Bồ Tát Di Lặc tên Phạn là Maitreya, dịch âm Hán Việt là Di Đế Lệ, Mai Đê Lê, Mê Đế Lệ, Mai Đát Lệ, Mỗi Đát Lý, Mai Đát Lệ Dược, Muội Đát Lý Duệ…là họ của Bồ Tát, nghĩa là Từ Thị, còn tên của Ngài là A Dật Đa (Ajita) nghĩa là Vô Năng Thắng.
_ Bồ Tát Di Lặc có hiệu là Từ Thị, tên hiệu đó xác lập căn bản tối hậu là Bản Nguyện Sở Hạnh của Ngài. Ngay trên Duyên Khởi, đời đời kiếp kiếp Ngài đều tu tập Tam Muội Từ Tâm (Maitra-citta-samādhi), thực hiện Từ Hạnh (Maitra-caryā) để cứu độ chúng sinh. Đức đặc biệt của Di Lặc là sau khi bứt trừ sự thống khổ của các chúng sinh, liền tiến thêm một bước là ban cho chúng sinh niềm vui của Pháp (Pháp Lạc)
+ Kinh Nhứt Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân Từ Tâm Nhân Duyên Bất Thực Nhục ghi rằng: “Bồ Tát Di Lặc phát tâm không ăn thịt, vì nhân duyên này mà có tên là Từ Thị (Maitreya)”.
+ Đại Nhật Kinh Sớ, quyển 1 ghi nhận là: “Từ Thị Bồ tát dùng Tâm Từ (Maitra-citta) trong bốn Tâm Vô Lượng của Phật làm đầu, Lòng Từ này từ trong Chủng Tính của Như Lai sinh ra, hay khiến cho tất cả Thế Gian chẳng bị đứt mầm giống Phật cho nên xưng là Từ Thị”.
+ Kinh Đại Thừa Tâm Địa Quán ghi nhận rằng: “Bồ Tát Di Lặc là con của vị Pháp Vương, từ khi phát Tâm vì muốn kết duyên lành hóa độ hết thảy chúng sanh, nên không ăn thịt, vì nhân duyên đó mà có tên là Từ Thị”
_ Do Di Lặc là vị Bồ Tát vào thời đương lai sẽ sinh xuống cõi Diêm Phù Đề, nối tiếp sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuṇi) để thành Phật, vì thế được xưng là Nhất Sinh Bổ Xứ Bồ Tát (Ekajāti-pratibaddha-bodhisatva), Bị Xứ Tát Đỏa hoặc Di Lặc Như Lai (Maitreya-tathāgata)
Kinh Di Lặc Thượng Sinh và Phẩm Ba Bà Ly của Kinh Hiền Ngu Nhân Duyên ghi nhận rằng:
Tại thời đại khi Đức Phật Đà trụ ở đời thì lưu vực của sông Hằng có nước Ba La Nại (Vārāṇasī), thôn Kiếp Ba Lợi (Kalpali), lại có tên gọi là Ba Bà Lợi (Bāvari). Trong nhà Bà La Môn, Bồ Tát Di lặc hạ sinh làm con của Bà La Môn. Thân thể của Ngài có màu vàng ròng, lại có 32 Tướng, 80 loại vẻ đẹp, Tâm Tính nhân từ, lấy tên gọi là A Dật Đa (Ajita), là cao nhân có Trí Tuệ, ở tại nhà phú quý được răn dạy vệ hộ trưởng thành.
Di Lặc nhận sự sai khiến của người cậu tên là Ba Bà Lê (Bāvari) đi đến núi Thứu Đầu (Gṛdhrakūṭa) ở thành Vương Xá (Śrāvasti) bái kiến Đức Phật Đà. Khi gần đến núi Thứu Đầu thời nhìn thấy tướng bánh xe ngàn căm (thiên bức luân) của Đức Phật, nên Tâm rất ngưỡng mộ, sau đó theo Đức Phật xuất gia, làm vị Tỳ Khưu Tăng
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (‘Sākyamuṇi) trước sau ở trong Kinh, nhiều lúc Thọ Ký cho Bồ Tát Di Lặc, tương lai sẽ sinh xuống cõi Diêm Phù Đề (Jambu-dvīpa) thành Phật hóa độ chúng sinh. Ngay tại đây, trước tiên hộ trì cho chúng sinh trong chốn này và lưu bày Chính Pháp khiến chẳng bị đoạn tuyệt.
