Hình tướng Đức Di Lặc Thiên Tôn

Khác với nhiều vị Phật và Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa, Di Lặc cũng được truyền thống Phật giáo Tiểu thừa công nhận như là vị Phật tương lai và đã biểu thị Ngài ngay từ đầu.

Những biểu tượng về Ngài rất phong phú trong nghệ thuật của các trường phái Nam tông và của cả Đại thừa Bắc tông.

– Hình tượng về Phật Di Lặc, thường hiện diện ở Java, Miến Điện, Thái Lan và mọi miền đất Đông Nam Á như nơi các hành lang tháp ở Borobudur Java vào năm 680.

Đức Phật Di Lặc thuyết pháp - tại chùa Borobudur ở Java, Indonesia
Đức Phật Di Lặc thuyết pháp – tại chùa Borobudur ở Java, Indonesia – Nguồn: asianartnewspaper

– Ở Trung Quốc, đời Nam Tề, khoảng năm 979-982, ngài Tăng Hộ có phát nguyện khắc tạo tượng Di Lặc cao khoảng 303 mét ở núi Thạch Thành, huyện Diệm, nhưng nguyện chưa thành đã qua đời. Về sau, đến năm 516, Tăng Hựu hoàn thành tượng này và được người đời gọi là Tam thế thạch Phật, Đại Phật huyện Diệm.

Tượng Phật Cổ Di Lặc
Lạc Sơn Đại Phật (tiếng Trung giản thể: 乐山大佛, phồn thể: 樂山大佛, bính âm: Lèshān Dàfó), còn gọi là Lăng Vân Đại Phật hay Gia Định Đại Phật, là tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. Bức tượng Phật Di Lặc này được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, cách địa cấp thị Lạc Sơn khoảng 3 km về phía đông. Bức tượng đá đối mặt với Nga Mi Sơn, và dòng sông chảy dưới chân của Phật.
Với chiều cao 71 mét, bức tượng mô tả Phật Di Lặc đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối. Thân của tượng Phật cao 59,98 m, đầu cao 14,7 m, rộng 10 m, mắt rộng 3,3 m, mũi dài 5,6 m, miệng rộng 3,3 m, tai dài 7 m, cổ cao 3 m, vai rộng 28 m, thân thể rộng 28,5 m, chân dài 10,3 m, rộng 9 m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất cũng đủ lớn để có thể đủ cho một người ngồi vào. Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16 m, rộng khoảng 6 m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí.
Khu Vực Nga Mi Sơn với phong cảnh đẹp, bao gồm cả khu vực có Lạc Sơn Đại Phật đã được liệt kê trong danh sách của UNESCO như là di sản thế giới kể từ ngày 6 tháng 12 năm 1996.
Theo Wikipedia

– Đời Bắc Ngụy, vua Hiến Văn Đế tạc động Di Lặc ở hang thứ 13 Vân Cương Đại Đông và an trí pho tượng ngồi cao 16 mét. Sau khi dời đô về Lạc Dương, Hiến Văn Đế còn tạo hang đá Long Môn, trong đó có hơn 100 pho tượng Phật Di Lặc lớn nhỏ. Ngoài ra, trên sườn núi Hoàng Thạch ở Lịch Thành, Sơn Đông, ở núi Thiên Phật cũng có nhiều tượng Di Lặc được tạo vào đời Bắc triều[35].

Hang động Long Môn có lịch sử 1500 năm với hơn 2.340 hang động cùng 110.000 tượng Phật và các đệ tử của Đức Phật. Có nhiều hình ảnh, tranh vẽ, phù điêu đá được chạm khắc cả bên trong lẫn bên ngoài hang đá vôi nhân tạo của vách đá Hương Sơn và dãy núi Long Môn.

