TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
KINH BỔN SANH – TIỂU BỘ KINH – TẬP VI
Việt dịch: HT Thích Minh Châu – GS Trần Phương Lan
———-o0o———-
CHƯƠNG V (Năm Bài Kệ)
(tiếp theo)
Mục lục
- PHẨM NĂM BÀI KỆ
- 351. Chuyện Vòng Tay Bằng Ngọc (Tiền thân Manikundala)
- 352. Chuyện Chàng Sujàta (Tiền thân Sujàta)
- 353. Chuyện Cành Cây Thanh Tịnh (Tiền thân Dhonasàkha)
- 354. Chuyện Con Rắn (Tiền thân Uraga)
- 355. Chuyện Vương Tử Ghata (Tiền thân Ghata)
- 356. Chuyện Nam Tử Kàrandiya (Tiền thân Kàrandiya)
- 357. Chuyện Chim Cút (Tiền thân Latukikà)
- 358. Chuyện Tiểu Vương Hộ Pháp (Tiền thân Culladhammapàla)
PHẨM NĂM BÀI KỆ
351. Chuyện Vòng Tay Bằng Ngọc (Tiền thân Manikundala)
Bị cướp hết niềm vui cuộc sống…,
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về một ông quan phạm tội thông gian trong hậu cung của vua xứ Kosala.
Trường hợp xảy ra câu chuyện đã được kể đầy đủ trước đây ở số 282 và 303.
*
Ở đây cũng thế, Bồ-tát là vua ở Ba-la-nại. Ông quan xấu xa kia đến với vua Kasala và khuyên vua đánh chiếm vương quốc Kàsi rồi bắt Bồ-tát bỏ vào ngục. Ðức vua Ba-la-nại phát triển thiền định và ngồi bắt chéo chân ở trên không. Ông vua cướp nước kia bị nóng sốt toàn thân, liền đến gần vua Ba-la-nại và đọc bài kệ đầu:
Bị cướp hết niềm vui cuộc sống,
Hết hoa tai lộng ngọc, ngựa, xe,
Vợ yêu, con dấu mất đi,
Xem ra ngài chẳng tỏ chi phiền hà!
Nghe thế Bồ-tát liền đọc các bài kệ sau:
Thú vui sẽ vội rời ta,
Thú vui rồi sẽ bay xa mấy hồi.
Vua kia tự hóa buồn thôi,
Như vần trăng hiện trên trời, trăng non,
Ðầy dần cho đến lúc tròn,
Khuyết đi rồi lại chẳng còn trăng đâu!
Sưởi cho vạn vật tươi màu,
Mặt trời vội lặn bên bầu trời xa,
Luật đời là đổi thay mà,
Khổ đau không thể làm ta bận lòng.
Thế rồi bậc Ðại Sĩ giảng bài Chân lý cho ông vua cướp nước kia nghe và đem đức hạnh của mình ra thử thách, ngài đọc các kệ sau:
Ghét thường nhân tham dục
Vẫn theo thói biếng lười.
Kẻ tu hành giả mặt:
Phường xảo quyệt đấy thôi!
Hôn quân thường xử án
Mà chẳng chịu lắng nghe;
Không thể nào biện bạch
Bậc trí nổi sân si
Chiếu vương phán một lời
Cân nhắc thật hẳn hoi,
Chính chuyên lời phán ấy
Vang danh mãi trên đời.
Vua xứ Kosala được Bồ-tát tha thứ, và sau khi trao trả lại vương quốc cho Bồ-tát, ông quay về xứ của mình.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ànanda là vua xứ Kasala, còn Ta chính là vua Ba-la-nại.
-ooOoo-
352. Chuyện Chàng Sujàta (Tiền thân Sujàta)
Sao con lại vội mang…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất có cha chết.
Khi cha ông mất, ông buồn bã đi khắp nơi, chẳng thể nào vơi được cơn sầu. Bậc Ðạo Sư nhận thấy người đàn ông này có khả năng đạt quả giải thoát cho nên khi Ngài vào thành Xá-vệ để khất thực, Ngài cùng với một thị giả đến nhà ông ta. Ngồi vào chỗ đã soạn sẵn cho Ngài, Ngài cúi xuống nói với gia chủ cũng đang ngồi đấy:
– Nay cư sĩ, phải chăng ông đang sầu khổ?
Người ấy đáp:
– Vâng, bạch Thế Tôn, đúng như thế.
Ngài dạy:
– Này bằng hữu, các bậc hiền trí ngày xưa đã nghe lời trí tuệ của người chính trực và khi họ mất cha, họ không sầu khổ.
Rồi do yêu cầu của gia chủ, Ngài kể một chuyện tiền kiếp.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sinh vào nhà một gia chủ nọ. Ngài được gọi là Nam tử Sujàta. Khi ngài lớn lên thì nội tổ của ngài mất. Từ ngày lão gia mất, thân phụ ngài rất sầu khổ. Ông lấy hài cốt của cha từ nơi hỏa táng rồi xây một nấm mồ trong vườn thưởng ngoạn của ông và đặt di cốt vào đấy. Mỗi khi đến thăm chỗ ấy, ông trang hoàng hoa lên mồ rồi mải miết than khóc. Ông chẳng tắm rửa chẳng xức dầu thơm, cũng chẳng để ý đến việc kinh tài. Quan sát việc này, Bồ-tát tự nghĩ: “Từ khi ông nội ta mất, cha ta đi đâu cũng cứ đắm chìm trong sầu muộn. Ta chắc rằng chẳng ai ngoài ta ra có khả năng khuyên nhủ được người. Ta sẽ tìm cách giải thoát cho người khỏi cơn sầu khổ”.
Thế rồi khi trông thấy con bò đực nằm chết ở bên ngoài thành phố, ngài mang cỏ và nước tới đặt trước con bò ấy và nói:
– Ăn đi, uống đi! Ăn đi, uống đi.
Mọi người đi qua thấy thế đều bảo:
– Này Sujàta, bạn điên đấy ư? Bạn đưa cỏ và nước cho một con bò chết ư?
Nhưng ngài không đáp một tiếng nào.
Vì thế, họ đến bảo với thân phụ ngài:
– Con trai của ông bị điên rồi, anh ta lấy cỏ và nước đem cho một con bò chết đấy.
Nghe thế, người chủ đất ngưng sầu than cha mình mà lại bắt đầu sầu than đứa con trai. Ông vội chạy đến và kêu lên:
– Này Sujàta, con không được bình thường đấy ư? Sao con lại đưa cỏ cho cái xác bò chết?
