[TIỂU BỘ] KINH BỔN SANH – TẬP III – 03. PHẨM BA BÀI KỆ (tiếp theo)

TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
KINH BỔN SANH – TIỂU BỘ KINH – TẬP VI

Việt dịch: HT Thích Minh Châu – GS Trần Phương Lan
———-o0o———-

CHƯƠNG III (Ba Bài Kệ)

(tiếp theo)

PHẨM BA BÀI KỆ (tiếp theo)

281. Chuyện Trái Xoài Chính Trung (Tiền thân Abkhantara)

Có cây nọ trên cành mang trái..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về sự việc Trưởng lão Xá-lợi-phất biếu nước xoài cho Tỷ-kheo-ni Bimbàdevi.
Khi đức Phật khai mở Giáo hội trên thế giới, vị chánh thất của đức Cồ-đàm đang sống tại Vesàli (Tỳ-xá-ly), đã cùng với năm trăm phụ nữ Thích ca xin gia nhập Giáo hội và được thọ Ðại giới. Về sau năm trăm Tỷ-kheo-ni này đắc Thánh quả khi nghe Tôn giả Nandaka thuyết pháp.
Bấy giờ trong lúc bậc Ðạo Sư trú gần Xá-vệ, mẹ của Tôn giả La-hầu-la tự nghĩ: “Trượng phu ta sống đời Phạm hạnh, đã trở thành bậc Toàn trí, con ta cũng đã là một vị xuất gia và đang sống cùng Ngài. Ta còn phải làm gì trong gia đình nữa? Ta sẽ sống đời sống Phạm hạnh kia, sẽ đi đến Xá-vệ và sẽ sống mãi theo gương đức Phật và con ta”.

