Khi những hạt mưa đầu mùa bắt đầu tí tách, con ve gọi hè bổng náo nức râm rang, những giọt xuân cuối cùng sắp sang, nhường chổ cho hạ về ngập tràn nắng sáng, cũng là lúc người con Phật ở khắp nơi trên thế giới, lại một lần nữa cung kính chào mừng ngày đại lễ Đức Phật Đản Sanh.
Hơn 2500 năm đã trôi qua, trong quá khứ cũng như hiện tại, nếu là người con Phật ai cũng thấy trong lòng nao nức, ai cũng muốn đem hết những gì mình có và có thể làm được, để trang nghiêm đại lễ, để cúng dường ngày Phật Đản Sanh và nghi thức diễu hành xe hoa trong ngày Đại Lễ Phật Đản của Phật Giáo Bắc Truyền có nguồn gốc từ tâm nguyện này.
Nghi thức diễu hành xe hoa trong Đại Lễ Phật Đản Phật Giáo Bắc Truyền có nguồn gốc từ Ấn Độ được truyền đến Đông phương. Ngày xưa nghi thức này được gọi là “Hành Tượng” có nghĩa là dùng xe được trang sức bằng châu báu, chở tượng Phật đi nhiễu khắp phố phường nhân lễ Phật Đản. Trong sách Đại Tống Tăng Sử Lược chép: “Hành Tượng là do từ khi Phật nhập Niết Bàn, nhiều vị Vua cũng như đại thần, buồn vì mình không đủ duyên để được thấy Phật, cho nên tạo tượng Phật Đản Sanh, hoặc là tượng Thái Tử, để lên xe đưa đi tuần du khắp thành để chiêm ngưỡng”. Đây là khởi nguyên của nghi thức hành tượng trong Phật Giáo.
Vào thế kỷ thứ 5 khi ngài Pháp Hiển đến Ấn Độ, lúc bấy giờ ở Tây Vực cũng như Ấn Độ nghi thức hành tượng rất thịnh hành và Ngài Pháp Hiển đã từng xem nghi thức này. Trong sách Pháp Hiển Truyện chép: “Pháp Hiển cùng đoàn của ngài muốn xem nghi thức hành tượng, tháng ba thì đến nước Vu Điền, ở trong một ngôi chùa lớn của nước ấy, trong nước đó có 14 ngôi Đại Già Lam, còn các ngôi chùa nhỏ thì nhiều vô kể. Đến ngày mồng 1 tháng 4, tất cả những đường lớn nhỏ trong thành đều được quét dọn tưới nước sạch sẽ, trên cổng thành giăng màng trướng gấm vóc, treo đèn kết hoa.
Vua cùng phu nhân, cung nữ đến cổng thành, trước tiên thỉnh ngài Diệu Ma Đế là vị Tăng tinh thông Đại Thừa học, được vua kính trọng, đi đầu đoàn xe hoa chở tượng Phật. Cách cổng thành khoảng ba, bốn dặm làm chiếc xe voi bốn bánh, cao hơn ba trượng, có hình dáng như một cung điện, trang sức bằng bảy thứ báu, treo các thứ tràng phang bảo cái, tượng Phật được đặt ở giữa xe, có hai vị Bồ Tát hầu ở hai bên và rất nhiều hình tượng của chư thiên chúng, đều chạm trỗ bằng vàng bạc, treo trên hư không, khi xe báu chở tượng Phật đến còn cách cổng thành khoảng chừng 100 bước, Vua cởi mão, mặc đồ mới, bưng các thứ hương hoa, dẫn đoàn tùy tùng xếp thành hai hàng, ra ngoài nghinh đón, tung hoa đốt hương, cuối đầu đảnh lễ.
Khi xe chở tượng Phật vào thành, Phu nhân cùng cung nữ từ trên cổng thành rãi hoa cúng dường. Mỗi ngôi chùa trong thành đều có một xe hoa chở tượng Phật, các đồ trang sức trang nghiêm trên mỗi xe đều khác nhau. Mỗi ngày là một chùa tổ chức nghi thức hành tượng, từ ngày mồng 1 cho đến ngày 14 thì kết thúc, khi kết thúc lễ hành tượng rồi thì nhà vua cùng phu nhân mới hồi cung.”
