[TIỂU BỘ] KINH BỔN SANH – TẬP II – 04. PHẨM DALHA

TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI
KINH BỔN SANH – TIỂU BỘ KINH – TẬP V

Việt dịch: HT Thích Minh Châu – GS Trần Phương Lan
———-o0o———-

CHƯƠNG II (Hai Bài Kệ)

PHẨM DALHA

151. CHUYỆN LỜI GIÁO GIỚI CHO VUA (Tiền thân Ràjovàda)

Cứng rắn đối cứng rắn…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về lời giáo giới cho vua. Câu chuyện sẽ được nói đến trong Tiền thân Tesakuna (số 512).
Một hôm vua Kosala, vừa xét xử một vụ kiện rất khó liên hệ đến pháp luật xong, tay chưa khô ráo, vua ngự lên xe được trang hoàng, đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ dưới chân Ngài, những ngón chân tuyệt đẹp như hoa sen nở rộ, rồi ngồi một bên. Bậc Ðạo Sư nói với vua Kosala:
– Thưa Ðại Vương, Ðại Vương từ đâu đi đến quá sớm như vậy?
– Bạch Thế Tôn, mấy hôm nay trẫm phải xét xử một vụ kiện rất khó liên hệ đến luật pháp, nên không có được cơ hội đến yết kiến Thế Tôn. Nay công việc đã được giải quyết, ăn uống xong, với tay chưa khô ráo, trẫm đi đến hầu Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Thưa Ðại Vương, xét xử một vụ kiện đúng pháp và công bằng là một việc thiện, đây là con đường đưa đến chư Thiên. Thật không có gì vi diệu khi vua nhận được lời giáo giới từ một vị Nhất thiết trí như ta và đã xét xử vụ kiện đúng pháp và công bằng. Thật là vi diệu, thuở xưa khi các vua nghe lời các vị hiền triết không phải Nhất thiết trí, vẫn xét xử vụ kiện đúng pháp và công bằng, từ bỏ con đường đi đến ác thú, tuân theo mười Vương pháp và đã đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát nhập thai làm con bà chánh hậu của vua, và thai được săn sóc chu đáo, nên đã sanh ra từ lòng mẹ an toàn. Ðến ngày lễ đặt tên, Bồ-tát được đặt tên là hoàng tử Brahmadatta. Hoàng tử tiếp tục lớn lên, khi được mười sáu tuổi đã trưởng thành, hoàng tử đến thành Takasilà để học tập và tinh thông tất cả các tài nghệ.
Sau khi thân phụ mất, Bồ-tát được đặt lên vương vị, và trị nước đúng pháp và công bằng phán quyết các vụ kiện, không dựa theo ý muốn của riêng mình. Bồ-tát trị vì đúng pháp như vậy nên các đại thần cũng xét xử các vụ kiện công bằng. Khi các vụ kiện được xét xử đúng pháp luật thì không còn ai tạo ra các vụ kiện lừa đảo nữa, do đó, các sự ồn ào trong sân vua do các vụ kiện tụng gây ra cũng được chấm dứt. Các đại thần ngồi cả ngày trong pháp đình, không thấy có một vụ kiện nào đưa đến để xét xử, cũng bỏ đi. Các pháp đình trở thành trống vắng.
Bồ-tát suy nghĩ: “Vì ta trị vì đúng pháp, không có ai đến kiện tụng, các tiếng ồn ào được chấm dứt, xem pháp đình trở thành trống vắng. Nay ta cần phải tìm xem ta có khuyết điểm gì, nếu có, ta sẽ từ bỏ nó và sẽ sống trong an lạc”. Từ đấy, Bồ-tát đi tìm cùng khắp xem có ai nói lên khuyết điểm của mình không, nhưng trong các nội cung, ngài không tìm được ai nói lên khuyết điểm, chỉ nghe ca tụng công đức của mình. Bồ-tát suy nghĩ: “Những người này vì sợ ta, không nói lên khuyết điểm, chỉ nói lên công đức”.
Bồ-tát đi ra ngoài nội cung để tìm, tại đấy cũng không thấy một ai, liền tìm trong nội thành, rồi ra tìm ở ngoại thành, hỏi những người ở tại bốn cửa thành. Tại đây cũng không thấy một ai nói lên khuyết điểm, chỉ nói lên công đức. Bồ-tát suy nghĩ: “Nay ta sẽ đi tìm tại các tỉnh thành”.
Vua giao quốc độ cho các đại thần ngự lên xe, chỉ đem theo người đánh xe, ra khỏi thành giả dạng để vẫn không một ai biết và đi khắp đất nước, cho đến khi đến biên địa vẫn không thấy một ai nói lên khuyết điểm, chỉ nghe nói đến công đức của mình. Từ biên địa, theo đường đại lộ vua trở về kinh thành.
Trong lúc ấy, vua nước Kosala tên là Mallika trị vì quốc độ đúng pháp, cũng đi tìm khuyết điểm, từ trong nội cung v.v… không thấy một người nào nói lên khuyết điểm, chỉ nghe nói về công đức của mình, liền đi tìm khắp nước và đến chỗ ấy. Cả hai người gặp mặt nhau trên một con đường chật hẹp chỉ đủ một xe đi chứ không có chỗ để xe này tránh xe kia. Rồi người đánh xe của vua Mallika nói với người đánh xe của vua Ba-la-nại:
– Hãy tránh ra xe của bạn.
Người đánh xe kia nói:
– Này bạn đánh xe, hãy cho xe của bạn tránh ra. Trên xe này là vua nước Ba-la-nại, đại vương Brahmadatta đang ngồi.
Người đánh xe trước nói:
– Này bạn đánh xe, trên xe này là vua Kosala, Ðại vương Mallika đang ngồi, hãy cho xe của bạn tránh ra. Hãy nhường chỗ cho xe vua chúng tôi đi.
Người đánh xe của vua Ba-la-nại suy nghĩ: “Ðây cũng là vua. Vậy phải làm sao đây? À, có phương tiện này. Sau khi hỏi tuổi, xe của vị nào trẻ hơn sẽ nhường chỗ cho vị lớn tuổi”. Suy nghĩ và thi hành như vậy, người ấy biết được cả hai vua đều đồng tuổi với nhau. Lại hỏi về diện tích vương quốc, thế lực tài sản, danh vọng và những vấn đề liên hệ đến sanh chủng, dòng họ, gia đình, trú xứ, sau khi hỏi tất cả, người ấy được biết rằng cả hai đều làm chủ vương quốc rộng đến ba trăm dặm, đều đồng đẳng về uy lực, tài sản, danh vọng, và những vấn đề đều liên hệ đến sanh chủng, dòng họ, gia đình, trú xứ. Rồi người đánh xe ấy suy nghĩ: “Ta sẽ nêu lên trường hợp ai thù thắng về giới đức”, và hỏi:
– Giới đức của vua bạn như thế nào?
Người đánh xe kia trả lời:
– Vua của chúng tôi có giới đức như thế này.
Và anh ta đọc bài kệ thứ nhất:
Mal-li-ka xử sự
Cứng rắn đối cứng rắn,
Mềm mỏng đối mềm mỏng,
Thiện đức đối thiện đức,
Bất thiện đối bất thiện,
Vua này là như vậy,
Này bạn đánh xe ơi,
Hãy nhường đường vua ta.
Người đánh xe của vua Ba-la-nại nói:
– Này bạn, có phải đấy là giới đức của vua bạn?
Khi được biết đúng như vậy, người ấy nói:
– Ðấy là những công đức, còn những khuyết điểm gì?
– Như thế này, thế này… Nhưng hãy nói các công đức vua của bạn?
– Vậy hãy nghe.
– Và người đánh xe của vua Ba-la-nại đọc bài kệ thứ hai (Pháp Cú, 233):
Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chân thắng hư ngụy.
Vua này là như vậy,
Này bạn đánh xe ơi!
Hãy nhường đường vua ta.
Khi nghe nói như vậy, vua Mallika và người đánh xe, cả hai đều xuống xe, mở dây các con ngựa, đẩy xe sang một bên, và nhường đường cho vua Ba-la-nại. Rồi vua Ba-la-nại giáo giới cho vua Mallika:
– Ðây là những việc cần phải làm.
Sau đó vua đi về Ba-la-nại và suốt đời làm các công đức như bố thí v.v…, sau khi mệnh chung, vua đi lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
Còn vua Mallika ghi nhớ lời giáo giới trong lòng. Sau khi đi khắp đất nước và không tìm thấy ai chỉ trích mình, vua trở về thành. Tại đó, vua trọn đời làm thiện sự cho đến khi mệnh chung, vua cũng lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện và thuyết pháp để giáo giới vua Kosala xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, người đánh xe của vua Mallika là Mục-kiền-liên, vua là Ànanda, người đánh xe của vua Ba-la-nại là Xá-lợi-phất, còn vua Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-

