[TIỂU BỘ] KINH BỔN SANH – TẬP III – 13. PHẨM SÁU BÀI KỆ (tiếp theo)

TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
KINH BỔN SANH – TIỂU BỘ KINH – TẬP VI

Việt dịch: HT Thích Minh Châu – GS Trần Phương Lan
———-o0o———-

CHƯƠNG VI (Sáu Bài Kệ)

PHẨM SÁU BÀI KỆ (tiếp theo)

379. Chuyện Núi Neru (Tiền thân Neru)

Hai chúng ta là loài chim ưu tú..
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một vị Tỷ-kheo.
Chuyện kể rằng vị ấy học được các phương thức hành thiền của bậc Ðạo Sư xong, liền ra một làng ở biên địa. Tại đó dân chúng hài lòng với phong cách của ông, nên cúng dường thực phẩm, dựng một thảo am ở trong rừng và yêu cầu ông ở lại đó rồi bày tỏ lòng tôn kính trọng vọng ông. Nhưng sau đó họ lại rời bỏ ông, để đi theo các đạo sư thuộc phái Thường kiến, rồi lại bỏ các vị này để theo giáo phái Ðoạn kiến, xong lại bỏ phái này để theo phái khổ hạnh lõa thể, vì đạo sư các phái này cứ lần lượt xuất hiện. Do thế vị Tỷ-kheo này rất phiền lòng khi sống chung với những người không phân biệt thiện ác kia.
Sau thời an cư mùa mưa và lễ Tự tứ (Pavàranà), vị ấy trở về hầu bậc Ðạo Sư và khi Ngài hỏi, ông kể lại những nơi ông đã cư trú trong mùa mưa vừa qua và ông đã phải phiền lòng ra sao vì những người không biết thiện ác. Bậc Ðạo Sư bảo:
– Các bậc trí ngày xưa, ngay khi còn là loài vật, cũng không sống chung một ngày với những kẻ không biết thiện ác, tại sao ông lại làm như vậy?
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm một chim Thiên nga màu vàng óng. Ngài sống cùng em trai trên đỉnh núi Cittakuta và ăn lúa dại trên vùng Tuyết Sơn. Một hôm bay về Cittakuta, đôi chim thấy ngọn núi Neru màu vàng rực rỡ liền đến ở trên đỉnh. Chung quanh núi có nhiều loài chim và dã thú cùng sống để kiếm ăn trên bãi. Từ lúc bọn chúng đến đây, tất cả đều nhuộm màu vàng do ánh sáng từ núi chiếu ra. Chim em của Bồ-tát thấy vậy, song không hiểu lý do liền hỏi:
– Vì cớ sao ở đây lại như vậy?
Và chim cất tiếng ngâm hai vần kệ đầu nói chuyện cùng anh:
Hai chúng ta là loài chim ưu tú
Trên núi này bên đám quạ, diều hâu,
Cả mọi loài cùng chỉ có một màu:
Chó hạ liệt đua tranh cùng loài hổ,
Và với chúa sơn lâm: đàn sư tử
Vậy núi này có tên gọi là sao?
Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba đáp lại:
Ne-ru là tên gọi Núi tối cao,
Ở nơi đây muôn loài đều vàng óng.
Chim em nghe lời này liền ngâm ba vần kệ tiếp còn lại:
Hễ nơi nào thiện nhân không được trọng,
Hoặc ít hơn người khác, hãy đi liền,
Dẫu hiền ngu, can đảm hoặc ươn hèn,
Ðều nhất loạt được tôn sùng bình đẳng,
Thiện nhân chẳng thể cùng ngươi chung sống,
Hỡi Núi cao không phán đoán phân minh!
Dầu tối ưu, hạ liệt, hoặc trung bình,
Ne-ru cũng chẳng thể nào suy xét,
Vậy, hỡi ôi! Chúng ta đành từ biệt
Núi Ne-ru không biết lẽ biệt phân.
Cùng với lời này cả đôi chim bay về núi Cittakùta.
*
Khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo kia đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Thiên nga em là Ànanda, và Thiên nga anh chính là Ta.
-ooOoo-

