Lộc Uyển hay còn gọi là Lộc Dã Uyển (Migadāya), nghĩa là Vườn Nai, cách thành phố Ba La Nại (Benares) khoảng 12 km, nơi đức Thích Ca Mâu Ni chuyển bánh xe pháp đầu tiên, thuyết về bốn chân lý cho năm anh em Kiều Trần Như (Koddañña), nhóm đồng tu khổ hạnh trước khi Ngài giác ngộ dưới cội Bồ Đề.
1. Khái quát ý nghĩa và xuất xứ của Lộc Uyển
Lộc Uyển hay còn gọi là Lộc Dã Uyển (Migadāya), nghĩa là Vườn Nai, cách thành phố Ba La Nại (Benares) khoảng 12 km, nơi đức Thích Ca Mâu Ni chuyển bánh xe pháp đầu tiên, thuyết về bốn chân lý cho năm anh em Kiều Trần Như (Koddañña), nhóm đồng tu khổ hạnh trước khi Ngài giác ngộ dưới cội Bồ Đề. Chính nơi đây đã khởi đầu cho việc thành lập Tăng đoàn và từ Tam Bảo cũng xuất xứ từ di tích lịch sử trọng đại này. Ngoài danh xưng Migadāya kinh điển Pāli thường gọi nơi này la Isipatana nay thuộc Sarnath, nghĩa là chổ trú ẩn của các vị ẩn sĩ hay còn gọi là chư tiên đọa xứ, nơi hội ngộ của các vị tiên nhân hay nơi đánh dấu sự ra đời của các vị Độc Giác Phật, đồng thời cũng là khu vườn yên tĩnh dành cho các vị ẩn sĩ tu hành. Các loài thú hiền lành đặc biệt là loài nai sinh sống yên ổn, ngây thơ, thanh bình giữa thiên nhiên hoang dại. Đó chính là nhờ sự bảo hộ của vua xứ Ba La Nại, người đã cấm không được săn bắn, quấy rầy các loài cầm thú nơi này.
Tên gọi Lộc Uyển xuất xứ từ một truyền thuyết được kể lại trong Bổn Sanh Kinh, nói về tiền thân của đức Phật và Đề Bà Đạt Đa là nai chúa của hai đàn nai sống trong khu vườn này. Vì để cứu mạng cho một con nai đang mang thai đến lượt phải dâng mạng cho bữa ăn của nhà vua, nên nai chúa của đàn kia, chính là tiền thân của đức Phật, chịu chết thay để cho hai mẹ con ấy được sống bình an. Vì cảm phục tấm lòng thương yêu bầy đàn, mà loài súc vật cũng có tình cảm lớn như thế, một trái tim yêu thương không khác loài người, nhà vua tha mạng cho tất cả loài nai được sống an toàn. Từ sự kiện đó, danh xưng Lộc Uyển thật xứng hợp với nơi cảnh trí thần tiên xứ Ba La Nại. Cho dến thời đức Phật, nơi này vẫn là chỗ trú thân an toàn của loài sinh vật hiền lành này. Thậm chí đến ngày hôm nay, khi đến tham quan khu Lộc Uyển, chúng ta vẫn thấy nhiều giống nai khác nhau, sống quây quần bên nhau một cách an lành.
Lộc Uyển là khu vườn nằm trong xứ Ba La Nại, một thành phố cổ tọa lạc cạnh lưu vực sông Hằng, một thời đã đạt đến đỉnh cao về kiến trúc và kinh tế, đặc biệt là hàng tơ lụa kashi. Tại nơi này, bài pháp đầu tiên mở đầu cho công cuộc hoằng pháp của đức Phật chính là Tứ Diệu Đế, chân lý của Phật giáo cũng là một thông điệp cứu khổ cho mọi sinh linh đang lặn hụp trong biển đời sanh tử. Vì vậy, chúng ta không còn xa lạ gì khi thấy biểu tượng bánh xe chánh pháp nằm giữa hai con nai, đó là tóm tắt cho ý nghĩa việc sơ chuyển bánh xe pháp tại vườn nai.
