Pháp tu tín ngưỡng Đức Di Lặc Thiên Tôn

I. Sự công nhận Đức Di Lặc của hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền

Tôn Tượng Phật Di Lặc
Tôn Tượng Phật Di Lặc theo truyền thống Gandhara có niên đại thế kỷ thứ 3 SCN

1.1. Kinh điển Nam truyền Pali

Vấn đề liên quan đến việc Bồ Tát Di Lặc được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký sẽ thành vị Phật nối tiếp Ngài trong thời tương lai đã được ghi nhận sớm nhất tại Ấn Độ trong bản Kinh Cakkavatti Sutta (Kinh Chuyển Luân Vương Thánh Vương Sư Tử Hống) ở Digha Nikaya (Trường Bộ 26) thuộc Kinh Tạng Pali.

Trường Bộ Kinh | Digha Nikaya. 26. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavati-Sìhanàda sutta)

25. Này các Tỷ kheo, khi tuổi thọ loài Người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya sẽ ra đời, là vị A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn; như Ta nay sanh ra ở đời này, là bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình biết, chứng, và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời, loài Người; như Ta hiện nay tự mình biết, chứng và tuyên thuyết quả đất này, gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, Thế giới này với Sa môn, Bà la môn, loài Trời và loài Người. Vị này sẽ thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; như Ta hiện nay thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ và tuyên thuyết đời sống phạm hành hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỷ kheo Tăng đoàn; như Ta hiện nay có khoảng vài trăm vị Tỷ kheo Tăng đoàn vậy.

26. Này các Tỷ kheo, vua Sankha sẽ cho thiết lập cung điện mà vua Mahà Panada đã thiết lập. Sau khi thiết lập, vua trú tại đó. Sau vua lại bố thí cung điện ấy, dâng cúng cho các vị Sa môn, Bà-la-môn, các hàng bần cùng, du đãng, ăn xin, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình dưới sự chỉ đạo của Thế Tôn Metteyya, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. Vị này xuất gia như vậy, sống một mình, biệt lập, tinh tấn, trì chú, chuyên tâm, chẳng bao lâu chứng được vô thượng phạm hạnh, mà vì mục đích này các thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Với vô thượng phạm hạnh này, ngay trong hiện tại, vị này tự tu, tự chứng, đạt đến và an trú.
(Bản dịch của Thượng Tọa Thích Minh Châu)

Sau đó truyền thống Di Lặc sẽ thành Phật trong thời vị lai được ghi nhận trong một số Kinh Bản và được lưu trữ trong Tạng Hán Văn

1.2. Kinh điển Bắc truyền Phạn văn

Đức Phật Di Lặc Mật Tông

Kinh Phật thuyết Pháp Diệt Tận ghi rằng:

“Lúc Pháp của Ta diệt thời cũng như đèn diệt, từ đây về sau khó thể đếm nói. Như vậy sau đó hàng ngàn vạn năm thời Di Lặc (Maitreya) sẽ xuống Thế Gian làm Phật (Buddha), thiên hạ thái bình, độc khí tiêu trừ, mưa thấm nhuần ôn hoà thích hợp, năm loại lúa đậu tươi tốt, cây cối lớn dài, người cao tám trượng đều sống đến 84 ngàn tuổi, chúng sinh được độ chẳng thể xưng đếm”.