Rồi ông đọc hai bài kệ sau:
Sao con lại vội mang
Cỏ mới cắt ngọt ngon
Cho con vật đã chết,
Lại kêu “Dậy mà ăn”?
Không có thức ăn gì
Hồi sinh một bò chết,
Lời con vớ vẩn thật,
Và do bởi mê si.
Bấy giờ Bồ-tát đọc hai bài kệ:
Con vật này hẳn rồi
Vẫn còn đường sống lại,
Vì đủ cả đầu đuôi
Và bốn chân còn đấy.
Còn ông nội, rõ ràng
Ðầu, tay, chân đã mất,
Kẻ khùng nào khóc than?
Chỉ có cha độc nhất!
Nghe thế, thân phụ của Bồ-tát tự nghĩ: “Con ta thật thông tuệ. Nó biết điều gì đúng cần làm cho đời này và cho cả đời sau. Nó đã làm thế để khuyên nhủ ta”. Rồi ông bảo:
– Này Sujàta, con trai yêu dấu và khôn ngoan của ta, ta đã hiểu được rằng mọi sự vật đang hiện hữu đều là vô thường. Từ nay ta sẽ không sầu khổ. Một đứa con như thế này hẳn là kẻ làm cho cha mình hết sầu khổ.
Ðể ca ngợi con trai, ông nói:
Như lửa dầu đang trong cơn cháy mạnh,
Nước đổ vào liền bị tắt ngay đi,
Cõi lòng ta đang nhức nhối sầu bi,
Con ta đã chữa lành đời ta sáng
Gai đã nhổ, tươi vui và tĩnh lặng,
Ta hết sầu, nghe lời của con ta.
Bậc thiện hiền khiến đời dứt phiền hà
Cứu thân phụ như Su-jà thông tuệ.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Đế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ ta là Sujàta.
-ooOoo-
353. Chuyện Cành Cây Thanh Tịnh (Tiền thân Dhonasàkha)
Nay dù bạn bình an hạnh phúc…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại rừng Bhesakalà, gần Sumsumàragiri (Núi Cá sấu) trong xứ của bộ tộc Bhaggas. Chuyện kể về vương tử Bodhi (Bồ-đề).
Vương tử này là con vua Udena, bấy giờ đang sống tại Sumsumàragiri. Ông cho mời một người thợ thật giỏi, bảo xây cho mình một cung điện gọi là Kokànada và làm cho nó khác cung điện của bất cứ ông vua nào. Về sau, ông tự nghĩ: “Tên thợ này có thể xây một cung điện như thế cho một ông vua khác”. Và do lòng đố kỵ, ông móc đôi mắt của người thợ ấy đi.
Các Tỷ-kheo biết được chuyện ấy. Họ bàn thảo trong Pháp đường:
– Này các hiền giả, vương tử Bodhi đã móc mắt của người thợ như thế, như thế. Chắc chắn ông ta là một người tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn chuyện gì. Khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
Không chỉ bây giờ mà xưa kia tánh ông ta cũng như vậy. Ngày xưa cũng bằng cách như thế, ông ta đã móc mắt của một ngàn chiến sĩ và sau khi giết chết họ, ông đã đem thịt của họ ra tế lễ.
Rồi Ngài kể cho các Tỷ-kheo một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một giáo sư lừng danh tại Takkasilà, các thanh thiếu niên thuộc giai cấp quý tộc, võ tướng và Bà-la-môn từ khắp nước Ấn Ðộ đến với ngài để được ngài dạy các học nghệ. Con vua Ba-la-nại là hoàng tử Brahmadatta cũng thế, được ngài dạy ba tập Vệ-dà. Ông ta là một kẻ tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo. Do tài tiên đoán, Bồ-tát biết được tính ấy của hoàng tử nên bảo:
– Này bạn, bạn tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo và thực ra, quyền lực mà kẻ hung bạo đạt được không lâu dài. Khi quyền lực mất đi, người ấy giống như một chiếc tàu gặp nạn ngoài khơi, ông ta sẽ không đến bến bờ nào an ổn cả. Do đó, bạn chớ giữ tính tình như vậy.
Rồi ngài đọc hai bài kệ sau đây để khuyến dụ:
Nay dù bạn bình an hạnh phúc,
Hạnh phúc kia mấy chốc chẳng còn.
Của mất đi chớ khổ buồn,
Như người đi biển bão dồn ném xa.
Theo hành vi, chúng ta xuôi hướng
Mùa gặt theo như hạt giống gieo,
Hai đằng ta phải nhận vào:
Cỏ hoang độc hại, cây cao tốt lành.
Thế rồi hoàng tử từ biệt thầy và trở về Ba-la-nại. Sau khi trổ tài nghệ cho vua xem, ông được giao chức phó vương và khi vua cha chết, ông nối ngôi trị vì vương quốc. Vị giáo sĩ của nhà vua là một người tàn nhẫn, dữ dằn. Vì tham danh vọng, ông tự nghĩ: “Nếu ta gây sự cho tất cả các nhà lãnh đạo của toàn Ấn Ðộ bị ông vua này bắt hết và nếu bấy giờ ông ta là hoàng đế độc nhất thì ta sẽ là giáo sĩ độc nhất”.
Thế là ông làm cho vua nghe theo lời ông.
Vua đem đại quân tiến ra, bao vây kinh đô của một vua kia rồi bắt giữ vua ấy. Bằng những cách thức tương tự, ông chiếm hết toàn lãnh thổ Ấn Ðộ và cùng với một ngàn ông vua trong đoàn của ông, ông tiến đánh vương quốc Takkasilà. Bồ-tát sửa sang các thành lũy để ngăn quân thù xâm nhập. Vua Ba-la-nại đặt bộ tham mưu của ông ở dưới gốc cây đa to lớn. Ông truyền dựng mái đình che phía trên, chung quanh có vây màn và có chỗ nằm trải sẵn cho ông. Khi chiến đấu trên các đồng bằng Ấn Ðộ, ông đã bắt được một ngàn vua, nhưng ông lại không thể tấn công vào Takkasilà được. Ông bèn hỏi giáo sĩ:
– Chúng ta đã đến đây cùng với đạo quân gồm các vua bị bắt và chúng ta vẫn không thể chiếm được Takkasilà. Bây giờ phải làm sao?
