TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
KINH BỔN SANH – TIỂU BỘ KINH – TẬP IV
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
———-o0o———-
Mục lục
- PHẨM KURUNGA
- 21. CHUYỆN CON NAI SƠN DƯƠNG (Tiền thân Kurunga)
- 22. CHUYỆN CON CHÓ (Tiền thân Kukkura)
- 23. CHUYỆN CON NGỰA THUẦN CHỦNG (Tiền thân Bhojanìya)
- 24. CHUYỆN ÐÔI NGỰA NÒI TỐT (Tiền thân Àjanna)
- 25. CHUYỆN BẾN TẮM (Tiền thân Tittha)
- 26. CHUYỆN CON VOI MAHILÀMUKHA (Tiền thân Mahilàmukha)
- 27. CHUYỆN ÐÔI BẠN THÂN THIẾT (Tiền thân Abhinha)
- 28. CHUYỆN CON BÒ ÐẠI HỶ (Tiền thân Nandivisàla)
- 29. CHUYỆN CON BÒ ÐEN (Tiền thân Kanha)
- 30. CHUYỆN CON HEO MUNIKA (Tiền thân Munika)
PHẨM KURUNGA
21. CHUYỆN CON NAI SƠN DƯƠNG (Tiền thân Kurunga)
Con nai biết rõ được…,
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, được bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Một thời, tại Pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi tụ họp, nói lời chỉ trích Ðề-bà-đạt-đa:
– Thưa các Hiền giả, với mục đích sát hại Như Lai, Ðề-bà-đạt-đa đã mướn những người bắn cung, xô tảng đá xuống, thả rông con voi Danapalaka (Tài Hộ) dùng mọi cách thức để giết hại Thế Tôn.
Rồi bậc Ðạo Sư đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông hãy ngồi đây nói câu chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, chúng con ngồi ở đây nói chuyện về những điều thất đức mà Ðề-bà-đạt-đa đã làm để sát hại Thế Tôn!
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới tìm cách sát hại Ta. Xưa kia, Ðề-bà cũng đã làm như vậy, nhưng không thể sát hại Ta được.
Sau khi nói vậy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở thành Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con nai sơn dương, ăn trái cây, và sống trong rừng. Một thời, Bồ-tát ăn các trái Sepanni từ những cây Sepanni sai quả. Có người thợ săn ở làng, một hôm tìm thấy những dấu chân nai dưới gốc cây sai quả ấy, liền dựng một cái dàn trên cây, ngồi ở đấy, phóng cây giáo xuống các con nai đi đến ăn trái cây. Kẻ ấy sống với nghề săn và bán thịt nai như vậy.
Một hôm, thấy dấu chân Bồ-tát dưới một gốc cây, kẻ ấy ăn thật sớm, cầm cây giáo, vào khu rừng, leo lên cây và ngồi trên dàn. Bồ-tát, vào buổi sáng, từ chỗ ẩn nấp trong rừng đi ra, với ý định ăn trái cây Sepanni. Bồ-tát không vội đến gốc cây, mà đi vòng quanh đứng vòng ngoài suy nghĩ: “Có khi những thợ săn đặt dàn, dựng dàn trên cây. Có thể có nguy hiểm như vậy ở đây”.
Người thợ săn biết Bồ-tát không đi đến, vẫn ngồi trên dàn quăng những trái sepanni xuống, rơi trước mặt Bồ-tát. Ngài suy nghĩ: “Những trái cây này rơi trước mặt ta, có thể có người thợ săn ở trên”. Bồ-tát quan sát chung quanh, thấy người thợ săn, làm vẻ như không thấy, nói to:
– Này bạn cây quý hoá ơi, trước kia, bạn làm những trái cây rơi thẳng xuống, như dây leo lòng thòng xuống, nhưng nay bạn từ bỏ đặc tánh cây. Vì bạn từ bỏ đặc tánh cây, ta sẽ đi đến gốc cây khác để tìm đồ ăn cho ta vậy. Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Con nai biết rõ được
Trái cây ngươi làm rơi,
Ta đi đến cây khác,
Ta không thích trái ngươi.
Người thợ săn ngồi trên dàn, quăng cây giáo xuống và nói:
– Hãy đi đi! Nay ta đã bắt hụt ngươi rồi!
Bồ-tát nhảy vòng tròn, đứng lại và nói:
– Này người kia, chú tuy giết hụt ta, nhưng chú không bắt hụt kết quả hành động chú làm, tức là tám địa ngục lớn, mười sáu địa ngục phụ và năm hình thức trói buộc và hành tội…
Nói vậy xong, Bồ-tát liền chạy xa để tìm đồ ăn. Còn người thợ săn leo xuống, đi đến chỗ kẻ ấy muốn.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới tìm cách sát hại ta. Xưa kia, Ðề-bà cũng làm như vậy, nhưng không có thể làm được.
Thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện tiền thân.
– Lúc bấy giờ, người thợ săn dựng cái dàn là Ðề-bà-đạt-đa, còn con nai sơn dương là Ta vậy.
-ooOoo-
22. CHUYỆN CON CHÓ (Tiền thân Kukkura)
Những con chó lớn lên…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, Thế Tôn đã kể về việc làm lợi ích cho bà con. Câu chuyện sẽ được trình bày trong Chương mười hai, Tiền thân Bhaddasàla (số 465). Ðể xác chứng lời dạy này, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát do duyên hành động lợi ích cho bà con như vậy, được sanh làm con chó đầu đàn rất thông minh, sống trong một nghĩa địa lớn với đàn chó hàng trăm con vây quanh.
Một hôm, vua ngự lên xe được trang hoàng đẹp đẽ, được kéo bởi những con ngựa Sindh giống quý, đi đến khu vườn, trọn ngày vui chơi tại đấy, và khi mặt trời lặn, vua mới trở về thành. Yên cương của xe vẫn mắc vào xe, và quân hầu để xe trong sân hoàng cung trọn đêm. Ban đêm, trời mưa, yên cương bị ướt. Các con chó nhà vua thuộc nòi giống tốt, từ trên lầu đi xuống, nhai ăn da và dây cương chiếc xe ấy. Hôm sau, họ báo cáo với vua:
– Thưa Thiên tử, từ những miệng cống chui vào, các con chó đã nhai ăn da và dây cương chiếc xe.
Vua nổi giận, ra lệnh giết tất cả chó mà họ thấy được. Từ đấy trở đi, khởi lên tai nạn lớn cho loài chó. Chúng chạy trốn vào nghĩa địa và đến bên cạnh Bồ-tát. Bồ-tát hỏi:
– Các con tụ họp đông ở đây vì duyên cớ gì?
Chúng đáp:
– Trong nội thành, da và dây cương của chiếc xe vua bị chó nhai ăn. Vua tức giận ra lệnh tàn sát chúng con. Nhiều anh em con bị giết hại. Cuộc khủng bố lớn đã khởi lên.
Bồ-tát suy nghĩ: “Tại một chỗ được bảo vệ như vậy, các con chó ở ngoài không có cơ hội để vào. Ðây là việc làm của đàn chó giống tốt trong nội cung. Nay những con có tội không gặp việc gì, còn những con vô tội lại bị giết. Ta hãy cho vua thấy những con chó có tội kia và cứu mạng sống cho bà con vô tội của ta.
Bồ-tát an ủi:
– Các con chớ sợ, Ta sẽ làm cho các con hết sợ hãi. Hãy chờ ở đây cho đến khi Ta yết kiến nhà vua.