152. CHUYỆN CON CHÓ RỪNG (Tiền thân Sigàla)

Làm việc không đắn đo…,
Câu chuyện này, khi ở ngôi nhà có nóc nhọn, bậc Ðạo Sư kể về con một người cạo tóc trú ở Tỳ-xá-ly (Vesàli). Cha người ấy cạo râu, cắt tóc, uốn tóc cho vua, hoàng hậu, thái tử, và các công chúa. Ông ta có đạo tâm, tín thành, quy y Ba ngôi báu, giữ Năm giới, thỉnh thoảng để thì giờ nghe pháp của bậc Ðạo Sư.
Một hôm, khi làm việc trong cung vua, ông ta đem theo đứa con trai của mình. Cậu trai, thấy một công chúa Licchavi phục sức và trang điểm đẹp, như tiên nữ, liền sanh tâm luyến ái và bị phiền não chinh phục. Sau khi ra khỏi cung vua, cậu nói với cha:
– Nếu được thiếu nữ ấy, con sẽ sống. Nếu không, con sẽ chết.
Nói vậy xong, cậu bỏ ăn lên giường nằm.
Người cha nói:
– Này con thân, chớ ái luyến không phải chỗ. Con thuộc hạ sanh, con một người thợ hớt tóc! Công chúa Licchavi là con gái thuộc dòng Sát-đế-ly, dòng họ cao quý, con không xứng đôi với công chúa. Ta sẽ hỏi cho con một thiếu nữ khác cùng giai cấp với con.
Nhưng cậu không nghe lời của cha. Rồi mẹ, anh, chị, dì, cậu, tất cả bà con, bạn bè thân hữu hội họp lại nhưng vẫn không khuyên giải cậu được. Cậu ngày càng héo mòn, xanh xao dần cho đến chết.
Sau khi tang lễ con vừa xong và cơn sầu muộn đã nhẹ bớt, người cha suy nghĩ: “Ta sẽ đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư”. Ông ta đem nhiều hương thơm, vòng hoa, hương sáp, đi đến Ðại Lâm cúng dường, đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này cư sĩ, sao mấy lúc này ông vắng mặt?
Ông ta liền thuật lại câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này cư sĩ, không phải chỉ nay con của ông mới luyến ái không đúng chỗ và bị nạn. Thuở xưa, nó cũng đã như vậy rồi.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vị cư sĩ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử ở núi Tuyết. Là con út, Bồ-tát có sáu sư tử anh và một sư tử chị. Tất cả đều sống trong hang Vàng. Không xa hang Vàng có hang Pha lê trên núi Bạc. Tại đấy có một con chó rừng. Sau một thời gian, sư tử cha và sư tử mẹ đều chết. Các con sư tử đực thường để sư tử cái, chị của chúng, ở lại hang Vàng, còn chúng ra đi tìm mồi, đem thịt về cho chị ăn.
Một hôm, con chó rừng thấy con sư tử cái ấy, liền sanh tâm luyến ái. Bấy giờ khi sư tử cha và sư tử mẹ còn sống, chó rừng không có cơ hội đi đến. Nhưng nay khi bảy con thú đã ra đi tìm mồi, từ hang Pha lê, nó đi đến miệng hang Vàng, đứng trước con sư tử cái nhỏ, nói lên những lời đường mật cám dỗ một cách thầm kín:
– Này em! Ta là thú bốn chân, em cũng là thú bốn chân. Ta rất thương yêu em, và muốn em làm vợ ta. Ta sẽ là chồng em. Chúng ta sẽ sống hòa hợp hạnh phúc và em cũng sẽ thương yêu ta mãi mãi!
Sư tử cái nghe lời nói của chó rừng, suy nghĩ: “Chó rừng là loại thú hạ liệt trong các loại thú bốn chân, đê tiện giống như hạng người cùng đinh. Còn ta thuộc gia đình hoàng tộc ưu việt. Nó đã nói những lời không thích hợp, không tốt đẹp với ta. Sau khi nghe lời như vậy, ta còn sống làm gì? Ta sẽ nín hơi thở mà chết.
Nhưng rồi nó lại nghĩ: “Ta chết như vậy thật không xứng đáng. Chờ đến khi ta gặp các em của ta, nói cho họ nghe, rồi ta sẽ chết”.
Con chó rừng không nghe sư tử cái trả lời, suy nghĩ: “Nàng không thương ta”, liền ưu sầu đi vào hang Pha lê và nằm xuống.
Sau khi giết một con trâu, hay con voi, một con sư tử con liền ăn thịt, rồi đem phần về cho chị nó, và nói:
– Này chị thân, thịt đây, chị hãy ăn đi.
– Này em, chị không ăn thịt, vì chị sẽ chết.
– Vì sao vậy?
Con sư tử chị kể lại câu chuyện đã xảy ra. Nó hỏi chị:
– Nay con chó rừng ở đâu?
Sư tử chị thấy chó rừng nằm trong hang Pha lê, tưởng rằng nó ở trên trời nên nói:
– Này em, sao em không thấy? Con chó rừng nằm ở trên tại núi Bạc.
Con sư tử tưởng thật nói:
– Ta sẽ giết nó.
Nó liền nhảy đến hang Pha lê mà nó tưởng trên trời với tốc độ của con sư tử săn mồi, tim nó đập vào hang Pha lê và rơi xuống chân núi chết tại chỗ ấy.
Một con sư tử khác đi đến. Con sư tử chị cũng nói lại như vậy. Con sư tử ấy cũng làm như con trước và rơi xuống chết ngay chân núi. Như vậy sáu anh em sư tử con đều chết. Cuối cùng khi Bồ-tát (tức sư tử út) đến, sư tử chị kể lại lý do. Bồ-tát hỏi:
– Nay con chó rừng ấy ở đâu?
Sư tử chị nói:
– Nó nằm ở trên trời, trên đỉnh núi Bạc.
Bồ-tát suy nghĩ: “Các loài chó rừng không trú trên không. Chắc nó nằm ở hang Pha lê”.
Bồ-tát đi xuống chân núi, thấy sáu sư tử anh đã chết, liền nghĩ: “Ta biết những anh này vì ngu si, không có trí tuệ, không biết đây là hang Pha lê, đã đập quả tim vào đó nên bị giết chết. Như vậy là việc làm không đắn đo, và quá vội vã.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ thứ nhất:
Ai làm không đắn đo,
Hấp tấp làm vội vã,
Như ăn đồ ăn nóng,
Bị bỏng miệng mà chết.
Sư tử út nói bài kệ này xong, suy nghĩ: “Các anh của ta muốn giết con chó rừng nhưng không có thiện xảo phương tiện, nhảy tới nhanh chóng quá nên đã tự tạo cái chết. Ta sẽ báo thù cho các anh ta”. Nó thấy chó rừng nằm trong hang Pha lê. Bồ-tát theo dõi con đường lên xuống của con chó rừng, rồi hướng về phía ấy, rống lên ba lần tiếng rống của sư tử khiến cho tất cả đất và trời dội vang tiếng rống. Con chó rừng nằm trong hang Pha lê hoảng hốt run sợ vỡ tim ngay tại chỗ ấy mà chết.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Như vậy con chó rừng chết khi nghe sư tử rống.
Và bậc Chánh Giác đọc bài kệ thứ hai:
Chính trên Da-da-ra
Sư tử rống tiếng rống
Khiến núi ấy vang động,
Nghe tiếng con sư tử,
Con chó rừng ở núi,
Hoảng hốt, sợ khiếp đảm,
Quả tim nó vỡ đôi,
Tại đấy, nó mệnh chung.
Sư tử đã làm chó rừng chết như vậy. Sau đó nó chôn các anh vào một nấm mộ chung và kể cho chị nghe rằng chúng đã chết, rồi an ủi chị. Sư tử sống trọn đời trong hang Vàng cho đến khi mạng chung, nó đi theo thiện nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư liền thuyết giảng các Sự thật và khi kết thúc bài giảng, vị cư sĩ được an trú vào quả Dự lưu, rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, con chó rừng là con trai người hớt tóc, sáu sư tử con là sáu vị Trưởng lão, sư tử chị là công chúa Licchavi, còn sư tử trẻ nhất là Ta vậy.
-ooOoo-

153. CHUYỆN CON HEO RỪNG (Tiền thân Sùkara)

Này bạn, ta bốn chân…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Trưởng lão lớn tuổi. Một hôm, trong một thời thuyết pháp ban đêm, bậc Ðạo Sư đứng trên tam cấp thang lầu bằng châu báu trước cửa Hương phòng và sau khi giáo giới cho chúng Tỷ-kheo, đã đi vào Hương phòng. Cùng lúc, Trưởng lão Xá-lợi-phất, vị Tướng quân Chánh pháp, đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi cũng đi vào phòng của mình. Ðại Mục-kiền-liên, sau khi đi về phòng nghỉ một lát, lại đi đến Trưởng lão ấy để hỏi các câu hỏi. Ðược hỏi từng câu hỏi, bậc Tướng quân Chánh pháp giải đáp, trình bày rõ ràng như mặt trăng mọc trên hư không. Cả bốn hội chúng ngồi nghe pháp. Trong hội chúng có một Trưởng lão lớn suy nghĩ: “Nếu giữa hội chúng này, ta hỏi một câu hỏi làm Xá-lợi-phất lúng túng, hội chúng này sẽ nghĩ ta là người thông thái và ta sẽ đạt danh vọng lớn!”. Vị ấy liền từ hội chúng đứng dậy, đi đến bậc Trưởng lão, đứng một bên và thưa:
– Thưa Hiền giả, chúng tôi chỉ hỏi Hiền giả một câu. Hãy cho chúng tôi được phép hỏi. Hãy cho chúng tôi một quyết định về diễn dịch hay quy nạp, bác bỏ hay chấp nhận, về thù thắng hay nghịch thù thắng.
Trưởng lão Xá-lợi-phất nhìn người lớn tuổi ấy và nghĩ: “Người này lớn tuổi, sở hành còn ham muốn, trống rỗng không biết gì”. Rồi Trưởng lão không trả lời cho người ấy, khiêm tốn đặt quạt xuống, từ chỗ ngồi đi xuống, về phòng. Những người đứng bên ngoài vùng dậy, đuổi theo Trưởng lão lớn tuổi ấy và nói lớn:
– Thầy không cho chúng ta được nghe pháp dịu ngọt.
Người lớn tuổi ấy chạy trốn, rơi vào đường nứt trong nhà xí tại biên địa ngôi tinh xá và khi đứng dậy, mình dính đầy phân. Mọi người thấy vậy, hối hận và đi đến bậc Ðạo Sư. Ngài hỏi:
– Này các cư sĩ, sao các ông đến vào giờ bất thường như vậy?
Họ tường thuật sự việc lên bậc Ðạo Sư. Ngài nói:
– Này các ông, không phải chỉ nay kẻ lớn tuổi này mới kiêu mạn, không biết sức của mình, muốn đối nghịch với sức mạnh lớn hơn nên đã bị dính đầy phân. Thuở xưa, chính người ấy cũng kiêu mạn, không biết sức của mình, đối địch với sức mạnh hơn, nên đã bị dính đầy phân.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con sư tử, trú ở trong hang núi, tại Tuyết Sơn. Không xa chỗ ấy bao nhiêu, nhiều con heo rừng sống gần một bờ hồ. Cũng gần cái hồ ấy, một số nhà tu khổ hạnh sống trong những am bằng lá.
Một hôm, con sư tử giết một con trâu rừng v.v… và ăn thịt thật thỏa thích xong, nó đi xuống hồ uống nước rồi đi lên. Trong lúc ấy, một con heo to lớn bắt mồi gần hồ nước ấy. Con sư tử thấy nó, liền suy nghĩ: “Ta sẽ ăn thịt nó một ngày khác, nhưng nếu thấy ta hay ở đây, nó sẽ không đến nữa!”. Vì vậy, sư tử từ hồ nước đi lên, và tránh né một bên. Con heo rừng nhìn thấy vậy, liền suy nghĩ: “Nó thấy ta, sợ ta, nên không dám đến gần, và chạy trốn. Hôm nay, sẽ có cuộc đối địch giữa ta và con sư tử ấy”. Vì vậy, nó ngẩng đầu lên thách thức sư tử với bài kệ đầu tiên:
Này bạn, ta bốn chân,
Bạn cũng vật bốn chân.
Sư tử hãy quay lại,
Sao bạn sợ, chạy trốn?
Con sư tử nghe vậy liền nói:
– Này bạn heo rừng, hôm nay ta không đánh nhau với bạn. Nhưng hẹn sau bảy ngày, hãy đánh nhau chính tại chỗ này.
Nói vậy xong, con sư tử bỏ đi. Con heo rừng suy nghĩ: “Ta sẽ đánh nhau với con sư tử”, và nó hân hoan thích thú báo tin cho bà con biết. Bà con nó nghe vậy, hoảng hốt nói:
– Chính ngươi sẽ làm hại tất cả chúng ta. Không biết sức mạnh của mình, ngươi lại muốn đánh nhau với con sư tử. Khi con sư tử đến, nó sẽ giết mạng sống của tất cả chúng ta. Chớ hành động hấp tấp như vậy.
Con heo rừng ấy sợ hãi, hốt hoảng hỏi:
– Nay tôi phải làm gì?
Các con heo rừng nói:
– Hãy đi đến bãi phân của các nhà tu khổ hạnh ấy, lấy thân lăn lộn trên chỗ ấy trong bảy ngày, phơi cho thân khô, đến ngày thứ bảy tắm ướt với những giọt sương, rồi đến chỗ hẹn trước khi con sư tử tới, tìm hiểu hướng gió thổi, và đứng trước ngọn gió. Con sư tử tánh ưa sạch sẽ, ngửi mùi hôi từ thân của bạn, sẽ tha cho bạn và bỏ đi.
Con heo rừng ấy làm theo như vậy, vào ngày thứ bảy nó đến đứng ở đấy. Con sư tử vừa ngửi mùi hôi trên thân con heo rừng, biết nó bôi phân, liền nói:
– Này bạn heo rừng, mưu chước ngươi nghĩ khá tốt đấy! Nếu ngươi không bôi phân thì ở đây ngươi đã bị ta giết hại rồi. Ta không thể cắn thân ngươi với miệng của ta, cũng không thể đánh ngươi với chân của ta. Do vậy ta sẽ tha cho ngươi.
Nói vậy xong, con sư tử đọc bài kệ thứ hai:
Lông da ngươi dơ bẩn,
Heo rừng, ngươi hôi thối,
Nếu ngươi muốn đánh nhau,
Ta cho ngươi thắng trận!
Con sư tử quay trở lui, và bắt được mồi, sau đó uống nước hồ rồi đi về hang núi. Còn con heo rừng báo cho bà con biết:
– Con sư tử đã bị ta đánh bại!
Chúng sợ hãi hoảng hốt liền nói:
– Một ngày kia con sư tử lại đến và sẽ đoạt mạng sống của tất cả chúng ta.
Vì vậy chúng liền chạy trốn đi đến nơi khác.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, con heo rừng là Trưởng lão lớn tuổi này và con sư tử là Ta vậy.
-ooOoo-

