Lược sử Đức Phật Di Lặc theo truyền thống Mật tông

LƯỢC SỬ ĐỨC DI LẶC
Lama Thubten Yeshe
Từ bài thuyết Pháp ở Maitreya Institut, Hòa Lan, tháng 9 năm 1981
Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ, Võ Thư Ngân hiệu đính

Đức Phật Di Lặc Mật Tông

Từ vô lượng a tăng kỳ kiếp trước, trong khi cúng dường nhiều phẩm vật, Đức Di Lặc đã thọ bồ tát giới với Đại Lực Như Lai (Tub chen), trước sự hiện diện của nhiều vị Phật khác. Từ lúc đó, Ngài đã hướng dẫn vô lượng chúng sanh trên đường tu tam vô lậu học (giới, định và tuệ), nhờ vậy mà dẫn dắt họ qua tam thừa (Thanh văn, Độc giác và Bồ tát), đến giác ngộ.

Trong khi tu tập như Bồ tát, Ngài chuyên thiền quán về tâm đại từ. Ngài không chỉ giảng dạy đường tu này cho người khác, mà còn liên tục thiền quán về nó. Ngài thường đứng trước cổng thành và tư duy về lòng từ. Thời thiền của Ngài mạnh mẽ đến nỗi khi mọi người đến và đi qua cổng, nếu đến gần đủ để chạm vào chân Ngài, thì họ sẽ chứng ngộ tâm đại từ. Điều này khiến cho tất cả các bậc tôn quý trong mười phương hài lòng. Chư Phật hoan hỷ với công hạnh của Ngài, và thọ ký rằng trong những kiếp vị lai, với tư cách là một Bồ tát và một vị Phật, ngài sẽ được biết với Pháp danh “Từ Thị” (Di Lặc; Jhampa). Đây là cách Ngài thọ nhận Pháp danh.

Trong một kiếp nọ, Ngài sinh ra là con trai của một bậc đại vương có một ngàn con trai. Vị vua này muốn biết thứ tự mà các con trai của ông sẽ thành tựu giác ngộ, nên đã để tên của họ vào trong một cái bát, sau đó rút từng tên một ra xem. Danh hiệu của Đức Di Lặc đứng hàng thứ năm, và Đức Phật của thời đó, tức Như Lai Vô Lượng Tri (Yon ten pa ye) đã tiên tri rằng Ngài sẽ là vị Phật thứ năm của thời hiện tại, Đức Thích Ca Mâu Ni là vị thứ tư.

Cuối cùng, Đức Di Lặc đã tiến tu qua tất cả các đường tu. Ngài đã thành tựu địa thứ mười, là giai đoạn cao nhất của một vị Bồ tát, rồi sau đó là một vị Phật giác ngộ viên mãn. Sau khi thành tựu mức hoàn hảo tối thượng này, ngài đã hiển lộ nhiều khía cạnh khác nhau trong vô số cõi Phật, và hiện nay, nơi an trú của Ngài là cõi Tịnh Độ Đâu Suất. Ở đó, Ngài ban pháp Đại thừa cho vô số đệ tử là các đại Bồ tát, và chính ở cõi Đâu Suất mà Ngài đã thuyết ngũ luận lừng danh cho bậc thánh vĩ đại là ngài Vô Trước. Đức Di Lặc còn ban nhiều giáo lý khác, phù hợp với nhu cầu của các đệ tử khác nhau. Trong khắp mười phương, Ngài thị hiện như vô lượng đạo sư, dìu dắt vô số chúng sinh trên đường tu đến giác ngộ viên mãn.

Cuối cùng, sẽ đến lúc Đức Di Lặc thị hiện như vị Phật thứ năm trong thời đại của thế gian này, chuyển Pháp luân vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Điều này sẽ diễn ra theo cách sau đây. Trong tương lai, vì tâm si mê tăng trưởng, nên chúng sinh trên thế gian này sẽ suy tàn. Thọ mạng của họ sẽ giảm sút và tràn đầy đau khổ. Khi thọ mạng của con người chỉ còn mười năm, thì Đức Di Lặc sẽ thị hiện trong sắc tướng của một đạo sư cao cả, hiển bày con đường đức hạnh. Ngài sẽ đặc biệt truyền bá giáo lý về lòng từ, và kết quả là vận mệnh của chúng sinh trên thế gian này sẽ bắt đầu thay đổi. Khi dần dần từ bỏ thái độ mê lầm và hành vi tai hại, thì thọ mạng của họ sẽ gia tăng. Sau rất nhiều thời đại, thọ mạng của con người sẽ tăng lên rất nhiều, rồi lại giảm dần cho đến khi tuổi thọ của con người còn khoảng một trăm năm. Theo lời tiên tri của chư Phật và lời hứa của chính Ngài, đây sẽ là thời điểm mà Phật Di Lặc sẽ xuất hiện trên thế gian này, như một đạo sư toàn cầu.

Cha của Ngài sẽ được gọi là Bà-la-môn Đại Bi (Tramze Tsang rab) và mẹ Ngài là Người Trẻ Trung (Tsang Denma). Đức Di Lặc sẽ được sinh ra từ bên hông, khi bà đứng trong một khu vườn, và vua Trời Đế Thích (Indra) vĩ đại sẽ cung thỉnh vị Phật vừa đản sinh với lòng sùng mộ mãnh liệt. Ngay lập tức, vị hài nhi Di Lặc sẽ bước bảy bước theo bốn hướng, và những hoa sen sẽ nở ra ở mỗi một nơi mà Ngài đặt chân đến. Rồi Ngài sẽ tuyên thuyết rằng: “Ta là vị cứu tinh vô song trên thế gian, và đã đến để giúp tất cả chúng sinh thoát khổ. Đây sẽ là tái sinh cuối cùng; ta sẽ không có tái sinh nào khác nữa.”. Sau khi nghe điều này, tất cả các đấng siêu phàm và thần linh trên thế gian sẽ tùy hỷ, thực hiện nhiều hành vi tịnh hóa và cúng dường các phẩm vật tuyệt đẹp cho Ngài. Sau đó, người cha kiêu hãnh của Ngài sẽ đưa Ngài đi khắp nơi trong thành phố, để người dân cũng có thể tùy hỷ với báu vật mới của mình. Các nữ thần xinh đẹp sẽ cúng dường hoa cho Ngài và các bậc đại thánh sẽ tiên đoán rằng ngay trong kiếp này, Ngài sẽ trở thành một vị Phật giác ngộ viên mãn.