380. Chuyện Thiên Nữ Àsankà (Tiền thân Àsankà)

À-sà-ti mọc trên vườn thiên giới..
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự cám dỗ một Tỷ-kheo do người vợ cũ gây ra.
Hoàn cảnh này sẽ xuất hiện trong Tiền thân Indriya, số 423.
Bậc Ðạo Sư nhận thấy vị Tỷ-kheo này thối thất do mơ tưởng đến người vợ cũ, vì thế Ngài bảo:
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đang làm hại ông, ngày xưa cũng vì kẻ ấy mà ông đã hy sinh cả bốn đạo quân và sống ba năm liền ở vùng Tuyết Sơn trong cảnh đầy gian khổ.
Nói xong Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn tại một làng trong xứ. Khi ngài lớn lên, ngài học các nghệ thuật ở Ðại học Takkasilà, sau đó trở thành một vị khổ hạnh đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, sống bằng củ quả ở rừng Tuyết Sơn. Vào thời ấy có một thiếu nữ đức hạnh vẹn toàn từ cõi trời Ba mươi ba giáng trần, đầu thai làm một thiếu nữ trong đóa hoa sen trên hồ nước. Trong khi các hoa khác già cỗi héo tàn, rơi rụng thì hoa ấy lớn dần và đứng thẳng trên cành.
Vị khổ hạnh đến tắm trong hồ nhận thấy thế, nghĩ thầm: “Các hoa khác rơi rụng, song hoa này cứ lớn dần ra và thẳng đứng, sao lạ thế này?” Ngài liền mặc áo tắm và lội đến đó, mở đóa sen ra, ngài trông thấy cô bé gái. Ngài cảm thấy thương yêu nàng như con mình, liền đem cô bé về thảo am, chăm sóc nuôi nấng. Nàng lớn dần đến năm mười sáu tuổi trở thành rất xinh đẹp, dung sắc nàng vượt hẳn dung sắc loài người, nhưng chưa đạt đến dung sắc chư Thiên.
Một hôm Thiên chủ Sakka hiện xuống hội kiến Bồ-tát. Thiên chủ thấy thiếu nữ này liền hỏi chuyện và được biết nàng ở đâu ra. Ngài hỏi:
– Nàng cần những thứ gì, thưa Tôn giả?
– Một chỗ cư trú, y phục nữ trang và thực phẩm, này Thiên chủ.
Ngài liền hóa hiện một cung bằng pha lê cho nàng ở, cùng với bảo tọa, y phục, nữ trang, thực phẩm thần và tiên tửu. Thiên cung này bay xuống trần gian và dừng lại ở nơi nàng đang sống. Khi nàng bước vào trong cung, nó lại bay lên đến giữa không trung. Nàng chuẩn bị đủ mọi thứ phụng dưỡng Bồ-tát trong khi nàng sống trong cung này.
Một người kiểm lâm thấy nàng liền hỏi ngài:
– Thưa Tôn giả, nàng ấy là gì của ngài?
– Con gái ta đấy.
Người ấy liền đi về Ba-la-nại trình vua:
– Tâu Ðại vương, tiểu thần vừa thấy trong vùng Tuyết Sơn cô con gái của một vị khổ hạnh có dung sắc tuyệt thế.
Vua bị cám dỗ khi nghe chuyện này vội bảo người kiểm lâm làm hướng đạo cùng đi với vua và bốn đạo binh về hướng ấy. Cắm lều trại xong, vua đem người kiểm lâm và đám cận thần đến thảo am. Vua kính chào Bồ-tát và bảo:
– Thưa Tôn giả, nữ nhân là thứ bất tịnh đối với đời tu hành, vậy để trẫm chăm sóc tiểu thư.
Bấy giờ Bồ-tát đã đặt cho cô gái tên Àsankà vì nàng được ngài đem về nuôi nhờ ngài lội qua hồ nước do lòng nghi hoặc (Àsankà): “Cái gì ở trong hoa sen này?”. Ngài không nói thẳng với vua: “Hãy đem nàng đi”, mà lại bảo:
– Thưa Ðại vương, nếu ngài biết tên con gái ta thì hãy đem nàng đi.
– Thưa Tôn sư, nếu ngài nói ra thì trẫm sẽ biết..
– Ta sẽ không nói đâu, khi nào ngài biết tên ấy thì cứ đem nàng đi.
Vua chấp thuận, từ đó cứ suy xét cùng với đám cận thần: “Tên nàng là gì nhỉ?” và đưa ra đủ thứ tên khó đoán với Bồ-tát: “Những tên nọ tên kia là tên nàng”. Song Bồ-tát bảo không phải và từ chối lời thỉnh cầu. Vì vậy một năm trôi qua trong khi vua xem xét tên nàng.
Sư tử và nhiều dã thú đến vồ lấy mọi người và binh sĩ của vua, lại thêm nhiều hiểm họa vì rắn rết, ruồi muỗi. Nhiều người khác chết vì lạnh. Vua bảo Bồ-tát:
– Trẫm cần gì nàng ấy nữa?
Và vua bỏ đi.
Thiếu nữ Àsankà hiện ra trên cửa sổ pha lê mở rộng. Vua thấy nàng liền bảo:
– Chúng ta không tìm ra tên nàng nên chúng ta sẽ ra đi, nàng cứ ở lại Tuyết Sơn này.
– Tâu Ðại vương, nếu ngài ra đi, ngài sẽ chẳng bao giờ tìm được một vương phi như thiếp nữa. Trên cõi trời Ba mươi ba, tại vườn Cittalatà, có một loài cây leo tên Àsàvatì. Trái của nó chứa một thứ tiên tửu, những ai uống rượu ấy một lần là phải say suốt bốn tháng nằm yên trên thiên tọa. Nó chỉ sinh trái một lần trong một ngàn năm, cho nên các Thiên tử, dù ham mê rượu nồng, vẫn chịu nhịn khát để đón chờ tiên tửu ấy. Họ bảo nhau: “Ta sẽ hái quả cây này”, rồi cứ liên tục đến canh chừng cây ấy suốt cả ngàn năm và bảo nhau: “Cây mọc có tốt chăng?”
Còn Ðại vương, chỉ trong vòng một năm đã sinh lòng bất mãn, hễ ai hái được kết quả của niềm hy vọng là đạt hạnh phúc. Thiếp xin ngài khoan bất mãn vội.
Do vậy, nàng ngâm ba vần kệ đầu:
À-sà-ti mọc trên vườn Thiên giới
Một ngàn năm chỉ sinh trái một lần,
Chư Thiên hằng kham nhẫn mãi chờ trông.
Quá hy vọng, Ðại vương, đầy ngon ngọt,
Chim hy vọng không bao giờ tổn thất,
Nó đạt tròn mong ước dẫu xa vời.
Tâu Ðại vương, quá hy vọng ngọt bùi!
Cứ hy vọng, Ðại vương, hy vọng mãi.
Vua lại mê say vì lời nàng, rồi triệu tập quần thần một lần nữa và cố đoán tên nàng, cứ mỗi lần đoán mười tên mãi đến khi một năm nữa trôi qua. Song tên nàng vẫn không ở trong số mười lời phỏng đoán kia, nên Bồ-tát từ chối lời vua thỉnh cầu. Nàng lại hiện ra trên khung cửa sổ và vua bảo:
– Thôi nàng ở lại đây, trẫm sắp ra đi.
– Tại sao ra đi, tâu Ðại vương?
– Vì trẫm không thể nào đoán ra tên nàng.
– Tâu Ðại vương, tại sao ngài không thể đoán ra? Niềm hy vọng không phải là không có thành công. Một con hạc đậu trên đỉnh đồi cũng đạt được mong ước, tại sao ngài không thể đạt được chứ? Tâu Ðại vương, hãy kham nhẫn. Một chim hạc đã tìm nơi ăn trong một hồ sen, song nó bay lên tận đỉnh đồi. Nó ở lại đó hôm ấy và hôm sau tự nhủ: “Ta sống thật an lạc tại đỉnh đồi này. Nếu không cần xuống đồi, ta cứ ở đây tìm thức ăn nước uống và đậu tại đây hôm nay thật thích thú biết bao”.
Chính ngay hôm ấy, Sakka Thiên chủ đã dẹp tan các thần Asura (A-tu-la) và làm chúa tể cõi trời Ba mươi ba, tự nhủ: “Mọi mong ước của ta đã đạt được đỉnh cao thành tựu. Hôn nay có ai trong rừng chưa đạt niềm mong ước chăng?” Suy xét như vậy ngài thấy con hạc và nghĩ: “Ta sẽ làm cho niềm mong ước của con hạc được thành tựu”. Không xa con hạc đậu có một dòng suối, Thiên chủ đưa con suối đầy thức ăn lên đỉnh đồi, như thế chim hạc không cần đi đâu vẫn có cá ăn nước uống thỏa thích suốt ngày ở nơi ấy. Sau đó dòng suối đổ xuống và trôi đi xa. Tâu Ðại vương, con hạc đã đạt kết quả niềm hy vọng của nó như vậy, tại sao Ðại vương sẽ không đạt được kia chứ? Xin Ðại vương cứ hy vọng nữa, hy vọng mãi.
Nàng nói và ngâm vần kệ còn lại.
Vua nghe chuyện nàng kể, lại say mê sắc đẹp nàng, bị lời nàng lôi cuốn, nên ở thêm một năm nữa để phỏng đoán cả trăm tên nàng. Sau ba năm, vua tìm đến Bồ-tát và hỏi:
– Thưa Tôn giả, tên nàng có nằm trong trăm tên này chăng?
– Thưa Ðại vương, ngài không biết tên ấy đâu.
Vua vái chào Bồ-tát và bảo:
– Chúng tôi xin từ giã lên đường.
Và vua ra đi.
Thiếu nữ Àsankà lại đứng bên cửa sổ pha lê. Vua trông thấy nàng liền bảo:
– Thôi nàng ở lại, chúng ta sắp lên đường.
– Tại sao thế, tâu Ðại vương?
– Nàng làm ta đẹp lòng vì lời nói chứ không phải vì tình yêu của nàng. Ta say mê lời nói dịu ngọt của nàng, nên đã ở đây ba năm ròng, nay ta quyết ra đi.
Rồi vua ngâm các vần kệ sau:
Lời nói nàng nghe quả thật dịu êm,
Song hành động không thỏa lòng mong đợi.
Hoa hữu sắc vô hương là cỏ dại,
Lời hứa kia dẫu đẹp chẳng thi hành
Với bạn thân, ta phải ném cho nhanh,
Chẳng đem tặng, cứ để dành mãi mãi,
Tình bạn kia tất nhiên là suy thoái.
Ta chỉ nên hứa trước việc mình làm,
Ðừng hứa suông những việc chẳng đảm đang.
Nếu ta nói mà không làm phận sự,
Các trí nhân xét xem liền thấy rõ.
Ðạo quân ta hao tổn, cạn kho lương,
Ta hoài nghi đời sống đã suy tàn,
Ðã đến lúc ra đi, đành từ biệt.
Khi nàng Àsankà nghe lời vua liền đáp:
– Tâu Ðại vương, ngài biết tên thiếp rồi, ngài vừa nói ra tên ấy. Xin hãy nói cho phụ thân biết tên thiếp và đem thiếp cùng ra đi.
Nói vậy xong, nàng liền ngâm vần kệ:
Tâu Ðại vương, vừa nói ra tên thiếp,
Hãy đến ngay, cha thiếp nhận cầu hôn.
Vua đến gặp Bồ-tát và nói:
– Thưa Tôn giả, tiểu thư tên là Àsankà.
– Thưa Ðại vương, ngài đã biết tên nàng, vậy hãy đem nàng ra đi.
Vua kính lễ Bồ-tát và đến cung pha lê bảo nàng:
– Này, quý cô nương, phụ thân nàng đã gả nàng cho ta, vậy hãy đến đây ngay.
– Tâu Ðại vương, thiếp sẽ đi xin phép phụ thân. Nàng bảo.
Rồi từ cung pha lê, nàng bước xuống đảnh lễ Bồ-tát, được ngài ưng thuận và cho phép ra đi cùng nhà vua. Vua đem nàng về Ba-la-nại, cùng nàng sống hạnh phúc, sinh được thêm nhiều hoàng tử và công chúa. Còn Bồ-tát tiếp tục hành Thiền định và tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Àsankà là người vợ cũ kia, vua là vị Tỷ-kheo bất mãn này và vị khổ hạnh chính là Ta.
-ooOoo-

