Việc tìm thấy xá-lợi của Đức Phật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong dòng chảy của lịch sử. Nếu những gì còn lại của kim thân Ngài thực sự tồn tại, điều đó chứng tỏ rằng Ngài không phải một vị thần, không phải một thực thể siêu nhiên, mà là một con người thực sự đã từng hiện hữu trong lịch sử.

Theo kinh điển, sau khi Đức Phật nhập diệt, tro cốt của Ngài được phân chia thành 8 phần và đặt trong các bảo tháp tại nhiều nơi trên tiểu lục địa Ấn Độ. Sau đó, một trong những vị vua vĩ đại nhất của lịch sử Ấn Độ – Đại đế Aśoka – đã ra lệnh mở các bảo tháp ấy để phân chia tiếp 8 phần xá-lợi thành những phần nhỏ hơn, rồi xây dựng hàng loạt tháp mới nhằm tôn trí xá-lợi của Đức Phật để những người dân khắp nơi có cơ hội để chiêm bái.

Hiện tại, xá lợi của Đức Phật Thích Ca bao gồm 20 mảnh xương được tôn trí tại Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ (Thủ Đô New Delhi) và 02 mảnh xương được tôn trí ở Bảo tàng Ấn Độ (thành phố Kolkata, West Bengal).

Qua nghiên cứu khảo cổ, việc thờ Xá Lợi tại Bảo tháp Piprāhwā diễn ra 3 giai đoạn từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn
– Giai đoạn đầu tiên
+ Bảo tháp Piprāhwā được xây dựng ngay sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn bởi bộ tộc Thích Ca, những người nhận một phần xá lợi của Đức Phật.
+ Giai đoạn này được khai quật bởi nhà khảo cổ K.M. Srivastava, và đã phát hiện 22 mảnh xương xá-lợi nằm sâu trong lòng đất.

Đầu những năm 1970, dẫn đầu đoàn khai quật của Cục Khảo cổ học Ấn Độ, nhà khảo cổ K.M. Srivastava bước vào một hành trình nhằm tìm kiếm những dấu vết của một di vật thiêng liêng: xá-lợi của Đức Phật.
Khi công việc khai quật được tiến hành từng lớp một, Srivastava và nhóm cộng sự đã phát hiện một tầng gạch nung, đây có thể là tàn tích của một nghi lễ hỏa táng cổ xưa. Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc nhất lại nằm bên dưới lớp gạch đó là hai buồng gạch bị cháy, được ngăn cách bởi một lớp đất sét vàng trộn đá kankar. Trong mỗi buồng đều có một quan tài làm bằng đá xà phòng, được đặt trong kết cấu bao bọc cẩn thận bằng gạch và đất, cho thấy đây là kiến trúc chuyên biệt dùng để bảo tồn xá-lợi.
Tại buồng phía Bắc, sau khi cẩn trọng tháo dỡ ba lớp gạch phía trên, nhóm khai quật phát hiện bên trong quan tài là một hộp đựng xá-lợi bằng đá xà phòng, được đặt sát bên một chiếc đĩa gốm. Cả hộp đá xà phòng và đĩa gốm đều được cố định bằng các mảnh gạch vỡ để tránh xê dịch. Bên trong hộp, các mảnh xương xá-lợi vẫn được bảo quản tốt, không bị phân hủy qua thời gian. Ở buồng phía Nam, một quan tài bằng đá xà phòng lớn hơn được tìm thấy, dù nắp hộp bên trong đã vỡ khiến đất tràn vào. Sau khi loại bỏ lớp đất, các mảnh xương cháy xém giống như hộp ở buồng phía Bắc.

Cả hộp đựng xá-lợi và các mảnh đĩa gốm đều thuộc về văn hóa Đồ đánh bóng màu đen phương Bắc (NBPW) – một phong cách gốm tinh xảo, phổ biến tại miền Bắc Ấn Độ vào khoảng 400-500 trước Tây lịch. Thời điểm ấy không gì khác chính là thời đại Đức Phật nhập Niết-bàn, vào khoảng năm 480 trước Tây lịch.
Quan trọng hơn, những hiện vật này được tìm thấy ở một cấp độ địa tầng thấp hơn, tức là có niên đại sớm hơn so với chiếc hộp đựng xá-lợi có khắc chữ do W.C. Peppé phát hiện vào năm 1898. Điều này cho thấy việc an trí xá-lợi tại địa điểm này đã bắt đầu từ rất sớm, gần như ngay sau khi Đức Phật nhập diệt.
– Giai đoạn thứ 2
+ Gắn với sự mở rộng và trùng tu dưới thời kỳ Hoàng đế A Dục (Aśoka)
+ Trong lần khai quật của Peppé, ông đã phát hiện xá-lợi được bao bọc dưới một cấu trúc gạch nung tốt, được làm từ gạo và rơm, sắp xếp theo các vòng tròn đồng tâm.




