[TIỂU BỘ] KINH BỔN SANH – TẬP IV – 09. PHẨM MƯỜI MỘT BÀI KỆ

TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
KINH BỔN SANH – TIỂU BỘ KINH – TẬP VII

Việt dịch: GS Trần Phương Lan
———-o0o———-

CHƯƠNG XI (Mười Một Bài Kệ)

PHẨM MƯỜI MỘT BÀI KỆ

455. Chuyện Voi Hiếu Dưỡng Mẹ (Tiền thân Màti-Posaka)

Cho dù voi chúa phải đi xa…,

Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo còn mẹ phải cấp dưỡng.

Hoàn cảnh chuyện này cũng giống như chuyện Sàma (số 540 tập VI). Trong dịp này Bậc Ðạo Sư nói chuyện với chúng Tăng, Ngài bảo:

– Này các Tỷ kheo, chớ giận Tỳ kheo này. Ngày xưa, bậc hiền nhân, ngay cả lúc sinh ra từ bụng của loài vật, và cách xa mẹ mình cũng không chịu ăn uống gì trong bảy ngày, cứ gầy héo mỏi mòn. Dù được cung cấp đồ ăn vương giả, họ cũng chỉ đáp: “Không có mẹ ta thì ta không muốn ăn”. Tuy thế, lúc gặp lại mẹ, họ mới chịu ăn như trước.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm Ðại tượng vương ở vùng Tuyết Sơn. Toàn thân Voi màu trắng rất hùng vĩ, là chúa đàn gồm tám mươi ngàn con voi vây quanh ngài, song mẹ ngài bị mù. Ngài thường đưa cho bầy voi những quả rừng thật ngon để đem về dâng mẹ, tuy thế, chúng chẳng đem gì về dâng voi mẹ, mà chúng ăn hết. Khi ngài hỏi thăm và biết được việc ấy, ngài bảo:

– Ta muốn rời đàn để nuôi mẹ ta.

Thế là một đêm thuận lợi, bầy voi không hay biết ngài đưa mẹ đi đến đỉnh núi Candorana (Chiên-đồ-gia), tại đó ngài để mẹ ở trong một hang dưới đồi, gần một hồ nước và nuôi nấng mẹ rất chu đáo.

Bấy giờ, một người thợ rừng ở Ba-la-nại đi lạc đường và không thể nào tìm lối ra được nên bắt đầu than khóc ầm ĩ. Nghe tiếng này Bồ-tát thầm nghĩ: “Ðó là một người đang cơn hoạn nạn, khi ta đang ở đây mà gã gặp tai họa thật chẳng phải lẽ”. Vì vậy ngài đến gần gã, nhưng gã bỏ chạy vì quá sợ hãi; thấy thế, chúa Voi bảo gã:

– Này người kia, anh không cần phải sợ ta, đừng chạy trốn, hãy nói tại sao anh vừa đi vừa khóc thế?

– Tâu chúa tể, kẻ hèn này bị lạc đường đã bảy ngày qua.

Chúa Voi đáp:

– Anh đừng sợ nữa, và ta sẽ đưa anh ra đường đi của dân chúng.

Sau đó ngài bảo người ấy leo lên ngồi trên lưng ngài và đưa gã ra khỏi rừng, xong ngài quay về.

Còn con người độc ác kia quyết vào thành phố báo tin cho vua biết. Vì thế gã đánh dấu các cây cối, các ngọn đồi, rồi tiến về Ba-la-nại. Lúc ấy vương tượng của hoàng đế vừa từ trần. Ngài cho truyền lệnh bằng một hồi trống:

– Nếu kẻ nào thấy ở đâu có con voi xứng đáng để hoàng thượng ngự du thì hãy báo ngay.

Sau đó gã kia đến triều kiến vua và tâu:

– Tâu Chúa thượng, tiểu thần đã thấy một con Voi tuyệt mỹ, toàn thân màu trắng, một vật tối thắng xứng đáng để Chúa thượng ngự lên. Tiểu thần xin chỉ đường. Nhưng xin đưa các người quản tượng đi theo để bắt Voi.

Vua chấp thuận, bảo một người thợ rừng cùng đi với gã ấy và một đoàn tùy tùng lên đường.

Người thợ cùng đi với gã và trông thấy Bồ-tát đang ăn uống trong một hồ nước. Khi Bồ tát thấy gã thợ rừng, ngài nghĩ: “Hiểm họa này chắc chắn không phát xuất từ ai khác, ngoài kẻ kia. Nhưng Ta rất mạnh, ta có thể đánh tan tành cả ngàn con voi trong lúc thịnh nộ, ta lại đủ sức tiêu diệt cả đàn voi ra trận của một vương quốc. Tuy nhiên nếu ta bị lòng phẫn nộ chi phối thì công đức của ta sẽ bị tổn hại. Vì vậy hôm nay ta sẽ không nổi giận, cho dù có bị gươm giáo đâm vào da thịt”. Với quyết đinh này, ngài cúi đầu đứng bất động.

Người thợ rừng bước xuống hồ sen, khi thấy vẻ tuyệt mỹ của các chóp ngà voi, gã bảo:

– Này con, hãy đến đây.

Rối nắm lấy cái vòi giống như sợi dây thừng bằng bạc, gã dẫn voi về thành Ba-la-nại trong vòng bảy ngày.

Khi mẹ Bồ Tát thấy con mình không trở về, bà đoán chắc hẳn ngài bị quan quân nhà vua bắt rồi, và bà than khóc:

– Giờ đây cây cối vẫn mọc, nhưng con ta đã đi xa rồi.

Và bà đã ngâm hai vần kệ sau:

1. Dù cho Voi chúa phải đi xa,
Dược thảo, nhũ hương vẫn mọc ra,
Lúa cỏ, trúc đào, cùng súng trắng,
Kén xanh chỗ khuất vẫn đơm hoa.

2. Tượng vương hẳn đến tận phương nao
Sung túc nhờ bao kẻ tước cao,
Trang điểm ngọc vàng, vua chúa cỡi,
Oai hùng thắng địch thủ mang bào.

Bây giờ người luyện voi kia, đang lúc còn đang đi đường đã gửi về triều một tờ sớ dâng vua. Nhà vua liền ra lệnh cả kinh thành trang hoàng thật lộng lẫy. Người luyện voi dẫn Bồ tát vào một cái chuồng được tô điểm bằng các dây tua, tràng hoa và vây quanh mỗi bức màn đủ màu rực rỡ, xong đến trình vua. Vua mang các món cao lương mỹ vị ra bảo đưa cho Bồ Tát, nhưng ngài không ăn chút gì cả:

– Nếu không có mẹ ta, ta không muốn ăn gì đâu.

Vua van nài ngài ăn, và ngâm vần kệ thứ ba:

3. Nào ăn đi một miếng, Voi này,
Ðừng có buồn chi, chớ héo gầy,
Ðể phụng sự vua, còn lắm việc
Mà Voi sẽ đảm trách sau này.

Nghe vậy Bồ Tát ngâm vần kệ thứ tư:

4. Không, trên đỉnh núi Chiên-đồ-gia,
Khốn khổ bà kia, mắt lại lòa,
Dậm một chân vào gốc cổ thụ
Vì không Voi chúa, ấy con bà.