154. CHUYỆN CON RẮN (Tiền thân Uraga)

Ở đây, đã trốn vào…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự tranh chấp của các võ quan. Cùng phục vụ vua Kosala và cầm đầu binh lính, hai bậc đại thần này thấy mặt tại chỗ nào thì cãi lộn nhau ở chỗ ấy. Sự thù hằn của họ được tòan thành biết rõ. Ngay cả vua, bà con, thân hữu cũng không thể giảng hòa họ được.
Một hôm, bậc Ðạo Sư, vào buổi sáng sớm, nhìn xem ai có khả năng giác ngộ, và thấy hai người này có duyên chứng được Dự lưu đạo. Hôm sau, bậc Ðạo Sư đi một mình vào Xá-vệ để khất thực, đứng trước cửa nhà của một trong hai người ấy. Người này đi ra, cầm lấy bát, mời bậc Ðạo Sư vào nhà, sửa soạn chỗ ngồi và mời Ngài. Bậc Ðạo Sư ngồi xuống, thuyết về lợi ích tu tập Từ tâm, sau khi biết tâm người ấy đã sẵn sàng, liền thuyết về các Sự thật. Cuối bài giảng, người ấy chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư biết người ấy đã chứng quả Dự lưu, liền bảo người ấy cầm bình bát đứng dậy và đi đến nhà của người kia. Người này thấy bậc Ðạo Sư đến liền ra đảnh lễ và mời Ngài vào nhà. Người này cũng cầm bình bát đi theo bậc Ðạo Sư và vào nhà với Ngài. Bậc Ðạo Sư tán thán mười một lợi ích của Từ tâm, và khi biết tâm của người sau này cũng đã thuần thục, liền thuyết giảng về các Sự thật. Cuối bài giảng, người này được an trú vào quả Dự lưu. Như vậy cả hai đều đắc quả Dự lưu, thú nhận với nhau về lỗi lầm của mình, thứ lỗi cho nhau, hòa hợp, hoan hỉ với nhau trước mặt Thế Tôn. Sau khi ăn xong, bậc Ðạo Sư liền đi về tịnh xá. Cả hai vị đem theo nhiều vòng hoa, hương thơm, bơ chín, mật, đường phèn, v.v… cùng đi với bậc Ðạo Sư về tịnh xá. Sau khi nêu rõ các trách nhiệm và giáo giới cho các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư đi vào Hương phòng. Các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, nói về câu chuyện ấy tại Chánh pháp đường:
Thưa các Hiền giả, bậc Ðạo Sư đã nhiếp phục những người không thể nhiếp phục. Hai vị đại thần ấy chống đối với nhau đã lâu ngày, vua và bà con thân hữu không thể làm họ hòa hợp. Nhưng chỉ trong một ngày, Như Lai đã nhiếp phục được họ.
Bậc Ðạo Sư đến Chánh pháp đường và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo các ông ngồi ở đây nói câu chuyện gì?
Khi nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo không phải chỉ nay Ta mới làm cho hai người này hòa hợp. Xưa kia Ta cũng làm cho họ hợp rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, một số quần chúng lớn tụ họp để vui chơi ngày lễ hội. Nhiều đám người, chư thần, các loại rắn thần, kim sí điểu (chim thần cánh vàng) v.v… tụ họp lại để xem đại hội.
Tại một chỗ, một con rắn và một con kim sí điểu xem hội cùng đứng với nhau. Con rắn không biết là con kim sí điểu đứng bên cạnh, liền đặt tay lên vai nó. Con kim sí điểu xoay mình lại để xem ai đã đặt tay lên vai nó, và khi nhìn, nó biết đó là con rắn. Con rắn cũng nhìn, biết là con kim sí điểu, hoảng hốt vì sợ chết, vội đi ra khỏi thành và chạy trốn trên mặt sông. Con kim sí điểu quyết định bắt lấy con rắn liền đuổi theo.
Lúc bấy giờ Bồ-tát là vị tu khổ hạnh, sống trong một chòi lá bên bờ sông ấy. Ðể làm dịu sức nóng ban ngày, ngài cởi áo ngoài bằng vỏ cây, mặc áo tắm và xuống sông tắm. Con rắn suy nghĩ: “Ta sẽ nhờ vị xuất gia này cứu mạng sống”, liền từ bỏ nguyên hình, biến thành hòn ngọc và trốn vào giữa áo bằng vỏ cây. Con kim sí điểu đuổi theo thấy nó đi vào trong ấy, nhưng vì kính trọng áo bằng vỏ cây, nó không chạm cái áo và thưa với Bồ-tát:
– Thưa Tôn giả, hãy cầm lấy áo bằng vỏ cây. Trong đó có con rắn mà con muốn ăn.
Và để nêu rõ ý nghĩa này, nó đọc bài kệ đầu tiên:
Ở đây đã trốn vào
Vị vua các loài rắn,
Con muốn giải thoát nó,
Khỏi hình hòn đá ngọc,
Và vì trọng Phạm hạnh,
Dầu đói, con không bắt.
Bồ-tát đứng dưới nước, nói lời tán thán vua kim sí điểu qua bài kệ thứ hai:
Mong ngươi sống lâu ngày
Ðược Phạm thiên hộ trì,
Luôn hưởng món chư Thiên,
Mong ngươi được đầy đủ,
Vì kính trọng Phạm hạnh,
Dầu đói, chớ ăn nó.
Như vậy, Bồ-tát đứng dưới nước nói lên lời tùy hỷ. Rồi Bồ-tát đi lên, mặc áo vỏ cây, và đem cả hai cùng đi về thảo am. Ngài tán thán hạnh tu tập Từ tâm, khiến cả hai hòa hợp. Từ đấy trở đi, cả hai đều sống hòa hợp, vui vẻ với nhau.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc ấy, con rắn và con chim sí điểu là hai vị đại thần này, còn vị tu khổ hạnh chính là Ta vậy.
-ooOoo-

