.
Ngày trăng tròn đã tới. Khoảng mười giờ sáng, đức Phật cùng trên một ngàn vị khất sĩ (tỳ-kheo) mặc áo cà-sa màu vàng, tay ôm bình bát, đi vào thành Rajagriha (Vương-Xá), đáp lại lời mời của vua Bimbisara. Ðoàn người trang nghiêm lặng-lẽ đi qua các con đường đã được dân chúng treo cờ, kết hoa. Dân chúng đứng xem đông nghịt hai bên đường.
Vua Seniya Bimbisara cùng các triều thần và nhân sĩ ra tận ngọ môn đón Phật và tăng đoàn. Vào đến sân rộng lớn trước đền vua, đã được che rạp, trang trí, kết hoa lộng lẫy, đức Phật được mời ngồi vào ghế danh-dự, một bên có vua Bimbisara, bên kia có tỳ-kheo Uruvela Kassapa. Thái-tử Ajatasattu mang nước và khăn ra cho Phật rửa chân tay. Tiếp theo, quân hầu cũng mang nước và khăn ra cho tất cả các vị khất sĩ rửa chân tay. Lễ tẩy tịnh đã xong, nhà vua đứng dậy long trọng chào mừng và giới thiệu quan khách, rồi cung kính sớt các thức ăn vào bát của Phật. Hoàng hậu Videhi cũng đứng lên chỉ dẫn quân hầu trong hoàng cung cúng dường thức ăn cho các vị khất sĩ và tiếp đãi quan khách.
Ðến giờ ngọ, đức Phật và giáo đoàn khất sĩ mặc niệm và chú nguyện trước khi ăn. Vua Bimbisara và tất cả quan khách cũng đều giữ im lặng trong thời gian dùng bữa. Tất cả đều cảm nhận tính chất thanh tịnh và an lạc thoát ra từ nhân cách của đức Phật và của giáo đoàn khất sĩ. Sau khi đức Phật, tăng đoàn và quan khách đã thọ trai xong, bình bát của các vị khất sĩ được quân hầu đem rửa rồi giao trả lại cho mỗi vị.
Vua Bimbisara hướng về đức Phật, cung kính chấp tay. Ðức Phật hiểu ý, lên tiếng giảng về năm giới của người Phật-tử tại gia như là phương thức xây dựng, bảo vệ hòa-bình và hạnh phúc cho quốc gia dân tộc; năm giới cũng là nguyên tắc sống chung hòa bình và an lạc trong gia đình cũng như ngoài xã hội:
” Giới thứ nhất là không sát hại. Giữ giới này là để nuôi dưỡng lòng từ-bi. Tất cả các loài sinh vật đều ham sống sợ chết. Ta biết quý sự sống của ta thì ta cũng phải quý trọng sự sống của những loài sinh vật khác. Nuôi dưỡng lòng từ-bi, thương người, thương cả muôn vật làm cho cuộc đời bớt khổ và đẹp đẽ thêm lên. Nếu mọi người trong nước đều biết giữ giới không sát hại thì đất nước sẽ không bị loạn lạc, dân chúng được yên ổn làm ăn. Khi mọi người thương nhau và đoàn kết với nhau thì dân giàu nước mạnh.
” Giới thứ hai là không xâm phạm đến tài sản của kẻ khác. Mình muốn cho người khác tôn trọng tài sản của mình do công lao khó nhọc của mình làm ra, thì mình cũng phải tôn trọng tài sản của người khác. Không được trộm, cướp, lường gạt hoặc dùng quyền lực của mình để cưỡng chiếm tài sản của kẻ khác. Không được lợi dụng sự khờ dại hoặc hoàn cảnh khó khăn của kẻ khác để thủ lợi cho mình. Nếu dân chúng biết giữ giới này thì trong nước sẽ có công bằng xã hội, an cư lạc nghiệp.
” Giới thứ ba là không xâm phạm tiết hạnh của kẻ khác. Giới này giúp cho vợ chồng tin tưởng nhau, gia đình được an vui, đầm ấm, cùng nhau xây dựng tương lai, hạnh phúc cho con cháu, xây dựng một xã hội lành mạnh.
” Giới thứ tư là không nói dối, không nói những lời thô bỉ, không gây chia rẽ căm thù. Lời nói phải phù hợp với sự thật: có thì nói có, không thì nói không, không thêm bớt làm sai lệch sự thật. Lời nói chân thật tạo niềm tin và hạnh phúc. Lời nói thô bỉ và gây chia rẽ tạo sự thù nghịch, oán hận và chiến tranh.
” Giới thứ năm là không uống rượu và không sử dụng các chất ma túy. Rượu và các chất ma túy làm cho con người mất tự chủ, mất sáng suốt, dễ làm những điều xằng bậy gây tai vạ cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu đại vương và các quan trong triều đều gìn giữ giới này và khuyến cáo dân chúng gìn giữ giới này thì đó là một đại phước cho quốc gia.
” Ðại vương, bậc quốc vương đứng đầu một nước cần sống trong tỉnh thức, trong sự sáng suốt, để biết những gì đang xảy ra trong vương quốc mình. Nếu đại vương làm cho trong triều và dân chúng hiểu sự ích lợi và thực hành năm giới thì vương quốc Magadha sẽ trở thành vương quốc cường thịnh nhất trong hoàn vũ.”
Ðức Phật vừa dứt lời, vua Bimbisara sung sướng tiến tới trước Phật đảnh lễ. Hoàng hậu Videhi cũng đứng lên cầm tay thái tử Ajatasattu đi tới trước Phật, bà dạy thái tử chấp tay vái chào Phật.

Phật kể chuyện cây bông sứ

Hoàng hậu Videhi đảnh lễ Phật, rồi nói:
” Bạch Thế-Tôn, hôm nay có thái tử Ajatasattu, con của con, và nhiều trẻ em khác con của các vị vương tử, đại thần và quan khách. Các cháu đông có đến bốn trăm đứa. Xin đức Thế-Tôn đem lòng thương xót chỉ bày cho thiếu nhi con đường của tình thương và sự tỉnh thức.”
Nói xong hoàng hậu sụp xuống lạy Phật. Thái tử Ajatasattu cũng làm theo bà. Ðức Phật mỉm cười đưa tay ra cầm tay thái tử. Hoàng hậu Videhi quay lại ra dấu cho các thiếu nhi đến tập họp trước mặt Phật. Ðây toàn là trẻ em nhà quyền quý nên em nào cũng được phục sức rất tươm tất. Trai cũng như gái đều có đeo vòng ở cổ tay và cổ chân. Các em gái mặc những chiếc áo sari lộng lẫy đủ màu, trông thật tươi mát. Tất cả đều ngồi xuống trước mặt Phật.
Ðức Phật nói:
” Này các con, trước khi ta được làm người, ta đã từng làm đất, đá, cây cối, chim chóc và muông thú. Các con cũng vậy. Trong những kiếp xa xưa, các con cũng đã từng làm đất, đá, cây cối, chim muông. Ngày hôm nay ta được gặp các con cũng có thể là vì trong những kiếp trước ta và các con đã từng gặp nhau. Chúng ta đã có thể làm cho nhau sung sướng. chúng ta cũng đã có thể làm cho nhau đau khổ.
” Hôm nay ta muốn kể cho các con nghe một chuyện đã từng xảy ra từ hàng ngàn kiếp trước. Ðây là chuyện một con cò, một con cua, một cây bông sứ và rất nhiều tôm cá. Hồi đó ta là cây bông sứ. Và trong số các con, có thể có đứa đã làm con cò, có đứa đã làm con cua, và nhiều đứa làm tôm cá.
” Trong câu chuyện này, con cò là một đứa nham hiểm, có tính hay lường gạt. Nó đã làm cho biết bao nhiêu con khác chết chóc và đau khổ. Lúc đó ta là cây bông sứ, ta cũng đã đau khổ vì nó. Nhưng ta đã học được một bài học quý báu. Ðó là: Khi mình lường gạt và làm kẻ khác đau khổ thì chính mình cũng sẽ bị lường gạt và bị đau khổ trở lại.
” Lúc đó ta làm cây bông sứ bên cạnh một hồ sen vừa thơm vừa mát, nhưng không có cá. Gần đó có một cái ao nhỏ hẹp, dơ bẩn, nóng bức, nhưng lại có nhiều tôm cá. Một con cò đi ngang qua đó thấy tôm cá quá nhiều mới nảy sinh ra một mưu kế. Nó tới đứng bên bờ ao, làm ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Bọn cá thấy, hỏi:
– Bác cò ơi, bác suy nghĩ gì đấy?
– Ta đang suy nghĩ đến số phận của các chú. Ở đây ao hẹp, nước ít lại nóng bức, dơ bẩn. Các chú lại thiếu thức ăn. Ðời sống của các chú có vẻ khổ cực, ta thương lắm.
– Vậy bác có cách gì giúp tụi cháu không, bác cò?
– Nếu tụi bây để tao mang từng đứa tới bỏ xuống cái hồ sen đằng kia thì ở đó tụi bây được tha hồ bơi lội trong nước mát có vô số thức ăn.
– Bác cò ơi, từ thuở cha mẹ sinh ra chúng cháu chưa bao giờ nghe nói loài cò mà lại có lòng tốt với loài tôm cá. Bác bày ra cách đó chẳng qua là để ăn thịt tụi này từng đứa, phải không?
– Tụi bây đa nghi lắm. Tao là bác của tụi bây, không lý tao lại nói gạt tụi bây sao. Sự thật là đằng kia có một cái hồ sen rộng lắm, nước nhiều mà lại mát nữa. Nếu tụi bây không tin thì một đứa hãy theo tao qua đó xem. Rồi tao lại mang nó về đây kể lại cho tụi bây xem có đúng không.
” Bọn tôm cá châu đầu vào nhau bàn luận một hồi, rồi cử một con cá nhám đi với cò. Con cá nhám này đã già, thân thể rất cứng chắc. Nó bơi lội giỏi đã đành, mà còn có thể di chuyển dễ dàng trên đất cạn. Con cò cặp con cá nhám vào mỏ, bay đến hồ sen, thả con cá vào hồ cho nó bơi lội thỏa thích khắp nơi trong hồ, rồi lại mang con cá nhám trở về ao. Cá nhám thuật lại tất cả những gì nó đã thấy trong hồ sen. Bọn tôm cá nghe kể rất lấy làm vui sướng. Chúng tranh nhau yêu cầu con cò chở chúng sang hồ sen. Cò bằng lòng. Nó cắp con cá đầu tiên vào mỏ và bay đi. Nhưng thay vì thả cá xuống hồ sen, nó bay về phía cây bông sứ, đặt cá vào cháng ba của thân cây, dùng mỏ rỉa thịt cá ra ăn, rồi hất xương cá xuống gốc cây bông sứ. Ăn xong nó lại bay về ao để mang một con cá khác đến ăn, xương cá dưới gốc cây càng ngày càng nhiều, chồng chất lên nhau.
” Ta là cây bông sứ. Ta chứng kiến tất cả những điều này. Ta rất tức giận con cò nhưng ta không thể nào ngăn cản nó được. Các con biết không, cây bông sứ chỉ có thể đâm rễ sâu xuống đất, mọc cành, mọc lá, trổ hoa, nhưng không thể chạy đến ao để báo tin dữ cho bọn cá tôm được, cũng không thể vươn cành ra để ngăn cò ăn thịt cá. Nhựa cây chảy dồn dập trong thân, cây bông sứ rung rung như muốn khóc. Con cò không để ý tới. Ngày này sang ngày khác, nó cứ mang cá đến cây bông sứ để ăn thịt. Hết cá đến tôm. Ta rất đau lòng nên thầm nguyện sau này nếu được làm thú hay làm người ta sẽ ra sức bênh vực kẻ yếu và ngăn chận không cho kẻ hung bạo và gian xảo lừa gạt và tàn sát kẻ khác.
” Vài ngày sau, cá tôm dưới ao đã hết, chỉ còn lại một con cua kình khá lớn. Lúc đầu cò chê. Nhưng sau đói bụng quá, nó đến gần bờ nước nói với cua:
– Này cháu, tất cả tôm cá mà ta chở đến hồ sen hiện đang vui sướng vẫy vùng bên đó. Cháu lại đây bác chở qua đó luôn cho.
– Bác làm sao chở cháu được? Cháu là con cua, mình cứng, trơn và nặng. Lỡ bác đánh rơi thì cháu tan xác mất.
– Ðừng sợ, bác sẽ ngậm cháu thật chặt.
” Con cua suy nghĩ: Có thể là cò đã thả tất cả tôm cá xuống hồ sen; cũng có thể cò đã ăn thịt tất cả họ hàng nhà tôm nhà cá. Ta phải cẩn thận đề phòng. Nó nói với cò:
– Bác ơi, cháu sợ lắm. Nếu bác cho cháu bám hai càng vào cổ bác thì cháu mới đỡ sợ.
” Cò bằng lòng để cua bám vào cổ nó rồi vỗ cánh bay đi. Nhưng thay vì bay thẳng xuống hồ, nó bay đến đậu trên cây bông sứ. Cua hỏi:
– Bác ơi, sao bác không đưa cháu xuống hồ mà lại đậu trên cây cao thế này, cháu sợ lắm.
– Ai dại dột gì mà đi chở mướn không công cho bọn bây. Tao cũng đâu phải là đầy tớ của bọn bây. Tao chỉ muốn chở tụi bây tới đây để ăn thịt từng đứa mà thôi. Hãy xem đống xương dưới gốc cây kia kìa.
– Bác cò độc ác ơi, bọn tôm cá dại dột quá mới bị bác lừa dối và ăn thịt. Nhưng với cháu thì bác đừng có hòng. Bác hãy mang cháu xuống hồ, nếu không cháu sẽ kẹp đứt cổ bác cho mà xem.
Nói xong, cua siết càng vào cổ cò. Cò đau quá kêu lên:
– Thôi thôi, anh Hai ơi, anh Hai đừng kẹp tôi đau quá. Ðể tôi đưa anh Hai xuống hồ.
” Cò bay đáp xuống bờ hồ, đứng gần mé nước. Cua sợ buông cổ cò ra sẽ bị cò ăn thịt như bọn tôm cá trước. Nó nghiến răng kẹp hai cái càng lại thật mạnh khiến cho cổ cò đứt rời ra. Cò ngã lăn ra chết. Cua đi xuống nước.
” Các con ơi, lúc đó ta là cây bông sứ. Ta chứng kiến tất cả tấn thảm kịch từ đầu đến cuối. Tuy ta không làm gì được, nhưng ta đã học được một bài học quý báu: Ở đời, ăn ở hiền lành sẽ được nhiều người giúp đỡ; ăn ở độc ác sớm muộn gì cũng sẽ lâm vào cảnh thảm thương. Ta nguyện đời đời sẽ làm việc lợi ích cho muôn loài. Nhờ phát nguyện như thế, ta đã được làm người trong nhiều vạn kiếp.Giờ đây, gặp các con, ta muốn truyền lại bài học quý báu đó cho các con.”
Tất cả các thiếu nhi có mặt chăm chú nghe đức Phật kể chuyện tiền thân của ngài. Ðứa nào cũng thương cho cây bông sứ và cho tất cả những con tôm cá bị lừa gạt. Ðứa nào cũng căm giận con cò và khen con cua sáng trí và biết lo xa.
Vua Bimbisara đứng dậy, đến trước mặt Phật chấp tay đảnh lễ và nói:
– Hôm nay đức Thế-Tôn đã ban cho người lớn và trẻ em một bài học thật quý giá. Trẫm mong thái tử Ajatasattu thấm nhuần được lời dạy của ngài. Vương quốc Magadha rất may mắn được ngài dừng chân hoằng hóa nơi đây. Trẫm có một món quà muốn dâng lên bậc Giác-ngộ và tăng đoàn, không biết ngài có chịu cho trẫm cái hân hạnh được dâng cúng món quà ấy không?
Ðức Phật im lặng đưa mắt nhìn vua.

Vua Bimbisara cúng dường ngự uyển Venuvana (Trúc Lâm)

Vua Bimbisara nói tiếp:
– Về phía bắc thủ đô Rajagriha chừng một dậm (1.6 km) có một vườn tre rất rộng, vừa yên tịnh vừa mát mẻ, trẫm gọi là Venuvana (Veluvana, Trúc Lâm). Trẫm muốn hiến dâng công viên ấy để Thế-Tôn và tăng đoàn dùng làm tinh xá hành đạo và tu học. Ðược như vậy trẫm và dân chúng nơi đây sẽ có nhiều cơ hội đến thọ giáo với ngài. Mong đức Từ-Bi chấp nhận cho lòng thành của trẫm.
Ðức Phật nghĩ đến mùa an cư kiết hạ sắp đến, cần có nơi thuận tiện cho chư tăng tu học, ngài mỉm cười gật đầu ưng thuận. Vua Bimbisara vô cùng mừng rỡ. Vua nghĩ rằng tinh xá Venuvana sắp được thành lập sẽ giữ được bậc Giác-ngộ lâu dài trong vương quốc mình. Trong số các vị tân khách có nhiều người thuộc giới lãnh đạo Bà-la-môn không mấy hoan hỷ về quyết định này của vua, nhưng họ giữ im lặng.
Vua truyền đem ra một cái bình vàng. Ngài tự tay làm lễ rót nước trong bình lên bàn tay phải của Phật và trân trọng tuyên bố:
– Bạch Thế-Tôn, cũng như nước trong chiếc bình vàng này chảy vào tay ngài, khu vườn Venuvana đã được trẫm dâng tặng cho ngài và giáo-đoàn do ngài lãnh đạo để làm tinh xá tu học cho chư Tăng.
Lễ bàn giao đã xong. Lễ cúng dường trai phạn cũng đã hoàn mãn. Ðức Phật và 1250 vị khất sĩ A-la-hán từ giã hoàng cung trở về đền Supatthita ở khu lâm viên Latthivana.

Hai ông Sariputta, Moggallana và 155 người bạn xuất gia[14]

Trong thời gian Phật ngụ tại đền Supatthita ở lâm viên Latthivana (Rừng Kè), cách thành Rajagriha (hiện nay là Rajgir) khoảng 2 km về phía nam, thì 90 vị khất sĩ đã được Phật hóa độ trước kia ở Lộc-Uyển (Migadava) tại làng Isipatana (Sarnath) gồm nhóm ông Kondanna (5 người), nhóm ông Yasa (55 người) và nhóm ông Punna Mantaniputta (30 người) cũng lần lượt đến Latthivana nhập vào tăng đoàn để chuẩn bị kỳ nhập hạ thứ nhì như Phật đã dặn.
Trong làng Upatissa (hiện nay là Kalapinaka) còn gọi là Nalaka, thuộc quận Nalanda, ở phía bắc thành Rajagriha, có một thanh niên rất thông minh tên Sariputta (Xá-Lợi-Phất), cha tên Tissa, mẹ tên Rupa-Sari. Vì Sariputta nổi tiếng thông minh lại sanh trưởng trong gia đình quyền quý nhứt trong làng nên người trong vùng ấy gọi chàng là Upatissa. Sariputta có một người bạn chí thân tên Moggallana (Mục-Kiền-Liên), con bà Moggali (Thanh Ðề), ở làng Kolita (hiện nay là Kulika), bên cạnh làng Upatissa. Moggallana cũng rất thông minh và thuộc gia đình quyền quý nhứt trong làng nên có biệt danh là Kolita. Sariputta và Moggallana sanh ra cùng một ngày. Gia đình của cả hai người đều theo truyền thống Bà-la-môn giáo. Một hôm, cả hai rủ nhau đến dự lễ cúng tế long trọng nhiều ngày trên đỉnh núi gần thành Rajagriha. Ngày đầu họ cùng vui chơi với mọi người, nhưng đến ngày thứ ba, đang ngồi nghỉ dưới bóng cây, bỗng Sariputta nghĩ đến 100 năm sau tất cả mọi người đang nô đùa hỗn tạp nơi đây sẽ chết hết và cảnh vật nơi đây sẽ hoàn toàn thay đổi, vậy mà hiện nay ai nấy đều thản nhiên trước cuộc đời vô thường. Ông buồn bã nói ý nghĩ của mình cho Moggallana nghe, rồi hai người bạn rủ nhau đi tìm thầy học đạo. Cả hai tìm đến xin thọ giáo với đạo-sư Sanjaya Belatthiputta, lúc ấy có 250 đệ-tử. Không bao lâu hai người đã lãnh hội tất cả giáo-lý của thầy. Nhưng cảm thấy chưa thỏa mãn, bèn dắt nhau tìm đến nhiều vị đạo-sư Bà-la-môn nổi tiếng khác. Cuối cùng cũng thất vọng. Hai người bèn quyết định chia tay nhau đi xa hơn để tìm minh sư. Ông Sariputta đi về phương nam, còn ông Moggallana đi về phương bắc. Hẹn nhau khi gặp minh sư sẽ thông báo cho nhau biết để cùng đến học.
Một hôm, đang đi trong thành Rajagriha, ông Sariputta bỗng nhìn thấy một tu sĩ y bát trang nghiêm, tướng đi từ tốn, mắt nhìn xuống độ vài thước trước chân, nét mặt trầm tĩnh thong dong, biểu lộ sự vắng lặng sâu xa bên trong. Vị đại-đức đáng tôn kính nọ khoan thai đi từ nhà này sang nhà khác để nhận lãnh chút ít vật thực tùy lòng quảng đại của thí chủ. Cốt cách siêu phàm của đại-đức Assaji làm cho ông Sariputta chú ý[15], ông yên lặng đi theo sau quan sát, không dám lên tiếng quấy rầy. Ðại-đức Assaji đi bát xong, tìm một nơi thích hợp để ngồi lại thọ thực. Khi đại đức Assaji thọ thực xong, ông bèn đến bên cạnh, rót nước vào chén dâng đại-đức rồi bạch rằng:
– Kính bạch đại-đức, ngũ quan của ngài thật là trong sáng và thanh tịnh. Xin ngài hoan hỷ cho con biết vì sao ngài thoát ly thế tục? Ai là vị tôn sư của ngài? Ngài truyền bá giáo pháp của ai?
– Này đạo hữu, đại-đức Assaji đáp, bần tăng chỉ là một tu sĩ sơ cơ, chưa đủ khả năng giảng giải giáo pháp đầy đủ và rành rẽ cho đạo hữu.
– Kính bạch đại-đức, con là Sariputta ở làng Upatissa, kính xin đại-đức tùy hỷ chỉ giáo ít nhiều, con sẽ cố gắng tự tìm hiểu được phần nào hay phần nấy. Xin ngài dạy cho con vài điểm thiết yếu, tóm lược cho con một vài ý quan trọng trong giáo lý mà ngài đã học được.
– Ðức bổn sư Gotama chỉ dạy rất nhiều, nhưng bần tăng chỉ thuộc được bốn câu kệ sau đây. Vậy bần tăng xin đọc cho đạo hữu nghe:
Ye dhamma hetuppabhava –
tesam hetum tathagato.
Aha tesan ca yo nirodho –
evam vadi maha samano.
Có nghĩa là:
Các pháp đều do nhân duyên sanh.
Như-Lai đã giảng giải rõ ràng như thế
Và chỉ cách chấm dứt các pháp.
Vị Ðại Sa-Môn dạy như thế.[16]
Bốn câu kệ đó vừa tóm tắt lý nhân duyên về sự sanh diệt của các pháp (vạn vật vô thường) vừa chỉ cách tu tập giải thoát (chấm dứt các pháp = chấm dứt sanh tử luân hồi). Ông Sariputta vốn rất thông minh, vừa nghe xong hai câu đầu liền bừng ngộ và đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Từ đó về sau, để tỏ lòng biết ơn đối với đại-đức Assaji, mỗi khi nghe đại-đức Assaji ở nơi nào thì ông Sariputta quay về hướng ấy chấp tay đảnh lễ, và lúc ngủ luôn luôn quay đầu về hướng ấy.
Ðúng theo lời cam kết, Sariputta đi tìm Moggallana báo tin và đọc lại bốn câu
kệ. Nghe xong ông Moggallana cũng đắc quả Tu-đà-hoàn. Hai ông liền đến thầy cũ là đạo-sư Sanjaya-Belatthiputta báo tin và mời thầy cùng đến thọ giáo với Phật. Ðạo-sư Sanjaya từ chối, nhưng có 155 đệ-tử của ông cùng theo hai ông Sariputta và Moggallana đến Venuvana (Trúc-lâm) xin thọ giáo với Phật. Ðược tin này đạo sư Sanjaya tức đến ói máu. Ðức Phật chấp nhận tất cả vào tăng đoàn với lời kêu ” Hãy lại đây, các Tỳ-Kheo! Hãy sống đời thánh thiện theo Chánh Pháp để chắm dứt mọi đau khổỂ. Một tuần lễ sau, lúc đang ở gần làng Kallavala, đại-đức Moggallana được Phật dạy quán Tứ Ðại (đất, nước, gió, lửa), đắc quả A-la-hán. Ðến tuần thứ hai, khi nghe đức Phật thuyết kinh Vedana-Pariggaha cho đạo-sĩ Dighanakha ở động Sukarakhata, đại-đức Sariputta đắc quả A-la-hán. Chiều ngày hôm ấy, đức Phật triệu tập tất cả các đệ-tử đến quanh ngài để tấn phong đại-đức Sariputta làm đệ nhứt đệ-tử, trí-huệ bậc nhứt, và đại-đức Moggallana làm đệ nhị đệ-tử, thần thông bậc nhứt.
Kể từ đây số đệ-tử Phật lên đến 1250 vị, đều đắc quả A-la-hán (Arhat, arahat, arahant).