Kinh Chuyển Luân Vương Tu Hành (trích trong Kinh Trường A Hàm do HT Thích Tuệ Sĩ dịch) có ghi:

“Khi thọ mạng kéo dài đên bốn vạn tuổi, người bấy giờ lại suy nghĩ: ‘Chúng ta do tu thiện mà tuổi thọ kéo dài thêm. Vậy nay hãy tăng thêm một ít điều thiện nữa. Nên tu tập điều thiện gì? Ta nên hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng.’ Từ đó mọi người đều hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ sư trưởng, và thọ mạng tăng lên đến tám vạn tuổi.
“Trong lúc nhân loại sống tám vạn tuổi, con gái đến năm trăm tuổi mới gả chồng, và có chín thứ bịnh là lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, tham dục, ham ăn và già. Cõi đất lúc ấy bằng phẳng không có rạch hầm, gò nổng gai gốc, cũng không mòng muỗi, rắn rết, trùng độc. Ngói, đá, cát, gạch thì biến thành lưu ly. Nhân dân sung túc, ngũ cốc rẻ thường, dồi dào, phước lạc không xiết tả. Có tám vạn thành lớn được dựng lên, thôn thành san sát gần nhau, gà gáy cùng nghe được.

“Vào thời kỳ ấy thì có đức Phật ra đời hiệu là Di-Lặc Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ, như đức Thích-ca Như Lai ngày nay không khác. Đức Di-lặc kia ở giữa hàng Chư Thiên, Đế Thích, Ma, Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn, và nhân gian, mà tự thân tác chứng, cũng như Ta ngày nay ở ngay giữa hàng Chư Thiên, Đế Thích, Ma hoặc Thiên Ma, Sa-môn, Bà-la-môn và nhân gian mà tự mình tác chứng vậy.

“Đức Di-lặc sẽ thuyết pháp, khoảng đầu, giữa và cuối đều trọn lành, đầy đủ nghĩa vị, tịnh tu phạm hạnh, như ngày nay Ta thuyết pháp, khoảng đầu, giữa, cuối đều chân chánh, nghĩa vị đầy đủ, phạm hạnh thanh tịnh vậy.

“Đức Di-lặc có chúng đệ tử vô số ngàn vạn, như Ta ngày nay có đệ tử vài trăm. Nhân dân lúc ấy gọi đệ tử ngài là Từ tử như gọi đệ tử ta nay là Thích tử.

Kinh Thuyết Bổn (trích trong Kinh Trung A Hàm do Thích Tuệ Sĩ dịch) ghi là:

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ tám vạn tuổi sẽ có Đức Phật hiệu là Di-lặc, Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; cũng như hôm nay Ta đã thành vị Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

“Đức Phật ấy ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
“Đức Phật ấy sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Đức Phật ấy sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện.

“Đức Phật ấy sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như Ta hôm nay có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”

Bấy giờ Tôn giả Di-lặc đang ở trong chúng ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo lệch áo đang mặc, vòng tay hướng về Đức Phật, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

“Con sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.

“Con sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.

“Con sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Thế Tôn có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn tán thán Tôn giả Di-lặc rằng:

“Lành thay! Lành thay! Di-lặc, ngươi phát tâm cực diệu là dẫn lãnh đại chúng. Lý do vì sao? Vì ngươi đã nghĩ:

“– Bạch Thế Tôn! Một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ mạng đến tám vạn tuổi, con sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Cũng như bây giờ Đức Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Con sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Thế Tôn ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Con sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Thế Tôn hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Con sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Thế Tôn hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.”

Đức Phật lại nói: “Này Di-lặc, vào một thời gian lâu dài ở thời vị lai, lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, ngươi sẽ thành Phật hiệu là Di-lặc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Giống như Ta hiện nay là Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

“Ngươi sẽ ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ. Cũng như hôm nay Ta ở trong đời này gồm Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ người cho đến trời, mà tự tri tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trụ.
“Ngươi sẽ thuyết pháp, phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh. Cũng như Ta hôm nay, thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu và phần sau cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

“Ngươi sẽ quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi, hiển hiện. Cũng như Ta hôm nay quảng diễn, lưu bố phạm hạnh với những đại hội vô lượng, từ người cho đến trời, khéo phát khởi hiển hiện.

“Ngươi sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo, cũng như hiện giờ Ta có vô lượng trăm ngàn chúng Tỳ-kheo.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Phật. Lúc đó, Đức Thế Tôn quay lại

bảo:

“Này A-nan, ngươi hãy lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại đây. Nay Ta muốn cho Tỳ-kheo Di-lặc.”