381. Chuyện Chim Thứu Migàlopa (Tiền thân Migàlopa)

Ðường con bay bổng, hỡi con thân…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bất tuân Giới luật.
Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo:
– Có thật ông bất tuân Giới luật chăng?
Vị ấy đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Bậc đạo sư bảo:
– Không phải ông bất tuân Giới luật lần đầu, mà xưa kia vì tính ngỗ nghịch không nghe lời khuyên của bậc trí, ông phải mạng vong và gặp cuồng phong Verambla.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm chim Thứu (kên kên) tên Aparanna, sống cùng đoàn chim thứu tùy tùng ở núi Gijjhapabbata (Thứu Sơn). Con ngài tên Migàlopa cường tráng dũng mãnh phi thường. Nó bay cao vượt mức độ các chim thứu khác. Chúng liền kể cho thứu vương nghe con ngài bay quá cao. Ngài gọi Migàlopa đến bảo:
– Này con, chúng bảo con bay quá cao. Nếu quả vậy, con tự gây tử vong cho mình đấy.
Ngài lại ngâm ba vần kệ:
Ðường con bay bổng, hỡi con thân,
Cha thấy chúng sao thật bất an,
Con vụt lên cao xa quá mức,
Vượt vùng ta sống thật an toàn.
Khi đất chỉ là một bãi vuông
Hiện ra phía trước mắt con trông,
Thì nên quay lại thôi con nhé,
Ðừng táo bạo bay vút giữa không.
Chim sải cánh bay tận cõi không,
Chúng thường gặp bão tố cuồng phong,
Khi đang nỗ lực lên cao mãi,
Vì chúng kiêu căng phải mạng vong.
Khinh lời khuyên nhủ thật khôn ngoan
Của đấng lão thân, gặp Hắc Phong,
Tên gọi Ve-ram-bha Bão tố,
Vợ con, gia sản phải tan hoang.
Do vậy những ai chẳng chú tâm
Nghe lời huynh trưởng vẫn khuyên răng,
Như chim kiêu mạn bay đi lạc,
Bất phục lệnh trên, gặp tử thần.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Migàlopa là Tỷ-kheo bất tuân Giới luật và Thứu vương Aparanna chính là Ta.
-ooOoo-

