Đức Phật giải thích lý do chọn Kusinaga làm nơi qua đời như truyền thống nhập niết-bàn của các Phật quá khứ. Đồng thời, đức Phật kể về kiếp quá khứ của ngài làm vua Đại Thiện Kiến thích bố thí, không bóc lột chư hầu, xây dựng chánh pháp khắp nước, dứt dục vọng, sân hận, não hại; tu từ, bi, hỷ, xả, chứng đắc bốn thiền, an nhiên trong sinh tử.

Trước lúc qua đời, đức Phật ôn lại những giáo pháp căn bản: bảy sức mạnh của quốc gia và tăng đoàn, bảy tài sản thánh, bảy yếu tố giác ngộ, bảy quán tưởng dứt trừ khổ đau, sáu yếu tố hòa hợp; vai trò của giới, định, huệ; năm nguy hiểm do phạm giới, tứ thánh đế, cảnh giới tái sinh, tin sâu Tam bảo, tu chính niệm, phát tâm cúng dường, không có mật pháp và tám giải thoát.

Kinh phân tích 12 mắc xích sự sống gồm vô minh, hành, thức, danh – sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão, tử theo hai chiều thuận và nghịch. Đây là 12 mắc xích đẩy con người vào luân hồi. Chấp ngã là nguồn gốc khổ đau và tu tập giải thoát qua tám cách khác nhau.

Kinh này kể các tích truyện về sáu vị Phật quá khứ trước Phật Thích-ca lịch sử gồm cách sinh đứng, có 32 tướng đại nhân, xuất gia vì lý tưởng, khuyến khích tu tập đạo đức và thiền định, thuyết pháp phù hợp căn tính, truyền bá bốn sự thật vì lòng thương tưởng đời, mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Thấy sự nguy hiểm và mặt trái của biểu diễn các thần thông biến hóa, đức Phật đề cao “giáo hóa thần thông” tức “giáo dục là phép mầu” chuyển hóa khổ đau bằng cách giáo dục đạo đức và thiền định để chấm dứt 5 trói buộc tâm để trải nghiệm tâm thơi thới, hoan hỷ, khinh an, lạc thọ, định tĩnh.