Phật thành lập tinh-xá đầu tiên Venuvana

Ðã sắp đến mùa an cư kiết hạ nên qua ngày hôm sau, sau buổi cúng dường trai tăng tại đền vua, sứ giả của vua đưa Phật và các vị trưởng lão trong tăng đoàn đến viếng Venuvana (Trúc-Lâm). Thật là một nơi cư trú lý tưởng cho giáo đoàn khất sĩ. Khu vườn rộng vào khoảng bốn mươi mẫu tây, cách trung tâm thủ-đô Rajagriha (Vương -Xá) khoảng 2 km về phương bắc. Trong vườn tre mọc xanh tươi, đủ các loại. Giữa vườn tre có hồ Kalandaka (hay Karanda) nước trong veo. Những chiếc thảo am có thể được dựng lên rải rác để làm chỗ cư trú cho các vị đại đức lớn tuổi. Các vị đệ tử lớn như Kondanna, Kassapa, Sariputta, Moggallana đều rất hoan hỷ họp nhau lại hoạch định cách tổ chức Trúc-Lâm thành một tinh xá có quy củ. Ðức Phật dạy:
– Mùa mưa không tiện cho việc du hành khất thực. Các vị tỳ kheo cần có nơi an cư thanh tịnh để cùng nhau tinh tấn tu học, vừa tránh được sự ướt át dọc đường, vừa khỏi dẫm đạp lên các loài côn trùng bò ra đầy đường. Trong ba tháng an cư[17], thiện nam tín nữ có thể mang thực phẩm tới cúng dường tại các trung tâm an cư. Và mỗi ngày họ sẽ được các vị xuất gia giảng dạy về giáo lý trong các thời khóa giảng, ngoài ra họ có thể nêu câu hỏi để được giải đáp thêm.
Truyền thống an cư kiết hạ được thiết lập từ đây. Chỉ còn mười lăm hôm nữa mùa an cư thứ hai sẽ bắt đầu với đầy đủ 1250 vị tỳ kheo A-la-hán.
Dưới sự điều động của đại đức Moggallana, các vị khất sĩ trẻ tuổi dựng lên một am nhỏ cho Phật và nhiều am nhỏ khác cho các vị khất sĩ lớn tuổi. Tất cả đều được làm bằng tre, tranh và đất bùn. Am của Phật tuy nhỏ nhưng rất xinh xắn. Phía sau có một bụi tre vàng. Bên trái có một khóm tre xanh. Thầy Nagasamala đóng cho Phật một cái chõng tre và hai cái ghế, và đặt một lu nước cạnh bụi tre để Phật có nơi rửa mặt và tay chân. Thầy Nagasamala là một vị khất sĩ trẻ. Trước đây thầy là đệ tử của đại đức Uruvela Kassapa. Từ ngày đến Venuvana đại đức Uruvela Kassapa tiến cử thầy Nagasamala làm thị giả đầu tiên cho Phật.
Ðại đức Sariputta tiếp xúc với một cư sĩ ở thành Rajagriha; vị này cúng dường cho tinh xá Venuvana một cái chuông đồng treo gần hồ Kalandaka, dưới một cành cây cổ thụ. Tiếng chuông báo hiệu giờ giấc tu học. Phật dạy mỗi khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người đều phải theo dõi hơi thở và thực hành chánh niệm.
Các vị đệ tử cư sĩ của Phật ngày nào cũng tới Trúc-Lâm để giúp đỡ công trình kiến thiết. Ðại đức Uruvela Kassapa lãnh đạo tăng đoàn rất giỏi, mà điều hợp sự hỗ trợ của các cư sĩ cũng tài. Thầy hội họp với các vị thí chủ về việc cúng dường trai tăng, giúp cho mỗi vị khất sĩ đều có đầy đủ cà-sa, bình bát, tọa cụ, khăn lau mặt, vợt lọc nước, vân vân…
Ngày an cư đến. Thời khóa biểu tu học do đức Phật cùng các đại đệ tử soạn thảo từ trước được ban hành và được tăng đoàn chấp hành nghiêm chỉnh. Buổi sáng vào đầu canh tư có chuông báo thức. Sau khi rửa mặt, các vị khất sĩ bắt đầu thiền tập ngay tại chỗ ngủ của mình. Mọi người thực tập thiền tọa và thiền hành nhiều lần cho đến khi mặt trời lên tới đầu ngọn tre. Sau đó là giờ đi khất thực. Ðại chúng chỉ nghỉ đi khất thực vào những ngày có thí chủ cúng dường thực phẩm đầy đủ cho cả tăng đoàn. Vào những ngày này, các vị khất sĩ có thể sử dụng thì giờ buổi sáng để gặp y-chỉ-sư của mình hầu tham vấn về những điều mình chưa nắm vững trong lãnh vực giáo nghĩa cũng như trong lãnh vực thực hành chỉ (samatha) quán (vipassana). Y-chỉ-sư là một vị khất sĩ đã đạt được nhiều tiến bộ trên đường tu tập. Các vị đại đức Kondanna, Assaji, Kassapa, Sariputta, Moggallana, Bhaddiya, Vappa, Mahanama-Kulika, v.v… đều là những vị y-chỉ-sư lớn. Mỗi vị phụ trách hướng dẫn năm sáu mươi vị khất sĩ mới học. Có những vị y-chỉ-sư hướng dẫn mười người, hai mươi người hoặc ba mươi người. Mỗi vị khất sĩ mới học đều có y-chỉ-sư của mình. Ðó là người huynh trưởng trong đạo mà mình cần nương tựa để học hỏi. Ðại đức Uruvela Kassapa đã cùng đại đức Sariputta làm công việc phân phối này rất kỹ lưỡng trước ngày an cư.
Vào đầu giờ ngọ, các vị khất sĩ đều có mặt tại tinh xá, đứng thành hàng dài ở sân cỏ cạnh bờ hồ. Sau khi đã được phân phát thức ăn, mọi người ngồi xuống bãi cỏ và bắt đầu thọ trai trong im lặng.
Buổi trai phạn hoàn tất vào cuối ngọ. Sau đó đức Phật thường thuyết pháp cho đại chúng. Có khi ngài giảng dạy cho các vị khất sĩ thì các cư sĩ được dự thính. Có khi ngài giảng dạy cho các cư sĩ thì các khất sĩ được dự thính. Lại có những buổi ngài giảng dạy cho các thiếu nhi thì các cư sĩ và khất sĩ đều dự thính. Thường thường trong các buổi giảng cho trẻ em, đức Phật hay kể lại những chuyện tiền thân của ngài.
Có khi các đại đệ tử đứng ra giảng dạy thay Phật thì Phật ngồi nghe. Sau đó ngài thường chỉ điểm thêm và khen ngợi những phần được chỉ bày rành rẽ. Sau giờ thuyết pháp, giới cư sĩ lần lượt ra về, các tu sĩ được nghỉ ngơi một thời gian. Sau đó chuông lại báo hiệu giờ thiền tọa và thiền hành. Kế đến giờ tự do tham vấn và học hỏi. Ðến giờ hợi (21 giờ) là giờ chỉ tịnh, mọi người đều im lặng nghỉ ngơi. Ðức Phật và các đại đệ tử thường thiền tọa cho đến nửa đêm và dậy sớm hơn các vị trẻ tuổi.
Vua Bimbisara rất thường đến Trúc-Lâm thăm Phật và tăng đoàn. Ngài chỉ đem theo hoàng hậu Videhi, thái tử Ajatasattu và vài người hầu cận. Ngài để xe tứ mã và quân hầu ở ngoài cổng và đi bộ vào tinh xá. Có một hôm thấy các vị khất sĩ ngồi dưới mưa để nghe giảng, vua bạch với Phật xin xây cất một giảng đường để các vị xuất gia có thể thọ trai hoặc nghe pháp. Từ ngày giảng đường được xây dựng xong, đời sống trong tinh xá bắt đầu có đủ tiện nghi. Giảng đường rộng lớn, chẳng những có thể che mưa nắng cho 1250 vị khất sĩ mà còn có thể chứa thêm khoảng một ngàn cư sĩ nữa.
Một hôm vua Bimbisara đến thăm Phật một mình. Sau một hồi đàm đạo, vua tâm sự với Phật:
– Trẫm có một đứa con trai khác mà Thế-tôn chưa từng gặp. Trẫm rất muốn nó và mẹ nó đến thăm ngài. Thưa Thế-Tôn, mẹ nó không phải hoàng hậu Videhi, mẹ nó tên Ambapali (Amrapali), và nó tên Jivaka (Kỳ-Bà), năm nay được mười bốn tuổi. Mẹ nó cư ngụ tại Vesali, phía bắc thành phố Pataliputta (hiện nay là Patna). Ambapali không thích đời sống gò bó trong cung cấm, nàng không màng chức tước, địa vị, chỉ thích đời sống tự do. Trẫm đã ban cho hai mẹ con mấy cơ sở tự túc kinh tế, trong đó có một vườn xoài rất đẹp ở làng Amvara gần Vesali. Jivaka rất thông minh nhưng nó cũng giống mẹ, không thích chính trị và quyền hành. Hiện nó đang ở Rajagriha để học nghề y sĩ. Trẫm thương nó lắm. Xin Thế-Tôn cũng thương nó như trẫm. Và nếu được Thế-Tôn chấp thuận, trẫm sẽ bảo nó đến đây thăm ngài để được học hỏi giáo pháp cao thượng.
Ðức Phật mỉm cười ưng thuận. Nhà vua hân hoan chấp tay từ giã Phật.

Kaludayin thỉnh Phật về thăm vua Suddhodana[18]

Từ ngày đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề tại Bodhgaya, và thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc-Uyển ở Isipatana, tiếng tăm của ngài càng ngày càng loan rộng và truyền đến tai vua Suddhodana (Tịnh Phạn) ở Kapilavastu. Nhà vua và hoàng tộc rất vui mừng, lòng thương nhớ thái tử Siddhattha lại càng gia tăng. Vua Suddhodana chín lần sai sứ đi thỉnh thái tử Siddhattha về triều. Nhưng tất cả chín vị sứ thần, sau khi nghe Phật thuyết pháp, đều xin xuất gia và đắc quả A-la-hán. Khi đã đắc quả A-la-hán rồi, các ngài không còn thiết tha đến việc trần gian nên không nghĩ đến sứ mạng thỉnh Phật về Kapilavastu nữa.
Sau chín lần thất vọng, lần này vua Suddhodana cẩn thận dặn dò vị trung thần Kaludayin (Kala-Udayin), vốn sanh cùng ngày và là bạn thân của thái tử Siddhattha thuở nhỏ, phải ghi nhớ sứ mạng không được sơ xuất. Ông Kaludayin cam kết làm tròn sứ mạng nhưng xin một điều kiện là vua cho phép ông xuất gia theo Phật. Công chúa Yasodhara xin phép vua cho Channa (Xa-nặc) đi theo để nhắc nhở ông Kaludayin.
Kaludayin và Channa đến Venuvana (Trúc-Lâm) khoảng một tháng sau ngày khai mạc mùa an cư kiết hạ. Kaludayin và Channa rất sung sướng khi gặp đức Phật trước am của ngài. Ðức Phật hỏi thăm về phụ vương, hoàng hậu, Yasodhara, Nanda, Sundari Nanda, Rahula và tất cả những người thân thuộc. Kaludayin và cả Channa đã trở thành những người già dặn. Kaludayin đang giữ chức vụ quan trọng trong triều và đã trở nên một trong những người phụ tá thân tín của vua Suddhodana. Theo lời Kaludayin thì sức khỏe của vua đã có phần suy giảm, nhưng ngài vẫn còn sáng suốt mặc dù đã 78 tuổi, và hiện nay có nhiều người phụ tá giỏi trong công việc triều chính. Hoàng hậu Gotami đã 77 tuổi, vẫn còn tráng kiện. Hoàng tử Nanda đã 35 tuổi, nhỏ hơn Phật một tuổi, có đầy đủ 30 tướng tốt, chỉ kém Phật hai tướng bạch hào (lông mày trắng và dài) và trái tai hơi ngắn. Hoàng tử Nanda đã đính ước với một tiểu thư con nhà dòng dõi tên Janapada Kalyani. Sundari Nanda, em gái Phật, đã trở nên một thiếu nữ kiều diễm. Từ ngày Phật xuất gia, phu nhân Yasodhara không còn trang điểm như xưa nữa, bà ăn mặc rất giản dị, bà vẫn tiếp tục công việc giúp đỡ người nghèo khổ và trẻ em bệnh hoạn. Nghe nói Phật ăn chay mỗi ngày một bữa, bà cũng ăn theo như vậy. Rahula đã trở thành một cậu bé bảy tuổi, xinh đẹp, khỏe mạnh, hai mắt đen láy, thông minh và quả cảm, rất được ông bà nội yêu quý. Cuối cùng Kaludayin hỏi Phật chừng nào có thể trở về quê hương, tất cả mọi người đang mòn mỏi mong chờ được gặp lại ngài. Ðức Phật đáp:
– Sau mùa an cư kiết hạ này Như Lai sẽ trở về. Bây giờ đang mùa mưa, đi xa bất tiện. Hơn nữa Giáo đoàn khất sĩ vừa mới thành lập, đang cần sự có mặt của Như-Lai để giáo hóa họ. Kaludayin và Channa hãy ở lại đây chơi độ một tháng rồi sẽ trở về báo tin cho phụ vương ta hay.
Kaludayin và Channa lưu lại tinh xá Venuvana như những người khách. Họ làm quen với các vị khất sĩ, quan sát nếp sống thanh tịnh an lạc của người xuất gia, làm quen với giáo lý tỉnh thức và giải thoát. Kaludayin ngày nào cũng tìm cách gần gũi Phật. Ông nhận thấy Phật lúc nào cũng có vẻ thảnh thơi nhàn hạ, dường như ngài không còn mong muốn hay tìm cầu một cái gì nữa. Phật như một con cá thảnh thơi trong nước, như một đám mây lơ lửng trên không, hoàn toàn an trú trong hiện tại. Ði, đứng, nằm, ngồi, mỗi cử động đều bộc lộ tinh thần thong dong tự tại, hầu như không còn gì có thể ràng buộc hay làm ngài xao động nữa. Kaludayin bỗng ước ao được sống đời sống thanh tịnh của kẻ xuất gia dưới sự hướng dẫn của Phật. Sau khi được nghe vài thời pháp, ông ngỏ ý xin xuất gia và được Phật chấp thuận.
Channa (Xa-nặc) là một người hầu cận rất trung thành. Thấy Kaludayin xuất gia, ông cũng muốn được xuất gia. Nhưng ông nghĩ rằng ông không thể xuất gia nếu không được phép của lệnh bà Yasodhara trước. Vì vậy ông tự bảo phải chờ đến khi Phật trở về Kapilavastu đã.

Phật độ ông Dighanakha[19]

Một hôm, trong mùa an cư tại Venuvana, đại đức Sariputta và Moggallana đưa du sĩ Dighanakha (Trường-Trảo Phạm-Chí) đến gặp Phật. Du sĩ Dighanakha là cậu ruột của đại đức Sariputta. Ông không phải là đệ tử của đạo sư Sanjaya nhưng cũng là một đạo sĩ rất nổi tiếng. Nghe Sariputta và Moggallana xuất gia theo Phật, ông tìm đến hỏi thăm về giáo pháp của đức Thế-Tôn. Hai vị đại đức liền đưa ông đến trực tiếp gặp Phật.
Dighanakha hỏi:
– Thưa sa-môn Gotama, ngài dạy giáo pháp gì? Chủ thuyết của ngài ra sao? Riêng tôi, tôi không thích một chủ trương hay lý thuyết nào hết, vì tôi không tin một chủ trương hay lý thuyết nào hết.
– Vậy, Phật đáp, ông có thích cái chủ trương “không thích” của ông không? Ông có tin cái chủ trương “không tin” của ông không?
– Thưa sa-môn Gotama, việc tôi thích hay không thích, tin hay không tin, không quan hệ gì. Tôi chỉ xin ngài nói cho tôi biết chủ thuyết của ngài.
– Một khi đã bị kẹt vào một chủ thuyết rồi thì người ta mất hết tự do tư tưởng. Người đó trở nên độc đoán, cho rằng chỉ có chủ thuyết của mình mới là chân lý, còn tất cả những chủ thuyết khác đều là tà đạo. Những tranh chấp và cãi cọ phát sinh từ thái độ cố chấp này có thể kéo dài bất tận, làm mất rất nhiều thì giờ và có thể gây ra xung đột, chiến tranh. Do đó “kiến thủ” là trở ngại lớn lao nhất trên đường tu học.
– Kiến thủ là gì?
– Kiến là nhận thức, là quan điểm. Thủ là sự cố chấp. Kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức, một quan điểm. Cố chấp như vậy là bị kẹt. Vì bị kẹt cho nên cánh cửa chân lý không còn cơ hội mở ra cho mình nữa.
Này ông bạn, để tôi kể cho ông bạn nghe câu chuyện này. Có một người lái buôn góa vợ kia đang sống với một đứa con trai tám tuổi. Anh ta rất cưng chiều con, xem đứa nhỏ là lẽ sống của đời mình. Một bữa nọ, trong khi anh ta đi bổ hàng vắng nhà, kẻ cướp đến đốt xóm, cướp bóc và bắt đứa con của anh đi theo. Khi về tới nơi, anh ta thấy thi hài một em bé cháy đen nằm bên căn nhà đã cháy rụi của mình. Anh ta tin ngay rằng con mình đã chết. Anh ta khóc lóc, làm lễ hỏa thiêu thân xác đứa bé, rồi để tro vào một cái túi gấm, đi đâu cũng mang theo bên mình. Mấy tháng sau, đứa con của anh ta thoát được tay kẻ cướp và tìm về nhà cũ lúc nửa đêm. Nó gõ cửa đòi vào. Lúc ấy anh ta đang ôm cái túi gấm đựng tro, than khóc một mình. Anh ta không chịu ra mở cửa, cứ đinh ninh là con mình đã chết thật rồi, và đứa trẻ đang gõ cửa là một đứa trẻ hàng xóm mất dạy nào đó đến trêu chọc anh. Ðứa bé kêu mãi không được, tưởng là cha mình đã dời nhà đi nơi khác, nên thất thểu ra đi … Và người cha khốn khổ kia vĩnh viễn mất đứa con yêu duy nhất.
Này ông bạn, nếu ta cố chấp vào một chủ nghĩa hay một chủ thuyết và cho đó là chân lý tuyệt đối, ta sẽ lâm vào tình trạng của người cha trẻ kia. Lúc ấy, nếu chân lý có tới gõ cửa tìm ta, ta cũng sẽ từ chối không mở cửa.
Dighanakha hỏi:
– Vậy giáo pháp của ngài dạy có phải là một chủ nghĩa hay một chủ thuyết không? Cố chấp vào nó có phải là kiến thủ không?
– Giáo pháp của tôi chỉ dạy không phải là một chủ nghĩa hay một chủ thuyết. Nó không do công phu suy luận của trí năng như những chủ thuyết về bản chất của vũ trụ, cho rằng bản chất ấy là lửa, là nước, là đất, là gió hay là thần linh; hoặc cho rằng vũ trụ là hữu hạn, là vô hạn, là hữu biên, là vô biên, v.v… Không, giáo pháp tôi dạy không phải là một chủ thuyết xây dựng trên sự suy-luận của trí năng. Giáo pháp tôi dạy là do kinh nghiệm thực chứng. Những gì tôi nói ra đều do tôi đã thực chứng. Và ông bạn cũng có thể kiểm chứng lại bằng kinh nghiệm thực chứng của chính ông bạn. Tôi nói vạn vật là vô thường, không có tự ngã. Ðiều này tôi đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại và hoại diệt, chứ không phải xuất phát từ một nguyên nhân đầu tiên nào hết. Ðiều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói quán chiếu để nhận thức rõ ràng về vô thường, vô ngã và duyên sinh có thể đưa chúng ta đến giải thoát và an lạc. Ðiều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Những điều tôi nói không có mục đích thuyết minh về vũ trụ mà chỉ có mục đích hướng dẫn sự thực tập để chứng nghiệm thực tại. Lời nói không diễn tả được thực tại. Chỉ có kinh nghiệm trực tiếp mới giúp ta nhận thức đúng thực tại.
– Hay lắm, hay lắm, sa-môn Gotama! Nhưng nếu có người cho rằng giáo pháp của ngài là một chủ thuyết thì sao?
– Này Dighanakha, câu hỏi của ông hay lắm. Giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do trí năng tạo ra, nhưng sau này, và ngay cả bây giờ, đã có những người xem giáo pháp ấy như một chủ thuyết. Tôi cần xác định rõ: Giáo pháp của tôi là một phương tiện đi vào thực tại, chứ không phải để mô tả thực tại. Cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Phải nương ngón tay để thấy mặt trăng, chứ ngón tay không phải là mặt trăng. Giáo pháp của tôi là để thực tập, thực hành để đi đến thực chứng, chứ không phải để tôn thờ, hoặc để bàn luận và ca ngợi. Giáo pháp của tôi là chiếc bè đưa người qua sông mê bể khổ, đến bờ giác ngộ giải thoát. Khi đến bờ rồi thì chiếc bè đó trở thành vô dụng.
– Xin đức Thế-Tôn chỉ bày cho tôi con đường vượt qua những cảm thọ sầu khổ.
– Này Dighanakha, ông hãy nghe kỹ. Cảm thọ có ba loại: cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và cảm thọ trung tính (xả thọ). Cả ba loại cảm thọ đều có gốc rễ hoặc trong thân thể, hoặc trong tâm ý và nhận thức. Các cảm thọ đều có sinh có diệt như bất cứ hiện tượng tâm lý hay vật lý nào. Phương pháp tôi chỉ bày là phương pháp quán chiếu. Quán chiếu để thấy rõ bản chất và nguồn gốc của các cảm thọ, dù là lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ. Một khi đã nhận thức rõ ràng bản chất và nguồn gốc của các cảm thọ là vô thường, vô ngã, duyên sinh, không thật, thì các cảm thọ lần hồi sẽ mất tác dụng của chúng. Cảm thọ đau khổ của con người đều bắt nguồn từ nhận thức sai lầm về thực tại. Một khi vô minh đã diệt, giác ngộ hiện tiền, thì mọi đau khổ đều tan biến. Ðiều này chỉ có thể đạt được bằng cách thực hành thiền quán chứ không thể nhờ cầu nguyện và cúng tế[20].
Trong khi Phật giảng cho du sĩ Dighanakha thì các vị Sariputta, Moggallana, Nagasamala, Kaludayin và Channa đều có mặt. Nhưng đại đức Sariputta là người thấu hiểu sâu sắc nhất. Ngài thấy tâm trí sáng lên, liền đắc quả A-la-hán. Không ngăn được xúc cảm, ngài chấp tay sụp xuống lạy Phật. Ðại đức Moggallana và du sĩ Dighanakha cũng sụp xuống đảnh lễ Phật. Dighanakha xin được xuất gia theo Phật. Kaludayin và Channa được chứng kiến cảnh này cũng rất xúc động, lòng thành kính và tin tưởng đối với Phật càng gia tăng.
Vài hôm sau hoàng hậu Videhi đưa thực phẩm đến Venuvana cúng dường. Bà đem theo một cây bông sứ để trồng bên cạnh am của Phật. Hoàng hậu nhớ mãi câu chuyện tiền thân về cây bông sứ mà Phật đã kể cho trẻ em nghe trong đền vua.

Dư luận chống đối Phật tại Rajagriha[21]

Phật đến Rajagriha (Vương Xá) chưa đầy một năm mà danh tiếng ngài đã vang dội gần xa với sự thành lập tinh xá Venuvana (Veluvana,Trúc Lâm), sự quy y Tam Bảo của vua Bimbisara, sự xuất gia của ba anh em ông Uruvela Kassapa, của Sariputta (Xá Lợi Phất), Moggallana (Mục Kiền Liên) và rất nhiều thanh niên trai tráng trong vùng. Lục sư ngoại đạo mất sự ủng hộ của vua và quần chúng, bắt đầu chỉ trích và nói xấu Giáo đoàn khất sĩ: Sa môn Gotama đã mê hoặc quần chúng bằng một giáo pháp xa lạ làm cho cha mất con, không người nối dõi, vợ mất chồng, phải sống cô đơn, gia đình tan rã, ruộng vườn thiếu người canh tác. Những người chống đối, mỗi khi gặp các khất sĩ, họ đọc lên bài vè sau đây:
Sa-môn Gotama
Ðến thủ đô Magadha
Lấy hết đệ tử của Sanjaya
Rồi sắp đến phiên ai nữa?
Các vị khất sĩ mỗi khi vào thành khất thực, nghe dư luận nói xấu trên và nghe đọc bài vè, lấy làm khó chịu, về bạch lại với Phật, xin Phật có biện pháp đối phó. Ðức Phật bảo:
– Này các vị khất sĩ, các thầy chớ buồn phiền về những dư luận đó. Chỉ trong vòng bảy ngày những dư luận đó sẽ im bặt. Nếu có ai đọc bài vè trên thì các vị hãy đọc bài kệ sau đây:
Thánh nhân Giác ngộ ra đời
Dạy Pháp cao thượng cho người;
Ai dám xầm xì chế nhạo
Thánh nhân truyền dạy Luật Trời?
Quả nhiên sau bảy ngày, dư luận trên không còn nữa. Nhưng nhóm Lục sư ngoại đạo lần lượt rời thủ đô Rajagriha xứ Magadha, dời đến thủ đô Sravasti xứ Kosala, mong tìm được sự ủng hộ của vua Pasenadi và dân chúng nơi đó.

Dân chúng Vesali cầu Phật đến trừ bệnh dịch tả[22]

Năm nay xứ Vajji bị mất mùa, tại thủ đô Vesali nạn đói lan tràn làm hằng ngàn người chết, phần lớn thuộc các gia đình nghèo khó, nên người ta chỉ bó xác để vào bãi tha ma hoặc thả xuống sông. Do đó bệnh dịch tả lại hoành hành làm cho người lớn và trẻ em không kể giàu nghèo đều chết như rạ. Những ông thầy thuốc giỏi nhất trong xứ Vajji đã chịu bó tay. Các thầy bà-la-môn đã thiết lập nhiều lễ đàn để cúng tế và cầu nguyện, nhưng cũng không đem lại kết quả nào. Cuối cùng dân chúng nghĩ đến việc đi cầu cứu với Phật hiện đang nhập hạ tại Venuvana. Vương tử Mahali Licchavi được đề cử mang nhiều tặng phẩm quý báu đến tận Rajagriha, vào triều kiến vua Bimbisara để xin phép thỉnh Phật về Vesali, hy vọng đạo đức cao cả của đức Thế Tôn có thể biến đổi được thiên tai. Vua bảo phái đoàn sứ giả nên đến thẳng tinh xá Venuvana gặp Phật. Khi biết Phật đã nhận lời, vua Bimbisara, hoàng hậu Videhi, các vị đại thần và dân chúng tiễn đưa Phật thật long trọng đến tận bờ sông Ganga[23]. Bên kia sông, dân chúng Vesali cũng đã tụ tập đông nghịt để nghênh đón. Họ lập lễ đài, treo cờ, kết hoa đầy cả bờ sông.
Khi thuyền của Phật qua tới, dân chúng hò reo vang dậy, lễ nhạc trổi lên vang lừng. Chính quyền và dân chúng đón tiếp Phật như một vị cứu tinh của họ. Phật vừa đặt chân lên đất liền thì sấm chớp bỗng nổi dậy và một trận mưa ào ạt đổ xuống. Ðây là trận mưa đầu tiên sau nhiều tháng hạn hán. Dân chúng mừng rỡ, nhảy múa, reo mừng ca hát ngay dưới cơn mưa. Cơn mưa đã đem lại sự mát mẻ và hy vọng cho cả xứ: cơn mưa làm cho ruộng vườn tươi tốt, đất đai được tẩy sạch mọi ô nhiễm bệnh tật. Phật và giáo đoàn khất sĩ được rước về công viên lớn tại trung tâm thủ đô Vesali. Nhiều túp lều khang trang đã được dựng lên trong công viên. Qua hôm sau Phật lên pháp đàn giảng về Tam Bảo[24] (Tri-ratana) như ba hòn ngọc quý của tất cả mọi người; người quy y Tam Bảo và hành trì năm giới sẽ được chư thiên có cảm tình và phò trợ, do đó có thể tránh được nhiều bệnh khổ. Sau thời pháp, Phật đi viếng những nơi bệnh dịch hoành hành nặng nhất trong thành phố. Ðến nơi nào Phật cũng chỉ dẫn cho dân chúng biết cách ăn ở cho hợp vệ sinh, cách phòng ngừa bệnh và cách sống đạo đức nương theo Tam Bảo và Chánh Pháp. Vài ngày sau, Phật nói kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công ÐứcỂ, nhắc lại 12 nguyện lớn của Phật Dược Sư nhằm giải trừ các bệnh khổ cho chúng sanh, khiến cho chúng sanh được đầy đủ các căn, và dẫn dắt chúng sanh vào đường giải thoát; đức Phật chỉ cách thiết đàn, lễ bái, cúng dường, tụng niệm kinh Dược Sư để tiêu trừ bệnh khổ. Sau hai tuần lễ, bệnh dịch đã giảm bớt nhiều. Phật và giáo đoàn lại được các Vương tử Licchavi và dân chúng đưa qua sông Ganga một cách hết sức long trọng, và được vua Bimbisara cùng đoàn tùy tùng rước về tinh xá Venuvana. Trong thời gian hai tuần tại Vesali, đức Phật đã độ được 84.000 người đắc quả Dự-lưu (Tu-đà-hoàn).