Khu thánh địa lịch sử trọng đại này, ngoài sự biến hoại theo không gian, thời gian, nó còn chịu sự hủy phá không thương tiếc của những đế chế không tin Phật giáo và những kẻ xâm lược bạo tàn. Mặc dù chúng ta không thấy được hết vẻ uy nghi tráng lệ từ lầu cát, tu viện cho đến cảnh trí của một thời vàng son Phật giáo, nhưng những dấu vết của nền móng cổ xưa, nhiều tượng Phật cổ, những di tích xưa … vẫn nằm im lìm chờ đợi sư hồi sinh trong một thời gian gần hoặc xa, được tìm thấy dưới lớp đất sâu, mà sau năm tháng gió bụi thời gian và bão cát lấp vùi.
Không chỉ là thời Phật còn tại thế, vào thế kỷ V, vẻ uy nghiêm của các tu viện, sự đông đúc của các tăng sĩ Phật giáo và du sĩ Bà La Môn đã được nhà chiêm bái Pháp Hiển ghi lại như sau: “Thuở đó, Lộc Uyển có hai ngôi tự viện với nhiều tăng sĩ tu học và bốn tháp lớn”. Vào thế kỷ VII năm 629, trong Đại Đường Tây Vực Ký, Ngài Huyền Trang mô tả một cách chi tiết hơn : “Tại đây có khoảng 30 ngôi tự viện với trên 3.000 tăng sĩ tu học theo trường phái chánh lượng bộ. Bên cạnh những tăng sĩ Phật giáo cũng có khoảng 10.000 du sĩ Ấn giáo đang tu tập khổ hạnh quanh vùng”. Điều đó đủ chứng tỏ sức sống tâm linh mãnh liệt của người dân Ấn Độ nói chung hay cộng đồng Phật giáo nói riêng, đã phát triển mạnh mẽ trên vùng đất màu mỡ tín ngưỡng và khu thánh địa thiêng liêng này.
Những gì còn sót lại trong vùng khảo cổ được tìm thấy như là: các bức tường gạch nằm ngang dọc của các tu viện; tháp Dhamek, được tương truyền là nơi đức Phật phó chúc cho Bồ Tát Di Lặc; trụ đá A Dục Vương, chứng tích hùng hồn khẳng định vị trí Phật giáo trong cách nhìn của các nhà học giả và tôn giáo học phương Tây; tịnh xá Kittoe, tên của một người đã đốc xuất công trình khai quật thánh địa Sarnath vào năm 1934; tháp Sri Dharmarajika, bên trong được tôn thờ xương cốt của Phật hay các vị thánh tăng; tháp Choukhanda hay Chaukhandi, nơi hội ngộ giữa đức Phật và những người bạn đồng tu, sau khi Ngài thành đạo….. Với sự giới hạn của việc chiêm bái thánh tích, chúng ta chỉ tìm hiểu một vài sự kiện trọng đại liên quan đến các di tích này mà thôi.
2. Phế tích các tu viện thời xa xưa
Trước hết, chúng ta tìm hiểu về những bức tường ngang dọc được xác định là vết tích của các tu viện thời đức Phật và sự phát triển không lâu sau này. Đoàn chúng tôi đi rảo quanh những bức tường, những nền gạch cũ nằm ngang dọc còn sót lại. Khi mới nhìn vào, chúng ta không thể hình dung được nó là cái gì, nếu không được sự hướng dẫn và nghiên cứu trước. Chính nơi này đã đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại, nơi mà đức Phật đã trải qua mùa an cư đầu tiên; những khu nhà cho tăng chúng lưu trú tu hành, khu pháp đường dành cho đức Phật thuyết pháp… bây giờ chỉ là những nền gạch ngang dọc, đổ nát rêu phong, đang được bảo vệ và duy trì của cộng đồng Phật giáo và các tổ chức bảo vệ di tích lịch sử thế giới.
