Cuộc đời Đức Phật: 02. Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên

CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005)
Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh
Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội:
Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai
—o0o—

CHƯƠNG II – ĐỨC PHẬT THUYẾT BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN

Sau khi chấp nhận lời thỉnh cầu của vị Phạm-thiên Sahampati về việc truyền-bá Giáo-pháp, Ðức Phật suy nghĩ:
– Ai là người đầu tiên sẽ được thọ hưởng Giáo-pháp? Ai là người có thể lãnh hội Giáo-pháp mau chóng nhất?
Alara-Kalama (vị đạo sư đầu tiên của thái tử Siddhattha) là người có học vấn, thông-minh, là bậc thiện-tri-thức, đã lâu rồi không còn bao nhiêu cát bụi trong mắt. Hay là Như-Lai sẽ truyền Giáo-pháp cho vị này trước nhứt?
Một vị trời liền hiện ra trước mặt Ðức Phật, đảnh lễ ngài và bạch rằng:
– Bạch đức Thế-tôn, đạo-sư Alara-Kalama đã từ trần một tuần nay rồi.
Ðức Phật dùng thiên-nhãn kiểm nhận điều này. Rồi ngài nghĩ đến vị đạo-sư thứ nhì của ngài là Uddaka-Ramaputta. Vị trời lại xuất hiện bạch rằng đạo-sư Uddaka-Ramaputta vừa mới qua đời đêm hôm trước. Một lần nữa Ðức Phật lại dùng thiên-nhãn kiểm-nhận. Rồi ngài nghĩ đến năm vị đạo-sĩ rất tinh-tấn, đã từng tận tâm phục-vụ ngài trong sáu năm dài tu khổ hạnh. Ngài dùng thiên-nhãn quan-sát, nhận thấy năm vị này là Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahanama-Kulika và Assaji hiện đang ở tại Lộc-Uyển (Vườn Nai, Migadava), trong làng Isipatana (hiện nay là Sarnath), cách thành phố Benares (hiện nay là Varanasi) 10km về phía bắc.

1- Lên đường đi Lộc-Uyển

Ðức Phật định dùng con đường lớn để đi từ thành-phố Gaya đến thành-phố Benares. Trên đoạn đường từ Bồ-Ðề Ðạo-Tràng (Bodhgaya) đến Gaya, có một đạo-sĩ khổ hạnh tên Upaka[1] gặp Phật, hỏi:
– Này đạo hữu, ngũ quan của đạo hữu thật thanh tịnh, nước da của đạo hữu thật tươi sáng. Ðạo hữu xuất gia với ai? Thầy của đạo hữu là ai? Ðạo hữu truyền-bá Giáo-pháp của ai?
Ðức Phật đáp bằng bài kệ:
– Như-Lai đã vượt qua tất cả, đã thông suốt tất cả.
Ðã thoát ly tất cả mọi ràng buộc,
Từ bỏ tất cả, không còn ái nhiễm,
Tự mình thấu hiểu tất cả, còn gọi ai là thầy? (Kinh Pháp Cú, bài 353)
Như-Lai không có thầy,
Không ai bằng Như-Lai.
Trên thế-gian và kể cả chư thiên,
Không ai có thể sánh với Như-Lai.
Như-Lai là một vị A-la-hán trên thế-gian này,
Là một vô thượng sư;
Tự mình thành bậc Toàn Giác,
Tâm vắng lặng và thanh-tịnh.
Như-Lai đang trên đường đến xứ Kasi
Ðể chuyển bánh xe Pháp;
Và giữa thế-giới người mù,
Như-Lai sẽ gióng trống Vô-sanh.[2]
– Này đạo hữu, đạo-sĩ Upaka hỏi vặn, vậy phải chăng đạo-hữu đã tự nhận mình là A-la-hán, là bậc quyền-lực siêu-phàm?
– Các bậc siêu-phàm đều giống Như-Lai,
Ðều đã tận diệt mọi ô nhiễm,
Khắc-phục tất cả những điều xấu-xa tội-lỗi.
Thế nên, này Upaka, Như-Lai là bậc siêu-phàm.
– Có thể như vậy được sao? Có thể như vậy được sao? Upaka cúi đầu lẩm-bẩm, rồi đi rẻ sang đường khác trong khi đức Phật tiếp tục đi về hướng bắc.
Ðức Phật vẫn bình-thản lên đường đi Gaya, rồi đi từ Gaya đến Benares, từ Benares đến Isipatana, rồi tìm đến Lộc-Uyển (Migadava).
Theo kinh sách Sri-Lanka thì Upaka về sau cười vợ, ông rất thương yêu vợ nhưng bị vợ tiêu xài phung phí, mất hết gia sản, ông tìm đến Phật xin xuất gia và được Phật độ.

