Lộc Uyển hay còn gọi là Lộc Dã Uyển (Migadāya), nghĩa là Vườn Nai, cách thành phố Ba La Nại (Benares) khoảng 12 km, nơi đức Thích Ca Mâu Ni chuyển bánh xe pháp đầu tiên, thuyết về bốn chân lý cho năm anh em Kiều Trần Như (Koddañña), nhóm đồng tu khổ hạnh trước khi Ngài giác ngộ dưới cội Bồ Đề.
1. Địa lý
Sarnath là một thành phố ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, cách Varanasi 13 km về phía đông bắc, gần ngã ba sông Hằng và sông Gormati.
Sarnath được nhắc tới như là một trong những điểm đến linh thiêng của các Phật tử mộ đạo. Vườn Nai (hay Lộc Uyển) ở trong thành phố này là nơi mà Tất-đạt-đa Cồ-đàm đã dạy bài pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta), và là nơi thành lập đoàn tỉ-khâu đầu tiên sau sự giác ngộ của nhóm Kiều Trần Như.
2. Chuyện kể vườn Lộc Uyển
Sarnath trong tiếng Ấn Độ nghĩa là vườn lộc uyển hay vườn nai. Sở dĩ khu vườn có cái tên là vườn lộc uyển là bởi nó gắn với câu chuyện về tấm lòng từ bi của một chú nai đầu đàn dũng cảm. Tương truyền xưa kia, có một đàn nai hơn nghìn con sống trong khu rừng sâu, dẫn đầu là chú nai đầu đàn khỏe mạnh, thông minh.
Nhưng tai họa ập đến cho khu rừng khi vị vua nơi đây rất thích ăn thịt nai và thường đi săn bắn. Để tránh được họa diệt vong, thảm sát cho bầy đàn của mình, chú nai đầu đàn (tiền thân của đức Phaajat) liền chạy ra khỏi rừng, xin nhà vua đừng đốt rừng, thảm sát nai. Thay vào đó, mỗi ngày đàn nai sẽ cống nạp một con nai và nhà vua đã đồng ý.
Một lần nọ, con nai mẹ đang mang bầu phải đi nộp mạng. Thương nai con trong bụng, nai mẹ xin chờ đến ngày sinh xong mới nộp mạng. Nai đầu đàn thấy vậy thương tình liền thay nai mẹ đến cống nạp cho nhà vua. Quá ngạc nhiên, nhà vua liền hỏi rõ sự tình. Khi biết được câu chuyện cảm động và sự dũng cảm, từ bi của nai đầu đàn, nhà vua hối cải, quyết định bãi bỏ lệnh cống nạp nai, phong khu rừng là vườn lộc uyển thiêng liêng, không ai được xâm phạm.
Sau này, Sarnath lại càng nổi danh hơn vì được coi là nơi đầu tiên đức Phật Thích ca tới thuyết giảng sau khi giác ngộ. Bài thuyết pháp đầu tiên này được gọi là kinh Chuyển Pháp Luân.
3. Khuôn viên vườn Lộc Uyển
Ngày nay, khu vườn lộc uyển không còn giữ được nguyên trạng như thời kỳ huy hoàng của Phật giáo do nhiều phần đã bị phá hủy bởi những tín đồ đạo Hồi cực đoan. Tuy nhiên, vẫn còn những di tích sót lại, thể hiện sự uy nghi của chốn thánh địa.
3.1. Tháp Dhamek (tháp Chuyển Pháp Luân)
Theo sử kể lại, năm tuần sau khi Đức Phật thành đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng Ngài đã đi bộ băng ngang sông Hằng đến nơi đây để tìm gặp năm người bạn đồng tu cũ và Ngài đã thuyết bốn chân lý nhiệm mầu, được gọi là kinh Chuyển Pháp Luân cho họ. Đức Phật ở lại vườn Lộc Uyển suốt mùa mưa đầu tiên để tiếp tục giảng pháp cho những ai đến với Ngài.
Tháp Chuyển Pháp Luân ngày nay (còn gọi là Dhamekh hay Dhamekha) được xây dựng vào năm 500 SCN để thay thế một cấu trúc trước đó do vua A Dục Mauryan xây dựng vào năm 249 TCN như kể trên, cùng với một số di tích khác, để tưởng niệm các hoạt động của Đức Phật trong vị trí này. Bảo tháp có nguồn gốc như gò tròn bao quanh bởi đá lớn. Vua A Dục xây dựng tháp để đặt một số ngọc xá lợi và di tích khác của Đức Phật bên trong.
Trong hình dạng như hiện nay, bảo tháp là một hình trụ vững chắc của gạch và đá đạt đến một chiều cao 43,6 mét và có đường kính 28 mét. Nó là cấu trúc lớn nhất ở Sarnath. Ngài Huyền Trang, khi chiêm bái nơi đây đã ghi lại tháp có chiều cao 91 mét tức khoảng 300 feet và có khoảng 1.500 tăng sĩ tu hành.
3.2. Tháp Hạnh Ngộ (tháp Chaukhandi)
Tháp Hạnh Ngộ là một trong những tháp quan trọng của Phật giáo ở khu vườn Lộc Uyển Sarnath. Tháp được xây trong khoảng từ thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, bằng gạch hình vuông, xung quanh được bao quanh bởi một tháp hình tám cạnh. Đây là nơi kỷ niệm Đức Phật đã gặp lại năm anh em Kiều Trần Như, năm người bạn đồng tu với Ngài trước khi ngài thành đạo. Trong những năm gần đây tháp Hạnh Ngộ đang được phục hồi như trong hình.
