Kệ Tụng Đản Sinh Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn

KỆ TỤNG ĐẢN SINH ĐỨC THÍCH CA MÂU NI THẾ TÔN
Phước Nguyên

Khi đức Thích tôn đản sinh, tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất, nói bốn câu kệ. Các kinh điển ghi chép không giống nhau. Có khá nhiều luận giải của các nhà học giả, luận sư, giải thích theo nhiều xu hướng và trường phái khác nhau. Do đó, ở đây chúng tôi thấy không cần thiết phải có thêm một bản chú giải khác. Nên chúng tôi chỉ xin giới thiệu một vài kệ tụng đản sinh tiêu biểu trong các kinh điển, để chúng ta có một cái nhìn khái quát sự kiện đản sinh của Đức Thích Ca Mâu Ni.

Kinh Trường A – hàm quyển 1: Trên trời và dưới trời, chỉ có ta tôn quí; Sẽ cứu độ chúng sinh, qua sống già bệnh chết[1].

Kinh Tu hành bản khởi quyển thượng: Trên trời và dưới trời, duy có ta tôn quí; Ba cõi đầy khổ đau, ta sẽ được yên ổn[2].

Đại đường tây vực kí quyển 6: Trên trời và dưới trời, một mình ta tôn quí; Từ đời này trở đi, không còn sinh ra nữa[3].

Ngoài ra, trong kinh Quá khứ hiện tại nhân quả quyển 1, kinh Phổ diệu quyển 2 v.v.. tuy có những câu văn mà ý nghĩa tương đương với kệ Đản sinh, nhưng không phải thể tài kệ tụng. Kệ đản sinh được dùng một cách phổ biến ở Trung Hoa và một số nước ảnh hưởng truyền thống Phật giáo Trung Hoa hiện nay là: Trên trời và dưới trời, duy có ta tôn quí; Ba cõi đều khổ đau, ta sẽ được yên ổn (Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn; Tam giới giai khổ, Ngã đương an chi).”

Lời tuyên bố này, được ghi chép lại trong rất nhiều kinh điển thuộc Hán tạng:

Theo kinh Trường A Hàm I, “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử” (Trên trời dưới trời chỉ mình Ta là tôn quý. Việc cần yếu của ta là độ chúng sanh thoát ly sanh già bệnh chết – Kinh Đại Bổn Duyên)

Kinh Tu Hành Bản Khởi ghi “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Tam giới vi khổ, ngô đương an chí” [4] (Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, Ta sẽ làm cho chúng sanh an lạc)

Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi chép “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Tam giới giai khổ, hà khả lạc giả ?”[5](Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý nhất. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc ?).

Kinh Phổ Diệu nói “Thiên thượng thiên hạ vi thiên nhân tôn”[6] (Trên trời dưới trời Ta là bậc tôn quý của trời và người).

Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi thuật “Thiên thượng thiên hạ, tôn vô quá ngã giả”[7] (Trên trời dưới trời bậc tôn quý nhất không ai bằng Ta).

Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả ghi “Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ”[8] (Ta, đối với tất cả hàng trời người là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử từ nay chấm dứt).

Kinh Phật Bản Hạnh Tập ghi “Thế gian chi trung, ngã vi tối thượng. Ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận”[9](Ở trong thế gian, Ta là bậc cao nhất. Từ nay, việc sanh tử của Ta đã đoạn tận).

Ngoài ra, còn nhiều kinh sử khác như : Phật Sở Hành Tán[10], Đại Đường Tây Vực Ký quyển sáu, Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự quyển hai mươi v.v.. đều có thuật lại sự kiện Đản sanh. Tuy có khác biệt đôi chút về phần cuối kệ tụng, song đa phần vẫn thống nhất ở phần đầu kệ : “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

Ở đây, tôi xin giới thiệu thêm thi kệ được ghi chép rất cụ thể hơn, nằm trong Phương Quảng Đại Trang Nghiêm kinh, do ngài Đại Bà Đa La dịch vào đời nhà Đường như sau:

“ Khi sinh ra, ngài bước đi về Phương đông có bảy hoa sen đỡ chân, lúc bấy giờ ngài không có chút nào sợ hãi, nói mạch lạc như sau:

Ngã đắc nhất thiết thiện pháp

Đương vị chúng sinh thuyết chi

Dịch:

Tôi sẽ thành tựu nhất thiết thiện pháp

Và sẽ vì chúng sinh mà nói pháp.

Ngài lại đi bảy bước về phương Nam và nói:

Ngã ư nhân thiên ứng thọ cúng dường

Dịch:

Tôi xứng đáng nhận sự cúng dường, của chư thiên và loài người.

Ngài lại đi bảy bước về phương Tây và nói:

Ngã ư chúng sinh tối tôn, tối thắng

Thử tức thị ngã, tối hậu biên thân

Tận sanh lão bệnh tử

Dịch:

Ở trong thế gian, Tôi là tối tôn,

Tôi là tối thắng, thân cuối cùng của tôi,

Là chấm dứt sanh, lão, bệnh tử.