Vua ngâm vần kệ thứ năm để hỏi ý nghĩa lời ngài:

5. Ai ở trên đồi Chiên-đồ-gia,
Nào ai khốn khổ, lại mù lòa?
Dậm chân vào một gốc cây nọ,
Vì chẳng chúa Voi, con của bà?

Voi đáp lời qua vần kệ thứ sáu:

6. Mẹ ta ở trên núi Chiên-đồ gia,
Khốn khổ mù lòa thật xót xa,
Dậm một chân vào gốc cổ thụ,
Bởi vì Voi chúa ấy là ta.

Khi nghe nói vậy, vua liền cho ngài được tự do, và ngâm vần kệ thứ bảy:

7. Voi hùng phụng dưỡng mẫu thân mình,
Nên thả tự do, cứ mặc tình,
Thôi để Voi đi về với mẹ
Và cùng sum họp với gia đình.

Vần kệ thứ tám và thứ chín xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng của đức Phật.

8. Khỏi cảnh giam cầm được thoát thân,
Hết dây ràng buộc, chúa Voi rừng,
Vài lời khuyên nhủ cùng vua ấy,
Voi lại trở về chốn núi ngàn.

9. Rồi xuống hồ kia mát lạnh trong,
Nơi này Voi vẫn tới bao lần,
Dùng vòi hút nước từ hồ ấy
Tung vẫy khắp mình của mẫu thân.

Nhưng mẹ của Bồ Tát tưởng là trời bắt đầu mưa, nên ngâm vần kệ thứ mười để trách cơn mưa:

10. Ai đó đem mưa thật trái thời,
Thần nào độc ác quá, trời ơi!
Vì nay con trẻ đà đi vắng,
Con trẻ xưa thường phụng dưỡng tôi.

Lúc ấy Bồ tát ngâm vần kệ thứ mười một để trấn an mẹ:

11. Sao mãi nằm kia vậy, mẹ ơi!
Này đây con mẹ đã về rồi,
Ca-thi Ðại đế, ngài Thông tuệ,
Cho trẻ bình an được tái hồi.

Bà mẹ liền đáp lời, cảm tạ vua qua vần kệ cuối cùng:

12. Vạn tuế trường tồn, đấng Ðại vương!
Cầu ngài đem lại nước hùng cường,
Tự do ngài trả cho con đó,
Với mẹ, con tròn vẹn kính thương!

Vua rất hoan hỷ vì đức độ của Bồ tát nên ra lệnh xây một thị trấn không xa hồ ấy và vua thường đến phụng sự Bồ Tát cùng mẹ ngài. Sau đó, khi mẹ ngài từ trần, ngài đi thật xa đến một tinh xá tên là Karandaka. Tại đây có năm trăm bậc trí giả an trú và vua thường đến cúng dường các ngài. Vua lại truyền tạc một tượng bằng đá có hình Bồ tát và thường đến chiêm bái để tỏ lòng ngưỡng mộ ngài. Dần dần dân chúng khắp cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) tụ tập lại đó cùng nhau cử hành ngày hội gọi là hội Voi.

*

Khi Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Sự thật. Bấy giờ lúc kết thúc các Sự thật, Tỳ kheo phụng dưỡng mẹ đã được an trú vào Sơ quả Dự lưu.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

– Vào thời ấy Ànanda là nhà vua, mẫu hậu Mahàmàyà là mẹ Voi và chính Ta là chúa Voi đã nuôi dưỡng mẹ mình.

-ooOoo-

456. Chuyện Vương Tử Nguyệt Quang (Tiền thân Junha)

Tâu Ðại vương nghe lão nói điều này…,

Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ viên, về các đặc ân mà Tôn Giả Ànanda nhận được.

Suốt trong hai mươi năm đầu Ngài chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các thị giả đức Thế Tôn không phải chỉ là một người: Khi thì Tôn giả Nàgasamàla, khi thì Tôn giả Nàgita, Upavàna, Sunakkhatta, Cunda, Sàgala, khi thì Meghiya hầu hạ đức Thế Tôn. Một ngày kia, đức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

– Này các Tỳ kheo, nay Ta đã già, và khi Ta bảo chúng ta hãy đi đường này, vài người trong Tăng chúng lại đi đường khác, có người làm rơi bình bát và y của ta xuống đường. Vậy hãy chọn một Tỳ kheo luôn luôn hầu cận ta.

Sau đó, Tăng chúng đồng đứng lên, bắt đầu với Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), và chấp hai tay lên đầu nói lớn:

– Bách Thế Tôn, con xin hầu hạ Thế Tôn, con muốn hầu hạ Thế Tôn.

Nhưng ngài từ chối trả lời:

– Lời thỉnh cầu của các ông đã được ta biết trước, thôi đủ rồi.

Sau đó Tăng chúng nói với Tôn giả Ànanda:

– Này Hiền giả, Hiền giả hãy xin giữ chức vụ thị giả.

Tôn giả đáp:

– Nếu đức Thế Tôn sẽ không ban cho ta chiếc y mà chính Ngài đã nhận, nếu Ngài sẽ không ban cho ta đồ ăn khất thực của Ngài, nếu Ngài sẽ không cho phép ta ở cùng trong Hương phòng, nếu Ngài sẽ không muốn cho ta cùng Ngài đi đến nơi Ngài được mời. Nhưng nếu đức Thế Tôn sẽ đi với ta đến nơi mà ta được mời, nếu ta sẽ được phép giới thiệu hội chúng vào lúc hội chúng từ các vùng xa xôi hay các nước ngoài đến yết kiến đức Thế Tôn, nếu ta sẽ được gặp đức Thế Tôn khi có nghi vấn khởi lên, hoặc nếu bất cứ khi nào đức Thế Tôn thuyết Pháp mà ta vắng mặt thì ngài sẽ thuyết Pháp lại cho ta ngay lúc trở về: Thế thì ta sẽ hầu hạ đức Thế Tôn.

Tôn giả cầu xin tám đặc ân này, bốn điều “không” và bốn điều “có” và đức Thế Tôn ban tất cả cho Tôn giả. Sau đó Tôn giả thường xuyên hầu hạ Bậc Ðạo Sư trong hai mươi lăm năm liền. Vì vậy sau khi đã đạt được năm đức tính xuất sắc và sau khi thành tựu bảy phúc lạc ” Phúc lạc về Ðạo pháp, phúc lạc về sự giáo hóa, phúc lạc về sự tuệ tri các nhân duyên, phúc lạc về sự quán sát công đức của mình, phúc lạc vì được ở trong một Thánh chúng, phúc lạc về nhiệt tâm tinh cần được khai sáng, phúc lạc về khả năng đạt giác ngộ. Vào hầu cận đức Phật, Tôn giả nhận được tám đặc ân và trở nên danh tiếng trong Giáo pháp của đức Phật, Tôn giả sáng chói chẳng khác nào mặt trăng trên bầu trời.

Một ngày kia Tăng chúng bắt đầu nói đến chuyện ấy trong Chánh pháp đường:

– Này hiền hữu, đức Như Lai đã làm thỏa nguyện Tôn giả Ànanda bằng cách ban các điều ước của Tôn giả.

Bậc Ðạo Sư đi vào và hỏi:

– Này các Tỳ kheo, các ông đang nói chuyện gì trong khi ngồi ở đây?