Rồi ngài hướng tâm đến các Ba-la-mật, đặt hạnh từ bi lên hàng đầu, ngài nguyện: “Không một ai dám quăng đá hay gậy để hại ta”. Rồi Bồ-tát một mình đi vào thành.
Sau khi ra lệnh sát hại các con chó, vua ngồi một mình trong pháp đình. Bồ-tát đi đến đây, nhảy thẳng đến dưới chỗ ngồi của vua. Các người hầu cận của vua cố gắng hết sức đuổi ra, nhưng vua ngăn lại. Bồ-tát nghỉ một lát, từ dưới ghế đi ra, đảnh lễ vua rồi hỏi:
– Có phải Ðại vương sai giết hại các loài chó?
– Phải, chính ta.
– Lỗi của chúng là gì, thưa bậc nhơn chủ?
– Chúng nhai ăn đồ da phụ tùng và dây cương ở xe của ta!
– Ngài có biết những con nào đã ăn đồ da không?
– Ta không biết.
– Không biết những con chó nào đã ăn đồ da, lại ra lệnh giết, như vậy không phải lẽ, thưa Ðại Vương.
– Vì các con chó đã ăn đồ da ở xe ta, nên ta ra lệnh tàn sát tất cả con chó thấy được.
– Các người của ngài giết tất cả chó hay có tha chết một số chó?
– Những con chó nòi giống tốt trong cung của ta được khỏi chết!
– Tâu Ðại vương, vừa rồi ngài nói ra lệnh giết tất cả con chó mà họ thấy được vì chúng đã ăn dồ da ở xe của ngài. Nhưng nay ngài lại nói những con chó giống tốt trong cung của ngài được khỏi chết! Sự việc là vậy, ngài đã thực hành theo bốn sở hành vô lý: thiên vị, ghét bỏ, ngu si và sợ hãi. Hành động vô lý như vậy là không chính đáng, không phải là phép vua. Vì vua, trong khi xử kiện, cần phải giống như cán cân. Nay các con chó nòi giống tốt được khỏi chết, còn các con chó yếu đuối lại bị giết. Sự việc như vậy, thì đây không phải sự giết hại không thiên vị tất cả loài chó mà chỉ là sự giết hại các loài chó yếu đuối thôi!
Nói xong, bậc Ðại Sĩ, với âm thanh dịu ngọt bảo vua:
– Tân Ðại vương, sở hành của ngài không phải là công lý.
Rồi thuyết pháp cho vua, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Những con chó lớn lên
Trong cung điện nhà vua,
Thuộc loài nòi giống tốt,
Có dung sắc, sức mạnh,
Chúng khỏi bị giết hại.
Chỉ chúng tôi bị giết.
Ðây không giết tất cả;
Chỉ giết kẻ yếu hèn.
Nghe Bồ-tát nói, vua bèn hỏi:
– Này chó hiền trí, ngươi có biết ai đã ăn da ở xe ta không?
– Vâng, tôi có biết
– Ai đã ăn?
– Chính những con chó nòi giống tốt trong cung của ngài!
– Làm thế nào biết được chúng đã ăn?
– Tôi sẽ nêu rõ chính chúng đã ăn.
– Này chó hiền trí, hãy nói rõ đi.
– Hãy cho gọi các con chó nòi giống tốt trong cung của ngài, cho đem một ít nước sữa và cỏ dabba đến đây.
Vua làm theo lời yêu cầu. Rồi bậc Ðại Sĩ nói:
– Hãy cho nghiền nát cỏ này trong nước sữa và cho những con chó ấy uống.
Vua làm theo như vậy. Khi đang uống, các con chó liền nôn ra những miếng da.
– Ôi! Thật giống như đức Phật toàn tri xử kiện!
Vua reo mừng, liền tỏ lòng tôn kính Bồ-tát bằng cách dâng cúng cái lọng trắng. Nhưng Bồ-tát thuyết pháp cho vua với mười câu kệ về pháp hành trong Tiền thân Tesakuna (số 521), mở đầu với câu:
– Hãy hành Chánh pháp! Thưa bậc Ðại vương thuộc dòng Sát-đế-lỵ, từ nay trở đi, Ðại vương chớ phóng dật!
Sau khi khuyên nhà vua giữ Năm giới, Bồ-tát trả lại vua cái lọng trắng.
Nghe lời bậc Ðại Sĩ thuyết pháp, vua tha chết cho mọi loài chúng sanh, rồi ra lệnh cung cấp cho tất cả loài chó, bắt đầu từ Bồ-tát, cơm ăn thường xuyên giống như thức ăn của vua. Tuân theo lời Bồ-tát khuyến giáo cho đến trọn đời, vua làm các phước đức như bố thí v.v…, vì vậy sau khi mạng chung, vua sanh lên cõi trời. Lời “Khuyến giáo của con Chó” tồn tại đến mười ngàn năm. Còn Bồ-tát sống đến hết thọ mạng, rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới hành động lợi ích cho bà con, trong quá khứ cũng đã làm như vậy.
Thuyết pháp thoại này xong, và kết hợp hai mẩu chuyện với nhau, bậc Ðạo Sư kết luận với sự nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, nhà vua là Ànanda, hội chúng của đức Phật là bầy chó hiền lành, còn con chó hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
23. CHUYỆN CON NGỰA THUẦN CHỦNG (Tiền thân Bhojanìya)
Nay tuy nằm một bên…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn. Thời ấy, bậc Ðạo Sư gọi Tỷ-kheo ấy và nói:
– Này các Tỷ-kheo, thuở trước các bậc Hiền trí, trong những hoàn cảnh khó khăn vẫn kiên trì tinh tấn, dầu có bị thương vẫn không thối thất.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ:
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở thành Bà-la-nại, Bồ-tát được sanh làm con ngựa Sindh nòi giống tốt, con ngựa báu của vua, được trang sức lộng lẫy. Nó ăn cơm nấu với gạo cũ ba năm, đầy đủ hương vị đặc biệt, đựng trong một cái dĩa bằng vàng, trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng.
Chuồng ngựa được dựng trên đất ướp thơm với bốn loại hương. Xung quanh chuồng có treo những màn đỏ, trên trần treo cái tán bằng vải, được trang hoàng với các vì sao bằng vàng. Trên tường thả xuống những chuỗi hoa thơm, vòng hoa và một ngọn đèn dầu thơm luôn luôn cháy đỏ. Không có vị vua nào không thèm muốn vương quốc Ba-la-nại.
Một thời, bảy vị vua bao vây thành Ba-la-nại, gửi tối hậu thư cho vua Ba-la-nại, nói:
– Hãy trao vương quốc cho chúng ta, hãy là giao chiến.
Vua mời các đại thần họp, báo tin ấy và hỏi:
– Này các khanh, nay phải làm gì?
– Tâu Thiên tử, ngài không nên tự mình giao chiến trước. Hãy sai một vị cưỡi ngựa, đi giao chiến trước. Nếu vị ấy thất bại, chúng ta sẽ tính sau.
Rồi vua cho mời vị ấy đến và hỏi:
– Khanh có thể giao chiến với bảy vị vua không?
– Thưa Thiên tử, nếu thần được con ngựa Sindh nòi giống tốt, kể gì bảy vị vua, thần có thể giao chiến với các vua ở toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ).
– Này khanh, con ngựa Sindh giống tốt, hay con nào khác, tùy ý khanh muốn, hãy lấy con ngựa ấy và đi giao chiến.
– Lành thay, thưa Thiên tử!