Mục lục
3. Tháp Dhamek
Từ ngoài cổng đi vào, trong khuôn viên Lộc Uyển, nhìn qua hướng tay phải cách khoảng 100 m, chúng ta thấy một ngôi tháp tròn cao lớn, được xem như là ngôi tháp còn nguyên vẹn tại thánh địa Sarnath này đó là tháp Dhamek. Theo quyển Đường Về Xứ Phật của Hòa thượng Minh Châu, Dhamek là chữ viết tắt của chữ Dhamma Mukha nghĩa là suy tưởng chánh pháp, được tương truyền là nơi đức Phật đã phó chúc cho Bồ Tát Di Lặc sẽ thành Phật đời sau. Tháp Dhamek cao khoảng 34m và đường kính khoảng 28m. Vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên, ngôi tháp này được vua A Dục xây dựng để đánh dấu vị trí xuất xứ của bài pháp đầu tiên, khởi nguồn cho bánh xe chánh pháp lăn chuyển. Nhiều hoa văn chữ vạn cũng như hoa sen hoặc hình bông mai được khắc chạm xung quanh tháp. Trên thân tháp, ngay ô trống có tôn trí tượng Phật kiểu dáng ngồi thuyết pháp thuộc thời đại Gupta. Tượng Phật này và khoảng 300 tượng khác quanh vùng đang được lưu giữ tại viện bảo tàng khảo cổ Sarnath. Nhóm năm người chúng tôi quỳ đảnh lễ tháp mà cứ ước mong sao mình như là hóa thân của năm vị tiền bối ngày xưa, được diễm phúc ngồi lắng nghe Phật thuyết pháp. Nhưng rất tiếc chúng tôi đều là hạng phàm phu đời Mạt, phước mỏng nghiệp dày, không đủ duyên lành để được nghe pháp từ kim khẩu của đức Thế Tôn.
4. Trụ đá của vua A Dục (Asoka)
Đi sâu vào bên trong khoảng 2/3 diện tích khai quật, chúng ta thấy có một nhà nhỏ vuông vức khoảng 2,5m, đáy nằm sâu xuống lòng đất khoảng ba mét, có những trụ đá tròn và những đoạn bị vỡ, đó chính là trụ đá của vua A Dục được dựng lên để xác định nơi chuyển bánh xe pháp đầu tiên của Phật. A Dục Vương được xem là vị Vua Phật tử, đã có công rất lớn trong việc truyền bá chánh pháp trong nước cũng như ảnh hưởng đến các nước láng giềng xung quanh. Vào khoảng thế kỷ III trước kỷ nguyên tây lịch, đại đế của vương triều Khổng Tước (Maurya), vị vua Phật tử này đã tận tình trong việc bảo tồn và phát triển Phật giáo sau Phật nhập Niết Bàn khoảng 218 năm. Sự giác ngộ Phật giáo của vua bắt nguồn từ một cuộc chiến tiêu diệt bộ tộc Kalinga, sự giết chóc tang thương, xác người như rạ nằm lăn lóc trên những vũng máu oan nghiệt diễn ra trước mắt đã làm chấn động lương tâm của một vì vua hiếu chiến bạo tàn. Để chuộc lại lỗi lầm, Ông đã chọn Phật giáo, một tôn giáo giàu lòng từ bi, nhân ái, bất hại với muôn loài làm nơi quy hướng, tu tạo nhiều công đức lành để bù đắp tội lỗi xưa. Chính vì vậy mà đạo Phật có một giá trị lịch sử trên thế giới, phần lớn nhờ vào sự đóng góp nhiệt tình, vĩ đại của Ông, đặc biệt là các trụ đá và bia ký tồn tại nơi mỗi thánh địa quan trọng.
Tại Sarnath, để đánh dấu nơi Sơ Chuyển Pháp Luân và thành lập tăng đoàn Phật giáo đầu tiên, vua A Dục đã thân hành đến chiêm bái và dựng lên trụ đá cao 15,5 m và đường kính 0,7m, có tượng hình sư tử bốn đầu ở trên đỉnh phân đều bốn hướng. Dưới chân trụ gồ ghề và đặt trên một nền đá lớn, phần thân trụ thon và thẳng, đường kính phía dưới là 0,7 m, đường kính phía trên là 0,56m, được mài bóng láng trước khi khắc chỉ dụ của Vua. Ngoài chỉ dụ của vua Asoka được viết băng chữ Brahmi, còn có hai đoản văn khác, một thuộc triều đại Kushana đề cập đến Ngài Mã Minh, một trong những vị đại tổ sư có công truyền bá Phật giáo Đại Thừa; và đoản văn thứ hai đề cập đến tên của vị tổ sư trường phái Chánh Lượng Bộ. Mặc dù các trụ đá phần lớn không còn nguyên vẹn, nhưng các phần gãy đổ cũng như bia ký vẫn còn được bảo tồn nơi viện bảo tàng khảo cổ Lộc Uyển.