Tăng chúng thưa với Ngài. Sau đó Ngài bảo:

– Không phải đây là lần đầu tiên, này các Tỳ kheo, mà thuở xưa cũng như bây giờ Ta đã làm thỏa nguyện Ànanda với một đặc ân; ngày xưa cũng như bây giờ, bất cứ điều gì ông muốn xin, Ta đều ban cho cả.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, một vương tử của ngài là Junha hay Nguyệt Quang Vương tử đang theo học tại Takkasilà.

Một đêm kia, sau khi lắng nghe kỹ lưỡng lời dạy bảo của vị giáo sư, chàng từ giã nhà của thầy trong đêm tối và lên đường về nhà. Một Bà-la-môn đã đi khất thực, và đang trên đường về nhà, còn vương tử vì không thấy vị này, nên chạy đến đụng vào Bà-la-môn ngã xuống và kêu lên. Chàng động lòng thương liền quay lại, cầm lấy hai tay vị kia và đỡ dậy. Vị Bà-la-môn nói:

– Này con, con đã làm vỡ bình bát của ta, vậy hãy cho ta tiền mua một bữa ăn.

Vương tử đáp:

– Thưa Tôn giả Bà-la-môn, bây giờ tiểu sinh không thể cho ngài tiền bữa ăn được; nhưng tiểu sinh là vương tử Junha, con vua xứ Kàsi, khi tiểu sinh về vương quốc, ngài có thể gặp tiểu sinh và xin số tiền ấy.

Khi chàng trai hoàn tất việc học tập, chàng tạ từ thầy dạy và trở về Ba-la-nại, trình vua cha việc học tập của chàng.

– Trẫm đã thấy được con trước khi từ trần – vua phán – và muốn thấy con trẫm lên ngôi.

Sau đó ngài làm lễ quán đảnh cho con và phong chàng lên ngôi vua. Với danh hiệu Ðại vương Junha, vương tử cai trị rất chân chánh.

Khi vị Bà-la-môn hay tin ấy, ông nghĩ rằng giờ đây mình có thể lấy lại tiền bữa ăn rồi. Thế là ông đến Ba-la-nại, thấy toàn thể kinh thành được trang hoàng rực rỡ và vua đang ngự du trong đám rước rất uy nghi hướng về phía hữu, diễu quanh kinh thành. Ðứng trên một chỗ cao, vị Bà-la-môn giơ tay kêu lớn:

– Ðại vương toàn thắng!

Vua đi qua mà không nhìn thấy ông. Khi vị Bà-la-môn thấy mình không được chú ý, liền ngâm một vần kệ để xin ngài giải thích:

1. Tâu Ðại vương, nghe lão nói điều này
Chẳng phải là vô cớ lão về đây,
Ðời thường bảo: Mình không nên vượt quá
Người du sĩ đứng ngay trên đường sá.

Khi nghe những lời này, vua thúc vương tượng quay lại với cái gậy nạm ngọc của ngài và ngâm vần kệ thứ hai:

2. Ta đứng nghe, này Ðạo sĩ nói ngay,
Cớ sao ngài cất bước đến nơi đây?
Ngài ao ước một đặc ân nào đó,
Mà phải tìm, xin nói cho ta rõ.

Và câu chuyện của vua và vị Bà-la-môn hỏi đáp lẫn nhau được kể lại trong các vần kệ sau đây:

Bà-la-môn:

3. Xin cho lão năm ngôi làng thượng hạng,
Bảy trăm bò, tỳ nữ một trăm nàng,
Hơn một ngàn đồ trang sức bằng vàng,
Hai người vợ với ta cùng dòng dõi.

Quốc vương:

4. Ðạo sĩ ơi, ngài có điều sám hối
Thật hãi hùng khi phải thổ lộ ra,
Ngài có nhiều thần chú hoặc đạo bùa,
Hay ma quỷ sẵn sàng tuân mệnh lệnh?
Hoặc thỉnh cầu vì hầu ta chân chính?

Bà-la-môn:

5. Không ăn năn, chẳng thần chú, đạo bùa,
Không quỷ ma nào tuân lệnh của ta,
Không đòi thưởng vì công lao giúp đỡ,
Song trước kia chúng ta đà gặp gỡ,
Ðây chính là sự thật phải trình ra.

Quốc vương:

6. Trẫm không sao nhớ nổi, thời gian qua,
Rằng trẫm đã tương phùng ngài thuở nọ,
Trẫm van ngài nói điều này cho rõ
Khi gặp nhau, nơi chốn, thuở xưa xa?

Bà-la-môn:

7. Trong thành đô mỹ lệ chúa Gan-dhà,
Tâu Chúa thượng, Tak-ka là chốn ở,
Ðêm tối đen như mực kia, tại đó
Lão và ngài cùng vụt tới chạm vai,

8. Khi chúng ta đang đứng đó, thưa ngài,
Cuộc trò chuyện bắt đầu đầy thân thiện,
Chỉ lần đó chúng ta cùng diện kiến,
Trước chẳng hề và sau đó cũng không.

Quốc vương:

9. Khi trí nhân đã gặp, hỡi La-môn,
Thiện nhân giữa đời không nên để mặc
Tình bạn xưa nay cố nhân đi khuất,
Chẳng vì đâu, làm việc cũ chẳng quên!

10. Chính kẻ ngu chối bỏ việc xưa liền.
Và bỏ mặc tình người xưa chẳng nhớ
Những người ấy chúng có lần gặp gỡ;
Người ngu làm nhiều việc chẳng ra gì,
Chúng vong ân và chúng cứ quên đi.

11. Song chánh nhân chẳng hề quên quá khứ,
Tình bằng hữu, người quen, luôn gắn bó,
Việc nhỏ nhoi do bằng hữu làm nên
Cũng chẳng hề bị từ chối, lãng quên,
Chánh nhân tận cuối đời ghi ơn bạn.

12. Trẫm ban cố nhân năm làng thượng hạng,
Bảy trăm bò, nữ tỳ một trăm nàng,
Hơn một ngàn đồ trang sức bằng vàng,
Hai người vợ, với ngài cùng đẳng cấp.

Bà-la-môn:

13. Ðại vương ôi, khi thiện nhân hòa hợp,
Như trăng rằm ta thấy giữa sao trời,
Như ta đây cũng vậy, Chúa công ôi,
Vì ngài đã giữ lời xưa giao ước.

Bồ tát liền tỏ thêm niềm quý trọng đối với đạo sĩ kia.

*

Khi Bậc Ðạo Sư đã chấm dứt Pháp thoại này. Ngài bảo:

– Này các Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu Ta làm Ànanda thỏa nguyện với các đặc ân, mà Ta đã làm như vậy ngày xưa nữa.

Cùng các lời này, Ngài nhận diện tiền thân:

– Vào thời ấy Ànanda là vị Bà-la-môn, và Ta chính là vua.

-ooOoo-

457. Chuyện Thiên Tử Chánh Pháp (Tiền thân Dhamma)

Ta hành chánh hạnh giữa trần gian…,

Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về việc Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) bị nuốt vào lòng đất như thế nào.

Tăng chúng tụ tập trong Chánh pháp đường đàm luận:

– Này Hiền hữu, Ðề-bà-đạt-đa sinh lòng thù nghịch với đức Như Lai và đã bị nuốt vào lòng đất.