Ambapali và Jivaka gặp Phật[25]

Vào đầu tháng mười năm 588 trước tây lịch, khi mùa an cư gần mãn, có một thiếu phụ rất đẹp đến Venuvana (Trúc Lâm) xin gặp Phật. Nàng đi xe song mã màu trắng, cả hai con ngựa cũng màu trắng. Thiếu phụ bước xuống xe với một thiếu niên độ mười lăm tuổi. Nàng trang sức cực kỳ lộng lẫy với dáng điệu rất quý phái. Một tu sĩ trẻ tuổi đưa nàng từ cổng tinh xá đến trước am Phật. Gặp lúc Phật đang đi thiền hành, vị tu sĩ mời thiếu phụ và cậu con trai ngồi xuống hai cái ghế tre đặt trước sân.
Một lát sau Phật về tới, cùng với Sariputta, Kaludayin và thầy thị giả Nagasamala. Thiếu phụ và cậu con trai đứng dậy vái chào. Ðức Phật mời hai người ngồi xuống, rồi tự mình ngồi vào chiếc ghế thứ ba được đặt sẵn.
Mặc dù đã quen sống trong triều nội, Kaludayin chưa bao giờ thấy một người đàn bà xinh đẹp lộng lẫy và duyên dáng như thế. Thầy mới xuất gia được một tháng nên rất bỡ ngỡ, không biết nhìn ngắm một người đàn bà đẹp như vậy có đúng phép không. Thầy thị giả Nagasamala cũng có phản ứng như thế. Cả hai thầy đều nhìn xuống đất. Chỉ có Phật và Sariputta nhìn thẳng vào mặt thiếu phụ mà thôi. Sariputta nhìn thiếu phụ rồi quay sang nhìn Phật. Thầy thấy sắc diện Phật hiền lành trong sáng như mặt trăng rằm. Hào quang tự tại và an lạc của Phật thấm vào lòng thầy.
Ambapali cũng đang nhìn Phật. Bà chưa thấy ai nhìn bà như vậy bao giờ. Từ trước đến nay mỗi khi có một người đàn ông hay một thanh niên nhìn bà, bà đều thấy trong ánh mắt người đó một thoáng bối rối, một thoáng mơ ước, hoặc một dự tính chiếm hữu. Phật đang nhìn bà như nhìn một đám mây, một dòng sông hay một đóa hoa. Hình như ngài thấy được những cảm nghĩ sâu kín trong tâm hồn bà. Ambapali chắp tay bạch:
– Con là Ambapali, và đây là con trai của con tên Jivaka (Kỳ-Bà), năm nay mười lăm tuổi. Cháu đang học nghề y tại thủ đô Rajagriha. Con đã được nghe nói về thầy và con rất ao ước cháu được có duyên lành tới học hỏi cùng thầy.
– Tốt lắm, vậy mỗi khi rỗi rảnh cháu cứ tự tiện tới Venuvana để học hỏi với quý thầy.
Rồi Phật hỏi thăm Jivaka về chuyện học vấn và đời sống của chàng. Jivaka trả lời rất lễ phép, gọn ghẽ, rõ ràng. Cùng cha khác mẹ với thái tử Ajatasattu, nhưng chàng trông có vẻ thông minh và đức độ hơn. Sau vài câu chuyện với Phật, Jivaka bỗng thấy có cảm tình sâu đậm với ông thầy tu này. Chàng tự hứa khi học xong nghề thuốc chàng sẽ đến ở gần bên Phật.
Ambapali đã tưởng rằng Phật chỉ là một đạo sư nổi tiếng như những đạo sư nổi tiếng khác mà bà đã từng gặp. Nhưng không, bà chưa từng gặp một đạo sư nào như Phật. Bà chưa thấy ai có tư cách đáng kính phục và quý mến như Phật. Qua cái nhìn dịu hiền và từ ái của Phật, bà có cảm tưởng như ngài đã thấu hiểu tất cả những tâm sự khổ đau thầm kín của bà, bà không cần phải nói ra. Ðược gần Phật, bà cảm thấy vơi bớt rất nhiều nỗi khổ. Một giọt nước mắt ứa ra trên khóe mi, bà nói:
– Lạy thầy, đời con khổ lắm. Tuy rằng con không thiếu thốn gì về phương diện vật chất, nhưng con chưa bao giờ có được một niềm tin. Hôm nay là ngày sung sướng nhất của đời con.
Ambapali năm nay độ 32 tuổi. Nàng là một ca nhi già giặn, tài ba, sắc sảo, nhưng nàng không hát cho bất cứ ai. Những người mà nàng nhận thấy thiếu phong độ và tư cách thì dù có trả bao nhiêu tiền nàng cũng từ chối. Từ năm 16 tuổi, nàng đã gặp một cuộc tình duyên trắc trở. Sau đó nàng gặp vua Bimbisara khi còn là thái tử. Triều đình không muốn hoàng gia công nhận Jivaka là con của thái tử nên loan tin Jivaka là con hoang mà thái tử bắt gặp trong một cái thúng để bên vệ đường. Ðiều này đã làm cho Ambapali đau khổ. Nỗi khổ càng tăng với lòng ganh ghét và thù hận. Nàng quý tự do như bảo vật duy nhất còn lại trong đời nàng. Cho nên từ ấy đến nay chưa ai trói buộc được nàng.
Phật bảo Ambapali:
– Nhan sắc cũng chịu luật sinh diệt và cũng sẽ tàn phai theo thời gian như bao nhiêu hiện tượng khác. Của cải và sự giàu sang cũng vậy. Chỉ có niềm an lạc và cái tự do do công phu thiền định và quán chiếu đem tới mới là hạnh phúc chân thật mà thôi. Này Ambapali, đã đến lúc bà phải tập sống đời sống tỉnh thức an lạc. Phải quý trọng từng giây phút còn lại của đời mình, đừng lãng phí đời bà trong sự vui chơi để tìm quên lãng. Ðiều này rất quan trọng cho hạnh phúc của bà và của Jivaka.
Rồi Phật dạy cho Ambapali cách tổ chức lại cuộc sống hằng ngày, cách hành trì năm giới, cách thở, cách ngồi thiền, cách sử dụng thì giờ, cách cúng dường và làm việc phước thiện. Ambapali sung sướng ngồi nghe những lời dạy quý báu của Phật. Cuối cùng, trước khi từ giã Phật, bà nói:
– Tại ngoại ô thành Vesali, con có một vườn xoài rất mát mẻ và thanh tịnh ở làng Amvara. Con mong thầy và chư vị khất sĩ, trên đường đi hoằng hóa, có dịp ghé nơi ấy nghỉ ngơi. Ðiều đó sẽ là một vinh hạnh lớn cho con và cho Jivaka. Kính xin đức từ bi hoan hỷ nhận lời.
Phật mỉm cười nhận lời. Bà Ambapali đi rồi, thầy Kaludayin xin phép được ngồi xuống bên Phật. Thầy thị giả mời đại đức Sariputta ngồi trên chiếc ghế còn lại, còn thầy thì khoanh tay đứng hầu sau lưng Phật. Một số khất sĩ đang đi thiền hành gần đấy, thấy khung cảnh ấm cúng cũng ghé vào. Ðại đức Sariputta mỉm cười nhìn Kaludayin và thầy thị giả Nagasamala rồi hỏi Phật:
– Thưa Thế-Tôn, người xuất gia nên có thái độ nào đối với phái nữ? Sắc đẹp của phái nữ có phải là một trở ngại cho công phu tu tập không?
Phật nhìn Nagasamala và các vị khất sĩ trẻ, đáp:
– Này các thầy, tự tính của vạn vật không có đẹp xấu. Ðẹp xấu là do cảm thọ hay nhận thức của mỗi người tùy nghiệp riêng của mình mà phát sanh. Do nhãn căn tiếp xúc với sắc trần mà sanh ra nhãn thức. Nhãn thức tùy nghiệp của mỗi người mà sanh ra cảm thọ dễ chịu hay khó chịu. Cảm thọ dễ chịu sanh ra ý niệm đẹp, Cảm thọ khó chịu sanh ra ý niệm xấu. Một nghệ sĩ và một nông dân chất phát có quan niệm khác nhau về đẹp và xấu. Do đó, tùy theo quan niệm của mỗi người mà một dòng sông, một đám mây, một chiếc lá, một bông hoa, một tia nắng sớm, một buổi chiều vàng có vẻ đẹp khác nhau. Nhưng không có cái đẹp nào có thể trói buộc và làm mất ý chí của nam nhi bằng cái đẹp của người phụ nữ. Tham đắm vào nữ sắc thường làm mất chí nguyện và sự nghiệp lớn lao của nam giới. Vì vậy Như Lai muốn căn dặn quý thầy hãy rất cẩn thận đối với nữ sắc.
Ðối với những người đã đạt đạo, đã tự giải thoát ra khỏi sự khống chế của cảm thọ, ái dục và ý thức, đã vượt ra ngoài những ý niệm đối đãi đẹp/xấu, hay/dở, phải/quấy thì mọi việc đều được dễ dàng, mỗi lời nói, cử chỉ, hành động đều hợp chánh pháp. Nhưng đối với những người tu hành chưa đủ công phu, quán chiếu chưa được thuần thục, định huệ chưa đủ sức mạnh, thì Như Lai khuyên họ không nên gần gũi nữ sắc, mà phải để hết thì giờ vào việc học hỏi và thiền tập. Chỉ có cái đẹp của tâm giải thoát và lòng từ bi là cái đẹp vĩnh cửu mang đến cho ta niềm an lạc chân thật.
Kaludayin, Nagasamala và các vị tỳ kheo có mặt đều rất sung sướng được nghe lời Phật dạy.
Khi mùa an cư hoàn mãn, vào ngày trăng tròn tháng mười dương lịch, Phật bảo Kaludayin và Channa về Kapilavastu trước để báo tin cho vua Suddhodana và Yasodhara hay ngày Phật trở về.

Phật về Kapilavastu, ngụ tại vườn Nigrodha[26]

Về đến Kapilavastu, Kaludayin vào cung báo tin ngày về của Phật cho vua Suddhodana, hoàng hậu Pajapati và Yasodhara. Rồi thầy lại một mình ôm bát ra đi trở về hướng đông nam để đón Phật. Thầy áp dụng phép khất thực của giáo đoàn khất sĩ, ngày đi đêm nghỉ, chỉ dừng lại các thôn xóm vào giờ khất thực mà thôi. Tới đâu thầy cũng báo tin là thái tử Siddhattha xuất gia thành đạo sắp trở về. Ði được chín hôm thì thầy gặp Phật và đoàn khất sĩ. Mừng rỡ, thầy gia nhập phái đoàn và cùng đi về Kapilavastu. Chỉ có đại đức Sariputta và khoảng ba trăm khất sĩ theo Phật, còn những vị khác ở lại Venuvana với đại đức Moggallana, Kondanna và Uruvela Kassapa. Ðức Phật và giáo đoàn đi đến đâu cũng được dân chúng tiếp đón niềm nở.
Sau 60 ngày đường, ngày đi đêm nghỉ, đức Phật và giáo đoàn về đến Kapilavastu, ngụ tại công viên Nigrodha (Ni-câu-đà) ngoài cổng thành phía nam. Sáng hôm sau, Phật và tăng đoàn ôm bát vào kinh thành khất thực. Cảnh tượng ba trăm vị khất sĩ khoác áo cà-sa vàng, tay ôm bình bát, lặng lẽ trang nghiêm đi khất thực trong thành phố đã gây một ấn tượng lớn trong lòng người thủ đô. Chẳng mấy chốc tin này được báo vào hoàng cung. Vua Suddhodana, hoàng hậu Pajapati và công chúa Yasodhara được báo rằng thái tử Siddhattha hiện đang đi xin ăn trong thành với hằng trăm khất sĩ khác. Vua truyền đánh xe đưa ngài đi gặp thái tử. Hoàng hậu và hai mẹ con Rahula hồi hộp ngồi chờ trong cung. Xa giá vừa đến cổng thành phía nam thì gặp đoàn khất sĩ. Vị võ quan hầu cận bên vua nhận ngay ra thái tử.
– Tâu bệ hạ, vị khất sĩ đi đầu kia đúng là thái tử.
Vua chợt nhận ra con mình. Dáng điệu của Phật uy nghi, từ tốn, đang ôm bình bát đứng trước một căn nhà nghèo nàn. Ngài đứng trang nghiêm, lặng lẽ, làm như việc xin ăn là việc quan trọng nhất trong đời. Một thiếu phụ ăn mặc xềnh xoàng từ trong nhà bước ra, tay cầm một củ khoai, quỳ xuống lễ dưới chân Phật rồi kính cẩn đặt củ khoai vào trong bình bát. Ðức Phật kính cẩn nghiêng mình đáp lễ, rồi lặng lẽ từ giã, bước sang ngôi nhà bên cạnh.
Vua bước xuống xe đi thẳng về phía Phật. Ðức Phật cũng vừa nhận thấy nhà vua. Ðôi mắt nhìn nhau đầy tình thương trìu mến. Nhà vua không dằn được xúc động, gọi:
– Siddhattha!
– Phụ vương!
Phật trao bình bát cho thầy thị giả, rồi nắm lấy hai tay vua cha trong tay mình. Hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống trên đôi má nhăn nheo của vua. Ðức Phật nhìn vua với đôi mắt dịu dàng, đầm ấm để an ủi người. Vua biết rằng Siddhattha bây giờ không còn là một đông cung thái tử nữa mà là một sa-môn, một đạo sư tên tuổi với hằng ngàn đệ tử. Nhà vua muốn ôm Phật vào lòng, nhưng biết làm như vậy không ổn. Cuối cùng vua chấp tay nghiêng mình đảnh lễ Phật theo thể thức của một vị quốc vương làm lễ một vị đạo sĩ. Vị võ quan hầu cận cũng bắt chước vua chấp tay nghiêng mình đảnh lễ Phật. Ðức Phật đáp lễ rồi quay sang nói với đại đức Sariputta:
– Thầy hãy tiếp tục hướng dẫn tăng đoàn đi khất thực, rồi trở về công viên Nigrodha thọ thực và an nghỉ. Như Lai và Nagasamala vào thăm hoàng gia, thọ ngọ trai tại đó và chiều nay chúng tôi sẽ trở về với quý thầy.
Ðại đức Sariputta nhận lệnh xong, nghiêng mình đảnh lễ vua và Phật rồi lui gót. Vua nhìn Phật nói với vẻ trách móc:
– Ta tưởng con về tới là vào cung ngay để thăm cha mẹ vợ con rồi ăn cơm luôn. Sao con không về thẳng hoàng cung mà lại đi khất thực ngoài phố?
– Thưa phụ vương, con đâu có đi một mình. Còn có cả giáo đoàn khất sĩ theo con, con có trách nhiệm hướng dẫn nơi ăn chốn ở và sinh hoạt của giáo đoàn.
– Nhưng sao con làm mất mặt hoàng gia như thế? Sao con lại phải xin ăn tại những nhà nghèo hèn như thế? Dòng họ Sakya từ đời vua Maha-Sammata (Ðại Mao Thảo) đến nay có ai làm như thế đâu!?
– Thưa phụ vương, dòng họ vua chúa thì không ai làm như thế, nhưng chư Phật và dòng họ khất sĩ từ đời Phật Dipankara (Nhiên-Ðăng) đến đời Phật Kassapa (Ca-Diếp) thì ai cũng làm như thế. Thưa phụ vương, đi khất thực là một phép tu nhằm thực hiện tinh thần khiêm cung và bình đẳng. Khi con nhận một củ khoai của một gia đình nghèo khổ, con cũng phải có thái độ cung kính như khi con nhận một món ăn sang trọng do một vị đế vương cúng dường, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng đạt tới giải thoát và giác ngộ. Trong xã hội có nhiều sự chênh lệch về tài sản và quyền thế. Trong giáo pháp mà con tìm ra thì mọi người đều bình đẳng vì đều có đầy đủ khả năng giác ngộ thành Phật. Thưa phụ vương, đúng vậy, chính phụ vương cũng có đầy đủ khả năng giác ngộ thành Phật, con mong phụ vương từ nay dõng mãnh thực hành lối sống thanh tịnh của thánh nhân. Bất cứ ai sống đời đạo đức thánh thiện sẽ được nhiều hạnh phúc ngay trong đời này và cả đời sau nữa[27].
Nghe Phật nói xong, vua Suddhodana liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Vua ngạc nhiên và vui mừng nhận ra con mình bây giờ đã trở nên một vị lãnh đạo tinh thần đáng kính. Hai cha con lặng lẽ đi bên nhau trở về hoàng cung.
Trong khi ấy hoàng hậu Gotami, công chúa Yasodhara, công chúa Sundari Nanda và Rahula đang đứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy tất cả những gì đang xảy ra. Khi vua và Phật gần đến hoàng cung, Yasodhara, một tay nắm lấy tay con, một tay chỉ Phật và bảo:
– Này Rahula, con có thấy ông thầy tu đang đi bên cạnh ông nội đó không?
– Dạ, con có thấy.
– Người ấy là cha của con đó. Con chạy xuống chào cha con đi. Cha con có gia tài quý báu lắm. Con xuống hỏi cha xin gia tài của con đi.
Rahula nghe lời mẹ chạy xuống lầu, băng qua sân chầu, chạy đến cổng hoàng cung, nắm lấy tay Phật, vừa thở vừa nói:
– Ông thầy tu ơi, mẹ con bảo xuống hỏi ông xin gia tài. Gia tài của con đâu, ông đưa cho con đi.
Ðức Phật ngồi xuống ôm Rahula vào lòng, nói:
– Gia tài của con hả? Ðược rồi, thông thả rồi cha sẽ trao cho.
Ðức Phật, tay trái nắm tay Rahula, tay phải cầm tay vua cha, cả ba người tiến vào hoàng cung.
Hoàng hậu Gotami lên tiếng bảo Yasodhara và Sundari Nanda cùng xuống sân chầu đón vua và Phật. Yasodhara thưa:
– Thưa mẫu hậu, thái tử ra đi giữa đêm khuya không một lời từ giã con. Suốt bảy năm nay cũng không hề có nhắn tin tức gì về cho con. Mọi tin tức về thái tử đều do con thăm dò mà biết. Vậy bây giờ thái tử về đây, nếu còn thương nghĩ đến con thì hãy vào cung tìm con.
Hoàng hậu Gotami tìm lời an ủi Yasodhara rồi bảo Sundari Nanda cùng mình xuống sân chầu. Vừa tới sân chầu, thấy vua và Phật đi vào vườn thượng uyển, hai người cùng đi theo vào.
Trời bắt đầu mùa nắng ấm. Trong vườn thượng, trăm hoa đua nhau khoe sắc. Chim chóc líu lo trên cành. Cảnh vật thật vui tươi mừng ngày đoàn tụ. Vừa thấy hoàng hậu Gotami và Sundari Nanda bước đến, Phật chào hỏi:
– Thưa mẹ! Em Sundari! Còn Yasodhara và em Nanda đâu?
– Em con đang đi tập võ, chắc nó cũng sắp về tới. Còn Yasodhara thì phiền trách con ra đi không một lời từ giã nó, và suốt bảy năm nay con không hề có tin tức gì về thăm nó. Nó nói nếu con còn nghĩ đến nó thì hãy vào cung mà gặp. Tội nghiệp! Yasodhara là một người đàn bà rất can đảm. Sau khi con đi, có nhiều hoàng thân quý tộc dòng Kshatriya[28] ngắm nghé đến hỏi nhưng nó đều từ chối. Khi nghe tin con sống đời tu sĩ thì nó cũng cổi hết vòng vàng châu báu và đắp y vàng. Nó thường theo dõi tin tức con và rất đau buồn trong thời gian con tu khổ hạnh tại Uruvela. Khi được biết con chỉ ăn mỗi ngày một bữa, nó cũng ăn mỗi ngày một bữa; khi được biết con không nằm giường cao, nó cũng nằm dưới thấp. Yasodhara quả là một thiếu phụ đáng thương, tiết hạnh vẹn toàn[29].
– Thưa mẹ, con biết. Mẹ và Yasodhara là hai người phụ-nữ can đảm và đức hạnh. Chốc nữa con sẽ vào thăm Yasodhara. Chà em Sundari Nanda chóng lớn quá!
– Siddhattha, vua nói, con hãy kể lại cho mọi người nghe về những năm con đi tìm thầy học đạo, tu khổ hạnh và thành đạo như thế nào. Ai cũng mong muốn biết rõ con sống như thế nào trong bảy năm qua.
Vâng lời vua, Phật bắt đầu kể sơ lược lúc ngài rời hoàng thành ra đi, lúc học với đạo sư Alara Kalama và đạo sư Uddaka Ramaputta, lúc tu khổ hạnh tại Uruvela với năm anh em ông Kondanna, lúc ngài thành đạo dưới cội cây Pippala (cây Bồ-đề), lúc ngài chuyển Pháp-luân tại Isipatana, lúc ngài gặp lại vua Bimbisara và được vua tổ chức một buổi cúng dường vĩ đại và tặng ngự-uyển Venuvana để làm tinh xá tu học cho tăng đoàn. Tiếng Phật đầm ấm. Ngài kể khái quát những gì đã xảy ra, và nhân cơ hội này ngài gieo những hạt giống chánh pháp vào lòng những người thân đang lắng nghe. Ðức Phật vừa kể xong thì nhà vua đắc quả Tư-đà-hàm (Sakadagami) và hoàng hậu Maha Pajapati đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Nanda, em cùng cha khác mẹ với Phật cũng vừa về tới. Ðức Phật nhìn Nanda bảo:
– Em về rồi đó à! Chà, trông em lúc nào cũng vui tươi và khoẻ mạnh. Em đã đính hôn rồi phải không? Bao giờ thì làm lễ cưới?
– Dạ, mọi người chờ anh về vài hôm sẽ làm lễ cưới. Em trông anh cũng khác xưa lắm.
– Phải đãy, hoàng hậu Gotami nói, Cha con chờ con về để làm lễ tấn phong Nanda làm thái tử cùng một lúc với lễ cưới Janapada-Kalyani làm vợ.
Hoàng hậu Gotami bảo Nanda nên chắp tay xá Phật theo cách lễ một đạo sĩ. Nanda vui vẻ làm theo. Theo lệnh của hoàng hậu Gotami, bữa ăn chay thịnh soạn được dọn ra ngay trong vườn thượng vào đầu giờ ngọ. Vua hỏi:
– Hồi nãy hai thầy đã khất thực được những gì rồi?
– Dạ, con mới được có một củ khoai. Còn thầy Nagasamala thì chưa được gì hết.
– Vậy để ta cúng dường hai thầy.
Vua đứng dậy để sớt thức ăn vào bát cho Phật và thầy Nagasamala. Ðức Phật, thầy Kaludayin và thầy Nagasamala chú nguyện xong, mọi người thọ thực trong im lặng giữa tiếng chim hót líu lo trên cành.
Cơm nước xong, hoàng hậu Pajapati Gotami khuyên Phật nên vào cung thăm Yasodhara. Ðức Phật cùng thầy Kaludayin và thầy thị giả Nagasamala đến phòng Yasodhara. Ðức Phật ngồi vào chỗ đã dọn sẵn cho ngài. Ngài nói với mọi người hãy để công chúa đảnh lễ theo ý thích, không nên nói gì. Công chúa Yasodhara và các thị nữ đều mặc y-phục màu vàng, đến đảnh lễ dưới chân Phật. Xong, công chúa cung kính ngồi lại một bên, hai giọt lệ chảy dài trên má. Ðức Phật khen ngợi đức hạnh của bà và thuật lại câu chuyện Canda-kinnara Jataka[30] về mối liên hệ giữa ngài và công chúa trong nhiều tiền kiếp, và nhắc lại lời hứa của công chúa trong một kiếp quá khứ, lúc hai người mang bảy hoa sen cúng đức Phật Dipankara (Nhiên Ðăng). Trong kiếp ấy công chúa hứa với Sumedha (tiền thân đức Phật) rằng nếu nàng được kết duyên với Sumedha thì khi chàng muốn xuất gia, nàng sẽ hết lòng giúp đỡ chứ không cản trở. Nhờ thần lực của đức Phật, Yasodhara nhớ lại rõ ràng lời hứa của mình, không còn buồn phiền nữa.
Ðức Phật, Yasodhara, thầy Kaludayin và thầy Nagasamala trở ra vườn thượng gặp lại vua và hoàng hậu. Mọi người lại có dịp hỏi Phật những điều họ còn chưa hiểu rõ về cuộc sống của Phật và giáo lý của ngài. Cuối cùng, hoàng hậu Pajapati Gotami khuyên Phật về ngụ trong hoàng cung, nhưng Phật bảo ngài phải cùng ở bên cạnh giáo đoàn khất sĩ tại công viên Nigrodha, và như vậy tiện hơn. Vua hỏi thăm Phật về cách thức sửa sang và xây cất thêm trong vườn Nigrodha để tăng đoàn có đủ tiện nghi, và ngài cũng có ý tổ chức một đại lễ cúng dường như vua Bimbisara ở nước Magadha để tất cả triều thần, nhân sĩ và đại chúng được nghe Phật giảng bày giáo pháp. Ðức Phật đồng ý.
Mặt trời đã xế bóng. Ðức Phật đứng lên từ giã để trở về công viên Nigrodha. Vua truyền đem xe tứ mã ra đưa Phật đi, nhưng ngài từ chối, bảo rằng tất cả khất sĩ đều đã lập hạnh chỉ đi bộ mà thôi.
Vua Suddhodana ra lệnh cho dân chúng treo cờ, kết hoa để làm lễ tấn phong Thái-tử và lễ cưới cho Nanda, đồng thời rước Phật và giáo đoàn đến hoàng cung thọ trai. Công viên Nigrodha được sửa sang để có đủ tiện nghi về vệ sinh, thời tiết và sinh hoạt cho giáo đoàn. Dân chúng và một số nhân sĩ đã bắt đầu lui tới công viên để cúng dường, giúp các công tác xây dựng, và học hỏi giáo lý. Thái tử Nanda đã đến thăm Phật được hai lần vào buổi chiều, và đã nghe Phật giảng dạy cho những điều căn bản trong giáo lý giác ngộ và giải thoát. Nanda rất thương kính Phật, và cảm thấy thích nếp sống an vui thanh tịnh của các vị khất sĩ. Nhưng khi về đến cung điện, được ở bên cạnh công chúa Janapada Kalyani đáng yêu đáng quý thì không còn ý nghĩ xuất gia nữa. Chàng rất phân vân tự hỏi không biết nên chọn con đường nào.
Ðến ngày đại lễ, cả thủ đô tưng bừng náo nhiệt, treo cờ, kết hoa, y phục đủ màu rực rỡ. Người ta vui vẻ, nô nức tập họp dọc theo hai bên đường mà Phật và giáo đoàn sẽ đi qua từ công viên Nigrodha đến hoàng thành. Ai cũng muốn nhìn thấy Phật. Trong hoàng cung hằng ngàn tân khách gồm các nhân sĩ chính trị, văn hóa, tôn giáo đã tề tựu đầy đủ. Hoàng hậu Gotami và Yasodhara đích thân điều khiển cuộc tiếp đãi. Mọi người đều trang phục lộng lẫy.
Ðức Phật và ba trăm khất sĩ mặc áo cà-sa vàng, tay ôm bình bát, im lặng, trang nghiêm, bước từng bước khoan thai, tiến dần đến cổng thành mở rộng. Vua Suddhodana và các đại thần ra tận cổng thành đón Phật. Khi đức Phật sắp đến cổng thành thì các vị cao niên ngã-mạn dòng Sakya bảo nhau:
– Vị sa-môn kia chẳng qua chỉ vào hàng con cháu của chúng ta thôi. Vậy hãy để bọn trẻ tuổi chào đón đạo sĩ, chúng ta đã già rồi, cứ ngồi yên một chỗ cũng được.
Ðức Phật biết được, e rằng sự cống cao ngã mạn trước một vị Phật sẽ làm cho các vị ấy mất nhiều phước đức và không còn đủ sáng suốt và chú tâm để nghe Phật giảng giáo lý cao thượng. Ðức Phật bèn dùng thần thông Yamaka Patihariya[31], bay lên giữa lừng trời, nửa thân phún ra lửa cùng một lúc nửa thân kia phún ra nước từ các lỗ chân lông, rồi ngài từ từ đi trên cầu vòng năm màu đến cổng thành đáp xuống cùng một lúc với đám mưa phùn nhẹ nhàng mát mẻ.
Vua Suddhodana kính cẩn chấp tay đảnh lễ Phật và thầm nhủ rằng đây là lần thứ ba[32] cha đảnh lễ con. Tất cả các vị hoàng thân, lòng ngã mạn tiêu tan, đều noi gương vua, cung kính đến lễ Phật.
Sau lễ tấn phong Thái-tử và lễ cưới của Nanda và Janapada-Kalyani, vua Suddhodana thỉnh Phật đến ngồi trên một bành ghế cao đã dọn sẵn. Khi Phật và các vị khất sĩ đã an tọa, vua ra hiệu cho các người hầu mang thức ăn ra cúng dường. Chính tay vua sớt thức ăn vào bát của Phật và thầy Sariputta. Trong khi hoàng hậu và Yasodhara hướng dẫn quân hầu thừa tiếp các vị khất sĩ và quan khách, trong đó có nhiều đạo sĩ Bà-la-môn, các du sĩ và cả các tu sĩ khổ hạnh. Tất cả đều thọ trai trong im lặng.
Khi mọi người đã thọ trai xong, bát của Phật và chư vị khất sĩ được quân hầu rửa, lau và giao trả lại cho từng người. Vua Suddhodana đứng dậy chấp tay thỉnh Phật thuyết pháp. Ðức Phật ngồi im lặng một lát để quán chiếu tâm ý của đại chúng. Rồi ngài bắt đầu nói kinh Vessantara Jataka[33], thuật lại nhân duyên đời trước lúc Phật làm vua Vessantara (Hộ-Minh), thác sanh về cõi trời Tusita (Ðâu-suất) rồi giáng sanh tại Kapilavastu. Kế đó đức Phật nói sơ lược về ý chí tìm đạo, kinh nghiệm học đạo và tu tập của mình. Rồi ngài khai thị cho đại chúng về tính cách vô thường, vô ngã và duyên sinh của vạn vật. Khi thấy đại chúng đã tiếp nhận được quan niệm mới mẻ này rồi, ngài giảng tiếp về Tứ Diệu Ðế: nhận thức sự có mặt của đau khổ trong cuộc sống, chỉ rõ nguyên nhân của đau khổ là vô minh và tham ái, chỉ rõ sự hiện hữu của cảnh giới an lạc niết bàn, và con đường tu tập để diệt khổ hầu tiến tới cảnh giới an lạc niết-bàn. Ðó là con đường tỉnh thức, giác ngộ và giải thoát, đưa đến hạnh-phúc chân thật. Ðức Phật xác nhận rằng những điều ngài vừa trình bày đều do ngài thực chứng khi ngài đạt được túc-mạng-minh, thiên-nhãn-minh và lậu-tận-minh trong đêm thành đạo dưới cội bồ-đề. Ðó là những thực tại do ngài trực nhận bằng tam minh của trí bát-nhã, chứ không phải do óc suy luận. Ðể kết thúc, đức Phật nói tiếp:
– Thưa Ðại vương và quý vị, tất cả mọi khổ đau của ta đều bắt nguồn từ vô minh, cố chấp, tham ái. Muốn thoát khỏi khổ đau phải diệt trừ vô minh, cố chấp và tham ái bằng cách dùng trí tuệ quán chiếu muôn vật đúng như thật. Người chưa đủ trí tuệ phải thực tập từ từ bằng phép quán hơi thở (anapana-sati), minh sát tuệ (vipassana), phải trì giới để ba nghiệp thân miệng ý được thanh tịnh; nhờ ba nghiệp thanh tịnh nên tâm ý được định; nhờ tâm ý định nên trí tuệ phát sanh; nhờ trí tuệ phát sanh nên vô minh, cố chấp, tham ái không còn; đau khổ do đó cũng chấm dứt. Thưa quý vị, quán chiếu và giới, định, huệ là con đường duy nhất đưa tới giải thoát và hạnh-phúc chân thật (niết-bàn).
Khi đức Phật chấm dứt pháp thoại, một số người đã chứng được quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna), trong đó có công chúa Yasodhara, hoàng hậu Maha-Pajapati chứng quả Tư-đà-hàm (Sakadagami),riêng vua Suddhodana đắc quả A-na-hàm (Anagami).
Sau buổi thuyết pháp đó, có rất nhiều người tới công viên Nigrodha xin xuất gia hoặc thọ trì năm giới của người cư sĩ. Nhiều thanh niên trong dòng họ Sakya cũng đến xin xuất gia. Yasodhara cũng thường đi chung với hoàng hậu Pajapati và Rahula đến thăm Phật, cúng dường chư tăng và nghe thuyết pháp.