Theo kinh văn, Di Lặc sẽ cao 88 cubits (132 feet, 40 mét; xấp xỉ khoảng 80 mét) và sẽ sống trong 88.000 năm. Những tia ánh sáng phát ra từ Ngài sẽ khiến mọi người khó phân biệt được đâu là ngày và đâu là đêm. Những lời dạy của Ngài sẽ được giữ gìn trong 180.000 năm tới.[36] Còn trong phần chú giải của Anagatavamsa, sự thuyết giảng của Ngài sẽ kéo dài trong 360.000 năm.[37]

Còn trong thực tế, việc tạo hình đức Di Lặc có nhiều biến tấu và đặc trưng tùy theo từng khu vực, cụ thể như sau:

1. Hình tượng ngài xuất hiện ở Gandhara (hiện nay là Pakistan, Afghanistan và Tây bắc Ấn Độ) có lẽ còn trước cả hình tượng của Phật Thích Ca (mà có lẽ Ngài thường bị lẫn lộn): Ngài được biểu thị đứng hay ngồi, như một vị Phật được trang hoàng, với tóc dài buông xuống vai hoặc kết thành búi trên đỉnh đầu, hai bàn tay trong tư thế Chuyển pháp luân ấn (Dharmacakra mudra) khi ngồi hoặc làm Giáo hóa thủ ấn/Vitarka và Thí nguyện thủ ấn/Varada khi đứng.[38]

Tượng Bồ tát Di Lặc theo phong cách Gandhara cổ đại tại Pakistan, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 3 SCN
Nguồn metmuseum

Ngoài ra, trong số những hình ảnh ban đầu từ Gandhara, Phật Di Lặc mặc một áo choàng dài giống kiểu áo toga La Mã và đứng hoặc ngồi một cách đường bệ vương giả với một tay bắt ấn Vô úy. Trong nghệ thuật Phật giáo Greco của Gandhara, vào những thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc Ấn Độ, Di Lặc là nhân vật phổ biến nhất được thể hiện cùng với Đức Phật Thích Ca. Ngoài ra, Di Lặc ở đây được thể hiện như một nhà quý tộc miền Bắc Ấn Độ, tay trái cầm một kumbha/vò gốm. Đôi khi đây là một “bình trí tuệ” (Tây Tạng: Bumpa). Bên cạnh Ngài là hai người hầu cận, hai anh em Vô Trước và Thế Thân, những người đã sáng lập ra truyền thống Duy thức tông.

Tượng Phật Di Lặc theo phong cách Gandhara cổ đại. Nguồn: marcopoloauctions

2. Ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI, “các nghệ nhân Phật giáo đã sử dụng thay thế, hoán đổi tên gọi Thích Ca Mâu Ni và Di Lặc… cho thấy chưa có sự phân biệt giữa hai hình tượng này và các hình tượng biểu trưng tương ứng vẫn chưa được thiết lập một cách chắc chắn”.[39]

Một ví dụ là tác phẩm điêu khắc đá được tìm thấy trong lưu trữ của Thanh Châu/Qingzhou dành riêng cho Di Lặc vào năm 529 sau Công nguyên như được ghi chép trong bia ký (hiện tồn lưu giữ ở Bảo tàng Thanh Châu, Sơn Đông). Tín niệm tôn giáo/tín ngưỡng về Di Lặc dường như đã phát triển cùng thời với tín niệm về A Di Đà vào đầu thế kỷ thứ III sau Công nguyên. Bên cạnh đó, đời Tây Tần đã có vẽ tượng Di Lặc (Bình Linh tự ở Cam Túc). Tượng Di Lặc trước đời Tống, Ngũ đại chủ yếu có 2 loại là hình Bồ-tát và hình Như Lai, phân biệt căn cứ vào “Di Lặc thượng sinh kinh”, “Di Lặc hạ sinh kinh”.