2- Ông Kondanna và 4 người bạn xuất gia [3]

Ðức Phật đến Lộc-Uyển, thuộc làng Isipatana (hiện nay là Sarnath), vào đầu tháng ba dương lịch năm 589 trước tây lịch. Thấy Ðức Phật đang từ đàng xa đi đến, năm vị đạo-sĩ nhóm ông Kondanna bàn tính với nhau sẽ không đảnh lễ ngài với lòng tôn-kính như xưa. Các vị ấy hiểu lầm ngài khi ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh để thực-hành lối tu trung-đạo. Các vị ấy nói với nhau:
– Này các đạo-hữu, sa-môn Gotama đang đi đến chúng ta kia. Sa-môn ấy đã không bền chí cố gắng tu khổ hạnh, đã trở lại đời sống lợi-dưỡng xa-hoa. Sa-môn ấy không đáng cho chúng ta niềm-nở đón tiếp và cung-kính phục-vụ. Ta không nên rước bát và rửa chân y. Nhưng dầu sao ông ta cũng thuộc dòng vua chúa, chúng ta cũng nên dọn một chỗ ngồi để sẵn, nếu ông ta muốn ngồi thì cứ ngồi.
Tuy nhiên, khi Ðức Phật đến gần, vẻ trang-nghiêm và oai-nghi của ngài tự nhiên cảm-hóa năm vị đạo-sĩ. Không ai bảo ai, người đến rước bát, người dọn chỗ ngồi, người đi lấy nước cho ngài rửa chân, và gọi ngài bằng “đạo-hữu” (avuso), lối xưng-hô thường dùng giữa những người bạn đạo, hoặc để người bề trên xưng-hô với kẻ dưới. (Hiện nay có tháp Chaukhandi kỷ niệm nơi đức Phật gặp lại năm anh em ông Kondanna. Tháp này là một ụ đất lớn, trên đỉnh có một tháp canh xây bằng gạch).
Ðức Phật mở lời khuyên dạy:
– Này các Tỳ-kheo (Bhikkhu, bhiksu), không nên gọi Như-Lai bằng tên hay bằng “đạo-hữu”. Này các Tỳ-kheo, Như-Lai là bậc Thế-tôn, là đấng Toàn-Giác. Này các Tỳ-kheo, hãy nghe đây, Như-Lai đã thành đạo-quả Vô Sanh Bất Diệt. Như-Lai sẽ giảng dạy Giáo-pháp giác ngộ và giải thoát. Nếu thực-hành đúng theo lời chỉ dạy của Như-Lai thì chẳng bao lâu các thầy cũng sẽ chứng-ngộ do chính trí-tuệ trực-giác của quý thầy, và trong kiếp sống này quý thầy sẽ đạt được một đời sống vô cùng thiêng-liêng cao-cả. Chính vì muốn đi tìm đời sống cao-thượng ấy mà nhiều con nhà quyền-quý đã rời bỏ gia-đình, sự-nghiệp để sống đời không nhà cửa.
– Này đạo-hữu Gotama, trước kia, với bao nhiêu kỷ-luật nghiêm-khắc và khổ hạnh mà đạo-hữu còn chưa đạt được kiến-thức siêu phàm nào hoặc chứng-ngộ nào xứng đáng với một vị Phật. Bây giờ đạo-hữu đã từ bỏ sự cố-gắng, trở về đời sống xa-hoa lợi-dưỡng thì làm sao đạt được một kiến-thức đặc-biệt siêu phàm hoặc một chứng-ngộ xứng đáng với một vị Phật?
– Này các Tỳ-kheo, Như-Lai không hề xa-hoa, không hề ngưng cố-gắng, và không hề trở lại đời sống lợi-dưỡng. Như-Lai là đức Thế-tôn, là đấng Toàn-Giác. Này các Tỳ-kheo, hãy nghe đây, Như-Lai đã thành đạt đạo quả Vô Sanh Bất Diệt và sẽ giảng-dạy Giáo-pháp giác ngộ và giải thoát. . Nếu thực-hành đúng theo lời chỉ dạy của Như-Lai thì chẳng bao lâu các thầy cũng sẽ chứng-ngộ do chính trí-tuệ trực-giác của quý thầy, và trong kiếp sống này quý thầy sẽ đạt được một đời sống vô cùng thiêng-liêng cao-cả. Chính vì muốn đi tìm đời sống cao-thượng ấy mà nhiều con nhà quyền-quý đã rời bỏ gia-đình, sự-nghiệp để sống đời không nhà cửa.
Lần thứ nhì năm đạo-sĩ vẫn giữ nguyên thành-kiến và tỏ ý thất vọng. Ðến lần thứ ba, sau khi Ðức Phật lập lại lời xác nhận, năm đạo-sĩ vẫn giữ vững lập-trường, tỏ ý hoài-nghi. Ðức Phật hỏi lại:
– Này các Tỳ-kheo, Các thầy có biết một lần nào trước đây Như-Lai đã nói với các thầy như thế không?
– Quả thật không.
Ðức Phật lập lại một lần nữa rằng ngài là đấng Toàn-Giác, và chính năm đạo-sĩ cũng có thể chứng-ngộ nếu thực-hành đúng theo lời chỉ dạy của ngài.
Ðó là những lời nói chân-thành do chính Ðức Phật thốt ra. Năm vị đạo-sĩ là bậc thiện trí, mặc dù đã có thành-kiến không tốt, khi nghe Ðức Phật lập lại nhiều lần như vậy, cũng đã nhận-định rằng Ðức Phật đã thật-sự thành-tựu đạo quả vô thượng và có đầy đủ khả năng để hướng-dẫn mình. Năm thầy bấy giờ đã tin lời Ðức Phật, bèn thỉnh Ðức Phật đến một nơi thanh-nhàn mát-mẻ, trong vườn nai, cách nơi gặp-gỡ độ trên một cây số, ngồi xuống, yên lặng lắng nghe Ðức Phật thuyết kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakka-pavattana)[4].