Nanda xuất gia[34]

Nửa tháng sau, vua Suddhodana thỉnh Phật tới thọ trai trong hoàng cung để vua và hoàng gia lại có cơ duyên được nghe Phật thuyết pháp. Lần này vua chỉ mời Phật, thầy Sariputta, thầy Kaludayin và thầy Nagasamala. Trong không khí gia đình, sau bữa ngọ trai, Phật đã giảng dạy về cách quán niệm hơi thở, quán chiếu các cảm thọ của 6 căn (mắt, tai mũi, lưỡi, thân, ý), phương pháp thiền hành và thiền tọa. Ngài chú trọng đến cách thức quán chiếu để vượt qua những phiền muộn, nóng giận trong đời sống hằng ngày. Ngài chỉ cách duy trì chánh niệm và an trú trong chánh niệm. Yasodhara, Rahula, Nanda và Sundari Nanda đều có mặt trong buổi thuyết pháp này. Rahula rất thích ở bên cạnh thầy Sariputta và nắm lấy tay thầy.
Khi Phật ra về, mọi người đưa ngài ra đến cổng phía nam. Ðức Phật trao bình bát của ngài cho Nanda cầm, chấp tay xá chào vua Suddhodana và từ giã mọi người. Nanda đứng ôm bát, chờ Phật chào xong thì trả bát lại. Nhưng Phật không lấy bát lại mà lặng thinh, trang nghiêm, thong thả, nhìn thẳng xuống đất phía trước mặt, bước lần về tu viện Nigrodha. Nanda không dám quấy rầy, lặng yên ôm bát theo sau.
Về tới tu viện, Phật bảo Nanda ở lại chơi và sinh hoạt năm bảy hôm tại đây. Vừa thương vừa kính Phật, Nanda vâng lời. Thấy nếp sống ở đây rất thanh tịnh và thoải mái, vị thái tử trẻ đem lòng mến mộ. Một hôm Phật hỏi Nanda có muốn xuất gia theo Phật tu học một thời gian không. Nanda đáp có. Phật bảo thầy Sariputta làm lễ xuất gia cho Nanda. Nanda vì quá nể Phật nên chịu lễ xuất gia, nhưng trong lòng vẫn thương nhớ người vợ đẹp mới cưới là Janapada Kalyani[35].
Việc xuất gia của Nanda đã được Phật thảo luận trước với vua Suddhodana. Vua đồng ý với Phật rằng tuy Nanda rất thông minh và hiền lành nhưng thiếu tánh cương quyết cần có của một nhà lãnh đạo. Phật đề nghị với vua cho Nanda đi theo tu học và gần gũi với Phật một thời gian để Phật rèn luyện cho chàng những đức tính cần thiết. Nhà vua đồng ý.

Rahula xuất gia[36]

Rahula thấy chú là Nanda được xuất gia ở suốt ngày với Phật thì thích lắm. Rahula xin mẹ được xuất gia như chú Nanda, nhưng bà bảo cậu còn nhỏ lắm, chừng nào lớn bằng chú Nanda bấy giờ mới xuất gia được.
Một hôm tăng đoàn khất thực gần hoàng cung. Ysodhara và Rahula đứng trên lầu trông thấy. Rahula xin phép được xuống thăm Phật. Cậu chạy ra cửa hoàng cung, đến nắm tay Phật. Cậu rất sung sướng đi bên cạnh Phật, cậu nói:
– Thầy ơi! Ðược đi bên cạnh thầy con cảm thấy mát mẻ dễ chịu lắm.
Một lát sau, cậu hỏi:
– Thầy ơi! Gia tài của con đâu?
Phật đáp:
– Về đến tinh xá thầy sẽ trao cho con.
Ðến tinh xá Nigrodha, Rahula được xếp ngồi bên cạnh Phật và đại đức Sariputta. Cậu thấy chú Nanda ngồi ở đàng xa. Thầy Sariputta chia phần ăn cho Rahula và dạy cậu cách ngồi ăn trong im lặng. Lần đầu tiên Rahula rất ngạc nhiên thấy rằng ăn trong im lặng làm cậu có cơ hội thưởng thức mùi vị của từng món ăn. Ăn xong cậu được đại đức Sariputta dắt về phòng mình nghỉ. Rahula nói với đại đức Sariputta là cậu muốn được ở lại tinh xá như chú Nanda. Ðại đức Sariputta bảo muốn ở luôn tại tinh xá thì phải xuất gia, nhưng phải đến hai mươi tuổi mới xuất gia được. Rahula nũng-nịu nắm tay thầy Sariputta nói “Con muốn xuất gia bây giờ hà!”. Ðại đức Sariputta dắt Rahula đến bạch Phật ý muốn xuất gia của Rahula. Phật bảo:
– Vậy thầy hãy làm lễ nhập chúng cho cháu tập sự xuất gia, thọ giới khu-ô sa-di[37]. Chừng đến hai mươi tuổi sẽ thọ giới tỳ-kheo.
Thầy Sariputta xuống tóc cho Rahula và cho cậu thọ tam quy và bốn giới: không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, không uống rượu. Thầy dạy cho Rahula cách khoác y và ôm bát. Rahula được lệnh ở bên cạnh thầy Sariputta, trong lúc ngủ cũng như trong lúc đi khất thực, để học hỏi và thực tập nếp sống khất-sĩ. Ngoài bữa ăn ngọ, Rahula được ăn thêm một lần nữa vào buổi chiều. Trong các giờ ngồi thiền, Rahula có nhiệm vụ đuổi quạ một cách êm thắm để giữ yên tĩnh cho các thầy.
Ðược tin Rahula xuất gia, vua Suddhodana, hoàng-hậu Gotami và bà Yasodhara đến tinh xá Nigrodha. Phật ra cổng đón tiếp, có cả Nanda và Rahula đi theo. Rahula muốn chạy đến gặp mẹ, nhưng thầy Sariputta bảo chú phải thong thả đi chứ không được chạy. Yasodhara ôm con vào lòng, nước mắt ràn-rụa. Vua Suddhodana xá Phật, rồi nói với giọng trách móc:
– Thế Tôn, trẫm đã đau xót vô cùng khi thái-tử bỏ nhà đi xuất gia. Rồi mới đây Nanda cũng bỏ trẫm. Trong lúc tuổi già, trẫm nay đã 78 tuổi rồi, ngai vàng hiện không còn ai kế nghiệp, chỉ còn Rahula là nguồn an-ủi duy nhất. Bây giờ Thế Tôn lại khuyến dụ Rahula xuất gia làm khất sĩ. Nó còn nhỏ quá, chỉ mới bảy tuổi, trẫm sợ nó không kham nỗi lối sống rày đây mai đó không nhà cửa. Thế Tôn cũng nên nghĩ đến nỗi khổ của mẹ nó là Yasodhara. Ðối với người tại gia, tình cha con, tình mẹ con, tình ông cháu rất nặng. Niềm đau xa cách cũng như dao cắt vào da. Cắt vào da xong, lại cắt sâu vào thịt. Cắt sâu vào thịt rồi, lại cắt luôn vào xương vào tủy. Niềm đau khổ không sao tả hết được. Xin Thế Tôn và các Ðại đức từ nay đừng nhận cho người còn nhỏ tuổi xuất gia nếu không có sự ưng thuận của cha mẹ chúng.
Ðức Phật quay lại nói với thầy Sariputta và các đại-đức bên cạnh:
– Từ nay trở đi, các thầy không nên chấp nhận cho trẻ em xuất gia nếu không có sự đồng ý của phụ huynh các em. Xin đại đức ghi vào quy chế như vậy.
Rồi đức Phật tìm lời an ủi vua, hoàng hậu Gotami và Yasodhara. Ngài thuyết pháp cho các vị đó rõ thêm sự thực về vô thường và vô ngã. Ngài nói đến công phu tu tập tinh tiến hằng ngày như là cửa ngõ duy nhất để tự giải thoát ra khỏi mọi đau khổ. Ngài nói Nanda và Rahula đang thực hành nếp sống theo chánh pháp để đạt đến hạnh-phúc chân thật không thể nghĩ bàn. Ðó là một điều may mắn và tốt đẹp đáng được khuyến khích. Ngài khuyên đức vua, hoàng-hậu và Yasodhara cũng nên tinh tiến tu tập đạo giải thoát trong nếp sống tỉnh thức hằng ngày. Có quen với nếp sống tỉnh thức thì sau khi qua đời mới còn đủ sáng suốt để gặp lại nhau, nếu không lo tu tập ngay bây giờ thì sau này mù mù mịt mịt, còn gì là tình nghĩa mẹ con, vợ chồng, ông cháu nữa.

Phật thuyết pháp lần thứ ba trong hoàng cung Kapilavastu[38]

Thấm thoát mà giáo đoàn đã ở lại Kapilavastu gần sáu tháng. Số người đến xin xuất gia với Phật hoặc với các vị khất sĩ lớn đã lên tới gần năm trăm vị. Số cư sĩ tại gia thì đông quá không thể đếm xiết. Vua Suddhodana đã dâng cúng cho giáo đoàn một cơ sở mới để có đủ chỗ trú ngụ cho các tu sĩ. Ðó là cung điện mùa hè ngày xưa của thái-tử Siddhattha, có vườn cây rộng mát nằm về phía bắc Kapilavastu. Ðại đức Sariputta đưa vài trăm vị khất sĩ về tu viện này. Tăng đoàn đặt được cơ sở vững chắc cho sự hành đạo tại vương quốc Sakya.
Trước khi đức Phật trở về tinh xá Venuvana cho kịp mùa an cư như đã hứa với vua Bimbisara và tăng đoàn tại đó, vua Suddhodana thỉnh Phật vào cung để cúng dường và nghe pháp. Cả hoàng tộc và triều đình đều đến tham dự.
Trong buổi thuyết pháp này, đức Phật nói về đạo-đức và chính-trị:
– Thưa quý vị, đạo-đức là ngọn hải-đăng soi sáng cho con thuyền chính-trị. Người làm chính-trị nên nương theo đạo-đức để thực hiện công bằng xã-hội, đem lại hòa bình và hạnh-phúc cho mọi người dân. Người làm chính-trị phải biết tu dưỡng bản thân, dùng lòng từ bi bác ái tổ-chức guồng máy chính-trị và kinh-tế. Không nên sống đời giàu sang thái quá, không nên mải mê thụ hưởng dục lạc, nên dành nhiều thì giờ lo việc ích nước lợi dân và khuyến khích dân chúng sống đời đạo-đức, giữ gìn 5 giới …
Vua Suddhodana (Tịnh-Phạn) và quần thần chăm chú lắng nghe. Hoàng thúc Dhotodana (Hộc-Phạn), chú ruột của Phật, nói:
– Con đường đức trị mà Thế Tôn vừa nêu ra thật đẹp đẽ. Nhưng có lẽ ở đây chỉ có Thế Tôn mới có đủ tư cách và đức độ để thực hiện mà thôi. Vậy Thế Tôn nên ở lại Kapilavastu để kế nghiệp hoàng huynh Suddhodana, giữ lấy giềng mối chính-trị tại vương quốc Sakya này hầu tạo an lạc và hạnh phúc cho muôn dân.
– Tuổi trẫm đã cao, vua Suddhodana nói, nếu Thế Tôn chịu ở lại thì trẫm sẽ thoái vị ngay. Với đạo-đức, uy-tín và tài trí của Thế Tôn, trẫm tin chắc là quốc dân sẽ hoàn toàn ủng-hộ, và chẳng bao lâu vương quốc sẽ trở nên giàu mạnh, lẫy lừng.
– Tâu phụ vương và hoàng thúc, đức Phật mỉm cười đáp, con đã xuất gia, giờ đây con không còn là người của một gia đình, của một dòng họ hay của một tổ quốc nữa. Hiện nay gia đình của con là nhân loại, nhà cửa của con là trời đất, địa vị của con là một khất sĩ sống nhờ vào hột cơm bố-thí của mọi người. Con đường mà con đã chọn là con đường của người tu sĩ chứ không phải con đường của nhà chính trị. Con nghĩ là con sẽ phụng sự hữu ích hơn cho nhân loại và chúng sanh với tư cách của một tu sĩ.
Hoàng hậu Gotami và Yasodhara chăm chú cúi mặt ngồi nghe với hai dòng nước mắt chạy dài trên má.
Ðức Phật tiếp tục thuyết giảng về tam quy, ngũ giới và cách thức hành trì năm giới trong phạm vi gia đình và xã hội để đem lại đời sống an lành cho mọi người.

Phật đến thành-phố Anupiya thuộc xứ Malla[39]

(Ananda, Anuruddha[40], Bhaddiya, Bhagu, Devadatta, Kimbila[41] và Upali xuất gia)
Ðức Phật rời Kapilavastu đi về phía tây nam với một trăm hai mươi khất sĩ, đến thành phố Anupiya[42] thuộc xứ Malla, tạm trú trong một vườn xoài bên bờ sông Anoma. Ði theo Phật còn có các đại đức Sariputta, Kaludayin, Nanda và chú sa-di Rahula.
Lúc Phật còn ở tinh xá Nigrodha thuộc ngoại ô Kapilavastu, nhiều thanh niên trong hoàng tộc đã đến xin xuất gia, phần nhiều thuộc những gia đình có từ ba người con trai trở lên. Sau khi Phật rời Kapilavastu độ một tuần, có hai anh em ruột tên Mahanama và Anuruddha, con của hoàng thúc Sukkodana (Bạch-Phạn), cũng muốn xin xuất gia. Thấy nhiều bạn hữu của mình trong hoàng tộc đã đi xuất gia với Phật, Mahanama cũng muốn được đi xuất gia. Chàng bàn với em:
– Này Anuruddha, nhà ta chưa có ai xuất gia theo Phật cả, vậy một trong hai anh em mình nên có một đứa đi xuất gia.
– Thân em ốm yếu hơn anh, chắc em không kham nổi đời sống khất sĩ, vậy anh đi xuất gia đi.
– Ðược rồi, vậy phần em ở lại nhà lo việc ruộng vườn nhé!
– Lo việc ruộng vườn là làm sao?
– Là phải trông nom việc cày bừa, trồng trọt, gặt hái, vân vân cho đúng mùa màng thời tiết để thu hoạch được nhiều hoa lợi cho gia đình.
– Thôi thôi, những việc đó em hoàn toàn mù tịt. Ðể em đi xuất gia làm khất sĩ có vẻ khoẻ hơn.
– Em muốn đi xuất gia cũng được. Tùy ý em chọn lựa.
Anuruddha liền đến xin phép mẹ đi xuất gia, bà nói:
– Chừng nào bạn của con là Bhaddiya[43] đi xuất gia thì mẹ sẽ đồng ý cho con đi xuất gia.
Bà nói vậy vì bà nghĩ rằng Bhaddiya là người có chức vị cao, danh vọng và quyền hành lớn, chắc không thể bỏ đi tu. Anuruddha nghe mẹ nói liền tìm tới Bhaddiya hiện đang trấn thủ các tỉnh miền bắc vương quốc Sakya. Dưới quyền chàng có nhiều đội binh. Dinh thự của chàng có lính gác bốn phía. Kẻ hầu người hạ tấp nập. Bhaddiya tiếp Anuruddha như một thượng khách. Anuruddha bảo bạn:
– Tôi muốn đi xuất gia theo học với Phật, nhưng không đi được cũng tại vì anh.
– Tại sao vì tôi mà anh không xuất gia được? Bhaddiya cười hỏi. Tôi cấm anh xuất gia hồi nào? Trái lại tôi sẽ làm đủ mọi cách cho anh xuất gia nữa là khác.
Anuruddha kể lại đầu đuôi câu chuyện, rồi nói tiếp:
– Anh vừa hứa với tôi là anh sẽ làm đủ mọi cách cho tôi được xuất gia. Nhưng chỉ có cách duy nhất là anh cùng đi xuất gia với tôi.
Bhaddiya bối rối, thấy mình sơ ý bị kẹt lời hứa. Không phải chàng không hâm mộ Phật với đạo lý giác ngộ giải thoát của người. Chàng cũng có ý định xuất gia, nhưng không phải ngay bây giờ. Chàng nói:
– Bảy năm nữa tôi sẽ đi xuất gia. Anh cứ yên chí đợi tôi.
– Bảy năm nữa thì lâu quá. Biết tôi có còn sống đến lúc ấy hay không?
– Sao anh bi quan quá vậy? Bhaddiya cười nói. Nhưng thôi, tôi cũng chìu ý anh. Vậy anh hãy đợi tôi ba năm nữa.
– Ba năm cũng còn lâu!
– Thôi thì bảy tháng. Tôi còn phải thu xếp gia đình, xin từ chức và bàn giao quyền hành lại cho người khác.
– Ðã xuất gia thì cần gì phải sắp đặt lâu như thế. Xuất gia là từ bỏ tất cả để đi theo con đường xuất trần siêu thoát. Ðợi lâu như thế lỡ anh đổi ý thì sao?
– Anh đã nói vậy thì bảy hôm nữa tôi sẽ đi với anh. Thôi, anh yên chí về đi.
Anuruddha mừng rỡ về báo cho mẹ và anh biết tin. Bà mẹ không ngờ quan tổng trấn Bhaddiya lại chịu bỏ chức tước, danh vọng một cách dễ dàng như thế. Bà chợt ý thức được tầm cao siêu của đạo lý giải thoát và bằng lòng cho con xuất gia.
Anuruddha rủ thêm được một số bạn hữu nữa cùng đi xuất gia, gồm có Ananda, Bhagu, Devadatta và Kimbila. Ananda là con của hoàng thúc Amitodana (Cam-Lộ-Phạn). Devadatta là con của vua Suppabuddha (Thiện-Giác) và hoàng hậu Amita. Suppabuddha là anh ruột của Maha Maya và Pajapati Gotami. Amita là em gái của vua Suddhodana. Devadatta cũng là em trai của Yasodhara. Trong số sáu vị vương tử sắp xuất gia thì cao niên nhất là Bhaddiya, lớn hơn đức Phật vài tuổi, nhỏ nhất là Ananda mới được mười tám tuổi, được phép cha là hoàng thúc Amitodana cho xuất gia.
Sáu vị vương tử đi bằng xe tứ mã đến sát biên giới xứ Malla thì xuống xe, cho xe trở về, rồi cùng nhau đi bộ đến Anupiya, cách biên giới không xa. Anuruddha đề nghị mọi người cởi bỏ hết đồ trang sức quý giá, chỉ ăn mặc thật đơn giản trước khi qua biên giới. Mọi người tán thành. Họ cởi những xâu chuỗi ngọc và những chiếc vòng bằng vàng bằng bạc ra gói lại trong một cái áo. Khi vừa đến một làng nhỏ thì họ gặp một tiệm hớt tóc nghèo nàn. Anh thợ hớt tóc là một thanh niên trạc tuổi họ, mặt mày khôi ngô nhưng ăn mặc rách rưới. Anuruddha ghé vào quán hỏi thăm đường đi đến thành phố Anupiya. Anh thợ hớt tóc cho biết tên anh là Upali và tình nguyện dắt sáu người khách lạ đi một đoạn đường sang biên giới.
Upali đưa các vương tử qua khỏi biên giới xứ Malla, chỉ đường đi Anupiya, rồi vái chào các vương tử để trở về. Anuruddha cám ơn Upali và trao cho Upali cái áo gói đầy châu báu trong đó. Chàng nói:
– Này Upali, chúng tôi muốn theo Phật xuất gia. Chúng tôi không cần dùng những thứ trang sức châu báu này nữa. Chúng tôi tặng lại anh. Từng ấy châu báu vàng bạc đủ để anh sống sung sướng suốt đời.
Các vương tử từ giã Upali rồi lên đường. Anh thợ hớt tóc mở chiếc áo ra. Vàng ngọc làm anh ta lóe mắt. Anh không tin đây là sự thật. Bỗng nhiên anh cảm thấy lo sợ, anh cảm thấy mất hết sự an ổn thảnh thơi hằng ngày. Anh sợ kẻ tham biết được sẽ giết anh để cướp đoạt. Anh sợ quan quân biết được sẽ cho anh là kẻ trộm cắp. Upali suy nghĩ. Anh thấy các vương tử giàu sang đến thế, quyền hành như thế mà vẫn bỏ hết để đi xuất gia, thì chắc việc xuất gia phải có cái gì quý báu hơn giàu sang danh vọng. Anh chợt có ý nghĩ liệng bỏ gói châu báu để đi theo các vị vương tử. Anh treo gói châu báu lên một cành cây gần đó, thầm nhủ rằng ai là người đầu tiên thấy gói châu báu này thì gói châu báu này sẽ thuộc về người ấy. Rồi anh lật đật chạy theo các vương tử.
Các vương tử ngạc nhiên thấy Upali chạy theo vừa tới. Devadatta hỏi:
– Upali, anh chạy theo chúng tôi làm chi? Bọc châu báu anh để đâu?
Upali thở hổn hển, rồi kể lại câu chuyện. Anh ta nói đã treo gói châu báu lên một cành cây, vì khi cầm gói châu báu ấy trên tay anh cảm thấy lo sợ cho tánh mạng, tâm không an. Anh xin các vị vương tử cho phép anh cùng đi theo đến Anupiya để xin xuất gia với Phật. Devadatta cười ha hả:
– Anh mà cũng muốn đi xuất gia như chúng tôi à?
Nhưng Anuruddha và Bhaddiya tán thành ngay:
– Hay lắm, như vậy chúng ta cùng đi. Có anh dẫn đường càng dễ dàng cho chúng tôi.
Phật và tăng đoàn đang cư trú trong một vườn xoài bên bờ sông Anoma, cách thành phố Anupiya chừng hai cây số về phía đông nam. Bảy người tìm tới nơi xin gặp Phật. Bhaddiya thay mặt cả nhóm trình lên Phật ý nguyện của họ xin được xuất gia. Phật im lặng chấp thuận. Bhaddiya nói:
– Chúng con xin Thế Tôn cho Upali được xuất gia trước. Như vậy chúng con phải xem Upali như một sư huynh để trừ ý niệm phân biệt kỳ thị còn sót lại trong lòng chúng con.
Ðức Phật khen ngợi cả bảy người, rồi cho Upali xuất gia trước, sau đến sáu vị vương tử. Ananda tuy mới mười tám tuổi cũng được xuất gia, nhưng chỉ thọ giới sa-di[44] và học theo hạnh khất-sĩ. Ðúng hai mươi tuổi chàng mới được thọ giới khất-sĩ. Lúc bấy giờ Ananda là người trẻ nhất trong tăng đoàn, trừ Rahula.
Ba hôm sau, Phật và tăng đoàn rời Anupiya, hướng về Vesali, cách Kapilavastu khoảng 220 km về phía đông nam. Ðến Vesali, Phật lưu lại tinh xá Mahavana (Ðại Lâm) ba hôm, rồi lại lên đường đi về hướng nam đến tinh xá Venuvana (Trúc Lâm), cách Vesali khoảng 110 km.

3 – Hạ thứ 3 tại Venuvana (năm -587)

Em bé cúng bánh bằng đất vào bát Phật

Ðức Phật về đến Venuvana (Trúc Lâm). Các đại đức Uruvela Kassapa, Moggallana, Kondanna và gần sáu trăm vị tỳ-kheo đều vui mừng tiếp rước. Vua Bimbisara lập tức tới thăm Phật. Không khí Trúc Lâm rất vui tươi và sống động. Mùa mưa gần tới, đại đức Kondanna và Uruvela Kassapa đã chuẩn bị đầy đủ để đại chúng có thể an cư tu học. Ðây là mùa an cư thứ ba từ ngày Phật thành đạo tại Bodh-Gaya. Mùa an cư thứ nhất tại Isipatana (Sarnath, Lộc Uyển). Mùa an cư thứ hai và thứ ba, Phật ở tại Venuvana.
Trước mùa an cư, một hôm Phật đang đi khất thực trong thành Rajagriha, có một em bé đang chơi lấy đất làm bánh bên vệ đường, em vui vẻ trịnh trọng cầm một cái bánh bằng đất cúng dường vào bát của Phật. Ðức Phật mỉm cười khen ngợi em bé và thọ ký em bé sẽ tái sanh làm vua Asoka sau này[45].

Ngoại đạo đào hầm lửa hại Phật[46]

Ngoại đạo sư Purana Kassapa (Phú-Lan-Na Ca-Diếp) lập mưu với một tín đồ ở Rajagriha, đào một hầm bẩy trước cửa nhà, dưới hầm để than cháy đỏ, trên miệng hầm dùng cây cỏ ngụy trang, rồi thỉnh Phật đến nhà thọ trai. Ðức Phật nhận lời. Khi Phật và thánh chúng đến nơi thì hầm lửa biến thành một hồ sen vô cùng đẹp đẻ thơm tho, những hoa sen to lớn nhô lên thành một cái cầu cho Phật và thánh chúng đi qua.

Maha Kassapa (Ma-ha Ca-Diếp) xuất gia[47]

Trong mùa an cư năm ấy có nhiều vị xin xuất gia. Trong số đó có một nhân tài lỗi lạc là Maha Kassapa (Ðại Ca-Diếp).
Maha-Kassapa khoảng cùng một tuổi với Phật, tên thật là Pippalayana (Tất-Bát-La-Da-Na) vì mẹ ngài sanh ngài dưới cội cây Pippala (Tất-bát-la), quê ở làng Mahatistha, ngoại ô thành Vương-xá (Rajagriha), thuộc gia đình trưởng giả giàu có lớn, dòng Bà-la-môn. Cha tên Ẩm-Trạch (Ni-Câu-Lư-Ðà-Kiệt-Ba), mẹ tên Hương-Chí. Thuở bé, ngài đã rất thông minh, dung nghi trang nhã, toàn thân màu vàng, tỏa ánh sáng rất xa. Có thầy xem tướng nói: “Ðứa bé này đời trước có phước đức lớn, chắc sau này sẽ xuất gia.” Cha mẹ ngài nghe nói lo sợ, cùng bàn với nhau sẽ cưới vợ cho ngài sớm.
Vừa lớn lên, cha mẹ liền lo chọn người lập gia thất, nhưng ngài một mực từ chối. Sau cùng, bất đắc dĩ ngài nói: “Có người con gái nào thân đồng màu sắc như con, con mới ưng.” Ðến năm 607 trước tây lịch, ngài phải vâng lời cha mẹ, lập gia đình với bà Bhadra Kapilani (Diệu-Hiền), quê ở Vesali, cũng có thân hình màu vàng tỏa sáng như ngài. Nhưng cả hai người đều không thích việc ân ái vợ chồng, chỉ thích sống đời phạm hạnh, thanh tịnh. Tuy là vợ chồng nhưng suốt 18 năm hai người vẫn ngủ giường riêng, không hề chung chăn gối.
Năm -589, một buổi sáng nọ, khi thức giấc, Maha Kassapa thấy bà Bhadra Kapilani đang ngủ say, một cánh tay buông thỏng từ trên giường xuống gần tới mặt đất. Một con rắn độc đen xì đang trườn qua dưới gầm giường, gần cánh tay. Maha Kassapa nín thở nhè nhẹ bước đến cầm tay bà kéo lên giường. Bà giật mình thức dậy trách ông có ý không tốt. Ông liền chỉ con rắn đang bò ra khỏi nhà. Cả hai người cùng ngồi chiêm nghiệm về tính cách vô thường của cuộc đời. Bà khuyên ông nên tức tốc đi tìm thầy học đạo. Ông rời nhà đi tìm thầy đúng vào ngày đức Phật vừa thành đạo.
Một hôm, vào năm -587, vừa trông thấy Phật giữa đường, gần tinh xá Venuvana (Trúc Lâm), ngài liền bước đến trước Phật đảnh lễ, xin xuất gia. Hai người vừa gặp nhau liền nhận ra duyên thầy trò. Chỉ 8 ngày sau khi xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán. Trong hàng đệ tử Phật, ngài nổi tiếng tu hạnh đầu-đà[48] đệ nhất, và được xếp vào hàng thứ ba trong mười đệ tử lớn của Phật, sau ngài Sariputta (Xá-Lợi-Phất) và ngài Moggallana (Mục-Kiền-Liên). Ðến năm -585, sau khi đức Phật cho phép hoàng hậu Pajapati Gotami xuất gia và thành lập Ni bộ, bà Bhadra Kapilani cũng xin xuất gia, về sau cũng đắc quả A-la-hán.