– Tâu Ðại vương – Giáo sĩ trả lời- Hãy móc mắt một ngàn vua kia, mổ bụng họ ra và lấy thịt họ cùng với năm món thơm ngon làm lễ cúng dâng vị thần cây đa này. Hãy đào một cái rãnh quanh cây và đổ máu cho ngập tới khoảng một tấc. Và như thế chẳng bao lâu chiến thắng sẽ về ta.
Vua sẵn sàng chấp thuận. Vua giấu kín các võ sĩ khỏe mạnh đằng sau bức màn rồi cho họ gọi riêng từng ông vua kia. Các võ sĩ dùng hai cánh tay siết từng người cho đến khi họ ngất đi rồi vua sai móc mắt họ. Sau khi họ chết, vua cho mang xác ra ném ngoài sông Hằng. Thế rồi vua tổ chức tế lễ như đã nói trên, sau đó, sai đánh trống và mang quân ra trận.
Bỗng một tên quỷ Dạ-xoa từ tháp canh xông tới móc con mắt phải của vua ra. Vua quá đau đớn đến điên cuồng liền đi nằm sóng sượt trên giường dành riêng cho ông dưới gốc cây đa.
Lúc bấy giờ một con kên kên cắp một cái xương nhọn rồi đậu trên đọt cây ấy. Khi đang ăn thịt nó để rớt cái xương và đầu nhọn rơi xuống như dùi sắt trúng con mắt trái của vua, hủy luôn con mắt ấy. Lúc bấy giờ, vua nhớ lại lời dạy của Bồ-tát, ông tự nhủ: “Thầy ta đã từng nói: Người đời phải thọ kết quả tùy theo các việc làm của mình, cũng như trái cây hình thành tùy theo hạt giống vậy”, hẳn là người đã thấy tất cả sự việc này bằng con mắt trí tuệ nên nói như thế”.
Trong khi đang sầu đau, ông nói với giáo sĩ Pingiya qua hai bài kệ sau:
Nay mới hiểu lẽ chân thầy dạy
Từ lúc ta trẻ tuổi dại ngây:
Chớ gây tội ác, có ngày
Ngươi làm việc xấu bị đày đọa thôi.
Nằm ở dưới tàn cây bóng mát,
Tẩm dầu thơm ngào ngạt chiên-đàn,
Ðịch vương, ta giết cả ngàn,
Nỗi đau họ chịu, ta đang chịu cùng.
Khi khóc than như thế, vua nhớ đến hoàng hậu của ông và đọc bài kệ này:
Ub-ba-rì mặn mà,
Ôi hoàng hậu của ta,
Dáng người trông yểu điệu,
Như cành Mo-rin-ga.
Tay chân nàng thơm ngát,
Ướp dầu hương chiên-đàn,
Làm sao ta sống nổi,
Khi chẳng thấy được nàng?
Ôi chết không tàn khốc
Bằng nỗi này đau thương!
Trong khi còn đang lầm thầm các lời trên, vua chết đi và tái sanh vào địa ngục. Vị giáo sĩ tham quyền ấy không thể cứu được ông, ngay cả ông, với quyền lực của mình, vẫn không tự cứu được. Và ngay khi ông chết đi, quân đội của ông tan vỡ và tháo chạy.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ vương tử Bồ-dề là ông vua cướp nước ấy, Ðề-bà-đạt-đa là Pingiya, còn Ta chính là vị thầy lừng danh nọ.
-ooOoo-
354. Chuyện Con Rắn (Tiền thân Uraga)
Người đời bỏ xác ra…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một chủ đất có con trai chết.
Câu chuyện dẫn đầu cũng giống như chuyện của người đàn ông mất cả vợ và cha. Ở đây cũng vậy, bằng cách ấy, bậc Ðạo Sư đến nhà ông và sau khi chào ông, Ngài ngồi xuống và bảo:
– Này, thí chủ, ông đang sầu khổ đấy ư?
Và ông đáp:
– Bạch Ngài, vâng, từ khi con trai của con chết, con rất đau khổ.
Ngài dạy:
– Này thí chủ, quả thật, cái gì phải tan rã thì tan rã, và cái gì bị hủy diệt thì hủy diệt; điều ấy không chỉ xảy ra cho một người, không chỉ xảy ra ở trong một làng mà ở trong vô số cảnh vật, và trong ba cách hữu sinh tam giới, không có sinh vật nào không chết, không có sự vật hiện hữu nào có thể ở mãi trong cùng một hoàn cảnh được. Mọi chúng sinh đều phải chết, mọi kết hợp đều phải tan rã. Khi bị mất một đứa con, các bậc hiền trí ngày xưa bảo. Cái gì phải hủy diệt thì bị hủy diệt, và họ không sầu khổ.
Rồi do lời yêu cầu của người ấy. Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở một ngôi làng phía ngoài cổng thành Ba-la-nại và ngài nuôi sống gia đình bằng nghề cày ruộng. Ngài có hai con: một trai và một gái. Khi con trai lớn lên, ngài cưới vợ cho anh ta từ một gia đình cùng đẳng cấp với ngài. Như thế cùng với một nữ tỳ, họ hợp thành một gia đình sáu người: Bồ-tát và vợ ngài, con trai và con gái, con dâu và nữ tỳ. Họ sống với nhau đầy tình thương và hạnh phúc. Bồ-tát khuyên dạy năm người kia:
– Tùy theo những thứ mà các người nhận vào, phải bố thí, hành trì các ngày trai giới, giữ gìn đức hạnh, sống với ý nghĩ về cái chết, chú ý đến tình trạng phải chết của con người. Trong hoàn cảnh của chúng sinh như chúng ta đây, cái chết là chắc chắn, cuộc sống không chắc chắn, tất cả sự vật hiện hữu đều là tạm bợ và phải chịu suy tàn. Do đó ngày đêm phải chú ý đến lối sống của các người.
Mọi người đều nhận lãnh lời dạy của Bồ-tát và nghiêm túc sống với ý nghĩ về cái chết.
Một hôm, Bồ-tát cùng con trai đi cày ruộng. Người con nhặt cỏ rác rồi đốt. Cách đó không xa, có một con rắn sống trong một cái đụn kiến. Bị khói làm xốn mắt, con rắn giận dữ bò ra khỏi hang và nghĩ: “Tất cả chuyện này là do tên ấy” và nó phóng tới cắn vào anh ta bằng bốn cái răng cửa của nó. Người thanh niên ngã xuống chết.