3- Ðức Phật thuyết kinh Chuyển Pháp Luân [5] (năm -589)

Ðến canh ba đêm đó, dưới ánh trăng rằm vằng vặc, Ðức Phật nói:
Này các tỳ-kheo, có hai cực-đoan (anta) mà hàng xuất-gia (pabbajitena) phải tránh:
1 – Sự xu-hướng theo dục-lạc các căn (Kamasukhallikanuyoga), vì như thế là phàm-tục, thấp-hèn, thô-bỉ và tai hại;
2 – Sự nghiêm-khắc trong lối tu khổ-hạnh (Attakilamathanuyoga), vì như thế là đau-đớn, không xứng thánh hạnh và vô ích.
Như-Lai đã từ bỏ cả hai cực-đoan ấy, theo con đường Trung-đạo (Majjhima Patipada) để phát-triển nhãn-quan (cakkhu), tri-kiến (nana), và tiến đến an-tịnh[6] (vupasamaya), trí-tuệ cao-siêu (abhinnaya), giác-ngộ (sambodhaya), và niết-bàn (nibbana, nirvana).
Này các tỳ-kheo, thế nào là con đường Trung-đạo mà Như-Lai đã áp-dụng để phát-triển nhãn-quan, tri-kiến và tiến đến an-tịnh, trí-tuệ cao-siêu, giác-ngộ và niết-bàn?
Ðó là Bát Chánh Ðạo[7], gồm có:
1- Chánh-kiến (samma ditthi, là thấy biết sự vật đúng theo thật tướng vô thường, thật thể vô ngã, và thật tánh không của chúng; không lầm theo biên kiến, tà kiến; người có Chánh-kiến là người thông hiểu Tứ Diệu Ðế, biết đời là khổ nên không tham luyến, biết nguyên nhân của khổ nên không sợ chìm đắm trong sanh tử luân hồi, biết tâm tịch diệt là an-lạc thanh-tịnh, biết Bát-chánh-đạo là con đường giải-thoát đứa đến hạnh-phúc chân-thật vĩnh-cửu ),
2- Chánh-tư-duy (samma sankappa, là suy nghĩ đúng theo Chánh Pháp để có thể mang đến an vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người, để hiểu rõ Chơn-lý),
3- Chánh-ngữ (samma vaca, là nói lời hòa nhã, chân chính, hợp đạo lý, hữu ích cho người nghe, hoằng pháp lợi sanh),
4- Chánh-nghiệp (samma kammanta, là hành động chơn chánh, lợi mình, lợi người, giúp người hết khổ được vui, giữ ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh),
5- Chánh-mạng (samma ajiva, là sinh sống bằng nghề chơn chánh không xúc phạm đến thân mạng, tài sản kẻ khác),
6- Chánh-tinh-tấn (samma vayama, là siêng làm điều lành, năng tránh điều ác),
7- Chánh-niệm (samma sati, là luôn luôn nhớ các điều lành nên làm, nhớ các điều ác nên tránh, nhớ pháp môn tu tập; Chánh-niệm tối cao là Vô-niệm),
8- Chánh-định (samma samadhi, là luôn luôn giữ tâm thanh-tịnh, sáng-suốt, không tán-loạn).
Ðến đây Ðức Phật giảng về Tứ Diệu Ðế như sau:
1) Này các tỳ-kheo, đây là sự thật về Khổ (dukkha-ariya-sacca, Khổ đế)!
Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa thích mà gặp là khổ, yêu thương mà phải xa lìa là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, bám víu vào thân ngũ uẩn[8] này là khổ.
2) Này các tỳ-kheo, đây là sự thật về Nguyên-Nhân Của Khổ (dukkha-samudaya-ariya-sacca, Tập đế).
Chính tham-ái (tanha) là nguyên-nhân của tái-sanh (ponobhavika), với sự hợp-tác của lòng thiết-tha khao-khát mong được cái này, cái kia trong cuộc sống. Chính tâm tham cầu dục-lạc (kamatanha), tham cầu hiện-sinh (bhavatanha) và tham cầu vô-sinh (vibhavatanha) là nguyên-nhân của tái-sanh và đau khổ.
3) Này các tỳ-kheo, đây là sự thật về Hết Khổ (dukkha-nirodha-ariya-sacca, Diệt đế).
Chính là khi tâm đã hoàn-toàn xa-lìa và tận diệt tham-ái, không còn ham muốn lợi danh, không còn chạy theo dục vọng các căn. Ðó là tâm rời bỏ, từ-khước, thoát-ly và không luyến-tiếc, không vướng mắc.
4) Này các tỳ-kheo, đây là sự thật về Con Ðường Ðưa Ðến Hết Khổ (dukkha-nirodha-gamini-patipada-ariya-sacca, Ðạo đế).
Chính là Bát Chánh Ðạo, gồm có Chánh-kiến, Chánh-tư-duy, Chánh-ngữ, Chánh-nghiệp, Chánh-mạng, Chánh-tinh-tấn, Chánh-niệm và Chánh-định.
Ðến đây đức Phật bắt đầu thực hiện tam chuyển pháp luân như sau:
1.1- Ðây là Khổ đế (tức là sự thật về các phiền-não, đau-khổ trong vòng sanh tử luân hồi, như đã giải thích ở phần Sự Thật Về Khổ).
Này các tỳ-kheo, Khổ đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
1.2- Ðây là Khổ đế các thầy nên nhận-biết (parinneyya).
Này các tỳ-kheo, Khổ đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
1.3- Ðây là Khổ đế Như-Lai đã nhận biết (parinnata).
Này các tỳ-kheo, Khổ đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
2.1- Ðây là Tập đế (tức là sự thật về các nguyên nhân của phiền-não, đau-khổ và sanh tử luân hồi, như đã giải thích ở phần Sự Thật Về Nguyên Nhân Của Khổ).