Bhaddiya ngộ đạo[49]

Ðại đức Bhaddiya tu học rất tinh tấn. Ông theo gương đại đức Maha Kassapa, chỉ cư trú dưới gốc cây, không cần am thất. Ông học tập rất chuyên cần và sử dụng phần lớn thì giờ của ông vào việc thực tập thiền quán. Một hôm, trong lúc ngồi thiền dưới một cội cây, bỗng ông cảm nhận được một niềm vui sướng khó tả. Ông thốt lên:
– Ôi, hạnh phúc! Ôi, hạnh phúc!
Lúc ấy trời đã khuya. Có một vị khất sĩ ngồi thiền cách ông không xa nghe được tiếng ấy. Sáng hôm sau vị này tới gặp Phật, thưa:
– Bạch Thế Tôn, hồi khuya, trong lúc thiền tập, con có nghe thầy Bhaddiya thốt lên hai lần “Ôi, hạnh phúc!”. Con nghĩ là thầy hối tiếc nếp sống giàu sang danh vọng khi còn làm tổng trấn. Con xin trình bày để Thế Tôn biết và định liệu.
Phật gật đầu. Trưa hôm ấy, sau giờ thọ trai và thuyết pháp, Phật gọi đại đức Bhaddiya đến hỏi:
– Hồi khuya này, trong lúc thiền tọa, thầy có thốt lên “Ôi, hạnh phúc! Ôi, hạnh phúc!”. Có đúng thế không?
– Bạch Thế Tôn, quả thật con có thốt lên những tiếng đó.
– Thầy hãy nói cho đại chúng nghe tại sao.
– Bạch Thế Tôn, ngày trước làm tổng trấn, con sống trong giàu sang phú quý và có nhiều quyền lực. Ði đâu con cũng có một đội binh theo hầu cận và bảo vệ. Dinh phủ của con luôn luôn có binh lính canh gác ngày đêm, bên trong cũng như bên ngoài. Vậy mà lúc nào con cũng lo lắng, cảm thấy thiếu an ninh. Bây giờ đi một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, vậy mà con không hề có cảm tưởng nghi ngại và sợ hãi. Con cảm thấy một nguồn thảnh thơi an lạc chưa từng có. Thưa Thế Tôn, đời sống xuất gia thật là thoải mái đối với con. Con không sợ ai, con không sợ mất gì, con không có gì để sợ mất. Trong khi thiền định đêm qua con nhận thức rõ niềm thảnh thơi vui thú đó nên con buột miệng kêu lên “Ôi, hạnh phúc!” làm kinh động đến Thế Tôn và các bạn đồng tu. Con xin thành tâm sám hối.
– Hay lắm, Bhaddiya. Thầy đang đi những bước vững chãi trên con đường tự tại, vô úy. Niềm an lạc của thầy đến cả chư thiên còn mong ước, huống chi người đời.

Phật độ ông Sudatta Anathapindika (Cấp-cô-độc)[50]

Mùa an cư thứ ba vừa chấm dứt được ba hôm thì có một thương gia trẻ rất giàu có, tên Sudatta (Tu-Ðạt-Ða), từ thủ đô Sravasti xứ Kosala đến thủ đô Rajagriha xứ Magadha buôn bán. Như mọi lần trước, ông tới tạm trú tại nhà người anh vợ là trưởng giả Santana (San-Ðà-Na). Thay vì được tiếp đón niềm nở như mọi khi, lần này ông Santana mãi lo chỉ huy gia nhân dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng các thứ rất bận rộn, để chuẩn bị một bữa tiệc lớn. Sudatta hỏi ra mới biết ngày hôm sau trong nhà có thỉnh Phật và chư tăng đến thọ trai, hiện Phật đang ngụ trong cụm rừng Sitavana gần đó. Ông Santana nói sơ cho ông biết là nhờ thường đến tinh xá Venuvana nghe pháp nên ông hiểu rằng Phật là đấng Giác-ngộ, đạo Phật là đạo Từ Bi nhằm giải thoát chúng sanh khỏi cảnh đau khổ luân hồi nhờ các phép thiền quán và nhờ tu tập giới, định, huệ.
Ông Sudatta là người đã sẵn có thiện tâm rất lớn, thường đem tiền của ra giúp đỡ vô số những người nghèo khổ nên được mệnh danh là Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Do đó vừa nghe nói qua về đấng Giác-ngộ là trong lòng ông đã chớm nở một hứng thú lạ thường, ông hết lòng mong mỏi được gặp Phật. Vì trong lòng quá nôn nao mong gặp Phật nên đêm đó ông không ngủ được yên giấc. Ông đã giựt mình thức dậy hai lần, tưởng trời đã sáng. Ðến lần thứ ba ông quyết định thức dậy thay y phục, đi lần đến rừng Sitavana để gặp Phật. Nửa đường bỗng nhiên ông nhận thấy thân ông phát ra ánh sáng. Ông đâm ra sợ hãi, muốn quay trở về, tức thì ánh sáng biến mất. Rồi có tiếng của vua trời Ðế-thích (Sakka Indra) khuyến khích ông như sau:
– Hàng trăm thớt tượng hay, cả trăm ngựa giỏi, hàng trăm cỗ xe, cả trăm ngàn thị nữ đeo đầy vòng vàng cũng không bằng một phần nhỏ của một bước đi trong lúc này. Hãy tiến bước! Hãy mạnh dạn đi tới! Tiếp tục đi có lợi hơn trở về.[51]
Ðược khích lệ, trưởng giả Sudatta hết sợ, can đảm bước tới, đức tin trở lại trong sạch. Ánh sáng từ thân ông lại phát sanh. Ông sợ. Ánh sáng mất. Vua trời Ðế-thích lại khuyến khích. Sau lần thứ ba, ông đến rừng Sitavana, nhằm lúc Phật đang đi kinh hành. Bỗng Sudatta nghe gọi tên mình, ông nhìn thấy dạng một người đang đi tới. Ông tin chắc đó là đức Phật. Ông chắp tay đảnh lễ và hỏi:
– Thế Tôn thức dậy sớm quá. Thế Tôn có yên vui không?
– Chắc chắn lúc nào cũng yên vui, đức Phật đáp. Vì trong lòng một vị A-la-hán, mọi thứ lửa đều được dập tắt. Không còn vướng víu dục vọng. Hoàn toàn mát mẻ. Ðã dứt trừ mọi mầm giống sanh tử. Cắt đứt mọi ràng buộc phiền toái. Chế ngự mọi đau khổ và phiền não. Một vị A-la-hán luôn luôn được an tịnh và vắng lặng. Vì tâm đã thành tựu hòa bình tịch tịnh.
Sau khi nghe bài pháp trên, ông Sudatta đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Ông sụp xuống lễ dưới chân Phật và thỉnh nguyện:
– Bạch đức Thế Tôn, dân chúng nước Kosala chúng con chưa có cơ duyên được gặp Phật và giáo đoàn để được nghe giáo pháp giác ngộ giải thoát. Con cầu xin Thế Tôn chấp nhận lời mời của con về cư trú tại quê con là thủ đô Sravasti[52] trong một thời gian. Con sẽ cố gắng thu xếp để Thế Tôn và giáo đoàn có nơi an trú hành đạo thuận lợi theo sự chỉ dạy của ngài. Kính xin Thế Tôn rủ lòng thương xót dân chúng xứ Kosala.
– Như Lai thương xót tất cả chúng sinh. Ông hãy tùy nghi tìm nơi yên tĩnh, rộng rãi, ở ngoài thành phố nhưng không xa lắm để các khất sĩ dễ dàng vào thành khất thực và dân chúng dễ đến nơi nghe pháp.
Ông Sudatta vâng dạ và đảnh lễ tạ ơn.
Trưa hôm đó, sau lễ trai tăng và sau thời pháp của đức Phật, ông Sudatta xin Phật cử một đại đức có nhiều kinh nghiệm, theo ông về Sravasti để chỉ dẫn cách kiến lập tinh xá. Ðức Phật chỉ định đại đức Sariputta.

Sudatta và Sariputta đi Sravasti [53]

Một tuần lễ sau, Sudatta đến tinh xá Venuvana từ giã Phật và tăng đoàn, đồng thời rước đại đức Sariputta cùng lên đường về thủ đô Sravasti.
Hai người đi về phương bắc, đến thị trấn Pataliputta (hiện nay là Patna), vượt sông Hằng (Ganga), đến thành phố Vesali. Tại đây hai người được bà Ambapali rước về nghỉ ngơi tại vườn xoài trong hai hôm. Ðại đức Sariputta cho bà biết , theo dự trù thì khoảng sáu tháng nữa Phật và giáo đoàn sẽ đi hoằng pháp tại xứ Kosala, trên đường đi chắc chắn sẽ ghé qua Vesali. Ambapali rất vui mừng, bà mời Phật và giáo đoàn khi đi ngang qua Vesali ghé nghỉ nơi vườn xoài của bà vài hôm.
Từ giã bà Ambapali, hai người đi về phía tây bắc. Từ Rajagriha đến Sravasti phải đi trên 435 km. Ðây là lần đầu tiên ông Sudatta đi bộ trên một quãng đường dài như thế, vì ông phải cùng đi bộ với đại đức Sariputta. Ði đến đâu ông cũng loan báo trong vòng sáu tháng nữa Phật và giáo đoàn sẽ đi qua, mọi người nên chuẩn bị đón tiếp đấng Giác ngộ trọn lành, ngài sẽ giảng dạy giáo lý giải thoát khỏi mọi khổ đau sinh tử, để về cõi niết-bàn an lạc thanh tịnh. Ông Sudatta (Tu-Ðạt-Ða) là trưởng giả Cấp-cô-độc (Anathapindika), là người phú hộ giàu lòng từ ái, đã cứu giúp vô số kẻ nghèo khó nên ai cũng biết tiếng, và ông nói gì người ta cũng tin. Ai nghe nói cũng ao ước được trông thấy Phật và nghe giáo pháp của ngài. Mỗi buổi sáng, khi đại đức Sariputta vào thôn xóm khất thực thì ông Sudatta đi theo để nói cho dân chúng nghe về đức Phật và giáo đoàn khất sĩ.
Ði như thế được non một tháng thì hai người về tới Sravasti. Ðại đức Sariputta được Sudatta mời về nhà riêng để cúng dường. Ông ân cần giới thiệu đại đức với mọi người trong gia đình và xin đại đức thuyết pháp cho mọi người nghe. Thân phụ, thân mẫu và vợ ông là Punnalakkhana đều phát tâm xin thọ tam quy ngũ giới. Vợ chồng ông có bốn người con, ba gái và một trai út, tên là Subhadha chị, Subhadha em, Sumagadha và Kala.
Mỗi buổi sáng đại đức Sariputta đi khất thực trong thủ đô Sravasti. Chiều và tối thầy về cư trú trong một khu rừng thưa gần bờ sông Aciravati, hiện nay là sông Rapti (Rapati). Trong khi đó Sudatta đi tìm nơi có thể làm tinh xá cho Phật và giáo đoàn cư trú, thuận tiện cho việc hoằng pháp. Ðồng thời hai người cũng báo cho dân chúng biết đức Phật và giáo đoàn sắp đến Sravasti trong vài tháng nữa.

Sudatta mua vườn của thái-tử Jeta[54]

Sudatta đã đi xem nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào đẹp đẽ và thanh tịnh bằng khu lâm viên của thái tử Jeta (Kỳ Ðà), rộng độ 50 mẫu tây, nằm sát phía nam thủ đô Sravasti. Sudatta tìm đến dinh thái tử Jeta xin gặp. Lúc ấy trong dinh thái tử đang có một vị quan văn quen biết với Sudatta. Sau khi chào hỏi, vị quan văn giới thiệu Sudatta với thái tử. Sudatta trình bày ước vọng của mình xin thái tử nhường lại cho ông khu vườn của thái tử để làm cơ sở tu học và hoằng pháp cho đức Phật và tăng đoàn. Thái tử Jeta vừa được hai mươi tuổi và vừa được vua cha Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) ban khu vườn ấy cho chàng năm ngoái. Thái tử nhìn vị quan văn rồi nhìn Sudatta nói:
– Khu vườn này của phụ vương vừa ban cho tôi. Nó quý như vàng. Nếu ông trải vàng đầy khắp vườn thì tôi sẽ nhường lại cho ông.
Thái tử Jeta nói nửa đùa nửa thật, tin rằng không ai có thể mua như vậy. Ông Sudatta cũng biết ý thái tử không muốn bán. Nhưng ông đã đến đây với quyết tâm mua cho được khu vườn rộng rãi mát mẻ với địa thế hiếm có này để cúng dường tam bảo và để dân chúng xứ ông có phương tiện học đạo lý cao thượng hiếm có. Ông liền đáp:
– Thưa thái tử, tôi đồng ý mua theo điều kiện của thái tử vừa nêu ra. Bắt đầu ngày mai tôi sẽ cho chở vàng tới.
Thái tử giật mình, nói:
– Tôi nói đùa thôi mà. Tôi không bán khu vườn đó đâu. Ông đừng chở vàng tới.
– Thưa thái tử, tôi đến đây với ý định xin mua khu vườn kia để cúng dường đức Phật Sakyamuni (Thích-Ca Mâu-Ni) là bậc Ðại Giác-ngộ, là một thánh nhơn hiếm có trên đời. Khu vườn sẽ được tu bổ lại để làm nơi hoằng pháp của đức Phật, làm nơi tu học cho hằng ngàn tăng sĩ, và sẽ là nơi tất cả mọi người ở Sravasti có thể đến học hỏi giáo lý cao thượng giải thoát khỏi cảnh đau khổ luân hồi ở cõi đời này. Tôi đã từng được nghe đức Phật thuyết pháp tại Sitavana gần thủ đô Rajagriha. Tôi tin rằng sự ích lợi mà đức Phật và tăng đoàn sẽ mang đến cho dân chúng nơi đây còn quý hơn số vàng mà tôi phải bỏ ra gấp bội. Vì đại sự nhân duyên vừa nêu ra, tôi xin thái tử hãy giữ lời hứa do chính tự ý ngài đưa ra.
– Thưa thái tử, vị quan văn nói nhỏ với thái tử, ngài đã lỡ đưa ra giá cả rồi. Bây giờ người mua đã đồng ý thì ngài không thể không bán. Hơn nữa với giá đó chắc hoàng thượng cũng không thể trách thái tử được.
Khi ông Sudatta đã trải vàng khắp cả vườn, chỉ còn lại nơi các gốc cây, không biết làm sao. Ông hỏi ý thái tử. Thái tử đáp:
– Ông đã vì đức Phật, vì tăng đoàn, vì dân chúng, vì giáo lý cao thượng mà bỏ ra từng ấy vàng, thật đáng phục. Vậy phần còn lại là phần của tôi đóng góp vào, ông khỏi phải lo nữa. Cứ xem như ông cúng đất, còn tôi cúng tất cả các cây trong vườn để lập tinh xá cho đức Phật.
Từ đó khu vườn này được gọi là ‘’Kỳ-Ðà thọ Cấp-Cô-Ðộc viên ‘’, hay gọi tắt là Jetavana (vườn Kỳ-Ðà, Kỳ viên). Ngày nay khu vườn này có tên là Saheth.
Ông Sudatta rất vui mừng, tán thán công đức của thái tử, và mời thái tử qua hôm sau cùng đưa đại đức Sariputta đến viếng Jetavana. Thái tử dắt đại đức Sariputta và ông Sudatta đi xem khắp nơi trong lâm viên. Ba người hoạch định sơ lược cách kiến lập am thất, giảng đường, giếng nước, nhà tắm, lối đi, cổng vào, vân vân … Nhân dịp này thái tử cũng được biết qua về sinh hoạt của giáo đoàn và đạo lý giác ngộ giải thoát của đức Phật. Ông Sudatta yêu cầu đại đức Sariputta cư trú ngay tại Jetavana để tiện việc hướng dẫn và điều động việc xây dựng tinh xá. Tin ông Sudatta trải vàng mua đất và thái từ Jeta cúng dường tất cả cây trong lâm viên để làm tinh xá cho Phật lần hồi loan rộng khắp thủ đô Sravasti. Dân chúng hiếu kỳ đến xem được đại đức Sariputta thuyết pháp cho nghe. Nhiều người tình nguyện đến làm công quả, góp phần kiến lập tinh xá.
Bốn tháng sau, công cuộc xây cất đã gần hoàn thành. Ðại đức Sariputta bắt đầu lên đường trở về Rajagriha đón Phật.

Phật thọ trai tại vườn xoài của bà Ambapali tại Vesali[55]

Khi đại đức Sariputta về đến Vesali (Tỳ-xá-ly), thầy thấy rất nhiều bóng dáng áo vàng trong thành phố. Hỏi ra thầy biết Phật và trên năm trăm vị khất sĩ đã tới đó mấy hôm và hiện đang tạm trú tại Mahavana (Ðại Lâm, Rừng Lớn). Ðại đức lập tức đến Mahavana tìm Phật. Thầy tường trình việc ông Sudatta trải vàng mua đất và thái tử Jeta cúng dường cây để lập tinh xá; công tác tu bổ đến nay đã gần hoàn tất, và thầy về đây để rước Phật đến Sravasti (Xá-vệ). Phật cho thầy biết bà Ambapali vừa đến đây thỉnh Phật và tăng đoàn ngày mai đến thọ trai tại vườn xoài của bà; đại đức Kondanna và Uruvela Kassapa đã lớn tuổi, không thể đi xa, nên tình nguyện ở lại Venuvana để hướng dẫn đại chúng tu học và hành đạo tại Magadha; ngày mai dự lễ trai tăng tại vườn xoài của bà Ambapali; ngày mốt hai trăm vị tỳ-kheo sẽ ở lại Mahavana hành đạo, còn ba trăm vị sẽ theo Phật và thầy Sariputta đi Kosala.
Hôm qua, sau khi tới Mahavana thỉnh Phật, trên đường về, bà Ambapali gặp các vương tử Licchavi (Lê-xa-tử) ở giữa đường. Vesali là thủ đô xứ Vajji (Bạt-kỳ). Các vương tử hỏi bà đi đâu. Bà trả lời là vừa đến Mahavana (Ðại Lâm) thỉnh Phật và tăng đoàn ngày mai đến dùng cơm trưa tại vườn xoài của bà. Các vương tử bảo bà nên hủy bỏ việc mời Phật để mời họ:
– Nếu nàng chịu mời chúng tôi, chúng tôi sẽ trả giá bữa cơm ngày mai là một trăm ngàn đồng tiền vàng.
– Quý vị chưa biết đức Phật nên mới nói thế, Ambapali đáp. Ðức Phật là bậc Giác-ngộ, là một thánh nhân hiếm có trên đời. Tôi đã mời Phật và giáo đoàn ngày mai rồi thì dù quý vị có cho tôi cả thành Vesali này tôi cũng không thể thay đổi ý kiến. Tuy nhiên, tiện đây tôi xin mời quý vị đến dự lễ và nghe Phật thuyết pháp. Thôi, xin quý vị hãy tránh đường cho tôi về nhà sớm để lo cuộc đón tiếp ngày mai.
Các vương tử Licchavi tránh đường cho bà đi; rồi họ rủ nhau đến Mahavana để xem đức Phật là người thế nào mà bà Ambapali kính trọng đến thế. Ðến nơi, họ đậu xe ở ven rừng rồi đi bộ vào. Ðức Phật biết các vương tử Licchavi là những thanh niên có nhiều hạt giống từ-bi và trí-tuệ. Ngài mời họ ngồi, rồi kể cho họ nghe chuyện ngài phát tâm xuất gia tu học và thành đạo như thế nào, và giáo lý diệt khổ mà ngài đã phát minh ra sao. Các vương tử Licchavi được biết đức Phật cũng thuộc giai cấp kshatriya (chiến sĩ, vua chúa) như họ, ngài là một thái tử đã vì đại nguyện cứu khổ cho chúng sanh nên xuất gia tu học, nay đã thành đạo, ngài đang đi khắp nơi truyền bá giáo lý cao thượng của ngài, chẳng những có khả năng cứu khổ cho con người hiện đời này mà còn có thể giúp họ thoát ra khỏi vòng luân hồi để vào cõi niết-bàn an lạc tịch tịnh. Các vương tử sụp xuống đảnh lễ Phật, xin ngài nhận họ làm đệ tử tại gia, rồi thỉnh Phật ngày mốt đến thọ trai tại nhà họ. Ðức Phật mỉm cười nhận lời.
Tại lễ cúng dường trai tăng tổ chức tại vườn xoài, bà Ambapali đã mời các thân hữu của bà và một số các vương tử Licchavi đến nghe Phật thuyết pháp về Tứ-diệu-đế và Tứ-niệm-xứ.

Phật thọ trai tại cung điện các Vương-tử Licchavi[56]

Qua ngày hôm sau, đức Phật với trên một trăm vị khất-sĩ tới dự lễ trai tăng tại cung điện của các vương tử Licchavi (Lê-xa-tử). Buổi lễ được tổ chức thật long trọng. Các thức ăn chay được chuẩn bị rất chu đáo và đặc biệt. Thọ trai xong, Phật giảng cho mọi người nghe giáo lý duyên sinh, hạnh không phóng-dật (trụy-lạc) và Bát Chánh Ðạo. Do vô minh mà muôn vật nương nhau sinh khởi theo bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không, tạo ra biết bao nghiệp báo thiện, ác dắt dẫn chúng sinh vào vòng luân hồi sinh tử đầy đau khổ. Muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử đầy đau khổ đó trước hết phải tu hạnh không phóng-dật, tức không sống buông thả theo dục vọng, kế đến phải thực hành Bát Chánh Ðạo (Bát Thánh Ðạo), tức là đi theo con đường của tám sự hành trì chân chánh của thánh nhân:
1- Chánh kiến: Thấy biết sự vật đúng theo thật tánh.
2- Chánh tư duy: Suy nghĩ cặn kẻ để hiểu rõ chân lý, để biết cách hành động lợi mình, lợi người.
3- Chánh ngữ: Nói lời nhu hòa đúng sự thật, có lợi ích cho người nghe.
4- Chánh nghiệp: Làm việc gì cũng chính đáng, lợi mình, lợi người.
5- Chánh mạng: Hành nghề sinh sống vừa phải, không cầu lợi nhiều, không làm hại sinh mạng, tài sản kẻ khác.
6- Chánh tinh-tấn: Siêng năng làm điều thiện.
7- Chánh niệm: Luôn luôn nhớ các điều lành phải làm, nhớ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tâm luôn vắng lặng thanh tịnh.
8- Chánh định: Thực hành thiền định để giữ tâm luôn luôn vắng lặng thanh tịnh, không loạn động trước ngoại cảnh.
Sau khi nghe Phật thuyết pháp, mười hai vị vương tử xin xuất gia theo Phật. Trong số đó có Otthaddha và Sunakkhatta[57] là hai vị vương tử có ảnh hưởng lớn trong bộ tộc Licchavi. Các vương tử thỉnh Phật và giáo đoàn sang năm về an cư tại Vesali. Họ hứa sẽ xây cất giảng đường, am thất vân vân để biến Mahavana thành một tinh xá đầy đủ tiện nghi cho giáo đoàn tu học và hành đạo.
Bà Ambapali, có mặt hôm ấy, cũng ngỏ ý cúng dường khu vườn xoài của bà cho giáo đoàn khất sĩ. Phật đều hoan hỷ chấp thuận.