5. Tháp Sri Dharmarajika
Nằm giữa khuôn viên khu khai quật là một mô đất tròn, nền cao với hồ xung quanh, được tương truyền rằng, trong ngôi tháp này có thờ xá lợi của Phật. Tháp này trước kia rất lớn, bằng tháp Dhamek, nhưng bị huỷ phá. Ngài Pháp Hiển vào thế kỷ V đến thăm tháp này và để lại ký sự chứng minh. Vào năm 1794, vì thiếu vật liệu xây dựng thành phố Jagatguni, ông Jagat Singh, Bộ trưởng của vua Chet Singh ở Ba La Nại, đã sai người đến phá hủy ngôi tháp để lấy gạch và đá. Trong khi đào đá và gạch, ông tìm thấy một cái tráp bằng đá trong đó có một hộp bằng cẩm thạch đựng “Tro” chắc chắn là Xá Lợi đức Phật hay một vài vị Thánh tăng. Không biết dùng Xá Lợi này làm gì, theo tục lệ Ấn giáo, ông đã làm lễ thả xuống sông Hằng. Như thế Phật tử chúng ta đã mất đi một báu vật quí giá. Biết bao nhiêu ngọn tháp cũng chung số phận tương tự trước khi Viện Bảo Tàng thành lập. Trong khuôn viên này có một hương thất gọi là Mulagandhakuti nghĩa là phòng thơm, chỉ phòng đức Phật ở. Không riêng gì thất này có tên ấy vì đó là nơi Đức Phật an cư trong 3 tháng đầu tiên, sau khi Ngài thành đạo Bồ Đề, mà hầu như là mỹ từ chung cho tất cả nơi có thất dành riêng cho đức Phật lưu trú.
6. Tháp Choukhanda hay Chaukhandi
Ngôi tháp này cách Lộc Uyển một đoạn đường khoảng 10 phút đi bộ. Vị trí ngôi tháp này đã đánh dấu cho cuộc hội ngộ đặc biệt giữa đức Phật và nhóm bạn đồng tu khổ hạnh trước kia. Trong lúc tu hành, vì bất mãn với bát cháo sữa đức Phật dùng do nàng Sujāta dâng cúng nên nhóm bạn đã rời bỏ đức Phật đi tìm chỗ tu riêng. Sau khi thành đạo, vì muốn giác ngộ cho những người bạn cũ, đức Thế Tôn đến vườn Lộc Uyển tìm lại năm anh em Kiều Trần Như. Khi thấy đức Phật xuất hiện từ xa, năm vị này bảo nhau đừng chào và đừng kính lễ vị Sa Môn đã quay về với đời sống dục lạc, cho dù là một bát cháo sữa. Nhưng khi đức Phật tiến lại gần vì kính mến phong độ siêu phàm, oai nghi đĩnh đạc, đức tướng trang nghiêm của một người thoát tục, không ai bảo ai, người thì soạn chỗ ngồi, người thì cầm bình bát, người thì tìm nước rửa chân cho Phật. Sau khi gặp lại nhau, đức Phật đưa cả năm vị đến nơi cách đó nửa dặm (chính là vị trí của tháp Dhamek hiện giờ) và thuyết pháp cho năm vị này bằng bài pháp Tứ Diệu Đế. Mở đầu bài pháp, Ngài đã đánh tan nhận thức sai lầm của các vị này bằng một lời chỉ dạy rất chân xác, rất dứt khoát: “Này các Tỳ kheo, có 2 điều thái quá (cực đoan), người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai? Một là mê đắm dục lạc, hạ liệt phàm phu không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các Tỳ kheo, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, đức Như Lai giác ngộ con đường trung đạo, con đường đem đến pháp nhân, trí huệ, đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết Bàn”. Kinh Chuyển Pháp Luân – HT. Minh Châu dịch. Và sau bài pháp này năm anh em Kiều Trần Như (Koddañña) chứng được thánh quả A La Hán và trở thành năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật.