Này các tỳ-kheo, Tập đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
2.2- Ðây là Tập đế các thầy nên tận diệt (pahatabba).
Này các tỳ-kheo, Tập đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
2.3- Ðây là Tập đế Như-Lai đã tận diệt (pahinam).
Này các tỳ-kheo, Tập đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
3.1- Ðây là Diệt[9] đế (tức là sự thật về niết-bàn an lạc thanh tịnh, là chân hạnh-phúc, như đã giải thích ở phần Sự Thật Về Hết Khổ).
Này các tỳ-kheo, Diệt đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
3.2- Ðây là Diệt đế các thầy nên chứng ngộ (sacchikatabba).
Này các tỳ-kheo, Diệt đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
3.3- Ðây là Diệt đế Như-Lai đã chứng ngộ (sacchikatam).
Này các tỳ-kheo, Diệt đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
4.1- Ðây là Ðạo đế (tức là Bát Chánh Ðạo, như đã giảng ở phần đầu kinh này).
Này các tỳ-kheo, Ðạo đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
4.2- Ðây là Ðạo đế các thầy nên thực hành (bhavetabba).
Này các tỳ-kheo, Ðạo đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
4.3- Ðây là Ðạo đế Như-Lai đã thực hành (bhavitam).
Này các tỳ-kheo, Ðạo đế này là pháp chưa từng được nghe trước đây. Chính Như-Lai đã thấy, biết, hiểu, chứng-nghiệm và sáng tỏ.
Rồi để kết thúc phần “tam chuyển pháp luân”, Ðức Phật nói:
Này các tỳ-kheo, nếu Như-Lai chưa hoàn-toàn thấu-triệt Bốn Thánh Ðế này về ba phương-diện[10] và mười hai phương-thức[11] một cách hoàn-toàn sáng tỏ thì Như-Lai đã không xác-nhận trước thế-gian này gồm cả chư thiên, Ma vương, Phạm-thiên, đạo-sĩ, giáo-sĩ, trời và người rằng Như-Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác (anuttara samma-sambodhi).
Này các tỳ-kheo, đến khi Như-Lai đã hoàn-toàn thấu-triệt Bốn Thánh Ðế này về ba phương-diện và mười hai phương-thức một cách hoàn-toàn sáng tỏ thì Như-Lai mới xác-nhận trước thế-gian này gồm cả chư thiên, Ma vương, Phạm-thiên, đạo-sĩ, giáo-sĩ, trời và người rằng Như-Lai đã đạt được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác .
Và lúc ấy tri-kiến và tuệ-giác (nanadassana) phát sanh: Tâm Như-Lai được giải-thoát một cách vững chắc, không còn lay-chuyển. Ðây là lần giáng sanh cuối cùng của Như-Lai, Như-Lai sẽ không bao giờ tái sanh nữa.
Ðức Phật giảng xong, năm vị tỳ-kheo vui mừng tán-dương lời dạy của đức Thế-tôn. Ngài Kondanna liền chứng được pháp-nhãn thanh-tịnh (dhammacakkhu)[12] và ngài thấy rằng “Cái gì có sanh tất phải có diệt ” [13].
Lúc Ðức Phật chuyển Pháp Luân, chư thiên trên quả địa-cầu hoan-hô: “Pháp Luân này quả thật tuyệt diệu! Không có đạo-sĩ, giáo-sĩ, chư thiên, Ma-vương hoặc Phạm-thiên nào trên thế-gian có thể giảng được như đức Thế-tôn đã giảng tại Lộc-Uyển (Vườn Nai) trong làng Isipatana, gần Benares “.
Nghe như vậy, chư thiên ở các cung trời Tứ-Ðại-Thiên-Vương (Catum-maha-rajika), Ðao-Lợi (Tavatimsa), Dạ-Ma (Yama), Ðâu-Suất-Ðà (Tusita), Hóa-Lạc (Nimmanarati), Tha-Hóa-Tự-Tại (Paranimmitavasavatti), và chư Phạm-thiên ở các cõi trời Phạm-Chúng thiên (Brahma Parisajja), Phạm-Phụ thiên (Brahma Purohita), Ðại-Phạm thiên (Maha-Brahma), Thiểu-Quang thiên (Parittabha), Vô-Lượng-Quang thiên (Appamanabha), Quang-Âm thiên (Abhassara), Thiểu-Tịnh thiên (Parittasubha), Vô-Lượng-Tịnh thiên (Appamanasubha), Biến-Tịnh thiên (Subhakinha), Quảng-Quả thiên (Vehapphala), Vô-Tưởng thiên (Asanna), Vô-Phiền thiên (Aviha), Vô-Nhiệt thiên (Atapa), Thiện-Kiến thiên (Sudassana), Thiện-Hiện thiên (Sudassa) và Sắc-Cứu-Kính thiên (Akanittha) cũng đồng thanh hoan-hô.
Trong khoảnh-khắc ấy tiếng hoan-hô vang dội, làm cho cả mười ngàn thế-giới thuộc cõi Phạm-thiên đều rung chuyển mạnh-mẽ. Một hào-quang rực-rỡ chiếu sáng thế-gian. Ðức Thế-tôn liền nói: “Kondanna quả đã giác ngộ! Kondanna quả đã giác ngộ! “. Do đó ngài Kondanna có tên là Annata Kondanna (A-nhã Kiều-Trần-Như), có nghiã là “Kondanna là người đã giác ngộ”.
Qua ngày hôm sau, lúc đức Phật thuyết pháp cho hai vị tỳ-kheo thì ba vị kia đi khất thực, rồi đến giờ ngọ chia ra cho sáu người ăn. Ngày kế thay phiên nhau, hai vị đi khất thực, ba vị ngồi nghe Phật thuyết pháp.