155. CHUYỆN NHẢY MŨI (Tiền thân Gagga)

Này cha, sống trăm năm…,
Câu chuyện này, khi trú ở Ràjakàramado (Vương Lâm) do vua Ba-tư-nặc xây dựng gần Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể như sau:
Một hôm, ngồi giữa bốn hội chúng ở Ràjakàrama, trong khi thuyết pháp, bậc Ðạo Sư nhảy mũi. Các Tỷ-kheo lớn tiếng nói lên:
– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn sống lâu! Mong Thiện Thệ sống lâu!
Và họ tạo ra một tiếng ồn lớn. Do tiếng ồn ấy, pháp thoại bị chấm dứt. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, khi có ai nhảy mũi, nếu ta nói: Mong hãy sống lâu, thì do nhân duyên ấy, một người có thể sống hay chết không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Này các Tỷ-kheo, khi nhảy mũi, chớ nói: Mong hãy sống lâu! Ai nói vậy thì phạm ác hạnh.
Lúc bấy giờ, khi các Tỷ-kheo nhảy mũi, các cư sĩ thường nói: – Mong Tôn giả sống lâu!
Các Tỷ-kheo cảm thấy ray rứt nhưng không đáp lại. Các cư sĩ bực tức nói:
– Sao các Sa-môn Thích tử khi được chúc: “Mong Tôn giả sống lâu!”, đã không đáp lại?
Họ trình sự việc này lên Thế Tôn. Ngài nói:
– Này các Tỷ-kheo, các gia chủ hay mê tín ở điềm lành, vì vậy, khi các gia chủ nói: Mong Tôn giả sống lâu, các ông được phép trả lời: Mong các người sống lâu!
Các Tỷ-kheo hỏi Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, từ khi nào khởi lên tục lệ đáp lời chúc sống lâu?
Bậc Ðạo Sư trả lời:
– Tục lệ được khởi lên từ ngàn xưa.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình Bà-la-môn ở xứ Kà-si. Thân phụ Bồ-tát làm nghề buôn để sống. Khi Bồ-tát lên mười sáu tuổi, người cha giao cho Bồ-tát hòn ngọc có bùa chú cùng đi từ làng này qua thị trấn khác rồi đến Ba-la-nại. Sau khi ăn cơm xong tại nhà người gác cổng, hai cha con không tìm được nhà để ở, bèn hỏi:
– Những người đi đến trễ trú ở chỗ nào?
Các người khác trả lời họ:
– Ngoài thành có một ngôi nhà. Nhưng nhà ấy có một phi nhân (quỷ thần) đang ở. Nếu các ông muốn, cứ đến đấy mà ở.
Bồ-tát nói:
– Thưa cha thân, hãy đi, chớ sợ Dạ-xoa, con sẽ nhiếp phục nó, làm cho nó quỳ lại dưới chân cha.
Nói xong Bồ-tát đưa cha đến chỗ ấy. Rồi người cha nằm trên tấm ván, còn Bồ-tát ngồi bóp chân cho cha. Bấy giờ, con quỷ Dạ-xoa trú tại đấy, sau mười hai năm phục vụ vua Vessavana (Tỳ-sa-môn, một trong bốn Thiên vương), được cho ngôi nhà này với điều kiện: Trừ những người nào vào trong ngôi nhà này, khi nhảy mũi, nếu được chúc: “Mong sống lâu!” và đáp lại: “Mong sống lâu!”, con quỷ ấy có thể ăn thịt những người khác không chúc sống lâu.
Con Dạ-xoa ấy ở tại cột của cây kèo chính. Nó nghĩ: “Ta sẽ làm cho người cha Bồ-tát nhảy mũi”. Vì vậy, với thần lực của mình, nó làm đám bụi mịn bốc lên. Bụi ấy bay vào mũi người cha. Người cha nằm trên tấm ván nhảy mũi. Người con không nói: Mong cha sống lâu! Con Dạ-xoa muốn ăn thịt người cha, nên từ cột cây kèo đi xuống. Bồ-tát thấy nó xuống liền nghĩ: “Cha ta bị con quỷ này làm cho nhảy mũi. Con quỷ này, khi ai nhảy mũi mà không đáp: “Hãy sống”, sẽ trở thành mồi cho nó ăn thịt!” Vì vậy, Bồ-tát nói lên bài kệ đầu với cha:
Mong cha sống trăm năm,
Cộng thêm hai mươi tuổi,
Mong quỷ không ăn cha,
Mong cha sống trăm thu!
Khi nghe lời Bồ-tát nói, con Dạ-xoa nghĩ: “Vị thanh niên này trả lời; Mong cha sống lâu! Ta không thể ăn thịt nhưng ta sẽ ăn thịt người cha!”. Vì vậy, nó đi đến gần người cha. Thấy con Dạ-xoa đi đến gần, ông liền suy nghĩ: “Con quỷ này sẽ ăn thịt những ai không đáp: “Mong sống lâu”. Vậy ta sẽ đáp lại: “Mong con sống lâu”. Và người cha nói câu kệ thứ hai với con:
Mong con sống trăm năm,
Cộng thêm hai mươi tuổi,
Mong quỷ ăn thuốc độc
Còn con sống trăm thu!
Con Dạ-xoa suy nghĩ: “Cả hai người này, ta không thể ăn thịt được”, liền quay trở lui. Nhưng Bồ-tát hỏi nó:
– Này Tôn giả Dạ-xoa, vì sao ngươi ăn thịt những người đi vào trong ngôi nhà này?
– Do tôi phục vụ vua Vessavana mười hai năm, nên được phép ăn tất cả mọi người, trừ những ai đáp lời chúc: Hãy sống lâu!
– Này Dạ-xoa, ngươi trước kia làm điều bất thiện, nên phải sanh ra hung dữ, độc ác, làm hại người. Nay nếu ngươi làm hành động tương tự, ngươi sẽ đi từ cảnh đen tối này đến cảnh đen tối khác. Do vậy từ nay, ngươi hãy từ bỏ sát sanh v.v…
Sau khi nhiếp phục con Dạ-xoa, làm cho nó hoảng sợ với cảnh khổ của địa ngục, khuyên nó giữ Năm giới, Bồ-tát thu phục con Dạ-xoa trở thành người giúp việc.
Ngày hôm sau, nhiều người đi đến thấy con Dạ-xoa, biết rằng nó đã được Bồ-tát nhiếp phục, liền báo cáo lên vua:
– Thưa Thiên tử, có một thanh niên, đã nhiếp phục con Dạ-xoa, và đã làm nó trở thành người chạy việc.
Vua cho mời Bồ-tát, đặt Bồ-tát vào chức vụ Ðại tướng quân, và thưởng cho thân phụ Bồ-tát nhiều danh vọng. Sau khi con Dạ-xoa được vua phong làm người thu thuế, vua tuân theo lời khuyên răn của Bồ-tát, làm các công đức như bố thí v.v… và khi chết, vua được sanh lên cõi trời làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, để giải thích phong tục trả lời: “Mong sống lâu”, Ngài nói:
– Tục lệ này từ xưa đã có rồi.
Và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, nhà vua là Ànanda, người cha là Ca-diếp và người con trai là Ta vậy.
-ooOoo-