Bấy giờ Tôn giả A-nan vâng lời Đức Thế Tôn, liền lấy tấm y được dệt bằng sợi tơ vàng dệt mang lại trao cho Đức Thế Tôn. Sau khi Đức Thế Tôn nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng từ Tôn giả A-nan, Ngài bảo:

“Này Di-lặc, ngươi hãy nhận tấm y được dệt bằng chỉ vàng này từ Như Lai mà bố thí cho Phật, Pháp và Đại chúng. Lý do vì sao? Này Di-lặc, các Đức Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác vì muốn cứu hộ thế gian và mong cầu thiện lợi và hữu ích, mong an ổn khoái lạc.”

Bấy giờ Tôn giả Di-lặc nhận lấy tấm y dệt bằng chỉ vàng từ Đức Như Lai xong, liền dâng cúng cho Phật, Pháp và Đại chúng.

Đến thời kỳ phát triển Phật Giáo thì các Kinh Bản có liên quan đến tín ngưỡng Di Lặc đã được phổ biến khá sớm tại Trung Quốc, bắt đầu từ thời Nam Bắc Triều, dần dần thịnh hành tại đời Đường, hình thành pháp tu Di Lặc Tịnh Độ và kéo dài đến cho ngày nay. Trong đó có 6 Bộ Kinh thuật lại việc Bồ Tát Di Lặc sinh lên cõi Trời Đâu Suất và từ cung Trời Đâu Suất hạ sinh xuống cõi Diêm Phù Đề thành Phật, cùng Quốc Độ, thời tiết, nhân duyên, chủng tộc, xuất gia, thành Đạo và chuyển bánh xe Pháp.

6 Bộ Kinh này được lưu trữ trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 14, gồm có:

  • 1_ Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên Kinh, 1 quyển, [do Cư Sĩ Thư Cừ Kinh Thanh dịch ở đời Liêu Tống Nam Triều] (No.452)
  • 2_ Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Kinh, 1 quyển, [do Tam Tạng Trúc Pháp Hộ dịch ở đời Tây Tấn, năm 303] (No.453)
  • 3_ Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật Kinh, 1 quyển, [do Tam Tạng Cưu Ma La Thập dịch ở đời Hậu Tần, năm 402] (No.454)
  • 4_ Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sinh Thành Phật Kinh, 1 quyển, [do Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh dịch ở đời Đường, năm 701] (No.455)
  • 5_ Phật Thuyết Di Lặc Đại Thành Phật Kinh, 1 quyển, [do Tam Tạng Cưu Ma La Thập dịch ở đời Diêu Tần, năm 402] (No.456)
  • 6_ Phật Thuyết Di Lặc Lai Thời Kinh, 1 quyển, [Đời Đông Tấn, mất tên người dịch ] (No.457)

Trong 6 Bộ Kinh này thì 3 Bộ Kinh số 454, 455, 456 được gọi riêng là Di Lặc Tam Bộ Kinh.

II. Tín ngưỡng Đức Di Lặc Thiên Tôn

Từ 6 Bộ Kinh trên được lưu trữ trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh đã xuất hiện các Pháp Môn tu tập theo tín ngưỡng Đức Di Lặc Thiên Tôn là

1_ Tín ngưỡng Di Lặc Thượng Sinh: là Tín ngưỡng tu hành dựa theo tinh thần của Kinh Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên, cầu sinh về Tịnh Độ của Phật Di Lặc tại Cung Trời Đâu Suất. Đại Sư Đạo An ở đời Đông Tấn (314-385) là người khởi xướng và hành trì Pháp Môn này. Ngài đã từng cùng Đệ Tử Pháp Ngụ và tám người khác ở trước tượng của Đức Di Lặc phát nguyện vãng sanh về cung Trời Đâu Suất. Tiếp theo là các Ngài: Đạo Kiểu, Tăng Nghiệp, Huệ Nghiêm, Đạo Uông, Đạo Pháp, Pháp Thịnh, Đàm Phó, Đàm Vô….Đến đời Đường, các Ngài Huyền Trang, Khuy Cơ cũng hoằng dương tín ngưỡng Thượng Sinh Đâu Suất và tín ngưỡng này trở thành truyền thống của Pháp Tướng Tông.

