Lịch sử, ý nghĩa Đại lễ VESAK LHQ

Tuyển tập bài viết chủ đề Đại lễ VESAK

    Khái quát về Vesak Liên Hiệp Quốc

    Đại lễ Vesak LHQ là một trong các hoạt động văn hoá mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc. Ngày 15/12/1999 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn, thời gian tương đương với tháng 5 dương lịch) là Đại lễ Vesak LHQ, và là ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hợp Quốc, được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc và các trung tâm Liên Hợp Quốc ở các khu vực từ năm 2000. Được gọi chung là Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc.

    Vào năm 2000, Đại lễ Vesak LHQ đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, New York với sự tham gia của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.

    Từ năm 2004 đến nay, cộng đồng Phật giáo thế giới đã tổ chức thành công 10 lần Đại lễ Vesak LHQ, trong số đó, có 9 lần dưới sự bảo trợ của chính phủ Hoàng gia Thái Lan và sự chứng minh của Giáo hội Phật giáo Thái Lan, trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức chính tại Trụ sở Liên Hợp Quốc Châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan. Năm 2008, Việt Nam đăng cai trọng thể Đại lễ này, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước và GHPGVN với bạn bè trên thế giới.

    Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam tại công văn số 863/TGCP-PG ngày 18/9/2013 của Ban Tôn giáo Chính phủ; Công hàm số 614 ngày 04/9/2013 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 28-29/9/2013, sau khi xem xét thư đăng cai chính thức của GHPGVN số 177 ngày 23/9/2013 do HT. Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự đề xuất, tại Văn phòng Viện trưởng của Đại học Mahachulalongkorn, Hoà thượng GS.TS. Brahmapundit đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak LHQ ủng hộ và chấp thuận GHPGVN đăng cai ĐLPĐLHQ 2014, tên gọi trước đây là IOC, nay là ICDV.

    Đại lễ Vesak LHQ 2014 sẽ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam.

    Phương diện tín ngưỡng:

    Yếu tố tín ngưỡng của Đại lễ Vesak LHQ bởi sự tập hợp của đông đảo những người có cùng đức tin vào Phật giáo, được thể hiện ở hai phương diện: a) Khoá lễ tụng kinh ngắn của các trường phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa trước khi Hội thảo chính thức được diễn ra vào đầu mỗi ngày làm việc, b) Khoá lễ Phật đản ngoài trời trong khuôn viên của Trung tâm chùa Bái Đính dưới hình thức một Đại lễ tập trung và trọng thể.

    Phương diện văn hoá:

    Đại lễ Phật đản được Liên Hợp Quốc thừa nhận là ngày quốc tế của Liên Hợp Quốc về tôn giáo và văn hoá nên yếu tố văn hoá của lễ hội được quan tâm đặc biệt. Từ sự hội tụ các bản sắc văn hoá của các nước trên thế giới, cũng như phong cách và thái độ ứng xử văn hoá của cá nhân và xã hội, Đại lễ Phật đản còn bao gồm nhiều hoạt động văn hoá như triển lãm văn hoá Phật giáo, triển lãm văn hoá Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hội chợ văn hoá và ẩm thực, xe hoa diễu hành, trang hoàng cờ phướn Phật giáo, lồng đèn, hoa đăng, tạo sự hoành tráng của một lễ hội đa sắc màu.

    Phương diện khoa học:

    Các chủ đề hội thảo khoa học Phật giáo đóng góp cho đời sống nhân loại là trọng tâm nhất của Đại lễ Vesak LHQ, vì nó quyết định giá trị nội dung và những đóng góp thiết thực của Đại lễ. Chủ đề hội thảo Đại lễ Vesak LHQ 2014 gắn liền với truyền thống và bản sắc văn hoá của Việt Nam và đạo Phật Việt Nam nhằm khẳng định sự đóng góp của đất nước và Phật giáo Việt Nam về các giá trị được Liên Hợp Quốc quan tâm.

    Phương diện du lịch văn hóa tâm linh, quảng bá hình ảnh Việt Nam

    Để quảng bá hình ảnh Việt Nam, các tour lịch chính thức trong Đại lễ và các tour du lịch trước và sau Đại lễ Vesak LHQ là hoạt động không thể thiếu. Hoạt động này vừa đề cao giá trị Đại lễ vừa quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp và thân thiện đối với thế giới.