156. CHUYỆN HOÀNG TỬ CÓ TÂM THÂU PHỤC (Tiền thân Alìnacitta)

Chính nhờ Tâm thâu phục…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. (Câu chuyện sẽ được nói lên trong Chương XI, Tiền thân Samvara số 462). Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Có phải chăng ông đã thối thất tinh tấn?
Tỷ-kheo ấy trả lời:
– Có thật, bạch Thế Tôn.
Bậc Ðạo Sư nói với vị ấy:
– Này Tỷ-kheo, thuở xưa chính ông đã tinh tấn lấy được vương quốc thành Ba-la-nại cách xa mười hai dặm, và đã giao vương quốc ấy cho một đứa trẻ như cho một miếng thịt. Và nay, vì sao ông đã xuất gia trong Giáo pháp giải thoát như vậy, lại thối thất tinh tấn?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có một làng thợ mộc không xa thành Ba-la-nại bao nhiêu. Tại đấy, có năm trăm người thợ mộc ở. Họ đi thuyền ngược dòng sông, đốn cây góp lại để làm sườn của những ngôi nhà một tầng, hoặc hai tầng. Họ đánh dấu tất cả khúc gỗ, kéo gỗ đến bờ sông rồi đem lên thuyền chờ về thành. Những ai muốn ngôi nhà thế nào, họ làm đúng như vậy rồi lấy tiền để sinh sống.
Trong khi họ đang làm việc như vậy, thì một con voi đạp phải một miếng dăm gỗ vụn của cây keo. Miếng dăm gỗ ấy đâm vào chân con voi làm cho nó rất đau đớn. Chân nó bị sưng lên và làm mủ. Con voi nghe tiếng đốn suy nghĩ: “Ta có thể nhờ những người thợ mộc này làm cho lành chăng?” Nghĩ vậy nó liền đi ba chân đến gần đám thợ mộc và nằm xuống. Các người thợ mộc thấy chân nó sưng, đi đến xem thì thấy miếng dăm gỗ. Họ lấy một con dao, kéo bật miếng dăm gỗ ra, lấy hết mủ, rửa với nước nóng và xức với nước thích hợp, không bao lâu thì vết thương được lành lại. Con voi lành mạnh suy nghĩ: “Nhờ những người thợ mộc này, ta được sống lại. Nay ta cần phải trả ơn họ”.
Từ đấy trở đi, con voi nhổ các cây giúp những người thợ mộc, lăn tròn các khúc cây hoặc giúp họ đẽo gỗ. Hoặc nó mang đến cho họ bất cứ dụng cụ nào họ cần và cầm mọi vật bằng chiếc vòi một cách cương quyết không sờn lòng. Vào giờ ăn, các người thợ mộc mỗi người đem đến một phần ăn và con voi được cả năm trăm phần. Bấy giờ con voi ấy có một voi con toàn trắng, một con voi thuần chủng tuyệt đẹp. Voi cha suy nghĩ: “Ta hiện tại đã lớn tuổi. Nay ta nên cho con ta làm các công việc giúp họ”. Vì vậy, không thông báo cho các người thợ mộc biết, nó đi vào rừng, dắt voi con ra, và nói với họ:
– Voi con này là con của tôi. Các người đã giúp tôi. Nay tôi giao nó cho các người như trả tiền chữa trị. Bắt đầu từ nay, nó sẽ làm cho các người.
Rồi nó dạy con:
– Bắt đầu từ nay, những việc gì cha đã làm, con hãy làm thế.
Voi cha nói xong, để voi con ở với những người thợ mộc rồi đi vào rừng. Từ đó, voi con phục tùng làm theo lời nói của các người thợ mộc, kham nhẫn chịu đựng tất cả mọi công việc và họ nuôi nó với năm trăm phần ăn như họ đã nuôi voi cha.
Khi voi con làm xong công việc, nó xuống sông chơi rồi trở lại. Những đứa con của người thợ mộc thường nắm vòi nó, và chơi với nó dưới nước và trên bờ. Thời ấy, các con voi, con ngựa được loài người thuần hóa không đi đại tiện hay tiểu tiện trong nước chỉ đại tiện ở ngoài, trên bờ sông.
Một hôm trời mưa, một bãi phân khô của voi này rơi xuống sông, trôi đến bến nước của thành Ba-la-nại, mắc vào một bụi cây, và đứng lại. Những người nài của vua dắt năm trăm con voi đến để tắm. Khi các con voi ngửi mùi bãi phân của con voi thuần chủng, không một con voi nào chịu xuống sông, chúng cong đuôi lên và cắm đầu bỏ chạy. Các người giữ voi báo cáo lên các người huấn luyện voi. Những người này nói:
– Chắc có gì chướng ngại trong nước.
Họ ra lệnh làm cho sạch nước thì thấy bãi phân của con voi thuần chủng ở bụi cây ấy và biết được đây là nguyên nhân của sự việc. Họ đem đến một cái chum chứa đầy nước, chà nát bãi phân ấy và rưới nước sạch lên thân các con voi. Thân các con voi trở thành có mùi thơm, lúc bấy giờ, các thuyền bè cột lại, đi ngược dòng và đến chỗ những người thợ mộc ở. Voi con chơi trên sông, nghe tiếng trống, liền đến gần các người thợ mộc. Họ liền đi đến đón vua và thưa:
– Thưa Thiên tử, Thiên tử cần loại gỗ nào, cần gì ngài lại đến đây cho nhọc? Sao không đưa tin báo cho chúng thần đem về?
– Này các khanh, ta đến đây không phải vì gỗ. Ta đến vì con voi này.
– Thưa Thiên tử, Thiên tử hãy bắt nó đem đi.
– Nhưng con voi không muốn đi.
Vua hỏi:
– Này bạn voi, bạn muốn gì?
– Thưa Thiên tử, hãy đem tiền cho các người thợ mộc này đã nuôi dưỡng tôi.
– Tốt lắm, này bạn.
Vua ra lệnh đem lại trăm ngàn đồng tiền vàng và cho đặt gần bốn chân voi và đuôi con voi với đống tiền ấy, nhưng con voi vẫn không đi. Nó đòi cho mỗi người thợ một cặp áo, cho các người vợ vải đủ để mặc, cho trẻ con tiền nuôi dưỡng. Rồi con voi quay mình lại, nhìn và chào các người thợ mộc, các người đàn bà và các đứa trẻ rồi mới ra đi với vua.
Vua đem voi về, đi vào thành. Vua cho trang hoàng thành phố và chuồng voi, bảo con voi đi vòng quanh thành, rồi đưa con voi vào chuồng, và trang hoàng chuồng voi thật lộng lẫy. Vua làm lễ quán đảnh cho voi, phong cho nó làm Vương tượng, đặt voi vào hàng bạn thân của mình, cho voi nửa vương quốc, và lo săn sóc con voi như săn sóc chính mình. Từ khi con voi đến, toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) nằm trong tay trị vì của vua.
Theo thời gian Bồ-tát nhập mẫu thai của bà chánh hậu. Khi bà hoàng hậu sắp sửa sanh, thì vua mệnh chung. Sợ rằng nếu con voi biết được vua mệnh chung, chắc quả tim nó có thể vỡ ra, nên người ta không nói gì cho con voi biết và vẫn hầu hạ nó như trước.
Nhưng ông vua láng giềng, vua xứ Kosala, biết được vua kia đã băng hà, suy nghĩ: “Vương quốc đã trống không”, liền đi đến với một đạo quân lớn và vây hãm thành. Quân bảo vệ cho đóng cửa thành và đưa tin cho vua Kosala:
– Hoàng hậu của chúng tôi sắp sanh. Từ đây đến bảy ngày, bà sẽ sanh con, các người đoán tướng số đã nói như vậy. Nếu hoàng hậu sanh con trai vào ngày thứ bảy, chúng tôi sẽ giao chiến, không nhường vương quốc. Vậy hãy đợi đến ngày ấy.
Vua Kosala chấp nhận. Vào ngày thứ bảy, hoàng hậu sanh được một hoàng nam. Ðến ngày lễ đặt tên, thái tử được đặt tên Hoàng tử có Tâm thâu phục vì người ta tiên đoán hài nhi ra đời để thâu phục nhân tâm.
Bảy ngày sau, khi thái tử sanh, toàn dân giao chiến với vua Kosala. Vì thiếu người lãnh đạo, nên khi giao chiến quân đội dù lớn cũng dần dần thất thế, và thối lui. Các đại thần trình sự việc này lên hoàng hậu:
– Tình thế thật hiểm nguy, quân đội bị thất thế thối lui, chúng tôi sợ thất trận. Vua đã mệnh chung, hoàng tử mới sanh, nhưng vua Kosala kéo quân đến giao tranh, còn Vương tượng bạn thân thiết của vua chưa hay biết gì, tâu hoàng hậu. Chúng tôi muốn báo tin cho voi biết. Xin chờ ý kiến hoàng hậu.
Bà hoàng hậu chấp thuận, trang điểm cho thái tử, đặt nó nằm trên một tấm vải mịn, từ lâu đài đi xuống với các đại thần vây quanh, đến chuồng con voi, đặt thái tử nằm dưới chân voi và thưa:
– Thưa chúa voi, bạn của chúa voi đã mệnh chung. Chúng tôi sợ chúa voi vỡ tim nên không tin cho chúa voi biết. Ðây là con trai của bạn chúa voi. Vua Kosala đã đến bao vây thành, giao chiến với con của bạn chúa voi và quân đội phải thối lui. Hoặc là chúa voi giết con của bạn mình, hay là lấy lại vương quốc cho con của bạn mình.
Ngay lúc ấy, con voi lấy cái vòi rờ thái tử, đỡ nó lên, đặt lên trên đầu mình và than khóc lớn tiếng, rồi đỡ thái tử xuống, đặt nó nằm trong tay bà hoàng hậu, đi ra khỏi chuồng voi và nói:
– Ta sẽ bắt sống vua Kosala.
Các đại thần mặc áo giáp cho voi, trang hoàng mình voi và mở cửa thành, vây quanh con voi và hộ tống nó ra trận. Con voi ra khỏi thành liền rống lên, làm cho quần chúng khiếp sợ bỏ chạy, và đánh tan quân thù rồi nắm chỏm tóc của vua Kosala, bắt vua đặt nằm dưới chân thái tử. Một số người đứng dậy muốn giết vua Kosala. Con voi ngăn chận, và thả vua ấy đi với lời khuyên:
– Bắt đầu từ nay, chớ phóng dật. Chớ kiêu ngạo vì nghĩ rằng hoàng tử còn trẻ.
Từ đấy trở đi, toàn cõi Diêm-phù-đề đều nằm trong tay Bồ-tát, và không một kẻ thù địch nào dám nổi lên chống đối.
Vào lúc bảy tuổi, Bồ-tát được làm lễ quán đảnh, trở thành vị vua với tên Tâm thâu phục, trị vì nước đúng Chánh pháp, và khi mạng chung, được sanh lên thiên giới làm đông đảo hội chúng chư Thiên.
*
Khi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ xong, là bậc Ðạo Sư, Ngài nói lên hai bài kệ:
Chính vì Tâm thâu phục,
Ðội quân lớn hân hoan,
Bắt vua Ko-sa-la,
Tham lam, không biết đủ
Với những gì mình có,
Làm quân đội bằng lòng.
Cũng vậy vị Tỷ-kheo
Tinh cần, nương tựa đủ,
Tu tập theo thiện pháp,
Ðạt an ổn khổ ách,
Tuần tự chứng đạt được
Ðoạn diệt mọi kiết sử.
Sau khi bậc Ðạo Sư trình bày các Sự thật tối thượng, đưa đến đỉnh cao là Niết-bàn bất tử, Ngài cho biết như sau:
– Khi kết thúc các Sự thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã chứng quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, bà mẹ là hoàng hậu Ma-gia (Mayà), vua cha là đại vương Tịnh Phạn, con voi lấy lại quốc độ rồi dâng thái tử là Tỷ-kheo thối thất tinh cần, cha của con voi là Xá-lợi-phất, và thái tử có Tâm thâu phục chính là Ta vậy.
-ooOoo-