Vị ấy đảnh lễ vua, từ trên lầu bước xuống, cho đem lại con ngựa Sindh tốt giống, khéo mặc áo giáp cho nó, tự mình vũ trang toàn diện, đeo gươm, rồi leo lên lưng ngựa Sindh, đi ra khỏi thành và nhanh như chớp, đánh tan đội quân thứ nhất, bắt sống một vua, cho dẫn vua ấy về giam ở đội quân trong thành. Rồi vị ấy đi nữa, đánh tan đội quân thứ hai, cũng vậy, đội quân thứ ba, thứ tư, thứ năm và bắt sống được năm ông vua.
Nhưng khi vị ấy đánh tan đội quân thứ sáu, và bắt vua thứ sáu, thì con ngựa Sindh giống tốt bị thương, chảy máu và cảm thấy đau đớn rất nhiều. Biết con ngựa đã bị thương, người kỵ mã cho nó nằm xuống trước cửa cung vua, cởi áo giáp cho nó, và sai lính nai nịt một con ngựa khác.
Bồ-tát nằm một bên hông rất thoải mái, mở mắt thấy người kỵ mã, tự nghĩ: “Người kỵ mã đang nai nịt một con ngựa khác, sẽ không thể nào đánh tan đội quân thứ bảy, không thể nào bắt được ông vua thứ bảy. Như vậy nó làm tiêu tan công lao ta đã làm, còn người kỵ mã không ai sánh kịp này sẽ bị giết, và nhà vua sẽ rơi vào tay quân thù! Ngoài ta ra, không một con ngựa nào khác đánh tan được đội quân thứ bảy, và có thể bắt được vị vua thứ bảy!”
Ðang nằm như vậy, Bồ-tát gọi người kỵ mã và nói:
– Này bạn, ngoài tôi ra, không có con ngựa nào khác có thể đánh tan đội quân thứ bảy, bắt được ông vua thứ bảy. Tôi sẽ không để ai hủy hoại thành quả tôi đã làm. Hãy đỡ tôi dậy và nai nịt cho tôi!
Sau khi nói vậy, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nay tuy nằm một bên,
Bị bắn bởi mũi tên,
Con ngựa nòi giống tốt,
Thắng hơn con ngựa khác
Hỡi này người kỵ mã
Hãy nai nịt cho tôi
Người kỵ mã đỡ con ngựa dậy, băng bó vết thương, khéo nai nịt áo giáp cho nó, rồi nhảy lên lưng ngựa ra trận đánh tan đội quân thứ bảy, bắt sống ông vua thứ bảy và dẫn vị ấy về đội quân của vua mình. Người kỵ mã dắt Bồ-tát đến cửa thành và vua đi ra để xem Bồ-tát. Bậc Ðại Sĩ nói với vua:
– Tâu Ðại Vương, chớ giết bảy ông vua ấy. Hãy bắt họ thề sẽ trung thành với ngài rồi thả họ ra. Hãy cho người kỵ mã thọ hưởng danh vọng xứng đáng với công lao. Thật không phải đạo nếu để một chiến sĩ đã bắt được bảy vị phải chịu thiệt thòi! Ðại vương hãy bố thí, hãy giữ giới, hãy trị vì quốc độ với Chánh pháp công bằng.
Khi Bồ-tát khuyến giáo vua như vậy xong, người ta cởi áo giáp cho Bồ-tát. Nhưng khi được cởi tung mảnh giáp, Bồ-tát mệnh chung. Vua lo việc hoả táng con ngựa rất trọng thể, cho người kỵ mã hưởng danh vọng lớn, và đòi bảy ông vua kia phải tự mình thề không còn phản bội gây chiến nữa, rồi đưa họ về nhà của họ. Vua trị vì quốc độ với chánh pháp và công lý, sau khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc đạo sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, như vậy thuở trước, các bậc Hiền trí trong những hoàn cảnh khó khăn vẫn kiên trì tinh tấn, dầu có bị thương vẫn không thối thất. Còn ông được sống trong giáo pháp giải thoát như vậy, vì sao lại thối thất tinh tấn?
Sau khi nói xong, Thế Tôn thuyết giảng Bốn Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo thối thất tinh tấn chứng quả A-la-hán. Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và kết luận với sự nhận diện Tiền Thân:
– Thời ấy, vua là Ànanda, người cưỡi ngựa là Xá-lợi-phất, và con ngựa Sindh nòi giống tốt là Ta vậy.
-ooOoo-
24. CHUYỆN ÐÔI NGỰA NÒI TỐT (Tiền thân Àjanna)
Dẫu thời nào, chỗ nào…
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc đạo sư đã kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Bậc Ðạo Sư gọi Tỷ-kheo ấy và nói:
– Này Tỷ-kheo, thuở trước các bậc Hiền trí trong những hoàn cảnh khó khăn, vẫn kiên trì tinh tấn, dầu có bị thương, vẫn không thối thất.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì thành Ba-la-nại, có bảy vị vua bao vây thành. Một chiến sĩ cưỡi xe, thắng hai con ngựa Sindh anh em vào xe, đi ra khỏi thành, đánh tan sáu đội quân và bắt sống sáu ông vua. Trong giờ phút ấy, con ngựa anh bị thương. Người cưỡi xe, đánh xe đến cửa thành của vua mình, mở con ngựa anh ra khỏi xe, cởi áo giáp của nó, đặt con ngựa nằm một bên hông, và bắt đầu cho nai nịt một con ngựa khác. Bồ-tát thấy vậy, suy nghĩ như đã suy nghĩ trong câu chuyện trước, rồi cho gọi người cưỡi xe, vừa nằm vừa nói lên bài kệ này:
Dẫu thời nào, chỗ nào,
Dẫu khi nào ở đâu,
Con ngựa nòi giống tốt
Vẫn hăng hái chiến đấu
Còn con ngựa yếu hèn
Tại đấy, chịu đầu hàng.
Người đánh xe đỡ Bồ-tát dậy, thắng ngựa vào xe, đánh tan đội quân thứ bảy, bắt sống ông vua thứ bảy, rồi đánh xe đến cửa nhà vua, và mở con ngựa ra khỏi xe. Bồ-tát nằm thoải mái một bên hông, nói lời khuyến giáo vua như trong câu chuyện trước, rồi mạng chung. Vua làm lễ hoả táng con ngựa rấ trọng thể, ban thưởng nhiều danh vọng cho người đánh xe và sau khi trị vì nước đúng theo Chánh pháp, vua đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể câu chuyện, bậc Ðạo Sư trình bày bốn Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị tỷ-kheo thối thất tinh tấn chứng được quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, vua là trưởng lão Ànanda, con ngựa anh là bậc Chánh Ðẳng Giác.
-ooOoo-
25. CHUYỆN BẾN TẮM (Tiền thân Tittha)
Hãy thay bến nước khác…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo, đệ tử của bậc tướng quân Chánh pháp, trước kia làm thợ vàng. Chỉ các đức Phật mới có trí biết được tâm hướng của chúng sanh, chớ không ai khác. Do vậy, bậc Tướng quân Chánh pháp tự mình không biết tâm hướng của người đệ tử, đã cho một đề tài thiền quán về bất tịnh. Ðề tài ấy không thích hợp với người đệ tử. Vì sao?
Theo truyền thuyết, người đệ tử ấy trải năm trăm năm liên tục sanh ra trong gia đình thợ vàng, tích lũy lâu ngày chỉ thấy vàng thanh tịnh. Trải qua bốn tháng, người đệ tử không thể làm khởi lên một tư tưởng nào của Thiền quán. Bậc Tướng quân chánh pháp không thể đem lại quả A-la-hán cho đệ tử của mình, tự nghĩ: “Người này chỉ có đức Phật mới nhiếp phục được, ta sẽ đưa vị ấy đến gặp Như Lai”.