Các Chú Sớ về Kinh Di Lặc Thượng Sinh gồm có:

  • Di Lặc Kinh Du Ý, 1 quyển của Ngài Cát Tạng
  • Di Lặc Thượng Sinh Kinh Tông Yếu, 1 quyển của Ngài Nguyên Hiểu
  • Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên Kinh Tán (hay Di Lặc Thượng Sinh Kinh Sớ), 2 quyển do Ngài Khuy Cơ soạn.

2_ Tín ngưỡng Di Lặc Hạ Sinh: là tín ngưỡng tu hành dựa theo tinh thần của các Kinh Di Lặc Hạ Sinh và Kinh Phật nói Pháp Diệt Tận… cầu mong được sinh vào cảnh Tịnh Độ giữa nhân gian khi Đức Di Lặc ra đời, thành Phật dưới cây Long Hoa và nói Pháp 3 Hội để cứu độ chúng sinh. Đây là thuyết Long Hoa Tam Hội.

Các Chú Sớ về Kinh Di Lặc Hạ Sinh gồm có:

  • Di Lặc Hạ Sinh Kinh Sớ, 1 quyển của Cảnh Hưng
  • Di Lặc Hạ Sinh Kinh Nghĩa Sớ, 1 quyển của Thiện Châu
  • Di Lặc Hạ Sinh Kinh Thuật Tát, 1 quyển (không rõ người biên soạn)

3_Tín ngưỡng khác về Đức Di Lặc

Ngoài tín ngưỡng Di Lặc Tịnh Độ ra, Pháp tu theo Đức Di Lặc còn được ghi nhận qua nhiều Kinh Bản khác

.) Kinh Nhứt Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân Từ Tâm Nhân Duyên Bất Thực Nhục (No.183) ghi nhận tiền thân của Đức Di Lặc.

.) Đời Tây Tấn, Tam Tạng của nước Nguyệt Chi là Trúc Pháp Hộ dịch một quyển Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Bản Nguyện Kinh (No.349)

.) Đời Hậu Ngụy, Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chí đã dịch Bộ Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc Kinh (còn gọi là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh) gồm 2 quyển và Bộ Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh Luận gồm 9 quyển (No.1525).

.) Bộ Mật Giáo, tập 20 ghi nhận 4 Bộ Kinh liên quan đến Bồ Tát Di Lặc là:

  • 1_ Từ Thị Bồ Tát Lược Tu Dũ Nga Niệm Tụng Pháp, 2 quyển [do Tam Tạng
  • Thiện Vô Úy dịch ở đời Đường] (No.1141)
  • 2_ Phật Thuyết Từ Thị Bồ Tát Đà La Ni, 1 quyển [do Minh Giáo Đại Sư Pháp Hiền dịch ở đời Tống] (No.1142)
  • 3_ Phật Thuyết Từ Thị Bồ Tát Thệ Nguyện Đà La Ni Kinh, 1 quyển [do Minh Giáo Đại Sư Pháp Hiền dịch ở đời Tống] (No.1143)
  • 4_ Phật Thuyết Di Lặc Bồ Tát Phát Nguyện Vương Kệ, 1 quyển [do Tổng Quản Nghi Tân Công Bố Tra Bố dịch ở đời Thanh] (No.1144).

Tổng hợp bởi Nguyên Ngôn Đoàn Thoại
Dựa trên bản nghiên cứu của tác giả Huyền Thanh

Add Comment