Khi thấy anh ngã xuống, Bồ-tát rời mấy con bò chạy tới, và thấy rằng anh ta đã chết, ngài ẵm lên và đặt anh nằm dưới gốc cây nọ. Ngài lấy áo choàng phủ lên anh, không hề khóc lóc sầu đau. Ngài bảo:
– Cái gì phải tan rã thì tan rã, cái gì phải chết thì chết. Tất cả những hiện hữu kết hợp đều tạm bợ và phải chết.
Biết được tính chất tạm bợ của sự vật, ngài tiếp tục việc cày bừa. Trông thấy một người hàng xóm đi qua gần đám ruộng, ngài hỏi:
– Này bạn, có phải bạn đang về nhà đấy không?
Người ấy trả lời:
– Vâng.
Ngài bảo:
– Nhờ bạn đến nhà chúng tôi và nói với bà chủ, hôm nay không phải đem đồ ăn cho hai người như trước, mà chỉ đem cho một người thôi. Và mọi khi chỉ một mình nữ tỳ mang thức ăn đến, thì hôm nay cả bốn người trong nhà phải mặc quần áo sạch sẽ và mang hương hoa đến đây.
– Ðược rồi.
Người ấy đáp và đi nói đúng các lời trên với vợ của vị Bà-la-môn ấy.
Bà hỏi:
– Này bác, ai nhắn tin này thế?
Người ấy đáp:
– Thưa bà, ông Bà-la-môn đấy.
Thế là bà hiểu rằng con trai bà đã chết. Nhưng bà không run sợ, bà sai soạn thức ăn rồi cùng với những người khác trong gia đình ra đồng. Nhưng không ai, kể cả bà, nhỏ một giọt nước mắt hay than van. Khi Bồ-tát dùng bữa xong, mọi người chất củi và nâng xác để lên giàn hỏa táng, họ dâng hương, hoa rồi châm lửa thiêu. Chẳng ai nhỏ một giọt nước mắt. Tất cả đều an trú vào ý nghĩ về cái chết.
Hiệu lực đức hạnh của họ làm cho ngai của Thiên chủ Ðế Thích nóng lên. Ðế Thích tự bảo:
– Ủa, kẻ nào muốn hạ ta xuống khỏi ngai thế này?
Thiên chủ suy tưởng và phát hiện rằng hơi nóng này là do mãnh lực đức hạnh hiện hữu trong những người ấy. Rất sung sướng, Thiên chủ nói:
– Ta phải đến nơi họ và vui mừng la lớn như tiếng rống của sư tử rồi ngay sau đó sẽ lấy thất bảo đổ đầy chỗ của họ.
Thiên chủ vội vàng đến đó và đứng bên giàn hỏa táng nói:
– Các ngươi đang làm gì thế?
– Thưa ngài, chúng tôi đang thiêu xác của một người.
Thiên chủ nói:
– Không phải các ngươi đang thiêu một người, có lẽ các người đang quay thịt một con vật nào đó mà các người đã giết.
Họ đáp:
– Không phải thế đâu, thưa ngài, đúng là chúng tôi đang thiêu xác của một người.
Thế rồi Thiên chủ nói:
– Vậy chắc hẳn là một kẻ thù nào đấy.
Bồ-tát đáp:
– Ðấy chính là con trai ruột của chúng tôi, chứ không phải kẻ thù nào cả.
– Thế thì hẳn anh ta không được ông yêu mến.
– Tôi rất yêu mến nó, thưa ngài.
– Thế tại sao ông không khóc?
Rồi để giải thích lý do tại sao ngài không khóc, Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
Ðời người bỏ xác ra,
Khi niềm vui sống qua,
Như rắn kia vẫn thế,
Thường lột vỏ thay da.
Không lời nào thương tiếc
Chạm đến tro người chết.
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của Bồ-tát, Ðế Thích hỏi bà vợ của ngài:
– Thưa bà, người chết liên hệ thế nào với bà?
– Tôi mang nó mười tháng trong bào thai, cho nó bú sữa của tôi, dạy cho nó cử động tay chân, đi đứng và thưa ngài nó là đứa con trưởng thành của tôi đấy.
– Thưa bà, do bản tính đàn ông, một người cha không khóc là phải, nhưng trái tim một người mẹ chắc chắn là mềm yếu. Thế sao bà lại không khóc?
Bà đọc hai bài kệ để giải thích vì sau bà không khóc:
Không gọi nó đến đây,
Chẳng sai nó đi ngay,
Nó đi như nó đến,
Sao lại phải sầu cay?
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết,
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của vợ Bồ-tát, Ðế Thích hỏi cô em gái:
– Thưa cô, người chết là gì của cô?
– Thưa ngài, anh ấy là anh tôi.
– Thưa cô, chị em gái chắc chắn thương yêu anh em trai. Tại sao cô lại không khóc?
Ðể giải thích lý do tại sao mình không khóc, cô ta đọc hai bài kệ:
Dù nhịn đói, khóc than,
Ích gì được cho con,
Ôi, bà con thân thuộc,
Sẽ nhiều đau khổ hơn.
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết.
Sao còn phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của cô em gái, Ðế Thích hỏi cô vợ:
– Thưa cô, anh ta là gì của cô?
– Thưa ngài, anh ấy là chồng của tôi.
– Khi chồng chết, các bà là những góa phụ bơ vơ. Tại sao cô không khóc?
Ðể giải thích lý do tại sao mình không khóc, cô ta đọc hai bài kệ:
Như con trẻ kêu gào,
Ðòi vô vọng trăng cao,
Khóc than người yêu mất,
Người đời ngớ ngẩn sao!
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết.
Sao tôi lại buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Nghe xong những lời của cô vợ, Thần Ðế Thích hỏi người nữ tỳ:
– Này bà, anh ấy là gì của bà?
– Thưa ngài, ông ấy là chủ của tôi.
– Chắc chắn rằng bà phải bị anh ta la mắng, đánh đập, áp bức, do đó bà nghĩ rằng may quá anh ta đã chết nên bà không khóc.
– Thưa ngài, chớ nói như thế. Cậu ấy không phải thế đâu. Cậu chủ tôi rất chịu đựng, yêu mến và thương xót tôi, cậu ấy cũng như con nuôi của tôi vậy.
– Thế thì tại sao bà không khóc?
Và để giải thích tại sao mình không khóc, người nữ tỳ đọc hai bài kệ:
Một bình đất đã vỡ,
Ai ráp lại được vào,
Khóc than cho người chết,
Chỉ chuốc thất bại vào.
Không lời nào thương tiếc,
Chạm đến tro người chết,
Sao tôi phải buồn thương?
Kẻ ấy đi tiếp đường.