157. CHUYỆN CÔNG ÐỨC (Tiền thân Guna)

Muốn gì, làm cho được…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn giả Ànanda đã nhận được một ngàn tấm y. Câu chuyện Trưởng lão này thuyết pháp trong nội cung vua Kosala đã được nói đến ở Tiền thân Mahàsàra (số 92). Khi Trưởng lão đang thuyết pháp cho nội cung vua, một ngàn tấm y đáng giá mỗi tấm một ngàn đồng tiền vàng được đem đến dâng vua. Vua lấy năm trăm tấm, và cho các cung phi năm trăm tấm. Tất cả cung phi để các tấm y một bên, và hôm sau đem cúng cho Trưởng lão Ànanda, còn mình đắp tấm y cũ, đi đến chỗ nhà vua dùng điểm tâm. Vua hỏi:
– Ta có ban cho các nàng các tấm y đáng giá mỗi tấm một ngàn đồng tiền vàng, sao các nàng không đắp?
– Thưa Ðại vương, chúng thần thiếp đã cúng các tấm y cho Trưởng lão.
– Trưởng lão Ànanda đã nhận tất cả sao?
– Thưa Thiên tử, vâng.
– Bậc Chánh Ðẳng Giác chỉ cho phép ba y, ta nghĩ rằng Trưởng lão Ànanda tính chuyện buôn bán vải, nên mới nhận quá nhiều y như vậy.
Nhà vua tức giận Trưởng lão ấy, ăn điểm tâm xong, liền đi đến tinh xá, vào phòng Trưởng lão, đảnh lễ, ngồi xuống rồi hỏi:
– Thưa Tôn giả, các nữ nhân trong cung của trẫm có đến học Pháp hay nghe Pháp với Tôn giả không?
– Thưa Ðại vương, có. Các nữ nhân ghi nhận, và nghe những gì họ đáng nghe.
– Thế nào, họ chỉ nghe Pháp hay họ cúng dường cho Tôn giả các thượng y và hạ y?
– Thưa Ðại vương, hôm nay họ đã cúng năm trăm y đáng giá một ngàn đồng tiền mỗi tấm.
– Tôn giả có nhận tất cả không?
– Thưa Ðại vương, có.
– Thưa Tôn giả, nhưng bậc Ðạo Sư chỉ cho phép nhận ba y thôi?
– Vâng, thưa Ðại vương. Thế Tôn cho phép mỗi Tỷ-kheo chỉ sử dụng ba y, nhưng không ngăn cấm nhận lấy những gì được cúng dường. Do vậy, tôi nhận lấy các tấm y để cho những vị khác đang mang y mòn cũ.
– Nhưng khi các Tỷ-kheo ấy nhận các tấm y từ Tôn giả, họ sẽ làm gì với những tấm y cũ?
– Với các tấm y cũ, họ sẽ làm thượng y.
– Với các thượng y cũ, họ sẽ làm gì?
– Họ sẽ làm tấm nệm.
– Với những tấm nệm cũ, họ sẽ làm gì?
– Họ sẽ làm tấm thảm trải đất.
– Với những tấm thảm trải đất cũ, họ sẽ làm gì?
– Họ sẽ làm khăn lau chân.
– Với khăn lau chân cũ, họ sẽ làm gì?
– Thưa Ðại vương, họ không được phép phí phạm đồ tín thí cúng dường. Do vậy, họ lấy dao cắt nhỏ các khăn lau chân cũ, trộn với bùn, đất và làm thành vôi hồ để làm nhà cửa.
– Thưa Tôn giả, ngay cả khăn lau chân được cúng dường cho Tôn giả cũng không được hủy hoại?
– Vâng, thưa Ðại vương, chúng tôi không hủy hoại đồ cúng dường cho chúng tôi. Chúng đều được sử dụng.
Vua bằng lòng hoan hỷ, mang năm trăm tấm y còn lại được cất trong cung cúng dường Trưởng lão. Rồi vua nghe lời tùy hỷ công đức, đảnh lễ Trưởng lão, thân hướng về phía hữu, và ra đi.0
Trưởng lão cúng năm trăm tấm y nhận được lần đầu cho các vị có y đã cũ kỹ. Nhưng số Tỷ-kheo đồng trú với Trưởng lão là khoảng độ năm trăm. Một trong các vị này là một Tỷ-kheo trẻ tuổi, hầu hạ Trưởng lão nhiều việc, quét phòng, múc nước, dọn dẹp đồ ăn, đem tăm đánh răng, nước rửa mặt, dọn dẹp sạch sẽ nhà vệ sinh, đem nước nóng đến các phòng ở, và làm các công việc cần khác, như bóp tay, bóp chân, đấm lưng.
Trưởng lão lấy năm trăm tấm vải được nhận lần sau đem cho Tỷ-kheo ấy, vì xứng đáng với tất cả sự hầu hạ giúp đỡ cho mình. Tỷ-kheo này, chia tất cả tấm vải ấy cho những vị đồng sự với mình. Như vậy, tất cả Tỷ-kheo đều nhận các tấm vải cúng dường. Họ cắt những tấm vải ấy rồi nhuộm vàng như bông Kanikàra. Họ đến bậc Ðạo Sư đảnh lễ, ngồi xuống một bên và thưa:
– Bạch Thế Tôn, một Thánh đệ tử đã chứng quả Dự lưu có phải là một người nhìn mặt để bố thí không?
– Này các Tỷ-kheo một Thánh đệ tử không phải là một người nhìn mặt để bố thí.
– Bạch Thế Tôn, giáo thọ sư chúng con, vị Trưởng lão Thủ kho Chánh pháp đã đem năm trăm tấm vải trị giá một ngàn đồng tiền vàng mỗi tấm cho một Tỷ-kheo trẻ tuổi, và vị ấy đem chia các tấm vải đã nhận cho chúng con.
– Này các Tỷ-kheo, Ànanda không phải là người nhìn mặt để bố thí. Tỷ-kheo thị giả ấy đã giúp đỡ thầy mình nhiều. Do vậy, vì hầu hạ, vì công đức, vì thích ứng đối với người đã hầu hạ mình nên vị ấy đã làm như vậy để giúp đỡ lại những ai đã giúp đỡ, vị ấy cho như vậy để báo đáp trả ân. Các bậc hiền trí thời xưa cũng đã giúp đỡ lại những ai đã giúp đỡ mình.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của các Tỷ-kheo ấy, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử sống trong một hang núi. Xung quanh chân núi ấy, có một hồ nước lớn bao bọc. Trên một mảnh đất nổi lên của hồ nước, đất bùn dày đặc, cỏ mọc xanh mềm và trên đám bùn ấy, các loài thỏ nai v.v… các con vật nhanh nhẹn khác qua lại để ăn cỏ. Ngày hôm ấy, có một con nai đi qua lại ăn cỏ. Ở đấy, sư tử muốn ăn thịt con nai, từ trên núi nhảy xuống, với sức nhanh của mình, nó nhảy tới. Con nai hoảng sợ kêu lớn tiếng rồi bỏ chạy, Sư tử không có thể chạy mau hơn và rơi trên mặt bùn, bị lún xuống, không đứng dậy được, vì bốn chân đâm sâu như cây cột, bảy ngày đứng như vậy không ăn không uống gì.
Một con chó rừng đi tìm mồi, chợt thấy sư tử, liền hoảng sợ chạy trốn. Nhưng sư tử kêu nó lại:
– Này bạn chó rừng, chớ chạy, ta nay bị mắc dính trong bùn. Hãy cứu ta sống.
Chó rừng đi đến gần sư tử và nói:
– Nếu tôi kéo ngài lên, tôi sợ rằng ngài sẽ ăn thịt tôi!
– Chớ sợ, ta sẽ không ăn thịt ngươi. Trái lại ta sẽ phục vụ giúp đỡ người rất nhiều. Hãy tìm một phương tiện kéo ta lên.
Chó rừng chấp nhận lời hứa, liền bới đất bùn xung quanh bốn chân sư tử, đào bốn mương nước ở đó, dẫn nước chảy vào làm cho đất bùn mềm. Khi ấy chó rừng bò dưới bụng sư tử và nói:
– Hãy cố gắng lên, thưa ngài.
Rồi dùng cái đầu húc cái bụng sư tử lên. Sư tử vận hết sức mạnh, vươn lên khỏi bùn, nhảy lên đứng trên đất cứng. Sư tử nghỉ ngơi một lát rồi đi xuống hồ, rửa sạch bùn. Tắm xong, nó giết một con trâu và với những nanh ngoạm sâu vào thịt trâu, nó xé thịt ra đặt một số thịt trước mặt chó rừng:
– Này bạn hãy ăn đi!
Sau khi chó rừng ăn, sư tử mới ăn. Rồi chó rừng cất giữ lại một miếng thịt.
– Này bạn giữ miếng thịt để làm gì?
Chó rừng trả lời:
– Có bạn gái giữ nhà cho tôi, miếng thịt này dành cho nàng.
Sư tử nói:
– Ðược lắm, hãy lấy đi.
Rồi sư tử cũng lấy một miếng thịt cho vợ mình. Cả hai cùng đứng trên chóp núi và đồng ý sẽ về chỗ ở của hai bạn gái. Nói xong, sư tử đi đến đấy, đem thịt cho sư tử cái và chó rừng cái, rồi cùng nói:
– Bắt đầu từ nay, ta sẽ săn sóc các nàng.
Sau đó, sư tử đưa cả hai vợ chồng chó rừng vào chỗ ở của mình, để chúng ở tại một hang khác gần cửa hang của mình.
Từ đó trở đi, khi đi săn mồi, sư tử để sư tử cái và chó rừng cái ở lại, còn mình đi với chó rừng đực, giết chết nhiều loại thú. Cả hai ăn thịt ngay tại chỗ, rồi đem về hai phần cho hai con cái ăn. Như vậy, thời gian qua , sư tử cái sanh hai đứa con. Chó rừng cái cũng vậy. Tất cả bọn chúng sống hòa hợp với nhau. Một hôm, sử tử cái suy nghĩ: “Con sư tử này quá thương yêu chó rừng cái và các chó rừng nhỏ. Có thể nó có gian tình với chó rừng cái. Do đó, nó mới luyến ái như vậy. Vậy ta hãy hành hạ con này, làm cho nó hoảng sợ, và bỏ trốn đi”.
Trong khi sư tử đem chó rừng đi săn mồi, sư tử cái bắt đầu hành hạ, làm cho chó rừng cái hoảng sợ:
– Tại sao ngươi cứ ở đây? Tại sao không đi nơi khác?
Các sư tử con cũng làm cho các chó rừng con hoảng sợ như vậy. Chó rừng cái nói lại với chồng sự việc này:
– Rõ ràng Sư tử muốn ám chỉ chúng ta đã ở đây quá lâu. Nay mai Sư tử giết chúng ta. Vậy ta hãy trở về hang cũ đã sống trước kia.
Chó rừng gặp sư tử đực và thưa:
Thưa ngài, chúng tôi đã ở với ngài quá lâu. Ai ở lâu cũng làm mất sự lưu luyến. Trong khi chúng ta đi săn mồi, sư tử cái hành hạ và dọa nạt vợ tôi và nói: Sao các ngươi ở chỗ này, hãy trốn đi! Các sư tử con cũng dọa các chó rừng con như vậy. Nếu ai không ưa bạn láng giềng thì nên bảo họ đi làm ăn chỗ khác chứ hành hạ như vầy có ích gì?
Sau khi nói vậy, chó rừng đọc bài kệ đầu:
Muốn gì làm cho được,
Là thường pháp kẻ mạnh,
Con cái rống, tôi biết,
Trước tôi nương, nay sợ.
Nghe chó rừng nói, sư tử bảo vợ:
– Này hiền thê, trong thời ấy ta đi săn mồi bị kẹt trong bùn đến ngày thứ bảy…, ta mới về với hai vợ chồng chó rừng này. Hiền thê có nhớ không?
– Vâng, tôi có nhớ.
– Hiền thê có biết lý do nào sau bảy ngày ta mới về không?
– Thưa chàng, tôi không biết.
– Này hiền thê, ta nhảy vồ bắt một con nai, bị dính mắc vào bùn, không thể ra khỏi chỗ ấy được. Trong bảy ngày ấy, ta đứng đó, không ăn uống gì. Ta đã nhờ con chó rừng này cứu sống.Con này là bạn của ta, đã cứu mạng sống ta. Bạn nào có khả năng trung kiên trong tình bạn, bạn ấy không yếu hay nhỏ. Bắt đầu từ nay, hiền thê chớ có khinh thường như vậy đối với bạn ta, vợ bạn ta các con bạn ta.
Rồi con sư tử nói bài kệ thứ hai:
Dù nhỏ bé, yếu đuối,
Vẫn kiên trì tình bạn,
Chính bà con thân thích,
Này vợ răng nanh ta!
Chớ khinh miệt bạn ấy,
Chính con chó rừng này
Ðã cho ta mạng sống.
Sư tử cái nghe lời chồng, giảng hòa với gia đình chó rừng, và từ đấy về sau, sống hòa thuận với chó rừng cái và các con của nó. Các sư tử con chơi giỡn với các con chó rừng con. Khi cha mẹ qua đời, chúng không chấm dứt tình bạn, vẫn sống hoan hỷ với nhau. Thật vậy, tình bạn của chúng kéo dài cho đến bảy đời.
*
Sau khi kể câu chuyện này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài thuyết giảng, một số vị Tỳ-kheo đắc quả Dự lưu, một số đắc quả Nhất lai, một số đắc quả Bất Lai, và một số đắc quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ con chó rừng là Ànanda, và con sư tử là Ta vậy.