4- Ðức Phật thuyết kinh Vô Ngã Tướng [14]

Năm ngày sau, cũng tại Lộc-Uyển, đức Thế-tôn giảng kinh Vô Ngã Tướng (Anatta-lakkhana sutta) cho năm vị tỳ-kheo đầu tiên như sau:
– Này các tỳ-kheo, sắc thân (rupa) không có ngã tướng (vô ngã, anatta). Này các tỳ-kheo, nếu sắc thân có ngã tướng thì sắc thân không phải chịu đau khổ, bệnh hoạn, già nua, hoại diệt. “Thân ta có thể như thế này, thân ta cũng có thể không phải như thế này”, cả hai trường-hợp đều có thể được. Nhưng vì sắc không có ngã, nên sắc phải chịu khổ, và không thể xác-định “Thân ta là thế này, thân ta không phải thế này”.
Cũng vậy, này các tỳ kheo, thọ (vedana), tưởng (sanna), hành (samkhara) và thức (vinnana) cũng đều vô ngã, không có thật thể. Cả năm uẩn đều luôn luôn biến đổi không ngừng.
Vậy, này các tỳ-kheo, các thầy nghĩ thế nào? Thân này là thường hay vô thường?
– Bạch đức Thế-tôn, là vô thường (anicca).
– Cái gì vô thường là hạnh-phúc hay đau-khổ?
– Bạch đức Thế-tôn, là đau-khổ.
– Vậy, có hợp lý chăng, nếu nghĩ đến cái gì vô thường, đau khổ và tạm bợ với ý tưởng: “Cái này của tôi; cái này là tôi; cái này là bản ngã của tôi”?
– Bạch đức Thế-tôn, chắc-chắn là không hợp lý.
– Cũng vậy, này các tỳ-kheo, thọ, tưởng, hành và thức đều là vô thường và đau khổ. Có hợp lý chăng, nếu nghĩ rằng những cái vô thường, đau khổ và tạm bợ đó là “của tôi, chính tôi, bản ngã của tôi”?
– Bạch đức Thế-tôn, chắc-chắn là không hợp lý.
– Như vậy, này các tỳ-kheo, đối với tất cả sắc thân, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù ở trong hay ở ngoài, thô kệch hay vi tế, thấp hay cao, xa hay gần, các thầy đều nên nhận thức đúng với thực thể của nó: “Thân này không phải của tôi (n’etam mama), thân này không phải là tôi (n’eso h’amasmi), thân này không phải là bản thể của tôi (na me so atta).”
Tất cả thọ, tưởng, hành, thức, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù ở trong hay ở ngoài, thô kệch hay vi tế, thấp hay cao, xa hay gần, các thầy đều nên nhận thức đúng với thực thể của chúng: “Những thứ này không phải của tôi, những thứ này không phải là tôi, những thứ này không phải là bản thể của tôi.”
Bậc thánh đệ tử nhận thức được như vậy sẽ nhàm chán sắc thân, thọ, tưởng, hành, thức; xa lìa năm uẩn nhơ-nhớp, và được giải-thoát khỏi mọi ràng buộc. Vị ấy sẽ tự biết rõ-ràng “Ta đã được giải thoát”, không còn tái sanh nữa, đời sống phạm-hạnh đã được thành-tựu, những điều phải làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa.
Trong lúc đức Phật giảng kinh này, hai ông Vappa và Bhaddiya giác ngộ trước, kế đến hai ông Mahanama Kulika và Assaji. Lúc giảng xong, năm vị tỳ-kheo hân-hoan tán dương lời dạy của ngài. Tất cả năm vị đều được pháp-nhãn thanh-tịnh, giải thoát khỏi mọi ràng buộc, đắc quả A-la-hán. Ðức Phật bèn làm lễ xuất gia cho năm vị như sau: Hãy đến đây, này các tỳ-kheo! Giáo pháp đã được giảng dạy đầy đủ, các thầy hãy sống đời tu hành thánh thiện để chấm dứt mọi đau khổ.