Sariputta rước Phật đi Sravasti[58]

Sáng hôm sau, đức Phật, đại đức Sariputta và giáo đoàn lên đường đi về thủ đô Sravasti của xứ Kosala. Ðường về Sravasti đối với đại đức Sariputta đã trở nên quen thuộc. Trên con đường này thầy và cư-sĩ Sudatta Anathapindika đã gây được niềm tin nơi dân chúng đối với Phật và giáo đoàn. Lần này Phật và giáo đoàn đi tới đâu đều được dân chúng tiếp đón niềm nở. Trên tả ngạn sông Aciravati có nhiều khu rừng mát mẻ cho Phật và giáo đoàn nghỉ ngơi mỗi tối. Ðoàn người chia làm ba nhóm. Nhóm của Phật đi đầu có thầy Sariputta hướng dẫn. Nhóm thứ hai do đại đức Assaji cầm đầu. Nhóm thứ ba có đại đức Moggallana trông nom. Các đoàn khất sĩ đi rất trang nghiêm, khi khất thực cũng như lúc đi trên đường dài. Dân chúng các thôn xóm ven sông thỉnh thoảng được nghe pháp thoại của Phật hoặc của các thầy cả nói sau giờ cơm trưa tại một khu rừng hay trên một bờ sông mát mẻ.
Từ Vesali đến Sravasti độ 340 km. Giáo đoàn đi độ một tháng thì đến nơi. Cư sĩ Anathapindika và thái-tử Jeta ra tận ngoài thành đón Phật và tăng đoàn đến ngay tinh xá Jetavana (Kỳ Viên). Thấy tinh xá là một khu vườn rộng rãi, mát mẻ, yên tĩnh, được tu bổ khéo léo, đức Phật rất hoan hỷ ngỏ lời khen ngợi. Sudatta rất sung sướng bạch Phật là nhờ ý-kiến và sự trông nom xây cất của đại đức Sariputta và thái tử Jeta mới được như thế. Nhờ địa thế rộng-rãi, mát-mẻ, yên tĩnh nhưng không quá xa đô thị, nhờ ông Sudatta và thái tử Jeta hết lòng giúp đỡ về tài chánh và nhân công, và nhờ rút kinh nghiệm tại tinh-xá Venuvana (Trúc-Lâm) nên đại-đức Sariputta đã kiến tạo Jetavana thành một tinh-xá vô cùng lý tưởng cho giáo đoàn từ một đến hai ngàn khất sĩ. Có am riêng của Phật (Gandha kuti), 80 am dành cho các khất sĩ lớn tuổi, nhiều dãy phòng trống trải cho các khất sĩ trẻ, ba bốn giếng nước lớn và một giảng đường rộng lớn có nhiều tầng. Jetavana được xem là cơ-sở quan trọng nhứt của đức Phật, và ngài đã nhập hạ tại đây khoảng 25 lần trong suốt 45 năm hoằng dương chánh pháp.
Chú tiểu Rahula năm nay được chín tuổi. Theo nguyên tắc chú phải thân cận với đại đức Sariputta để học hỏi với thầy. Nhưng sáu tháng nay vì thầy Sariputta vắng mặt nên chú đã được giao lại cho đại đức Moggallana. Tới tinh xá Jetavana, chú lại được theo hầu thầy Sariputta như cũ.
Thái tử Jeta và cư sĩ Sudatta thiết lễ cúng dường tại tinh xá, ngay sau ngày Phật và giáo đoàn tới Sravasti. Dân chúng quanh vùng được mời tới để nghe Phật thuyết pháp. Ðã nghe nói tới Phật từ nhiều tháng rồi, nên hôm ấy dân chúng thủ-đô đến tinh xá rất đông. Sau bữa ngọ trai, Phật giảng về Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo: Trước hết phải nhận thức rõ ràng những nỗi khổ trong đời sống hằng ngày; kế đến phải tìm hiểu các nguyên nhân gần và xa của những nỗi khổ đó; rồi đức Phật chỉ cách diệt khổ bằng tám hành động chơn chánh để đạt đến hạnh-phúc chân-thật và trường cửu của cảnh giới niết-bàn vô lậu, thanh-tịnh. Trong số người nghe hôm ấy có hoàng-hậu Mallika, phu nhân của vua Pasenadi xứ Kosala, và công chúa Vajiri do thái tử Jeta mời đến. Công chúa Vajiri mới lên mười sáu tuổi.
Nghe thuyết pháp xong, thái tử và công chúa đều muốn xin quy-y tam bảo; nhưng hoàng hậu bảo nên chờ có sự đồng ý của vua trước đã. Hoàng hậu Mallika biết là trong tương lai thế nào vua Pasenadi (Prasenajit, Ba-tư-nặc) cũng có cảm tình với Phật. Em gái của vua là hoàng hậu Videhi của vua Bimbisara (Tần-bà-ta-la hay Bình-sa vương) xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) đã quy-y với Phật từ ba năm nay.
Trong số những người đến nghe Phật thuyết pháp hôm ấy có nhiều nhân vật quan trọng thuộc các giáo phái đang thịnh hành tại Sravasti. Họ đến vì tò mò hơn là học hỏi. Có người nghe Phật xong chợt thấy tâm hồn cởi mở. Có người nghe xong thì thấy Phật là một thế lực chống đối đáng ngại. Nhưng ai nấy đều công nhận rằng sự xuất hiện của Phật tại thành Sravasti là một biến cố rất trọng đại trong lịch-sử tư tưởng và tôn giáo tại vương quốc Kosala (Kiều-tát-la).
Sau khi lễ cúng dường và thuyết pháp đã hoàn mãn, cư sĩ Sudatta cung kính đảnh lễ Phật và bạch rằng:
– Bạch Thế-tôn, thái tử Jeta, con và gia-đình con cùng với tất cả bạn hữu kính dâng tinh xá Jetavana này lên Phật và giáo đoàn. Kính mong Thế-tôn hoan hỷ chấp nhận.
– Này Sudatta, công đức của quý vị thật là to lớn. Tinh xá Jetavana rất thuận lợi cho việc tu học và hoằng pháp. Quý vị đã hết lòng hộ trì chánh pháp thì từ nay quý vị cũng nên cố gắng tinh tấn trên đường tu tập giải thoát.
Sáng hôm sau, Phật và giáo đoàn ôm bát vào thành khất thực. Ðại đức Sariputta chia các vị khất sĩ thành hai mươi nhóm, mỗi nhóm mười lăm người, chia nhau đi vào các khu phố theo đúng phép khất thực. Sau đó tập họp về tinh xá trước giờ ngọ để chia nhau thức ăn và thọ trai.
Cứ bảy hôm lại có một buổi thuyết pháp của Phật tại Jetavana. Dân chúng đến nghe rất đông. Trong vòng mười hôm, vua Pasenadi, tuy chưa hề nghe Phật thuyết pháp, nhưng cũng đã nhiều lần nghe hoàng hậu và triều thần tán dương giáo lý cao thượng của Phật. Theo lời thái tử Jeta thì Phật chỉ mới 39 tuổi, cùng một tuổi với vua Pasenadi. Nhà vua không tin một người trẻ tuổi như vậy mà có thể có đức độ và hiểu biết hơn các đạo sư cao niên danh tiếng hiện thời như Purana Kassapa, Makkhali Gosaleiputta, Sanjaya Belatthiputta, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccana, Nigantha Nataputta (các lục sư ngoại đạo). Lòng vua nửa tin nửa ngờ. Vua nghĩ thầm khi có cơ hội ta sẽ đến gặp Phật để tìm hiểu trực tiếp con người mà cả hoàng hậu Mallika và thái tử Jeta đều tỏ lòng cảm mến và kính phục.

[1] Theo quyển Geography of Early Buddhism thì Trúc-Lâm là Veluvana. Nhưng theo tài liệu chính thức của Bộ Du Lịch Ấn năm 1999 thì Trúc Lâm là Venuvana.

[2] Hạ (vassa) gồm 3 tháng mưa nhiều ở Ấn-độ, từ ngày trăng tròn tháng 7 đến ngày trăng tròn tháng 10 dương lịch, Ðức Phật và chư Tăng ở lại một nơi để tích cực tu tập.

[3] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 187, 1428; Samyutta-nikaya / Maha-vagga; Lalitavistara.

[4] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 149-152; Samyutta-nikaya / Maha-vagga; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 186, 187, 1428.

[5] Theo Buddhist Legends, quyển I, trang 197.

[6] Ông Punna Mantaniputta (Phú-Lâu-Na Mãn-Từ-Tử) còn gọi là Purana Maitrayaniputra (Phú-Lâu-Na Di-Ða-La-Ni-Tử) là con một vị Quốc-sư ở triều vua Suddhodana. Ông cùng một tuổi với Phật. Có thuyết cho rằng sau khi Thái-tử Siddhattha xuất gia thì ông Punna cùng 29 người bạn cũng xuất gia, vào núi Himalaya tu học, chứng được tứ thiền và ngũ thông, dùng thiên-nhãn thấy Phật thuyết pháp tại Lộc-Uyển, liền cùng các bạn bay đến nơi, đảnh lễ Phật, xin thọ giới tỳ-kheo, chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán.

[7] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 153-165; The Life of The Buddha của A. Foucher trang 158-161; Samyutta-nikaya / Maha-vagga; Lalitavistara; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 187, 190, 1428.

[8] Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ngũ ấm hay ngũ uẩn.

[9] Hai kinh đầu tiên là kinh Chuyển Pháp Luân và kinh Vô Ngã Tướng.

[10] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 166; Samyutta-nikaya / Maha-vagga; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 186, 190.

[11] Ðời sống phạm hạnh: Ðời sống trong sạch, thanh tịnh, tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha, xa lìa ái dục và phiền não.

[12] Vua Bimbisara được 31 tuổi, nhỏ hơn đức Phật 5 tuổi.

[13] Ajatasattu vừa được 4 tuổi, nhỏ hơn Rahula 2 tuổi..

[14] Theo Samyutta-nikaya / Maha-vagga; xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 164-170.

[15] Theo kinh Lăng-Nghiêm, quyển 5, thì ông Sariputta và ông Moggallana đang đi ngoài đường nghe ba anh em ông Uruvela Kassapa bàn luận về lý nhân duyên của Phật giảng, hai ông liền ngộ đạo.

[16] Bài kệ bằng chữ Hán như sau:

“Chư pháp tùng duyên sanh,

“Diệt, tùng nhân duyên diệt.

“Ngã, Phật, Ðại sa-môn,

“Từng ưng như thị thuyết.

[17] Lúc bấy giờ ba tháng an-cư (vassa) bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng 7 đến ngày trăng tròn tháng 10 dương lịch. Mười hai tháng của Ấn-độ lúc đó tương đương với 12 tháng dương lịch ngày nay.

[18] Xem Samyutta: Maha-vagga; Ðại Chánh TTÐTKinh 186: Phật thuyết Phổ Diệu Kinh; Ðại Chánh TTÐT Kinh 157: Phương Quảng Ðại Trang Nghiêm Kinh; Lalitavistara; Theragatha 527-536.

[19] Xem Majjhima-nikaya 74: Dighanakha-sutta; Ðại Chánh TTÐT Kinh 584: Trường Trảo Phạm Chí Thỉnh Vấn Kinh.

[20] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 198-201; Majjhima-nikaya 74: Dighanakha-sutta.

[21] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 202; The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 171-172.

[22] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 550; Buddhist Legends, quyển III, trang 168-176; Mahavastu.

[23] Sông Ganga nơi đây là ranh giới giữa hai xứ Magadha và Vajji.

[24] Khuddaka-nikaya / Khuddaka-patha / Ratana-sutta (kinh Tam Bảo).

[25] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 203-207; Majjhima-nikaya 55: Jivaka-sutta; Tạp A-Hàm 622.

[26] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 208-222; Buddhist Legends, quyển I, trang 217-220; Buddhist Legends, quyển II, trang 2-3; Ðại Chánh TTÐT Kinh 187: Phương Quảng Ðại Trang Nghiêm Kinh.

[27] Xem kinh Pháp-Cú, bài 168.

[28] Xã-hội nước Ấn lúc bấy giờ có 5 giai cấp:

1- Brahmana, Bà-la-môn, dòng tu-sĩ, dòng thánh.

2- Kshatriya, Sát-đế-lợi, dòng vua chúa, dòng tướng.

3- Vaisya, Phệ-xá, dòng thương gia, trưởng giả.

4- Sudra, Thủ-đà-la, dòng làm ruộng, tiểu công nghệ.

5- Candala, Chiên-đà-la, dòng nô-lệ, hạ tiện.

[29] Xem Mahavastu, II 234.

[30] Xem kinh Jataka (Bổn Sanh, Túc Sanh Truyện), số 485, iv. 282-288: Canda Kinnara.

1 Yamaka Patihariya là phép thần thông mà chỉ một vị Phật mới có. Xem bản chú giải Patisambhidamagga,I,125; Túc-Sanh-Truyện (Jataka) tập VI, trang 479, số 56; Dhammapadattha katha tập III, trang 163-164; Mahavastu III 115.

[32] Vua Suddhodana đảnh lễ Phật lần thứ nhứt khi thấy hoàng tử, lúc mới sanh, gác chân lên đầu tóc đạo sĩ Asita; lần thứ nhì trong lễ hạ điền, khi thấy thái tử ngồi thiền định dưới gốc cây nigrodha.

[33] Xem kinh Jataka 547: vi. 479-593.

[34] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 229-230; The Life of Buddha as Legend and History, trang 101; The Buddha and His Teachings, trang 139-140.

[35] Xem The Buddha and his teachings,trang 139-140; Buddha and the Gospel of Buddhism,trang 41; Buddhist Legends, quyển I, trang 218-219.

[36] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 230-233; The Buddha and His Teachings, trang 128-130; The Life of Buddha as Legend and History, trang 101-102; Tứ Phần Luật; Ðại Chánh TTÐT Kinh 1428.

[37] Khu-ô sa-di là hàng sa-di từ 7 đến 13 tuổi, lo việc đuổi quạ trong lúc các vị khất sĩ ngồi thiền.

[38] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 233-236.

[39] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 237-243; The Life of Buddha as Legend and History, trang 102-103; Buddhist Legends, quyển III, trang 276-270.

[40] Anuruddha : A-Na-Luật, A-Nậu-Lâu-Ðà. (Xem phần Phụ Ðính: 10 đệ tử lớn của Phật: Anuruddha)

[41] Kimbila : Kim-Tỳ-La, Khâm-Bà-La.

[42] Trong tuần lễ đầu tiên khi mới xuất gia thái tử Siddhattha cũng đã ở tại đây.

[43] Bhaddiya (Bạt-Ðề) là con của Dhotodana (Hộc-Phạn). Dhotodana là em của vua Tịnh-Phạn.

[44] Sa-di (samanera), sa-di-ni (samaneri) là ngườI tập sự xuất gia nam và nữ.

Sa-di phải thọ 10 giới: 1-Không sát sanh; 2-Không trộm cắp; 3-Không dâm dục; 4-Không nói dối; 5-Không uống rượu; 6-Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng; 7-Không xức nước hoa, đeo đồ trang sức; 8-Không múa hát xướng ca, không xem, không nghe; 9-Không cầm giữ tiền bạc và vật quý giá; 10-Không ăn phi thời.

[45] Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 186.

[46] Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 188.

[47] Theo kinh Buddhacarita của Tổ Asvaghosa; xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 170-171.

[48] Ðầu-đà (dhuta): khổ hạnh vừa phải, thiểu dục tri túc.

[49] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 242-243; Ðại Chánh TTÐT Kinh 1428: Tứ Phần Luật.

[50] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 104; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 43; Ðường Xưa Mây Trắng, trang 245-250.

[51] Xem The Buddha and His Teaching, trang 164-166.

[52] Sravasti hay Savatthi hiện nay là thành phố Saheth-Maheth thuộc tiểu bang Uttar-Pradesh.

[53] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 248-249.

[54] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 251-253; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428: Tứ Phần Luật.

[55] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 253-255.

[56] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 255-256.

[57] Không nên lầm với Sunakkhatta (Thiện-Tinh) là con của thái tử Siddhattha với một thứ phi.

[58] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 257.

4- Hạ thứ 4 tại Jetavana (năm -586)

Mùa mưa sắp tới. Phật quyết định cùng đại chúng an cư tại tinh xá Jetavana (Kỳ viên, hay Kỳ-đà thọ Cấp-cô-độc viên) như đã hứa với ông Anathapindika (Sudatta). Ðã có kinh nghiệm trong hai mùa hạ trước tại Venuvana (Trúc-Lâm), năm nay đại đức Sariputta phụ tá cho Phật tổ chức kiết hạ rất dễ dàng và chu đáo. Số người mới xuất gia tại Sravasti đã lên tới 60 vị. Ông Sudatta và các bạn hữu của ông rất sốt sắng trong việc tổ chức, cúng dường thực phẩm và bảo trợ cho các sinh hoạt tu học tại tinh xá.
Trước ngày nhập hạ, trong lúc Phật đi khất thực trong thành Sravasti, đến trước một nhà khá giả, chủ nhà đi vắng, một con chó trắng chồm tới sủa dữ dội. Ðức Phật nhìn thẳng vào con chó bảo:
– Thôi, nín đi!
Con chó bỗng tỏ vẻ sợ sệt, cúp tai, cúi đầu, cong đuôi vào giữa hai chân, từ từ đi vào trước cửa nhà nằm xuống. Khi ông chủ nhà tên Suka trở về, thấy con chó buồn bã nằm co ro bèn hỏi người làm công:
– Sao con chó hôm nay có vẻ buốn bã, sợ sệt vậy?
– Thưa ông, hồi nãy có sa môn Gotama đứng trước nhà khất thực, nó chồm ra sủa dữ dội, bị sa môn Gotama quở, nó vào nằm yên đó đến bây giờ.
Suka tức giận tìm đến tinh xá Jetavana hỏi Phật đã làm gì đến đổi con chó buồn bã bỏ ăn, nằm yên một chỗ. Phật bảo:
– Con chó đó kiếp trước là cha của ông. Trước khi chết không kịp chỉ cho ông chỗ dấu hũ vàng, nên ông ta tiếc của tái sanh làm con chó thường nằm chỗ dấu hũ vàng để giữ. Ông hãy đến chỗ đó đào lên lấy thì nó sẽ hết buồn.
Suka nghe nói, trở về nhà đào được hũ vàng. Ông ta vô cùng mừng rỡ, thỉnh Phật và thánh chúng đến nhà cúng dường trai tăng[1].

Phật dạy có bảy hạng vợ trên thế gian[2]

Một hôm, ông Sudatta thỉnh Phật đến nhà thọ trai. Trong khi đức Phật và ông Sudatta đang đàm đạo ở phòng khách thì bỗng nghe có tiếng ồn ào phía nhà sau. Phật hỏi có chuyện gì. Ông Sudatta thưa:
– Bạch Thế Tôn, đó là Sujata, dâu của con. Vợ chồng đứa con trai út duy nhất của con là Kala vẫn còn sống chung nhà với con. Vợ nó là con nhà giàu có, quen tánh rầy la tôi tớ, mà cũng không biết kính nể người trưởng thượng, không để ý đến lời khuyên dạy của chồng và của cha mẹ chồng. Hôm nay biết có Thế Tôn đến nhà mà nó cũng không kiêng nể gì cả. Chúng con xin Thế Tôn tha lỗi cho.
Ðức Phật cho gọi cô dâu ra và giảng cho nghe một bài pháp về bảy hạng vợ trong xã hội. Ðức Phật nói:
– Xã hội ngày nay thường không biết đến vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Thật ra một gia đình có được hạnh phúc hay không phần lớn là do tánh tình, cách cư xử khéo léo và tính đảm đang của người nội tướng. Nếu ai để ý quan sát sẽ thấy có bảy hạng người vợ như sau:
1)- Người đàn bà không có lòng trắc ẩn, tâm hồn thấp hèn, không ngó ngàng chăm sóc chồng con, không ôn hòa nhã nhặn, ưa thích làm chuyện ngang bướng, hư thân trắc nết. Ðó là người vợ sát nhân (Vadhakabhariya).
2)- Người đàn bà hay trộm cắp của chồng. Hay dấu tiền của chồng làm ra để xài riêng. Ðó là người vợ trộm cắp (Corabhariya).
3)- Người đàn bà làm biếng, tham ăn, cả ngày không làm gì, thích ngồi lê đôi mách và hay la lối gắt gỏng, không để ý đến công lao khó nhọc của chồng. Ðó là người vợ như bà chủ (Ayyabhariya).
4)- Người đàn bà thương chồng như mẹ hiền thương con, trông nom săn sóc từng ly từng tí. Ðó là người vợ như mẹ (Matubhariya).
5)- Người đàn bà kính nể chồng như em gái kính nể anh, tánh ôn hòa và hết lòng phục vụ. Ðó là người vợ như em gái (Bhaginibhariya).
6)- Người đàn bà duyên dáng, dịu hiền, vui vẻ, hân hoan mỗi khi thấy chồng như gặp lại người bạn thân lâu ngày xa cách. Ðó là người vợ như bạn thân (Sakhibhariya).
7)- Người đàn bà dù bị roi vọt cũng không sợ hãi, oán trách, im lặng chịu đựng và luôn luôn vâng lời chồng. Ðó là người vợ như tớ gái (Dasibhariya).
Này Sujata, đó là bảy hạng vợ. Vậy con hãy xét xem con thuộc về hạng nào?
– Bạch Thế Tôn, xin ngài hãy nghĩ rằng kể từ nay con thuộc về hạng vợ như tớ gái.

Phật dạy có thương là có khổ[3]

Một buổi chiều nọ, có một người đàn ông trẻ, mặt mũi bơ phờ hốc hác vì đứa con trai duy nhất của ông ta vừa mới chết. Suốt mấy ngày liền ông ta cứ ra bãi tha ma kêu khóc “Con ơi! Bây giờ con ở đâu?”. Nhiều người thấy ông ta đau khổ như vậy mới bảo ông ta hãy đến gặp Phật tại tinh xá Jetavana. Sau khi nghe ông ta kể lể, đức Phật mở lời khuyên:
– Này ông bạn, đời là như thế. Hễ có thương là có khổ.
– Thầy nói sai rồi, ông ta phản đối ngay. Thương chỉ đem lại cho người ta niềm vui và hạnh phúc mà thôi. Chỉ có cái chết mới đem đến sự đau khổ.
Nói xong, ông ta bất mãn đứng dậy bỏ đi, không để cho Phật có cơ hội giải thích thêm. Ông ta thất vọng, đi lang thang một hồi thì gặp một toán người đang xúm nhau đánh bạc. Ông ta ngồi xuống tham dự và nhân tiện kể lại cho họ nghe về cuộc gặp gỡ vừa rồi với Phật. Mấy người kia đều đồng ý: ” Tình thương không thể mang đến sầu khổ và thất vọng. Tình thương chỉ mang đến niềm vui và hạnh phúc mà thôi. Anh nói đúng đấy. Ông sa-môn Gotama kia nói sai rồi.”
Câu chuyện này được truyền ra, chẳng mấy chốc đã trở nên đề tài bàn tán sôi nổi của những giáo phái ở Sravasti. Nhiều vị lãnh tụ giáo phái cũng cho rằng Phật có quan niệm sai lầm về tình thương. Câu chuyện truyền đến tai vua Pasenadi[4].
Chiều hôm ấy, trong bữa cơm gia đình, vua nói với hoàng hậu:
– Cái ông sa-môn mà người ta gọi là Phật ấy có thể không phải là người giỏi.
– Tại sao hoàng thượng nói như vậy? Hoàng hậu hỏi. Ai chê sa-môn Gotama?
– Sáng nay ta có nghe các quan trong triều bàn tán về sa-môn Gotama. Họ nói rằng theo sa-môn Gotama thì càng thương nhiều càng đau khổ nhiều.
– Nếu sa-môn Gotama đã nói như thế thì chắc đó là sự thật.
– Hoàng hậu không nên nói như thế. Mình phải biết suy xét chứ. Ðừng làm như một em bé học trò, hễ thầy giáo nói gì cũng cho là đúng.
Hoàng hậu im lặng. Sáng hôm sau bà nhờ một người tâm phúc tên Nalijangha tới gặp Phật hỏi xem có phải ngài đã nói rằng “Thương là nguồn gốc của đau khổ và thất vọng” không? Nếu có thì xin Phật giải nghĩa thêm cho rõ ràng, rồi ráng ghi nhớ hết những điều Phật dạy để về thuật lại cho bà nghe.
Nalijangha đến gặp Phật, được Phật xác nhận và kể cho nghe hai câu chuyện sau đây chứng tỏ rằng thương đi liền với khổ:
– Tại Sravasti này, gần đây có một thiếu nữ vừa mất mẹ. Cô ta đau khổ quá đến phát điên, cả ngày đi lang thang ngoài đường, gặp ai cũng hỏi “Mẹ tôi đâu? Mẹ tôi đâu?”. Cũng tại Sravasti, cách nay không lâu, có hai thanh niên nam nữ yêu nhau, nhưng gia đình người con gái lại ép gả nàng cho một chàng trai mà cô ta không yêu. Do đó mà hai người yêu nhau phải rủ nhau tự tử, nghĩ rằng chỉ có cái chết mới kết hợp họ với nhau được. Này Nalijangha, Như-lai nói thương là khổ là vì khi thương, người ta thường bám víu vào một người hay một vật gì. Trong khi ở cõi đời này vạn vật đều vô thường, có sanh phải có tử, có hợp phải có tan, không ai tránh khỏi.
Nalijangha về thuật lại cho hoàng hậu Mallika nghe. Một hôm, nhân lúc vua Pasenadi rảnh rỗi, hoàng hậu hỏi vua:
– Bệ hạ nghĩ thế nào? Công chúa Vajiri có phải là người mà bệ hạ thương yêu và cưng chìu nhất hay không?
– Ðúng như vậy, ta thương yêu và cưng chìu con gái ta nhất.
– Vậy nếu có gì không may xảy ra cho Vajiri thì bệ hạ có lo lắng, sầu khổ và thất vọng không?
Vua pasenadi giật mình, im lặng. Vua thấy rằng trong tình thương đã có sẵn những mầm mống của lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Vua tự nhiên mất hết an lạc, lẩm bẩm:
– Hôm nào có dịp ta sẽ đến viếng sa-môn Gotama.

Phật độ vua Pasenadi[5]

Một hôm vua Pasenadi đi một mình đến thăm Phật, không có hoàng hậu và công chúa đi theo. Ngài để xe và thị vệ ngoài cổng tinh xá Jetavana rồi đi bộ vào một mình. Một khất sĩ đưa vua đến gặp Phật trước am lá của người. Sau khi chào hỏi và an vị, vua vào đề ngay:
– Thưa sa-môn Gotama, người ta thường ca ngợi ngài là Phật, là đã đạt tới quả vị giác ngộ cao nhất. Trẫm băn khoăn tự hỏi: Tuổi đời ngài còn ít, ngài mới xuất gia chỉ độ mười năm, thế mà sao ngài lại đạt tới thành quả đó được? Trẫm đã nghe nói đến những vị đạo cao đức trọng như Purana Kassapa, Makkhali Gosaleiputta, Nigantha Nataputta, Sanjaya Belatthiputta vân vân. Những vị này đều là những người tu lâu năm, tuổi tác đã cao, tại sao họ không tự nhận họ là bậc giác ngộ hoàn toàn? Lại còn những vị như Pakudha Kaccana và Ajita Kesakambala nữa. Ngài có nghe nói đến những vị ấy không?
– Thưa Ðại vương, Phật ôn-tồn đáp, tôi có nghe nói tới các vị ấy và có vị tôi đã từng được gặp. Thưa Ðại vương, sự giác ngộ không tùy thuộc vào tuổi tác và số năm tu học. Có những cái bé nhỏ mà ta không nên khinh thường như một vị vương tử bé, một con rắn con, một đốm lửa nhỏ và một nhà tu trẻ. Vị vương tử bé cũng có thể có vương tính của một đức vua. Một con rắn con cũng có thể làm ta mất mạng trong chốc lát. Một đốm lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi một khu rừng hay một thành phố. Một nhà tu trẻ cũng có thể đạt tới quả vị giác ngộ hoàn toàn. Ðại vương, người khôn ngoan không bao giờ khinh thường một vương tử bé, một con rắn con, một đốm lửa nhỏ, một nhà tu trẻ.
Vua Pasenadi nhìn Phật kinh ngạc. Ðức Phật đã thốt những lời nói trên một cách hồn nhiên, từ tốn, không một chút mặc cảm. Vua bắt đầu có đức tin nơi Phật. Ông hỏi tiếp:
– Sa-môn Gotama, có người nói rằng ngài chủ trương không nên thương yêu. Vì càng thương yêu càng có nhiều lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Trẫm nghĩ rằng điều đó có thể đúng, nhưng lòng trẫm vẫn không yên. Trẫm nghĩ nếu không có thương yêu thì cuộc đời sẽ khô khan và vô vị lắm. Xin ngài giải dùm chỗ nghi này cho trẫm.
– Ðại vương, lành thay, câu hỏi của ngài giúp tôi có dịp khai sáng yếu nghĩa cho mọi người hiểu rõ ý tôi. Cuộc đời rất cần đến tình thương, nhưng không phải thứ tình thương dựa trên căn bản dục vọng, đam mê và vướng mắc, mà là thứ tình thương rộng lớn, bình đẳng, không phân biệt gọi là lòng từ-bi. Từ (maitri) là ban vui, bi (karuna) là cứu khổ. Lòng từ-bi không chấp có người ban, có người nhận, nên không bị vướng mắc vào cạm bẫy của tham, sân, si. Vì không bị vướng mắc vào ngã, nhơn, nên không mang đến lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Người có tâm từ bi sẵn sàng ban vui, cứu khổ cho tất cả loài hữu tình, không phân biệt kẻ đó có phải là cha mẹ hay anh em gì của mình không. Ðại vương, ngài là bậc lãnh đạo của một quốc gia, nếu ngài phát tâm từ bi thì dân chúng cả nước đều được ân triêm công đức.
– Trẫm có một gia đình để coi sóc, một vương quốc để chăm lo. Nếu trẫm không thương yêu gia đình của trẫm và thần dân trong xứ của trẫm thì làm sao trẫm có thể coi sóc và chăm lo cho họ được?
– Ðại vương, tôi không có ý nói đại vương không nên yêu thương thái tử Jeta và công chúa Vajiri, tôi chỉ khuyên đại vương nên yêu thương tất cả mọi người như ngài đã yêu thương thái tử và công chúa. Tình thương bình đẳng, không phân biệt, chính là lòng từ bi. Tình thương bám víu và lựa chọn gây nên sự bất công và chia rẽ, oán hận và chiến tranh. Chỉ có lòng từ bi mới thật sự mang đến an vui và thanh bình cho mọi người.
– Thật là kỳ diệu! Nhưng làm sao mình có thể bày tỏ tình thương của mình đối với một người nếu mình không chứng tỏ cho họ thấy mình quan tâm lo lắng cho họ hơn những người khác?
– Ðại vương, mỗi người đều có nỗi khổ và ước vọng riêng. Tìm cách thỏa mãn những ước vọng chánh đáng của họ là “Từ “, tìm cách làm vơi nỗi khổ của họ là “Bi “. Lòng ban vui, cứu khổ bình đẳng đối với tất cả mọi người. Chỉ cần gặp duyên thuận lợi là hành động. Ngài nên ban vui, cứu khổ tùy duyên chứ không nên tùy người.
– Thật là kỳ diệu! Thưa sa-môn Gotama. Giáo lý về Từ Bi của ngài vừa giảng nói thật là kỳ diệu và thâm sâu. Trẫm cần có thì giờ suy nghĩ để chiêm nghiệm và thấm nhuần hai chữ Từ Bi. Trẫm xin cám ơn và từ giã ngài. Hôm khác trẫm sẽ đến đây để học hỏi về giáo lý giác ngộ và giải thoát của ngài.
Chiều hôm ấy, hoàng hậu Mallika và công chúa Vajiri đột nhiên thấy vua trở nên rất ngọt ngào và thầm lặng. Hoàng hậu và công chúa biết đó là hiệu quả của cuộc gặp gỡ giữa vua và Phật.