-ooOoo-

158. CHUYỆN CON NGỰA SUHANU (Tiền thân Suhanu)

Loài vật tính không khác…,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai Tỷ kheo hung bạo, độc ác. Ở tỉnh thành, cũng có một vị như vậy. Một hôm, Tỷ-kheo ở tỉnh thành, vì một vài công việc, đi đến Kỳ Viên. Các Sa-di và các Tỷ-kheo trẻ biết tánh hung bạo của Tỷ-kheo ấy, họ nói:
– Chúng ta muốn thấy hai Tỷ-kheo hung bạo ấy cãi nhau.
Họ cười khúc khích dẫn Tỷ-kheo ấy đến phòng Tỷ-kheo ở Kỳ Viên. Cả hai vị hung bạo, vừa thấy nhau liền mến nhau, xoa bóp tay, chân và lưng cho nhau. Các Tỷ-kheo ở tại Chánh pháp đường nói về câu chuyện như sau:
– Thưa các Hiền giả, những Tỷ-kheo hung bạo này đối với người khác thường hay lỗ mãng, độc ác. Nhưng đối với nhau, cả hai lại hòa thuận, hoan hỷ, thương mến nhau.
Bậc Ðạo Sư đến Chánh pháp đường hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, hôm nay ở đây, các ông ngồi họp đang bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay là như vậy. Thuở xưa, họ cũng là người hung bạo, độc ác đối với những người khác. Nhưng họ đối với nhau lại hòa hợp hoan hỷ, sống thân ái.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là vị đại thần của vua, làm tất cả mọi việc, cố vấn cho vua về thế sự và thánh sự. Vua có tánh hơi tham. Trong chuồng ngựa của vua có một con ngựa lỗ mãng tên là Mahàsona (hạt dẻ lớn). Một số người buôn ngựa từ phương bắc đem đến năm trăm con ngựa và báo cho vua biết. Từ trước, vị đại thần thường bảo họ tự định giá ngựa rồi trả tiền đầy đủ mà không đòi bớt lui gì. Nhà vua không được vui, cho gọi một đại thần khác và nói:
– Này khanh, hãy cho họ định giá các con ngựa. Trước hết hãy thả con ngựa Mahàsona vào giữa đàn ngựa ấy, khiến nó cắn các con ngựa mới đến làm chúng bị thương và yếu sức, rồi bảo họ hạ giá và trả bớt tiền.
– Thưa vâng.
Ðaị thần ấy vâng lời làm như đã bảo. Các người buôn ngựa không hoan hỷ, báo cho Bồ-tát việc làm của vị đại thần ấy. Bồ-tát hỏi:
– Các ngươi có con ngựa lỗ mãng ở trong chuồng ngựa của các ngươi không?
– Thưa ngài có. Con ngựa lỗ mãng ấy tên là Suhanu (quai hàm mạnh), nó rất hung bạo, độc ác.
– Vậy khi nào các ngươi trở lại, hãy đem con ngựa ấy đến.
Một hôm vua nghe nói đoàn người buôn ngựa và bảo thả con ngựa Mahàsona ra. Các người buôn thấy con ngựa Mahàsona đến, liền thả con ngựa Suhanu. Hai con ngựa ấy gặp nhau, liền đứng lại và liếm thân nhau. Vua hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, hai con ngựa lỗ mãng này thật hung hãn, độc ác, bạo hành với con ngựa khác. Còn chúng đối với nhau lại đứng liếm thân và hoan hỷ với nhau, sao lại như vậy?
Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, vì tính của loài vật không khác nhau. Khi tính của chúng cùng loài với nhau, thì chúng thương yêu nhau.
Và Bồ-tát đọc hai bài kệ:
Loài vật tính không khác,
So-na, và Su-ha-nu,
Cả hai đều hòa hợp,
Su-ha-nu giống như vậy,
Cùng loài với So-na.
Hoang dã và ác độc,
Thường cắn những dây cương,
Như vậy ác, ác đồng,
Bất thiện, bất thiện đồng.
Sau đó, Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, một vị vua chớ nên quá tham lam. Chớ nên làm hại tài sản của người khác.
Sau khi khuyên răn nhà vua, Bồ-tát cho định giá ngựa và trả tiền đúng giá. Các người buôn ngựa nhận được tiền đúng giá, vui vẻ ra đi. Còn nhà vua tuân hành lời khuyên răn của Bồ-tát, rồi khi mệnh chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, hai con ngựa là hai Tỷ-kheo độc ác, vua là Ànanda, và vị đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-