5- Ông Yasa và 4 người bạn xuất gia [15]

Tại thành-phố Benares (hiện nay là Varanasi), có một thanh niên tên Yasa, con nhà giàu sang danh giá. Chàng sống trong cảnh xa-hoa phung-phí. Một buổi sáng, chàng dậy sớm hơn mọi khi, nhìn thấy các nàng hầu thiếp nằm ngủ ngổn-ngang bừa-bãi thì lấy làm nhờm chán. Ấn tượng ghê tởm này luôn luôn ám ảnh chàng. Toàn thể đền đài nguy nga tráng lệ bây giờ đối với chàng chỉ còn là một nơi tối tăm buồn bã đầy dẫy những hình ảnh thô kịch xấu xa. Nhận thức tánh cách tạm bợ của đời sống phàm tục, Yasa bỏ nhà ra đi, mong tìm được ánh sáng của một đời sống cao thượng. Chàng vừa đi vừa than thở “Thống khổ thay cho tôi! Ðọa đày thay cho tôi! “. Vô tình chàng vượt qua sông Vanara, đi lần đến Isipatana, nơi Ðức Phật tạm ngụ sau khi độ năm vị tỳ-kheo đắc quả A-la-hán.
Yasa đến nơi vào sáng sớm, lúc Ðức Phật đang đi kinh hành. Hôm ấy nhằm ngày thứ sáu sau khi Ðức Phật chuyển pháp luân. Thấy chàng từ xa đến, Ðức Phật bước ra ngoài đường kinh hành và ngồi lại một nơi đã dọn sẵn. Yasa đi đến nơi, miệng vẫn than “Thống khổ thay cho tôi! Ðọa đày thay cho tôi! “. Ðức Phật lên tiếng:
– Nơi đây không có thống khổ, nơi đây không có đọa đày. Này Yasa! Hãy đến đây! Hãy ngồi xuống đây, Như-Lai sẽ giảng giáo pháp cho ông.
Yasa ngạc nhiên nghe có người gọi tên mình; nhìn lại thấy Ðức Phật đang ngồi trang nghiêm tĩnh tọa, liền cuối xuống tháo đôi giày trang trí bằng vàng ra, đến trước Phật, cung kính đảnh lễ rồi ngồi lại một bên, thưa:
– Kính thưa đạo-sư, con khổ quá! Kính mong đạo-sư giải khổ cho con!
Sau vài lời thăm hỏi, Ðức Phật bắt đầu giảng về hạnh bố thí (dana), giới hạnh (sila), những cảnh trời (sagga), những tai hại của nhục dục ngũ trần (kamadinava), phước báo của đởi sống xuất gia (nekkhamma-nisamsa). Ðến khi nhận thấy tâm của Yasa bắt đầu thuần thục và sẵn sàng lãnh hội giáo lý cao siêu, ngài giảng về Bốn Thánh Ðế. Sau khi nghe Ðức Phật giảng xong, ông Yasa liền đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna).
Mẹ của Yasa là người đầu tiên phát giác sự vắng mặt của con. Bà báo cho chồng. Nhà triệu phú liền ra lịnh cho người nhà cỡi ngựa đi tìm khắp nơi, riêng ông đi về hướng Isipatana. Khi nhận ra dấu giày của con in trên đất, ông dò lần đến nơi. Thấy ông từ xa đến, Ðức Phật dùng thần thông không cho ông nhận thấy con. Nhà triệu phú đến gần Ðức Phật, cung kính hỏi thăm ngài có thấy con ông là Yasa không. Ðức Phật bảo:
– Này ông! Hãy ngồi lại đây! Ông sẽ được gặp mặt con của ông.
