TẢI XUỐNG EBOOK PDF MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY
Từ hơn hai ngàn năm qua đã có rất nhiều các luận thuyết đưa ra nhằm giải thích hệ thống Nhân Duyên (hay Pháp Duyên Khởi) của Đức Phật. Tuy nhiên, cho đến nay, Thánh Lý này vẫn còn ẩn chứa nhiều Diệu Pháp chưa được nhận thức thích đáng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên, trong đó, xét về mặt thực tế, có hai lý do chủ yếu:
(1) Phần lớn các luận thuyết đã không vận dụng sát sao những lời dạy của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni để lý giải các pháp môn của Đức Phật.
(2) Đồng thời các luận thuyết đã không được y cứ theo các nguyên tắc của phương pháp luận nghiên cứu khách quan, nên đã không tránh khỏi mang tính chủ quan của nhà luận giải.
Do vậy, bản giải mã này căn cứ theo hai nguyên tắc căn bản:
_ Thứ nhất, vận dụng chính những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để giải mã hệ thống pháp Nhân Duyên. Trung thành với nguyên tắc đó, ngay trong phần nội dung quan trọng của lời tựa này cũng xin trân trọng ghi lại những lời khuyến giáo của Đức Thế Tôn về các Đại căn cứ địa tối quan trọng mà các đệ tử Phật phải luôn ghi nhớ:
“– Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có vị trưởng lão, vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo
sư””.
Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương xứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy từ bỏ chúng. — Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ kheo nói như sau: “Tại trú xứ kia có vị trưởng lão,
vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với vị trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với vị trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: “Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư””.
Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la hán, Chánh Ðẳng Giác và các Trưởng lão ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Đại căn cứ địa thứ tư các Thầy cần phải thọ trì.” (Xem thêm các Đại căn cứ địa thứ nhất, thứ hai, thứ ba trong Tăng Chi tập 2, Chương 4, tr.135-140 = [I.4.180.2-9])
_ Thứ hai, bản giải mã này căn cứ trên Phương pháp luận nghiên cứu khách quan khoa học trong việc phân cấp thứ tự các tài liệu, kinh văn. Theo những nguyên tắc khách quan khoa học này, các Kinh điển nguyên thủy Nikāya và Luật Pātimokkha được kết tập lần đầu tiên phải được xem là các kinh văn tài liệu cấp I, là tư liệu nguồn; và phải được dùng làm căn bản để nghiên cứu, so sánh, đối chiếu đầu tiên. Chính vì lẽ đó, tất cả các trích dẫn trong phần giải mã này đều dựa theo bộ Đại Tạng Kinh Nikāya bản dịch Việt ngữ từ nguyên bản chữ Pāli của Hòa Thượng Thích Minh Châu.
Hy vọng bản giải mã này, cũng như tất cả các luận thuyết từ trước đến nay, sẽ được tham cứu và tìm hiểu theo tinh thần nêu trên.
TK Pani Giới Pháp