Hạ thứ 4 có trên 150 thanh-niên xuất gia[6]

Cuộc viếng thăm của vua Pasenadi tại tinh xá Jetavana đã được nhiều người bàn tán và đã đem lại ảnh hưởng không nhỏ cho giáo đoàn khất sĩ tại thủ đô Sravasti. Một số các lãnh tụ giáo phái, lâu nay đã từng được vua kính nể và bảo trợ, bắt đầu có mặc cảm là bị bỏ rơi. Họ nhìn tinh xá Jetavana với con mắt không có thiện cảm.
Tuy nhiên giới trí thức và tuổi trẻ tìm đến tinh xá Jetavana càng lúc càng đông. Ngay trong mùa an cư thứ tư này có trên 150 thanh niên xin xuất gia và đã được thầy Sariputta cho làm lễ xuống tóc. Ðại chúng tu học rất tinh tấn trong ba tháng an cư này. Cứ bảy hôm một lần, tại tu viện có tổ chức thuyết pháp. Thấy vua Pasenadi chuyên cần đến tinh xá cúng dường và nghe thuyết pháp, một số quan chức trong triều cũng bắt chước vua.
Mùa an cư được kết thúc bằng một lễ cúng dường lớn. Vua và triều thần đã nghe theo lời Phật tổ chức một pháp hội cúng dường thực phẩm, y bát và đồ dùng thường nhật cho giới xuất gia, chẩn tế cho những gia đình nghèo khổ. Sau khi lễ này hoàn mãn, vua Pasenadi và hoàng hậu Mallika đều xin quy y tam bảo, làm đệ tử tại gia của Phật.

Phật cho người gánh phân tên Sunita xuất gia[7]

Sau mùa an cư, Phật và giáo đoàn chia nhau đi hành hóa tại các vùng lân cận thủ đô Sravasti. Một hôm, trong khi đi khất thực ở một xóm ven đô, cạnh bờ sông Aciravati, Phật gặp một người gánh phân tên Sunita. Thấy Phật và đoàn khất sĩ đang trang nghiêm, tề chỉnh đi tới, Sunita lúng túng. Anh ta biết mình đang ăn mặc dơ dáy, hôi hám, lại đang gánh hai thùng phân người. Anh ta vội vã lẫn tránh xuống bờ sông. Ðức Phật biết đây là người có nhiều căn lành nên ngài cũng đi xuống bờ sông để đón đường Sunita. Thấy thế, thầy Sariputta cũng rời hàng ngũ đi theo Phật. Thầy Meghiya, thị giả của Phật, cũng vội bước theo. Các vị khất sĩ khác thấy lạ cũng dừng chân, đứng im lặng trong hàng, đưa mắt quan sát.
Sunita luống cuống. Chàng đặt gánh phân xuống, dáo dác nhìn. Phía trên đường, các vị khất sĩ mặc áo cà-sa vàng rực đang đứng thành hàng dài. Phía bờ sông, ba vị sa-môn dung nhan tươi sáng đang tiến về phía chàng. Chẳng biết tránh đi đâu, Sunita liền lội xuống nước, định đi ra xa để tránh. Theo phong tục lúc bấy giờ, Sunita biết rằng người thuộc giai cấp hạ tiện như chàng không có quyền đến gần các tu sĩ và các quan chức. Nhưng khi chàng đi cách bờ được bốn năm thước, mực nước vừa tới đầu gối, thì đức Phật đã đến mé nước, đứng nhìn chàng như muốn hỏi điều gì. Sunita vội chấp tay xá Phật. Phật ôn tồn bảo:
– Anh lên đây cho tôi hỏi thăm chút việc.
– Kính lạy ngài, con không dám. Con là giới hạ tiện, con không dám đến gần ngài, con sợ làm ô uế ngài.
– Chúng tôi là người xuất gia tu hành. Chúng tôi chỉ sợ tham dục, sân hận và si mê làm ô uế tâm của chúng tôi thôi. Anh đừng ngại, hãy đến đây cho tôi hỏi thăm chút việc. Anh tên gì?
– Dạ, con tên Sunita. Xin ngài muốn hỏi việc gì cứ nói. Con không dám đến gần ngài.
– Này Sunita, hãy chăm chú nghe đây. Nước các sông Ganga, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Mahi, sông Rohini, vân vân … một khi đã chảy ra biển rồi thì đều trở thành nước biển, cùng một vị mặn như nhau. Cũng thế, bất cứ người thuộc giai cấp nào, dù sang hay hèn, một khi đã xuất gia tu học, quyết tâm xa lìa tham dục, sân hận, si mê, quyết thực hành một lối sống trong sạch, thanh cao, giác ngộ, thì cũng đều có giá trị ngang nhau. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Người nào quyết tâm tu tập đạo lý cao thượng đều có thể trở thành thánh nhân. Này Sunita, anh có muốn gia nhập giáo đoàn khất sĩ không?
– Kính bạch ngài, Sunita ấp úng, con không dám … con không dám … Dạ, nếu ngài cho phép thì … thì con rất sung sướng. Dạ, con rất sung sướng nếu được ngài cho phép con gia nhập giáo đoàn khất sĩ. Con xin đem hết lòng thành kính làm theo những điều ngài chỉ dạy.
Nói xong, Sunita xá lia lịa. Ðức Phật bảo Sunita hãy tắm rửa sạch sẽ rồi lên bờ, ngài sẽ cho xuất gia. Rồi ngài dạy thầy thị giả Meghiya đến gặp thầy Ananda xin một áo cà-sa mang xuống bờ sông. Khi thầy thị giả mang áo cà-sa đến nơi thì Sunita cũng vừa tắm xong. Ðức Phật làm lễ xuất gia cho Sunita ngay tại bờ sông, rồi giao cho đại đức Sariputta đưa vị khất sĩ mới về tinh xá Jetavana, trong khi Phật và giáo đoàn tiếp tục đi khất thực.
Tất cả những gì xảy ra bên bờ sông hôm ấy đã được dân chúng địa phương chứng kiến. Tin Phật thâu nhận Sunita vào giáo đoàn khất sĩ bắt đầu được loan truyền trong thủ đô, gây xúc động mạnh. Các nhân sĩ và giáo sĩ đều tỏ ý không tán thành việc làm táo bạo đó. Các vị đại đức lớn Sariputta, Moggallana, Mahakassapa, Anuruddha báo cáo với Phật về những dư luận không tốt để xin có biện pháp đối phó. Phật dạy:
– Như Lai đã từng nói với các thầy “Nếu các thầy tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì chắc chắn các thầy cũng sẽ thành tựu đạo quả như Như Lai vậy.” Các thầy nghĩ sao? Nếu Sunita tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì Sunita có thể thành tựu đạo quả chăng?
– Bạch Thế Tôn, nếu Sunita tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì chắc chắn sớm muộn gì cũng sẽ thành đạo quả.
– Ðúng vậy. Này các thầy, việc quan trọng là cứu giúp một chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ triền miên trong sanh tử luân hồi. Các thầy hãy cố gắng chỉ dẫn cho Sunita tinh tấn tu tập đúng theo Chánh pháp. Một khi Sunita đã thu hoạch được kết quả tốt thì tự nhiên dư luận kia sẽ ngừng bặt. Lại nữa, này các thầy, Như Lai đã từng khuyên các thầy nên thực hành tâm bình đẳng trong lúc đi khất thực, thì việc thu nhận tu sĩ mới vào giáo đoàn cũng phải được thực hiện với tâm bình đẳng. Lại nữa, này các thầy, việc thu nhận Sunita vào giáo đoàn còn là một tiếng chuông cảnh tỉnh các giới thượng lưu về bất công xã hội gây ra do tâm cố chấp phân biệt giai cấp hiện nay. Nếu chúng ta không làm thì còn ai có thể làm. Các thầy cứ nhẫn nhục và tinh tiến thì mọi việc sẽ ổn thỏa.
Các vị đại đệ tử Phật đều hoan hỷ phụng hành.

Vua Pasenadi và tỳ-kheo Sunita[8]

Chừng một tháng sau, tin đồn về người gánh phân tên Sunita được Phật thu nhận vào giáo đoàn, đến tai vua Pasenadi. Một số các vị lãnh đạo các giáo phái tại thủ đô đã đến xin yết kiến vua để phản đối việc này, vì trái với phong tục cổ truyền xưa nay trong xứ. Hơn nữa, theo thông lệ tôn kính các tu sĩ, thì vua Pasenadi sẽ phải đối xử như thế nào cho hợp lẽ khi đứng trước tỳ-kheo Sunita? Nhà vua cũng cảm thấy hoang mang không ít.
Một hôm vua bảo xa giá đưa ngài tới tinh xá Jetavana. Xe ngừng trước cổng, vua một mình đi bộ vào. Vua Pasenadi đã quen đường lối trong tinh xá nên ngài cứ đi thẳng tới am của Phật, không cần hỏi thăm. Thỉnh thoảng gặp vài vị tỳ kheo đi tới, vua đều đứng lại chấp tay xá chào. Các vị khất sĩ cũng đứng lại chấp tay đáp lễ. Vua nhận thấy vị nào cũng có dáng điệu trầm lặng, thong dong, nhàn nhã, đáng tôn kính. Nửa đường vào tịnh thất của Phật, vua gặp một vị khất sĩ đang ngồi thuyết pháp dưới một gốc cây, xung quanh có vài vị khất sĩ trẻ và độ mười người cư sĩ áo trắng đang ngồi chăm chỉ lắng nghe. Vị khất sĩ đang ngồi thuyết pháp, tuổi chưa tới bốn mươi nhưng phong thái trang nghiêm, sáng rỡ. Vua đứng ngắm nhìn cảnh tượng đẹp đẽ này, lắng nghe trong giây lát, rồi lại tiếp tục đi về phía am Phật.
Ðến trước am, vua đã thấy Phật đứng sẵn trước cửa tự bao giờ. Sau khi chào hỏi, vua mở lời:
– Thưa Thế Tôn, vị khất sĩ đang thuyết pháp dưới cội cây đàng kia là ai mà có phong thái trang nghiêm đáng kính như vậy?
– Thưa Ðại vương, đó là tỳ kheo Sunita. Thầy mới xuất gia cách nay trên một tháng nhưng thầy tu học rất tinh tấn. Thầy rất chất phát, thành thật, lại thông minh và có chí lớn. Với đà này thì chỉ cần vài năm nữa thầy có thể đi hoằng hóa bất cứ nơi nào.
– Thưa Thế Tôn, người ấy có phải là … có phải là tên Sunita gánh phân mướn?
– Thưa Ðại vương, đúng vậy. Vì nghiệp ác đời trước nên Sunita phải sanh vào dòng hạ tiện, làm nghề gánh phân. Nhưng Sunita cũng đã trồng nhiều căn lành nên kiếp này học đạo lý rất nhanh. Thưa Ðại vương, chúng sanh nào cũng có Phật tánh, có khả năng giác ngộ thành Phật. Người mê lầm chỉ thấy đời hiện tại, sanh tâm phân biệt, khen chê, kỳ thị, làm cho tâm mê lầm càng thêm dầy đặc. Người giác ngộ biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chỉ do nghiệp thiện ác mà tạm thời có sai biệt, nên phát tâm bình đẳng và đại bi, tạo nhân duyên thuận lợi cho chúng sanh sớm được thức tỉnh, thoát khỏi cảnh đau khổ luân hồi.
– Thật là tuyệt diệu, thưa Thế Tôn. Với tâm bình đẳng, đại bi, với giáo lý cao thượng, ngài đã độ cho Sunita thoát khỏi dòng hạ tiện, không còn bị khinh khi, kỳ thị. Hôm nay ngài lại độ trẫm thoát khỏi tri kiến mê lầm của người thế tục, phát tâm bình đẳng, đại bi để theo giáo lý cao thượng. Trẫm như người ngủ mê vừa mới tỉnh, như người đi lạc trong rừng vừa tìm được lối ra. Trẫm nguyện từ nay cho đến trọn đời sẽ hết lòng yểm trợ Chánh Pháp.
Kể từ hôm đó tin đồn về người gánh phân tên Sunita xuất gia được kèm theo tin vua Pasenadi trở thành đệ tử trung kiên của Phật. Các cuộc bàn tán phản đối dịu dần khi mọi người nhận thấy hạnh nhẫn nhục và tinh tấn của vị tỳ kheo mới.

Phật đưa tỳ-kheo Nanda lên cung trời Ðao-Lợi [9]

Một hôm, Phật được thầy thị giả Meghiya cho biết là đại đức Nanda, em cùng cha khác mẹ với Phật, không được thoải mái trong đời sống xuất gia. Thầy Nanda cảm thấy ân hận đã rời xa người vợ mỹ miều mới cưới là công nương Janapada Kalyani, thầy tâm sự:
– Sư huynh biết không, tôi còn nhớ hôm tôi cầm bình bát theo Phật từ đền vua về tinh xá Nigrodha, công nương Janapada Kalyani đã bước đến nói thật nhỏ nhẹ vào tai tôi “Ðiện hạ đi mau về nhé, em chờ điện hạ. Ðừng đi lâu, em buồn, em nhớ!” Thế mà bây giờ đã hơn một năm tôi xa nàng. Tôi cảm thấy ân hận đã bỏ lại người vợ mới cưới trẻ đẹp, dịu hiền, để nàng phải sầu muộn trông chờ, tuyệt vọng. Tôi nay tuy đã thọ lễ xuất gia để sống đời đạo hạnh cao thượng, nhưng mỗi khi nghĩ đến nàng thì tôi cảm thấy rất ân hận, không còn chịu nỗi nữa. Tôi có ý định từ bỏ những giới luật thanh cao này, xin Thế Tôn cho tôi trở về đời sống của người cư sĩ tại gia để được gần nàng.
Chiều hôm sau, Phật gọi Nanda cùng đi thiền hành. Ngài hỏi đại đức Nanda có quả thật đã nói như thế không. Ðại đức Nanda nhìn nhận tinh thần của mình suy nhược vì lo ngại cho vị tân nương đang đau khổ mong chờ mình. Phật bảo:
– Này Nanda, cuộc đời là đau khổ, nào ai tránh khỏi. Nếu có em ở bên cạnh thì Kalyani cũng lại đau khổ vì nguyên nhân khác thôi, như ghen tương, lo lắng, bệnh hoạn, già yếu, vân vân … Chỉ có người giác ngộ, biết sống đời tỉnh thức trong thiền định và thanh tịnh mới có được sự an lạc nội tâm, không tùy thuộc ngoại cảnh. Sau khi trút bỏ thân này, ít ra cũng được sanh về cõi trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) để hưởng đầy đủ lạc thú. Em có muốn đi xem cảnh trời Ðao-Lợi để thấy chúng sanh nơi đó sinh sống như thế nào không?
– Thưa Thế Tôn, em muốn lắm. Nhưng đi bằng cách nào?
– Em cứ ngồi thiền định bên cạnh ta, ta sẽ đưa em đi.
Ðức Phật tìm nơi thanh vắng, hai người cùng ngồi thiền định dưới một cội cây cổ thụ. Ðức Phật dùng thần lực đưa Nanda vào cung trời Tavatimsa. Trên đường đi, ngang qua một khu rừng vừa bị hỏa hoạn, Nanda thấy một con khỉ cái, bị cháy tai, cháy mũi, cháy đuôi, đang cố bám lấy thân cây trụi lá. Khi đến cảnh trời, Nanda bỗng cảm thấy hân hoan sung sướng lạ lùng. Mọi vật nơi đây đều tươi đẹp, sáng rỡ: các tiên nữ xinh đẹp đang múa hát trong những cung điện nguy nga tráng lệ, cảnh vật đều mang sắc thái an lạc, thanh tịnh, gợi trong tâm Nanda một niềm vui khó tả. Nanda quên mất cảnh hạ giới, quên luôn người vợ mới cưới, chàng như bị thôi miên trước khung cảnh lộng lẫy trang nghiêm cõi trời. Ðức Phật lên tiếng:
– Này Nanda, em thấy các tiên nữ nơi đây và công nương Janapada Kalyani ai đẹp hơn?
– Bạch Thế Tôn, nếu so với các tiên nữ nơi đây thì Kalyani chẳng khác nào con khỉ cái bị cháy đang cố bám lấy thân cây khi nãy.
– Này Nanda, vậy em hãy hăng hái, cố gắng lên. Như Lai bảo đảm rằng nếu em tinh tấn thực hành giáo pháp của Như Lai thì sau khi mạng chung, em sẽ được tái sanh đến đây sống chung với các tiên nữ này.
Như một đứa trẻ được khuyến khích, đại đức Nanda bạch:
– Thưa Thế Tôn, đệ tử nguyện sẽ cố gắng tu tập giáo lý cao thượng để được sanh về cõi trời Tavatimsa này.
Khi các vị tỳ kheo biết đại đức Nanda cố gắng sống đời đạo hạnh thanh cao, và siêng năng tu tập thiền định chỉ vì mong được sanh về cõi trời Tavatimsa để sống chung với các tiên nữ thì chế nhạo đại đức là người “làm thuê” để mong được Phật thưởng công theo lời cam kết. Ðại đức Nanda tỉnh ngộ mục tiêu thấp hèn của mình, lấy làm hổ thẹn, gạt bỏ tư tưởng xấu, tận lực cố gắng tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán. Ðại đức đến bạch với Phật:
– Bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn hãy hủy bỏ lời hứa là nếu đệ tử cố gắng tu tập sẽ được sanh về cõi trời Tavatimsa sống chung với các tiên nữ.
– Này Nanda, chừng nào tâm thầy được hoàn toàn thanh tịnh, không còn vướng chút bợn nhơ nào nơi trần thế, lúc ấy Như Lai sẽ hủy bỏ lời hứa.
Khi có vài vị tỳ kheo tỏ vẻ hoài nghi về thành quả tu tập của đại đức Nanda, đức Phật nói:
– Trước kia Nanda như một mái nhà dột nát, nhưng ngày nay thầy ấy như một mái tranh dày. Nước mưa không thể lọt qua được lớp tranh dày của một mái nhà lợp kín. Cũng thế, dục vọng không thể thấm vào tâm thuần thục đã được phát triển đầy đủ.[10]
Trong hàng đệ tử của Phật, đại đức Nanda nổi tiếng là người tự kiểm soát chặt chẽ nhất.
Theo kinh Theragatha, chính đại đức Nanda đã thốt ra những lời sau đây:
– Có một thuở, tôi vừa nhẹ dạ vừa nông cạn. Tâm trí tôi chỉ chăm chú vào lòng can đảm bộc lộ ra ngoài. Quả tôi thật nhẹ dạ và nông nổi. Tất cả ngày tháng của tôi bị phung phí tiêu hao trong nhục dục, phóng đãng, si tình.
Nhưng nhờ sự khéo léo và lòng từ bi quảng đại của đức Thế Tôn, nguyên là dòng dõi hoàng tộc, tôi có diễm phúc được đưa vào đời sống thanh cao với những tư tưởng sâu xa thâm diệu. Và từ ao tù vô tận của đời sống, tâm tôi được vớt lên và cứu thoát.[11]

5- Hạ thứ 5 tại Mahavana, thuộc Vesali (năm -585)

Tinh xá Jetavana đã tạo được nề nếp tu học vững chãi với trên 500 vị khất sĩ. Thể theo lời hứa với các vị vương tử Licchavi, đức Phật rời Sravasti trở về Vesali để chuẩn bị mùa an cư thứ năm tại Mahavana (Ðại Lâm). Nơi đây đã được các vương tử Licchavi chỉnh trang thành tinh xá gồm có một tòa giảng đường rộng lớn hai tầng, nóc nhọn, gọi là giảng đường Kutagara (Trùng Các), và một số các tăng đường rải rác trong rừng. Hầu hết cây trong rừng này đều thuộc loại cây sala (Shorea robusta).
Phật về đến Vesali không bao lâu thì nghe xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai xứ Sakya và Koliya về nước sông Rohini ở ranh giới hai xứ.

Tranh chấp giữa hai nước Sakya và Koliya[12]

Trước mùa an cư bốn tháng, tức vào tháng Jetthamula, bỗng xảy ra sự xích mích giữa hai xứ Sakya và Koliya về dòng sông Rohini, ranh giới giữa hai xứ. Sakya là quê nội của Phật. Koliya là quê ngoại của Phật và cũng là quê hương của công chúa Yasodhara.
Số là năm ấy trời hạn hán, không có mưa, nên mực nước sông Rohini rất thấp, không đủ cho nông dân hai bên bờ sông dùng. Ðại diện nông dân bên xứ Koliya bảo:
– Nước sông Rohini năm nay ít quá, không đủ cho cả hai bên dùng. Nhưng lúa phía chúng tôi sắp chín rồi. Vậy quý vị hãy để cho chúng tôi dùng nước trước, đến khi lúa chín rồi sẽ tới phiên quý vị.
– Lúa bên phía chúng tôi cũng đang lúc cần nước. Ðợi đến khi lúa bên phía quý vị chín rồi thì lúa phía chúng tôi đã quá mất sức, lúc ấy nước sông cũng đã cạn. Chúng tôi sẽ phải đi qua đó xin ăn thôi. Hãy để chúng tôi dùng nước trước rồi quý vị hãy dùng sau.
Lời qua tiếng lại một hồi đi đến chỗ nặng lời:
– Chúng bây có đói thì kéo nhau về Kapilavastu mà xin ăn. Ðồ quân gì mà anh chị em lấy nhau như chó[13].
– Chúng bây nói ai là chó? Chúng bây là quân cùi hủi sống trong rừng như thú vật[14].
Từ thương thuyết đến tranh cãi nặng lời, rồi đến đắm đá. Cuối cùng binh đội hai nước dàn trận hai bên bờ sông. Tình thế trở nên gay cấn, sắp xảy ra chiến tranh.
Ðức Phật đang ngụ tại giảng đường Trùng-Các (Kutagara) ờ Ðại Lâm (Mahavana), hay tin, vội tức tốc đến nơi để dàn xếp cuộc tranh chấp. Hỏi các vị tướng chỉ huy quân đội hai bên thì họ nói rằng phía bên kia khinh người, xâm phạm ranh giới và tài sản bên này. Không ai nói đến lý do thật sự của cuộc tranh chấp. Mãi đến khi Phật nói chuyện với các nông dân chất phác mới biết nguyên nhân chính là do thiếu nước tưới vào ruộng rẫy hai bên bờ sông.
Nhờ có thân tình với cả hai bên, đức Phật sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa các vương tử đại diện cho hai xứ Sakya và Koliya để thảo luận và tìm biện pháp hòa giải. Phật nói:
– Này quý vị vương tử, sở dĩ nước sông Rohini năm nay yếu kém là vì trời ít mưa. Vài tháng nữa, đến mùa mưa, mực nước sông sẽ trở lại như cũ thì cả dân chúng hai bên bờ sông đều có đủ nước dùng. Nếu để xảy ra chiến tranh thì chẳng những binh lính hai bên phải chết hoặc bị tàn phế thảm thương mà dân chúng và ruộng vườn của cả hai bên cũng sẽ bị thiệt hại không thể lường trước được. Này quý vị, quý vị thử nghĩ xem mạng sống của quý vị, của binh lính, của dân chúng là quan trọng hay nước sông Rohini và ruộng vườn là quan trọng?
– Bạch Thế Tôn, mạng sống của con người tất nhiên đáng quý trọng hơn.
– Ðúng thế! Vậy Như Lai khuyên quý vị nên tìm biện pháp hòa giải để tạm thời chia nước sông Rohini ra đồng đều cho dân chúng hai bên bờ sông đều có nước dùng tạm. Chiến tranh thường chỉ gây chết chóc, hận thù, chứ không bao giờ mang đến một giải pháp tốt đẹp, kể cả đối với người thắng trận.
Này quý vị, chúng ta sẽ được hạnh phúc bằng cách gạt bỏ hận thù khi sống giữa đám người thù hận (Pháp Cú, bài 197); chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu biết sống lành mạnh giữa đám người bệnh tật (Pháp Cú, bài 198); chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu biết sống thanh tịnh giữa đám người đầy tham vọng (Pháp Cú, bài 199). Thắng lợi sinh thù oán, thất bại chịu khổ đau, người không tranh thắng bại, sống an lành hạnh phúc (Pháp Cú, bài 201).
Nghe xong, 250 vương tử xứ Sakya và 250 vương tử xứ Koliya xin xuất gia theo Phật. Do sự can thiệp của Phật mà hai bên đã đi tới một sự thỏa thuận về vấn đề phân chia nước tưới cho dân chúng hai bên bờ sông Rohini trong khi chờ đợi mùa mưa tới. Các vị vương tử rút binh về triều, thuật lại lời Phật giảng hòa cho vua Suddhodana, vua Suppabuddha, triều thần và vợ con của họ nghe. Hai xứ Sakya và Koliya tái lập bang giao thân tình như cũ.

Vua Suddhodana băng-hà[15] (năm -585)

Năm nay Phật được 39 tuổi. Khi mùa an cư thứ năm tại Vesali vừa chấm dứt thì có tin từ Kapilavastu báo quốc vương Suddhodana bệnh nặng. Năm nay nhà vua được 81 tuổi. Chính vua đã sai đại thần Mahanama, con hoàng thân Sukkodana (Bạch Phạn vương) đi thỉnh Phật về cung để vua được thấy mặt lần cuối cùng.
Thành Kapilavastu cách thành Vesali độ 220 km về phía tây bắc. Mahanama yêu cầu Phật dùng xe ngựa đi cho nhanh hầu về kịp trước giờ vua băng hà. Phật nhận lời và bảo Anuruddha, Nanda, Ananda và Rahula cùng đi. Mọi người lên xe đi ngay trưa hôm ấy. Các vương tử Licchavi và bà Ambapali cũng không hay kịp để tiễn đưa. Chỉ có các vị khất sĩ tiễn Phật ra cổng tinh xá Kutagara (Trùng Các). Sau khi Phật đi rồi, trên hai trăm vị khất sĩ, phần lớn thuộc dòng Sakya, cũng lên đường đi Kapilavastu, hướng tây bắc. Họ muốn có mặt bên cạnh Phật trong lễ trà tỳ của vua Suddhodana.
Về đến Kapilavastu, Phật đi ngay vào hoàng cung. Hoàng hậu Maha-Pajapati đưa ngài đến ngay bên giường bệnh. Vua Suddhodana nhìn thấy Phật thì xúc động mạnh, miệng mỉm cười thỏa mãn, hai giọt nước mắt từ từ lăn trên đôi má nhăn nheo. Ðức Phật lấy khăn lau nước mắt cho vua, rồi cầm lấy tay vua cha thông thả nói:
– Thưa phụ vương con đã về đây. Xin phụ vương hãy an lòng. Suốt đời phụ vương đã lo lắng cho hoàng tộc, cho thần dân xứ Sakya được ấm no hạnh phúc. Giờ đây phụ vương không còn gì phải lo lắng nữa. Phụ vương nên mỉm cười vì đã làm tròn trách nhiệm của một quốc vương theo khả năng mình. Bây giờ điều quan trọng là phụ vương nên giữ thân tâm an tịnh bằng cách quán niệm hơi thở. Phụ vương thở đi. Hít hơi vào thật nhẹ và dài, thở hơi ra thật nhẹ và dài cho đến khi tâm phụ vương được nhẹ nhàng thanh thoát, không còn lo nghĩ đến việc gì khác ngoài hơi thở.
Nhà vua thực hành trong giây lát, vẻ mặt ngài trở nên bình thản, vua nói:
– Bây giờ ta đã thấy được cuộc đời là vô thường. Tám mươi năm qua mau như giấc mộng. Càng nhiều danh vọng càng khổ tâm nhọc trí. Hạnh phúc có lẽ chỉ đến trong một cuộc sống thanh nhàn, bình dị và tự do.
– Thưa phụ vương, đúng vậy, Phật nói. Nhưng bây giờ cũng chưa phải là trễ. Phụ vương có thể bắt đầu cuộc sống thanh nhàn, bình dị và tự do ngay từ bây giờ. Thưa phụ vương, thân người tuy có trẻ có già, vọng tâm con người tuy từng giây phút biến đổi, sanh diệt không ngừng, nhưng chơn tâm của phụ vương vẫn luôn luôn thường trụ, bất biến, là nguồn an lạc vô tận. Một khi phụ vương đã nhận thức rõ thân thể và tâm thức đều vô thường, đều là nguồn gốc của đau khổ, đáng được xả bỏ không có gì luyến tiếc; lúc bấy giờ trí huệ bát-nhã sẽ bừng sáng đưa phụ vương trở về bản tâm chân thật, thanh tịnh, nhiệm mầu, thánh thiện của phụ vương ….
Ðức Phật tiếp tục giảng về vạn vật vô thường và về các đức tính thường, lạc, ngã, tịnh của chơn tâm mà mọi người đều có, rồi khuyên vua nên an trụ tâm vào đó. Vua Suddhodana lắng nghe, tâm thức cởi mở. Nghe xong, vua được thân tâm an lạc, đắc quả A-la-hán. Vua nói:
– Trẫm biết sanh, già, bệnh, chết là lẽ thường. Trẫm không còn luyến tiếc gì ở thế gian này nữa. Hôm nay, nhân có đủ mặt mọi người ở đây, xin Thế Tôn và các quan đại thần sắp xếp việc cử người thay thế trẫm để trị nước. Nếu trước đây trẫm có làm điều gì lầm lỗi khiến các khanh phiền lòng, trước khi nhắm mắt, trẫm muốn các khanh hãy tha thứ cho trẫm.
Ðức Phật xin phép vua được qua phòng bên với các vương tử để nghị sự. Trong phòng chỉ còn lại hoàng hậu Pajapati ngồi lại bên cạnh giường để chăm sóc cho vua. Nét mặt vua rất bình thản. Sau khi thương nghị, mọi người đều chấp thuận đề nghị của Phật để cho Mahanama, con trưởng nam của hoàng thân Sukkodana (Bạch Phạn vương) lên ngôi kế vị vua Suddhodana.
Khi mọi người trở vào phòng trình quyết nghị này, vua Suddhodana hoan hỷ mỉm cười khuyên mọi người nên giúp đỡ Mahanama hoàn thành sứ mệnh, nhất là trong giai đoạn đầu. Nói xong, vua bình thản nhắm mắt trong sự an lạc. Ðức Phật khuyên mọi người nên ra ngoài để vua được an nghỉ. Vua Suddhodana nằm yên, an hưởng hạnh phúc giải thoát trong bảy ngày rồi băng hà.