Nhà triệu phú lấy làm mừng rỡ, vâng lời ngồi xuống. Ðức Phật giảng cho ông một thời pháp. Ông rất hoan hỷ thưa rằng:
– Lành thay! Lành thay! Bạch đức Thế-tôn, cũng tựa hồ như người kia dựng lại ngay ngắn một vật nghiêng ngã, hay khám phá ra một vật được dấu kín, hay chỉ đúng đường cho người đi lạc, hay cầm đèn soi sáng trong đêm tối cho người có mắt trông thấy! Ðức Thế-tôn dùng nhiều phương thức thuyết giảng giáo pháp cũng như thế. Bạch đức Thế-tôn, con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng. Xin đức Thế-tôn thâu nhận con vào hàng thiện tín. Xin ngài cho phép con nương tựa nơi Tam Bảo từ nay cho đến giờ phút cuối cùng của đời con.
Ðức Phật hoan hỷ chấp nhận và truyền ban năm giới. Cha ông Yasa là người thiện nam (upasaka) đầu tiên thọ lễ quy y với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo. Khi nghe Ðức Phật thuyết pháp cho cha xong, ông Yasa đắc quả A-la-hán. Vừa lúc ấy Ðức Phật thâu thần thông để cho nhà triệu phú nhìn thấy con. Ông lấy làm vui mừng, thỉnh Ðức Phật cùng các vị đệ tử về nhà trai tăng ngày hôm sau. Ðức Phật chấp nhận bằng cách làm thinh.
Sau khi ông triệu phú ra về, ông Yasa xin Ðức Phật cho thọ lễ xuất gia. Ðức Phật làm lễ xuất gia cho ông Yasa với những lời sau đây:
– Hãy đến đây, này tỳ-kheo! Giáo pháp đã được Như-Lai truyền dạy đầy đủ. Từ nay thầy hãy sống đời phạm-hạnh thiêng-liêng của bậc xuất gia để chấm dứt mọi đau khổ.
Với đại đức Yasa, tổng số các vị đệ tử xuất gia vào ngày thứ sáu sau khi Phật chuyển pháp luân là sáu vị: Kondanna (Kiều-Trần-Như), Bhaddiya (Bạt-Ðề), Vappa (Bà-Phạm) còn gọi là Dasabala-Kassapa (Thập-Lực Ca-Diếp), Mahanama-Kulika (Ma-Ha-Nam Câu-Lỵ), Assaji (Át-Bệ) và Yasa (Da-Xá). Tất cả đều đắc quả A-la-hán.
Ngày hôm sau Ðức Phật đến nhà ông triệu phú với sáu vị đệ tử A-la-hán. Mẹ và vợ của ngài Yasa đến nghe Ðức Phật thuyết pháp, đắc quả Tu-đà-hoàn, xin thọ lễ quy y Tam Bảo[16]. Hai bà là hai người tín-nữ (upasika) đầu tiên.
Ðại đức Yasa có bốn người bạn thân tên Vimala, Subahu, Punnaji và Gavampati. Khi bốn vị này nghe tin người bạn quý của mình đã cạo râu tóc và đắp y để sống đời không nhà cửa, không sự nghiệp, thì đến thăm và tỏ ý muốn noi theo gương lành ấy. Ðại đức Yasa tiến dẫn cả bốn vị vào yết kiến Ðức Phật. Sau khi nghe Phật thuyết pháp cả bốn vị đều đắc quả A-la-hán và đều xin xuất gia theo Phật. Vậy đến ngày thứ bảy, sau thời pháp đầu tiên tại Lộc Uyển, tổng số đệ tử Phật lên đến mười vị, đều đắc quả A-la-hán.

