Phật quốc ký sự – 1. Thành Ca Tỳ La Vệ

Cách Lâm Tỳ Ni (Lumbinī) 25 km về phía Ấn Độ, địa phận Piprahwa, có một kinh thành của dòng họ Thích Ca. Người ta cho rằng, Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) này được xây dựng là do nhóm người Thích Ca sống sót di dời đến nơi này và lập nên một kinh thành Ca Tỳ La Vệ mới. Thành Ca Tỳ La Vệ tại Ấn Độ thuộc bang Uttar Pradesh cũng hoang tàn đổ nát không khác chi thành Ca Tỳ La Vệ ở Nepal.

1. Khái lược kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) xưa và nay

Vượt qua biên giới Nepal khoảng 70 km, chúng tôi đến vùng Tilaurakot nơi còn sót lại phế tích của kinh thành cổ xưa, Ca Tỳ La Vệ. Nhóm năm người chúng tôi tiến vào bên trong phía Tây cổng thành, tìm một bóng râm nơi khu vườn hoang sơ, có vài lối mòn nho nhỏ, dùng bữa cơm đạm bạc giữa đám quạ bay lượn qua lại kêu inh ỏi và những con chó hoang lạc loài ốm đói tìm kiếm thức ăn. Sau bữa ăn trưa, nhu cầu cần thiết nhất trong ngày, nhóm chúng tôi bắt đầu đi vòng quanh để tham quan và ghi lại một vài hình ảnh làm kỷ niệm.

Một nơi quen thuộc trong trí tưởng tượng của người con Phật mà khi nghĩ đến chúng ta cảm thấy bồi hồi xúc động, nôn nao khó tả, đó chính là kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), một kinh thành trù phú, xa hoa tráng lệ, nơi mà đông cung thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhāttha) sinh ra và lớn lên trong nhung gấm lụa là, trong tình yêu thương tuyệt đối của hoàng thân quốc thích, tràn ngập niềm hạnh phúc với vợ đẹp con xinh, sự kính trọng nể vì của toàn bộ tộc Thích Ca (Sakyā), sự hy vọng và ngưỡng mộ của toàn dân kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Để rồi, từ những thái cực của cuộc đời, nghèo giàu, khổ đau và hạnh phúc, sự sống mong manh, cái chết vô thường…. đã dẫn đến cuộc ra đi vĩ đại, cuộc ra đi vô tiền khoáng hậu, cuộc ra đi làm nên trang sử vàng, chính là sự có mặt của một đạo Phật cứu khổ ban vui, vì lợi ích cho vạn loại hữu tình trên hành tinh này. Một kinh thành chứa đầy kỷ niệm, một kinh thành không thể tách rời Phật giáo, một kinh thành không chỉ là quê hương đức Phật mà còn là quê hương của người con Phật, quê hương của tất cả chúng ta. Càng hình dung trong trí tưởng tượng cho sự huy hoàng tráng lệ của một kinh thành cổ xưa thì chúng ta càng xót xa, buồn thảm và thất vọng, khi một lần dừng chân nơi ấy! Giờ đây, trước mắt chúng ta chỉ là một phế tích, nơi mà trải qua hàng bao thế kỷ đi vào quên lãng: những bức tường dài ngang dọc đổ nát rêu phong, những bụi cây hoang dại mọc um tùm, bao hầm hố gò nổng trên một lối đi mà không một bàn tay chăm sóc…. Ôi! thật ảm đạm buồn tênh trên quê hương Phật giáo, một nơi lịch sử huy hoàng, có sức ảnh hưởng khắp đông tây tưởng chừng như một huyền thoại, đã sản sinh ra một học thuyết vững vàng và có giá trị thực tiễn trong mỗi thời đại, lại suy tàn gần như là mất gốc. Phía Tây chỉ còn sót lại nền gạch cũ cùng với tấm bản xác định vị trí của các nhà khảo cổ. Đối mặt sau của cổng thành phía Tây khoảng hơn một cây số là cửa thành Đông, nơi mà nửa đêm rạng ngày mùng 8 tháng 2 âl, thái tử Sĩ Đạt Ta đã âm thầm rời bỏ kinh thành đi tìm đạo giải thoát. Bên ngoài cổng thành Đông là cánh đồng phì nhiêu, mọi người cùng với trâu bò làm việc trong nắng ấm thanh bình của mùa xuân. Xa xa cách cổng thành Đông khoảng 200 m, có một cái tháp nhỏ, được tương truyền rằng, nơi đó chính là chỗ mà con tuấn mã Kiền Trắc đã đứng và chết tại đó sau khi từ giã thái tử trở về lại kinh thành.