Thế kỷ thứ 7 Ngài Huyền Trang đến Ấn Độ cũng từng chứng kiến nghi thức diễu hành xe hoa trong đại lễ của Phật Giáo. Trong sách Đại Đường Tây Vực Ký quyển 1 Nước Khuất Chi chép: “Cổng thành lớn phía tây, hai bên đường đều có tượng Phật đứng, cao hơn sáu bảy thước…Trong các ngôi Già Lam, chư Tăng dùng các thứ châu báu trang nghiêm tượng Phật, dùng các thứ gấm vóc lụa là trang trí xe hoa, để thỉnh tượng Phật đi diễu hành…”.
Phật Giáo cuối thế kỷ thứ 1 đầu thế kỷ 2 theo con đường tơ lụa truyền vào Trung nguyên, theo đường trên biển truyền vào Việt Nam và nghi thức Hành Tượng được truyền vào Việt Nam rất sớm, trong sách Ngô Chí có đoạn chép: “…ở Giao Châu…khi ra đường người ta thường nghe tiếng kiểng, lẫn tiếng trống kèn những người rợ Hồ (chỉ các vị Tăng và Phật tử người Ấn) đi theo thắp hương hai bên có từng đoàn xe có mười người..”.
Tại Trung Quốc nghi thức Hành Tượng (diễu hành xe hoa) cũng được truyền vào và rất thịnh hành, trong sách Ngụy Thư. Thích Lão Chí chép: “năm 424 Khi vua Thế tổ mới kế vị, làm lễ tôn phong cho vua Thái Tổ và Thái Tông, vào ngày mồng 8 tháng 4, khi xe hoa chở tượng Phật của các chùa diễu hành, trên đường phố trong kinh thành, nhà Vua lên cổng thành ngự lãm, rãi hoa, kiền thành kính lễ. Đến đời vua Hiếu Văn Đế năm Thái Hòa thứ 2 (497) chiếu lịnh cho cung nghinh hết thảy các xe hoa chở tượng Phật vào trong cung, để nhà vua tán hoa cúng dường, và sau đó trở thành thông lệ thường niên”.
Trong các sách như Phật Tổ Thống Kỷ quyển 38, sách Lạc Dương Già Lam Ký quyển 3, sách Thành Nam Cảnh Minh Tự đều có ghi chép miêu tả cảnh tượng về nghi thức diễu hành xe hoa trong lễ Phật Đản như: “Chùa Cảnh Minh được xây dựng vào năm Cảnh Minh, cho nên có tên gọi như vậy…. Ngày mồng 7 tháng 4 tất cả xe hoa chở tượng Phật của các chùa trong Kinh sư vân tập về đây. Bộ thượng thư lại kiểm có hơn ngàn xe, đến ngày mồng 8 đoàn xe hoa thứ tự vào thành, qua cổng Tuyên Dương, đến trước hoàng cung, để thọ nhận Hoàng Đế rãi hoa cúng dường.
Vào ngày đó, hoa vàng sáng rực trời, bảo cái nhiều như mây, tràng phan, cờ phướng nhiều như rừng, nhang khói như mù sương, Phạm nhạc pháp âm, rung chuyển trời đất, cả trăm thứ hý kịch của nhân dân múa hát cúng dường Phật Đản. Danh Tăng đức chúng, chống tích trượng đi cả đoàn, Tín đồ pháp lữ, cầm hoa đi vô số, đường phố lớn nhỏ, người người đông nghịt. Bây giờ có các vị Tăng Tây Vực thấy cảnh tượng như vậy, thốt lên; thật đúng là nước Phật”. Qua sự miêu tả trên đây cho chúng ta thấy nghi thức diễu hành xe hoa trong lễ Phật Đản được du nhập rất sớm vào Phật Giáo Bắc Truyền và đến thế kỷ thứ 4, 5 thì đã rất thịnh hành trở thành nghi thức không thể thiếu trong Đại Lễ Phật Đản Phật Giáo Đông Độ.
