MỜI QUÝ VỊ TẢI XUỐNG TẠI ĐÂY
Luận Đại thừa trang nghiêm kinh (大乘莊嚴經論, Mahāyānasūtralaṃkāra), nằm trong Đại tạng kinh bản Đại chánh số 1604, gồm 13 quyển, 24 phẩm, do đại sĩ Vô Trước (無著, Asaṅga, 294 – 376) 1 luận giải. Theo truyền thuyết thì luận này được Vô Trước biên tập sau khi đã thụ giáo với bồ tát Di Lặc (Maitreya) trên cung trời Đâu Suất. Nói cách khác, luận này bao gồm những câu kệ của Di Lặc và những lời chú giải của Vô Trước. Phạn ngữ là Mahāyānasūtralaṃkāra, trong đó Mahāyāna là đại thừa (大乘), sūtra là kinh (經), ālaṃkāra là trang nghiêm (莊嚴).
Đời Đường, từ năm 630 đến năm 633, ngài Ba la phả mật đa la ( 波羅頗蜜多羅, Prabhākaramitra) dịch luận này với danh đề Đại thừa trang nghiêm kinh luận. Nhiếp đại thừa luận bản 2 đề cập đến luận này với danh xưng Đại thừa kinh trang nghiêm luận (大乘經莊嚴論). Trong Nhiếp đại thừa luận thích 3 nói về luận Đại thừa trang nghiêm kinh như sau: “Luận nói: ‘Thêm nữa, trong luận Đại thừa trang nghiêm kinh có năm bài kệ tụng làm rõ đạo lý này.’ Giải thích: Nghĩa lý của kinh thì sâu kín khó hiểu. Như thật thấu rõ nghĩa lý chính xác của kinh, nên gọi là luận Trang nghiêm kinh. Luận giải kinh (sâu kín khó hiểu) này nên được tên là Trang nghiêm. Trong luận Trang nghiêm kinh có nhiều nghĩa lý. Nay chỉ lược lấy năm bài kệ tụng. Các kệ tụng này muốn hiển thị những gì? Các kệ tụng này hiển thị các liễu nghĩa khó hiểu trong tu đạo.
Vũ Tỉnh Bá Thọ (宇井伯壽), học giả Nhật Bản, giải thích, đây là luận thích để trang nghiêm kinh Đại thừa. Học giả Nhật Bản Khố Cốc Hiến Chiêu (袴谷憲昭) thì cho rằng đây là luận thích kinh Trang nghiêm, bản kinh của đại thừa. Học giả G.Tucci căn cứ luận Đại thừa trang nghiêm kinh, luận Hiện quán trang nghiêm (現觀莊嚴論, Abhisamayālaṃkāra) và Hiện quán trang nghiêm luận quang minh chú (現觀莊嚴論光明注, Abhisamayālaṃkārāloka) mà cho rằng “trang nghiêm” như là một thể loại chú thích, với mục đích hệ thống hóa kinh điển đại thừa, từ đó hình thành một hệ thống mới là Du già phái mà có sự liên kết chặt chẽ với triết lý Phật giáo đại thừa.
Sylvain Lévi (1863-1935), học giả người Pháp, dịch luận này từ bản Sanskrit mà ông phát hiện ở Nepal vào năm 1898. Bản sao Sanskrit của luận này nằm trong Mahāyānasūtralaṃkāra, Exposé de la doctrine du Grand Véhicule selon le Systeme Yogacara, vol. I, Paris 1907; còn bản dịch tiếng Pháp của luận này nằm trong Mahāyānasūtralaṃkāra, Exposé de la doctrine du Grand Véhicule selon le Systeme Yogacara, vol. II, Paris 1911. Ngoài ra, đại học Ryukoku 5, Kyoto, sở hữu hai bản tiếng Sanskrit của luận này.
Trong Tạng bản Tengyur, luận này có danh xưng là Theg pa chen po mdo sde’i rgyan gyi bśad pa, do ngài Śākyasiṃha (Thích ca sư tử, 釋迦獅子) và ngài Ka ba dpal brtsegs (Già bạch phổ tử kết, 迦白普子結), sống ở cuối thế kỷ thứ 8, dịch từ Phạn ngữ ra Tạng ngữ. Thế kỷ 11, bản luận này được ban thiền Parahita (Bạt nhiệt ê đa, 拔热醯多), đại sư Sajjana (Tát gia na, 薩加那) và dịch giả Ngog Loden Sherab (Nga la đan hiệp nhiêu, 俄羅丹協饒) hiệu đính hoàn chỉnh.
Bản Sanskrit có 21 phẩm 6. Ngài Ba la phả mật đa la chia luận này thành 24 phẩm 7: chia phẩm Mahāyānasiddhi (21 kệ tụng) của bản Sanskrit thành 2 phẩm: Duyên khởi (8) và Thành tông (17); chia phẩm 17 Pūjāsevāpramāna (66 kệ tụng) của bản Sanskrit thành 3 phẩm: Cúng dường (5), Thân cận (7) và Phạn trú (49); và chia phẩm Caryāpratistha (2 phần, 61 kệ tụng) thành 2 phẩm: Hành trú (27) và Kính Phật (19). Bản Tây tạng có 21 phẩm 8, nhưng chia phẩm Mahāyānasiddhi (21 kệ tụng) của bản Sanskrit thành 2 phẩm: Adi (6) và siddhi (15) và kết hợp 2 phẩm cuối của bản Sanskrit thành 1 phẩm Caryāpratistha (61).