159. CHUYỆN CON CÔNG (Tiền thân Mora)

Hãy mọc lên, mặt trời…,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Tỷ-kheo ấy được các Tỷ-kheo, có phải ông đã thối thất tinh tấn?
Tỷ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn, thật vậy.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Vì thấy gì?
Tỷ-kheo ấy đáp:
– Vì thấy một nữ nhân có thân thể trang sức đẹp đẽ.
Bậc Ðạo Sư nói với vị ấy:
– Này Tỷ-kheo, không lạ gì một nữ nhân rất dễ làm rối loạn tâm của một người như ông. Ngay các bậc hiền trí thuở xưa, sau khi nghe tiếng nữ nhân, dầu tu hành trong bảy trăm năm không phạm giới, vẫn bị uế nhiễm tức khắc. Ngay cả các bậc thanh tịnh cũng như vậy. Các vị đạt được danh vọng cùng tột khi đam mê nữ sắc cũng sẽ tiêu vong danh dự, còn nói gì các vị không thanh tịnh như ông?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát tái sanh làm con chim công.
Khi còn ở trong vỏ trứng màu vàng như nụ hoa Kanikàra, Bồ-tát làm vỡ trứng thoát ra. Bồ-tát thành một con chim công vàng đẹp đẽ mỹ miều, dưới cánh có những đường viền đỏ chói. Ðể bảo vệ sự sống của mình, sau khi vượt qua ba dãy núi, và trong dãy núi thứ tư, chim công lông vàng mới lựa chọn chỗ ở trên cao nguyên của ngọn núi vàng ở Dandaka. Khi trời rạng đông, đậu trên chỏm núi nhìn mặt trời mọc lên, Bồ-tát đọc một câu chú để hộ trì cho mình bình an trước khi bay đi tìm mồi. Thần chú ấy bắt đầu với câu:
Hãy mọc lên, mặt trời,
Vua độc nhất có mắt,
Với màu sắc vàng chói,
Sáng rực cả đất liền.
Và ta đảnh lễ ngài,
Bậc chói vàng quả đất,
Nay hãy bảo hộ ta
Sống an toàn trọn ngày.
Như vậy, sau khi đảnh lễ mặt trời với bài kệ này để bảo vệ mình, Bồ-tát lại đảnh lễ các đức Phật đã nhập diệt trong quá khứ và các công đức của chư Phật với bài kệ thứ hai:
Các vị Thánh, chân nhân,
Bậc tuệ tri mọi pháp,
Con đảnh lễ các Ngài
Hãy hộ trì cho con.
Ðảnh lễ chư Phật-đà,
Ðảnh lễ Bồ-đề vị,
Ðảnh lễ bậc giải thoát,
Ðảnh lễ giải thoát vị.
Sau khi đọc lên bài chú bảo hộ này, chim công liền đi tìm mồi. Như vậy ban ngày, chim công đi tìm mồi; vào buổi chiều, chim công đậu trên chóp núi, nhìn mặt trời lặn, sau khi tưởng nhớ các công đức của Phật, con công lại làm bài chú khác để hộ trì xứ của mình, bài kệ bắt đầu với chữ: Hãy lặn xuống mặt trời:
Hãy lặn xuống mặt trời,
Vua độc nhất có mắt,
Với màu sắc vàng chói,
Sáng rực cả đất liền;
Và ta đảnh lễ ngài,
Bậc chói vàng quả đất,
Nay hãy bảo vệ ta
Sống an toàn trọn đêm.
Chư vị thánh, chân nhân,
Bậc tuệ trí mọi pháp,
Con đảnh lễ các ngài,
Hãy hộ trì cho con.
Ðảnh lễ chư Phật-đà,
Ðảnh lễ Bồ-đề vị,
Ðảnh lễ bậc giải thoát,
Ðảnh lễ giải thoát vị.
Sau khi đọc bài chú này để bảo vệ mình, chim công đi ngủ.
Bấy giờ không xa Ba-la-nại bao nhiêu, có một người thợ săn ở tại một ngôi làng. Trong khi đi săn ở khu vực Tuyết Sơn, thấy Bồ-tát đang đậu trên ngọn núi vàng ở Dandakha, anh ta báo cho con trai biết.
Một hôm, hoàng hậu của vua Ba-la-nại tên là Khemà (Thái Hòa) nằm mộng thấy một con công sắc vàng thuyết pháp, liền tâu vua:
– Thưa đại vương, thiếp muốn nghe con công sắc vàng thuyết pháp.
Vua hỏi các đại thần việc ấy. Các đại thần đáp:
– Chắc các Bà-la-môn biết việc ấy.
Các Bà-la-môn thưa:
– Có loài chim công sắc vàng.
Vua lại hỏi:
– Chúng ở đâu?
Họ trả lời:
– Chắc chắn những người thợ săn có thể biết.
Vua cho họp các thợ săn lại để hỏi họ. Con trai của người thợ săn ấy thưa:
– Thưa có, tâu Ðại vương, tại hòn núi vàng ở Dandaka, con chim công sắc vàng đang ở tại đấy.
– Vậy chớ giết chim công ấy, bắt nó đem về đây.
Người thợ săn đi, đặt bẫy lưới tại chỗ tìm mồi của chim công. Nhưng tại chỗ chim công bước lên, lưới bẫy không sập. Người thợ săn không bắt được chim công, trải bảy năm đi săn như vậy, và đã mệnh chung. Hoàng hậu Khema không đạt được ước nguyện cũng mệnh chung. Nhà vua tức giận bảo:
– Vì một con chim công, hoàng hậu của ta đã mệnh chung.
Vua bảo khắc trên một tấm vàng những dòng chữ sau đây:
– Trên dãy Tuyết Sơn, có ngọn núi vàng tên là Dandaka. Tại đấy có con chim công sắc vàng ở. Ai ăn thịt con chim công ấy sẽ trẻ mãi không bao giờ già.
Họ viết vậy xong, vua bỏ lá vàng ấy trong một cái hộp. Sau khi vua mệnh chung, vị vua khác lên kế vị, đọc tấm lá vàng, và ước: “Ta sẽ không bao giờ già”. Vua liền cho gọi một thợ săn khác. Thợ săn ấy ra đi, không bắt được Bồ-tát, và cũng mệnh chung tại đấy. Theo diễn tiến như vậy, sáu vua lần lượt băng hà.
Rồi vị vua thứ bảy lên kế vị, cũng cho gọi một thợ săn. Người thợ săn ấy đi, nhận xét rằng tại chỗ chim công đạp lên, bẫy lưới không sập, và biết chim công đã đọc câu bùa chú trước khi đi đến chỗ tìm mồi. Anh ta liền xuống chỗ đầm lầy ở biên địa, bắt một chim công mái, dạy nó múa hát và đem chim công mái ấy đến nơi này, vào buổi sáng trước khi chim công đọc bùa chú. Người thợ dựng lên cái cọc bẫy sập, đặt bẫy lưới và khiến chim công mái kêu.
Chim công nghe tiếng con mái kêu khác thường, liền bị tiếng sét ái tình khơi dậy dục vọng trong lòng nên không thể đọc bùa chú, đi đến công mái và bị mắc vào bẫy. Thợ săn bắt được chim công, đem dâng cho vua Ba-la-nại. Vua thấy sắc đẹp con chim công, rất bằng lòng. Sau khi ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, Bồ tát liền hỏi:
– Thưa Ðại vương, sao Ðại vương bảo bắt thần?
Vua nói:
– Ta nghe rằng những ai ăn thịt ngươi sẽ không bao giờ già. Ta muốn trường xuân bất lão, nên ta bảo bắt ngươi để ăn.
– Như vậy những ai ăn thịt thần sẽ được trường xuân bất lão. Như thế là thần sẽ chết.
– Phải, ngươi sẽ chết.
– Nhưng nếu thần chết thì người làm thần chết cũng sẽ chết theo.
Vua nói:
– Ngươi có sắc vàng, do vậy ta nghe nói những ai ăn thịt ngươi sẽ trẻ mãi không bao giờ già.
– Thưa Ðại vương, thần sanh ra sắc vàng không phải là không có lý do. Thuở xưa, thần là vị vua Chuyển luân ngự trị tại thành phố này. Thần giữ gìn Năm Giới, và khiến cho dân chúng trong toàn cõi thế giới giữ Năm Giới. Sau khi mệnh chung, thần được sanh tại lâu đài cõi Trời Ba mươi ba, sống tại đấy cho hết tuổi thọ, và mệnh chung. Chính vì kết quả của một nghiệp bất thiện, thần phải sanh làm con chim công, nhưng nhờ sức mạnh của giới hạnh cũ, thần có màu sắc vàng.
– Nhà ngươi là vua Chuyển luân đã giữ Giới! Do kết quả của Giới sanh ra sắc vàng, điều này làm sao chúng ta tin được? Có gì làm bằng chứng?
– Thưa Ðại vương, thần có một bằng chứng.
– Bằng chứng gì?
– Thưa Ðại vương, khi thần làm vua Chuyển luân, thần thường ngồi trên xe bằng vàng bạc, đi ngang qua hư không. Cỗ xe ấy của thần nay nằm chôn trong đất, dưới cái hồ của Ðại vương. Hãy cho đào dưới hồ lên, và cái xe ấy sẽ làm chứng cho thần.
Vua chấp thuận việc ấy và đáp:
– Lành thay.
Rồi vua cho tát nước ra khỏi hồ, đào lên được cỗ xe và tin lời Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, trừ Niết-bàn bất tử, tất cả pháp khác đều là pháp hữu vi, không có thực tánh, vô thường, chịu sự hoại diệt.
Sau khi nói xong, Bồ-tát thuyết pháp cho vua, và khuyên vua giữ Năm Giới. Nhà vua hoan hỷ, cúng dường quốc độ cho Bồ-tát, và tỏ lòng hết sức cung kính. Bồ-tát không nhận vương quốc nhưng khuyên vua:
– Ðại vương chớ phóng dật.
Rồi bay lên hư không đi về núi Vàng Dandaka.
Còn vua tuân theo lời khuyên của Bồ-tát làm các công đức như bố thí v.v… rồi khi mạng chung, đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, Bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đã đắc quả A-la-hán.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ nhà vua là Ànanda và Ta là con chim công vậy.
-ooOoo-

160. CHUYỆN CON NGỖNG XANH SẨM (Tiền thân Vinìlaka)

Giống vua Vi-đề-ha…,
Câu chuyện này, khi trú ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa bắt chước bậc Thiện Thệ.
Khi hai vị đại đệ tử đi Gayàsisa, tại đấy Ðề-bà-đạt-đa bắt chước bậc Thiện Thệ và gặp nạn. Hai vị Trưởng lão thuyết pháp và đem các vị Tỷ-kheo y chỉ mình đi về Trúc Lâm. Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Xá-lợi-phất, khi thấy các ông, Ðề-bà-đạt-đa đã làm gì?
Hai vị thưa:
– Bạch Thế Tôn, Ðề-bà-đạt-đa đã bắt chước bậc Thiện Thệ và đã gặp đại nạn.
Bậc Ðạo sư nói:
– Này Xá-lợi-phất, không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới bắt chước Ta và gặp nạn, mà thuở xưa, cũng đã như vậy rồi.
Nói xong, theo lời Trưởng lão yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa trong nước Videha, khi vua Videha trị vì ở thành Mithilà, Bồ-tát nhập mẫu thai bà hoàng hậu. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài được học tất cả tài nghệ ở Takkasalà, rồi khi vua cha mệnh chung, Bồ-tát lên ngôi kế vị.
Lúc bấy giờ, một vị vua ngỗng trời sắc vàng sống chung với một con quạ cái ở bãi mồi và đẻ ra một ngỗng đực. Con chim ấy không giống mẹ, cũng không giống cha, toàn màu xanh tối và được gọi là Vimìlaka. Vua ngỗng trời thường đi đến thăm con. Rồi hai ngỗng trời con khác được sanh rất giống cha. Thấy cha thường hay đi đến thế giới loài người, chúng bèn hỏi cha lý do. Ngỗng cha nói:
– Các con thân, cha đã sống chung với một con quạ cái, và sanh một ngỗng đực tên là Vinìkala. Vì thế ta hay đi đến thăm nó.
– Thế bọn chúng sống ở đâu? Ngỗng con hỏi.
– Hiện nay nó sống ở nước Videha, không xa Mithilà bao nhiêu, trên ngọn cây cọ dừa (Ta-la).
– Thưa cha thân, sống giữa thế giới loài người thật nguy hiểm đáng sợ hãi. Cha đừng đi đến đó. Chúng con sẽ đi và đem nó về cho cha.
Hai ngỗng trời con được chấp thuận, liền đi đến chỗ ấy, bảo con ngỗng Vinìkala ngồi trên một thanh cây, rồi chúng cắn hai đầu thanh cây và bay ngang qua thành Mithilà.
Trong lúc ấy, vua Videda đang ngồi trên cỗ xe lộng lẫy được đàn ngựa Sindh thuần chủng gồm bốn con toàn trắng, kéo đi vòng quanh thành phố. Vinìkala thấy vua liền suy nghĩ:” Ta và Vua Videha nào có khác gì. Vua ngồi trên cỗ xe được 4 ngựa Sindh kéo đi vòng quanh thành phố; con ta ngồi trên cổ xe được các con ngỗng trời kéo, và đi trên hư không!”. Khi nó đi ngang qua hư không, nó đọc lên bài kệ đầu:
Giống vua Vi-de-ha
Ðược các ngựa thuần chủng
Kéo ngang các ngôi nhà
Tại thành Mi-thi-là,
Cũng vậy, Vi-nì-là
Ðược hai ngỗng trời chở
Giữa hư không bao la!
Các ngỗng trời con nghe lời nói ấy của Vinìlaka rất phẫn nộ. Trước tiên chúng có ý định: “Chúng ta sẽ bỏ nó rơi xuống ở đây và bay đi”. Nhưng nghĩ lại:”Làm vậy, cha chúng ta thế nào cũng la mắng chúng ta”. Vì sợ bị cha mắng, chúng đưa Vinìkala đến với cha và kể cho cha nghe việc ngỗng kia đã làm. Ngỗng trời cha tức giận nói:
– Mày hơn các anh mày sao? Mày làm ra vẻ cao sang, tưởng mình là chúa tể và xem các anh mày như ngựa kéo xe à? Mày không biết tự lượng sức? Ðây không phải chỗ tìm mồi của mày. Hãy đi về chỗ ở của mẹ mày!
Sau khi mắng nó, ngỗng cha đọc bài kệ thứ hai:
Vi-ni-ka, con thân,
Sống ở đây nguy hiểm,
Ðây không chỗ cho mày,
Hãy sống tại cổng làng,
Nơi mẹ mày mong đợi,
Hãy đến đó vội vàng!
Cùng với lời la mắng Vinìkala như vậy, ngỗng trời bảo các con:
– Hãy mang con này đem ra chỗ phóng uế là bãi phân ngoài thành Mithilà.
Và chúng làm theo lời cha bảo.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ Vinìlaka là Ðề-bà-đạt-đa, các ngỗng trời con là hai đệ tử đầu tay, ngỗng trời cha là Ànanda, còn vua Videha là Ta vậy.
-ooOoo-

Add Comment