382. Chuyện Hai Thiên Nữ Siri Và Kàlakanni (Tiền thân Siri-Kàlakanni)

Ai đây xanh thẩm hóa đen huyền…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Từ thời ông được an trú vào quá Dự Lưu, ông hành trì Ngũ giới trọn vẹn. Tất cả vợ con gia nhân của ông đều làm như vậy.
Một hôm tại Chánh pháp đường, Tăng chúng bắt đầu thảo luận xem ông Cấp Cô Ðộc và gia quyến ông có giữ Thánh đạo thanh tịnh chăng. Bậc Ðạo Sư bước vào và được Hội chúng trình bày đề tài ấy, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, các bậc trí thời xưa cũng đã giữ cho toàn gia quyến được thanh tịnh.
Và Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm một thương nhân, bố thí, trì giới và toàn thể con cháu, gia nhân trong nhà cũng làm như vậy. Cho nên ngài được gọi là thương nhân Suciparivàra (Toàn gia Thanh tịnh). Ngài suy nghĩ: “Nếu có vị nào giữ đức giới thanh tịnh hơn ta đến đây, và ta mời vị ấy ngồi trên ghế của ta hay nằm trên giường của ta thì không thích hợp, mà ta phải mời ngồi trên bảo tọa thanh tịnh chưa ai dùng”. Như thế ngài dặn gia nhân chuẩn bị một bảo tọa và một bảo sàng mới nguyên đặt vào một bên khách sảnh đặc biệt của ngài.
Vào thời ấy trên cõi trời Thiên vương có hai nàng tiên: Kàlakanni (Bất Hạnh), ái nữ của Virùpakkha (Quảng Mục Thiên vương) và Siri (Hạnh Phúc), ái nữ của Dhatarattha (Trì Quốc Thiên vương) cùng đem nhiều vòng hoa và hương liệu đi đến hồ Anotatta để vui chơi tại đó.
Bấy giờ tại hồ đó có nhiều chỗ tắm. Chư Phật có chỗ tắm riêng, các Ðộc Giác Phật có chỗ riêng, các Tỷ-kheo có chỗ riêng, các Thiên tử sáu tầng Dục giới (trong đó có Tứ Thiên vương an trú ở tầng thứ nhất) có chỗ riêng và các Thiên nữ có chỗ riêng.
Hai Thiên nữ này đến đấy và bắt đầu tranh cãi xem ai được tắm trước. Kàlakanni nói:
– Ta ngự trì cõi trần, ta tắm trước mới hợp lý.
– Ta cai quản con đường giới hạnh đem lại địa vị tối cao của nhân loại. Ta tắm trước mới hợp lý. Siri đáp.
Sau đó cả hai đều nói:
– Tứ Thiên vương sẽ biết giữa hai ta ai sẽ phải tắm trước.
Thế là hai nàng đi hỏi các Thiên vương rằng ai giữa hai nàng xứng đáng tắm trước tại hồ Anotatta. Hai Thiên vương Dhatarattha và Virupakkha đáp:
– Chúng ta không thể quyết định được.
Và hai vị giao phận sự ấy cho Virùlha (Tăng Trưởng Thiên vương) và Vesavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Hai vị này cũng bảo:
– Chúng ta không quyết định được, chúng ta muốn đưa chuyện đến bệ kiến Thiên chủ.
Rồi hai vị đưa chuyện đến Sakka Thiên chủ (Ðế Thích). Thiên chủ nghe chuyện, thầm nghĩ: “Hai này này là ái nữ của Thiên vương chư hầu của ta, ta không thể quyết định được chuyện ấy”, và bảo hai nàng:
– Tại thành Ba-la-nại có một thương nhân tên gọi Suciparivàra, trong nhà vị ấy có đặt sẵn một bảo tọa và một bảo sàng mới nguyên, nàng nào có thể nằm ngồi ở chỗ ấy trước thì xứng đáng là người được tắm trước.
Kàlakanni nghe vậy lập tức khoác y phục màu xanh, tẩm dầu thơm màu xanh và tô điểm nữ trang màu xanh (Màu xanh tượng trưng điềm xấu). Rồi từ Thiên giới, nàng giáng trần trên một thạch bàn do chiếc cung thần bắn ra. Sau canh giữa đêm, nàng trụ trên không, tỏa ra một làn ánh sáng xanh, không xa vị thương nhân đang nằm trên một bảo tọa trong khách sảnh đặc biệt của lâu đài. Vị thương nhân nhìn lên thấy nàng, song đối với ngài, nàng không có vẻ nhân từ, khả ái. Ngài liền ngâm vần kệ đầu nói chuyện với nàng:
Ai đây xanh thẩm hóa đen huyền,
Không khả ái đâu trước mắt nhìn,
Con gái nhà ai, nàng ấy nhỉ,
Làm sao ta biết, hỡi cô tiên?
Nghe lời này, Kàlakanni ngâm vần kệ thứ hai:
Quảng Mục Thiên vương chính phụ thân,
Kà-li là Bất Hạnh, tai ương,
Xin ngài cho một phòng lưu trú
Kề cận ngài như dạ ước mong.
Sau đó Bồ-tát đáp vần kệ thứ ba:
Nàng vẫn sống theo giới hạnh gì?
Ðường nào nhân thế bước chân đi?
Ðây là câu hỏi xin nàng đáp,
Ta muốn chú tâm để lắng nghe.
Nàng lại ngâm vần kệ thứ tư, giải thích các đặc tính của nàng:
Giả dối, buông lung, cáu kỉnh luôn,
Vong ân, tật đố, dạ xan tham,
Ác nhân, ta giúp thành công để
Thắng lợi làm cho chúng diệt vong.
Nàng còn ngâm thêm vần kệ thứ năm, thứ sáu và thứ bảy:
Sâu hận lại còn thân thiết hơn,
Giao tranh, phỉ báng, lẫn hung tàn,
Kẻ ngu không biết người lương thiện,
Oán ghét lời khuyên, lẫn thiện nhân.
Người nào hành động trí ngu si,
Bằng hữu thảy đều phải chán chê,
Kẻ ấy với ta là bạn đó,
Ta tìm lạc thú ở người kia.
Lúc ấy, bậc Ðại Sĩ ngâm vần kệ thứ tám khiển trách nàng:
Kà-li, nàng hãy bước đi ngay,
Chẳng có gì vui thú ở đây,
Hãy đến các kinh thành xứ khác,
Biến nhanh ra khỏi chốn này.
Kàlakanni nghe vậy, buồn rầu ngâm vần kệ đáp lời:
Ta vẫn biết ngài rõ lắm thay,
Không gì vui thú ở nơi đây,
Những người ác tạo nhiều mưu kế,
Huynh đệ ta làm biến mất ngay.
Khi nàng đã đi rồi, Thiên nữ Siri xuất hiện, với y phục, dầu thơm, nữ trang toàn màu rực rỡ ngay trước cửa phòng khách, vừa tỏa ra một làn ánh sáng toàn màu vàng, nàng đứng trên đất bằng hai chân vững chắc và dáng điệu kính cẩn. Bồ-tát thấy nàng liền ngâm hai vần kệ đầu:
Ai đây màu sáng chói Thiên thần
Trên đất bình yên, dáng thật chân,
Con gái nhà ai, nàng ấy nhỉ,
Làm sao ta biết, hỡi tiên nương?
Siri nghe vậy liền đáp vần kệ thứ hai:
Trì Quốc Thiên vương chính phụ thân,
Ta là Hạnh Phúc, trí am tường,
Thế nhân tán tụng, xin an trú
Ðại sảnh cùng ngài dạ ước mong.
Sau đó ngài hỏi:
Nàng vẫn sống theo giới hạnh gì?
Ðường nào nhân thế bước chân đi?
Ðây là câu hỏi xin nàng đáp,
Ta muốn chú tâm để lắng nghe.
Siri đáp lại:
Người nào dù nóng, lạnh, phong ba,
Ðói khát, ruồi gây bệnh, độc xà,
Phận sự ngày đêm làm tròn vẹn,
Ta luôn quý mến sống cùng nhà.
Nhã nhặn, thiết thân, hạnh chánh chân,
Khoan dung, thẳng thắn, dạ bình an,
Tín thành, thiện cảm, đầy kham nhẫn,
Ta điểm tô thêm mọi phước phần,
Như sóng lan dần trên biển cả,
Một màu sáng chói ngập trùng dương.
Với bạn thân hay chẳng bạn thân,
Với người hơn, kém, hoặc ngang hàng,
Ác nhân hay cả cừu nhân nữa,
Dù tối trời hay giữa ánh quang,
Những kẻ nhân từ không ác ngữ
Tử sinh ta mãi kết thân bằng.
Song nếu kẻ ngu được mến thương
Lại sinh ngạo mạn với kiêu căng,
Con đường bất thiện đầy ngoan cố,
Ta tránh xa như một vũng bùn.
Họa, phúc nghiệp riêng mỗi bản thân,
Chẳng ai tạo nghiệp của tha nhân,
Một người không thể gây tai họa,
Hạnh phúc cho ai ở cõi trần.
Ðó là lời giải đáp của Siri khi được vị thương nhân hỏi. Bồ-tát hoan hỷ trước lời nàng, liền bảo:
– Ðây là sàng tọa thanh tịnh, xứng đáng dành cho nàng. Hãy nằm ngồi lên đó.
Nàng ở lại đến sáng hôm sau giã từ về cõi trời Tứ Thiên vương và tắm trước tiên tại hồ Anotatta. Sàng tọa được Siri dùng tên là Sirisaya. Ðó là nguồn gốc của từ Sirisayana (Bảo tọa, vương sàng) và vì lý do đó, nó được gọi như vậy cho đến ngày nay.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Vào thời ấy, Thiên nữ Siri là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và thương nhân Suciparivàra chính là Ta.
-ooOoo-