Vì thế bà đến một ni xá gia nhập giáo hội rồi đến sống trong một tịnh thất ở Xá-vệ cùng với các vị sư trưởng và giáo thọ; bà thường chiêm ngưỡng bậc Ðạo Sư và con trai yêu dấu của bà. Sa-di La-hầu-la cũng thường đến thăm mẹ.
Một hôm bà bị đau chứng sình bụng. Khi La-hầu-la đến thăm, bà không thể ra tiếp được; nhưng có người đến báo cho ông hay rằng mẹ ông đang bệnh. Thế rồi ông vào gặp mẹ và hỏi:
– Mẹ phải dùng thứ gì mới khỏi được?
Bà đáp:
– Con ơi, nếu như hồi còn ở nhà thì cơn đau này thường được chữa bằng nước xoài có pha với nước đường; nhưng giờ đây, chúng ta đang sống bằng khất thực thì kiếm đâu ra thứ đó?
Vị Sa-di đáp:
– Con sẽ kiếm thứ ấy cho mẹ.
Và ông ra đi. Bấy giờ sư trưởng của Tôn giả La-hầu-la là Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất và giáo thọ của ông là Ðại Mục-kiền-liên, chú ông là Trưởng lão Ànanda và thân phụ ông là đức Phật, như vậy ông thật có phước lớn. Tuy thế ông chỉ đến xin cầu cứu Trưởng lão Xá-lợi-phất, sư trưởng của ông. Sau khi thi lễ, ông đứng trước mặt thầy với vẻ buồn rầu. Trưởng lão hỏi:
– Sao con có vẻ buồn rầu thế La-hầu-la?
– Bạch thầy – ông đáp – mẹ con đang mắc chứng sình bụng.
– Thế người phải dùng thứ gì?
– Có nước xoài ép với đường thì người mới khỏi bệnh.
– Ðược rồi, ta sẽ có, con chớ lo!
Hôm sau Trưởng lão dẫn La-hầu-la đến Xá-vệ, bảo ông ngồi trong phòng đợi, còn Tôn giả đi vào cung vua. Vua Kosala mời Trưởng giả ngồi. Ngay lúc ấy, người giữ vườn mang vào một giỏ xoài chín ngọt. Vua gọt vỏ, rắc đường, tự tay ép xoài rồi đổ đầy bình bát của Trưởng lão. Trưởng lão trở lại phòng đợi, giao xoài cho vị Sa-di bảo đem về cho mẹ. Vị Tỷ-kheo-ni khỏi bệnh ngay sau khi dùng xoài. Nhà vua cũng phái thị giả đến và bảo:
– Trưởng lão không ngồi đây để dùng nước xoài. Hãy đi xem ngài có cho ai chăng.
Người kia đi theo Trưởng lão, khám phá sự việc rồi trở về trình vua. Nhà vua tự nghĩ: “Nếu bậc Ðạo Sư trở về đời thế tục, Ngài sẽ là vị Hoàng đế của cả thiên hạ, Sa-di La-hầu-la sẽ là Hoàng thái tử, Thánh nữ Tỷ-kheo-ni ấy sẽ là hoàng hậu. Tất cả thế giới này đều thuộc quyền các vị ấy. Ta cần phải đến hầu thăm các vị ấy. Các vị đang sống gần đây, không nên để mất thì giờ”. Thế là từ hôm ấy, vua vẫn tiếp tục cúng dường nước xoài cho vị Tỷ-kheo-ni.
Các Tỷ-kheo biết được sự việc Trưởng lão biếu nước xoài cho vị Thánh nữ Tỷ-kheo-ni. Và một hôm họ bắt đầu bàn tán trong Chánh pháp đường:
– Này Hiền hữu, tôi nghe rằng Trưởng lão Xá-lợi-phất đã chữa lành bệnh Tỷ-kheo-ni Bimbàdevi bằng nước xoài.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi:
– Các ông đang nói chuyện gì thế?
Và khi các vị ấy thuật lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên mẹ của La-hầu-la được Trưởng lão ấy chữa lành bệnh bằng nước xoài đâu; trước kia cũng đã từng xảy ra sự việc như vậy.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, sống tại một ngôi làng Kàsi. Lớn lên, ngài được giáo dục ở Takkasilã, rồi thành lập gia đình. Khi cha mẹ mất, ngài sống đời tu hành. Sau đó ngài trú tại một vùng thuộc dãy Hy-mã-lạp Sơn (Tuyết Sơn), tu tập các Thắng trí và Thiền chứng. Một nhóm hiền giả đến tụ tập quanh ngài và ngài trở thành thầy của họ.
Một thời gian lâu sau, ngài xuống núi để kiếm muối, tương. Trên đường đi đây đó, ngài đến Ba-la-nại và trú tại một vườn cây nọ. Ðức hạnh sáng ngời của hội chúng hiền giả này đã làm rung động cung điện của Thiên chủ Ðế Thích. Ðế Thích quán chiếu và thấy được sự việc. Ngài nghĩ: “Ta sẽ làm hại trú xứ của họ, như vậy chỗ ở của họ sẽ bị xáo trộn và họ sẽ chịu nhiều gian khổ nên không thể an định tâm trí. Sau đó, ta mới lại được yên ổn”.
Ngài suy nghĩ phải làm thế nào để thực hiện được việc đó và vạch ra một kế hoạch. “Ta sẽ vào phòng chánh hậu vào đúng lúc nửa đêm rồi bay lên không và nói: “Thưa hoàng hậu, nếu lệnh bà ăn một trái xoài chính trung, bà sẽ có một hoàng nam và hoàng nam ấy sẽ là vị hoàng đế trị vì cả thiên hạ”. Thế là bà ta sẽ kể lại với vua, vua sẽ sai vào vườn hái xoài. Ta sẽ làm cho tất cả trái biến mất đi. Người ta sẽ trình với vua rằng không còn trái nào cả và khi vua hỏi ai đã ăn hết thì sẽ được trả lời: “Các nhà tu khổ hạnh đã ăn hết”.
Ðúng nửa đêm, Thiên chủ Ðế Thích hiện ra trong phòng của hoàng hậu, để lộ đầu của ngài và nói với hoàng hậu, vừa ngâm hai bài kệ đầu tiên:
Có cây nọ trên cành mang trái
Thật diệu kỳ tên gọi Chính trung
Phu nhân ăn trái vào lòng,
Sinh con ngôi báu nắm tròn thế gian.
Thưa Chánh hậu, bà hoàng trọng đại,
Ðấng quân vương sủng ái người thay,
Hãy xin ngài bảo mang xoài
Chính trung trái ấy mà người cần ăn.
Ðế Thích đọc cho hoàng hậu nghe hai bài kệ trên rồi bảo là hãy cẩn thận và chớ trì hoãn, phải đích thân đến nói chuyện với nhà vua. Nói xong Ðế Thích khích lệ bà rồi quay trở về cung điện của mình.
Hôm sau, hoàng hậu nằm liệt như là đang bệnh và gọi các thị nữ đến dặn dò. Nhà vua đang ngồi trên ngai dưới chiếc lọng trắng và xem khiêu vũ. Không thấy hoàng hậu, vua hỏi một nữ tỳ xem bà ở đâu.
– Hoàng hậu đang bệnh. Cô gái đáp.
Nhà vua đến thăm, ngồi bên cạnh và vỗ lưng bà. Ngài hỏi:
– Hoàng hậu làm sao thế?
– Thưa chẳng sao cả – bà đáp – Có điều thiếp đây đang khao khát một chuyện.
– Hoàng hậu muốn gì? Vua lại hỏi.
– Một trái xoài chính trung, thưa Ðại vương.
– Ở đâu có các trái xoài chính trung ấy?
– Thần thiếp không biết trái xoài chính trung là gì, nhưng thần thiếp biết rằng thần thiếp sẽ chết nếu không có được một trái ấy.
– Ðược rồi, ta sẽ mang cho ái khanh một trái, chớ buồn lo.
Nhà vua khuyên bảo bà như vậy rồi ra đi. Ngài ngủ trên vương sàng và cho đòi các cận thần đến rồi bảo:
– Hoàng hậu đang khao khát một trái xoài chính trung, bây giờ phải làm sao đây?
Có người tâu:
– Một trái xoài chính trung là một cây xoài mọc giữa hai cây khác; hãy hái trái của nó rồi dâng cho hoàng hậu.
Thế là nhà vua sai người làm theo như vậy.
Nhưng Ðế Thích dùng quyền lực của mình làm cho tất cả trái cây biến mất như đã bị người ta ăn hết. Những người được phái đi kiếm xoài đã lục xét khắp vườn cây nhưng vẫn không kiếm được một trái xoài nào. Do đó, họ trở về tâu với vua là không còn trái nào cả.
– Ai đã ăn xoài hết thế? Vua hỏi.