Vào buổi sáng sớm, bậc Tướng quân chánh pháp đem người đệ tử đi đến gặp bậc Ðạo Sư. Ngài hỏi:
– Này Xá-lợi-phất, vì sao ông đến đây lại đem theo một Tỷ-kheo?
– Bạch Thế Tôn, con cho đệ tử con một đề tài Thiền quán, nhưng sau bốn tháng, vị ấy không phát khởi lên một chút tư tưởng nào của Thiền quán. Nghĩ rằng người này chỉ có đức Phật mới giáo hoá được, nên con đưa đến gặp Thế Tôn.
– Này Xá-lợi-phất, ông dạy đề tài Thiền quán nào cho đệ tử?
– Bạch Thế Tôn, con dạy đề tài Thiền quán về bất tịnh.
– Này Xá-lợi-phất, ông không hiểu biết tâm hướng của đệ tử. Hãy về đi, và để đệ tử ở lại đây, chiều trở lại và đem đệ tử của ông về.
Sau khi bảo Trưởng lão đi về, bậc Ðạo Sư cho Tỷ-kheo ấy mặc hạ y và thượng y tốt đẹp, đem Tỷ-kheo ấy đi theo ngài vào làng khất thực, khiến Tỷ-kheo ấy nhận được đồ ăn tuyệt hảo, đủ loại cứng và loại mềm. Ði về tinh xá một lần nữa với các Tỷ-kheo vây quanh, ban ngày bậc Ðạo Sư vào nghỉ trong Hương phòng, và buổi chiều đem Tỷ-kheo ấy đi theo. Ngài đi dạo trong tinh xá, hoá hiện một hồ nước trong vườn xoài, có nhiều hoa sen và một hoa sen lớn hiện ra. Thế Tôn bảo Tỷ-kheo ấy ngồi nhìn hoa sen, rồi Ngài đi vào Hương phòng.
Tỷ-kheo ấy liên tục nhìn hoa sen. Thế Tôn khiến cho bông hoa ấy héo tàn. Trong khi Tỷ-kheo ấy đang nhìn, hoa sen ấy tàn dần, héo dần và mất màu sắc. Bắt đầu từ vòng ngoài cùng, các cánh hoa rơi xuống, và trong một thời gian ngắn, tất cả cánh hoa đều rơi hết. Rồi đến các nhụy hoa rơi, rơi dần, chỉ còn lại gương sen. Tỷ-kheo ấy thấy vậy, liền suy nghĩ: “Hoa sen này xinh đẹp như vậy, nhưng chẳng mấy chốc màu sắc hoa tàn phai, các cánh hoa, nhụy hoa rụng xuống, chỉ còn lại gương sen. Hoa sen như vậy đã đi đến héo tàn. Thân ta rồi cũng đi đến cảnh như vậy. Các hành là vô thường!”
Với tư tưởng ấy, Tỷ-kheo đạt được Thiền quán. Bậc Ðạo Sư biết tâm Tỷ-kheo ấy đã đạt Thiền quán, vẫn ngồi trong Hương phòng, phóng hào quang từ kim thân và nói lên bài kệ này:
Tự cắt dây ái dục,
Như tay bẻ sen thu,
Hãy tu đạo tịch tịnh,
Niết bàn, Thiện Thệ dạy.
Cuối bài kệ này, Tỷ-kheo ấy chứng quả A-la-hán. Với ý nghĩ: “Ta đã thoát mọi sanh hữu”, vị ấy nói lên lời cảm hứng với mấy bài kệ:
Ai đã sống cuộc đời,
Tâm tư được viên mãn,
Các lậu hoặc đã đoạn,
Mang nhục thân cuối cùng;
Giới hạnh thật thanh tịnh,
Các căn khéo định tĩnh,
Như mặt trăng được thoát
Khỏi miệng thần Rà-hu.
Ngu si hắc ám lớn
Bao phủ trùm khắp ta,
Ta gột sạch, trừ sạch,
Mọi cấu uế không còn.
Ta rực sáng, chói sáng,
Sáng chói ánh quang minh,
Như mặt trời trên không
Chiếu ngàn tia ánh sáng.
Sau khi nói lời cảm hứng, Tỷ-kheo ấy đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Vị trưởng lão cũng đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, và đem đệ tử của mình về. Khi tin tức này lan truyền giữa các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ngồi họp tại Pháp đường, tán thán những đức tính của bậc Pháp vương:
– Này các Hiền giả, Trưởng lão Xá-lợi-phất vì không hiểu biết tâm hướng của chúng sanh nên không hiểu biết tâm hướng đệ tử mình. Còn bậc Ðạo Sư biết được, nên chỉ trong một ngày, đã đem lại quả A-la-hán với những vô ngại biện tài. Ôi, lớn lao thay uy đức của đức Phật!
Rồi bậc Ðạo Sư đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi ở đây bàn chuyện gì?
– Không có gì khác, bạch Thế Tôn, ngoài câu chuyện chỉ Thế Tôn mới có trí hiểu biết tâm hướng đệ tử của bậc Tướng quân Chánh pháp.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là kỳ diệu gì. Không phải nay Ta là Phật mới biết tâm hướng của Tỷ-kheo ấy. Thuở trước, Ta cũng đã biết tâm hướng của vị ấy rồi.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại. Bồ-tát làm người chỉ đạo cho vua về thế sự và thánh sự. Lúc bấy giờ, tại bến nước, chỗ tắm thường ngày của con ngựa báu, người ta đang tắm một con ngựa tầm thường yếu hèn. Khi người giữ dẫn con ngựa báu đến bến tắm, nó ghê tởm con ngựa tầm thường, nên không chịu đi xuống. Người giữ ngựa trình lên vua:
– Tâu Thiên Tử, con ngựa báu không chịu xuống bến nước.
Vua cho gọi Bồ-tát:
– Này bậc Hiền trí, hãy đi ra tìm hiểu lý do gì khi con ngựa đi đến bến nước lại không chịu xuống.
Vâng lệnh Thiên tử, Bồ-tát đi đến bờ sông, nhìn con ngựa, biết con ngựa không bị bệnh, ngài cố gắng tìm hiểu lý do gì con ngựa này không đi xuống bến nước. Bồ-tát suy nghĩ: “có lẽ một con ngựa khác được tắm trước ở đây, vì ghê tởm con ngựa ấy, nên nó không đi xuống bến nước”. Nghĩ vậy, Bồ-tát liền hỏi người giữ ngựa:
– Có con ngựa nào khác được tắm trước ở bến nước này không?
– Thưa ngài, có một con ngựa tầm thường khác. Bồ-tát nghĩ: “Con ngựa này vì lòng tự ái thương tổn, không muốn tắm tại đây. Vậy đem nó đến tắm tại một bến nước khác”. Biết tâm hướng của nó, Bồ-tát nói:
– Này bạn giữ ngựa, một người ăn đi ăn lại các món ngon như cơm, sữa, bơ, mật, đường v.v… lâu ngày rồi cũng phát ngán! Con ngựa này đã tắm nhiều lần tại bến nước ở đây. Hãy đưa nó xuống một bến nước khác, cho nó tắm và uống nước.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Hãy thay bến nước khác,
Hỡi này người đánh xe,
Hãy cho ngựa uống nước
Khi bến này, bến khác.