Bậc Ðạo Sư đi vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì lúc ngồi ở đó. Tăng chúng trình với Ngài. Ngài đáp:

– Này các Tỳ kheo, nay kẻ ấy bị nuốt vào lòng đất vì đã giáng một đòn chống lại quyền lực vinh quang của Ta, song ngày xưa kẻ ấy đã chống lại uy quyền của lẽ phải, nên đã bị nuốt vào lòng đất và đọa vào địa ngục.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thời nọ, khi vua Brahmadatta lên ngôi tại Ba-la-nại, Bồ tát được sinh vào cõi dục giới thiên làm một Thiên tử, có tên là Dhamma hay Chánh pháp, đồng thời Ðề-bà-đạt-đa lại có tên là Adhamma hay Tà pháp.

Vào ngày trai giới trăng tròn, về buổi chiều khi cơm nước xong xuôi, dân chúng ngồi vui vẻ trước sân nhà mình trong làng, ngoài phố hay kinh thành, Dhamma xuất hiện trước mặt quần chúng, đứng vững trên không gian, cỡi chiếc thiên xa của ngài và phục sức thiên y rực rỡ giữa hội chúng Thiên nữ, ngài dạy bảo như sau:

– Ðừng đoạt mạng sống của mọi loài hữu tình và tránh mười ác đạo, hãy làm tròn phận sự phụng dưỡng cha mẹ, cùng tam nghiệp chân chánh (Chánh thân nghiệp, chánh khẩu nghiệp, chánh ý nghiệp), nhờ thế các người sẽ được tái sinh lên thiên giới và hưởng mọi vinh quang tuyệt diệu.

Như vậy ngài khuyến cáo dân chúng hành trì Mười thiện đạo, và ngài diễu quanh cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) một vòng thật uy nghiêm hướng về phía hữu. Nhưng Adhamma lại dạy dân chúng:

– Hãy sát sinh các loài hữu tình.

Và như thế vị này đã xúi giục dân chúng theo Mười ác đức và diễu quanh cõi Diêm-phù-đề hướng về phía tả.

Lúc bấy giờ thiên xa của hai vị đối diện nhau trên không gian, và đám tùy tùng của hai vị hỏi nhau:

-Các ông là tùy tùng của ai? Và chúng đáp:

– Chúng ta là tùy tùng của Dhamma.

– Còn chúng ta là tùy tùng của Adhamma. Rồi chúng chiếm chỗ, làm cho lối đi được chia hai ra. Nhưng Dhamma bảo Adhamma:

-Này Hiền giả, ngài là Adhamma và ta là Dhamma, ta đi về hướng phải, vậy hãy quay xe qua một bên nhường lối cho ta.

Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:

1. Ta hành chánh hạnh ở trần gian,
Danh tiếng người đời được tặng ban,
Ðạo sĩ, hiền nhân, khen ngợi mãi,
Phần ta, đường Chánh, được tôn sùng,
Ðường ta là đó, ta chân chánh,
Tà pháp, vậy ngài hãy tránh đường.

Ðây là các vần kệ tiếp theo:

Tà:

2-Trong chiếc hùng xa của pháp Tà,
Ngự trên ngôi báu ấy là ta,
Ðại hùng không kẻ làm kinh hãi,
Vì vậy ta không tự trước giờ
Nhường chỗ, sao nay đành nhượng bộ
Ðể cho Chánh pháp vượt xe qua?

Chánh:

3. Chánh pháp đã bày tỏ trước tiên,
Là Thần ưu thắng, bậc cao niên,
Tà pháp trẻ hơn vì đẻ muộn,
Hậu sinh nhường bước, lệnh bề trên!

Tà:

4. Dù ngài đức độ hoặc cầu xin,
Hoặc nếu công bình lẽ tự nhiên,
Ta quyết cũng không hề nhượng bộ,
Hôm nay ta dự đấu tranh liền,
Bất kỳ ai hễ giành ưu thắng,
Vị ấy được nhường chỗ trước tiên.

Chánh:

5. Khắp cõi gần xa, ta nổi danh
Anh hùng vô địch, đại quang vinh,
Trong ta, hình thái này mang đủ
Tất cả công năng kết hợp thành,
Tà pháp này, ta là Chánh pháp,
Làm sao ngài chiến thắng phần mình?

Tà:

6. Nhờ sắt, mà vàng được đập ra,
Lấy vàng đập sắt, thấy bao giờ?
Nếu Tà đánh Chánh mà Tà thắng,
Sắt đẹp như vàng chẳng kém thua.

Chánh:

7. Nếu ngài chiến đấu thật hùng cường,
Lời nói ngài dẫu chẳng thiện chơn,
Ta sẽ thứ tha lời ác ấy,
Và dù không muốn, phải nhường đường.

Hai vị ngâm sáu vần kệ trên để đối đáp lẫn nhau. Nhưng vừa lúc Bồ tát ngâm vần kệ này, Adhamma không thể nào đứng trên xe được nữa, mà nhào đầu xuống đất đang há miệng để nuốt vị ấy liền, và vị ấy tái sinh vào địa ngục.

*

Ðức Thế Tôn vừa nhận thấy việc này xảy ra, Ngài liền ngâm các vần kệ cuối cùng phát xuất từ Trí tuệ Tối thắng của Ngài:

8. Lời ấy vừa nghe tự cõi cao,
Pháp Tà kia đã ngã lăn nhào,
Kinh hoàng số phận cho Tà pháp,
Dù muốn, ta không đánh trận nào.

9. Vậy pháp Tà khiêu chiến bạo hung,
Bại vì Ðại sĩ lượng khoan dung,
Chết vì bị nuốt vào lòng đất,
Bậc Chánh chân an lạc, đại hùng,
Bảo vệ cho mình bằng chánh lý,
Ngự lên xa giá vội đằng vân.

10. Ở nhà ai chẳng kính song thân,
Giáo sĩ, hiền nhân, lúc mạng chung,
Thân hoại, bật tung dây trói buộc,
Từ đây kẻ ở chốn phàm trần
Thẳng vào địa ngục ngay, nào khác
Tà pháp kia nhào xuống ngã lăn.

11. Ở nhà ai kính trọng song thân,
Giáo sĩ, hiền nhân, lúc mạng chung,
Thân hoại, bật tung dây trói buộc,
Cõi Thiên thẳng tiến tự phàm trần,
Như ngài Chánh pháp trên xa giá
Ði đến cung trời của thiện nhân.

*

Khi Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài bảo:

– Này các Tỳ kheo, không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa, Ðề-bà-đạt-đa đã tấn công Ta và đã bị nuốt vào lòng đất.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

– Vào thời ấy, Ðề-bà-đạt-đa là Adhamma (Tà pháp), đám tùy tùng của Tà pháp này là tùy tùng của Ðề-bà-đạt-đa, còn ta là Dhamma (Chánh pháp) và các đệ tử của đức Phật là đám tùy tùng của Dhamma vậy.

-ooOoo-

458. Chuyện Vua Thiện Lai (Tiền thân Udaya)

Dung sắc nàng trong sáng, vẹn toàn…,

Chuyện này Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỳ kheo thối thất.

Trường hợp này sẽ được giải thích trong Tiền Thân Kusa (số 531 tập VI). Bậc Ðạo Sư hỏi người này:

– Này Tỳ kheo, có đúng là ông thối thất như Tăng chúng bảo chăng?

Người ấy đáp:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Ngài nói:

– Này Tỳ kheo, tại sao ông lại thối thất trong Giáo pháp như Giáo pháp của Ta đưa đến giải thoát, mà tất cả chỉ vì tham dục?