Sau đó, Ngài sẽ sống đời sống của một hoàng tử. Đến lúc phải đi học, Đức Di Lặc sẽ là người đứng đầu trong số bốn ngàn tám mươi đệ tử, và khi đến lúc kết hôn, Đức Di Lặc sẽ có nhiều vợ, và sẽ chung sống với họ nhiều năm. Rồi một lễ hội tôn giáo lớn của người Bà la môn sẽ diễn ra trong vương quốc của Ngài. Trong lễ hội này, Đức Di Lặc sẽ cho thấy Ngài đã chứng ngộ bản chất vô thường của vạn pháp, và nhìn thấy tấm gương của các nhà sư khổ hạnh, Ngài sẽ tuyên bố từ bỏ luân hồi, có ý muốn rời xa đời sống vương giả, noi theo đời sống tu hành. Quyết định này sẽ khiến những người xung quanh bị sốc nặng đến mức toàn bộ cung điện và thê thiếp của Ngài sẽ bay lên vũ trụ.

Sau đó, khi đã quyết định từ bỏ lối sống vương giả, Đức Di Lặc sẽ vào rừng. Toàn thể chư Thiên và thánh nhân sẽ tùy hỷ với lòng quyết tâm của Ngài, và sẽ cầu nguyện cho sự thành công của Ngài, bảo vệ và chăm sóc Ngài khi Ngài thiền định. Noi gương Ngài, nhiều thê thiếp và một ngàn bốn mươi người trong đoàn tùy tùng của Ngài, cùng với đông đảo cư dân thành thị sẽ đi theo Ngài với lòng sùng mộ lớn lao, và cũng thọ giới xuất gia như hành giả tu tập.

Trong bảy ngày, Đức Di Lặc sẽ noi theo lối sống khổ hạnh, không ăn uống. Rồi sau khi chấm dứt thời thiền định, Ngài sẽ nhận bát sữa từ vợ của mình là Da way Tong chen. Nhờ vậy mà Ngài thấy sảng khoái, và sẽ tọa thiền trong tư thế kiết già vững chắc như kim cang, và quyết tâm không ngưng thời thiền định, cho đến khi thành tựu giác ngộ. Tối hôm đó, Ngài sẽ chiến thắng mọi sự quấy nhiễu của ma quỷ và các thế lực tà vạy (mara), và vào nửa đêm, sẽ nhập định thậm thâm. Cuối cùng, khi mặt trời mọc vào sáng hôm sau, Đức Di Lặc, người đã thật sự giác ngộ viên mãn từ nhiều thời đại trước, sẽ chứng tỏ thành tựu Phật quả viên mãn và hoàn hảo vì lợi lạc của chúng đệ tử may mắn. Sau đó, giống như tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, Ngài sẽ dẫn dắt vô số chúng sinh thoát khổ và noi theo đường tu tỉnh thức.

Trong bảy ngày sau khi chứng ngộ, Đức Di Lặc sẽ im lặng quan sát các đệ tử tương lai. Sau đó, Đế Thích, vua của chư Thiên, sẽ cúng dường Ngài một luân xa bằng vàng và các phẩm vật tuyệt đẹp đối với ngũ quan, thỉnh cầu Ngài chuyển Pháp luân vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Để đáp ứng thỉnh cầu này, Đức Di Lặc sẽ thuyết Tứ diệu đế của bậc tôn quý, và từ đó, đưa hàng triệu đệ tử đến giải thoát.

Trong suốt thời gian thuyết Pháp lâu dài, Đức Di Lặc sẽ chuyển Pháp luân cao quý ba lần, và mỗi lần như vậy thì vô số đệ tử sẽ đến nghe thuyết Pháp. Những giáo lý này sẽ là những sự kiện to lớn, không chỉ thu hút các đệ tử sinh ra trên trái đất, mà còn có nhiều chư Thiên, daka, dakini và những chúng sinh từ các cõi khác. Nhiều người trong số những người tề tựu để thọ nhận những giáo lý này sẽ trở thành A la hán, Bồ tát, thậm chí là những vị Phật giác ngộ viên mãn ngay lập tức. Nhờ oai lực của thân, khẩu, ý thánh thiện, Đức Di Lặc sẽ dẫn dắt và làm hài lòng tất cả những người đã tề tựu theo nhu cầu và năng lực cá nhân của họ. Đối với một số người, Ngài sẽ ban pháp Tiểu thừa, đối với những người khác, Ngài sẽ ban pháp Đại thừa. Nhờ vậy, Ngài sẽ dẫn dắt vô số đệ tử qua tam thừa, đến giải thoát và giác ngộ.

Trích từ Đức Di Lặc của Lama Thubten Yeshe, Luận Giải Về Mật Điển Hành Động Của Đức Di Lặc, được thuyết giảng tại Maitreya Institut, Hòa Lan, tháng 9 năm 1981. (C) Wisdom Publications, 1985

Nguồn: Thư viện hoa sen

Add Comment