A Dật Đa (Ajita) quay về nước của mình, ngồi Kiết Già nhập diệt, Thân màu vàng tía, ánh sáng như đồng, Toàn Thân Xá Lợi như tượng vàng đúc, trong hào quang tròn của thân có chữ nghĩa của Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, Bát Nhã Ba La Mật sáng rực. Chư Thiên liền tạo dựng cái Tháp màu nhiệm bằng mọi vật báu, cúng dường Xá Lợi
Sau khi Bồ Tát Di Lặc nhập diệt thì ở tòa Sư Sử của điện Ma Ni tại cung Trời Đâu Suất (Tuṣiṭa), đột nhiên hóa sinh ngồi Kiết Già trên hoa sen, thân có màu vàng Diêm Phù Đàn với 32 Tướng 80 loại vẻ đẹp, đỉnh đầu có Nhục Kế màu Lưu Ly xanh biếc, dùng báu Ma Ni làm mão Trời, trong mão phóng ra ánh sáng có vô số vị Hóa Phật với các vị Bồ Tát. Sợi lông trắng (Ūrṇa: bạch hào) ở tam tinh tuôn ra màu sắc trăm báu, cùng với các vị Thiên Tử (Deva-putra) đều ngồi tại tòa hoa, ngày đêm thường nói Pháp chẳng thoái chuyển, đợi Duyên sinh xuống ở cõi Diêm Phù Đề….
_ Vấn đề liên quan đến việc Bồ Tát Di Lặc được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký sẽ thành vị Phật nối tiếp Ngài trong thời tương lai đã được ghi nhận sớm nhất tại Ấn Độ trong bản Kinh Cakkavatti Sutta (Kinh Chuyển Luân Vương Thánh Vương Sư Tử Hống) ở Digha Nikaya (Trường Bộ 26) thuộc Kinh Tạng Pali.
Trường Bộ Kinh | Digha Nikaya. 26. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavati-Sìhanàda sutta)
25. Này các Tỷ kheo, khi tuổi thọ loài Người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya sẽ ra đời, là vị A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn; như Ta nay sanh ra ở đời này, là bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình biết, chứng, và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời, loài Người; như Ta hiện nay tự mình biết, chứng và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời và loài Người. Vị này sẽ thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; như Ta hiện nay thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hành hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỷ kheo Tăng đoàn; như Ta hiện nay có khoảng vài trăm vị Tỷ kheo Tăng đoàn vậy.
26. Này các Tỷ kheo, vua Sankha sẽ cho thiết lập cung điện mà vua Mahà Panada đã thiết lập. Sau khi thiết lập, vua trú tại đó. Sau vua lại bố thí cung điện ấy, dâng cúng cho các vị Sa môn, Bà-la-môn, các hàng bần cùng, du đãng, ăn xin, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình dưới sự chỉ đạo của Thế Tôn Metteyya, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Vị này xuất gia như vậy, sống một mình, biệt lập, tinh tấn, trì chú, chuyên tâm, chẳng bao lâu chứng được vô thượng phạm hạnh, mà vì mục đích này các thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Với vô thượng phạm hạnh này, ngay trong hiện tại, vị này tự tu, tự chứng, đạt đến và an trú.
(Bản dịch của Thượng Tọa Thích Minh Châu)
Sau đó truyền thống Di Lặc sẽ thành Phật trong thời vị lai được ghi nhận trong một số Kinh Bản và được lưu trữ trong Tạng Hán Văn
Kinh Phật thuyết Pháp Diệt Tận ghi rằng: “Lúc Pháp của Ta diệt thời cũng như đèn diệt, từ đây về sau khó thể đếm nói. Như vậy sau đó hàng ngàn vạn năm thời Di Lặc (Maitreya) sẽ xuống Thế Gian làm Phật (Buddha), thiên hạ thái bình, độc khí tiêu trừ, mưa thấm nhuần ôn hoà thích hợp, năm loại lúa đậu tươi tốt, cây cối lớn dài, người cao tám trượng đều sống đến 84 ngàn tuổi, chúng sinh được độ chẳng thể xưng đếm”.