    Lịch sử Vesak LHQ

    I. ĐẠI LỄ VESAK LHQ TẠI TRỤ SỞ CỦA LHQ

    Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc là một ngày lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn ở tầm mức quốc tế của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Quá trình hình thành của ngày đại lễ nầy bắt đầu từ năm 2000.

    Ngày 15-12-1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi thảo luận Đề mục 174 của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức thừa nhận và đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp (kỷ niệm ba ngày đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập niết-bàn, thời gian tương đương với tháng 5 dương lịch). Ngày nầy được gọi là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc và được xem như ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hiệp Quốc. Lễ hội sẽ được tổ chức tại trụ sở trung ương Liên Hiệp Quốc (thành phố New York, Hoa Kỳ) và các trung tâm Liên Hiệp Quốc ở các khu vực trên khắp thế giới từ năm 2000 trở đi.

    Vào năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, với sự tham dự của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.

    II. ĐẠI LỄ VESAK LHQ CỦA CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO THẾ GIỚI

    1. Đại lễ Vesak LHQ lần 1 (2004):

    Tháng 5 năm 2004, Hội thảo Phật giáo quốc tế (International Buddhist Conference, viết tắt là IBC) đã được chính phủ Hoàng gia Thái Lan bảo trợ và trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn tổ chức tại Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, với sự tham dự của trên 35 quốc gia và hàng trăm phái đoàn Phật giáo quốc tế. Tháng 6 cùng năm, các hoạt động đại lễ Phật đản đã được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp quốc, New York , Hoa Kỳ. Tháng 7 cùng năm, Hội thảo Phật giáo quốc tế về chủ đề “Phật giáo Thượng tọa bộ và Đại thừa” (Theravada and Mahayana Buddhism) được tổ chức tại hội trường Buddhamonthon và trung tâm Liên hợp quốc, Bangkok, dưới sự bảo trợ của chính phủ hoàng gia Thái Lan và sự đồng thuận của Hội đồng Tăng thống Thái Lan (Thai Sangha Supreme Council). Tại Hội thảo lịch sử này, các quốc gia tham dự đồng thuận Thái Lan làm nước đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc vào năm 2005.

    2. Đại lễ Vesak LHQ lần 2 (2005):

    Trong phiên họp khoáng đại vào tháng 4-2005, Hội đồng Tăng thống Thái Lan đã công cử Trường Đại học Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2005 lần thứ II. Kết quả là vào ngày 18-21 tháng 5 năm 2005, Hội thảo Phật giáo thế giới đã được tổ chức để đánh dấu tuần lễ Vesak tại Sanamluang, Buddhamonthon và Trung tâm Liên Hiệp quốc Châu Á Thái Bình Dương. Trong thông cáo chung năm đó, các vị lãnh đạo Phật giáo từ 42 quốc gia đã chấp thuận Buddhamonthon là Trung tâm Phật giáo thế giới (Buddhist Center of the World) và cùng chấp nhận trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc những năm kế tiếp.

    Vào ngày 9-9-2005 tại phiên họp khoáng đại, Hội đồng Tăng thống Thái Lan đã công cử trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn, từ nay, thay mặt Giáo hội Phật giáo Thái Lan để tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.

    3. Đại lễ Vesak LHQ lần 3 (2006):

    Ngày 7-10 tháng 5 năm 2006, tại Hội trường Liên Hiệp quốc Châu Á Thái Bình Dương và Buddhamonthon, Đại lễ Tam hợp lần thứ III đã được tổ chức gắn liền với lễ kỷ niệm 60 năm lên ngôi của đức vua Bhumipol. Lãnh đạo Phật giáo từ 48 quốc gia đã tham dự Hội thảo Phật giáo quốc tế này. Trong thông cáo chung, tất cả đã ký vào bản thỏa hiệp chấp nhận trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2007, đồng thời kỷ niệm sinh nhật 80 tuổi của đức vua Thái Lan.