Các bậc trí nhân ngày xưa, từng làm vua tại Surundha, một kinh thành phồn thịnh rộng mười hai dặm mỗi bề, dù suốt cả bảy trăm năm sống cùng phòng với một nữ nhân diễm lệ như Thiên nữ, cũng không hề bị lôi cuốn vào dục vọng, thậm chí cũng chẳng bao giờ đưa mắt nhìn nàng với lòng ham muốn cả.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, khi vua Kàsi đang trị vì quốc độ Kàsi, ỏ kinh thành Surundha, ngài không có con cái gì cả. Vì thế ngài ra lệnh cho các vương phi cầu tự. Bấy giờ Bồ tát từ cõi Phạm thiên xuống nhập vào mẫu thai của chánh hậu. Và do ngài sinh ra đời làm vui lòng đại chúng nên được đặt tên là Udayabhadda, tức Thiện Lai. Vào lúc vương nhi biết đi chập chững, thì một người khác xuất hiện ở đời này từ cõi Phạm thiên xuống nhập mẫu thai làm công chúa của một bà vương phi khác và nàng cũng được đặt cùng tên ấy Udayabhaddà.

Khi thái tử đến tuổi trưởng thành, chàng tinh thông mọi ngành học thuật, và hơn nữa, chàng trong sáng đến độ chàng không biết gì về các hành động xác thịt, ngay cả trong các giấc mơ, tâm chàng cũng không hướng đến ác dục. Vua cha ước mong chàng cũng không lên ngôi báu với lễ quán đảnh phong vương huy hoàng, và muốn diễn kịch để chàng giải trí, nên ngài ra lệnh ngay. Nhưng Bồ tát đáp:

– Con không thiết ngai vàng, lòng con không hướng về ác dục.

Chàng cứ bị nài ép mãi, nhưng chàng đáp lại bằng cách bảo tạc một tượng nữ nhân bằng vàng ròng, rồi trình lên song thân với lời tâu:

– Khi nào hoàng nhi tìm được một nữ nhân như vậy, hoàng nhi sẽ nhận ngôi báu.

Quần thần đem bức tượng vàng đi khắp cõi Diêm-phù-đề, nhưng họ không tìm ra nữ nhân nào giống như vậy cả, cuối cùng họ trang điểm cho nàng Udayabhadà thật lộng lẫy rồi đưa nàng ra so với bức tượng, dung sắc nàng còn vượt xa khi nàng đứng cạnh nó. Thế là quần thần đem gả nàng cho Bồ tát làm vương phi, dù cả hai vị đều không muốn, vì nàng chính là công chúa Udayabhaddà, em ruột cùng cha khác mẹ với ngài, rồi quần thần lại làm lễ quán đảnh phong vương cho ngài.

Cả hai vị cùng nhau sống một cuộc đời thanh tịnh, không vướng dục tình. Theo thời gian, khi song thân qua đời, Bồ-tát trị vì vương quốc. Hai vị ở chung phòng, nhưng từ bỏ dục vọng, đến độ không bao giờ nhìn nhau với vẻ ham muốn. Không những thế, hai vị còn ước nguyền rằng, nếu một trong hai vị từ trần trước, thì sẽ trở lại gặp vị kia từ cõi mới tái sinh, để báo tin: “Ta đã tái sinh ở nơi kia”.

Thời bấy giờ lúc làm lễ quán đảnh, Bồ-tát sống bảy trăm năm rồi từ trần. Vì không có vua nào nối ngôi, nên có lệnh của tiên đế Udayabhadda ban bố rằng triều đình phải lo trị nước. Bồ-tát đã trở thành Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ trên cõi Trời ba mươi ba, và do cảnh vinh quang này quá huy hoàng, nên ngài không nhớ đến đời trước trong vòng bảy ngày. Thế là sau bảy trăm năm theo ước tính của loài người, ngài nhớ lại và tự nhủ: “Ta muốn trở về gặp công chúa Udayabhaddà và sẽ thử lòng nàng bằng vàng bạc quý, rồi rống lên tiếng rống sư tử, ta sẽ thuyết giáo, như thế là ta thành tựu lời nguyện ước xưa”.

Vào thời ấy, chuyện kể rằng, đời sống con người kéo dài được mười ngàn năm. Bấy giờ, vào ban đêm cửa cung khóa chặt, quân canh đã được bố trí cẩn mật, và công chúa đang ngồi yên lặng một mình trong cung điện nguy nga ở lầu thượng, suy tư về công hạnh của nàng. Lúc ấy, Ðế Thích Thiên chủ cầm một chiếc dĩa vàng đựng đầy tiền vàng và xuất hiện trong khuê phòng trước mặt nàng, rồi đứng ra một bên. Ngài bắt đầu ngâm vần kệ thứ nhất với nàng:

1. Dung sắc nàng trong sáng, vẹn toàn,
Nàng ngồi lầu thượng, dáng cô đơn,
Diễm kiều, trông tựa như Thiên nữ,
Xin được đêm nay ở với nàng.

Công chúa đáp lời này qua hai vần kệ sau:

2. Thành này tường bọc, lũy đào sâu,
Việc đến gần đây khó biết bao,
Trong lúc tháp cao và lũy rộng,
Canh phòng đoàn kết với cung đao.
3. Chẳng bầy niên thiếu, bậc anh hùng

Có thế vào đây được dễ dàng,
Hãy nói, việc gì là có sự
Cùng ta gặp gỡ chốn thâm cung?

Sau đó Ðế Thích Thiên chủ ngâm vần kệ thứ tư:

4. Ðại quý là Ta, hỡi tố nga,
Với nàng, ta xuất hiện bây giờ,
Ban ta ân huệ nàng, nương tử,
Ðây dĩa vàng, xin nhận của ta.

Nghe thế, công chúa liền ngâm vần kệ thứ năm:

5. Từ thuở Thiện Lai vĩnh biệt trần,
Ta không đòi, dẫu quý hay thần,
Hoặc người ở cạnh, này Thiên tử,
Ðừng đến nữa đây, chớ ở gần.

Nghe giọng sư tử hống của nàng, Thiên chủ không còn đứng lại nữa, mà làm ra vẻ giã từ nàng rồi lập tức biến mất. Hôm sau cũng vào giờ ấy, ngài cầm cái chén bạc đựng đầy tiền vàng và đến nói với nàng qua vần kệ thứ sáu:

6. Cực lạc cùng nhau biết rõ rành,
Hoàn toàn trọn vẹn giữa đôi tình,
Khiến người đời phạm bao điều ác,
Ôi quý nương, nàng chớ vội khinh!
Chén bạc, hãy nhìn, ta kính tặng,
Hỡi nàng, cười mỉm giá khuynh thành.

Lúc ấy công chúa suy nghĩ: “Nếu ta cứ để vị kia nói mãi chuyện nhảm nhí, y sẽ đến hoài. Vậy ta không nói gì nữa với y”. Thế là nàng không nói thêm lời nào. Ðế Thích Thiên chủ thấy nàng không có gì để nói nữa, nên biến mất từ chỗ đứng.

Ngày kế tiếp cũng vào giờ ấy, ngài cầm chén sắt đựng đầy tiền vàng và bảo:

– Thưa công nương, nếu nàng ban cho ta tình yêu của nàng, ta sẽ tặng nàng chén sắt đầy vàng này.