Vincent Smith, một học giả người Anh chuyên nghiên cứu về lịch sử Ấn Độ, tin rằng gò đất ở ngôi làng nhỏ tên Piprāhwā ở Uttar Pradesh, Ấn Độ, cách biên giới Nepal chưa đầy một cây số, có thể là một bảo tháp cổ được xây dựng từ thời của đại đế Aśoka1. Vì vậy, ông khuyến khích William Claxton Peppé – một kỹ sư người Anh đang sở hữu khu đất đó – tiến hành khai quật để tìm hiểu về những thứ được vùi lấp dưới mặt đất.
Và rồi, vào tháng 1-1898, những nhát cuốc đầu tiên đã chạm vào lịch sử. Khi đào xuống độ sâu khoảng 18 feet (khoảng 5,5m), họ chạm đến một hòm đá sa thạch lớn bên dưới một bảo tháp bằng gạch nung. Khi mở hòm, bên trong là năm chiếc hộp nhỏ, bao gồm một chiếc hộp pha lê và bốn hộp steatite (đá xà phòng) hình bầu dục có nắp đậy và được chạm khắc tinh xảo. Điều quan trọng nhất là các hộp này không chỉ chứa nhiều hiện vật quý giá, bao gồm đồ trang trí bằng vàng, đồ trang sức, và những vật hiếm thấy mà còn có cả những mảnh xương có niên đại lâu đời2. Những mảnh xương này, về sau, được xác định là xá-lợi của Đức Phật Thích Ca lịch sử.

Khi phủi những lớp đất phủ trên bình đá steatite, một dòng văn khắc bằng ký tự Brāhmī xuất hiện: “Sukiti-bhatinaṃ sabhaginikanam sa-puta-dalanam iyaṃ salila-nidhane Budhasa bhagavate sakiyanam”3 với nội dung tạm dịch như sau: “Hòm đựng xá-lợi này của Đức Phật đáng kính của dòng tộc Śākya, (là sự cúng dường) của những người anh em của Sukīrti, cùng với các chị em, các con trai và những người vợ của họ.
– Giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng
+ Giai đoạn cuối cùng của bảo tháp diễn ra trong thời đại Kushan, khoảng 250 năm sau triều đại của Aśoka. Trong giai đoạn này, bảo tháp được nâng chiều cao và chân tháp được xây dựng theo hình vuông. Bên cạnh đó, các tòa nhà tu viện cũng được xây dựng xung quanh bảo tháp, cho thấy sự phát triển của trung tâm Phật giáo tại Piprāhwā dưới sự bảo trợ của vương triều Kushan. Bằng chứng về điều này được xác nhận bởi những dấu niêm phong bằng đất nung có chữ Devaputra, một danh hiệu thường dùng cho các vị vua Kushan.
Năm 1973, sự chú ý được dồn về tu viện phía Đông. Khi các phòng và hành lang phía Bắc của tu viện được khai mở, một loạt ấn triện bằng đất nung có khắc chữ bắt đầu xuất hiện, không tập trung trong một kho cụ thể, mà rải rác tại các độ sâu từ 1,05 đến 1,75 mét. Tổng cộng khoảng bốn mươi ấn triện bằng đất nung đã được phát hiện, phần lớn có hình tròn, một số mang dáng bầu dục. Chữ khắc trên đó được phân thành ba nhóm: Nhóm thứ nhất mang dòng chữ: “Om Devaputra Vihare Kapilavastu Bhikkhusamghasa” (Tại tu viện Devaputra, của Tăng đoàn Kapilavastu). Nhóm thứ hai ghi: “Maha Kapilavastu Bhikshusamghasa” (Của Đại Tăng Kapilavastu). Và nhóm thứ ba là các dòng tên riêng của những vị Tỳ-kheo, trong đó một niêm nổi bật ghi: Sarandasasa.
Tất cả những dòng chữ này đều viết bằng chữ Brahmi cổ, có niên đại từ thế kỷ I-II. Đặc biệt, năm 1974, một nắp bình gốm có khắc dòng chữ giống nhóm ấn triện thứ nhất cũng được phát hiện tại tu viện này. Những dấu vết này khẳng định: tu viện phía Đông tại Piprāhwā là một trung tâm Phật giáo quan trọng, được xây dựng dành riêng cho Tăng đoàn Kapilavastu. Danh xưng “Devaputra” trên các ấn triện đất nung cũng là chi tiết đặc biệt, vì nó thường được dùng bởi các vị vua triều đại Kushan – một minh chứng cho thấy tu viện này có thể đã được xây dựng hoặc bảo trợ dưới thời hoàng đế Kushan như Kaniṣka I, người nổi tiếng với việc truyền bá Phật giáo khắp vùng Trung Á và tiểu lục địa. Những phát hiện những di vật này đã chứng minh cho sự phát triển phồn thịnh của một tu viện Phật giáo thuộc thời đại Kushan.

Tổng hợp bởi Nguyên Ngôn Đoàn Thoại