————————————

CHÚ THÍCH

[1] Xem Buddhist Legends, quyển III trang 235.

[2] Xem Majjhima-nikaya 26: Ariapariyesana-sutta.

[3] Xem Khuddaka-nikaya / Maha-vagga; Samyutta-nikaya / samyutta 56 / sutta 11.

[4] Hiện nay ở Sarnath có tháp Chaukhandi kỷ-niệm nơi Phật gặp lại 5 anh em ông Kiều-Trần-Như, tháp Dhamekh kỷ-niệm nơi Ðức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, và ngôi chùa Mulagandhakuti kỷ-niệm nơi thành lập Tam Bảo và nhập hạ lần đầu.

[5] Xem Lalitavistara; Buddhacarita; Samyutta-nikaya / Maha-vagga 1; Majjhima-nikaya 26; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 109, 112.

[6] Không còn dục-vọng.

[7] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 112.

[8] Năm uẩn là sắc (rupa), thọ (vedana), tưởng (sanna), hành (samkhara), thức (vinnana). Ðó là năm yếu-tố tâm-lý và vật-chất cấu-tạo nên con người.

[9] Chữ “Diệt” ở đây có nghiã là tịch-diệt, là vắng-lặng, là vô sanh, là niết-bàn.

[10] Ba phương-diện là chính mình nhận biết, có kinh-nghiệm bản thân, biết chỉ dạy cho người khác.

[11] Mỗi Thánh Ðế có 3 phương-diện, Bốn Thánh Ðế có 12 phương-thức.

[12] Pháp-nhãn thanh-tịnh là một trong 3 quả-vị đầu tiên (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm). Ngài Kondanna đắc quả Tu-đà-hoàn.

[13] Nguyên văn: Yam kinci samudaya-dhammam sabbam tam nirodha-dhammam.

[14] Xem The Buddha and His Teachings, trang 100-102 (Mahavagga; Samyutta-nikaya III).

[15] Xem Mahavagga 1; Khandhaka 1; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 186, 187.

[16] Trong lễ quy y Tam Bảo, người thiện-nam hay tín-nữ phải đọc ba câu kinh quy y sau đây:

Buddham Saranam Gacchami (Con xin quy y Phật)

Dhammam Saranam Gacchami (Con xin quy y Pháp)

Sangham Saranam Gacchami (Con xin quy y Tăng)

Add Comment