Sau khi nghe tất cả mọi người nói, Ðế Thích rất thích thú liền nói:
– Các ngươi đã thận trọng sống với ý nghĩ cái chết. Từ nay các ngươi khỏi phải tự tay cày bừa nữa. Ta là Ðế Thích, vua cõi trời. Ta sẽ tạo ra vô số thất bảo trong nhà các ngươi. Hãy bố thí, giữ đạo đức, hành trì ngày trai giới, quan tâm đến cách sống.
Sau khi khuyến dụ họ, Thiên chủ tạo ra vô số của cải trong nhà họ rồi ra đi.
*
Sau khi thuyết pháp, bậc Ðạo Sư tuyên dạy Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Khujjutarà là người nô tỳ, Uppalavannà là người con gái, Ràhula còn con trai, Khemà là người mẹ, còn Ta là người Bà-la-môn ấy.
-ooOoo-
355. Chuyện Vương Tử Ghata (Tiền thân Ghata)
Khi kẻ khác khóc than sầu khổ…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ viên về một ông quan của vua Kosalà.
Câu chuyện khởi đầu giống chuyện đã kể. Nhưng ở đây, sau khi ban vinh dự lớn lao cho một ông quan, vua lại nghe lời sàm tấu và truyền bắt ông ta bỏ vào ngục. Khi nằm trong ngục, ông quan ấy nhập Dự Lưu. Sau đó vua biết được công đức của ông và thả ra. Ông mang một tràng hoa thơm và đến tham bái bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Bậc Ðạo Sư hỏi xem có việc xấu nào đã xảy đến với ông không. Ông đáp:
– Bạch Thế Tôn có. Nhưng qua việc xấu ấy, việc tốt lại đến với con. Con đã nhập Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Ðúng thế, không phải chỉ bấy giờ, các bậc hiền trí ngày xưa cũng được điều tốt từ điều xấu.
Rồi do yêu cầu của ông quan, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con của chánh hoàng hậu. Người ta gọi ngài là thái tử Ghata. Sau đó ngài đạt kiến thức về các học nghệ ở Takkasilà và trị vì vương quốc của ngài rất công chính.
Bấy giờ một ông quan nọ tỏ ra phẩm hạnh xấu trong nội cung. Sau khi tận mắt chứng kiến việc phạm gian, vua liền đuổi ông ra khỏi vương quốc. Lúc ấy, một vị vua tên là Vanka trị vì ở Xá-vệ. Ông quan đến phục vụ cho vua ấy đúng như câu chuyện trước đây số 303, được vua nghe lời và xúi vua chiếm vương quốc Ba-la-nại.
Sau khi chiếm đoạt vương quốc này, vua ấy bắt trói Bồ-tát bằng dây xích và bỏ ngài vào ngục. Bồ-tát nhập định và ngồi tréo chân trên không. Vanka bị nóng hừng hực trong thân thể, liền chạy đến Bồ-tát, trông thấy dung mạo của ngài sáng ngời, đẹp như một hoa sen nở, giống như một tấm kính bằng vàng. Qua hình thức một lời hỏi, ông đọc bài kệ đầu:
Khi kẻ khác khóc than sầu khổ,
Má người kia lệ nhỏ đầm đìa,
Mặt ngài vẫn nụ cười kia,
Ga-ta há chẳng bao giờ kêu than?
Ðể giải thích tại sao ngài không sầu khổ, Bồ-tát đọc các bài kệ sau đây:
Chuyện đã qua, buồn nào thay đổi được,
Buồn nào gây hạnh phúc ở tương lai?
Cớ sao ta than vãn khổ đau này?
Sầu muộn chẳng đáng cho ta làm bạn.
Kẻ mang bệnh khổ sầu thì suy tận,
Các thức ăn thành vô vị nhạt màu,
Như trúng tên mồi thịt của sầu đau
Làm trò tếu cho kẻ thù tiêu khiển.
Nhà ta ở, dù trên đất, ngoài biển.
Dù trong làng hay heo hút rừng già,
Không bao giờ sầu não đền gần ta,
Hồn đã thiện, chẳng có gì để sợ.
Còn kẻ nào chưa kiện toàn đến độ,
Bị nấu nung vì tham dục lắm đàng,
Cả cõi đời cùng của cải tệ tàn
Cũng không hề đủ thỏa lòng tham muốn.
Sau khi nghe xong bốn bài kệ ấy, Vanka xin Bồ-tát tha thứ và giao trả lại vương quốc cho ngài rồi đi theo đường mình. Nhưng Bồ-tát trao vương quốc cho các đại thần, ngài lui vào dãy Tuyết Sơn và trở thành một nhà tu khổ hạnh. Không hề ngưng thiền định, ngài được sinh vào cõi Phạm thiên.
*
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Ànanda là vua Vanka, còn Ta là Ghata.
-ooOoo-
356. Chuyện Nam Tử Kàrandiya (Tiền thân Kàrandiya)
Sao một mình trong rừng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi ngài trú tại Kỳ Viên về Tướng quân Chánh pháp Sàriputta.
Trong truyền khi có bọn người ác như thợ săn, chài lưới v.v… đến với ngài, Trưởng lão đều giảng đạo đức cho họ, và ngài cũng giảng cho bất cứ ai mà ngài có dịp gặp. Ngài bảo:
– Hãy nhận Giáo Pháp.
Do lòng tôn kính Trưởng Lão, họ không thể cưỡng lời ngài. Và khi nhận Giáo pháp xong, họ không thể hành trì mà ai nấy cứ tiếp tục theo lối làm ăn riêng của mình. Trưởng lão đến thổ lộ với chúng Tỷ-Kheo để hỏi ý kiến:
– Này các Hiền giả, những người ấy được tôi truyền Pháp, nhưng không giữ đạo.
Các Tỷ-Kheo trả lời:
– Thưa Tôn giả, ngài giảng Pháp cho họ trái với mong ước của họ và vì họ không dám cưỡng lại lời ngài nên họ chấp nhận đấy thôi. Từ nay ngài chớ giảng Pháp cho những người như thế.
Trưởng lão không thuận ý.