Khi trông thấy ngài, công chúa ngâm vần kệ thứ bảy:

7. Nam nhi mong tán tỉnh hồng quần,
Ðem tặng vàng kia cứ mãi tăng,
Cho đến khi nàng chìu thỏa ý,
Nhưng ta xét cách của Thiên thần
Nơi ngài khác hẳn: nay ngài đến,
Tặng vật xem ra cứ giảm dần.

Khi nghe những lời này, bậc Ðại Sĩ đáp:

– Thưa công nương, ta là một kẻ đi buôn rất thận trọng. Ta không phung phí của cải vô ích đâu. Nếu nàng tăng dần vẻ xuân sắc, ta sẽ tăng số tặng vật cho nàng, nhưng sắc đẹp của nàng đang tàn tạ dần, vì thế ta giảm dần số tặng vật đó thôi.

Nói xong ngài ngâm ba vần kệ:

8. Ôi mỹ nhân, xuân sắc tàn phai,
Hỡi nàng thục nữ giữa trần ai,
Hôm nay nàng phải già hơn trước,
Nên số vàng ta tặng giảm hoài.

9. Vậy thưa nàng nữ chúa huy hoàng,
Trước mắt ta đang ngưỡng mộ nàng,
Trong lúc ngày đêm qua thấm thoắt,
Sắc nàng tươi đẹp sẽ phai tàn.

10. Song hỡi công nương trí tuyệt trần,
Nếu như nàng thuận ý bằng lòng,
Giữ gìn Thánh đạo và thanh tịnh,
Nàng sẽ luôn kiều diễm bội phần.

Ngay sau đó công chúa ngâm một vần kệ khác:

11. Chư Thiên chẳng giống các người trần,
Da chẳng già, không thấy nếp nhăn,
Thiên chúng làm sao không thể xác?
Ðiều này, Ðại quý nói cho cùng.

Lúc ấy, Thiên chủ giải thích vấn đề này qua một vần kệ nữa:

12. Thiên chúng không như người thế gian,
Chẳng già, da chẳng thấy đường nhăn,
Mai đây và mãi về sau nữa,
Thiên lạc vô ngần, mỹ sắc tăng.

Khi nàng nghe nói dung sắc trên thiên giới, nàng hỏi con đường lên đó qua một vần kệ khác:

13. Ðiều gì làm khiếp sợ quần sinh,
Xin hỏi ở đời, đấng hiển linh,
Làm sáng tỏ con đường thiện ấy,
Xin ngài giải thích thật phân minh
Làm sao đi hướng về Thiên giới,
Nơi ấy chẳng còn phải hãi kinh.

Kế đó Thiên chủ giải thích vấn đề trong một vần kệ nữa:

14. Ai khéo hộ trì khẩu, ý, căn,
Chăng ưa làm ác nghiệp về thân,
Trong nhà ta thấy nhiều lương thực,
Ban phát rộng lòng, tín chánh chân,
Hào phóng, ngọt ngào, đầy thiện ý,
Sẽ sinh thiên giới chẳng kinh hoàng.

Khi công chúa nghe lời ngài xong, nàng cảm tạ ngài qua một vần kệ khác:

15. Giống như bà mẹ, giống như cha,
Ðại lực thần đang giáo hóa ta,
Hỡi Ðại thần oai hùng mỹ diệu,
Ngài là ai đó, nói ngay ra.

Liền đó Bồ-tát ngâm kệ:

16. Ta chính Thiện Lai, hỡi mỹ nhân,
Vì lời ước hẹn, đến bên nàng,
Giờ đây đã nói, ta từ giã,
Lời hứa ngày xưa hết buộc ràng!

Công chúa thở dài bảo:

– Ôi Chúa thượng, ngài chính là Ðại vương Udayabhadda ư?

Rồi nàng nức nở khóc, nước mắt tuôn như suối chảy:

– Vắng bóng Chúa thượng, thần thiếp không thể nào sống được. Xin Chúa thượng dạy bảo thần thiếp cách nào thiếp có thể sống cùng Chúa thượng mãi mãi!

Nói xong nàng lại ngâm kệ khác:

17. Nếu Ðại vương là chúa Thiện Lai,
Ðến đây vì nguyện ước, không sai,
Thì xin dạy thiếp, ôi Hoàng thượng,
Ðể sống cùng nhau mãi mãi hoài.

Tiếp theo ngài ngâm bốn vần kệ để giáo hóa nàng:

18. Thoáng chốc, xuân thì vụt quá nhanh,
Ðời không bền vững, mọi loài sinh,
Chết rồi, sống lại đời sau nữa,
Thối nát, thân này thật mỏng manh.
Vậy chớ buông lung cùng phóng dật,
Tiến lên, vững bước, giữ tâm thành.

19. Nếu cả trần gian, mọi bạc vàng
Thuộc quyền cai trị một anh quân,
Thánh nhân còn vượt xa vua ấy
Trong cuộc thi đua giữa cõi trần,
Vậy chớ buông lung cùng phóng dật,
Tín tâm giữ vững, bước lên đàng.

20. Song thân cùng quyến thuộc, anh em,
Và vợ (có tiền lại kết duyên),
Tất cả đều ra đi lũ lượt,
Kẻ này xa kẻ khác luân phiên,
Vậy đừng sống cuộc đời buông thả,
Giữ tín tâm bền vững, bước lên.

21. Thân kia, hãy nhớ, sẽ làm thành
Thực phẩm cho nhiều loại chúng sinh,
Hoan lạc cũng như niềm khổ não
Chỉ là giờ khắc thoáng trôi nhanh,
Ðời này nối tiếp đời sau mãi,
Vậy chớ buông lung, giữ tín thành.

Bậc Ðại Sĩ đã thuyết Pháp như vậy. Công chúa rất hoan hỷ với cách giáo hóa trên, và nàng cảm tạ ngài với vần kệ cuối cùng:

22. Thiên thần này nói ngọt ngào,
Thế nhân thấy rõ ngắn sao cuộc đời,
Ðời buồn, ngắn ngủi thế thôi,
Ði theo đời sống, không rời sầu bi.
Giã từ trần thế, ta đi,
Từ kinh đô xứ Ca-thi lên đàng.

Sau khi thuyết giáo như vậy cho nàng xong, Bồ-tát trở lại cõi của ngài.

Ngày kế tiếp, công chúa liền giao việc trị nước cho các triều thần, còn nàng trở thành ẩn sĩ ngay trong kinh thành ấy, ở hoa viên đầy an lạc. Tại đó, nàng vẫn sống theo chánh hạnh cho đến khi mạng chung, nàng được tái sinh ở cõi Trời Ba mươi ba, làm thị nữ của Bồ-tát.

*

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài thuyết giảng các Sự Thật. Bấy giờ, lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự Lưu).

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

– Vào thời ấy, thân mẫu La-hầu-la là công chúa kia và Ðế Thích Thiên chủ chính là Ta.

-ooOoo-

459. Chuyện Ngụm Nước Uống (Tiền thân Paniya)

Ngụm nước kia còn là của bạn mình..,

Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự điều phục các ác dục.