– Tâu Ðại vương, các nhà tu khổ hạnh đấy!
– Hãy lấy gậy đánh chúng rồi tống cổ chúng ra khỏi vườn cây!
Vua ra lệnh như thế và người ta thi hành theo. Ðế Thích được toại nguyện, còn hoàng hậu cứ nằm dài khao khát trái xoài.
Nhà vua không biết phải làm gì. Ngài họp các triều thần và các Bà-la-môn lại rồi hỏi:
– Các khanh có biết một trái xoài Chính trung là gì không?
Các Bà-la-môn thưa:
– Tâu Ðại vương, cây xoài Chính trung là vật sở hữu của các vị thần. Nó mọc trong dãy Hy-mã-lạp Sơn, trên Núi Vàng, Chúng thần nghe truyền thuyết như vậy.
– Ðược rồi, ai có thể đi kiếm nó?
– Người thường không thể đi được, ta phải sai một con vẹt trẻ.
Bấy giờ trong cung có một con Vẹt trẻ và đẹp, to bằng cái đùm xe ngựa của các hoàng tử. Nó mạnh khỏe, khéo léo và nhiều mưu lược. Vua cho gọi con Vẹt đến và bảo nó:
– Này vẹt yêu quí, ta đã ban cho con nhiều thứ: con được ở trong một cái lồng bằng vàng, ăn các hạt ngon ngọt trong một cái đĩa bằng vàng, uống nước đường. Giờ đây, ta muốn con làm cho ta một việc.
– Tâu Ðại vương, xin ngài cứ dạy. Con Vẹt nói.
– Này con, hoàng hậu rất thèm một trái xoài Chính trung, cây xoài này mọc trong dãy Hy-mã-lạp Sơn, trên Núi Vàng, đó là nơi của các vị thần, không ai có thể đến đó được. Con phải đến đó và mang trái ấy về đây.
– Tốt lắm, thưa Ðại vương, con sẽ làm như thế. Con vẹt đáp.
Nhà vua lấy một cái đĩa bằng vàng, bỏ vào đó thứ hạt ngon ngọt cho nó ăn, rồi cho nó uống nước đường. Ngài xức dầu thơm ở dưới đôi cánh nó bằng một thứ dầu trăm lần tinh luyện, rồi ngài cầm nó bằng cả hai tay, ra đứng trước cửa sổ và thả cho nó bay đi.
Con Vẹt thực hiện nhiệm vụ nhà vua giao, bay mãi trên cao, vượt xa những lối đi của người, cho đến khi nó đến chỗ những con vẹt trú ở vùng đồi đầu tiên của dãy Hy-mã-lạp Sơn.
Nó hỏi những con vẹt ấy:
– Cây xoài Chính trung ở đâu? Hãy chỉ chỗ cho ta đi!
– Chúng tôi không biết – chúng đáp – nhưng bọn vẹt ở dãy đồi thứ hai sẽ biết nó ở đâu.
Con Vẹt nghe xong liền bay đến dãy đồi thứ hai. Và cứ thế, nó bay đến dãy đồi thứ ba, thứ năm, thứ sáu. Tại đây, bọn vẹt cũng nói:
– Chúng tôi không biết nhưng bọn vẹt ở dãy đồi thứ bảy sẽ biết.
Thế là Vẹt tiếp tục bay đến đó và hỏi cây xoài Chính trung mọc ở đâu.
– Ở tại một nơi kia trên Núi Vàng, chúng đáp.
Vẹt nói:
– Hãy dẫn ta đến đó và kiếm cho ta trái cây kia.
– Ðó là địa phận của vua Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương) không thể đến gần được. Toàn bộ cái cây từ rễ trở lên đều được vây bọc bằng bảy lần lưới sắt, nó còn được canh gác bởi hàng ngàn triệu quỷ thần Kumbhanda (Cưu-bàn-trà), hễ thấy kẻ nào là chúng hại ngay. Chỗ ấy giống như lửa thiêu hủy và lửa địa ngục. Xin chớ đòi hỏi một việc như thế!
– Nếu các bạn không muốn đi với tôi, xin hãy chỉ đường cho tôi, Vẹt nói.
Thế rồi bọn chúng chỉ cho con vẹt phải đi lối nào. Nó cẩn thận nghe theo những lời chỉ dẫn. Ban ngày nó dấu mình, rồi đợi đến đêm khuya khoắt, bọn quỷ đã ngủ, nó mới tiến đến gần cây mà nhẹ nhàng trèo lên. Nhưng… “cách!” lưới sắt rung – bọn quỷ thức dậy nhìn thấy con Vẹt, liền vây lấy nó và la lên: “Trộm!”. Rồi chúng bàn nhau phải làm gì với con Vẹt.
Một con quỷ nói:
– Tôi sẽ đè bẹp nó bỏ vào mồm rồi nuốt nó!
Một quỷ khác nói:
– Tôi sẽ đè bẹp nó, nhồi xác nó trong tay rồi làm nó rã ra từng miếng!
Con quỷ thứ ba nói:
– Tôi sẽ cắt nó ra làm hai, sẽ nướng nó trên than rồi ăn nó!
Con Vẹt nghe chúng bàn tính cẩn thận. Nó bình tĩnh nói với bọn chúng:
– Này các bạn quỷ, các bạn là quân hầu của ai?
– Chúng ta thuộc quyền vua Vessavana.
– Này, các bạn có một ông vua làm chủ các bạn và tôi cũng có một ông vua khác làm chủ tôi. Vua xứ Ba-la-nại sai tôi tới đây tìm một trái của cây xoài chính trung. Tôi đã hiến ngay đời mình cho vua tôi và giờ đây, tôi đang làm như thế. Kẻ nào hy sinh đời mình vì cha mẹ hay vì chủ thì lập tức được sinh lên cõi trời. Do đó, tôi sắp thoát xác loài vật để đi đến thế giới của Thiên thần!
Rồi Vẹt đọc bài kệ thứ ba:
Những người dũng cảm quyên mình
Một lòng sốt sắng hy sinh cuộc đời,
Chốn nào họ đạt đến rồi,
Nơi kia chốc lát nữa tôi tới gần.
Con Vẹt thuyết giảng như vậy và đọc bài kệ xong, bọn quỷ lắng nghe và lấy làm vừa lòng. Chúng bảo:
– Này chim Vẹt, bạn được tự do! Hãy an nhiên mà ra khỏi tay chúng ta!
– Xin chớ để cho tôi tay không trở về – Vẹt nói – hãy cho tôi một trái xoài!
– Này Vẹt, bọn quỷ nói – chúng ta không thể lấy ra khỏi cây một trái mà cho bạn được đâu! Tất cả trái trên cây này đều đã được đánh dấu. Nếu thiếu trái nào là chúng ta mất mạng ngay. Hễ Ðại vương Vessavana nổi giận lên và chỉ nhìn một cái là một ngàn quỷ sẽ vỡ vụn, vung vãi ra như đậu rang vung tóe trên chảo nóng. Vì thế, chúng ta không thể cho bạn trái nào được. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cho bạn một chỗ bạn có thể lấy vài trái.
– Tôi chẳng cần biết ai cho – con Vẹt nói – Nhưng tôi phải có trái ấy. Hãy cho tôi biết tôi có thể kiếm nó ở đâu.
– Tại một trong những con đường mòn khúc khuỷu của Núi Vàng có một nhà tu khổ hạnh tên là Jotirasa, ở trong một chòi lá, canh chừng ngọn lửa thiêng được gọi là Kancanapatti hay Kim Diệp, ông ấy được Ðại vương Vessavana ưu ái. Ðại vương Vessavana vẫn thường gửi cho ông ta bốn trái cây kia, hãy đi đến đó!
Con Vẹt từ giã rồi đến nhà tu khổ hạnh. Sau khi chào hỏi, nó ngồi xuống một bên. Nhà ẩn dật hỏi:
– Ngươi từ đâu đến?
– Từ cung vua xứ Ba-la-nại.
– Tại sao ngươi đến đây?
– Thưa ngài, hoàng hậu của chúng tôi ao ước một trái xoài chính trung, vì thế mà tôi đến đây. Bọn quỷ đã không cho tôi trái nào nhưng lại bảo tôi đến ngài.
– Ngồi xuống đi nào, ngươi sẽ có một trái.
Vị ẩn sĩ đi lấy bốn trái mà Ðại vương Vessavana vẫn thường gởi cho, ăn hết hai trái, cho con Vẹt ăn một trái, sau đó ông treo trái thứ tư vào một sợi dây rồi cột chắc vào cổ con Vẹt và để nó ra đi. Ông nói:
– Nào đi đi!
Con Vẹt bay trở về và dâng trái xoài lên hoàng hậu. Bà ăn xoài, thỏa mãn điều ao ước kia, nhưng từ đó bà vẫn không có con trai.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, mẹ của La-hầu-la là hoàng hậu, Ànanda là con Vẹt, Xá-lợi-phất là nhà tu khổ hạnh cho xoài kia, còn nhà tu sống trong vườn cây kia chính là Ta.
-ooOoo-