Nghe được chuyện ấy, các Tỷ-Kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường cách Trưởng lão Sàriputta đã thuyết Pháp cho bất cứ ai mà ngài gặp. Bậc Ðạo Sư đến hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn chuyện gì. Khi nghe kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ấy giảng pháp cho bất cứ ai mà ông gặp dù họ chẳng yêu cầu.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trì vị ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra và lớn lên trong gia đình rồi trở thành đệ tử trưởng của một giáo sư lừng danh tại Takkasilà. Bấy giờ vị giáo sư giảng đạo pháp cho bất cứ người nào mà ông có thể gặp như những người đánh cá v.v… Dù họ không muốn, ông luôn bảo họ nhận pháp. Nhưng dù họ đã nhận pháp, họ cũng không giữ đạo. Giáo sư nói điều ấy cho các môn đệ nghe. Các môn đệ thưa:
– Thưa thầy, thầy thuyết giảng cho họ ngược lại với những mong cầu của họ và do đó, họ phá bỏ pháp. Từ nay, thầy hãy thuyết giảng cho những kẻ nào muốn nghe thầy thôi chứ đừng thuyết giảng cho những ai không muốn.
Vị giáo sư rất ân hận nhưng ông cứ giảng pháp cho bất cứ ai mà ông được gặp.
Một hôm, một số người từ một ngôi làng kia đến mời giáo sư tham dự cuộc dâng bánh cho các Bà-la-môn. Ông cho gọi vị môn đệ tên là Kàrandiya và bảo:
– Này con, ta không đi, con hãy đến đó với năm trăm môn đệ này rồi nhận bánh và mang về phần bánh chia cho ta.
Ông sai vị môn đệ ấy như thế. Vị môn đệ ấy ra đi. Trên đường về, chàng trông thấy một cái hang và chợt có ý nghĩ: “Thầy ta giảng pháp cho bất cứ ai ngài gặp mà không cần họ yêu cầu. Từ nay ta chỉ khiến ngài giảng cho những ai muốn nghe ngài thôi”.
Thế rồi trong khi các môn đệ khác đang ngồi nghỉ thoải mái, chàng đứng lên đi khuân những tảng đá lớn ném vào trong hang, chàng cứ khuân đá ném mãi. Những người kia đứng dậy và nói:
– Này đại huynh, anh đang làm gì thế?
Kàrandiya không nói một lời nào. Họ vội trở về kể chuyện cho thầy họ nghe. Vị thầy đến nói chuyện với Kàrandiya bằng bài kệ đầu:
Sao một mình trong rừng
Từng tảng đá con khuân,
Ném đá như có ý
Lấp bằng hang núi chăng?
Nghe thế Kàrandiya muốn thức tỉnh thầy mình liền đọc bài kệ:
Con muốn làm đảo này
Phẳng như lòng bàn tay,
San bằng gò đồi nọ,
Chỗ trũng, đá lấp đầy.
Thầy Bà-la-môn nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Ðời nào một phàm nhân
Có sức lấp đất bằng?
Kà-ran khó hy vọng
Ðọ sức với hang cùng.
Người môn đệ nghe xong liền đọc bài kệ thứ tư:
Nếu một kẻ phàm nhân,
Không thể san đất bằng,
Ngoại nhân há chịu nhận
Quan điểm thầy hay chăng?
Nghe thế, vị giáo sư trả lời thích đáng, bấy giờ ông hiểu rằng những người khác có thể không giống như ông. Ông tự nhủ: “Ta sẽ không làm như thế nữa”, và đọc bài kệ thứ năm:
Này Kà-ran-di-ya,
Bạn khuyên tốt cho ta,
Ðất không san phẳng được,
Ý người chẳng đồng hòa.
Giáo sư ca ngợi môn đệ của mình. Và vị môn đệ sau khi khuyến dụ thầy mình như vậy liền dẫn thầy về nhà.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Xá-lợi-phất là người Bà-la-môn, còn Ta chính là môn sinh Kàrandiya.
-ooOoo-
357. Chuyện Chim Cút (Tiền thân Latukikà)
Hỡi voi tuổi sáu mươi….,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về Ðề-bà-đạt-đa.
Một hôm các Tỷ-Kheo bàn thảo trong Pháp đường:
– Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa thật hung ác, dữ dằn và tàn bạo. Ông ta chẳng chút lòng thương xót nào đối với chúng sinh.
Khi bậc Ðạo Sư đến, Ngài hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn chuyện gì và sau khi nghe kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa cũng thế, ông ấy cũng chẳng có chút thương xót nào.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm một con Voi. Khi lớn lên ngài là một con vật chững chạc đàng hoàng. Ngài trở thành chúa của một đàn mười tám ngàn con và sống trong dãy Tuyết Sơn.
Bấy giờ có một con chim Cút đẻ trứng trong vùng đất sinh sống của đàn voi. Khi trứng nở, bầy chim con phá vỏ trứng ra ngoài. Trước khi bầy chim mạnh cánh và đang lúc chưa thể bay được, bậc Ðại Sĩ cùng với đàn tám chục ngàn con voi đi đây đó kiếm ăn, đã đến chỗ ấy. Khi trông thấy đàn voi, chim Cút tự nghĩ: “Vị vương tượng này sẽ dẫm chết các con thơ của ta. Ờ! ta sẽ cầu xin ông ta che chở và bảo vệ cho tổ của ta”. Thế rồi nó nhấc đôi cánh lên, đứng trước ngài và đọc bài kệ đầu:
Hỡi Voi tuổi sáu mươi,
Chúa rừng của đồng loài,
Ta chỉ là chim nhỏ,
Còn ngài lãnh đạo bầy,
Cánh nâng, tôi kính cẩn
Xin tha lũ con này.
Bậc Ðại Sĩ bảo:
– Này Cút, chớ lo sợ. Ta sẽ che chở cho các con thơ của ngươi.
Ngài đứng che lên trên bọn chim nhỏ trong khi tám mươi ngàn voi kia đi qua, rồi ngài dặn Cút:
– Ðằng sau bọn ta có một con voi lẻ bầy rất gian ác. Nó không chịu làm theo lời bọn ta. Khi nó đến, ngươi cũng phải van xin nó để bảo đảm an toàn cho lũ con ngươi.
Nói xong ngài bỏ đi, con Cút đi đến gặp con voi kia và nâng cánh lên kính cẩn chào rồi đọc bài kệ thứ hai:
Khắp thung lũng, núi đồi
Ngài riêng một đường thôi,
Vua rừng, tôi năn nỉ
Nâng cánh cúi can ngài,
Tôi chỉ là Cút mọn
Xin tha lũ con tôi.
Nghe Cút nói xong, Voi đọc bài kệ thứ ba:
Cút ơi, ta sẽ giết con mi
Hèn mọn như mi giúp được chi?
Chân trái ta đây đè bẹp hết
Mấy ngàn chim nhỏ vẫn thường khi.