Ta biết rằng có một thời, năm trăm dân chúng thành Xá-vệ là gia chủ cùng thân hữu của đức Như Lai đã đi nghe Pháp và xuất gia thọ giới Tỷ-kheo. Trong khi sống ở Tinh xá trên con Ðường-lát-vàng kia, vào ban đêm các vị chìm đắm trong dục tưởng (các chi tiết cũng được biết như trong chuyện trước). Theo lệnh của đức Thế Tôn, Tôn giả Ànanda liền tập họp Tăng chúng lại. Bậc Ðạo Sư ngồi xuống ở chỗ đã được soạn sẵn và không cần hỏi Tăng chúng: “Có phải các ông chìm đắm trong dục tưởng chăng?”, mà Ngài dạy bảo Tăng chúng bằng những lời tổng quát:

– Này các Tỷ-kheo, không có việc gì được xem là lỗi lầm nhỏ nhặt cả. Một Tỷ-kheo phải chế ngự tất cả các dục mỗi khi chúng khởi lên. Các bậc trí nhân thuở xưa, trước khi đức Phật ra đời, đã biết điều phục ác dục và đạt đến trí tuệ của một vị Ðộc Giác Phật.

Cùng với lời dạy này, Ngài kể cho Tăng chúng nghe một chuyện quá khứ.

*

Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì thành Ba-la-nại, có hai người bạn trong một làng kia ở quốc độ Kàsi. Hai người ấy, ra đồng mang theo hai bình nước uống, họ đặt khuất bên đường trong lúc cuốc đất, mỗi khi khát nước lại đến đó uống. Một trong hai người ấy, khi uống nước, đã để dành nước trong bình của mình và uống nước trong bình kẻ kia. Buổi chiều khi ra khỏi rừng tắm rửa xong, kẻ ấy đứng suy nghĩ: “Ta có phạm lỗi gì hôm nay, hoặc do thân căn, hoặc do căn nào khác chăng?” Lúc đó, ông nhớ lại đã uống ngụm nước trộm như thế nào, và buồn phiền kêu lên:

– Nếu sự thèm khát này khởi lên trong ta, nó sẽ khiến ta phải tái sinh vào cõi dữ. Vậy ta quyết nhiếp phục lỗi lầm.

Vì vậy do chuyện uống ngụm nước trộm này mà ông dần dần đạt được thiền định và chứng đắc Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật (Pacceka-Buddha) và ông đứng đấy suy nghĩ về Thắng trí của mình vừa đạt được.

Bấy giờ người kia sau khi tắm xong bảo:

– Này Hiền hữu, về nhà đi.

Ông đáp:

– Hiền hữu về nhà đi, nhà cửa chẳng có ý nghĩa gì đối với ta nữa! Ta là một vị Ðộc Giác Phật đây!

– Ô kìa, Ðộc Giác Phật giống như Hiền hữu ư?

– Thế thì các vị ấy ra sao?

– Các vị ấy có tóc dài cỡ hai ngón tay, đắp y vàng, sống ở động Nandamùla tận trên vùng Tuyết Sơn.

Người kia vỗ vào đầu; ngay lập tức các dấu vết của một người thế tục biến mất, một cặp y đỏ đắp quanh mình vị ấy, một dây đai màu vàng như lằn chớp cột quanh thắt lưng, tấm thượng y màu son đỏ vắt qua một bên vai, một y phấn tảo màu đen sẫm như đám mây trời bão nằm vắt qua một vai kia, một bình bát bằng đất màu vàng nâu treo lủng lẳng trên vai tả, ông đứng vững trên không, sau khi thuyết Pháp xong liền bay lên cao và không hề hạ xuống, cho đến khi bay tận hang núi Nandamùla.

Một người khác cũng sống trong một làng ở Kàsi, là một địa chủ, đang ngồi trong tiệm tạp hóa thì thấy một người nọ dẫn vợ đi tới. Vừa thấy nàng là một mỹ nhân dung sắc tuyệt thế, người kia lỡ phá giới đức và liếc nhìn nàng. Sau đó ông suy nghĩ: “Nếu tham dục này tăng trưởng, nó sẽ khiến ta đọa vào cõi ác thú”. Ông vừa tu tập tâm vừa làm phát khởi thiền định và đạt Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật, rồi đứng trên không và thuyết Pháp, về sau cũng bay đến động Nandamùla.

Lại có hai cha con là dân làng Kàsi, cùng du hành với nhau. Tại lối đi vào rừng có nhiều kẻ cướp trú ẩn. Những quân cướp này, nếu bắt được cả hai cha con, thì sẽ giữ người con lại và bắt người cha đi về, bảo:

– Hãy đem tiền đến chuộc con trai ông.

Hoặc nếu là hai anh em, chúng sẽ giữ người em lại và bắt người anh đi về, nếu là hai thầy trò, chúng giữ ông thầy lại và bắt học trò đi về, người học trò muốn học hành sẽ đem tiền đến và chúng sẽ thả ông thầy.

Lúc bấy giờ, khi hai cha con này thấy bọn cướp đang nằm chờ, người cha bảo:

– Con đừng gọi ta là cha, ta cũng không gọi con là con đấy.

Hai người đồng ý như vậy, nên khi quân cướp đi đến, chúng hỏi hai người là gì đối với nhau, hai người đáp:

– Chúng ta chẳng là gì đối với nhau cả.

Rồi họ nói dối một điều đã nghĩ sẵn từ trước. Khi hai người ra khỏi rừng và nghỉ ngơi sau khi đã tắm rửa buổi tối xong, người con xem xét lại đức hạnh của mình và nhớ lời nói dối kia, nghĩ thầm: “Lỗi lầm này nếu tăng trưởng sẽ nhận chìm ta vào cõi ác. Ta quyết khắc phục lỗi lầm”. Sau đó người ấy tu tập thiền định, và đạt Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật, rồi đứng trên không và thuyết Pháp cho cha, xong cũng đi về hang Nandamùla.

Trong một làng ở Kàsi cũng có một địa chủ ra lệnh cấm sát sinh. Bấy giờ đến lúc người ta thường dâng lễ tế thần, một đám đông tụ tập lại và nói:

– Thưa chủ nhân, đây là lúc tế lễ, xin cho chúng tôi giết dê, lợn và những súc vật khác để dâng lễ cúng thần linh.

Ông bảo:

– Cứ làm như các anh đã làm trước kia.

Dân làng liền làm một việc đại sát sinh. Khi người ấy thấy một số lớn cá thịt, liền suy nghĩ: “Người ta đã giết hết các sinh vật này, tất cả cũng chỉ vì lời nói của ta mà thôi!”. Ông ăn năn hối hận, và khi đứng bên cửa sổ, ông tu tập thiền định và đạt Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật, rồi đứng trên không thuyết pháp xong, cũng đi về hang Nandamùla.

Một người địa chủ khác sống ở quốc độ Kàsi, cấm bán rượu mạnh. Một đám đông đến kêu gào:

– Thưa chủ nhân, chúng tôi phải làm sao? Ðây là tửu hội được yêu chuộng lâu đời rồi mà!

Người ấy đáp:

– Cứ làm như các anh vẫn làm trước kia.

Dân chúng tổ chức đại hội, uống rượu mạnh và gây sự lẫn nhau, kẻ gãy tay chân, người vỡ đầu sứt tai và phải chịu nhiều hình phạt về chuyện này. Người địa chủ thấy vậy, nghĩ thầm: “Nếu ta không cho phép chuyện này, thì dân chúng đã không phải chịu khổ sở như vậy”. Ông cảm thấy ăn năn dù chỉ một việc nhỏ nhặt kia. Sau đó ông tu tập thiền định, và đạt Thắng trí của một vị Ðộc Giác Phật, đứng trên không thuyết Pháp, khuyên bảo dân chúng phải tỉnh giác, rồi ông cũng đi đến hang Nandamùla.