282. Chuyện Điều Tốt Nhất (Tiền thân Seyya)

Ðiều tốt nhất các khanh nên biết..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một quan đại thần của xứ Kosala.
Ông này rất đắc lực cho vua và người ta kể rằng ông làm hết mọi việc cần làm. Vì ông rất đắc lực nên vua rất quý trọng ông. Các quan khác ganh tị, âm mưu hạ nhục và vu cáo ông. Vua nghe lời họ mà không tra xét tội trạng. Dù ông rất đức hạnh và vô tội, vua vẫn cho trói ông lại bằng dây xích và bỏ ông vào ngục. Ông sống cô đơn trong ngục, nhưng nhờ đức hạnh ông vẫn an tâm và nhờ tâm an tịnh, ông hiểu được những điều kiện của sự sống và ông đắc quả Dự Lưu. Ít lâu sau, vua nhận ra ông vô tội nên phá bỏ xiềng xích cho ông và tôn quý ông còn hơn trước kia nữa. Ông muốn được bày tỏ lòng tôn kính trước bậc Ðạo Sư nên mang hương hoa đến tịnh xá, đảnh lễ đức Phật rồi kính cẩn ngồi một bên. Bậc Ðạo Sư ân cần nói với ông:
– Chúng tôi có nghe ông gặp vận xui.
Ông thưa:
– Bạch Ngài, vâng, nhưng con đã làm cho vận xui ấy trở thành tốt, trong lúc ngồi tù, con đã đắc quả Dự Lưu.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Hiền hữu, không phải chỉ có ông là người đã đổi xấu thành tốt; những bậc trí giả ngày xưa cũng đã đổi cái xấu thành cái tốt như ông vậy.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra là con của chánh hoàng hậu. Ngài lớn lên và được giáo dục tại Takkasilà; khi vua cha mất ngài lên ngôi và giữ đúng mười điều luật của một vị vua; ngài bố thí, hành thiện và chấp trì ngày trai giới.
Một quan đại thần kia đã thông gian trong đám cung phi của vua. Các tôi tớ biết được và kể cho vua nghe, một người nọ đang tiến hành một âm mưu. Nhà vua khám phá ra đúng sự thật của việc ấy rồi gọi ông ta lại:
– Ðừng bao giờ để cho ta thấy mặt ngươi nữa.
Vua bảo thế rồi đuổi ông ta đi. Ông quan bỏ đi đến triều đình của một vị vua láng giềng, thế rồi mọi sự việc xảy ra như đã tả ở số 51 Tiền thân Mahàsilava. Ở đây cũng thế, vị vua này ba lần thử ông, tin theo ông và dẫn một đạo quân lớn đến Ba-la-nại để mong xâm chiếm. Ðược tin ấy, các tướng lãnh của vua Ba-la-nại gần năm trăm vị đã nói với vua:
– Ông vua kia đã đến đây, phá hoại xứ sở để mong chiếm lấy Ba-na-lại. Xin cho chúng thần đi bắt ông ta!
– Ta không muốn giữ vương quốc bằng cách giết hại – vua bảo – Ðừng làm gì cả.
Ông vua cướp nước kia bao vây thành phố. Các đại thần lại đến gần vua và nói:
– Tâu Ðại vương, xin hãy lưu tâm. Hãy cho phép chúng thần bắt ông ta!
– Không được làm gì cả – vua phán – Hãy mở các cổng thành.
Rồi vua đoan nghiêm ngồi trên bệ, giữa các đại thần của triều đình.
Vua cướp nước vào thành, hạ các người giữ cổng rồi vào cung điện. Nơi đây, ông bắt giữ vua và các triều thần, trói xích lại rồi tống tất cả vào ngục. Vua ngồi trong ngục thương xót kẻ cướp nước kia, nỗi xót xa cùng cực trào dâng trong ngài. Do lòng thương xót kia mà ông vua nọ bỗng cảm thấy giày vò bứt rứt trong thân, cả người như bị thiêu đốt gấp hai lần lửa bỏng. Bị ray rứt xốn xang vì trọng tội, ông ta hỏi các cận thần vì sao như vậy.
Họ trả lời:
– Ngài đã bắt giam một vị vua công chính, do thế mà ngài bị như thế kia.
Ông ta liền đến xin Bồ-tát thứ lỗi, giao trả lại vương quốc. Ông nói:
– Vương quốc của ngài phải là của riêng ngài. Từ nay về sau, xin hãy để các kẻ thù của ngài cho tôi lo liệu.
Rồi ông trừng phạt quan cố vấn xấu xa kia và quay trở về thành phố của mình.
Bồ-tát nghiêm trang ngồi trên bệ cao, trong lễ phục giữa đám triều thần, đọc cho họ nghe hai bài kệ sau:
Ðiều tốt nhất các khanh nên biết:
Việc tốt hơn hãy quyết lòng làm,
Kẻ kia, ta đối thiện tâm
Nên ta cứu tử được năm trăm người.
Khuyên các khanh, với đời hãy tỏ
Vẻ khoan dung đức độ, hiền hòa,
Cõi trời, vào hết chẳng riêng
Dân Kà-si hỡi, hãy liền nghe ta.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ ca ngợi đức hạnh về lòng từ bi đối với đại chúng. Sau đó, ngài rời ngai vàng trong kinh thành đồ sộ Ba-la-nại; rộng tới mười hai dặm để đi vào dãy Hy-mã-lạp Sơn và sống đời tu hành.
Bậc Ðạo Sư với Trí tuệ Toàn hảo, đọc vần kệ thứ ba:
Ta là Ðại đế Ba-la-nại
Vua Kam-sa, có bấy nhiêu lời:
Cung tên ta đã bỏ rời,
Thành người tự thắng, ta thời nên công.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ, Ànanda là ông vua cướp nước kia, còn vua xứ Ba-la-nại chính là Ta vậy.
-ooOoo-