Nói thế xong nó giơ chân dẫm nát bọn chim nhỏ, rồi tiểu tiện lên chúng làm cho chúng trôi theo dòng nước, sau đó rống lên và bỏ đi. Con cút đậu trên một cành cây nói:
– Mi hãy cút đi và rống lên đi. Rồi đây mi sẽ thấy ta làm gì. Mi chẳng biết sức mạnh của thân thể và sức mạnh của trí óc khác nhau như thế nào. Ðược rồi! Ta sẽ dạy cho mi một bài học.
Hăm dọa Voi như thế, Cút đọc bài kệ thứ tư:
Bạo lực không là được lợi luôn,
Mạnh thường là họa của si cuồng,
Thú kia đã giết con ta chết,
Ác ấy ta đây sẽ tính đường.
Nói xong, ít lâu sau Cút đến thăm một con Quạ, bấy giờ Quạ đang cao hứng hỏi Cút:
– Ta giúp gì được cho bạn đây?
Cút bảo:
– Chẳng có gì đâu bác ạ, tôi chỉ mong bác lấy mỏ móc hai con mắt con Voi gian ác kia.
Quạ sẵn sàng nhận lời. Cút đến giúp việc một con Ruồi xanh. Khi Ruồi xanh hỏi:
– Ta làm gì được cho bạn đây?
Cút đáp:
– Khi con Voi gian ác kia bị Quạ móc mắt xong, tôi muốn bạn đẻ trứng vào mắt nó.
Ruồi xanh nhận lời xong Cút đến giúp một con Ếch và khi Ếch bảo cần gì thì Cút bảo:
– Khi con Voi gian ác kia bị mù, nó sẽ tìm nước để uống, bấy giờ bạn hãy đứng trên đỉnh núi và kêu lên. Khi Voi trèo lên đỉnh núi thì bạn hãy xuống đáy dốc mà kêu lên. Ðấy là điều tôi rất mong bạn giúp.
Sau khi nghe Cút nói, Ếch sẵn sàng nhận lời. Thế rồi một hôm, Quạ dùng mỏ móc cả hai mắt con voi ấy, Ruồi đẻ trứng vào mắt nó. Bị bọn dòi rút rỉa, voi cuồng lên vì đau đớn. Rồi bị cơn khát chế ngự, Voi đi khắp nơi để tìm nước uống. Lúc ấy, Ếch đứng trên đỉnh núi kêu lên. Voi tự nghĩ: “Nơi ấy hẳn phải có nước”. Rồi nó trèo lên núi. Ếch liền xuống dưới chân núi mà kêu lên nữa. Voi tự nghĩ: “Sẽ có nước nơi ấy”, rồi lần mò tiến tới dốc núi và bị lăn cù, rơi xuống đáy núi mà chết. Khi biết rằng Voi đã chết, Cút nói:
– Ta đã toàn thắng kẻ thù.
Và khi toàn thân ngập trong hạnh phúc cao độ, Cút chết và đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, Ta không nên chuốc lấy thù hận với bất cứ ai. Bốn con vật ấy hợp lại với nhau đã diệt được con Voi mạnh mẽ như thế kia.
Cút cùng Quạ, Ruồi xanh, Ếch hợp lại,
Từng chứng minh kết quả của thù hằn,
Vương tượng kia vì chúng chết oan thân,
Vậy hãy tránh hết mọi điều tranh cãi.
Sau khi đọc bài kệ phát xuất từ Trí Tuệ toàn hảo, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là con Voi gian ác kia, còn Ta là con Voi đầu đàn.
-ooOoo-
358. Chuyện Tiểu Vương Hộ Pháp (Tiền thân Culladhammapàla)
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc lâm về cách Ðề-bà-đạt-đa mưu toan giết Bồ-tát.
Trong tất cả các Tiền thân khác, Ðề-bà-đạt-đa không làm sao gây cho Bồ-tát một tý nào kinh hãi. Nhưng trong Tiền thân Culladhammapàla, khi Bồ-tát mới lên bảy tháng, ngài bị Ðề-bà-đạt-đa chặt tay chân, chặt đầu và khắp thân thể ngài bị gươm đâm như có đeo vào một tràng hoa vậy. Trong Tiền thân Daddara, Ðề-bà-đạt-đa giết Bồ-tát bằng cách vặn cổ ngài, quay thịt ngài trong lò rồi ăn thịt ấy. Trong Tiền thân Khantivàda (số 313), Ðề-bà-đạt-đa đánh Bồ-tát hai ngàn roi và ra lệnh chặt tay, chân, tai, mũi ngài, nắm tóc ngài kéo đi và khi ngài nằm ngã sóng soài ra thì ông ta đánh vào bụng ngài rồi bỏ đi; Bồ-tát chết ngay ngày hôm đó. Nhưng trong cả hai Tiền thân Cullanandaka và Vevatiyakapi (chưa được xác định), ông ta chỉ ra lệnh giết ngài mà thôi. Trong một thời gian dài, Ðề-bà-đạt-đa cứ lo toan tìm cách giết Bồ-tát và vẫn còn tiếp tục làm như thế ngay cả khi Ngài đã trở thành một đức Phật.
Một hôm, các Tỷ-Kheo bàn tán trong Pháp đường:
– Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa vẫn tiếp tục lập âm mưu giết hại đức Phật. Cố ý giết đức Thế Tôn, ông ta sai bọn cung thủ bắn Ngài, ông ta lăn đá vào Ngài và thả con voi Nàlàgiri đến hại Ngài.
Khi bậc Ðạo Sư đến, Ngài hỏi các Tỷ-Kheo đang họp bàn vấn đề gì, khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ta cứ tìm cách giết Ta, nhưng giờ đây ông ta không thể làm Ta mảy may sợ hãi, dù xưa kia Ta là hoàng tử Dhammapàla, dù Ta là con ruột của ông, ông cũng gây ra cái chết cho Ta bằng cách chặt, đâm gươm vào khắp cả thân Ta như thể nó mang một tràng hoa vậy.
Nói xong, Ngài kể chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Mahàpatàpa đang trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con trai của chánh hoàng hậu Candà và người ta đặt tên ngài là Dhammapàla (Hộ Pháp).
Khi ngài lên bảy tháng, mẹ ngài tắm ngài trong nước thơm, mặc quần áo sang trọng cho ngài và ngồi chơi với ngài. Vua đến cung thất của hoàng hậu. Vì bà đang chơi với con trai, ngập tràn tình mẹ đối với con nên đã quên đứng dậy chào đón vua. Vua tự nghĩ: “Giờ đây người đàn bà này đầy tự hào về đứa con trai, coi ta không bằng một cọng rơm; đến khi đứa bé lớn lên, bà ta sẽ nghĩ: Ta chỉ có một người là con trai ta, và chẳng để ý gì đến ta. Ta sẽ bảo giết nó ngay”.