Tượng Phật tại Mặc Cao, Cam Túc

  • 1. Di Lặc hình Bồ-tát chủ yếu là biểu hiện hình tượng của Ngài thượng sinh ở cung trời Đâu Suất, giảng kinh cho chư thiên. Lúc này Ngài mặc y phẩm Bồ-tát, hai chân chéo nhau mà ngồi, hoặc là chân trái buông xuống, tay phải chống cằm, ngồi bán già, biểu thị Phật Di Lặc ở cung trời Đâu Suất đợi hạ sinh.
  • 2. Di Lặc hình Như Lai biểu hiện Di Lặc sau khi hạ sinh thành Phật, không có khác biệt gì hơn với tượng Phật Thích Ca.[40]

Do đó, hình tượng Di Lặc thường đặc trưng là ngồi, với cả hai chân đặt trên mặt đất hoặc bắt chéo ở mắt cá chân, trên ngai, đợi chờ đến thời đại của mình. Ngài mặc trang phục của một Tỷ-kheo/Bhikṣu (chư Tăng) hoặc hoàng gia Ấn Độ. Như là một vị Bồ-tát, Ngài thường đứng và mang trang sức. Thông thường, Ngài mang một bảo tháp nhỏ trên chiếc mũ báu biểu trưng cho bảo tháp với di vật của Đức Phật Thích Ca để giúp nhận diện Ngài khi Ngài đến lượt tuyên bố kế vị, và có thể đang cầm một pháp luân đang ngự trên hoa sen. Một chiếc khăn khata (hay khăn ban phước là một tấm lụa mỏng hình chữ nhật, gồm năm màu trắng, đỏ, vàng, xanh lam và xanh nước biển dài từ ba thước đến hơn trượng – một vật dụng bày tỏ sự tôn kính trong Phật giáo Tây Tạng) luôn được buộc quanh eo Ngài như một chiếc đai thắt lưng.

Phật Di Lặc

Theo kinh Bát Đại Bồ-tát Mạn-đà-la và Đại khổng tước minh vương họa tượng đàn tràng nghi quỹ, thân Ngài màu vàng ròng, tay trái cầm quân trì, tay mặt đưa lên hướng ra ngoài làm tư thế thí vô úy. Hình tam muội da là bình hoặc tháp, mật hiệu Tấn Tật Kim Cang.[41]

Trong bộ Phật “Thụ tam thế”, hình tượng thường thấy là những gì đã được miêu tả trong quyển hạ “Họa tượng phẩm” của bộ “Từ Thị Bồ-tát lược tu du nga niệm tụng pháp”, đầu đội mũ Ngũ Như Lai, tay phải cầm hoa sen, trên hoa sen có đặt ấn tháp pháp giới, tay trái làm tư thế thuyết pháp, ngồi theo tư thế kiết già.

Mũ Ngũ Như Lai tức là chiếc mũ có thể hiện hình ảnh của năm vị Phật. “Như Lai” tức là một trong mười xưng hiệu của Phật tổ, ý nghĩa của nó là từ trong cái đạo chân thực đến khai sáng chân lý, kêu gọi chúng nhân đi theo con đường chân lý của Đức Phật để đạt được giác ngộ.

Trong Phật giáo, hoa sen là một loài thực vật rất được coi trọng, nó có khá nhiều hàm nghĩa. Trong cuốn “Duy Ma Cật sở thuyết kinh” có nói, hoa sen sinh ra trong bùn đất hôi tanh, Phật cũng như vậy nên sinh sống trong cõi chúng sinh mà sinh ra Phật pháp cứu độ chúng sinh. Ở trên hoa sen có đặt ấn tháp pháp giới, biểu thị rằng Phật Di Lặc đã biết được tất cả những phiền não của chúng sinh cho nên đã nảy sinh ra lòng từ bi.

Trong phương pháp tạc tượng Phật giáo, tư thế tay thuyết pháp là thủ ấn thường gặp, hình thức của nó thông thường là bàn tay hơi khum tự nhiên, lòng bàn tay hướng về phía trước, năm ngón tay duỗi ra thoải mái hơi cong, biểu thị đang thuyết giảng Phật pháp với chúng sinh.

Ngồi kiết già, tức là ngồi bằng tròn. Hình ảnh của Phật Di Lặc phần nhiều được thấy là hình thức lấy chân trái đặt lên đùi phải, rồi sau đó lấy chân phải đặt lên đùi trái, gọi là thế ngồi “Cát tường” (Cát tường tọa).[42]

3. Ở Tây Tạng, Ngài là một Bồ-tát rất phổ biến, được nhiều người cho là đấng sáng lập nên Mật tông Phật giáo. Theo truyền thuyết, vị hiền nhân Ấn Độ ở thế kỷ IV là Vô Trước đã đến viếng Phật Di Lặc trên cõi trời Đâu Suất và được Ngài truyền dạy bí quyết về Tantra mà sau đó khi quay trở về trần, Vô Trước đã truyền dạy lại cho những môn đồ. Từ thế kỷ VI, hình thức Phật giáo này tiến hóa thành truyền thống Kim Cương thừa (Vajrayana) ở vùng Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya).