Người quá gần cơm sữa,
Cũng chán món ăn ấy!
Sau khi nghe lời Bồ-tát, họ dắt ngựa xuống một bến nước khác, cho nó uống nước và tắm. Trong khi ấy Bồ-tát liền đi đến yết kiến vua. Vua hỏi:
– Này khanh, con ngựa được tắm và được uống nước rồi phải không?
– Thưa rồi, tâu Thiên tử.
– Vì lý do gì, trước nó không muốn làm như vậy?
– Do lý do này…
Bồ-tát báo cáo sự việc lên vua, và vua nói:
– Ôi, thật là sáng suốt, vị ấy biết được tâm hướng của cả con vật này.
Vua thưởng cho Bồ-tát danh vọng lớn. Và khi mạng chung, Bồ-tát và vua đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới biết tâm hướng của vị ấy, quá khứ ta cũng biết rồi.
Sau khi thuyết pháp thoại này xong, và kết hợp hai câu chuyện với nhau, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thời ấy, con ngựa báu là vị Tỷ-kheo này, vua là Ànanda, và vị đại thần hiền trí chính là Ta vậy.
-ooOoo-
26. CHUYỆN CON VOI MAHILÀMUKHA (Tiền thân Mahilàmukha)
Trước nghe lời ăn trộm…,
Câu chuyện này khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về Ðề-bà-đạt-đa. Ðề-bà-đạt-đa chiếm được lòng tin của hoàng tử Ajàtasattu (A-xà-thế) nên đã được lợi dưỡng và danh vọng. Hoàng tử A-xà-thế xây dựng một tinh xá ở Gayàsisa cho Ðề-bà-đạt-đa và mỗi ngày đem đến cho vị ấy năm trăm cơm nấu bằng gạo thơm ba năm với hương vị hảo hạng. Dựa trên lợi dưỡng và danh vọng, hội chúng của Ðề-bà-đạt-đa trở thành đông đúc. Ðề-bà-đạt-đa chỉ sống ở tinh xá với hội chúng, không hề ra khỏi tinh xá.
Lúc bấy giờ, có hai người bạn trú ở Vương xá. Một người xuất gia với bậc Ðạo Sư, một người xuất gia với Ðề-bà-đạt-đa. Họ đến thăm nhau, tại chỗ này chỗ kia, hay tại tinh xá. Một hôm, người bạn y chỉ với Ðề-bà-đạt-đa nói với người kia:
– Này Hiền giả, sao hàng ngày bạn phải đi khất thực, với mồ hôi tuôn chảy mệt nhọc như vậy? Còn Ðề-bà-đạt-đa chỉ ngồi ở tinh xá tại Gayàsisa, được ăn món ngon với hương vị đặc biệt. Không có phương tiện nào khác sao? Sao bạn lại chịu khổ? Sao vào buổi sáng, bạn lại không đến tại Gayàsisa, uống cháo với hương vị, rồi ăn mười tám món đặc, và các món mềm tuyệt hảo với những hương vị đặc biệt?
Người kia nghe nói đi nói lại mãi nên muốn đi và bắt đầu từ đấy, thường đến Gayàsisa, ăn và uống rồi trở về Trúc Lâm đúng giờ giấc.
Tuy thế, không phải lúc nào vị ấy cũng giấu giếm được. Không bao lâu, người ta biết người ấy đi đến Gayàsisa ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa sắp đặt cho. Các người bạn hỏi vị ấy:
– Này Hiền giả, có đúng sự thật chăng. Hiền giả ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa sắp đặt cho?
– Ai nói vậy?
– Người này, người này!
– Này Hiền giả, đúng sự thật là tôi có đi Gayàsisa để ăn. Nhưng không phải Ðề-bà-đạt-đa cho tôi ăn. Chính những người khác cho tôi ăn.
– Này Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa là kẻ thù của đức Phật. Ðề-bà-đạt-đa theo ác giới, lấy được lòng tin của A-xà-thế, thâu hoạch cho mình lợi dưỡng và danh vọng một cách phi pháp. Hiền giả xuất gia trong Giáo pháp giải thoát như vậy, lại ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa nhận được một cách phi pháp. Hãy đi, chúng tôi sẽ đưa Hiền giả đến gặp bậc Ðạo Sư.
Rồi họ đưa Tỷ-kheo ấy đến Pháp đường. Bậc Ðạo Sư thấy vậy, hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, sao các ông đem lại đây một Tỷ-kheo ngoài ý muốn của vị ấy?
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này đã xuất gia với Thế Tôn, lại ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa nhận được một cách phi pháp!
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng, ông đã ăn các món do Ðề-bà-đạt-đa nhận được một cách phi pháp?
– Bạch Thế Tôn, không phải Ðề-bà-đạt-đa cho con. Chính những người khác cho con ăn món ăn ấy!
– Này Tỷ-kheo, chớ dối quanh ở đây! Ðề-bà-đạt-đa không có chánh hạnh, theo ác giới. Sao ông xuất gia ở đây, tuân theo lời dạy của ta, lại ăn các món của Ðề-bà-đạt-đa. Ông thường hay bị lôi kéo, hễ gặp ai thì đi theo người ấy!
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm đại thần cho vua ấy. Lúc ấy, vua có một con voi báu tên là Mahilamukha (Mỹ nhân diện), có giới đức chánh hạnh, không làm hại một ai. Một hôm, bọn ăn trộm, giữa đêm, đi đến gần chuồng voi, ngồi không xa con voi bao nhiêu, và bàn tính như sau:
– Ðây là con đường hầm phải đào. Ðây là lỗ tường cần phải đục. Ðường hầm và lỗ tường cần phải đục thông và mở rộng như con đường hay như bến nước, rồi mới mang đồ đạc đi. Hãy giết người để mang đồ đi, nếu cần. Như vậy, không ai có thể chống lại.
Bọn ăm trộm không có giới đức chánh hạnh, rất tàn nhẫn, độc ác, bạo hành. Sau khi bàn luận, dạy bảo lẫn nhau như vậy, bọn chúng bỏ đi. Với phương tiện như vậy, ngày hôm sau và nhiều ngày nữa, chúng cũng đến tại chỗ ấy và cũng bàn luận với nhau. Con voi nghe lời của chúng, tưởng chúng dạy cho mình cần phải trở thành tàn nhẫn, độc ác, bạo hành. Rồi con voi thực hành như vậy.
Vào buổi sáng, khi người nài đến, nó dùng vòi bắt lấy, quật xuống đất và giết chết người nài. Cũng vậy, nó giết một người nữa, rồi một người nữa. Con voi giết những ai đi đến gần nó. Người ta trình lên vua:
– Con voi Mahilamukha đã trở thành điên. Nó giết những ai mà nó thấy!
Vua cho gọi Bồ-tát và nói:
– Hãy đi, bậc Hiền trí, và tìm hiểu vì lý do gì nó trở thành độc ác.
Bồ-tát đi đến, biết con voi khỏe mạnh, rồi tìm hiểu lý do khiến con voi trở thành độc ác, và kết luận: Chắc hẳn con voi nghe những người nói chuyện gần nó, tưởng họ dạy nó học nên trở thành độc ác. Bồ-tát hỏi người giữ voi:
– Ban đêm, có ai đến gần chuồng voi để nói chuyện không?
– Thưa Ngài có! Những người ăn trộm đến và nói chuyện.
Bồ-tát đi đến vua và báo cáo:
– Thưa Thiên tử, thân con voi không có gì biến đổi khác. Vì nghe các người ăn trộm nói chuyện, nó trơû thành độc ác.