383. Chuyện Kê Vương (Tiền thân Kukkuta)

Chim có cánh hồng sáng rực sao…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo mơ tưởng đời thế tục,
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Tại sao ông mơ tưởng đời thế tục?
– Bạch Thế Tôn, chính vì tham dục, con đã trông thấy một nữ nhân trang sức diễm lệ.
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân cũng như mèo cái, thường dối lừa và tán tỉnh để làm hại kẻ nào đã rơi vào uy lực của họ.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Gà trống sống trong rừng với đoàn tùy tùng hàng trăm gà trống khác. Không xa đó có một con mèo cái. Nó đã dùng nhiều mưu kế dụ dỗ nhiều gà trống để ăn thịt ngoại trừ Bồ-tát, song Bồ-tát vẫn không rơi vào mãnh lực của nó. Mèo cái nghĩ thầm: “Con Gà trống này thật tinh khôn, song nó biết đâu là ta cũng tinh khôn và đầy phương tiện tinh xảo. Nếu ta dụ dỗ nịnh hót nó và bảo: “Thiếp muốn làm vợ chàng”, rồi sẽ ăn thịt nó khi nó rơi vào tay ta thì tốt biết bao”.
Mèo cái liền đến dưới gốc cây nơi Gà trống đậu và khẩn cầu Gà bằng giọng lưỡi tán tụng vẻ đẹp của Gà trống, vừa ngâm vần kệ đầu:
Chim có cánh hồng sáng rực sao,
Mồng cao rũ xuống đẹp dường bao,
Thiếp nay ước muốn nên chồng vợ,
Bỏ cây xuống với thiếp đây nào!
Bồ-tát nghe vậy suy nghĩ: “Nó đã ăn thịt tất cả họ hàng nhà ta, nay nó lại muốn phỉnh nịnh ta để ăn ta luôn. Ta quyết tìm cách tống nó đi”. Vì thế ngài ngâm vần kệ thứ hai:
Cô nàng quyến rủ, đẹp xinh ôi!
Nàng có bốn chân, tôi chỉ hai,
Chim, thú không bao giờ kết hợp,
Hãy tìm chàng khác thật cân đôi.
Mèo cái liền nghĩ: “Gà trống này tinh khôn khác thường, ta phải quyết dùng mưu này kế nọ dụ nó và ăn thịt nó mới được”. Vì thế nó ngâm vần kệ thứ ba:
Thiếp dâng chàng sắc đẹp thanh xuân,
Lời nói dịu êm nhã nhặn luôn,
Làm vợ quý yêu hay thị nữ,
Tùy nghi đối xử hợp phu quân.
Sau đó Bồ-tát lại nghĩ: “Tốt nhất là phải mạ lỵ nó và tống cổ nó đi nơi khác”, ngài liền ngâm vần kệ thứ tư:
Con Mèo hút máu họ nhà Gà,
Cướp giết bạo tàn thật xấu xa,
Vợ quý ư? Không hề quý trọng
Trong lòng Mèo lúc tán dương ta.
Mèo cái bị tống đi, từ đó không còn dám nhìn mặt Gà được nữa.
*
Vậy khi chúng thấy một anh hùng,
Cả bầy nhi nữ thật tinh khôn
Cố tìm cách để hòng lôi cuốn.
(Cứ xem Mèo cái với Kê vương).
Ai không đối phó trước nguy nan
Đành phải ngã dài ở dưới chân
Cúi mặt phục tùng ngay địch thủ,
Trong niềm uất hận lẫn đau buồn.
Người kịp thời xem xét sự tình
Gian nguy xảy đến số phần mình,
Như Gà trống lánh xa Mèo cái,
Cừu địch kia, cần tránh thật nhánh.
Ðây là các vần kệ phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật và nhận diện Tiền thân. Vào lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thuở ấy, Ta chính là Gà trống ấy.
-ooOoo-

384. Chuyện Pháp Ấn (Tiền thân Dhammaddhaja)

Hành trì đức hạnh, hỡi chư huynh…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lừa dối.
Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, kẻ này không chỉ lừa dối lần đầu tiên.
Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm một con chim. Khi lớn lên ngài sống giữa bầy chim tùy tùng của ngài trên một đảo giữa biển cả.
Một hôm có đoàn thương nhân đem theo một con Quạ và khởi hành ra khơi, đến giữa biển, tàu bị chìm. Con Quạ bay đến đảo này, nghĩ thầm: “Ðây có cả đàn chim lớn, nếu ta dùng kế lừa gạt chúng rồi ăn thịt cả trứng lẫn chim non thì hay biết bao”. Thế rồi nó bay xuống giữa bầy chim, vừa há mỏ vừa đứng một chân trên mặt đất. Bầy chim hỏi:
– Thưa Tôn giả, ngài là ai?
– Ta là một Thánh giả.
– Tại sao ngài chỉ đứng một chân?
– Nếu ta đặt chân kia xuống, quả đất không thể chịu đựng nổi ta.
– Thế tại sao ngài vừa đứng vừa há mỏ?
– Ta không ăn thực phẩm gì cả, chỉ hút gió.
Cùng với lời này, Quạ gọi bầy chim lại bảo:
– Ta sẽ thuyết giáo cho các anh, hãy lắng nghe.
Rồi Quạ ngâm vần kệ đầu để giảng giáo lý:
Hành trì đức hạnh, hỡi chư huynh,
Cầu chúc chư huynh đệ phước lành!
Ta nói lại: hành trì đức hạnh
Ðời này, đời kế đạt an bình.
Ðàn chim không biết Quạ nói thế với âm mưu lừa dối chúng để ăn trứng chim, liền ca ngợi Quạ và ngâm vần kệ thứ hai:
Chim này chánh hạnh, phước ân tràn,
Thuyết giảng chỉ cần đứng một chân.
Bầy chim đầy tin tưởng con Quạ gian ác này, liền bảo:
– Thưa Tôn giả, ngài không cần thực phẩm gì cả, chỉ cần hút gió mà sống, vậy xin ngài canh chừng lứa trứng này và bầy chim non của chúng tôi.
Như thế, chúng bay đi đến nơi ăn thường lệ. Khi chúng đã đi xa, con Quạ độc hại này ăn đầy một bụng cả trứng lẫn chim non. Rồi khi bầy chim trở lại, nó liền đứng yên lặng trên một chân và há mỏ ra.
Ðàn chim không thấy lũ chim non khi bay về tổ liền kêu thét lên:
– Ai có thể ăn chúng rồi chứ?.
Song chúng lại bảo nhau:
– Ông Quạ này là một bậc Thánh mà!
Chúng không nghi ngờ gì con Quạ cả.
Sau đó, một hôm, Bồ-tát nghĩ thầm: “Trước đây không có gì nguy hiểm xảy ra, chỉ từ khi có con Quạ này đến mới bắt đầu có tai họa, vậy tốt hơn phải thử nó”.
Vì thế ngài làm như thể sáp bay đi ăn cùng bầy chim kia, rồi ngài quay lại đậu một chỗ kín đáo. Con Quạ tin tưởng bầy chim đã bay hết liền đứng lên, đến ăn cả trứng lẫn chim non, xong lại đứng trên một chân, há mỏ ra như cũ. Khi bầy chim bay về, Chim chúa tụ tập chúng lại và bảo:
– Hôm nay ta đã quan sát mối hiểm họa đến với đàn con của chúng ta và ta thấy con Quạ gian ác này đã ăn thịt chúng, vậy ta quyết bắt nó.
Như thế ngài họp bầy chim vây quanh con Quạ và bảo:
– Nếu nó bay đi trốn, ta phải bắt lấy nó.
Rồi ngài ngâm các vần kệ tiếp theo:
Các con không biết tính chim này
Khi tán các con, ngu dại thay!
“Ðức hạnh” nó rao, “đức hạnh” mãi,
Rồi ăn cả trứng lẫn con bầy!
Những điều nó giảng, giọng thanh thanh,
Song bọn chúng không thể thực hành,
“Ðức hạnh” nó ồn ào trống rỗng,
Chánh chân của nó chẳng chân thành.
Giả dối trong tâm, lưỡi phỉnh phờ,
Nó là rắn hổ lén bò vô:
Nó nhờ áo khoác ngoài lừa gạt
Dân chúng, vì chúng quá dại khờ.
Lấy mỏ, cánh lôi nó đánh ngay,
Xé tan nó với móng chim này!
Ðời tàn cho đáng, tên hèn hạ
Phản bội niềm tin chính nghĩa đây.
Cùng với những lời này, chính Chim chúa vụt bay lên lấy mỏ đánh vào đầu Quạ và cả đàn chim cũng lấy mỏ và chân đánh Quạ cho đến chết.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy con Quạ là Tỷ-kheo lừa dối này, và Chim chúa chính là Ta.
-ooOoo-