    5. Đại lễ Vesak LHQ lần 4 (2007):

    Ngày 26 đến 29 tháng 5 năm 2007, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ IV đã được long trọng tổ chức tại Hội trường Liên Hiệp quốc Châu Á Thái Bình Dương và Buddhamonthon với sự tham dự của 62 đoàn đại biểu cấp quốc gia và cấp vùng.

    Vào ngày 29-5-2007, trong lễ bế mạc, sau khi cứu xét thư thỉnh nguyện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thư đăng ký đăng cai của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Hòa thượng Dharmakosajarn đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc để chính thức công bố trước hơn 500 đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng Việt Nam là nước đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008.

    6. Đại lễ Vesak LHQ lần 5 (2008):

    Đại lễ Vesak LHQ lần thứ năm cũng là lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ – Hà Nội, từ ngày 14 đến ngày 17-5-2008 với sự tham dự của 4.000 khách mời chính thức trong nước và quốc tế đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo các nước, các học giả, nhà nghiên cứu Phật học, đại diện của LHQ, Unesco và các tổ chức quốc tế.

    Chủ đề Vesak LHQ 2008 là “Phật giáo và Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh” (Buddhist Contribution to building a Just, Democratic and Civil Society)

    Các chủ đề thảo luận nhóm (Sub-themes) bao gồm

    • (i) Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh (War and Conflict: A Buddhist Perspective)
    • (ii) Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội (Buddhist Contribution to Social Justice)
    • (iii) Phật giáo nhập thế và sự phát triển (Engaged Buddhism and Development)
    • (iv) Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu (Care for Our Environment: Buddhist Respose to Climate Change)
    • (v) Vấn nạn gia đình và Giải pháp của Phật giáo (Family Problems and the Buddhist Response)
    • (vi) Diễn đàn “Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển” (Symposium on Buddhist Education: Continunity and Progress)
    • (vii) Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số (Symposium on Buddhism in the Digital Age)

    Đại lễ cũng đã vinh dự đón tiếp quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban ngành TƯ và địa phương cùng Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, chư Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu của GHPGVN trong và ngoài nước.

    Giáo sư Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, làm chủ tịch Ủy Ban Tổ chức Quốc tế và TT. Thích Nhật Từ làm Tổng thư ký Ủy Ban Tổ chức Quốc tế.

    6. Đại lễ Vesak LHQ lần 6 (2009):

    Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 6 được tổ chức tại Thái Lan vào ngày 4-6/5/2009 tại Giảng Đường Buddhamonthon. Đại Lễ này là một cơ hội quy tụ của 1256 đại biểu trên 80 quốc gia khắp thế giới cùng các vị học giả Phật giáo và các vị lãnh đạo các tôn giáo tối cao trên khắp thế giới, cùng nhau thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày và giải quyết các vấn nạn hiện thời trên toàn cầu.

    Chủ đề chính của hội thảo năm 2009 là “Giải pháp Phật giáo về khủng hoảng toàn cầu.” Ba chủ đề phụ bao gồm:

    • (1) Giải pháp Phật giáo về khủng hoảng môi trường,
    • (2) Giải pháp Phật giáo về khủng hoảng kinh tế,
    • (3) Giải pháp Phật giáo về khủng hoảng chính trị và phát triển hòa bình,
    • (4) Diễn đàn Hiệp hội các trường đại học Phật giáo,
    • (5) Dự án biên soạn bộ Kinh điển Phật giáo chung nhất,
    • (6) Mạng lưới và dữ liệu điện tử Phật giáo.

    7. Đại lễ Vesak LHQ lần 7 (2010):

    Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 7 được Đại học Mahachul­alongkorn và Tổ chức ITRI, Nhật Bản đồng tổ chức tại Hội trường Đại học Mahachul­alongkorn, Ayutthaya, Thái Lan, từ ngày 23 – 25/5/2010. Có 3.000 đại biểu Phật giáo tham dự, bao gồm các lãnh đạo Phật giáo thế giới và các nhà nghiên cứu Phật học. Chủ đề của hội thảo năm 2010 là “Sự phục hồi thế giới từ tầm nhìn Phật giáo”. Dự kiến có năm diễn đàn chính bao gồm:

    • (1) Sự phục hồi thế giới qua an lạc tâm,
    • (2) Sự phục hồi thế giới qua giáo dục Phật giáo,
    • (3) Sự phục hồi thế giới qua cộng tồn trong hòa hợp,
    • (4) Sự phục hồi thế giới qua sinh thái Phật giáo, và
    • (5) Sự phục hồi thế giới qua Phật giáo nhập thế.