283. Chuyện Con Heo Rừng Của Thợ Mộc (Tiền thân Vanddahaki – Sùkara)

Mồi ngon nhất bạn luôn luôn được..,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về Trưởng lão Dhanuggàhatissa.
Mahà Kosalã, cha của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) khi gả con gái là công chúa Kosalà cho vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la) đã cho một ngôi làng Kàsi và một số tiền là một trăm ngàn đồng để làm của hồi môn. Khi Tần-bà-sa-la bị con là Ajàtasattu (A-xà-thế) giết thì công chúa Kosalã cũng chết đi vì sầu khổ. Vua Ba-tư-nặc suy nghĩ: “A-xà-thế giết cha, em gái ta đã phải chết đi vì tiếc thương người chồng bất hạnh; ta sẽ không cho đứa giết cha kia ngôi làng Kàsi ấy nữa”.
Thế là vua không chịu cho A-xà-thế ngôi làng kia. Do đó, chiến tranh thường xảy ra giữa hai bên vì ngôi làng. A-xà-thế rất kiêu căng và rất mạnh mẽ, còn Ba-tư-nặc đã quá già nên cứ bị thua trận mãi và nhân dân của ông vẫn thường bị chinh phục. Bấy giờ, vua mới hỏi các triều thần:
– Chúng ta cứ bị đánh bại mãi, biết làm sao bây giờ?
Vua được trả lời:
– Các vị sư phụ rất thiện xảo về chú thuật. Chúng ta phải nghe lời nói của các Tỷ-kheo đang trú tại tinh xá Kỳ Viên.
Vua phái các cận thần, bảo họ chờ thật đúng lúc nghe các Tỷ-kheo ấy nói chuyện. Bấy giờ Trưởng lão sống trong một túp lều lá gần tinh xá tên là Utta và Trưởng lão Dhanuggahatissa đã ngủ hết canh đầu, canh thứ hai và thức dậy vào canh cuối cùng. Ông bỏ vài cành cây, nhúm lên một ngọn lửa rồi ngồi xuống bảo:
– Này hiền hữu Utta!
– Gì vậy hiền hữu Tissa?
– Hiền hữu không ngủ à?
– Bây giờ chúng ta cùng thức cả rồi, làm gì đây?
– Thì dậy đi nào, hãy đến ngồi cạnh tôi đây.
Thế rồi Dhanuggahatissa bắt đầu nói với Utta:
– Lão bụng bự Kosalã khờ khạo kia chẳng bao giờ có được một bát cơm chín đầy mà không để cho nó thiu thối đi, làm sao mà toan tính một cuộc chiến tranh trong khi lão ta chẳng biết một tí gì cả? Lão luôn luôn bị đánh bại và phải chịu hao tốn.
– Thế thì lão ta phải làm gì nào?
Bấy giờ đúng là lúc các cận thần kia đang đứng nghe hai vị Trưởng lão nói chuyện. Dhanuggahatissa bàn về chiến thuật:
– Chiến thuật ư? Nó gồm ba loại: đạo quân hoa sen, đạo quân bánh xe và đạo quân toa xe. Nếu những ai muốn bắt A-xà-thế thì họ sẽ đóng quân trên hai ngọn đồi cách thẳng nhau và giả bộ yếu mà chạy, chờ cho đến khi quân của hắn đuổi theo thì chận ngay lối đi của hắn. Quân từ hai đồn trên đồi kia vọt ra giữ lấy đằng trước và đằng sau hắn, rồi reo hò ầm ĩ lên. Thế là sẽ nhanh chóng bắt được hắn như bắt một con cá trên đất, một con nhái trong nắm tay. Ðấy, cứ thế là chộp được A-xà-thế ngay!
Các cận thần trở về thuật lại hết như vậy cho vua nghe. Vua cho thúc tiếng trống tấn công, dàn quân theo mẫu toa xe và bắt sống được A-xà-thế. Sau đó, khi vua gả con gái mình là công chúa Vajirã cho con trai của em gái mình (tức A-xà-thế) thì vua cho công chúa ngôi làng Kàsi kia để làm của hồi môn.
Các Tỷ-kheo biết được sự việc trên và một hôm, họ đem ra bàn tán trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, tôi nghe rằng vua Kosalã đã thắng A-xà-thế nhờ những lời chỉ bảo của Dhanuggahatissa.
Bậc Ðạo sư bước vào và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi đây bàn tán chuyện gì đó?
Khi nghe các vị ấy thuật lại, Ngài dạy:
– Ðây không phải là lần đầu tiên Dhanuggahatissa khéo léo bàn tán về chiến thuật.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một vị thần cây. Bấy giờ có vài người thợ mộc sống trong ngôi làng gần Ba-la-nại. Một người thợ mộc kia lúc vào rừng đốn cây, thấy một con Heo rừng còn nhỏ bị rơi xuống hầm bẫy, liền mang về nhà nuôi. Con Heo lớn lên, mập mạp với những sừng nanh cong vút. Nó là một con vật rất dễ dạy. Vì người thợ mộc nuôi nó, nên nó có thể là con Heo rừng của người thợ mộc. Mỗi khi người thợ mộc đốn cây, con Heo rừng dùng mồm trở cây lại, rồi dùng răng mang rìu, vạt, đục, vồ và cắn một đầu thước đo mà kéo theo. Người thợ mộc sợ người ta bắt nó ăn thịt nên đem nó thả vào rừng.
Con Heo chạy vào rừng sâu, tìm kiếm một nơi an toàn và hợp ý để sống. Sau cùng nó trông thấy một cái hang lớn nằm bên sườn núi, nơi ấy có nhiều củ, rễ, trái thật là một nơi ăn ở rất tốt. Có vài trăm con heo rừng khác trông thấy nó, liền đến gần.
Nó nói với chúng:
– Các bạn đúng là những vật ta đang tìm kiếm và thế là bây giờ ta đã kiếm được rồi. Ðây có lẽ là một chỗ tốt. Bây giờ ta muốn sống ở nơi đây cùng các bạn.
Bọn heo rừng kia đáp:
– Hẳn là một chỗ tốt, nhưng lại nguy hiểm.
– À – con Heo nói – mới thoạt trông thấy các bạn, ta đã ngạc nhiên rằng sao những vật sống ở một nơi trù phú thế này lại gầy ốm, xanh xao như thế kia. Các bạn sợ cái gì vậy?
– Có một con Hổ, cứ buổi sáng nó đến đây và trông thấy ai thì nó vồ ngay rồi mang đi.
– Việc ấy xảy ra luôn luôn hay thỉnh thoảng mới xảy ra?
– Luôn luôn.
– Có cả thảy bao nhiêu con hổ?
– Chỉ có một con thôi.
– Sao? Chỉ có một con mà lại quá nhiều đối với các bạn à?
– Vâng thưa ngài.
– Ta sẽ bắt nó miễn là các bạn chỉ làm theo lời ta. Con Hổ ấy sống ở đâu?
– Trên ngọn đồi kia kìa.
Thế rồi ban đêm, Heo rừng luyện tập bọn ấy và chuẩn bị chiến đấu, nó giảng giải chiến thuật:
– Chiến trận bao gồm ba loại: đạo quân hoa sen, đạo quân bánh xe, đạo quân toa xe.