385. Chuyện Lộc Vương Hoan Hỷ (Tiền thân Nandiyamiga)

Bà-la-môn, ngài có vào ngự uyển…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình.
Ngài hỏi vị Tỷ-kheo:
– Có thật là ông phụng dưỡng người thế tục?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn
– Họ là ai?
– Bạch Thế Tôn, đó là cha mẹ con.
– Tốt lành thay, tốt lành thay, này Tỷ-kheo, ông duy trì Giới luật của các trí nhân ngày xưa, vì các vị ấy ngay khi sinh làm súc vật cũng hy sinh tính mạng vì cha mẹ.
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, lúc vua nước Kosala ngự trị dân chúng tại Saketa (tức là Oudh), Bồ-tát được sinh làm con nai. Khi lớn lên, ngài có tên là Nandiyamiga (Hỷ Lộc) với tính tình và đức hạnh ưu thắng, ngài phụng dưỡng song thân mình.
Vua Kosala có ý thích săn bắn, hằng ngày đi vào rừng cùng một đoàn tùy tùng đông đảo, vì thế dân chúng không thể làm nghề canh tác và nghề thương mãi của họ được. Họ tụ tập nhau bàn luận:
– Này các ông, đức vua của chúng ta đang hủy hoại nghề nghiệp của chúng ta, đời sống gia đình ta đang tàn tạ, nên chăng là chúng ta phải rào lâm viên Anjanavana lại, làm một cổng lớn, đào một hồ nước và gieo cỏ mọc lên, rồi vào rừng cầm gậy trong tay, đập vào các bụi rậm, như thế đuổi được bầy nai ra và đưa chúng đi vào lâm viên ở như bầy bò trong chuồng? Sau đó chúng ta đóng cổng lại, trình đức vua việc ấy và đi làm công việc của chúng ta?
– Ðó là cách ta phải làm. Họ bảo nhau.
Và họ đồng ý chuẩn bị lâm viên sẵn sàng, rồi vào rừng rào một khoảng rộng, mỗi bề một dặm. Lúc ấy Nandiya đã đem cha mẹ vào một bụi cây nhỏ và nằm xuống đất. Dân chúng cầm khiêng mộc, vũ khí bao vây bụi rậm kề sát nhau, một vài người bước vào tìm. Nai Nandiya thấy họ liền nghĩ: “Thật tốt là ta sẽ hy sinh tính mạng mình hôm nay để cứu cha mẹ”. Như thế, nai đứng dậy chào cha mẹ và nói:
– Thưa cha mẹ, đám người này sẽ trông thấy cả ba chúng ta nếu họ vào trong bụi, cha mẹ chỉ có thể sống sót được bằng một cách duy nhất, và mạng sống cha mẹ là tối thượng: con sẽ hy sinh tính mạng của con vì cha mẹ, bằng cách đứng bên bờ bụi cây và chạy ra ngay khi họ đập vào bụi, sau đó họ sẽ nghĩ rằng chỉ có một con nai nhỏ trong bụi nhỏ này thôi, và sẽ không bước vào trong. Vậy cha mẹ hãy cố hết sức thận trọng.
Thế là nai xin được phép đứng lên sẵn sàng chạy ra.
Ngay khi bụi cây bị đám người đứng bên ngoài bờ đập mạnh và la hét, nai vụt chạy ra nên họ nghĩ rằng chỉ có một con nai trong ấy và không bước vào trong. Nandiya cùng đi với đám nai kia, được đám người ấy xua vào trong lâm viên, rồi họ đóng cổng lại và trình lên đức vua xong xuôi, họ trở về nhà.
Từ đấy, bao giờ vua cũng tự mình đi bắn nai, rồi hoặc vua mang nai về, hoặc truyền người đi tìm nó mang về.
Bầy nai chuẩn bị chờ đến phiên mình, con nào đến phiên phải đứng sang một bên, rồi họ mang nó đi khi nó đã bị bắn chết. Nandiya cứ uống nước trong hồ và ăn cỏ, nhưng chưa đến phiên mình. Nhiều ngày sau cha mẹ ngài mong muốn gặp con. Liền nghĩ: “Con ta Nandiya là Lộc vương, mạnh khỏe như voi và hoàn toàn tráng kiện. Nếu còn sống chắc chắn nó sẽ nhảy rào về thăm chúng ta rồi”. Vì thế hai vị đứng bên vệ đường, vừa thấy một Bà-la-môn, liền hỏi bằng giọng người:
– Thưa Tôn giả, ngài đi đâu thế?
– Ði Sàketa. Vị ấy đáp.
Nghe vậy, hai vị muốn nhắn đôi lời cho con bèn ngâm vần kệ đầu:
Bà-la-môn, ngài có vào ngự uyển,
Khi ngài đi qua xứ Oudh, kinh đô,
Xin tìm Nan-di yêu dấu của ta
Và nhắn gửi một đôi lời chân thật:
Qua tháng năm cha mẹ già kiệt lực,
Lòng khát khao mong mỏi đợi con về.
Vị Bà-la-môn bảo:
– Ðược lắm.
Và ông nhận lời.
Ngày hôm sau ông đi đến Sàketa, vào vườn ngự uyển và hỏi lớn:
– Nai nào là Nandiya?
Nai chúa đến gần ông và bảo:
– Ta đây.
Vị Bà-la-môn nói lại lời nhắn kia, Nandiya nghe vậy đáp.:
– Này Bà-la-môn, ta có thể ra đi. Chắc chắn ta có thể nhảy rào trốn đi. Song ta đã thọ hưởng thức ăn nước uống đầy đủ của đức vua và việc ấy đối với ta như một món nợ. Ngoài ra, ta đã sống lâu nay với bầy nai này, thật không hợp lý nếu ta ra đi mà không làm ích lợi cho đức vua và bầy nai nữa, hoặc không chứng tỏ sức mạnh của ta. Vậy khi nào đến phiên ta, ta sẽ làm lợi ích cho cả người lẫn vật rồi an vui trở về.
Ðể giải thích điều này, ngài ngâm hai vần kệ:
Ta đội ơn vua, ăn uống tràn trề,
Chưa đi được, chờ khi làm ích lợi.
Trước cung vua, ta sẽ giơ sườn đợi,
Rồi về thăm cha mẹ để thanh minh.
Vị Bà-la-môn nghe lời này liền bỏ đi.
Sau đó, vào ngày đến lượt nai chúa, vua cùng đoàn tùy tùng đông đảo vào vườn ngự uyển. Bồ-tát đứng sang một bên. Vua bảo:
– Ta sẽ bắn nai này.
Và vua lắp một mũi tên nhọn vào dây cung. Bồ-tát chẳng bỏ chạy như các con nai khác khi sợ chết, mà lòng đầy can đảm và lấy từ ái làm kim chỉ nam. Ngài đứng yên phô bày bộ xương sườn thật cường tráng.
Do động lực của từ tâm ấy, vua không thể thả mũi tên ra. Bồ-tát bảo:
– Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương không bắn? Xin hãy bắn đi.
– Này Lộc vương, trẫm không thể bắn được.
– Tâu Ðại vương, thế thì xin hãy xem các công đức của người giữ giới hạnh.
Sau đó vua hoan hỷ với lời của Bồ-tát, liền thả cung xuống và bảo:
– Khúc gỗ vô tri giác này không biết đức độ của Nai chúa, chứ trẫm là người có tri giác lẽ nào không hiểu? Hãy tha thứ cho trẫm, nay trẫm cho Nai chúa được bình an.
– Tâu Ðại vương, ngài cho ta được bình an, song còn cả đàn nai trong ngự viên này thì sao?
– Trẫm cũug sẽ cho chúng bình an nữa.
Như vậy sau khi tạo được bình an cho tất cả bầy nai trong lâm viên, chim muông trên trời và bầy cá dưới nước, theo cách được miêu tả trong Tiền thân Nigrodhamiga (số 12), Bồ-tát làm vua an trú vào Ngũ giới và bảo:
– Tâu Ðại vương, tốt lành thay cho một đức vua cai trị quốc độ bằng cách từ bỏ mọi ác đạo, không xâm phạm Thập vương pháp (Mười đức tính của vị vua) và hành động chân chánh:
Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình,
Thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục,
Ăn năn, bi mẫn, là mười giới đức
Ta thấy luôn vững chắc ở trong tâm.
Từ đó khởi sinh cả một từ ân
Thật hoàn thiện và nội thân an lạc.
Cùng với những lời này, ngài nêu rõ mọi đức tính của một vị vua hiền qua hình thức một lời kệ.
Sau vài ngày ở lại cùng nhà vua, ngài ra lệnh truyền một chiếc trống bằng vàng đi khắp kinh thành, công bố lời hứa bình an cho mọi loài. Sau đó ngài bảo:
– Xin Ðại vương hãy cẩn trọng hộ phòng.
Rồi ngài ra về thăm cha mẹ.
*
Xưa ta chính Lộc vương trong xứ Oudh,
Tánh và danh là Hoan hỷ, Nan-di
Muốn giết ta trong ngự uyển, ngày kia
Ðức vua đến, tên nằm trên dây sẵn.
Ta phơi sườn trước tên vua đòi bắn,
Rồi về thăm cha mẹ để thanh minh.
Ðây là những vần kệ phát sinh từ Trí tuệ Tối thắng (của đức Phật).
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, song thân là phụ vương và mẫu hậu trong hoàng gia, vị Bà-la-môn là Sàriputta, vua là Ànanda và ta chính là Lộc vương.
-ooOoo-