Mặc dù quá khứ nơi này là một trong những thánh địa có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại nhưng hiện tại Choukhanda chỉ là nền gạch cũ rêu phong, trên ấy là một vọng tháp hình bát giác cao khoảng 25 m, do Vua Humàyùn kiến tạo để kỷ niệm nơi ông đã từng lánh nạn vào khoảng thế kỷ XVI, vì vậy nét kiến trúc không mấy cổ xưa. Khi vào bên trong tháp bát giác, chúng tôi thấy có những viên đá tròn, cao khoảng 4 tấc, được cho là vật biểu trưng đức Phật và năm người bạn đồng tu hội ngộ. Trong số đó có một viên đá khác biệt được chỉ cho đức Phật, năm viên đá còn lại giống nhau để chỉ cho năm anh em Kiều Trần Như. Từ trên đỉnh tháp chúng ta có thể nhìn thấy quần thể chùa, tháp, các khóm hoa thược dược của người Nhật trồng làm cảnh và toàn thể khu vực Sanarth này. Theo dòng chảy thời gian trong khuôn viên của Lộc Uyển, ngôi tháp này vẫn đứng trơ vơ, thầm lặng, sừng sững trên nền gạch cũ vẫn còn được nhắc đến như một kỷ niệm vàng son của Phật giáo, cho dù đó chỉ là danh xưng còn nằm trong kinh điển.
7. Tản mạn trên sông Hằng
Khoảng 5 giờ sáng, mặc dù ngoài trời rất lạnh, đoàn chúng tôi đã rời khỏi khách sạn Sarnath để thưởng thức bình minh nơi sông Hằng. Bởi vì mọi người thường nói rằng, khi tham quan đất Phật mà không đến được sông Hằng để ngắm ánh mặt trời lúc bình minh thì chưa thể gọi là tham quan Ấn Độ. Sông Hằng là cái tên rất quen thuộc trong tôi. Thuở nhỏ, thường đêm sau mỗi thời kinh, tôi hay ngắm hình dòng sông Hằng được in trong quyển Kinh Nhật Tụng, do Hoà thượng Thiện Hoa biên soạn. Ấn tượng nhất từ bức ảnh này là dòng chữ được chú thích ở phía dưới: “sông Hằng nơi xứ Phật Ấn Độ”. Và trong các kinh đức Phật thường sánh ví thế giới nhiều như số cát sông Hằng (Hằng hà sa số thế giới). Thuở đó, mặc dù không biết Ấn Độ ở nơi nào, cũng không hình dung được tí gì liên quan đến nó, nhưng tôi cảm thấy một niềm yêu thích lâng lâng bởi tính chất thiêng liêng ẩn tàng từ hai chữ Sông Hằng. Tôi không dám mơ ước gì về việc chiêm bái đất Phật hay ngắm dòng sông linh thiêng này, nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ và thần tượng về một đất Phật kì bí trong tâm khảm của cậu bé vừa lên tám.