Rồi nó sắp đặt bọn heo theo mẫu hoa sen. Nó biết được một nơi lợi thế, bèn nói:
– Ta phải tổ chức trận chiến nơi đây.
Các heo mẹ và heo con đang bú được sắp chính giữa, quanh đó là heo cái không có con thơ, vòng kế nữa là bọn heo nhỏ, rồi vòng tiếp theo là bọn heo trẻ và quanh bọn này là bọn heo sẵn sàng chiến đấu, mạnh khỏe, lực lưỡng. Nó sắp đặt từng đội theo nhóm từng chục hay từng hai chục. Phía trước vị trí của chính nó là một cái lỗ tròn, phía sau lỗ là một cái hố thoai thoải sâu dần có hình dạng như một cái giỏ sảy thóc. Nó đứng điều động trong đám heo, theo sau nó là sáu bảy chục con, nó truyền cả bọn phải thật can đảm.
Ðêm đã hết, con Hổ thức dậy và nghĩ: “Tới giờ rồi!” Nó chạy đi rồi bắt gặp đàn heo. Nó đứng lại trên mô đất, trừng mắt thị uy bọn chúng. Con Heo rừng của thợ mộc la lên và ra hiệu cho cả bọn:
– Trừng lại đi!
Tất cả đều trừng mắt nhìn lại hổ. Hổ há miệng gầm gừ một tiếng dài; cả bọn heo cũng làm như thế. Hổ phóng uế, bọn heo cũng vậy. Hễ Hổ làm sao thì bọn heo cũng làm theo nó.
“Sao, việc này là thế nào?” – Hổ tự nghĩ – “Mọi khi chúng nó thấy ta là liền vắt giò lên cổ mà chạy. Thực ra chúng quá sợ hãi đến chạy không nổi nữa. Nay chẳng những chúng không chạy mà lại còn đứng lên chống ta nữa. Ta làm gì chúng đều nhại lại. Có anh chàng kia đang đứng ở vị trí chỉ huy. Chính hắn là kẻ đã tổ chức cái bọn hỗn độn này. Thôi được, ta không thấy cách nào để thắng bọn chúng”. Thế rồi nó quay đi và trở về hang.
Bấy giờ có một ẩn sĩ giả hiệu, thường được Hổ chia cho một phần mồi. Lần này Hổ trở về tay không, ông ta để ý sự việc ấy và đọc bài kệ sau đây:
Mồi ngon nhất bạn luôn luôn được
Mỗi khi đi săn rượt heo rừng.
Bạn nay phiền muộn, tay không,
Nào đâu sức mạnh hào hùng trước đây?
Nghe thế, Hổ đọc một bài kệ tiếp:
Trước kia chúng thường hay tháo chạy,
Tìm về hang, kinh hãi, tả tơi;
Nay thành hàng ngũ hẳn hoi,
Ðứng lên dũng mãnh, quyết đòi ta lui.
-Ồ – đừng sợ chúng – ẩn giả khích lệ – chỉ một tiếng gầm, một cú vồ là đủ làm chúng kinh hãi mất trí khôn và trở nên hỗn loạn ngay.
Hổ xiêu lòng trước lời khuyến dụ ấy, lấy can đảm quay trở lại và đứng lên mô đất kia.
Chú Heo rừng của thợ mộc đang đứng giữa hai cái hố, bọn heo la lên:
– Chủ tướng xem kìa, tên vô lại kia lại đến!
– Ồ, chớ sợ – nó nói – Chúng ta sẽ tóm nó ngay.
Hổ gầm một tiếng rồi phóng tới vồ lấy chú heo rừng của thợ mộc, ngay lúc ấy chàng Heo né tránh và nhảy ngay xuống cái hố tròn. Hổ không dừng lại được, ngã lộn nhào và rơi trọn vào ngàm của cái hố thứ hai kia, nằm chẹt tại đó. Heo nhảy ra khỏi cái hố của nó, nhanh như chớp, thúc sừng vào đùi con Hổ, xé toang đến thận nó, vùi nanh vào khối thịt ngon ngọt của con vật, và thúc cả vào đầu nó. Rồi nó lôi Hổ ra khỏi hố và la lớn:
– Kẻ thù của các bạn đây, dành cho các bạn đây!
Bọn heo đến trước có thịt hổ mà ăn, còn bọn đến sau chỉ ngửi vào mồm bọn kia mà hỏi thịt hổ ăn giống như ăn thứ gì!
Nhưng bọn heo rừng vẫn chưa thỏa dạ. Chú heo kia đã nhận thấy thái độ của chúng, liền hỏi:
– Bây giờ còn điều gì nữa nào?
– Thưa chủ tướng – chúng nói – Giết được một con hổ thì thật là tốt quá, thế nhưng ông ẩn sĩ giả mạo kia còn có thể mang đến cả chục con hổ nữa!
– Hắn ta là ai thế?
– Một nhà tu giả hiệu ác độc.
– Con hổ kia ta còn giết được, thế các bạn cho rằng một con người còn có thể chạm tới ta được chăng? Hãy đến đó đi và chúng ta sẽ tóm được hắn.
Thế là cả bọn tiến lên.
Bấy giờ ông kia đang lấy làm lạ rằng tại sao Hổ lâu quá mà chưa trở về. Không chừng bọn heo đã tóm được nó rồi?” Ông ta tự nghĩ như vậy và quyết ra đón Hổ ở dọc đường. Khi ông ra thì đàn heo đã kéo đến!
Ông ta vội quơ các đồ dùng rồi phóng chạy. Bọn heo đuổi riết theo. Ông ném bỏ các thứ vướng víu rồi vụt trèo lên một cây sung.
Bọn heo la lên:
– Thưa chủ tướng, thế là xong hết cả rồi! Ông kia đã leo lên cây.
– Cây nào? Chú Heo lãnh đạo hỏi.
– Cây sung! Chúng đáp.
-Ồ – thế thì tốt lắm, các chị heo nái mang nước lại, các bạn heo trẻ bới cây, các bạn tráng kiện có sừng nanh bứt rễ, đám còn lại vây quanh mà trông chừng.
Cả bọn làm theo các nhiệm vụ mà nó giao phó. Trong khi ấy nó lao ngay vào một cái rễ to lớn, rồi như một nhát rìu bổ, nó tống ngã cái cây xuống đất. Bọn heo đang chờ sẵn, xông tới kết liễu vị tu sĩ giả mạo kia, xé ông ra từng mảnh và chỉ trong chốc lát, chúng gặm đến sạch xương!
Thế rồi, chúng đặt chàng Heo rừng của thợ mộc trên thân cây; lấy chiếc vỏ sò của kẻ bạc mạng, đổ đầy nước rồi tưới vào chú Heo rừng kia để tôn lên làm vua. Một chị heo trẻ cũng được chúng tôn lên làm hoàng hậu.
Người ta bảo rằng đó là nguồn gốc của tục lệ này vẫn còn được giữ. Ngày nay khi muốn tôn ai lên làm vua, người ta để người ấy ngồi trên một chiếc ghế đẹp bằng gỗ cây sung rồi dùng ba chiếc vỏ sò tưới vào.
Một vị thần sống ở trong rừng ấy chứng kiến sự việc kỳ diệu ấy, hiện ra trước bầy heo, đứng trong lỗ nứt của thân cây và đọc lên bài kệ thứ ba:
Ta đã thấy một kết đoàn kỳ đặc
Vinh quang thay, những bộ tộc hợp quần!
Ðám heo rừng đã đánh hổ tan hoang
Bằng sức mạnh và sừng nanh hợp nhất.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Trưởng lão Dhanuggahatissa là chú Heo rừng của người thợ mộc, còn Ta là vị thần cây.
-ooOoo-