Từ thời Nam Bắc Triều đến Tùy, Đường, Tống nghi thức diễu hành xe hoa có tượng Phật ngày một thịnh hành và phát triển, bắc có Tây Hạ, tây đến Tứ Xuyên, nam các tỉnh Hồ Quảng đều lưu hành nghi thức hành tượng còn được gọi là nghi thức “Hành Thành” hoặc là “Tuần Thành”, trong sách Pháp Uyển Châu Long quyển 23 có đoạn chép: “…đến ngày mồng 8 tháng 4, Thành Đô diễu hành xe hoa chở tượng Phật…”. Trong sách Tuế Thời Quảng Ký quyển 20, đời Tống có đoạn dẫn “Hình Sở Tuế Thời Ký” chép: “trong năm đến ngày mồng 8 tháng 2, ngày Phật hạ sanh, ngày Phật thành đạo, những nhà theo Đạo Phật trì Bát quan trai giới, làm xe có bảo cái… đến ngày lễ trì hương hoa đi khắp thành một vòng, gọi là Hành Thành.”. Trong sách Tăng Sử Lược đời Đường chép: “Khi tượng vàng từ chùa Cảnh Hưng được thỉnh ra, Vua cho 100 lính Dực Lâm quân khiên kiệu, đoàn nhạc rước do đội nhạc của cung đình đảm trách… xe hoa chở tượng Phật cùng với tràng phan, bảo cái che cả một góc trời…đây là nghi thức Hành Thành của Đại Đường vậy”.
Đến đời nhà Tống phía bắc có nước Liêu, phía nam có Đại Việt, đương thời Phật Giáo ở hai nước này rất thịnh hành và đã trở thành quốc giáo. Nghi thức diễu hành xe hoa trong ngày lễ Phật Đản cũng được tổ chức hết sức trang nghiêm và long trọng, không thua kém gì ở Trung Hoa. Trong sách Liêu Sử quyển 53 chương Lễ Chí và sách Khiết Đan Quốc Chí đều có chép về nghi lễ hành tượng trong ngày lễ Phật Đản của nước này: “…Đến ngày Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh, ở Kinh Đô cũng như các Châu, Quận, dùng gỗ chạm tượng Phật, đội nghi trượng, nhạc lễ thỉnh rước cả trăm người, thỉnh tượng đi diễu khắp thành..”
Nước ta đến thời Lý, Trần nước nhà độc lập hưng thịnh, lúc bấy giờ Phật Giáo đã trở thành quốc giáo, được vua chúa kính tin, nhân dân quy ngưỡng, cho nên ngày lễ Phật Đản cũng như nghi thức Hành Tượng diễu hành xe hoa trong ngày đại lễ đã thành quốc lễ của dân tộc Việt Nam, vì vậy từ vua quan đến thứ dân ai ai cũng vui mừng, cung kính, nô nức đón chào ngày đại lễ.
Trong sách Thơ Văn Lý Trần dịch văn bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh đã miêu tả rất chi tiết không khí lễ hội: “Nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến thoái nhịp nhàng; tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa”, hay “Sai phụng thường chỉnh đốn kiệu xe, khiến phong bá quét sạch bụi bặm. Khói trầm đàn như mây toả khắp sơn khê, bóng cờ phướng như ráng phô đầy các ngả.
Chuông trống vang ầm, khánh tiêu rộn rã. Phía trước xe mây Tam bảo, đằng sau kiệu báu thánh hoàng. Dốc nghiêng xanh tía sáu cung, về hết trẻ già muôn nước. Điện hoa vắt ngang phía trước, chùa Phật mở rộng bên trong. Hội Tăng Ni trai khiết, diễn Giác Đế chân kinh.
Hoàng đế nghiêm trang, đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ. Cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng sữa múa ca. Thổi cơm chay trắng muốt, thết khách đói qua đường, phát tiền quý ùn ùn, cấp dân nghèo khắp chốn. U hiển đều về, thiên long cùng đến; đem lực công tối thượng, phúc đức vô lường, ca ngợi hoàng cương vững bền như trời đất. Cầu mong bảo vận vằng vặc như trăng sao; sớm sinh thái tử, nối mãi mệnh trời. Mong gốc ngành muôn thuở, cầu xã tắc muôn năm. Cỏ lướt nhiều phương, quỳ nghiêng muôn nước”.
