Nghi thức tưởng niệm Đức Phật Thích Ca được soạn dịch bởi Thượng Tọa Thích Nhật Từ và xuất bản bởi nhà xuất bản Tôn giáo. Bộ sách gồm 97 trang với đầy đủ nghi thức tưởng niệm về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đặc biệt là Đại lễ Phật Đản.
VÀI NÉT VỀ ĐỨC PHẬT
Từ “Phật” trong âm Hán Việt là từ viết tắt từ chữ Phật-đà, được phiên âm từ chữ “Buddha” của tiếng Pali và Sanskit, vốn là danh từ chung chỉ cho bậc đã giác ngộ hoàn toàn, mà người Việt Nam từ xa xưa đã đọc chuẩn là “Bụt”.
Quê hương của Ngài là tiểu bang Thích-ca (Sakya), 1/16 nước liên bang Ấn Độ thời cổ đại. Kinh đô của đất nước này là vương thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), nằm dọc theo bờ sông Rohini, chạy dài theo chân Hy-mã-lạp-sơn, nay thuộc về vùng Terai của nước Nepal.
Đức Phật, người đã khai mở và giới thiệu con đường tuệ giác vốn là thái tử Cồ-đàm (Gotama) Tất-đạt-đa (Siddhattha), con của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mâyâ), sanh vào ngày trăng tròn tháng Vesak, nhằm ngày rằm tháng 4, năm 624 TTL. Vua và hoàng hậu đều là những người nhân đức, trị vì muôn dân bằng con đường đạo đức.
Như nhiệm vụ chu toàn trong việc hiến tặng cho đời một con người siêu phàm, Mẹ của Ngài đã qua đời bảy ngày sau khi hạ sinh ra Ngài. Em của hoàng hậu là bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề (mahâpajâpati) đã thay người quá cố nuôi dưỡng thái tử với tư cách kế mẫu. Khi còn trẻ, Ngài là một thái tử tuấn tú và thông minh xuất chúng. Văn chương và võ nghệ đều tinh thông hơn người.
Tin mừng thái tử ra đời, vua Tịnh Phạn đã có người xứng đáng kế nghiệp chẳng mấy chốc vang khắp xứ. Nổi tiếng nhất trong số các đạo sĩ tiên tri và giỏi về nhân tướng học là đạo sĩ A-tư-đà (Asita) đã tìm đến hoàng cung, xem tướng thái tử.
Nhìn thấy những tướng đặc biệt nơi thái tử, đạo sĩ mừng rỡ, rồi lại buồn khóc. Được hỏi duyên cớ, vị đạo sĩ thưa: “Thái tử là bậc xuất chúng. Nếu chịu nối nghiệp cha sẽ trở thành bậc đại minh vương (cakkavattin), thống nhiếp thiên hạ bằng đạo đức.
Nếu chọn con đường tâm linh sẽ trở thành bậc thầy vĩ đại nhất trong loài người. Tôi mừng vì có một bậc siêu phàm ra đời. Tôi buồn vì tuổi già tôi không thể sống tới ngày đó để học được đạo lý cao siêu”.
Đức Phật đã được tôn xưng là “Bậc thánh minh triết (muni = mâu-ni) của dân tộc Thích-ca (sakya)”. Danh hiệu “Thích-ca-mâu-ni” bắt đầu xuất hiện từ đó. Đối với các vị Sa-môn vô thần và Bà-la-môn hữu thần, hai hình thái tôn giáo đối lập về ý thức hệ tu tập, đức Phật được biết đến qua danh hiệu “Sa-môn Cồ-đàm”. Đối với những người đi theo dấu chân tỉnh thức của Ngài, đức Phật được biết đến qua danh hiệu “Thế Tôn” bậc được cả thế giới tôn kính, bậc khả kính trong đời. Trong thực tế, Ngài được gọi nôm-na là đức Phật Thích-ca hay đức Phật Tổ.
Sau khi trở thành bậc tuệ giác, đức Phật Gotama thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em đồng tu của Ngài tại vườn Nai, Sarnath. Từ ngày ấy, theo Nam tông, đức Phật giáo hóa suốt 45 năm, theo Bắc tông 49 năm, không mệt mỏi. Đối tượng thính chúng của Ngài rất đa dạng, bao gồm mọi tầng lớp xã hội, nam nữ, già trẻ, mọi sắc tộc màu da, từ người cao sang đến kẻ hạ tiện, từ thương gia đến hành khất, từ người thánh thiện đến kẻ cướp đường, hoàn toàn không hề có tâm phân biệt đối xử. Nhờ đó, an lạc và hạnh phúc đã có mặt ở mọi nơi. Năm 80 tuổi đức Phật qua đời ở Kusinàrà (Câu-thi-na), nay thuộc bang Uttar (Pradesh), để tiếp tục hành trình hóa độ ở các hành tinh khác.
Quý vị có thể tải xuống hoặc đọc trực tiếp tại đây