284. Chuyện Vận May (Tiền thân Siri)

Những của cải do mình tạo dựng…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể về một vị Bà-la-môn ăn cắp vận may.
Các tình tiết về câu chuyện Tiền thân này giống như ở số 40. Tiền thân Khadiraga.
Cũng như trước kia vị nữ thần tà giáo sống ở tháp cổng nhà ông Anàthapindika (Cấp Cô Dộc), ăn năn hối lỗi đem bỏ vào kho của ông năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng và trở thành bạn của ông. Ông dẫn nàng đến trước bậc Ðạo Sư. Ngài thuyết giảng cho nàng, nhờ thế, nàng nhập quả vị Dự lưu. Từ đó, danh tiếng của vị Trưởng giả lại vang lừng như trước.
Bấy giờ, có một Bà-la-môn sống tại Kỳ Viên có tài xem dấu hiệu của vận may, suy nghĩ: “Cấp Cô Ðộc bị nghèo khó rồi lại trở nên nổi danh. Ta giả bộ thăm hắn rồi lấy cắp vận may của hắn xem sao!
Thế là ông ta đến nhà ông Cấp Cô Ðộc và được đón tiếp rất niềm nở. Sau những lần trao đổi xã giao, chủ nhà hỏi lý do cuộc viếng thăm. Vị Bà-la-môn để ý xem vận may của Trưởng giả kia nằm ở đâu. Bấy giờ ông Cấp Cô Ðộc có một con gà trống trắng, trắng như một vỏ sò đã được cọ rửa, con gà được giữ trong một cái lồng bằng vàng, và vận may của vị Trưởng giả đang nằm trong cái mồng của nó. Thế là người Bà-la-môn ấy đã dò tìm được vận may nằm ở đâu rồi.
– Thưa Tôn giả – ông ta nói – tôi dạy thần chú cho năm trăm người bạn trẻ. Chúng tôi đang bực mìmh vì một con gà trống cứ gáy không phải lúc. Con gà của ngài gáy đúng giờ giấc, vì thế mà tôi đến đây để xin nó. Ngài có thể cho tôi không?
– Vâng, Trưởng giả bảo, và ngay khi ông thốt ra lời ấy thì vận may rời khỏi cái mồng gà và đến nằm trong một viên ngọc gắn ở cái gối. Người Bà-la-môn thấy vận may vào trong viên ngọc liền xin luôn viên ngọc. Và ngay khi chủ nhân thuận cho thì vận may lại rời viên ngọc mà vào nằm trong cái gậy dùng để tự vệ đang đặt trên gối. Người Bà-la-môn thấy thế lại xin thêm chiếc gậy.
– Hãy lấy đi rồi ra về. Chủ nhân nói.
Và ngay lúc ấy, vận may lại rời chiếc gậy mà vào nằm trên đầu người vợ chánh của chủ nhân, đó là Phu nhân Punnalakkhanà (Phước tướng). Thấy thế, vị Bà-la-môn gian xảo kia tự nghĩ: “Ðây là thứ không thể nhượng lại, ta đâu có thể xin được!” Thế rồi ông nói với vị Trưởng giả:
– Thưa Trưởng giả, tôi đến nhà ngài chỉ để đánh cắp vận may của ngài. Vận may ấy nằm trong mồng con gà trống của ngài. Nhưng khi ngài cho tôi con gà trống, vận may lại chạy sang viên ngọc; khi ngài cho tôi viên ngọc, vận may lại sang chiếc gậy; khi ngài cho tôi chiếc gậy thì nó lại chạy thoát ra ngoài và vào trong đầu của Phu nhân Phnnalakkanà. Chắc chắn đây là thứ không thể nhượng lại, vậy không bao giờ tôi có thể có được vận may ấy. Không thể nào đánh cắp vận may của ngài được. Vậy thì ngài hãy giữ nó!
Nói xong, ông ta đứng dậy và ra đi. Ông Cấp Cô Ðộc quyết định kể chuyện cùng bậc Ðạo Sư. Vì thế ông đến tịnh xá. Sau khi thành kính đảnh lễ, ông ngồi xuống một bên và kể cùng đức Phật đầu đuôi sự việc. Bậc Ðạo Sư nghe xong và dạy:
– Này thiện nam tử, ngày nay vận may của một người không đi sang người khác. Nhưng ngày xưa vận may của những kẻ kém trí lại đi sang kẻ khôn lanh.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn tại vương quốc Kàsi. Lớn lên, ngài được giáo dục tại Takkasilà và sống trong gia đình của ngài. Nhưng khi cha mẹ mất ngài quá sầu muộn, lui về sống ẩn dật trong dãy Hy-mã-lạp Sơn, tụ tập các Thắng trí và các Thiền chứng.
Một thời gian lâu sau, ngài xuống các làng mạc để kiếm muối và đồ gia vị, rồi trú trong các vườn cây của vua Ba-la-nại. Ngày hôm sau trên đường khất thực, ngài ghé đến cổng nhà của một người dạy voi. Ông này cảm mến cung cách của ngài, cho ngài ăn rồi thuận cho ngài trú trong vườn nhà của ông và đều đặn hầu hạ ngài.
Bấy giờ có một người kia làm nghề kiếm củi, từ trong rừng về muộn quá không kịp đến thành phố. Ông phải ngủ đêm tại một ngôi đền, đặt bó củi dưới đầu để làm gối nằm. Tại ngôi đền, có một số gà trống rừng đang đậu trên một ngọn cây. Ðến sáng, con gà đậu trên cao đã để rơi phân trên lưng con đậu bên dưới.
– Ai đã để rơi phân trên lưng tôi thế? Con ở dưới kêu lên.
– Tôi đấy! Con ở trên đáp.
– Sao vậy chứ?
– Mặc tôi, con đậu trên đáp, rồi lại nhỏ phân xuống. Thế là hai con bắt đầu gây gổ nhau và kêu to:
– Ngươi có quyền gì chứ, ngươi có quyền gì chứ.
Cuối cùng, con đậu phía dưới nói:
– Hễ ai giết ta, đem thịt ta quay trên than mà ăn thì sẽ được một ngàn đồng vào mỗi buổi sáng đấy!
Con gà đậu phía trên trả lời:
– Ồ, chớ quá phách lối vì một chuyện quá nhỏ nhặt như thế! Ta ấy à, hễ ai ăn toàn thịt của ta thì sẽ được làm vua; nếu ai ăn phần da bên ngoài của ta, người ấy sẽ được làm tể tướng hoặc làm chánh hoàng hậu tùy theo người ấy là đàn ông hay đàn bà; còn nếu ai lấy xương ta mà gặm thịt thì sẽ được làm quan coi kho báu của nhà vua nếu người ấy là một gia trưởng, và nếu người ấy là một nhà tu thì sẽ được vua trọng vọng!
Người tiều phu nghe hết mọi sự việc và đắn đo suy nghĩ: “Nếu ta được làm vua thì đâu cần một ngàn đồng?” Thế rồi ông im lặng trèo lên cây, chộp lấy con gà trống đậu phía trên cao và giết nó đi. Ông cột túm con gà nhét vào túi áo rồi tự bảo: “Thế là ta sẽ làm vua!” Khi cổng thành vừa mở, ông đã bước ngay vào. Ông ta nhổ lông gà, rửa sạch rồi đem giao cho bà vợ, bảo bà ta làm món thịt thật ngon. Bà vợ làm món thịt với một ít gạo, rồi đem đặt trước mặt chồng và mời chồng ăn.
Người chồng nói:
– Bà nó này, thịt này có giá trị rất lớn, ăn thịt này tôi sẽ trở thành vua và bà sẽ trở thành hoàng hậu!
Rồi hai vợ chồng mang món thịt nấu với gạo ấy ra để trên bờ sông Hằng, họ định tắm xong rồi mới ăn. Thế là sau khi để thịt trên bờ, họ xuống tắm.
Vừa lúc ấy, một ngọn gió dâng nước lên, cuốn thịt đi. Món thịt trôi bập bềnh trên sông. Một người dạy voi, ấy là một nhân vật quan trọng, trong lúc cho voi tắm ở phía dưới dòng sông đã trông thấy món thịt ấy.
– Cái gì đây? Ông ta bảo vớt nó lên.
Có người trả lời:
– Thưa ngài, đây là món thịt nấu với gạo.
Ông ta sai gói lại, niêm phong và gởi về nhà cho vợ ông, dặn rằng khi ông trở về thì mở ra cho ông ăn.
Còn ông tiều phu cứ chạy rông, từ bụng phung ra cả cát và nước mà ông đã nuốt vào.
Báy giờ một vị khổ hạnh kia là giáo sĩ của người dạy voi ấy, vốn có nhãn thông, tự nghĩ: “Ông bạn chủ ta vẫn giữ chức vụ với bầy voi mãi, biết bao giờ ông ta mới được thăng chức?”. Suy nghĩ như vậy, và nhờ có nhãn thông ông thấy rõ người kia và hiểu cần phải làm gì. Ông liền đến trước, ngồi trong nhà người chủ.
Người chủ trở về, kính cẩn chào giáo sĩ rồi ngồi xuống một bên. Ông ta sai dọn ăn, rồi bảo mang thức ăn, thức uống cho vị khổ hạnh. Vị ấy không nhận đồ ăn mang đến cho ông, và nói:
– Tôi sẽ chia thức ăn này ra.
Người chủ chấp nhận. Vị giáo sĩ chia thịt ra từng phần, các phần thịt đưa cho người dạy voi, phần da đưa cho vợ của ông ấy, và lấy phần thịt dính ở xương cho mình. Bữa ăn chấm dứt, giáo sĩ nói với gia chủ:
– Ba ngày nữa, ông sẽ làm vua, hãy cẩn thận mọi việc ông làm!
Rồi vị ấy ra đi.
Vào ngày thứ ba, một ông vua láng giềng đến vây Ba-la-nại. Vua bảo người dạy voi mặc áo của vua rồi lên voi và ra trận, còn chính ngài giả trang, lẫn lộn trong đám quân lính. Một mũi tên bay vọt tới cắm vào vua, thế là vua chết ngay tại chỗ. Người dạy voi biết rằng vua đã chết, liền bảo đưa đến một số tiền lớn rồi đánh trống lên và tuyên bố:
– Những ai muốn được tiền, hãy tiến lên và chiến đấu!
Ðám chiến sĩ trong nháy mắt đã giết được ông vua đối nghịch kia.
Sau tang lễ của vua, các triều thần thương nghị ai là người được chọn làm vua. Họ bảo:
– Khi đức vua chúng ta còn sống, ngài đã mặc long bào cho người dạy voi. Chính người ấy đã chiến đấu và giữ được vương quốc, vậy thì vương quốc sẽ phải được trao cho người ấy!
Thế rồi họ tôn ông lên ngôi vua và vợ của ông được lên làm chánh hậu. Bồ-tát trở thành người thân tín của vua.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, với trí tuệ toàn hảo, Ngài đọc hai bài kệ sau đây:
Những của cải do mình tạo dựng,
Chẳng phải nhờ may mắn mà thành,
Do ơn thần nữ phúc lành
Người hay, kẻ dở đều dành phần cho.
Trên cuộc thế sờ sờ lắm kẻ
Thiện hiền hay ác tệ hung tàn,
Cuối cùng được hưởng giàu sang,
Ðúng ra nào phải là phần họ đâu?
Sau đó, bậc Ðạo Sư dạy thêm:
– Này Hiền giả, những kẻ ấy chẳng có nguồn lợi nào khác ngoài công đức của họ tạo được trong các đời trước; điều này khiến cho ông đạt được những của báu ngay ở chỗ vốn chẳng có hầm mỏ gì. Rồi ngài đọc bài kệ sau đây:
Kho báu kia muôn điều thiện phúc
Thoả mãn bao nguyện ước trời, người:
Hình dung, tiếng nói, tốt tươi,
Mặt mày xinh đẹp, sống đời quyền uy,
Mọi kiêu sa, oai nghi vương giả,
Hạnh phúc đầy, và cả ngôi trời,
Trời, người phúc lạc đôi nơi,
Niết bàn tự chứng, trí thời tự do,
Tình chân thiết dành cho bè bạn,
Với tự mình chiến thắng lấy mình;
Bích Chi Phật quả nên hình:
Giác tri, giải thoát, tu hành tinh chuyên.
Ấy tất cả ước nguyền vừa dẫn,
Kho báu kia vốn sẵn có rồi,
Diệu kỳ công đức cao vời,
Trí nhân, thắng giả muôn người ngợi ca.
*
Cuối cùng bậc Đạo sư vần kệ thứ ba để giải thích những báu vật ẩn chứa vận may của ông Cấp Cô Ðộc:
Gà kia, ngọc nọ, gậy này,
Rồi người vợ nữa, vận may luân hành.
Cho hay một kẻ thiện lành
Kho tàng kia vẫn được dành phần riêng.
*
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Trưởng lão Ànanda là vị vua, và giáo sĩ của gia đình kia chính là đức Phật.
-ooOoo-