Hoàng-hậu Pajapati Gotami xin xuất gia[16]

Sau lễ trà tỳ vua Suddhodana là lễ đăng quang của Mahanama. Phật và giáo đoàn ở lại Kapilavastu ba tháng tại tinh xá Nigrodha (Ni-câu-đà) để hoằng hóa. Một hôm bà Maha-Pajapati Gotami đến tinh xá cúng dường một số áo cà-sa cho Phật và các đại đệ tử, rồi bà xin được xuất gia làm một nữ khất sĩ. Bà nói:
– Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn chấp thuận cho nữ giới được xuất gia, từ bỏ nếp sống gia đình để khép mình vào đời sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của giáo pháp và giới luật mà đức Thế Tôn đã công bố, thì trong thiên hạ sẽ có thêm rất nhiều người được thừa hưởng ân huệ của đức Thế Tôn. Như hiện nay, phu nhân của các vương tử đã qua đời hoặc đã xuất gia, và tôi đang sống cuộc đời buồn thảm trong nội cung, rất mong muốn được sống cuộc đời cao thượng của kẻ xuất gia. Kính xin Thế Tôn hoan hỷ chấp thuận.
Ðức Phật lặng thinh. Một lát sau người nói:
– Không được đâu, lệnh bà Gotami.
Lần thứ nhì và lần thứ ba, bà Maha-Pajapati Gotami lập lại lời thỉnh cầu, nhưng đức Phật vẫn không chấp thuận. Bà trở về cung than thở với lệnh bà Yasodhara. Mấy hôm sau Phật lên đường trở về Vesali. Tới Vesali, Phật cư trú tại tinh xá Mahavana (Ðại Lâm).
Ở lại Kapilavastu, bà Pajapati Gotami không nản chí trước lời từ chối của đức Phật. Ðược biết 250 phu nhân xứ Sakya và 250 phu nhân xứ Koliya có chồng đi xuất gia sau khi nghe Phật thuyết pháp tại bờ sông Rohini cũng đồng ý nguyện như bà, bà triệu tập tất cả 500 vị ấy lại và nói:
– Chính đức Thế Tôn đã nói, theo tinh thần đạo lý tỉnh thức, mọi người đều bình đẳng, vì ai cũng có khả năng giác ngộ và giải thoát. Thế Tôn đã nhận vào giáo đoàn cao quý những người thuộc giai cấp hạ tịện thì không lý nào người lại không cho nữ giới xuất gia. Nếu chúng ta chứng tỏ quyết tâm của chúng ta bằng cách tự ý xuống tóc, cởi bỏ tất cả đồ trang sức, khoác y vàng lên người, sống đời khất sĩ không nhà cửa, đi bộ đến Vesali để xin xuất gia, thì tôi tin rằng Thế Tôn sẽ chấp thuận.
Mọi người trong phiên họp đều phấn khởi khi nghe bà Gotami nói. Họ tôn bà làm vị lãnh đạo để thực hiện ý nguyện xuất gia, vì ai cũng biết bà là người không thối tâm bất cứ trước một trở lực nào. Bà quay sang khuyên Yasodhara:
– Này Gopa, con hãy thông thả chờ, đừng đi theo ta trong chuyến này. Không có con, mọi việc sẽ có thể dễ dàng hơn. Chừng nào ta thành công, con sẽ xuất gia sau.

Hoàng-hậu Pajapati cùng 500 nương-tử xuất gia tại Vesali[17]

Ðộ một tháng sau, vào đầu năm 584 trước tây lịch, tại tinh xá Mahavana ở Vesali, vào sáng sớm, trong lúc đi ra hồ lấy nước, đại đức Ananda trông thấy lệnh bà Gotami và một số đông phụ nữ mặc áo vàng, xuống tóc, đi chân không, đang xúm xít đứng trước giảng đường Kutagara. Vô cùng ngạc nhiên, đại đức đến trước lệnh bà Gotami hỏi:
– Thưa lệnh bà, sao lệnh bà lại đứng đây vào sáng tinh sương như thế này? Sao chân lệnh bà sưng trầy và chảy máu như vậy? Và các công nương này cũng thế nữa…
– Ðại đức Ananda, tôi và 500 công nương này muốn từ bỏ đời sống cô đơn buồn chán ở nội cung nên đã tự xuống tóc, bỏ hết đồ trang sức, từ bỏ hết mọi tiện nghi vật chất, chỉ mong được sống đời thanh nhàn cao thượng của kẻ xuất gia. Chúng tôi đã tập sống đời khất sĩ, xin ăn, ngủ dưới gốc cây, trong khi đi chân không từ Kapilavastu đến đây. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng chúng tôi cũng có thể sống cuộc đời không nhà cửa của người khất sĩ. Xin đại đức hoan hỷ bạch Phật cho phép chúng tôi được xuất gia.
– Lệnh bà và các công nương hãy đứng chờ đây. Tôi sẽ vào bạch đức Thế Tôn. Tôi hứa sẽ làm hết sức tôi.
Ðại đức Ananda vào đến am Phật gặp lúc Phật vừa xả thiền đứng dậy, đang mặc áo, sắp đi thiền hành với thầy thị giả Nagita. Ananda bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn, xin ngài hãy nhìn kia, lệnh bà Pajapati Gotami và 500 công nương đang đứng trước giảng đường, chân sưng vù vì đi chân không từ Kapilavastu đến đây, mình mẩy lấm lem đầy cát bụi và trông có vẻ âu sầu phiền muộn. Xin đức Thế Tôn hoan hỷ chấp thuận cho hàng phụ nữ được từ bỏ đời sống gia đình, khép mình vào nếp sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Thế Tôn đã công bố. Bạch đức Thế Tôn, sẽ là một đại hạnh cho nữ giới nếu hàng phụ nữ được phép từ bỏ nếp sống gia đình để thực hành đời sống cao thượng của hàng khất sĩ không nhà cửa.
– Ðủ rồi, Ananda, Như Lai không thể chấp thuận cho hàng phụ nữ xuất gia.
Lần thứ nhì và lần thứ ba đại đức Ananda cố xin, nhưng đức Phật một mực chối từ. Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, đại đức Ananda lại kính cẩn bạch:
– Bạch đức Thế Tôn, người phụ nữ có khả năng thành tựu đạo quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna), Tư-đà-hàm (Sakadagami), A-na-hàm (Anagami) và A-la-hán (Arahat) không, nếu họ tu tập đúng theo Giáo pháp và Giới luật mà đức Thế Tôn đã công bố?
– Này Ananda, Phật đáp, bất cứ ai tu tập đúng theo Giáo pháp và Giới luật của giáo đoàn khất sĩ đều có thể thành tựu các thánh quả như sau:
Quả vị thứ nhất là Tu-đà-hoàn (Sotapanna): Nhờ quán Tứ đế nên kiến đạo , nhờ kiến đạo nên biết cách đoạn trừ phiền não, tâm lần hồi được thanh tịnh và bắt đầu nhập vào dòng thánh, xả bỏ ân ái, chẳng bận trần duyên, kiên trì trai giới, giữ thân miệng ý thanh tịnh, chứng quả Dự-lưu. Người chứng quả này đã thành tựu hai khâu đầu của Bát Chánh Ðạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy.
Quả vị thứ nhì là Tư-đà-hàm (Sakadagami): Ðã đoạn trừ gần hết 3 kiết sử là dâm, nộ, si, chỉ còn mỏng nhẹ, thân được oai nghi, động ít tĩnh nhiều, tâm được nhẹ nhàng thanh tịnh, chẳng vướng sáu trần, chứng quả Nhất-lai, chỉ còn tái sanh một lần nữa ở cõi người, sau đó sẽ sanh lên các cõi trời. Người chứng quả này đã thành tựu bốn khâu đầu của Bát Chánh Ðạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp.
Quả vị thứ ba là A-na-hàm (Anagami): Ðã đoạn trừ hết tận gốc rễ các phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, tà kiến, biên kiến, đoạn kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, ba nghiệp (thân, khẩu, ý) và sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều thanh tịnh, chứng quả Bất-hoàn, không còn tái sanh vào các cõi Dục nữa mà sẽ sanh về các cõi Sắc và Vô-sắc. Người chứng quả này đã thành tựu sáu khâu đầu của Bát Chánh Ðạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Ngiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn.
Quả vị thứ tư là A-la-hán (Arahat): Ðã đoạn trừ hết tất cả phiền não, được lậu-tận-trí (trí bát-nhã), thành bậc vô-học[18], chứng quả Vô-sanh[19], tâm luôn luôn an lạc thanh tịnh, có đầy đủ thiện phương tiện để chỉ dạy chúng sanh, xứng đáng nhận lãnh mọi sự cúng dường của các cõi trời và người. Người chứng quả này đã đi hết con đường Bát Chánh, từ Chánh Kiến đến Chánh niệm và Chánh Ðịnh.
Ðược khích lệ bằng câu trả lời thuận lợi ấy, đại đức Ananda tha thiết thỉnh cầu đức Phật một lần nữa:
– Bạch đức Thế Tôn, như vậy là hàng phụ nữ nếu được phép xuất gia tu hành cũng có thể chứng quả thánh!? Bạch đức Thế Tôn, lệnh bà Maha Pajapati Gotami năm nay đã 81 tuổi, bà đã có rất nhiều công nuôi dưỡng đức Thế Tôn. Bà đã trông nom, chăm sóc, bồng bế ngài trong lòng thay lệnh bà Maha Maya. Ðể chứng tỏ phái nữ cũng có thể sống đời khất sĩ không nhà cửa, bà và 500 công nương dòng Sakya và Koliya đã tự xuống tóc, vất bỏ tất cả đồ trang sức, đi chân không, ngủ dưới gốc cây, khất thực để ăn, từ Kapilavastu đến đây. Xin đức Thế Tôn từ bi chấp thuận cho lệnh bà và các công nương được xuất gia trong giáo pháp của Thế Tôn. Nữ giới từ nay cũng sẽ có nơi nương tựa, tu tập theo Chánh pháp để được giải thoát khỏi cảnh đau khổ luân hồi. Bạch đức Thế Tôn, xin ngài rộng mở cánh cửa từ bi cho lệnh bà và các công nương.
Ðức Phật lặng thinh. Một lát sau, ngài bảo thầy thị giả Nagita đi mời các đại đức Sariputta, Moggallana, Anuruddha, Bhaddiya, Kimbila và Maha Kassapa đến thảo luận. Sau khi hội ý với các đại đệ tử, đức Phật bảo:
– Này Ananda, thầy hãy đến báo cho lệnh bà Maha Pajapati biết là nếu lệnh bà và các công nương chấp thuận triệt để tuân theo ” Tám điều cung kính ” sau đây thì Như Lai sẽ đồng ý cho thành lập Giáo-hội Tỳ-kheo-ni. Tám điều cung kính (Bát Kính Pháp, Garudhamma) của Giáo-hội Tỳ-kheo-ni là:
1- Tỳ-kheo-ni, dù tuổi đời lớn, tuổi hạ cao, cũng phải luôn luôn cung kính chào hỏi một tỳ-kheo.
2- Tỳ-kheo-ni không thể nhập hạ (Vassa) nơi nào không có tỳ-kheo.
3- Cứ mỗi tháng hai kỳ, chúng tỳ-kheo-ni phải cử người đi thỉnh tỳ-kheo chỉ định ngày bố-tát[20] (Uposatha) và giờ thăm viếng, giáo huấn và khích lệ việc tu học của ni chúng.
4- Lúc mãn hạ, tỳ-kheo-ni phải thọ lễ tự-tứ (pavarana) chánh thức ra hạ trước mặt những vị tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni khác (để kiểm thảo xem trong ba điều thấy, nghe và hoài nghi, mình có lầm lỗi điểm nào không).
5- Tỳ-kheo-ni đã phạm trọng giới phải chịu phạt Manatta[21] trước chư tăng và chư ni.
6- Thức-xoa-ma-na (sikkhamana[22]) đã thọ trì 8 giới trong thời gian hai năm, có thể thọ cụ-túc giới tỳ-kheo-ni trước chư tăng và chư ni.
7- Bất luận trong trường hợp nào, tỳ-kheo-ni không có quyền khiển trách hay nặng lời với tỳ-kheo (bhikkhu, bhiksu).
8- Tỳ-kheo không được sám hối với tỳ-kheo-ni (bhikkhuni, bhiksuni), nhưng tỳ-kheo-ni có thể sám hối với những vị tỳ-kheo.
Những giới luật trên đây phải được tôn trọng trọn đời, phải được kính nể và không được đổi thay, xê dịch.
Khi đại đức Ananda trở ra thì mặt trời lên đã cao. Bà Pajapati và 500 công nương vẫn kiên nhẫn đứng chờ. Sau khi nghe kể lại lời Phật và nội dung “Bát Kính Pháp”, bà Pajapati nói:
– Ðại đức Ananda, xin đại đức bạch với đức Thế Tôn rằng: Khi một cô gái xinh đẹp và trẻ trung mới tắm gội bằng nước thơm mà có người mang tới cho một vành hoa, kết bằng hoa sen hay hoa hồng thơm ngát, thì cô gái ấy sẽ sung sướng đưa hai tay đón nhận rồi để lên đầu mình. Cũng thế, tôi rất sung sướng chấp nhận “Bát Kính Pháp” và sẽ tôn trọng “Bát Kính Pháp” suốt đời, nếu tôi được phép xuất gia.
Rồi bà quay sang nói với các công nương:
– Các em, các cháu đừng e ngại. Ðiều quan trọng nhất là chúng ta được xuất gia làm nữ khất sĩ (khikkhuni, bhiksuni). Những điều trong “Bát Kính Pháp” không phải là những trở ngại cho sự tu học của chúng ta, mà chính là cửa ngõ để chúng ta đi vào giáo pháp cao thượng.
Ðại đức Ananda hoan hỷ vào báo tin này với Phật. Chiều hôm đó 501 người nữ đầu tiên được làm lễ xuất gia thọ giới sa-di-ni (samaneri). Bà Maha Pajapati Gotami được cử làm ni trưởng[23]. Bà Ambapali xin dâng cúng vườn xoài của bà để làm tinh xá cho ni chúng. Ðại đức Sariputta được Phật ủy thác việc chỉ dạy những phép tắc hành trì sơ đẳng trong đời sống xuất gia cho các vị sa-di-ni.
Qua hôm sau, Phật bảo:
– Này Ananda, nếu nữ giới không được chấp thuận thoát ly thế tục để khép mình vào nếp sống không nhà cửa trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Như Lai đã công bố thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu sẽ tồn tại lâu đến 1000 năm. Nhưng nay nữ giới đã được phép sống đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu chỉ còn tồn tại 500 năm thôi.[24]
Rồi đức Phật nói thêm:
– Này Ananda, trong nhà nào có đông phụ nữ và ít nam giới thì trộm cướp sẽ dễ lọt vào. Cũng thế, trong bất luận Giáo pháp và Giới luật nào, nếu hàng phụ nữ được phép từ bỏ thế gian để sống đời không nhà cửa thì đời sống thiêng liêng sẽ không tồn tại lâu dài. Cũng như người kia đấp bờ đê bên cạnh hồ nước rộng lớn để chận nước khỏi tràn qua, Như Lai lo ngăn chận trước bằng cách ban hành Bát Kính Pháp cho các tỳ-kheo-ni, buộc phải giữ nguyên vẹn trọn đời.
Tám hôm sau, nữ khất sĩ Maha Pajapati tới xin tham vấn Phật. Bà thưa:
– Bạch Thế Tôn, tôi nay tuổi đã cao, xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy cho tôi pháp môn tu nào có thể giúp tôi tiến mau trên đường giải thoát.
– Này Gotami, trong đời sống hằng ngày, người tu phải nhận thức rõ ràng rằng những điều nào dẫn đến khát vọng, không dẫn đến an vui; đến sự ngã mạn, không đến sự tôn kính; muốn nhiều, không muốn ít; thích cảnh phồn hoa đô thị, không ưa ẩn dật; dã dượi, không cố gắng; khó được thoả mãn, không có đức tri túc; những điều đó chắc chắn không phải thuộc Chánh Pháp (Dhamma), không phải thuộc Giới Luật (Vinaya), không phải là giáo huấn của đức Ðạo sư.[25] Nên biết rõ những điều nào nên tránh, những điều nào nên làm. Ngoài ra phải tinh tấn thực hành pháp quán niệm hơi thở (Anapana-sati), pháp quán Tứ Niệm Xứ[26] (Cattaro sati-patthanani) để đạt được những đức tánh vừa kể.
Bà Maha Pajapati lạy tạ lui ra. Bà tinh tấn thực tập những điều Phật dạy. Ít lâu sau bà đắc quả A-la-hán. Năm trăm công nương dòng Sakya và Koliya cùng xuất gia với bà, về sau cũng đều đắc quả A-la-hán.
Từ ngày có ni chúng, giáo đoàn khất sĩ của Phật bắt đầu được gọi là giáo đoàn tứ chúng, gồm có: tỳ-kheo (bhikkhu, bhiksu), tỳ-kheo-ni (bhikkhuni, bhiksuni), thiện nam[27] (upasaka), tín nữ[28] (upasika).
Ni trưởng Maha Pajapati, sau khi nghiên cứu kỹ, đã trình Phật về y phục của ni chúng và được Phật chấp thuận. Một bộ y phục của tỳ kheo gồm có:
– một tấm an-đà-hội (antaravasaka), tức là quần dưới.
– một tấm uất-đa-la-tăng (uttarasangha) là áo mặc bên trên.
– một tấm tăng-già-lê (sanghati) là áo khoác bên ngoài.
Ngoài ba tấm trên, tỳ-kheo-ni được phép có thêm:
– một samkaksika để thắt ngang hông.
– một kusulaka dùng như một chiếc váy.
Ngoài ba bộ y như trên và một bình bát, các khất sĩ còn có quyền có một cái quạt để quạt muỗi và che đầu khi trời nắng, một cái vợt vải lọc nước uống, một cây kim, một ít chỉ, một cái tăm xỉa răng, một con dao để cạo râu tóc mỗi tháng hai lần.

Cuộc đời đau khổ của ni-sư Uppalavanna[29]

Một hôm, lúc đi ngang qua một công viên trong thành Vesali, đại đức Moggallana gặp một thiếu phụ nhan sắc mặn mà đứng chận đường đại đức, liếc mắt lả lơi có ý trêu chọc. Ðó là Uppalavanna, một hoa khôi trong giới kỹ nữ. Người đời gọi cô là Liên Hoa Sắc (Uppalavanna), họ cho cô có sắc đẹp tươi mát như một hoa sen màu xanh. Ðại đức Moggallana nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ này và biết ngay đây là một người đàn bà có nhiều u-uẩn khổ đau. Ðại đức nói:
– Cô tuy có hình dáng xinh đẹp, bề ngoài trang phục lộng lẫy, nhưng tôi biết tâm hồn cô chứa đầy mặc cảm khổ đau. Nghiệp chướng của cô nặng nề lắm và càng ngày cô càng sa vào con đường lầy lội. Cô nên thức tỉnh càng sớm càng hay.
Uppalavanna hoảng kinh, thấy vị khất sĩ này nhìn thấu nội tâm mình. Nhưng cô cố giữ vẻ mặt bình thản, mỉm cười nói:
– Có thể là thầy nói đúng. Nhưng tôi không còn con đường nào khác hơn.
– Tại sao cô lại bi quan như thế? Dù quá khứ có sao đi nữa, ta vẫn có thể chuyển hướng để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Áo quần dơ bẩn thì ta dùng nước sông để giặt giũ. Thân thể dơ bẩn thì ta tắm gội. Tâm tư vẩn đục và chán chường thì ta dùng giáo pháp cao thượng để tu sửa. Phật dạy “Ai cũng có khả năng giác ngộ và giải thoát. Ai cũng có khả năng thành Phật. Chỉ cần biết tu tập đúng Chánh Pháp.”
Uppalavanna lấy khăn chậm nước mắt, thổn thức nói:
– Nhưng cuộc đời của con dẫy đầy trái ngang và tội lỗi. Con e Phật cũng không cứu được con nữa là thầy.
– Không sao đâu. Cô cứ kể tự sự cho tôi nghe thử xem.
Uppalavanna kể lại rằng nàng là con gái của một gia đình giàu có ở thủ đô Rajagriha. Nàng lấy chồng năm mười sáu tuổi. Sau ngày cha chồng mất, mẹ chồng của nàng lại ăn nằm với chính chồng của nàng. Lúc đó Uppalavanna đã sinh được một đứa con gái. Chứng kiến cảnh loạn luân ấy, cô bỏ nhà ra đi, bỏ luôn cả đứa con gái lại. Mấy năm sau cô gặp một thương gia ở Benares và được ông này cưới làm vợ. Một thời gian sau, nghe nói chồng cô có mua một nàng hầu đem giấu trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố. Cô tìm đến đánh ghen, mới phát giác ra đó chính là con gái năm xưa của cô.
Ðau xót vô cùng, cô lại bỏ nhà ra đi, đem lòng thù hận cả trời đất và con người. Cô không còn tin ai, thương ai được nữa. Ðến thủ đô Vesali, cô theo nghề kỹ nữ, chỉ cần tiền bạc, trang sức lộng lẫy và các thú vui vật chất. Ðạo đức đối với cô chỉ là ảo tưởng, giả dối, không có nghĩa chân thật. Ðối với cô, bộ áo cà-sa chỉ là một lớp đạo đức giả dối che đậy những dục vọng đê hèn của con người. Ðể chứng minh điều đó cô mới tỏ vẻ khêu gợi, trêu chọc đại đức Moggallana.
Nói tới đó, Liên Hoa Sắc úp mặt vào hai bàn tay thổn thức khóc. Ðợi Uppalavanna khóc xong, đại đức Moggallana mới bắt đầu khuyên nhủ cô nên hỷ xả những chuyện đã qua và bắt đầu tập sống một cuộc đời cao thượng vừa lợi ích cho mình vừa lợi ích cho người khác. Rồi thầy đưa cô Uppalavanna về gặp Phật. Phật an ủi Uppalavanna và cho phép cô đến ni viện tập sự tu học dưới sự hướng dẫn của ni sư Pajapati Gotami. Uppalavanna được giao trách nhiệm đóng cửa, mở cửa và quét dọn giảng đường. Một hôm, vừa thắp ngọn nến trong giảng đường, Uppalavanna chợt chăm chú đứng nhìn sửng ngọn nến bập bùng cháy, bổng phát tâm quán hỏa đại, một lúc sau liền chứng quả A-la-hán và đắc ngũ thông. Chẳng bao lâu, Uppalavanna đã trở nên một sư cô gương mẫu, nổi tiếng là vị tỳ-kheo-ni thần thông đệ nhất. Ðến khi Devadatta phản nghịch muốn gia hại đức Phật, Uppalavanna đến núi Gaya-sisa trách mắng, bị Devadatta nổi giận đánh vào đầu mà chết.

[1] Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 186-187; theo kinh Mahavibhanga.

[2] Xem Anguttara-nikaya, quyển IV, trang 91-93.

[3] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 260-262; Majjhima-nikaya 87: Piyajatika sutta; Trung A-Hàm 216: kinh Ái Sinh.

[4] Vua Pasenadi Kosala là con của vua Maha Kosala (Buddhist Legends, quyển III, trang 63).

[5] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 263-270; Khuddaka-nikaya: Metta sutta, Udana, Sutta-nipata.

[6] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 271.

[7] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 272-275; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh: 190 Phật Bổn Hạnh Tập Kinh, 187 Phương Quảng Ðại Trang Nghiêm Kinh; Lalitavistara.

[8] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 275-277.

[9] Xem Jataka 182, II 92-94; Udana, III 2; Ðường Xưa Mây Trắng, trang 278-280; The Buddha and his Teachings, trang 140-143; Buddhist Legends, quyển I, trang 220-223.

[10] Pháp Cú kinh (Dhammapada), bài 13, 14.

[11] Psalms of the Brethren (Theragatha), bài 127.

[12] Xem Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 44-45; Buddhist Legends, quyển III, trang 70-72.

[13] Xem phần Lai Lịch Họ Gotama và Bộ Tộc Sakya trong sách này.

[14] Xem phần Lai Lịch Họ Gotama và Bộ Tộc Sakya trong sách này.

[15] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 281-284.

[16] Xem Cullavagga 10; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428; Anguttara-nikaya VII,51 và VIII,53.

[17] Xem Cullavagga 10; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428 và 1421; Trung A-Hàm 116: Cừu Ðàm Di Kinh; Trung A-Hàm 130: Giáo Ðàm Di Kinh; Anguttara Nikaya, IV 274; Vinaya, II 253.

[18] Bậc vô học: Bậc thánh nhân đã đạt được vô-sư-trí nên không còn phải học gì nữa.

[19] Quả vô sanh: Nhờ đã sạch nghiệp nên không còn bị nghiệp báo thiện ác dẫn đi tái sanh nữa.

[20] Bố tát (Uposatha) là pháp tụng giới mỗi nữa tháng của tăng ni.

[21] Manatta (Ma-na-đỏa, biến tịnh, chiết phục cống cao): Phương pháp diệt tội và sám hối của một vị tăng hay ni khi phạm trọng tội Xả-đọa hoặc Tăng-tàn. Vị tăng phạm tội phải phát lồ sám hối trong vòng 6 ngày đêm, làm các việc nặng nhọc thay cho chúng tăng như quét dọn tháp, tăng phòng, cầu tiêu, nhà tắm, … vừa chí thành sám hối, vừa làm cho chúng tăng hoan-hỷ.

[22] Sikkhamana (Thức-xoa-ma-na, Thức-xoa-ma-ni), trong 2 năm trước khi thọ giới Cụ-túc, phải tu học 4 giới căn bản (dâm, sát, đạo, vọng) và 6 pháp (Tâm ô-nhiễm đụng chạm người nam, Trộm cắp vặt, Giết hại súc sanh, Tiểu vọng ngữ, Ăn phi thời, Uống rượu). Samaneri (sa-di-ni) thấp hơn Sikkhamana.

[23] Sau khi bà Pajapati qua đời, Phật chỉ định bà Khema và bà Uppalavanna làm Ni-trưởng của Giáo-hội Tỳ-kheo-ni.

[24] Xem Gradual Sayings (Anguttara Nikaya), IV 184.

[25] Vinaya Text, III, 329-330; Gradual Sayings (Anguttara Nikaya), IV, 186-187.

[26] Tứ Niệm Xứ = Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.

[27] Thiện nam còn được gọi là cận sự nam, nam cư-sĩ hay ưu-bà-tắc (upasaka).

[28] Tín nữ còn được gọi là cận sự nữ, nữ cư-sĩ hay ưu-bà-di (upasika).

[29] Xem: Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428; Tạp A-Hàm 12, 23, 45; Tăng Nhất A-Hàm 3, 4, 28; Tỳ-ni Mẫu 5; Ðại Bảo Tích; Luật Tứ Phần 6, 12; Hữu Bộ Tỳ-nại-da 10, 30; Luận Ðại Trí Ðộ 13, 14. Cũng nên xem Buddhist Legends, quyển II, trang 127.

Add Comment