– Vậy nay cần phải làm gì?
– Hãy cho những sa-môn, Bà-la-môn có giới hạnh đến ngồi gần chuồng voi, và chỉ cần nói những chuyện giới đức chánh hạnh.
Này khanh thân, hãy làm như vậy.
Bồ-tát đưa những Sa-môn, Bà-la-môn có giới hạnh ngồi gần chuồng voi và nói những câu chuyện giới hạnh. Họ ngồi không xa con voi và nói những câu chuyện tốt lành:
– Chớ hành hạ một ai! Chớ giết hại một ai! Hãy trở thành người có giới hạnh, nhẫn nhục, thân ái và từ mẫn!
Con voi nghe vậy, tự nghĩ: “Những người này muốn dạy bảo ta. Bắt đầu từ nay, ta cần phải có giới hạnh!”. Và con voi trở thành hiền từ.
Vua hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, sao con vật đã trở thành tốt chưa?
Bồ-tát trả lời:
– Thưa Thiên tử, nó đã trở thành tốt rồi! Con voi độc ác như vậy, nhờ các bậc hiền trí, đã an trú trên Chánh pháp như xưa.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Trước nghe lời ăn trộm,
Voi báu này giết hại,
Sau nghe lời bậc trí,
An trú trên thiện tánh,
Làm công đức tốt đẹp.
Vua nói:
– Vị này biết tâm hướng của loài thú vật.
Vua liền ban cho Bồ-tát danh vọng lớn. Sau khi sống tròn thọ mang, vua cùng với Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, trong quá khứ, hễ ông gặp ai thì theo người ấy. Nghe lời các người ăn trộm, ông đi theo những người ăn trộm. Nghe lời những người tu hành Chánh pháp, ông hành đúng Chánh pháp.
Sau khi kể lại pháp thoại này và kết hợp hai mẩu chuyện với nhau, bậc đạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
– Thuở ấy, Mahilàmukha là vị Tỷ-kheo phản bội, vua là Ànanda, còn vị đại thần là Ta vậy.
-ooOoo-
27. CHUYỆN ÐÔI BẠN THÂN THIẾT (Tiền thân Abhinha)
Một miếng, nó không ăn…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một nam cư sĩ và một trưởng lão lớn tuổi. Theo truyền thuyết, ở xá-vệ có hai người bạn. Một người xuất gia, hằng ngày đi đến nhà người kia. Người kia bố thí món ăn, tự mình cũng ăn, sau đó theo người bạn đi về tinh xá, và đến khi mặt trời lặn, họ ngồi nói chuyện với nhau rối mới đi vào thành. Vị Tỷ-kheo thường đi tiễn bạn tận cửa thành rồi trở về. Sự thân thiết giữa hai người ấy được các tỷ-kheo biết rõ. Một hôm, các tỷ-kheo đang ngồi trong pháp đường, nói về sự thân thiết giữa hai người ấy. Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang bàn luận chuyện gì?
Các Tỷ-kheo nói:
– Bạch Thế Tôn, chúng con nói chuyện này.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải những người này nay mới thân thiết với nhau. Trong quá khứ, họ đã thân thiết với nhau rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm vị đại thần. Lúc ấy, một con chó đi đến chuồng con voi báu và ăn những vắt cơm rơi tại chỗ con voi báu ăn. Con chó đi đến vì miếng ăn, đã trở thành thân thiết với con voi báu, và ăn gần con voi. Cả hai không có nhau không thể sống được. Con chó thường nắm lấy vòi con voi, và chơi đùa bằng cách đưa qua đưa lại.
Một hôm, một người ở làng cho tiền người nài, và đem con chó ấy về làng của mình. Từ đó về sau, không thấy con chó, con voi bỏ ăn, bỏ tắm. Người nài báo việc ấy lên vua rõ. Vua cho gọi Bồ-tát đến:
– Này bậc Hiền trí, hãy đi tìm hiểu lý do gì con voi làm như vậy.
Bồ-tát đi đến chuồng voi, biết được con voi rất buồn nản, tự nghĩ: “Thân thể con vật này không tỏ lộ bệnh gì. Có thể nó có tình bạn thân thiết với ai đó, và vì không thấy bạn, nó trở nên sầu muộn.
Bồ-tát hỏi người nài:
– Con voi này có thân thiết với ai không?
– Thưa ngài, có. Nó có tình bạn thân thiết với con chó.
– Con chó ấy nay đâu rồi?
– Có một người dắt nó đi rồi.
– Chú có biết chỗ ở của người ấy không?
– Thưa Ngài, tôi không biết.
Bồ-tát đi tâu với vua:
– Thưa Thiên tử, con voi không có bệnh gì. Nhưng nó có tình bạn thân thiết sâu đậm với con chó. Nay không thấy bạn, nên nó không ăn. Tôi nghĩ là như vậy.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Một miếng, nó không ăn,
Không nuốt cơm và cỏ,
Tôi nghĩ vì con voi
Thường thấy bạn, con chó,
Cho nên nó luyến ái
Con chó ấy, bạn mình.
Vua nghe lời Bồ-tát nói liến hỏi:
– Thưa bậc Hiền trí, nay phải làm gì?
– Thưa Thiên tử, hãy cho người đánh trống và tuyên bố như sau: Con chó, bạn con voi báu của nhà vua, bị người bắt lấy đem đi. Nhà nào có con chó ấy, nhà đó sẽ bị trừng phạt!
Vua làm theo lời khuyên này. Nghe được tin, người ấy liền thả con chó ra. Con chó lập tức chạy thật mau đến gần con voi. Con voi vừa lấy vòi đặt con chó lên trên đầu trán mình vừa mừng rỡ khóc lớn và đặt nó từ đầu trán xuống, để con chó ăn trước, rồi mình ăn sau.
– Ngay cả tâm hướng của loài vật, vị ấy cũng biết!
Vua nói vậy và tặng cho Bồ-tát danh vọng lớn.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải những người này nay mới thân thiết với nhau. Trong quá khứ, họ đã thân thiết với nhau rồi.
Sau khi kể lại pháp thoại này, và thuyết giảng Bốn Sự thật, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau rồi nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, con chó là người cư sĩ, con voi là vị Trưởng lão lớn tuổi, còn vị đại thần Hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
28. CHUYỆN CON BÒ ÐẠI HỶ (Tiền thân Nandivisàla)
Chỉ nói lời từ hoà…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về những lời nhiếc mắng của nhóm Sáu Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nhóm Tỷ-kheo, khi cãi nhau với các hiền thiện Tỷ-kheo, thường khiêu khích, mắng nhiếc, châm biếm và nhục mạ họ. Các Tỷ-kheo báo lên Thế Tôn. Ngài cho gọi nhóm Sáu Tỷ-kheo, hỏi có phải thật như vậy không, và khi được trả lời là thật vậy, Ngài chê trách họ:
– Này các Tỷ-kheo, lời nói ác độc làm cho ngay cả loài thú vật cũng hiềm hận. Thuở trước, một thú vật đã làm cho một người nói lời ác phải mất một ngàn đồng tiền vàng.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Trong thời quá khứ, tại nước Gandhara, có vị vua trị vì ở Takkasila, và Bồ-tát sanh ra làm con bò được đặt tên là Nandivisàla (Ðại Hỷ). Một Bà-la-môn đi đến những người thường hay cúng dường bò, xin được con Nandivisala khi còn là con nghé. Người Bà-la-môn đối xử với nó như con ruột, thương mến cho nó aên ròng cơm cháo và nuôi dưỡng nó rất chu đáo. Khi lớn lên, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta được người Bà-la-môn này nuôi dưỡng một cách khó nhọc. Trong toàn cõi Diêm-phủ-đề (Ấn Ðộ), không có một con bò nào khác có thể mang nặng như ta. Vậy ta hãy biểu lộ sức mạnh của ta và cho người Bà-la-môn tiền nuôi dưỡng”.