285. Chuyện Heo Rừng Trong Hang Thủy Tinh (Tiền thân Manisùkara)

Vào địa ngục người ưa nói dối…,
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về vụ sát hại Sundari.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn rất được trọng vọng kính nể. Các tình tiết cũng giống như ở phẩm Kandhaka (Luật tạng) và đây là phần tóm tắt của các tình tiết ấy.
Các Tỷ-kheo của Thế Tôn thường nhận được phẩm vật cúng dường và sự tôn kính như nước của năm con sông đổ vào biển lớn; các người ngoại đạo thấy rằng phẩm vật cúng dường và vinh danh của họ không còn được như trước nữa, mà trở thành lờ mờ như bầy đom đóm trước lúc bình minh; họ liền hợp nhau lại và bàn:
– Từ khi Sa-môn Gotama xuất hiện, lợi lộc và vinh danh của chúng ta đã rời bỏ chúng ta. Chẳng ma nào biết rằng chúng ta đang có mặt trên đời. Ai có thể giúp ta đem lại tiếng xấu cho Sa-môn Gotama và làm cho ông ta không còn nhận được mọi lợi dưỡng này?
Thế rồi họ bỗng nghĩ: “Sundari có thể giúp ta việc ấy”.
Một hôm Sundari đến thăm rừng cây của người ngoại đạo, họ chào cô ta mà chẳng nói gì cả. Cô ta cứ hỏi đi, hỏi lại mãi mà vẫn không được ai trả lời. Cô liền hỏi:
– Có việc gì mà các thánh phụ lại phiền não thế?
Các người ngoại đạo đáp:
– Này chị, há chị chẳng thấy Sa-môn Gotama đã làm chúng ta phiền não, đã tước đi của chúng ta những phẩm vật bố thí và vinh danh như thế nào ư?
Cô ta hỏi:
– Thế thì tôi có thể làm gì đây nào?
– Này chị, chị xinh đẹp lại đáng yêu. Chị có thể làm ô nhục cho Gotama, lời nói của chị sẽ gây ảnh hưởng đến quần chúng, và như vậy có thể phục hồi cho chúng ta những phẩm vật cúng dường và danh thơm như trước.
Cô ta nhận lời và từ giã ra đi. Sau đó cô thường mang hoa, dầu thơm, hương liệu, long não, đồ gia vị và trái cây, cứ vào mỗi buổi chiều đám đông trở vào thành sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp thì cô quay mặt về phía Kỳ Viên. Hễ ai hỏi cô sắp đi đâu thì cô bảo:
– Tôi sắp đến với Sa-môn Gotama, tôi sống với ông ta trong một hương phòng.
Thế rồi cô ngủ đêm tại một xóm ngoại đạo và sáng hôm sau đi theo con đường từ Kỳ Viên vào thành phố. Hễ có ai hỏi cô đi đâu về thì cô bảo:
– Tôi đã ở với Sa-môn Gotama trong một hương phòng và ông ấy đã làm tình với tôi.
Vài ngày sau các ngoại đạo mướn vài tên vô lại giết chết Sundari trước phòng của đức Gotama rồi đem ném xác cô ta trong một đống rác. Bấy giờ các người ngoại đạo mới la ầm lên về Sundari rồi thông báo với nhà vua. Vua hỏi họ nghi ngờ chỗ nào, họ trả lời rằng cách đấy ít ngày Sundari có đến Kỳ Viên nhưng sau đó sự việc xảy ra thế nào thì họ không biết. Vua sai họ đi kiếm cô ta. Ðược lệnh, họ mang theo một số người hầu riêng của vua, và đi đến Kỳ Viên, tại đó họ kiếm quanh quẩn rồi tìm thấy Sundari trong đống rác. Họ gọi một cái cáng mang thi thể cô về thành phố và trình vua rằng các môn đệ của đức Gotama đã giết Sundari rồi ném xác vào đống rác để che giấu tội cho bậc Ðạo Sư của họ.
Vua sai các ngoại đạo ấy đi khắp thành phố. Trên khắp các đường sá họ vừa đi vừa la lớn:
– Hãy đến đây mà xem việc làm của các Tỷ-kheo môn đệ của Thái tử Thích- Ca.
Thế rồi họ trở lại cổng cung điện. Vua cho đặt thi thể Sundari trên tấm bệ rồi đưa vào nghĩa địa canh giữ. Tất cả mọi người trừ các Tỷ-kheo đều đi khắp trong, ngoại thành, khắp các công viên, khắp rừng cây, nhục mạ các Tỷ-kheo và kêu lên:
– Xin tới mà xem công việc làm của các môn đệ của Thái tử Thích-Ca.
Các Tỷ-kheo kể hết đầu đuôi cho đức Phật, bậc Ðạo Sư dạy rằng:
– Ðược rồi. Hãy đi ra và khiển trách những người này bằng các lời sau:
Vào địa ngục người ưa nói dối,
Cùng người nào chối việc mình làm
Cả hai, thần chết đã mang
Như người ác hạnh vẫn thường tái sanh.
Nhà vua sai vài người đi tìm xem Sundari còn bị kẻ nào giết nữa không. Bấy giờ bọn vô lại đang uống rượu bằng thứ tiền vấy máu và gây gổ nhau. Một đứa trong bọn nói:
– Mày đã giết Sundari bằng một cú đập rồi ném xác cô ấy vào trong đống rác, thế rồi giờ đây mày mua rượu bằng số tiền vấy máu ấy!
– Ðúng đây rồi, đúng đây rồi!
Những người được vua sai đi nghe nói thế rồi bắt bọn vô lại kia đem đến trình vua. Vua hỏi:
– Có phải chúng bây đã giết Sundari không?
Chúng thú nhận đã làm như thế.
– Ai sai chúng bây?
– Tâu Ðại vương, các người ngoại đạo.
Vua gọi các người ngoại đạo đến và phán:
– Hãy đỡ thi thể Sundari lên rồi mang nàng đi khắp thành phố, vừa đi vừa kêu lớn:
– Cô Sundari này muốn làm nhục Sa-môn Gotama, chúng tôi đã bảo giết cô ta; đức Gotama cũng như các môn đệ của Ngài không hề có tội lỗi gì; chính chúng tôi mới là có tội!
Bọn người ngoại đạo làm theo lệnh ấy. Số đông những người chưa được giáo hóa cũng đã tin như thế. Bọn ngoại đạo đã không còn gây tội ác vì phải bị trừng phạt về tội giết người. Từ đó về sau, tiếng tăm của đức Phật ngày càng lừng lẫy. Thế rồi một hôm, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường:
– Này Hiền hữu, bọn ngoại đạo tưởng bôi nhọ đức Phật nhưng chính họ chỉ tự bôi nhọ mà thôi. Từ đó, lợi lộc và danh vọng của chúng ta càng tăng thêm.
Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn tán việc gì. Họ thuật cho Ngài nghe. Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không thể nào gây bất tịnh cho đức Phật được. Cố sức bôi nhọ đức Phật cũng giống như cố sức bôi nhọ viên ngọc thượng hạng mà thôi. Vào thời xưa, người ta cũng đã từng mong làm vẩn đục một viên ngọc đẹp nhưng không cách nào làm được, đành phải chịu thất bại mà thôi.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi ngài lớn lên thấy rằng tham dục là khổ, ngài liền ra đi, vượt qua ba lớp núi của dãy Hy-mã-lạp Sơn (Tuyết Sơn) và ngài trở thành một ẩn sĩ sống trong một túp lều lá.
Gần lều của ngài có một hang bằng thủy tinh trong đó có ba mươi con Heo rừng đang sống. Một con Sư tử thường lai vãng gần hang ấy. Bọn Heo thường cứ thấy bóng Sư tử phản chiếu vào hang và kinh sợ đến gầy ốm, xanh xao. Chúng liền nghĩ: “Chúng ta thấy cái bóng phản chiếu ấy vì thủy tinh quá trong trẻo. Chúng ta nên làm cho thủy tinh dơ bẩn và mờ đục đi”.
Thế rồi chúng lấy bùn đất ở trong một vũng nước gần đó đem bôi chà vào thủy tinh. Nhưng thủy tinh được đánh bóng bằng lông heo rừng trở thành sáng loáng hơn bao giờ hết. Bọn Heo không biết phải tính sao, liền quyết định đến hỏi vị ẩn sĩ kia làm thế nào để làm dơ bẩn thủy tinh. Chúng đến nơi, sau khi kính cẩn chào, chúng ngồi xuống một bên ẩn sĩ và đọc hai bài kệ:
Ba chục chúng tôi đã sống trong
Vẻ sáng động kia nay nhọc sức,
Chúng tôi chẳng thể vấy dơ xong.
Dù đã tốn công đem hết sức,
Làm lu mờ bóng sáng kia đi,
Bóng kia càng sáng hơn lên mãi,
Xin hỏi chẳng hay duyên cớ gì?
Nghe xong Bồ-tát đọc bài kệ tiếp:
Thủy tinh kia quý giá dường bao,
Trong sáng, luôn luôn rực ánh hào,
Tuyệt chẳng vật gì ngăn vẻ sáng,
Heo nên dời chỗ ở đi nào!
Nghe lời Bồ-tát, bọn heo dời đi ở chỗ khác.
Còn Bồ-tát chuyên tâm thiền định và tái sanh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi kể xong Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Bấy giờ Ta là vị ẩn sĩ nọ.
-ooOoo-
Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính (B. Anson, 05/2003).

Add Comment