Kinh Chuyển Luân Vương Tu Hành (trích trong Kinh Trường A Hàm do HT Thích Tuệ Sĩ dịch) có ghi:
“Khi thọ mạng kéo dài đên bốn vạn tuổi, người bấy giờ lại suy nghĩ: ‘Chúng ta do tu thiện mà tuổi thọ kéo dài thêm. Vậy nay hãy tăng thêm một ít điều thiện nữa. Nên tu tập điều thiện gì? Ta nên hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng.’ Từ đó mọi người đều hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng, và thọ mạng tăng lên đến tám vạn tuổi.
“Trong lúc nhân loại sống tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới gả chồng, và có chín thứ bịnh là lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, tham dục, ham ăn và già. Cõi đất lúc ấy bằng phẳng không có rạch hầm, gò nổng gai gốc, cũng không mòng muỗi, rắn rết, trùng độc. Ngói, đá, cát, gạch thì biến thành lưu ly. Nhân dân sung túc, ngũ cốc rẻ thường, dồi dào, phước lạc không xiết tả. Có tám vạn thành lớn được dựng lên, thôn thành san sát gần nhau, gà gáy cùng nghe được.
“Vào thời kỳ ấy thì có đức Phật ra đời hiệu là Di-Lặc Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ, như đức Thích-ca Như Lai ngày nay không khác. Đức Di-lặc kia ở giữa hàng Chư Thiên, Đế Thích, Ma, Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn, và nhân gian, mà tự thân tác chứng, cũng như Ta ngày nay ở ngay giữa hàng Chư Thiên, Đế Thích, Ma hoặc Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn và nhân gian mà tự mình tác chứng vậy.
“Đức Di-lặc sẽ thuyết pháp, khoảng đầu, giữa và cuối đều trọn lành, đầy đủ nghĩa vị, tịnh tu phạm hạnh, như ngày nay Ta thuyết pháp, khoảng đầu, giữa, cuối đều chân chánh, nghĩa vị đầy đủ, phạm hạnh thanh tịnh vậy.
“Đức Di-lặc có chúng đệ tử vô số ngàn vạn, như Ta ngày nay có đệ tử vài trăm. Nhân dân lúc ấy gọi đệ tử ngài là Từ tử như gọi đệ tử ta nay là Thích tử.
Kinh Thuyết Bổn (trích trong Kinh Trung A Hàm do Thích Tuệ Sĩ dịch) ghi là:
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ tám vạn tuổi sẽ có Đức Phật hiệu là Di-lặc, Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; cũng như hôm nay Ta đã thành vị Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
“Đức Phật ấy ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
“Đức Phật ấy sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
“Đức Phật ấy sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện.
“Đức Phật ấy sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như Ta hôm nay có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”
Bấy giờ Tôn giả Di-lặc đang ở trong chúng ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch áo đang mặc, vòng tay hướng về Đức Phật, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
“Con sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
“Con sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
“Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.
“Con sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán Tôn giả Di-lặc rằng:
“Lành thay! Lành thay! Di-lặc, ngươi phát tâm cực diệu là dẫn lãnh đại chúng. Lý do vì sao? Vì ngươi đã nghĩ:
“– Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Con sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Con sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.”
Đức Phật lại nói: “Này Di-lặc, vào một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, ngươi sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Giống như Ta hiện nay là Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
“Ngươi sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
“Ngươi sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.
“Ngươi sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.
“Ngươi sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Ta có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Phật. Lúc đó, Đức Thế Tôn quay lại
bảo:
“Này A-nan, ngươi hãy lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại đây. Nay Ta muốn cho Tỳ-kheo Di-lặc.”
Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng lời Đức Thế Tôn, liền lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại trao cho Đức Thế Tôn. Sau khi Đức Thế Tôn nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng từ Tôn giả A-nan, Ngài bảo:
“Này Di-lặc, ngươi hãy nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng này từ Như Lai mà bố thí cho Phật, Pháp và Đại chúng. Lý do vì sao? Này Di-lặc, các Đức Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác vì muốn cứu hộ thế gian và mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong an ổn khoái lạc.”