Cổng thành phía Đông

Ngài Pháp Hiển đến chiêm bái thành Ca Tỳ La Vệ vào năm 403 sau Tây lịch, đã nhìn thấy toàn vùng này là một rừng hoang cỏ dại, dân cư thưa thớt, và những di tích phế tàn. Một vài tu sĩ khổ hạnh tu tập tại đây và độ 30 gia đình dân chúng đang sinh sống. Ngài đến hỏi thăm các vị tu sĩ về thánh tích này, các vị ấy cho biết toàn vùng này chính là thành Ca Tỳ La Vệ thời xưa, và họ cố ở lại đây để giữ gìn Thánh tích này, nhưng không đủ phương tiện phục hưng, đành phải chịu thua, ngắm nhìn nó dưới sự tàn phá của thời gian.

Vào năm 636, Ngài Huyền Trang cũng đến thăm viếng ngôi thành cổ này và diễn tả một cách chi tiết. Ngài viết: “Thành Ca Tỳ La Vệ kiến trúc theo lối cổ kính, xây dựng toàn bằng gạch đá quí, bức tường thành vẫn còn, và kiến tạo rất kiên cố. Hiện tại chỉ còn 634 phố, nhà lơ thơ và một ít dân chúng đang sống ở đó. Chung quanh có độ 100 tịnh xá bị hư hỏng. Gần chỗ này có một ngôi tịnh xá vĩ đại, 30 tu sĩ tiểu thừa và hai ngôi đền của Ba La Môn giáo”.

Hiện nay, chúng ta không thấy những gì giống như sự mô tả của quí Ngài, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, chính kinh thành này là quê hương của Phật, là nơi mà Phật giáo ngự trị một cách tuyệt đối, thì sự có mặt của những tu viện cũng như tu sĩ thường lui tới tu hành là lẽ đương nhiên.

Căn cứ vào tài liệu khảo cổ, Ca Tỳ La Vệ có hai thành cũ và mới. Hiện nay thành cũ thuộc thị trấn Tilaurakot ở Nepal, cách Lâm Tỳ Ni (Lumbinī) khoảng 30 km đường vòng tráng nhựa, khoảng 15 – 20 km đường chim bay. Thành mới thuộc Ấn Độ cách Lâm Tỳ Ni khoảng 30 km, nơi được xây dựng sau khi vua Tỳ Lưu Ly (ViDūDabha) tàn phá Ca Tỳ La Vệ ở Nepal và giết hại dân chúng bộ tộc Thích Ca.

Giờ đây, chúng ta cùng tham quan thêm một số phế tích còn sót lại trong khuôn viên Ca Tỳ La Vệ được xem là tối quan trọng đối với Phật giáo như: ngôi mộ của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da; vườn Nigrodha thuộc làng Kudan; Sagarhava, nơi mà dòng tộc Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly sát hại….

2. Ngôi mộ của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Da (Māyā)

 

Hai ngôi mộ của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Da (Māyā)

Từ cửa thành Đông, lần theo lối mòn hướng về phương Bắc khoảng 2 cây số chúng ta thấy có hai nền gạch một lớn một nhỏ nằm trong khu đất trũng dưới mặt đường khoảng 3m. Chúng ta không thể ngờ rằng, hai ngôi mộ được cho là của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Da (Māyā) vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay, mặc dù điều này vẫn đang được nghiên cứu chứng minh về sự thật. Người dân cho biết rằng, ngôi mộ lớn là của Vua Tịnh Phạn và ngôi mộ nhỏ là của hoàng hậu Ma Da.