Một hôm, Bồ-tát nói với vị Bà-la-môn:
– Này Bà-la-môn, hãy đi đến một triệu phú giàu về đàn bò và nói: Con bò của tôi, nếu được cột chặt vào một trăm cỗ xe, cũng có thể kéo đi! Và đánh cá với người ấy một ngàn đồng tiền vàng.
Vị Bà-la-môn đi đến một triệu phú và gợi chuyện:
– Trong thành này, con bò của ai có được sức mạnh?
Người triệu phú trả lời:
– Chính nhà này, nhà của ta!
Và ông còn nói tiếp:
– Trong toàn thành này, không một ai có con bò giống như con bò của chúng tôi.
Người Bà-la-môn nói:
– Một con bò của tôi có thể kéo được một trăm cỗ xe cột chặt lại!
Người gia triệu phú hỏi:
– Con bò như vậy ở đâu?
Vị Bà-la-môn nói:
– Ở nhà tôi.
– Vậy chúng ta hãy đánh cá đi.
– Tốt lắm, tôi bằng lòng.
Và vị Bà-la-môn đánh cá một ngàn đồng tiền vàng. Rồi vị Bà-la-môn chất đầy một trăm cỗ xe với cát, sạn và đá, đặt chúng nối tiếp nhau, cột tất cả làm một, cáng xe với trục xe, cho tắm Nandivisala, cho nó ăn một đấu gạo thơm, trang sức vòng hoa vào cỗ xe đầu. Người Bà-la-môn, tự mình ngồi trên cán xe, đưa cao gậy thúc bò và nói:
– Hi, hi, hi đi, đồ ranh con! Hãy kéo, đồ ranh con!
Bồ-tát nghĩ: “Ta không phải ranh con, nhưng người này gọi ta với danh từ ranh con”! và Bồ-tát đứng thẳng chân như những cột trụ, không hề di động.
Ngay lúc ấy, người triệu phú bắt người Bà-la-môn đem lại một ngàn đồng. Vị Bà-la-môn thua một ngàn đồng, mở con bò ra, rồi về nhà nằm dài, với tâm tư sầu muộn.
Nandivisala vào nhà, thấy vị Bà-la-môn sầu muộn, liền hỏi:
– Này Bà-la-môn, có phải ông nằm ngủ?
– Làm sao ta có thể ngủ được khi ta thua mất một ngàn đồng!
– Này Bà-la-môn, trong suốt thời gian ta sống ở nhà ông, có bao giờ ta làm bể chén bát gì, hay chà đạp một ai, hay đi đại tiểu tiện không phải chỗ?
– Này con thân, không bao giờ có.
Vậy sao ông gọi ta là đồ ranh con? Ðây là lỗi của ông, không phải lỗi của ta. Hãy đi và cá với người kia hai ngàn đồng tiền vàng. Nhưng ta không phải ranh con, không được gọi là đồ ranh con!
Vị Bà-la-môn nghe Bồ-tát nói, liền đi đến nhà triệu phú và cá hai ngàn đồng. Vị ấy buộc một trăm cỗ xe như cách trước làm, cho Nandivisala trang điểm, và buộc nó vào cái cáng gỗ xe thứ nhất. Ông buộc như thế nào? Buộc chặt cái ách vào cáng xe, rồi thắng con bò Nandivisala vào một phía ách, và buộc chặt phía bên kia bằng một miếng gỗ trơn từ ách vào trục xe, như vậy, ách được cứng thẳng, không nghiêng một bên. Như vậy, chỉ một con bò có thể kéo một cỗ xe được làm cho cả hai con kéo. Rồi người Bà-la-môn ngồi trên cáng xe, vừa xoa lưng Nandivisal vừa nói:
– Hi, hi, chú bạn hiền thiện! Hãy kéo, chú bạn hiền thiện!
Bồ-tát được buộc chặt vào một trăm cỗ xe, với một cái kéo mạnh cả một trăm cỗ xe, khiến cỗ xe cuối đứng vào chỗ mà cỗ xe đầu đã di động. Người triệu phú giàu đàn bò thua cuộc, phải trả hai ngàn đồng. Những người khác cũng cho Bồ-tát nhiều tiền. Tất cả đều thuộc về vị Bà-la-môn. Như vậy, nhờ Bồ-tát, người Bà-la-môn được nhiều tiền của.
Bậc đạo sư nói, sau khi khiển trách Sáu Tỷ-kheo ấy.
– Này các Tỷ-Kheo, lời nói độc ác không làm ai vừa ý.
Và ngài chế thành học pháp. Rồi bậc Chánh Ðẳng Giác liền nói kệ:
Chỉ nói lời từ hòa,
Không từ hòa, không nói.
Ai nói lời từ hòa,
Kéo đi được gánh nặng,
Khiến nó được tài sản.
Do vậy, nó ưa thích
*
Sau khi bậc Ðạo sư kể pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc ấy Bà-la-môn là Ànanda, còn Nandivisala là Ta vậy!
-ooOoo-
29. CHUYỆN CON BÒ ÐEN (Tiền thân Kanha)
Với gánh nặng phải mang …,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về thần thông song hành. Câu chuyện này và câu chuyên từ thiên giới xuống sẽ được trình bày trong Chương mười ba, Tiền thân Sarabhamiga (số 483).
Sau khi thị hiện thần thông song hành, từ thiện giới, bậc Chánh Ðẳng Giác đi xuống thành Sankassa. Trong ngày đại lễ Tự tứ, với một đoàn tùy tùng đông đảo, Ngài đi vào Kỳ viên. Các Tỷ-kheo đang ngồi họp ở Pháp đường, tán thán đức hạnh bậc Ðạo Sư, nói:
– Này các Hiền giả, Như Lai không có ai sánh bằng. Không một ai khác có thể mang được gánh nặng như đức Như Lai. Sáu ngoại đạo sư nói: Chúng ta sẽ thị hiện thần thông, chúng ta sẽ thi thố thần thông! Tuy nói vậy, họ không thị hiện được thần thông nào. Ôi, bậc Ðạo Sư thật không ai sánh bằng!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp ở đây bàn chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, không có gì khác ngoài chuyện tán thán đức hạnh Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, nay ai sẽ mang gánh nặng do Ta mang? Trong thời quá khứ, khi Ta sanh làm thú vật, cũng không một ai so sánh với ta được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Bà-la-nại, Bồ-tát sanh làm một con bò. Khi bò còn là nghé, những người chủ sống trong nhà một bà già, đem Bồ-tát cho bà để giải quyết tiền ở trọ. Bà nuôi dưỡng Bồ-tát như con ruột, cho Bồ-tát ăn cháo và cơm. Bồ-tát được gọi là Con bò đen của bà già. Lớn lên, Bồ-tát có sắc lông đen láng, thường đi với các con bò hiền thiện trong làng. Trẻ con ở làng thường nắm sừng, nắm tai, đeo cổ, nắm đuôi bò chơi đùa và ngồi trên lưng bò.