Bấy giờ Tôn giả Di-lặc nhận lấy tấm y dệt bằng chỉ vàng từ Đức Như Lai xong, liền dâng cúng cho Phật, Pháp và Đại chúng.
_ Đến thời kỳ phát triển Phật Giáo thì các Kinh Bản có liên quan đến tín ngưỡng Di Lặc đã được phổ biến khá sớm tại Trung Quốc, bắt đầu từ thời Nam Bắc Triều, dần dần thịnh hành tại đời Đường, hình thành pháp tu Di Lặc Tịnh Độ và kéo dài đến cho ngày nay. Trong đó có 6 Bộ Kinh thuật lại việc Bồ Tát Di Lặc sinh lên cõi Trời Đâu Suất và từ cung Trời Đâu Suất hạ sinh xuống cõi Diêm Phù Đề thành Phật, cùng Quốc Độ, thời tiết, nhân duyên, chủng tộc, xuất gia, thành Đạo và chuyển bánh xe Pháp.
6 Bộ Kinh này được lưu trữ trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 14, gồm có:
1_ Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên Kinh, 1 quyển, [do Cư Sĩ Thư Cừ Kinh Thanh dịch ở đời Liêu Tống Nam Triều] (No.452)
2_ Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Kinh, 1 quyển, [do Tam Tạng Trúc Pháp Hộ dịch ở đời Tây Tấn, năm 303] (No.453)
3_ Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật Kinh, 1 quyển, [do Tam Tạng Cưu Ma La Thập dịch ở đời Hậu Tần, năm 402] (No.454)
4_ Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật Kinh, 1 quyển, [do Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh dịch ở đời Đường, năm 701] (No.455)
5_ Phật Thuyết Di Lặc Đại Thành Phật Kinh, 1 quyển, [do Tam Tạng Cưu Ma La Thập dịch ở đời Diêu Tần, năm 402] (No.456)
6_ Phật Thuyết Di Lặc Lai Thời Kinh, 1 quyển, [Đời Đông Tấn, mất tên người dịch ] (No.457)
Trong 6 Bộ Kinh này thì 3 Bộ Kinh số 454, 455, 567 được gọi riêng là Di Lặc Tam Bộ Kinh
Trọng tâm của các Kinh Bản này xiển dương Pháp tu giúp cho con người được sinh về cung Trời Đâu Suất, tiếp tục tu hành dưới sự hóa độ của Bồ Tát Di lặc và đợi đến ngày cùng với Bồ Tát Di Lặc sinh xuống cõi Diêm Phù Đề (khi đó tuổi thọ của con người là tám vạn tuổi). Lúc đó sẽ thật sự thoát khỏi sự chi phối của sinh, già, bệnh, chết và luôn hưởng thụ được Phước Lạc vô biên.
Từ 6 bản Kinh này, tại Trung Hoa đã xuất hiện hai Pháp Môn tu theo tín ngưỡng Di Lặc là:
1_ Tín ngưỡng Di Lặc Thượng Sinh: là Tín ngưỡng tu hành dựa theo tinh thần của Kinh Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên, cầu sinh về Tịnh Độ của Phật Di Lặc tại Cung Trời Đâu Suất. Đại Sư Đạo An ở đời Đông Tấn (314-385) là người khởi xướng và hành trì Pháp Môn này. Ngài đã từng cùng Đệ Tử Pháp Ngụ và tám người khác ở trước tượng của Đức Di Lặc phát nguyện vãng sanh về cung Trời Đâu Suất. Tiếp theo là các Ngài: Đạo Kiểu, Tăng Nghiệp, Huệ Nghiêm, Đạo Uông, Đạo Pháp, Pháp Thịnh, Đàm Phó, Đàm Vô….Đến đời Đường, các Ngài Huyền Trang, Khuy Cơ cũng hoằng dương tín ngưỡng Thượng Sinh Đâu Suất và tín ngưỡng này trở thành truyền thống của Pháp Tướng Tông.
