MỜI QUÝ VỊ TẢI XUỐNG TẠI ĐÂY
Nếu bản Việt ngữ của pho sách “Đạo Ca Milarepa” đến được tay bạn đọc thì phải nói đây chính là đến từ tình yêu thương và sự gia trì vĩ đại của đức Milarepa cùng chư Thầy Tổ.
Vào cuối mùa hè năm 2012 sau khi chúng tôi trở về từ đỉnh núi thiêng Lapchi cùng với Garchen Rinpoche (nơi đức Milarepa đã từng ẩn tu suốt nhiều năm tháng trong những hang động hun hút gió, lạnh băng băng), bỗng có một hôm, tôi đã bị thôi thúc với một cảm giác như òa vỡ trong lòng, rằng phải làm sao để “Trăm Ngàn Bài Chứng Đạo Ca” và tinh túy giác ngộ đến từ bản tâm chiếu soi và công phu tu luyện cực kỳ gian khổ của Milarepa – món quà vô giá mà Milarepa đã để lại cho hậu thế – sẽ đến được với độc giả người Việt một ngày không xa! Cảm giác thôi thúc ấy, từ một nơi nào đó sâu thẳm trong tâm khảm, đã bất chợt vùng dậy như thủy triều, làm cho tôi choáng ngợp và những giọt nước mắt cứ thế mà tuôn rơi.
Nhưng pho sách đạo ca ấy, một tác phẩm tâm linh đồ sộ, nào phải là một tác phẩm dịch thuật bình thường. Nếu là người chưa thực sự phát nguyện mạnh mẽ, và không phải là người có đủ tâm đức để có thể hy sinh thời gian và công sức hoàn tất công tác dịch thuật khó khăn trong cái thế giới bận rộn quay cuồng này, thì việc ấy làm sao có thể thành? Phải mất bao nhiêu năm trời, bao nhiêu tim óc mới có thể dịch cho xong một tác phẩm vĩ đại như thế? Khi ấy tôi đã tự hỏi mà chẳng có câu trả lời, chỉ biết ngồi im, vừa ôm tim vừa ôm sách! Và rồi tôi bỗng sực nhớ lại câu chuyện và nguyện ước chân thành mà có một lần ở tại Việt Nam, có hai em đạo hữu trẻ tuổi cũng đã tâm sự với tôi khoảng hơn hai năm trước đây, về pho sách này. Tôi liền đi ra trước bàn thờ, và tôi bắt đầu khấn nguyện đức Milarepa!
Khoảng chưa đến mười hôm sau đó, sau khi tôi gửi đến trang nhà của Thư Viện Hoa Sen một bài viết mà tôi đã cảm hứng biên soạn sau khi về lại từ núi thiêng Lapchi, viết về bà Dagmema, người phối ngẫu của Đạo Sư Marpa, là người có công nuôi dưỡng, săn sóc Milarepa trong suốt thời gian Ngài phải hứng chịu sự rèn luyện sắt đá của Marpa ‒ thì một cách rất tình cờ, mà thực ra cũng chỉ là do nhân duyên lúc bấy giờ đã đầy đủ, tôi đã liên lạc được với dịch giả Đỗ Đình Đồng. Đó là bởi vì cùng vào ngay thời điểm ấy, tôi vô tình đọc thấy một bài ông cũng vừa mới gửi đăng trên trang Thư Viện Hoa Sen. Ở dưới bài dịch ấy của ông, tôi thấy ông ghi tên thành phố nơi ông ở, có cả ngày tháng năm. Nhìn thấy con số năm 2012, tôi đã ngạc nhiên reo lên, “Ồ, Đỗ Đình Đồng vẫn còn sống!”
Dịch giả Đỗ Đình Đồng là người đã chuyển dịch tập tiểu sử “Milarepa, Con Người Siêu Việt” qua tiếng Việt và phát hành lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu thập niên 70. Nhiều năm trước đây, dịch giả Thanh Liên đã gửi tặng chúng tôi tập sách ấy. Đó là một quyển sách đã cũ mèm, in trên giấy vàng ố, có những trang đã rách bươm được dán keo lại. Anh Thanh Liên đã tìm thấy nó tại một khu chợ chuyên bán sách cũ ở Việt Nam. Tôi trân quý tập sách tiểu sử ấy lắm. Nhiều lần tôi cũng đã băn khoăn tự hỏi, không biết dịch giả Đỗ Đình Đồng bây giờ ở đâu, làm gì, và trong những suy nghĩ hết sức ngu ngơ của mình, tôi cứ đinh ninh đấy là một ông lão, và ông lão ấy chắc đã qua đời từ lâu lắm rồi. Thật là hết sức ngô nghê!