Một hôm, Bồ-tát nghĩ: “Mẹ ta sống khổ cực, xem ta như con đẻ, nuôi dưỡng ta rất khó khăn. Vậy ta hãy làm ra tiền để giải thoát bà cụ khỏi đời khổ cực này”.
Từ đó trở đi, Bồ-tát cố gắng tìm cho ra tiền. Một hôm người chủ trẻ của một đoàn lữ hành với năm trăm cỗ xe đi đến một khúc sông cạn rất gồ ghề. Các con bò của người ấy không thể kéo các cỗ xe qua được. Những con bò của năm trăm cỗ xe được cột vào cáng xe liên tục với nhau cũng không thể kéo một cỗ xe qua được.
Lúc ấy Bồ-tát đang đi với các con bò làng, đến gần khúc sông cạn. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành biết đánh giá loài bò, đang tìm trong những con bò này xem con nào giống tốt có thể kéo những cỗ xe của mình qua được. Thấy Bồ-tát, biết con bò giống tốt này sẽ có thể kéo được những cỗ xe, người ấy liền hỏi những người chăn bò:
– Này bạn, ai là chủ con bò này? Nếu tôi cột nó vào những cỗ xe và nó kéo qua được, tôi sẽ trả tiền thuê!
Các người chăn bò ấy nói:
– Hãy bắt và cột nó vào! Tại chỗ này, không có ai là chủ con vật!
Người chủ trẻ cột dây vào mũi bò kéo đi, nhưng con bò không di động. Theo truyền thuyết, Bồ-tát không đi khi chưa được trả giá. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành, biết được ý định của con bò và nói:
– Này chủ đàn, ta sẽ trả cho ông một ngàn đồng, tiền thuê kéo năm trăm cỗ xe, mỗi cỗ xe kéo qua được trả hai đồng!
Lúc ấy, Bồ-tát mới chịu đi. Người ta cột bò vào những cỗ xe. Với một cái kéo mạnh, bò đã kéo bổng chiếc xe đầu tiên và đặt lên bờ kia. với phương cách như vậy, bò kéo tất cả cỗ xe qua. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành chỉ trả một đồng cho mỗi chiếc xe, và cột một gói năm trăm đồng treo ở cổ Bồ-tát. Bồ-tát suy nghĩ: “Người này không trả cho ta tiền thuê như đã quyết định. Nay ta không cho nó đi!”. Rồi Bồ-tát đứng chặn đường trước cỗ xe, và dầu đoàn lữ hành cố gắng dắt xe đi, cũng không thể dắt được. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành suy nghĩ: “Hình như nó biết ta trả thiếu tiền thuê!”. Bèn gói một ngàn đồng trong bọc, cột ở cổ Bồ-tát và nói:
– Ðây là tiền thuê của người đã kéo qua.
Bồ-tát mang gói tiền liền đi đến bà mẹ. Trẻ con trong làng thấy một vật gì đeo ở cổ bò đem của bà cụ, bèn chạy đến gần Bồ-tát. Nhưng Bồ-tát đuổi chúng chạy xa, rồi đến gần bà mẹ. Vì đã kéo qua năm trăm cỗ xe, Bồ-tát hết sức mệt mỏi với đôi mắt đỏ kè. Bà cụ thấy gói một ngàn đồng ở cổ Bồ-tát, liền kêu lớn:
– Này con thân, tiền này con lấy được ở đâu?
Rồi hỏi những đứa trẻ chăn bò, và biết được câu chuyện, bà nói to:
– Này con thân, ta đâu có muốn sống nhờ tiền công con làm được. Sao con lại chịu khổ nhọc như vậy?
Nói xong, bà lấy nước nóng tắm cho con vật, thoa dầu toàn thân, cho uống nước và cho bò ăn đủ loại đồ ăn thích hợp. Bà sống với Bồ-tát cho đến khi mạng chung rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai không có ai sánh bằng. Trong thời quá khứ, cũng không có ai sánh bằng.
Sau khi thuyết pháp thoại này xong, bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:
Với gánh nặng phải mang,
Với khúc sông phải qua,
Chúng cột con bò đen,
Bò đi kéo gánh nặng!
Như vậy, Ngài nêu rõ:
– Này các Tỷ-kheo, khi ấy, chỉ có con bò đen kéo được gánh nặng.
Thế Tôn kết hợp hai câu chuyện với nhau và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc ấy, bà cụ là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), còn con bò đen của bà là Ta vậy.
-ooOoo-
30. CHUYỆN CON HEO MUNIKA (Tiền thân Munika)
Chớ ham Munika …,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã kể về sự cám dỗ của một phụ nữ béo phệ. Câu chuyện này sẽ được trình bày ở Chương mười ba, trong Tiền thân Cullanarada-Kassapa (số 477). Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy.
– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông đang bị tham dục chi phối?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Vì nhân duyên gì?
– Bạch Thế Tôn, vì sự cám dỗ của một phụ nữ béo phệ!
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, thiếu nữ này tạo bất hạnh cho ông. Thời quá khứ, trong ngày đám cưới của nàng, ông đã bị mạng chung và trở thành món ăn ngon cho số đông người!
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-môn, tại một làng nọ, Bồ-tát sanh làm con bò tên Mahàlohita (Ðỏ lớn) trong nhà một người có gia sản. Bồ-tát có một em trai tên là Cullalohita (Ðỏ nhỏ). Trong gia đình, hai con bò này làm tất cả công việc chuyên chở.
Gia đình đó có một cô con gái. Cô ta đã đính hôn với người con trai cùng làng. Với mục đích dọn món ngon đãi khách đến dự đám cưới của con gái mình, cha mẹ cô gái nuôi một con heo tên là Munika, và cho nó ăn toàn cháo cơm. Thấy vậy, Lohita em nói với con bò anh:
– Trong gia đình này, đồ nặng do hai anh em mình chở hết, nhưng họ chỉ cho chúng ta ăn cỏ, lá v.v… còn họ nuôi con heo với cháo và cơm. Vì lý do gì nó lại được như vậy?
Bồ-tát nói:
– Này Lohita em thân, chớ có ham đồ ăn ấy! Con heo này ăn đồ ăn ngon để chờ chết. Với mục đích dọn món ngon đãi khách đến dự ngày đám cưới của cô gái, nên họ mới nuôi con heo này. Vài ngày nữa, những người ấy sẽ đến, họ cột chân con heo, kéo nó ra khỏi chuồng, chấm dứt mạng sống của nó và sẽ làm thành món ăn cà-ri đãi khách!
Nói xong, Bồ-tát đọc kệ này:
Chớ ham Mu-ni-ka,
Nó ăn để chờ chết,
Ít dục, hãy ăn rơm,
Do vậy thọ mạng dài.
Rồi không bao lâu, những người ấy đến. Họ giết Munika và nấu nó thành nhiều món ăn. Bồ-tát nói với em Lohita em:
– Này em thân, hãy xem Munika!
– Thưa anh, em đã thấy kết quả món ăn của Munika. Trăm lần ngàn lần tốt hơn món rơm của chúng ta, món ăn tối thượng, không có tai hại, là tướng của mạng sống lâu dài.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, như vậy, trong thời quá khứ, vì thiếu nữ này, ông đã mạng chung và làm thành món ăn cho nhiều người!
Sau khi nói lên pháp thọai này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo bị tham dục chi phối chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân:
– Khi ấy, con heo Munika là Tỷ-kheo bị tham dục chi phối, người thiếu nữ trong hai mẫu chuyện là một. Lohita em là Ànanda, Lohita anh là Ta vậy.
-ooOoo-
Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính (B. Anson, 05/2002).