_ Các Chú Sớ về Kinh Di Lặc Thượng Sinh gồm có:
Di Lặc Kinh Du Ý, 1 quyển của Ngài Cát Tạng
Di Lặc Thượng Sinh Kinh Tông Yếu, 1 quyển của Ngài Nguyên Hiểu
Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên Kinh Tán (hay Di Lặc Thượng Sinh Kinh Sớ), 2 quyển do Ngài Khuy Cơ soạn.
2_ Tín ngưỡng Di Lặc Hạ Sinh: là tín ngưỡng tu hành dựa theo tinh thần của các Kinh Di Lặc Hạ Sinh và Kinh Phật nói Pháp Diệt Tận… cầu mong được sinh vào cảnh Tịnh Độ giữa nhân gian khi Đức Di Lặc ra đời, thành Phật dưới cây Long Hoa và nói Pháp 3 Hội để cứu độ chúng sinh. Đây là thuyết Long Hoa Tam Hội.
_ Các Chú Sớ về Kinh Di Lặc Hạ Sinh gồm có:
Di Lặc Hạ Sinh Kinh Sớ, 1 quyển của Cảnh Hưng
Di Lặc Hạ Sinh Kinh Nghĩa Sớ, 1 quyển của Thiện Châu
Di Lặc Hạ Sinh Kinh Thuật Tát, 1 quyển (không rõ người biên soạn)
_ Do thuyết Di Lặc Hạ Sinh phù hợp với tinh thần Tịnh Độ Nhân Gian của Phật Giáo Đại Thừa và tinh thần Thế Ngoại Đào Viên của dân tộc Trung Hoa, cho nên tín ngưỡng Hạ Sinh và Long Hoa Tam Hội được phổ biến rất rộng rãi
Xuất Tam Tạng Ký, tập 12_ Pháp Uyển Tạp Duyên Nguyên Thủy Tập Mục Lục Tự ghi nhận là: “ Đời Lưu Tống, vua Minh Đế (tại vị: 465-471) soạn Long Hoa Thệ Nguyện Văn
Châu Ngung soạn Kinh Sư Chư Ấp Tạo Di Lặc Tam Hội Ký
Đời Tiêu Tề, Cánh Lăng Văn Tuyên Vương soạn Long Hoa Hội Ký Ngài Nam Nhạc Huệ Tư soạn Lập Thệ Nguyện Văn
_ Theo các sách sử ghi chép thì các nhóm phản loạn thường dựa vào tín ngưỡng Di Lặc Hạ Sinh mà xuyên tạc Kinh Văn rồi xúi giục dân chúng nổi loạn rất nhiều
.) Đời Tùy, năm 613 Tống Tử Hiền và Hướng Hải Minh tự xưng là Phật Di Lặc xuất thế, tập hợp dân chúng làm loạn
.) Đời Đường, khoảng năm 713_755, ở Bối Châu (Hà Bắc) Vương Hoài Cổ tự xưng là Tân Phật (tức Phật Di Lặc) dấy binh làm loạn và bị bắt
.) Khoảng năm 873_ 888 giáo đồ Di Lặc ở Tây Thục mở rộng thanh thế, tổ chức Hội Di Lặc
.) Đời Bắc Tống, khoảng năm 1022_1063 Vương Tắc ở Bối Châu thống lãnh giáo đồ Di Lặc khởi loạn
.) Đời Nam Tống, đời Nguyên, Bạch Liên Giáo trà trộn vào Di Lặc Giáo, mượn danh Di Lặc Hạ Sinh để mưu phản
_ Ngoài tín ngưỡng Di Lặc Tịnh Độ ra, Pháp tu theo Đức Di Lặc còn được ghi nhận qua nhiều Kinh Bản khác
.) Kinh Nhứt Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân Từ Tâm Nhân Duyên Bất Thực Nhục (No.183) ghi nhận tiền thân của Đức Di Lặc.
.) Đời Tây Tấn, Tam Tạng của nước Nguyệt Chi là Trúc Pháp Hộ dịch một quyển Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Bản Nguyện Kinh (No.349)
.) Đời Hậu Ngụy, Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chí đã dịch Bộ Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc Kinh (còn gọi là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh) gồm 2 quyển và Bộ Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh Luận gồm 9 quyển (No.1525).