3. Làng Kudan

Cách Tilaurakot khoảng 1 km về hướng Tây Nam là vườn cây Nigrodha thuộc làng Kudan, nơi vua Tịnh Phạn hội ngộ với Đức Phật sau 13 năm trời xa cách với biết bao thương nhớ và hy vọng mà phụ hoàng đã dành cho thái tử. Vì vậy, đức vua đã yêu cầu Phật, sau này bất cứ ai muốn trở thành sa môn thì phải được sự chấp thuận của cha mẹ, nếu họ còn sống. Đức Phật chấp nhận lời đề nghị của vua cha. Tại nơi đây, vua Tịnh Phạn đã sắc lệnh cho xây dựng ngôi tịnh xá tên là Nigrodhamma, làm nơi tu hành của đức Phật và cháu đích tôn Ra Hầu La (Rāhula) khi trở về thăm bổn quốc . Tại ngôi tịnh xá này, Đức Phật đã trải qua mùa an cư thứ 15 và thuyết một số bài kinh tiêu biểu như: Tiểu Kinh Khổ Uẩn (số 14), kinh Mật Hoàn (số 18) … thuộc Trung Bộ kinh.

4. Sagarhavā, nơi dòng họ Thích Ca bị thảm sát

Cuộc thảm sát đẫm máu bạo tàn dòng họ Thích Ca (Sakyā) bởi lòng hiềm thù mê muội của vua Tỳ Lưu Ly (Vidūdabha), được ghi lại một cách chi tiết trong kinh Tăng Nhất A Hàm. Từ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) đi về hướng Tây Bắc 10 km chúng ta sẽ đến một khu làng dân cư thưa thớt, nằm giữa khu làng là một cái bể hình chữ nhật dài 500m tên Lambu Sagar. Nơi này đã được ghi nhận là nơi xảy ra cuộc thảm sát do vua Tỳ Lưu Ly, người kế thừa vương vị của vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), nước Kiều Tát La (Kosala), đã tàn sát dòng họ Thích Ca. Nơi đây người ta tìm thấy 17 ngọn tháp cổ và một vài di tích cổ còn sót lại. Những tảng đá mang hình hoa sen nở và các vũ khí thời xưa. Trong một ngôi tháp người ta phát hiện một cái rương bằng đất nung đựng xương xá lợi, vàng bạc, đá quý và nhiều đồ trang sức.

Nguyên nhân của cuộc thảm sát này, bắt nguồn từ dòng họ Thích Ca những người đã miệt thị thái tử Tỳ Lưu Ly, con của vua Ba Tư Nặc. Khi vua Ba Tư Nặc gởi một sứ thần sang Ca Tỳ La Vệ để tìm bang giao với dòng họ Thích qua một cuộc hôn nhân, dòng họ Thích cho rằng nhà vua không phải thuộc người trong tộc nên đã gả cho nhà vua một đứa con gái tên là Vasabha Khattiya con của người thị nữ lai huyết thống của hai giai cấp giữa Sát Đế Lợi và Chiên Đà La đồng thời kèm theo của hồi môn rộng rãi. Vua Ba Tư Nặc đã phong bà làm hoàng hậu và phong con bà Tỳ Lưu Ly làm thái tử. Năm lên bảy tuổi, có một lần Tỳ Lưu Ly bị mặc cảm vì không được nhận quà từ bà ngoại trong khi các công tử khác đều có. Năm 16 tuổi hoàng tử thiếu niên Tỳ Lưu Ly về lại Ca Tỳ La Vệ thăm cậu để học hỏi với các hoàng tử họ Thích. Khi đến phía Nam của hoàng thành, chàng thấy một giảng đường rất mới, nên cho xe dừng lại để ngắm nhìn. Những người dòng họ Thích biết thế nên đã đuổi chàng bằng những lời đầy khinh thị: “Vô lễ kẻ hạ tiện kia! dám choáng chỗ của người dòng họ Thích, nơi để đón rước Đức Phật”. Vì bị sỉ nhục và biết rằng cha mình bị dòng họ Thích Ca lường gạt nên Tỳ Lưu Ly nuôi mối hận này và quyết lòng san bằng kinh thành Ca Tỳ La Vệ để rửa hận. Vì vậy, khi nhiếp chính thay vua Ba Tư Nặc, Tỳ Lưu Ly mang đoàn quân thiện chiến sát phạt toàn bộ dòng tộc Thích Ca.