Ấn Độ có hai dòng sông lớn, đó là Ấn Hà và Hằng Hà. Sông Hằng (Gadgā river) là một con sông linh thiêng của người dân Ấn. Dòng sông này được bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), chảy qua Tây Tạng rồi đến Ấn Độ, với độ dài trên 5575 km. Bởi được bắt nguồn từ ngọn núi xem như là nóc nhà thế giới, là cái rốn của vũ trụ, là nơi hội tụ nhiều câu chuyện thần thoại ly kỳ, là nơi ẩn tu của các ẩn sĩ cũng như các vị thánh, nên mọi người dân Ấn tin tưởng tuyệt đối vào sự mầu nhiệm của dòng sông này. Họ cho rằng nước dòng sông có thể rửa sạch mọi tội lỗi và ban phước lành cho họ một cuộc sống bình an. Không phải từ thời đức Phật hay hàng mấy nghìn năm trước đó, thậm chí bây giờ, đối với người Ấn, niềm tin vào dòng sông này chẳng những không giảm mà còn tăng lên bởi bao sự kiện thần bí được các giáo chủ của họ thêu dệt, tô điểm thêm lên. Để chứng kiến điều này, chúng ta chỉ cần nhìn những phong tục tập quán được thể hiện trong đời sống hằng ngày của cư dân quanh vùng. Mỗi buổi sáng, vào khoảng 4 – 5 giờ, dù là trời lạnh giá, hàng mấy nghìn người từ khắp mọi nơi lũ lượt kéo về để tắm rửa và cầu nguyện, thậm chí còn uống nước ngay nơi mà họ tắm. Lúc thả thuyền du ngoạn để đợi ánh bình minh ló dạng trên sông Hằng, chúng ta thấy đây đó hai bên bờ sông lóm khóm những ánh lửa bập bùng sáng cả một vùng, đó chính là những giàn hoả tạm thời đang thiêu xác người vừa qua đời. Đây là một trong những cách mai táng phổ biến của người Ấn Độ. Họ có ba cách mai táng truyền thống: thuỷ táng, hoả táng và lâm táng. Thuỷ táng là thả xác người trôi lềnh bềnh trên sông; hoả táng là đốt thây chết trên một giàn thiêu tạm thời và tro được rải theo dòng sông như chúng ta vừa chứng kiến; và lâm táng nghĩa là ném thây người chết vào rừng cho các loài kên kên, diều quạ ăn thịt. Cho nên thỉnh thoảng chúng ta thấy trong kinh điển thường nhắc đến từ Thi Lâm (rừng thây) chính là một trong những cách chôn cất truyền thống Ấn Độ.
Nhìn những phong tục này chúng ta cảm thấy ngậm ngùi, khi nghĩ đến giá trị cuối cùng của đời người chỉ là nắm tro tàn trên sông, một cuộc hành trình viễn du của kiếp người bồng bềnh trên biển đời sanh tử. Vì vậy, thật tuyệt vời thay! Khi một ai đạt đến sự giác ngộ không còn tái sanh như lời tuyên ngôn của đức Phật: “Đây là kiếp cuối cùng, ta không còn tái sanh vào cõi đời này nữa”.
Còn biết bao lễ hội kì dị, nhiều tôn giáo hủ tục và sự sinh hoạt lạc hậu trên dòng sông đen ngòm chứa đầy rác rưởi, thây chết và nhiều chất thải… đang thịnh hành một cách ngỡ ngàng trong ánh mắt của khách tham quan, nhưng ánh minh trên sông Hằng cũng mở màng cho một ngày mới, một tia hy vọng, một cảm giác thanh nhàn bởi những tia nắng hồng ban mai đã làm phôi pha bao cảm giác u hoài trong tâm khảm mà chúng ta vừa chứng kiến. Thật diễm phúc thay! Thiên nhiên đã bù đắp lại cho những người khốn khó và lạc hậu, nơi đất khô cằn sỏi đá này những tia nắng ấm ban mai êm ả, thanh bình dù là tháng hè oi bức hay trong những ngày trời đông lạnh giá, xoa dịu bớt phần nào cho một kiếp đời còn thiếu áo cơm và thiếu những tiện nghi tối thiểu mà không tìm thấy ở bất cứ một quốc gia tân tiến nào trên thế giới.
Rời khỏi sông Hằng để đến thành Xá Vệ (Sāvatthī ), nhưng bao suy nghĩ miên man, bao niềm thương cảm u hoài cứ trào dâng trong tôi, trong trái tim của người con Phật bởi những hình ảnh khổ đau vừa diễn ra trước mắt. Ngay giờ phút đó, tôi cũng mong sao dòng sông Hằng hãy có một phép mầu như niềm kỳ vọng của họ để cuốn trôi tất cả những cặn bã bất hạnh đang bu bám vào những mảnh đời cơ cực và ban tặng cho họ một cuộc sống an lành như họ đã van xin mỗi ngày nơi dòng sông thần thánh này. Dù sao, chúng tôi cũng thành tâm cầu nguyện đức Phật gia hộ cho mọi người dân khổ cực nơi đây sớm giác ngộ lẽ thực cuộc đời, chuyển hoá khổ đau thành niềm an vui tự tại trong đời này và mãi mãi đến đời sau.