.) Bộ Mật Giáo, tập 20 ghi nhận 4 Bộ Kinh liên quan đến Bồ Tát Di Lặc là:
1_ Từ Thị Bồ Tát Lược Tu Dũ Nga Niệm Tụng Pháp, 2 quyển [do Tam Tạng
Thiện Vô Úy dịch ở đời Đường] (No.1141)
2_ Phật Thuyết Từ Thị Bồ Tát Đà La Ni, 1 quyển [do Minh Giáo Đại Sư Pháp Hiền dịch ở đời Tống] (No.1142)
3_ Phật Thuyết Từ Thị Bồ Tát Thệ Nguyện Đà La Ni Kinh, 1 quyển [do Minh Giáo Đại Sư Pháp Hiền dịch ở đời Tống] (No.1143)
4_ Phật Thuyết Di Lặc Bồ Tát Phát Nguyện Vương Kệ, 1 quyển [do Tổng Quản Nghi Tân Công Bố Tra Bố dịch ở đời Thanh] (No.1144).
_ Do Tín Ngưỡng Di Lặc rất phổ biến tại Trung Hoa, cho nên việc tạo Tượng Di Lặc rất nhiều
Đời Nam Tề, Ngài Tăng Hộ có phát nguyện dựng tượng Di Lặc cao khoảng 303m ở núi Thạch Thành huyện Diệm nhưng Tâm Nguyện chưa thành. Đến năm 516 ngài Tăng Hựu hoàn thành tượng này và được người đời gọi là Tam Thế Thạch Phật, Đại Phật huyện Diêm
Đời Bắc Ngụy, vua Hiến Văn Đế tạo động Di Lặc ở hang thứ 13 Vân Cương Đại Đồng và an trí pho tượng ngồi cao 16m. Sau khi dời Đô về Lạc Dương, vua Hiến Văn Đế còn tạo hang động Long Môn trong đó có hơn 100 pho tượng Di Lặc lớn nhỏ.
Đời Bắc Triều, trên sườn núi Hoàng Thạch ở Lịch Thành, Sơn Đông và ở núi Thiên Phật cũng có nhiều tượng Di Lặc.
_ Đặc biệt vào đời nhà Lương thời Ngũ Đại có vị Hóa Thượng họ Thị tự xưng là Khế Thử, hiệu là Trường Đinh Tử, người ở Phụng Hóa thuộc Minh Châu (hoặc nói là người ở Tứ Minh), tỉnh Chiết Giang. Hàng ngày, Ngài thường dùng cây gậy gánh một cái túi vải, thấy vật liền xin, cho nên người đời gọi Ngài là Bố Đại Hòa Thượng
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 27 ghi nhận rằng: “Thân của Bố Đại Hòa Thượng béo phì, lông mày rậm, bụng to, lời nói ra không có định được, nằm ngủ ở bất kỳ chỗ nào, thường dùng cây gậy gánh một cái túi vải, hễ ai cho thứ gì thời đều bỏ vào trong cái túi ấy nên người đời gọi là Trường Đinh Tử Bố Đại Sư. Sư hay chỉ bày cho người việc tốt xấu, có thể dự báo được thời tiết”
Đời Lương, Trinh Minh năm thứ hai (916) tháng 03, sư sắp thị tịch nên ngồi ngay thẳng trên tảng đá bên dưới Đông Lang ở chùa Nhạc Lâm rồi nói Kệ rằng:
“彌勒真彌勒,
Di Lặc chân Di Lặc
分身千百億;
Phân thân thiên bách ức
時時示時人,
Thời thời thị thời nhân
時人自不識
Thời nhân tự bất thức”
(Di Lặc thật Di Lặc
Phân thân ngàn trăm ức
Mọi lúc dạy người đời
Người đời chẳng tự biết)
Nói Kệ xong, an nhiên nhập tịch. Về sau, có người ở Châu khác nhìn thấy sư phụ Bố Đại đang đi. Người đời cho rằng Sư là Thân ứng hóa của Bồ Tát Di Lặc, nên chọn ngày mồng một Tháng Giêng (ngày sinh của Sư) làm ngày vía của Đức Phật Di Lặc và xưng tụng là Xuân Di Lặc. Từ đây trở đi, hình tượng Hòa Thượng Bố Đại được tạo dựng ở rất nhiều nơi và người dân Trung Hoa thường xem các Tôn Tượng này là tượng Phật Di Lặc.