Ngài lại đi bảy bước về phương bắc và nói:

Ngã đường ư nhất thiết chúng sinh trung vi thượng thượng

Dịch:

Tôi sẽ ở nơi vô số chúng sinh,

Làm bậc vô thượng thượng

Ngài lại đi bảy bước xuống hạ phương và nói:

Ngã đương hàng phục nhất thiết ma quân,

Hựu diệt địa ngục chi mảnh hỏa đảnh,

Sở hữu khổ cựu, thi đại pháp vân

Vũ đại pháp vũ, đương tận chúng sinh

Tận thọ an lạc.

Dịch:

Ta sẽ hàng phục hết thảy ma quân,

Lại diệt trừ những tác cụ khổ đau, như lửa dữ…

Ở nơi địa ngục, thi thiết mây pháp lớn

Tuôn trào mưa pháp lớn,

Khiến chúng sinh đều được an lạc

Ngài lại đi bảy bước nhìn lên thượng phương và nói:

Ngã đương vị nhất thiết chúng sinh chi sở chiêm ngưỡng

Dịch:

Tôi sẽ làm người cho hết thảy chúng sinh chiêm ngưỡng.

Lúc Thế Tôn nói vừa xong, âm thanh của ngài vang khắp ba ngàn thế giới.”

Đọc tới đây, chắc không ít người sẽ thắc mắc. Tại sao Đạo Phật chủ trương vô ngã “Như Thế Tôn ngôn: Nhứt thiết pháp vô ngã?” (Bách Pháp Minh Môn Luận, Thế Thân); Như lời Thế Tôn nói: Tất cả Pháp là Vô ngã? Vậy tại sao khi ngài đản sinh, câu nào ngài nói, cũng có đề cập đến “ngã” hay duy ngã độc tôn 唯我獨尊? Chỉ có ta là tôn quí hơn hết. Căn cứ theo kinh Đại bản trong Trường A-hàm ghi lại sự kiện đức Thế tôn sinh ra từ hông bên phải của mẫu hậu Ma da phu nhân, sau khi xuống mặt đất, Ngài đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, giơ một tay lên nói[11]: Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Tiếng Anh dịch câu này là: Above Heaven and under Heaven I am alone and worthy of honor (Sakyamuni) hay In the heavens above and (earth) beneath I alone is the honoured one: Trên trời, dưới trời, chỉ có ta là đáng kính trọng, tôn kính. Thích Môn Qui Kính Nghi quyển thượng giải thích rằng, vì ở

Ấn độ thời bấy giờ có 96 thứ ngoại đạo đều tự gọi là Đại thánh, là thầy trời và người, vì muốn khiến tà về chính nên đức Thế tôn thị hiện tướng đi bảy bước, đưa tay lên trời mà nói: “Duy ngã độc tôn” để biểu thị trong ba cõi chỉ có Phật là tôn quí, sẽ cứu độ tất cả trời, người dứt khổ sống chết, khiến hết thảy chúng sinh đều được yên vui, mà ngoại đạo không thể có khả năng làm như vậy được. Còn các tà đạo khác chẳng phải là chỗ để chúng sinh nương cậy, vì thế nên nói: Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.

EDWARD CONZE trong một bài viết, đã giải thích như sau: “Trên trời dưới trời, riêng ta cao nhất. Trên trời dưới trời riêng ta tôn quý nhất.” Đó là lời Đức Phật lúc Ngài mới giáng sanh từ bên sườn phải Hoàng Hậu Ma Da và bước bảy bước đầu tiên. Đây không phải là một câu nói cao ngạo mà là câu nói để chứng tỏ rồi đây Ngài sẽ hiểu được sự đồng nhứt của bản tánh thật của toàn vũ trụ, chứ không phải là bản ngã theo thế tục. Lời tuyên bố nầy cũng là thường pháp của chư Phật ba đời. Đối với Đại Thừa, Ngài là tiêu biểu cho vô lượng chư Phật trong vô lượng kiếp[12].

Tóm lại, có khá nhiều dị biệt về văn bản và chú giải thi kệ đản sinh, mà ở trên chúng Tôi đã trình bày vài điểm tiêu biểu, góp phần giúp chúng ta, mỗi người có thể tự hiểu thêm về ý nghĩa hay mục đích thị hiện của Đức Phật. Để thành kính dâng lên, tưởng nhớ vị Cha lành, nhân lần đản sinh thứ 2639 của Ngài. Và cũng để nhắc nhở chúng ta cùng nhau tinh tấn tu tập, ngõ hầu báo đáp công ơn giáo hóa trong muôn một.

Mùa Phật đản 2559,

Phước Nguyên

[1] Cf. Trường I, Đại 1, tr.4c.

[2] Đại chánh 3, tr. 463c.

[3] Đại chánh 51, tr. 902ab.

[4] Đại Chánh 3, tr. 463c.

[5] Ibid, tr. 473c.

[6] Ibid, tr. 494a.

[7] Ibid,tr . 618a

[8] Ibid, tr. 625a

[9] Ibid, tr.687b.

[10] Đại chánh 4, tr.1b.

[11] Cf. Trường I, Đại chánh 1, tr.4c.

[12] Cf. Buddhist Thought in India, Edward Conze, London, 1962.

Add Comment