Một thời gian sau, năm vị Ðộc Giác Phật đều giáng lâm tại cổng thành Ba-la-nại, để tìm đồ ăn bố thí. Thượng y và hạ y của các Ngài đều được đắp gọn ghẽ, với phong thái ung dung thanh thoát, các Ngài đi khất thực đến tận cung môn của vua. Rất hoan hỷ khi ngắm các vị ấy, ngài rước các vị ấy vào cung, rửa chân các vị và xoa dầu thơm, dâng lên các vị đủ món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, rồi ngài ngồi xuống một bên, và nói với các vị như sau:

– Thưa các Tôn giả, các Ngài đang còn thanh xuân mà đã sống đời tu hành, thật vi diệu biết bao! Ở tuổi này các Ngài đã là ẩn sĩ, và các Ngài đã nhìn thấy nỗi khổ đau của ác dục. Nguyên nhân nào đã đưa đến hành động của các Ngài?

Các ngài đáp lại:

1. Ngụm nước kia là của bạn mình,
Ta đà uống trộm, dẫu thân tình,
Chán chê lầm lỗi ta vừa phạm,
Phát nguyện về sau sẽ trở thành
Ẩn sĩ, giã từ đời thế tục,
Vì e tái phạm tội phần mình.

2. Vợ của người kia, lỡ liếc nhìn,
Trong lòng ta dục vọng bừng lên,
Chán chê lầm lỗi ta vừa phạm,
Ta quyết về sau tự phát nguyền
Từ giã thế gian làm ẩn sĩ,
Vì e tái phạm lỗi lầm trên.

3. Trộm cướp trong rừng bắt phụ thân,
Ta đành nói với bọn kia rằng:
“Người này chẳng phải là thân phụ”,
Ta biết ngay là nói dối gian,
Chán ghét lỗi lầm ta phạm phải,
Về sau ta ước nguyện tu thân.. (như trên)

4. Người làm tửu hội sát sinh linh,
Chẳng phải là không thuận ý mình,
Chán ghét lỗi lầm ta đã phạm..
Về sau ta đã phát tâm thành.. (như trên)

5. Cả bọn người kia một thuở xưa,
Cùng nhau chè chén thật say sưa,
Ðánh nhau gây sự nhiều người khổ,
Chẳng phải là không thuận ý ta.
Chán ghét lỗi lầm ta đã phạm,
Về sau ta ước nguyện ly gia,
Giã từ thế tục, làm tu sĩ,
Vị sợ ta còn phạm lỗi xưa.
Các Ngài ngâm lần lượt các vần kệ trên.

Khi vua đã nghe xong lời giải thích của mỗi vị Phật, ngài nói lời tán thán:

– Thưa các Tôn giả, việc tu hành của các Ngài thật xứng đáng lắm thay.

Vua rất hoan hỷ về bài thuyết Pháp của các vị này. Ngài ban tặng các y trong, y ngoài cho các vị, cùng thuốc men xong xuôi, liền để các vị Ðộc Giác Phật ra đi. Các vị ấy cảm tạ ngài rồi trở về nơi đã xuất hành.

Sau đó vua sinh chán ghét các dục lạc, ngài ly tham, ngài vẫn dùng các món cao lương mỹ vị, song ngài không nói chuyện với bọn cung nhân, cũng không nhìn đến chúng. Nhàm chán khởi lên trong tâm, ngài lui về cung thất nguy nga của ngài ngồi đó nhìn thẳng vào bức tường trắng trước mặt cho đến khi ngài nhập thiền định, cảm nhận trong tâm ngài lạc thọ của thiền định. Mải mê trong nỗi hân hoan, ngài ngâm kệ chê bai tham dục:

6. Ta quyết ly tham, diệt dục tham,
Bốn bề vô vị, tựa gai đâm!
Chẳng bao giờ nữa, dù từ trước
Ta đã đi theo chuyện lỗi lầm,
Lạc thú như vầy ta đã gặp,
Ðây là lạc thú của tham tâm.

Lúc ấy bà chánh hậu của ngài suy nghĩ thầm: “Ðức vua đã nghe lời thuyết Pháp của các vị Ðộc Giác Phật, và nay ngài tự giam mình với nỗi chán chường trong cung điện thật nguy nga của ngài. Ta phải chăm sóc ngài mới được”. Vì thế bà đến cửa cung thất của vua, và đứng ở cửa, nghe rõ những lời cảm hứng đầy hoan lạc của ngài tỏ ý chê bai tham dục, bà bảo:

– Tâu Hoàng thượng, ngài vừa chê bai tham dục! Song chẳng có lạc thú nào bằng lạc thú của tham dục êm ái cả.

Sau đó, để tán thán tham dục, bà ngâm một vần kệ khác:

7. Cựu lạc dịu êm thật khó lường,
Thú nào hơn được thú yêu thương,
Ai theo lạc thú này sau đạt
Hạnh phúc trên cao cõi ngọc đường!

Nghe vậy vua đáp:

– Này ác nữ nhân! Thật quái lạ, bà nói gì thế? Dục lạc phát xuất từ đâu đấy? Có nhiều khổ đau tiếp theo sau để trả giá cho dục lạc.

Cùng với các lời này, ngài ngâm các vần kệ cuối để tỏ lòng chê bai tham dục:

8. Tham dục hôi tanh, thật đáng nhờm,
Chẳng còn khổ não khốc tàn hơn,
Ai theo ác dục này sau phải
Gặt lấy sầu bị địa ngục môn.

9. Thèm muốn khát khao mãi chẳng nguôi,
Còn hơn kiếm sắc khéo tay mài,
Hơn dao đâm suốt vào lồng ngực,
Tham dục càng nên phỉ nhổ hoài.

10. Hố kia sâu đến cỡ thân người,
Than củi kia đang cháy đỏ tươi,
Cái lưỡi cày nung ngoài nắng gắt,
Dục tham còn độc hại hơn thôi.

11. Thuốc độc nào tàn hại tối đa,
Dầu nào nguy hiểm với thân ta,
Rỉ nào bám chặt đồng hư hoại,
Tham dục còn hơn chúng nữa mà.

Bậc Ðại Sĩ đã thuyết Pháp cho bà chánh hậu như vậy. Sau đó ngài tập họp triều thần lại và phán:

– Này các khanh, các khanh hãy cai trị vương quốc. Ta sắp từ giã thế tục.

Và ngay giữa tiếng khóc lóc kêu gào của quần chúng, ngài vụt lên cao, vừa đứng vững trên không, vừa thuyết Pháp. Rồi theo hướng gió ngài bay đến vùng Tuyết Sơn cao xa nhất, ở một nơi đầy an lạc, ngài dựng một am thất, tại đấy ngài sống đời của một bậc hiền trí cho đến mạng chung, ngài được sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nói thêm:

– Này các Tỷ-kheo, không có gì gọi là lỗi lầm nhỏ mọn cả, ngay đến những lỗi nhỏ nhất cũng phải được người trí điều phục.

Rồi Ngài tuyên thuyết các Sự Thật. Bấy giờ vào lúc kết thúc bài giảng, năm trăm vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Thánh quả (A-la-hán).

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

– Vào thời ấy các vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn, mẹ của Ràhulà (La-hầu-la) là bà chánh hậu và Ta là vị vua kia.

Add Comment