Đức Phật Di Lặc theo truyền thống Kim Cương Thừa (Vajrayana)
Đức Phật Di Lặc theo truyền thống Kim Cương Thừa (Vajrayana)

Ở Tây Tạng, khi Ngài được biểu thị ngồi, thì đôi chân buông thõng xuống đất (theo kiểu châu Âu) và được phục trang như một vị Phật. Đây cũng là hình thức thể hiện Ngài ở Java vào thế kỷ VIII ở đền Chandi Mendut. Song Ngài thường được trình bày như một Bồ-tát ở tư thế đứng và được trang sức nhiều châu ngọc, hơn là ở tư thế ngồi. Trong một vài hình ảnh biểu thị Ngài nơi trời Đâu Suất, Ngài ngồi với đôi chân trong tư thế Liên hoa tọa. Ngài được nhận ra với việc mang một bảo tháp (stupa) nhỏ trên đầu tóc. Những tùy vật của Ngài có thể thay đổi, và Ngài có thể cầm một cái bình hay một pháp luân đặt trên hoa sen. Luôn luôn có một chiếc khăn choàng buộc qua ngực. Đôi khi là một mảnh da sơn dương choàng qua vai trái Ngài. Ngài thường cùng với Phật Thích Ca Mâu Ni và Quan Thế Âm Bồ-tát tạo thành bộ tam tôn[43]; thực tế là ở Sri Lanka, nhiều bức tượng lúc đầu được nghĩ là để diễn tả Quan Thế Âm, nhưng về sau đã được giải thích lại là diễn tả Di Lặc.

Tượng Phật tại đền Chandi Mendut
Tượng Phật tại đền Chandi Mendut. Nguồn travelingthruhistory

Cụ thể hơn là hình tượng của Di Lặc Bồ-tát thường là thân màu trắng, có một khuôn mặt hai cánh tay, mặt hiện rõ hình ảnh từ bi, trên đầu đội mũ châu báu ngũ Phật; tay trái cầm một cành cây long hoa, cành hoa hướng lên vòng đến vai trái, bông hoa nở gần tai, trên những cánh hoa có một pháp luân, biểu thị trong tương lai Di Lặc Bồ-tát sẽ hiện thành Phật dưới cây long hoa, đồng thời đến thế gian chuyển luân thuyết pháp; tay phải cầm bình nước, biểu thị trong tương lai Ngài sẽ sinh trong dòng tộc Bà-la-môn; ngồi trong tư thế du hý trên bảo tọa hoa sen.

Cần nói thêm rằng, hình ảnh thường thấy của Di Lặc Bồ-tát là ngồi buông xuôi chân như người bình thường ở trên đài sen sư tử, biểu thị Ngài sẽ bước xuống đài sen, đến thế gian và hoằng pháp độ chúng.

Di Lặc Bồ-tát trong Mạn-đà-la Kim cương giới thuộc về một trong 16 vị Hiền kiếp. Hình tượng của Ngài thường không giống nhau, có rất nhiểu giả thuyết. Trong Mạn-đà-la Thai tạng giới, hình ảnh của Ngài là thân màu đỏ thịt, đầu đội mũ châu báu, trong mũ có bảo tháp (stupa), tay phải kết ấn Thí nguyện, tay trái cầm hoa sen, trên hoa sen có bảo bình.[44]

4. Ở Triều Tiên và Nhật Bản, vào thế kỷ VI, Phật Di Lặc nổi tiếng là khuôn mặt cứu thế sẵn sàng phù hộ độ trì cho thế giới Phật giáo. Vì Phật Di Lặc là vị lai Phật, Ngài thường được miêu tả như là một Bồ-tát, mang vương miện và ngọc ngà châu báu, chỉ ra việc Ngài quan tâm đến trần thế. Ngài thường bị lẫn lộn (cũng giống như ở Trung Quốc) với A Di Đà và Thích Ca Mâu Ni. Trong điêu khắc, đôi khi Ngài bị lẫn lộn với Nyoirin Kannon, một biến thân của Quán Thế Âm. Ở Nhật, Ngài có tôn danh là Jishi Bosatsu (Bồ-tát đầy lòng từ bi) hay Miroku Bosatsu.