Sau này, sự tích của Hòa Thượng Bố Đại lưu truyền đến Nhật Bản thì Sư trở thành một trong 7 vị Phúc Thần của dân tộc Nhật.
Hiện nay tại Trung Hoa, tín ngưỡng Di Lặc không còn thịnh hành như ngày xưa là do tín ngưỡng vãng sinh về Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà phát triển mạnh mẽ hơn, thế nhưng tín ngưỡng này vẫn còn phát triển sâu rộng ở Hàn Quốc, Nhật Bản
_ Tại Việt Nam, tín ngưỡng vãng sinh về cung trời Đâu Suất tu tập dưới sự chỉ dạy của Bồ Tát Di Lặc rất mờ nhạt, thế nhưng thuyết Long Hoa Tam Hội của Đức Phật Di Lặc thì lưu truyền rất rộng trong dân gian.
Đại đa số người dân Việt Nam cho rằng Bố Đại Hòa Thượng tức là Đức Phật Di Lặc nên thường phụng thờ Ngài qua hình tượng mập mạp phúc hậu và thường lễ bái cầu xin Ngài ban cho sự vui vẻ, hạnh phúc, giàu có….cho dù những người chưa hề quy y Tam Bảo, rất ít đến chùa chiền, nhưng hàng năm vẫn được nghe đến xuân Di Lặc và Pháp Hội Long Hoa của Đức Phật Di Lặc trong thời vị lai.
Thời gian gần đây, tôi may mắn được em Mật Trí (Tống Phước Khải) trợ giúp cho các đồ hình minh họa của các kinh bản “Phật Thuyết Quán Di lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên Kinh”, “Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh thành Phật Kinh”, “Phật Thuyết Di Lặc Đại Thành Phật Kinh”, “Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Pháp” từ trang Web Zenheart.hk và bản phim Kinh Di Lặc Thượng Sinh…nên tôi chèn vào các kinh bản đã dịch, nhằm giúp ích phần nào cho những người nghiên cứu về Pháp tu theo Bồ Tát Di Lặc.
Điều không thể tránh khỏi là tập ghi chép vẫn còn nhiều thiếu sót. Ngưỡng mong các Bậc Cao Tăng Đại Đức, chư vị Thiện Tri Thức hãy rũ lòng Từ Bi chỉ dạy, giúp cho tôi kịp thời sửa chữa những lỗi lầm và hoàn thiện phần ghi chép này.
Mọi Công Đức có được trong tập ghi chép này, con xin kính dâng lên hương linh của Thân Phụ (Nguyễn Vũ Nhan) và Thân Mẫu (Vũ Thị Ni) là hai bậc ân nhân đầu tiên của con.
Con xin kính dâng các Công Đức có được lên Thầy Thích Quảng Trí và Thầy Thích Pháp Quang là các bậc Thầy luôn theo dõi, hỗ trợ và thúc đẩy con nghiên cứu Phật Pháp cho chính đúng.
Tôi xin cám ơn em Mật Trí (Tống Phước Khải) và các con tôi đã nhiệt tình hỗ trợ tài liệu, phương tiện giúp cho việc hoàn tất bản ghi chép này.
Tôn xin chân thành cám ơn nhóm Phật Tử của Đạo Tràng Phổ Độ đã hỗ trợ phần vật chất cho tôi trong thời gian soạn dịch kinh bản.
Tôi xin chân thành cám ơn người bạn đường Ngọc Hiếu (Vũ Thị Thanh Hà) đã cam chịu mọi sự khó khăn trong cuộc sống để giúp tôi an tâm trên con đường tìm hiểu Chính Pháp Giải Thoát của Đấng Phật Đà.
Cuối cùng nguyện xin hồi hướng Công Đức này đến toàn thể chúng hữu tình trong ba cõi sáu đường đều mau chóng xa lìa mọi ách nạn khổ đau, thường đượcan vui, thọ hưởng Pháp Vị Giải Thoát của Đấng Phật Đà.
Mùa Thu năm Bính Thân (08/2016)
Huyền Thanh (Nguyễn Vũ Tài) kính ghi