386.Chuyện Con Lừa (Tiền thân Kharaputta)

Bậc trí bảo Dê quả thật ngu…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này tại Kỳ Viên về sự cám dỗ của người vợ cũ đối với một Tỷ-kheo.
Khi Tỷ-kheo ấy thú nhận rằng mình đang mơ tưởng đời thế tục, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đang làm hại ông, ngày xưa ông cũng đã nhảy vào lửa vì kẻ ấy, và đã được các trí nhân cứu mạng.
Rồi Ngài kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vị vua mệnh danh Senaka trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát là Sakka Thiên chủ, vua Sekana kết thân với một vua loài Nàga (Rắn thần).
Tương truyền vị vua rắn Nàga này thường rời thế giới Nàga đi quanh quẩn trên cõi đất kiếm mồi. Bọn trai làng thấy vậy bảo nhau:
– Ðây là con rắn.
Rồi chúng lấy đất đá đập rắn. Nhân lúc vua đang du ngoạn trong ngự viên thấy chúng và nghe chúng đang đánh một con rắn, liền bảo:
– Ðừng cho chúng đánh rắn, đuổi chúng đi.
Và lệnh này được thi hành ngay.
Do đó vua Nàga được cứu mạng, khi trở về thế giới Nàga, vị ấy lấy nhiều châu báu, rồi nửa đêm đi đến cung thất vua dâng các tặng vật và thưa:
– Tiểu thần được ngài cứu mạng.
Từ đó vị ấy kết giao với vua nên cứ lui tới yết kiến ngài.
Vua rắn Nàga truyền lệnh cho một cung nữ Nàga, vốn tham đắm dục lạc vô độ, đến hầu cận vua và bảo vệ ngài. Vua rắn còn cho ngài một câu chú thần và bảo:
– Hễ khi nào ngài không thấy nàng ấy, xin cứ đọc chú thần này.
Một hôm vua vào ngự viên cùng với cung nữ Nàga và vui đùa trên hồ sen.
Cung nữ Nàga nhìn thấy một con rắn nước, liền bỏ lốt người và tình tự với rắn nước. Vua không thấy cô gái, liền hỏi:
– Nàng đi đâu rồi?
Và vua đọc thần chú. Ngay lúc đó vua thấy tà hạnh của nàng nên lấy gậy tre đánh nàng. Nàng tức giận bỏ về thế giới Nàga và khi được hỏi:
– Tại sao nàng trở về?
– Thân hữu của ngài đánh thiếp trên lưng vì thiếp không tuân lệnh.
Nàng đáp và chỉ vết thương.
Vua Nàga không biết sự thật, liền gọi bốn thanh niên Nàga ra lệnh cho họ vào vương thất vua Senaka và dùng hơi độc thoát ra từ lỗ mũi để giết vua tan như trấu. Họ vào cung thất đúng giờ đi ngủ. Khi họ vừa đến, vua nói với hoàng hậu:
– Này ái hậu, nàng có thấy cô gái Nàga đâu không?
– Tâu Ðại vương, thiếp không thấy.
– Hôm nay lúc chúng ta đang tắm trong hồ, nàng Nàga ấy bỏ lốt người và ân ái với một con rắn nước. Ta bảo đừng làm vậy, rồi đánh cho nó một gậy tre để trừng trị nó, nay ta sợ nó đã có thể trở về cõi rắn Nàga và nói dối trá với thân hữu ta, tiêu hủy luôn thiện chí của vị ấy đối với ta.
Các thanh niên Nàga nghe vậy liền quay về cõi rắn Nàga lập tức và tâu trình vua rắn. Vị ấy xúc động liền đến ngay vương thất kể lại mọi chuyện và được vua tha thứ. Sau đó vị ấy nói:
– Xin cho tôi chuộc lỗi và đền bù bằng cách này.
Rồi trao cho vua một thần chú biết được mọi thứ âm thanh:
– Tâu Ðại vương, đây là một thần chú vô giá, nếu ngài cho ai thần chú này, lập tức ngài sẽ nhảy vào lửa mà chết.
– Quý báu thay. Vua đáp và nhận thần chú.
Từ đó vua hiểu được mọi tiếng nói, thậm chí cả tiếng loài kiến. Một hôm ngài ngự trên bảo tọa ăn các thứ bánh cứng với mật ong và mật mía. Rồi một giọt mật ong, một giọt mật mía và một miếng bánh rơi xuống đất. Một con kiến thấy vậy liền kêu lên:
– Bình mật ong của vua bị vỡ trên bảo tọa rồi, xe mật mía và xe bánh đổ rồi. Mau mau đến ăn mật ong, mật mía và bánh ngọt, các cậu ơi.
Vua nghe tiếng kêu ấy bật cười lớn. Hoàng hậu ngồi gần nghĩ thầm “Chúa thượng thấy gì khiến ngài cười to vậy?”
Khi vua đã ăn phần thực phẩm cứng ấy, đã tắm mát xong, lại ngồi xếp bằng, một con ruồi bảo vợ nó:
– Này nàng ơi, chúng ta hãy ân ái cùng nhau.
– Này phu quân, xin hãy thứ lỗi cho thiếp, một lát nữa, nô tỳ đang đem hương liệu đến dâng đức vua, trong khi ngài xoa thân thể, một vài bụi phấn sẽ rơi xuống chân, thiếp sẽ đậu ở đó cho thơm tho rồi chúng ta sẽ ân ái cùng nhau trên lưng ngài. Vợ nó đáp.
Vua nghe tiếng ruồi liền bật cười lần nữa. Hoàng hậu lại nghĩ: “Ngài đã trông thấy gì khiến ngài cười lớn vậy?”.
Lần khác, khi vua đang dùng bữa tối, một cục cơm rớt xuống đất, bầy kiến kêu to:
– Một xe cơm đã đổ trong cung vua, thế mà chẳng có ai ăn hết.
Vua nghe vậy lại cười lớn, hoàng hậu cầm chiếc muỗng vàng dâng thức ăn cho vua, suy nghĩ: “Có phải vì thấy ta mà Chúa thượng cười ta chăng?”. Bà về hậu cung với nhà vua và đến giờ ngủ, bà hỏi:
– Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương cười lớn ban nãy?