Đất Nước Việt Nam, Dân Tộc Việt Nam, Phật Giáo luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước từ thưở hồng hoang đến ngày độc lập thạnh trị, không thời điểm nào, không phút giây nào mà không có sự đóng góp của Phật Giáo và hồng ân của Đức Phật cho đất nước này, dân tộc này cho nên tất cả những vị minh quân, anh hùng dân tộc đã khai sáng những thời đại độc lập và vinh quang cho đất nước Việt Nam, từ Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đến Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, và các chúa Nguyễn trong buổi đầu đi mở cõi và lập quốc ở đàng trong, như Nguyễn Hoàng (chúa Tiên), Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi), Nguyễn Phúc Lan (chúa Hiền), Nguyễn Phúc Tần (chúa Nghĩa), Nguyễn Phúc Chu (xứng đáng để được tôn vinh là chúa Phật), tất cả đều là những người con ưu tú của dân tộc Việt, là đệ tử của bậc Đại Pháp Vương, cho nên họ chí thành cung kính long trọng cử hành lễ Phật Đản Sanh là việc làm cụ túc ý nghĩa chân thành và cảm ơn đúng theo truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Phật Giáo như gắn chặt, có mặt hầu hết trên các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, triết học, nghệ thuật, âm nhạc, xã hội.v.v… đâu đâu cũng thấy vết tích của Phật Giáo. Đến khi Chúa Nguyễn mang gươm đi mở cõi, một dãi trời nam lại hiện bóng từ bi, Phật Giáo lại cùng với dân tộc vào miền đất mới, trong quá trình mở cõi tạo tác sơn hà, Phật Giáo lại chứng minh truyền thống đồng hành cùng dân tộc của chính mình, và chính nơi miền đất mới hình thành hai trung tâm Phật Giáo mới của Phật Giáo Việt Nam đó là trung tâm Phật Giáo Bình Định và trung tâm Phật Giáo đế kinh Thuận Hóa.
Trung tâm Phật Giáo Bình Định đem ánh sáng của Phật Giáo Đại thừa đại chiếu nam phương, đem Lâm Tế thiền tông khai tâm đất Chân Lạp, dựng Phật đạo tràng hoằng hóa khắp chốn sông nước bưng biền. Trung Tâm Phật Giáo tại Đế Kinh Thuận Hóa được các đời vua chúa hết tâm hộ trì và kính ngưỡng, cho nên tục Phật huệ mạng, thỉnh thập phương danh đức, khai đàn thí giới.
Nguyên Thiều truyền pháp mạch, Liễu Quán lập tân tông, Vua chúa tác đạo nhân, danh Tăng nhập Đế khuyết, pháp hội, đạo tràng theo duyên khai mở, giới hội, hạ kỳ lần một ứng cơ, có thể đem so với Luy Lâu thuở trước, không kém cùng Diên Hựu ngày xưa. Nếu như đủ duyên nên trở lại Huế trong mùa Phật Đản chiêm ngưỡng nghi thức Hành Tượng từ chùa Diệu Đế đến Từ Đàm ta sẽ cảm thấy được nguyên vóc dáng, hình hài, dấu vết của nghi lễ Phật Giáo thời đại Lý Trần đón lễ Phật Đản Sanh.
Ngày nay truyền thống diễu hành xe hoa, cũng như nghi thức Hành Tượng theo cổ lệ của Phật Giáo Việt Nam trong Đại Lễ Phật Đản có thể nói chỉ còn ở Huế và cũng chỉ có Phật Giáo Huế tổ chức Phật Đản là đầy đủ sắc màu truyền thống nhất, bởi vì Phật Giáo là văn hóa truyền thống chủ đạo của Huế, và cộng với tâm chí thành của người con Phật ở Huế đối với Đức Từ Bi.
Nhưng song song với sự gìn giữ nghi thức truyền thống của Phật Giáo Huế thì Phật Giáo cả nước lại tạo nên một hình ảnh Đại Lễ Phật Đản mới, mới cả tư duy và hình thức, đem Phật Đản vào đời, trang nghiêm hoành tráng theo mô típ của văn hóa nghệ thuật đương đại, cũng xe hoa nhưng thắm màu hiện đại, thay lễ Hành Tượng bằng cờ Phật Giáo và hình ảnh Đức Phật rực rỡ khắp mọi nơi, có thể nói cả nước đón ngày Phật Đản trong tâm niệm, cổ kim một niềm kính lễ, mọi miền chung một tâm vui. Chúc Phật Giáo Việt Nam thêm một mùa Phật Đản, Tăng Già hòa hợp, Tín chúng tấn tu, gìn giử truyền thống cho mai hậu, phát huy tinh thần hiện đại hóa Phật Giáo, để Đạo Phật ngày một nhập thế hơn.