Hồ này là di chứng của một dòng sông đẫm máu của bộ tộc Thích Ca thời xa xưa, nó đã chứa đựng biết bao vong hồn oan nghiệt, những tiếng kêu thảm thiết của những người vô tội. Và trong kinh chép lại rằng, cũng ngay trong đêm ấy, đoàn quân thiện chiến của vua Tỳ Lưu Ly cũng bị nước lũ cuốn trôi. Thật đúng câu “ác giả ác báo”. Nói đến đây tôi bỗng dưng nhớ đến câu nói của Hoà thượng Huyền Diệu, có biệt danh Người Làm Vườn, được khắc tại Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lâm Tỳ Ni: “Nếu anh thật sự là một con người, không làm được điều gì lợi ích cho chúng sanh, thì anh cũng đừng làm đau khổ chúng sanh”.

5. Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) ở Ấn Độ

Cách Lâm Tỳ Ni (Lumbinī) 25 km về phía Ấn Độ, địa phận Piprahwa, có một kinh thành của dòng họ Thích Ca. Người ta cho rằng, Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) này được xây dựng là do nhóm người Thích Ca sống sót di dời đến nơi này và lập nên một kinh thành Ca Tỳ La Vệ mới. Thành Ca Tỳ La Vệ tại Ấn Độ thuộc bang Uttar Pradesh cũng hoang tàn đổ nát không khác chi thành Ca Tỳ La Vệ ở Nepal.

Vào 8 giờ sáng chúng tôi đã đến nơi được xác định là thành Ca Tỳ La Vệ mới, nằm cách mặt lộ chính khoảng 100 m và cách biên giới khoảng hơn 30 km. Vì trời còn sớm nên sương mù vẫn còn lãng đãng bay và đọng đầy trên các ngọn cỏ. Cư dân quanh vùng thưa thớt, vài xóm nhà nghèo lác đác hai bên đường. Đây cũng chính là nét đặc trưng phản ảnh cuộc sống thôn quê hầu hết trên đất Ấn.

Đối diện với cổng chính khoảng 100 m, là nền tháp chính, chu vi khoảng 80 mét vuông, cũng chỉ là những nền gạch cũ rêu phong, vẫn còn ướt đẫm sương buổi sớm. Trong tháp chính này, người ta đã khai quật được xương xá lợi của Phật và chư tăng dòng họ Thích Ca. Dọc theo lối vào, phía bên tay phải, có một bờ tường chạy dài từ cổng chính đến nền tháp cao khoảng 2,5 m là khu tự viện được xây dựng bao bọc quanh tháp chính. Phía sau tháp chính khoảng 150 m hướng về phía Tây, gần khu vườn xoài của người dân, cũng có một nền gạch tu viện cũ, hình vuông, tường thành rất dày và có những nấc thang đi vào bên trong. Cảnh trí nơi Ca Tỳ La Vệ mới này cũng được chăm sóc khá chu đáo. Cỏ thảm được trồng gần như khắp khuôn viên, một vài khóm hoa đang nở vào dịp xuân, khí trời còn se sắt lạnh. Trong khuôn viên có ao nước khá to được người ta trồng hoa súng, trông ngây thơ và hiền lành giữa một bầu thiên nhiên êm ả mà thỉnh thoảng mới có bước chân người lui tới.

Sau một giờ tham quan và quay phim ghi hình lưu niệm, đoàn chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trình vượt biên giới Ấn Độ đến thánh địa Lâm Tỳ Ni thuộc địa phận Nepal.

Nguồn Thư viện hoa sen

Add Comment