– Nàng có liên hệ gì đến việc ta cười ư?
Song cứ nghe hỏi đi hỏi lại mãi, vua đành kể chuyện cho bà. Sau đó bà bảo:
– Cho thiếp thần chú hiểu biết âm thanh đó đi.
– Không thể được. Ngài đáp.
Song dù bị từ chối nhiều lần, bà vẫn thúc giục vua. Vua đáp:
– Nếu ta cho nàng thần chú này, ta sẽ chết mất.
– Dù Ðại vương có từ trần đi nữa, cũng cứ cho thiếp thần chú ấy đi mà.
Vua bị mãnh lực nữ nhân thôi thúc, đành chấp nhận bảo:
– Thôi được.
Rồi vua ngự lên vương xa, đi vào ngự viên và nói:
– Ta sẽ nhảy vào lửa sau khi cho thần chú này.
Ngay lúc ấy, Sakka Thiên chủ nhìn xuống cõi đất và thấy việc này, ngài bảo:
– Hôn quân si ám này biết mình sắp nhảy vào lửa do áp lực nữ nhân, hiện đang ra đi, vậy ta hãy cứu mạng vua ấy.
Vì thế ngài đem theo Sujà, ái nữ của vua loài Asura (A-tu-la) cùng xuống thành Ba-la-nại. Ngài biến thành Dê đực, còn Sujà biến thành Dê cái, rồi quyết định tránh cho dân chúng khỏi thấy hai vị, ngài đứng ngay trước vương xa. Vua và các con Lừa Sindh trông thấy ngài, ngoài ra không ai thấy được. Ðể khởi đầu câu chuyện, ngài làm như thể ngài đang tình tự với con Dê cái. Một con Lừa Sindh kéo xe bảo:
– Này bạn Dê, trước kia chúng ta từng nghe chứ chưa từng thấy, rằng loài dê thật ngu xuẩn và vô liêm sỉ. Còn nay bạn đang làm việc ấy ngay trước mắt chúng ta nhìn, cái việc phải làm nơi kín đáo, riêng tư và không phải xấu hổ vì nó. Những gì chúng ta đã nghe trước kia thật phù hợp với điều chúng ta đang thấy.
Và vì thế, Lừa liền ngâm vần kệ đầu:
Bậc trí bảo dê quả thật ngu,
Những lời chân thật tự bao giờ,
Dê này không biết mình phô diễn
Những việc phải làm kín đáo ư?
Dê nghe vậy, đáp lại hai vần kệ:
Này ông Lừa hỡi, nghĩ xem nào,
Rồi thấy là ông ngốc biết bao,
Ông bị buộc dây thừng trói chặt,
Hàm ông tréo, mắt chẳng nhìn cao.
Khi được thả ra chẳng chạy ngay,
Vì ông quen thói thật ngu thay,
Vua Se-nak ấy ông chuyên chở
Còn thật ngu hơn cả chú mày!
Vua nghe hiểu câu chuyện giữa hai con vật, liền bảo xe chạy thật nhanh. Con Lừa nghe Dê nói chuyện liền ngâm vần kệ thứ tư:
Vậy này Dê chúa, dám thưa ngài,
Tôi đại ngu, ngài hiểu quá rồi,
Còn chuyện vua Se-nak xuẩn ngốc,
Làm ơn giải thích rõ cho tôi.
Dê ngâm vần kệ thứ năm giải thích việc này:
Vua có một kho báu hiển linh,
Lại vì hoàng hậu ném cho nhanh,
Không khuyên hoàng hậu trung thành được,
Ðành phải hy sinh tính mạng mình.
Vua nghe lời ấy, liền bảo:
– Này Dê chúa, chắc chắn ngài sẽ làm ích lợi cho ta, vậy hãy cho ta biết phải làm gì bây giờ?
Dê đáp:
– Tâu Ðại vương, đối với mọi loài hữu tình, không ai thân thiết hơn bản thân mình. Hủy hoại mình và hy sinh danh dự mình đã tạo được vì một vật thân thiết nào đó điều không ích lợi gì cả.
Rồi Dê lại ngâm vần kệ thứ sáu:
Như ngài ở địa vị vương quân
Có thể mang nhiều nỗi ước mong,
Song phải bỏ ngay niềm ước vọng,
Nếu thân ngài phải chịu thương vong.
Ðời người quả thật là quan trọng
Còn kiếm gì cao hơn bản thân?
Nếu tính mạng duy trì trọn vẹn,
Thì không cần ước vọng cầu mong!
Bồ-tát khuyến giáo vua như vậy. Vua hoan hỷ, hỏi:
– Này Dê chúa, ngài từ đâu đến đây?
– Thưa Ðại vương, ta là Sakka Thiên chủ, đến cứu ngài khỏi chết vì thương tưởng ngài đó.
– Tâu Thiên chủ, trẫm đã hứa cho hoàng hậu thần chú. Vậy nay trẫm phải làm gì?
– Không cần phải làm gì tổn hại đến hai vị. Chỉ cần ngài bảo: “Ðây là cách được thần chú”, rồi sai người đánh bà ấy vài roi, nhờ cách này, bà ấy sẽ không đòi nó nữa.
– Tốt lắm! Vua bảo và đồng ý ngay.
Sau khi khuyến cáo vua xong, Bồ-tát trở về cõi trời. Còn vua vào ngự viên, triệu hoàng hậu đến chầu và bảo:
– Này Hoàng hậu, nàng muốn có thần chú chăng?
– Tâu Chúa thượng, vâng.
– Vậy thì hãy theo thông lệ này.
– Thông lệ nào thế?
– Một trăm roi trên lưng nhưng không được kêu la.
Bà hoàng đồng ý vì quá ham mê thần chú. Vua bảo các nữ tỳ lấy roi đánh hai bên hông bà. Bà chỉ chịu được hai ba roi rồi kêu lớn:
– Thiếp không muốn thần chú nữa!
– Nàng đã có thể giết ta chỉ vì muốn có thần chú ấy. Vua bảo.
Rồi vua tự tay đánh trầy da lưng hoàng hậu và đuổi đi. Từ đó về sau bà chẳng dám nói đến chuyện ấy nữa.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Vào lúc các Sự Thật kết thúc, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vua là vị Tỷ-kheo bất mãn, hoàng hậu là vợ cũ vị ấy, con lừa là Sàriputta và Sakka Thiên chủ chính là Ta.
-ooOoo-
Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính (B. Anson, 05/2003).

Add Comment