Tượng Bồ tát Di Lặc ngồi chất liệu gỗ tại thành phố Kusatsu, Nhật Bản
Tượng Bồ tát Di Lặc ngồi chất liệu gỗ tại thành phố Kusatsu, Nhật Bản

Đầu tiên, người ta tạc tượng Ngài giống thần Hachiman, một hình tượng thần linh hóa hoàng đế Ojin của Nhật (thế kỷ III), và về sau được coi là một sự nhập thể của A Di Đà, làm trung gian giữa Thích Ca Mâu Ni (trông coi thế giới người phàm) và Phật A Di Đà (trông coi thế giới bên kia).

Việc thờ phượng Di Lặc được xác chứng ở Nhật vào thế kỷ VII trong phái Pháp Tướng tông. Năm 612, đền Taima-dera được xây dựng để thờ Ngài. Mặc dù truyền thống của Ngài hình như vẫn còn duy trì không đứt đoạn ở Nhật, và Chân Ngôn tông vẫn coi việc thờ phượng Phật Di Lặc có tầm quan trọng lớn, thế nhưng bất chấp những cố gắng của tông phái Shingon/Chân Ngôn tông, hình tượng Phật Di Lặc vẫn bị che mờ bởi sự tín mộ ngày càng lớn dành cho Phật A Di Đà. Trong Mạn-đà-la Garbhadhatu/Thai Tạng giới, Di Lặc (dưới danh xưng Jishi Bosatsu) được đặt ở hướng Tây bắc của Mahavairocana/Đại Nhật Như Lai, biểu thị cho “kho báu để chúng sinh được hưởng lợi không bao giờ cạn”. Di Lặc là gốc rễ, là thân, cành, lá được sinh ra từ Garbha/thai tạng, trong lòng hạt giống của Bồ-đề tâm thanh khiết.

Trong một Mạn-đà-la khác, Jishi Bosatsu lại được đặt ở hướng Đông bắc của Đại Nhật Như Lai, biểu thị ở trường hợp này là hành động tạo ra minh trí (krtyamusthana-jna-na), như vậy chấp thuận những thỉnh nguyện dâng lên Đức Phật Divya-dundhubhimega-nirgosa. Trong Mạn-đà-la Vajradhatu/Kim cương giới, Ngài là một trong 16 vị Bồ-tát của Hiền kiếp. Ngài được biểu thị với một tay cầm bình hoặc đôi khi giữ một bảo tháp nhỏ. Bảo tháp này có lẽ liên quan đến tín ngưỡng mà theo đó Di Lặc, trong khi giáng thế với tư cách là Phật, sẽ mở một bảo tháp trong đó Ca Diếp (Kasyapa) được cho là đang đợi chờ Ngài đến.

Di Lặc được biểu thị ở Triều Tiên và Nhật Bản hoặc ngồi trong thế Liên hoa tọa (Padmasana), hoặc là trong trạng thái trầm tư (Hanka-shiyui), hai chân vắt chữ ngũ, cổ chân phải đặt lên đầu gối chân trái, chân trái để thõng hay đặt trên mặt đất, hoặc trên một đóa sen.