Vì thế, ông quay trở về, ngồi trên ngai và gọi viên quan hành hình đến trình diện cùng với mọi dụng cụ hành sự. Người ấy mặc áo vàng mang tràng hoa đỏ sẫm, vai vác rìu, tay cầm một cái thớt và một cái chậu đến đứng trước vua, chào vua và nói:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì ạ?
Vua phán:
– Ðến vương phòng của hoàng hậu và mang Dhammapàla lại đây.
Hoàng hậu biết rằng vua đã giận dữ bỏ đi nên bà đã đặt Bồ-tát vào lòng và ngồi khóc. Viên quan hành hình đến và tống một đấm vào lưng bà, giật Bồ-tát ra khỏi tay bà rồi mang đến cho vua và thưa:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì nữa?
Vua sai mang một tấm ván đến đặt trước mặt ông và nói:
– Ðặt nó vào đó.
Người ấy làm theo lời vua. Nhưng hoàng hậu đã đến đứng ngay sau con mình và khóc. Viên quan hành hình lại nói:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì nữa ạ?
Vua bảo:
– Hãy chặt hai bàn tay của Dhammapàla.
Hoàng hậu thưa:
– Ðại vương, con trai tôi chỉ là một đứa bé lên bảy tháng. Nó có biết gì đâu! Lỗi không phải là của nó. Nếu có lỗi nào thì đấy là lỗi của tôi. Do đó ngài hãy sai chặt tay tôi đi!
Rồi để cho rõ nghĩa, bà đọc bài kệ đầu:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pà-la,
Và hãy chặt tay tôi, người bất hạnh.
Vua nhìn viên quan hành hình, y hỏi:
– Tâu đại vương, ngài cần gì?
Vua phán:
– Chớ chần chờ, chặt tay đứa bé đi!
Lúc ấy viên quan hành hình lấy cái rìu sắt chặt đứt hai bàn tay như những búp măng của Bồ-tát. Khi đôi tay bị chặt đứt, hài nhi vẫn không khóc, không than mà chỉ chịu đựng với lòng kham nhẫn, nhân từ. Nhưng hoàng hậu Candà lượm các đầu ngón tay của con đặt vào lòng, máu vấy khắp, bà than khóc thảm thiết. Viên quan hành hình lại hỏi:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì?
Vua đáp:
– Chặt hai bàn chân nó.
Nghe thế, Candà đọc đoạn thơ thứ hai:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pa-la,
Và hãy chặt chân tôi, người bất hạnh.
Nhưng vua ra hiệu cho viên quan hành hình và ông chặt cả hai chân Bồ-tát. Hoàng hậu Candà lượm hai bàn chân con đặt vào lòng máu me vấy khắp, bà than khóc và nói:
– Tâu Ðại vương Mahàpatàpa, mẹ phải chăm nuôi con. Tôi sẽ làm việc để kiếm tiền chăm nuôi nó. Xin ngài giao nó cho tôi.
Viên quan hành hình nói:
– Tâu Ðại vương, ngài đã thỏa ý chưa? Công việc của tôi thế là xong chưa?
Vua bảo:
– Chưa đâu!
– Tâu Ðại vương, thế ngài cần gì nữa?
– Chặt đầu nó đi. Vua bảo.
Candà lại đọc bài kệ thứ ba:
Hoàng hậu hèn của Ðại Pa-tà-pa,
Chính là tôi, tội này riêng phải gánh.
Ðại vương, hãy thả Dham-ma-pà-la,
Và hãy chặt đầu tôi, người bất hạnh.
Nói xong, hoàng hậu đưa đầu mình ra. Viên quan hành hình lại bảo:
– Tâu Ðại vương, ngài cần gì?
– Chặt đầu đứa bé đi! Vua phán.
Thế rồi người ấy chặt đầu Bồ-tát và hỏi:
– Tâu Ðại vương, ngài đã thỏa ý chưa?
– Chưa. Vua bảo.
– Thưa Ðại vương, còn phải làm gì nữa?
Vua nói:
– Hãy lấy gươm đâm nó, lấy gươm mà cắt quanh thân nó, làm như nó có đeo tràng hoa vậy.
Người ấy tung thân Bồ-tát lên không lấy mũi gươm đâm vào, rồi cắt quanh thân ngài làm như thân có đeo một tràng hoa và rải các miếng thịt trên bệ. Candà đặt thịt của Bồ-tát vào lòng, ngồi xuống than khóc và đọc các bài kệ sau đây:
Cận thần chẳng ai can
Một lời với chúa công:
Chớ giết kẻ thừa kế
Từ ruột ngài nên thân!
Thân quyến chẳng một người
Nhẹ khuyên vua một lời:
Chớ giết đi hoàng tử
Ngài đã ban cuộc đời!
Ðọc hai bài kệ ấy xong, hoàng hậu Candà đè hai bàn tay lên ngực đọc bài kệ thứ sáu:
Hỡi Dham-ma-pà-la,
Dòng chính thống sinh ra;
Ðể trị vì trọn cõi
Tay con từng tắm dội,
Với dầu thơm chiên-đàn,
Nay nằm đấy, máu tràn.
Hỡi ôi, ta nghẹn thở,
Nghẹn cả lời kêu than.
Trong khi bà than vãn như thế, trái tim bà vỡ ra như một cây tre nổ giữa khu rừng đang cháy và bà ngã xuống chết ngay tại đó. Vua cũng không thể ngồi trên ngai vàng mà ngã xuống bệ. Ngay đó, đất nứt ra làm hai và vua rơi vào chỗ nứt ấy. Ðất rắn chắc dù dày gấp hàng ngàn lần hơn hai trăm ngàn dặm vẫn không thể chịu nổi sự hung ác của ông ta, đã nứt ra làm đôi và mở rộng khe ra. Lửa từ ngục Avìci (A-tỳ) vọt ra ập vào bọc lấy vua như một vương bào bằng len, rồi dìm ông vào ngục A-tỳ.
Các đại thần làm lễ tống táng hoàng hậu Candà và Bồ-tát.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là vua, Mahàpajàpati là Candà, còn ta là hoàng tử Dhammapàla.
-ooOoo-
Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính (B. Anson, 05/2003).