3.3. Tháp Sri Dharmarajika
Nằm giữa khuôn viên khu khai quật là một mô đất tròn, nền cao với hồ xung quanh, được tương truyền rằng, trong ngôi tháp này có thờ xá lợi của Phật. Tháp này trước kia rất lớn, bằng tháp Dhamek, nhưng bị huỷ phá. Vào năm 1794, vì thiếu vật liệu xây dựng thành phố Jagatguni, ông Jagat Singh, Bộ trưởng của vua Chet Singh ở Ba La Nại, đã sai người đến phá hủy ngôi tháp để lấy gạch và đá. Trong khi đào đá và gạch, ông tìm thấy một cái tráp bằng đá trong đó có một hộp bằng cẩm thạch đựng “Tro” chắc chắn là Xá Lợi đức Phật hay một vài vị Thánh tăng. Không biết dùng Xá Lợi này làm gì, theo tục lệ Ấn giáo, ông đã làm lễ thả xuống sông Hằng. Như thế Phật tử chúng ta đã mất đi một báu vật quí giá. Biết bao nhiêu ngọn tháp cũng chung số phận tương tự trước khi Viện Bảo Tàng thành lập. Trong khuôn viên này có một hương thất gọi là Mulagandhakuti nghĩa là phòng thơm, chỉ phòng đức Phật ở. Không riêng gì thất này có tên ấy vì đó là nơi Đức Phật an cư trong 3 tháng đầu tiên, sau khi Ngài thành đạo Bồ Đề, mà hầu như là mỹ từ chung cho tất cả nơi có thất dành riêng cho đức Phật lưu trú.
3.4. Trụ đá của vua A Dục (Asoka)
Đi sâu vào bên trong khoảng 2/3 diện tích khai quật, chúng ta thấy có một nhà nhỏ vuông vức khoảng 2,5m, đáy nằm sâu xuống lòng đất khoảng ba mét, có những trụ đá tròn và những đoạn bị vỡ, đó chính là trụ đá của vua A Dục được dựng lên để xác định nơi chuyển bánh xe pháp đầu tiên của Phật. A Dục Vương được xem là vị Vua Phật tử, đã có công rất lớn trong việc truyền bá chánh pháp trong nước cũng như ảnh hưởng đến các nước láng giềng xung quanh. Vào khoảng thế kỷ III trước kỷ nguyên tây lịch, đại đế của vương triều Khổng Tước (Maurya), vị vua Phật tử này đã tận tình trong việc bảo tồn và phát triển Phật giáo sau Phật nhập Niết Bàn khoảng 218 năm. Sự giác ngộ Phật giáo của vua bắt nguồn từ một cuộc chiến tiêu diệt bộ tộc Kalinga, sự giết chóc tang thương, xác người như rạ nằm lăn lóc trên những vũng máu oan nghiệt diễn ra trước mắt đã làm chấn động lương tâm của một vì vua hiếu chiến bạo tàn. Để chuộc lại lỗi lầm, Ông đã chọn Phật giáo, một tôn giáo giàu lòng từ bi, nhân ái, bất hại với muôn loài làm nơi quy hướng, tu tạo nhiều công đức lành để bù đắp tội lỗi xưa. Chính vì vậy mà đạo Phật có một giá trị lịch sử trên thế giới, phần lớn nhờ vào sự đóng góp nhiệt tình, vĩ đại của Ông, đặc biệt là các trụ đá và bia ký tồn tại nơi mỗi thánh địa quan trọng.
Tại Sarnath, để đánh dấu nơi Sơ Chuyển Pháp Luân và thành lập tăng đoàn Phật giáo đầu tiên, vua A Dục đã thân hành đến chiêm bái và dựng lên trụ đá cao 15,5 m và đường kính 0,7m, có tượng hình sư tử bốn đầu ở trên đỉnh phân đều bốn hướng. Dưới chân trụ gồ ghề và đặt trên một nền đá lớn, phần thân trụ thon và thẳng, đường kính phía dưới là 0,7 m, đường kính phía trên là 0,56m, được mài bóng láng trước khi khắc chỉ dụ của Vua. Ngoài chỉ dụ của vua Asoka được viết băng chữ Brahmi, còn có hai đoản văn khác, một thuộc triều đại Kushana đề cập đến Ngài Mã Minh, một trong những vị đại tổ sư có công truyền bá Phật giáo Đại Thừa; và đoản văn thứ hai đề cập đến tên của vị tổ sư trường phái Chánh Lượng Bộ. Mặc dù các trụ đá phần lớn không còn nguyên vẹn, nhưng các phần gãy đổ cũng như bia ký vẫn còn được bảo tồn nơi viện bảo tàng khảo cổ Lộc Uyển.
3.5. Phế tích các tu viện thời xa xưa
Trước hết, chúng ta tìm hiểu về những bức tường ngang dọc được xác định là vết tích của các tu viện thời đức Phật và sự phát triển không lâu sau này. Đoàn chúng tôi đi rảo quanh những bức tường, những nền gạch cũ nằm ngang dọc còn sót lại. Khi mới nhìn vào, chúng ta không thể hình dung được nó là cái gì, nếu không được sự hướng dẫn và nghiên cứu trước. Chính nơi này đã đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại, nơi mà đức Phật đã trải qua mùa an cư đầu tiên; những khu nhà cho tăng chúng lưu trú tu hành, khu pháp đường dành cho đức Phật thuyết pháp… bây giờ chỉ là những nền gạch ngang dọc, đổ nát rêu phong, đang được bảo vệ và duy trì của cộng đồng Phật giáo và các tổ chức bảo vệ di tích lịch sử thế giới.