Tượng Bồ tát Di Lặc (Miroku Bosatsu -Maitreya – 弥勒菩薩) tư thế trầm tư (Hanka-shiyui)

Trong số rất nhiều cách biểu thị, những cách thường thấy nhất là:

– Trong tư thế Hanka-shiyui, ngực trần, với một mũ miện “tam phong đỉnh” hoặc với một vòng xòe lông công, hoặc với hai búi tóc kết thành cuộn tròn, chân trái để trên một đóa sen, tay phải chỉ vừa chạm vào má (hoặc chỉ với hai ngón), bàn tay trái đặt trên mắt cá chân phải. Kiểu dáng này hình như có nguồn gốc Triều Tiên: người ta bắt gặp kiểu này trên nhiều tượng nhỏ của thời kỳ Silla vào các thế kỷ VI và VII. Ở Nhật Bản, kiểu dáng này chủ yếu được biểu thị trước và vào thời Nara (cho đến 794).

– Ngồi trong thế Liên hoa tọa, giống một vị Bồ-tát, với một búi tóc cao và một mũ miện đôi khi trang hoàng với các tượng nhỏ của Ngũ Phật, tay phải giữ thủ ấn Varada/Thí nguyện, tay trái cầm một đóa sen hay một bảo tháp nhỏ. Hoặc hai bàn tay chắp lại, giữ một bảo tháp nhỏ. Hoặc với hai tay trong tư thế Chuyển pháp luân ấn.

– Đứng, giống như một vị Phật, tay phải theo thủ ấn Thí nguyện, tay trái theo thủ ấn Abhaya/Vô úy.

– Đứng, như một Bồ-tát, tay phải buông thõng, tay trái cầm một cái bình đôi khi chứa một hoa sen đỡ một bảo tháp nhỏ.

Trong hội họa, Di Lặc được biểu thị, chủ yếu vào cuối thời đại Kamakura ở Nhật, giống như Amida Nyorai (A Di Đà Như Lai) trong Raigo (Raigō trong Phật giáo Nhật Bản là sự xuất hiện của Đức Phật A Di Đà trên một đám mây “màu tím” vào lúc một người qua đời): đôi khi cầm một đóa sen đỏ trong bàn tay trái. Một hình thức ngoại lệ trình bày Ngài ngồi thế Liên hoa tọa với 1.000 cánh tay, bàn tay phải chính với ngón trỏ đưa lên, bàn tay trái chính cầm một đóa sen bên trên là một bảo tháp nhỏ, những tay kia cầm các trì vật khác – hoa sen, cuộn kinh, ngọc ước cintamani, bình, v.v.[45]

Di Lặc tam tôn chỉ 3 pho tượng: Phật Di Lặc ở chính giữa, Bồ-tát Pháp Âm Luân bên trái, Bồ-tát Đại Diệu Tướng bên phải.

Di Lặc Tam Tôn
Di Lặc Tam Tôn

Theo Hồng-ca-đà-dã nghi quỹ, quyển trung, do Kim Cang Trí dịch vào đời Đường: Trong Lập tùy tâm Mạn-đà-la, chính giữa là Đức Phật Di Lặc, hai bên là Pháp Âm Luân và Đại Diệu Tướng, bốn phía là Tứ Đại thiên vương.[46]

Tác giả: Huỳnh Thanh Bình
Sưu tầm và bổ sung hình ảnh bởi Nguyên Ngôn Đoàn Thoại

—-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[35] Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd., tr.585-587.
[36] Stuart, Daniel M. (2017). The Stream of Deathless Nectar: The Short Recension of the Amatarasadhārā of the Elder Upatissa, A Commentary on the Chronicle of the Future Buddha Metteyya, With a Historical Introduction (PDF). The Fragile Palm Leaves Foundation/Tổ chức The Fragile Palm Leaves and The Lumbini International Research Institute/Viện nghiên cứu quốc tế Lumbini xb, tr.122, 232.
[37] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd, tr.42-43 tr.46-47
[38] Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd, tr.186-193.
[39] Angela Falco Howard và cộng sự (2006). Chinese Sculpture, Đại học Yale xb, tr. 228.
[40] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd, tr.42-43 tr. 46-47
[41] Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd, tr.580-581.
[42] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.
[43] Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd, tr.186-193.
[44] Thích Minh Tuệ (2012). Sđd, tr.192-197.
[45] Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd, tr.186-193.
[46] Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd., phần Di Lặc Thượng Sanh kinh, tr.584-585.

Add Comment