    Ngày 18 – 19/12/2009, Hội nghị chuyên đề về “Dự án bộ kinh điển Phật giáo cộng thông” (A Common Buddhist Text Project) tổ chức tại Đại học Mahachulalongkorn, TT. Thích Nhật Từ được đề cử biên soạn phần Phật giáo Đại thừa và GS.Somaratne, Sri Lanka biên soạn phần Phật giáo Truyền thống.

    8. Đại lễ Vesak LHQ lần 8 (2011):

    Đại Lễ Vesak 2011 lần thứ 8 được tổ chức trọng thể tại Hội trường chính của Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya và Trung tâm Hội thảo Châu Á Thái Bình Dương từ ngày 12-5 đến 14-5-2011. Có khoảng 5000 đại biểu Phật giáo, trong đó hơn 1.700 đại biểu là người nước ngoài đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự Đại lễ Vesak này.

    Chủ đề chính của Vesak LHQ 2011 là “Các đức tính Phật giáo trong việc phát triển kinh tế xã hội” (Buddhist Virtues in Socio-Economic Development). Các diễn đàn bao gồm:

    • (i) Lãnh đạo Phật giáo và sự phát triển kinh tế xã hội (Buddhist Leadership and Socio-Economic Development),
    • (ii) Xây dựng một xã hội hài hòa (Building a Harmonious Society),
    • (iii) Bảo vệ môi trường (Environmental Preservation and Restoration),
    • (iv) Trí tuệ cho xã hội tỉnh thức (Wisdom for Awakening Society),
    • (v) Kinh điển Phật giáo cộng thông (Common Buddhist Text),
    • (vi) Các đức tính Phật giáo trong việc phát triển kinh tế xã hội” (Buddhist Virtues in Socio-Economic Development).

    9. Đại lễ Vesak LHQ lần 9 (2012):

    Đại lễ Vesak LHQ lần 9 được tổ chức từ ngày 31-5 đến 02-6-2014 tại trường Đại học Mahachulalongkorn và hội trường Châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc. Tham dự có Tổng thống Sri Lanka – Mahinda Rajapaksa và Thủ tướng Thái Lan – Yingluck Shinawatra. Có khoảng 800 đại biểu quốc tế đến từ hơn 80 quốc gia.

    Lễ kỷ niệm Vesak 2012 mang nhiều ý nghĩa hơn so với những năm trước bởi vì đây là năm đánh dấu kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật giác ngộ. Đây cũng là năm kỷ niệm sinh nhật thứ 80 của Hoàng hậu và sinh nhật thứ 60 của Hoàng Thái tử Thái Lan.

    Chủ đề chính của Hội thảo là “Sự giác ngộ của đức Phật vì phúc lợi cho nhân loại” (The Buddha’s Enlightenment for the Well-being of Humanity). Các diễn đàn phụ gồm các chuyên đề:

    • (i) Trí tuệ Phật giáo và (Buddhist Wisdom and Reconciliation),
    • (ii) Trí tuệ Phật giáo và môi trường (Buddhist Wisdom and Environment),
    • (iii) Trí tuệ Phật giáo và chuyển hóa con người (Buddhist Wisdom and Human Transformation).

    10. Đại lễ Vesak LHQ lần 10 (2013):

    Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 10 tổ chức trọng thể tại Bangkok và Ayutthaya từ ngày 20-22 tháng 5 năm 2013. Chủ đề của đại lễ là “Quan điểm của Phật giáo về giáo dục và Công dân toàn cầu” (Education and Global Citizenship: A Buddhist Perspective).

    Trong ngôi nhà chung của thế giới, quyền được làm công dân toàn cầu giúp con người nhiều cơ hội hiểu biết thế giới, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, thành tựu sự nghiệp. Bằng trí tuệ của đạo Phật, con người cần thực tập thiền quán, vượt qua lối sống hưởng thụ, sống nhanh, đồng thời phát triển trách nhiệm đạo đức trong tương quan giữa mình và người.

    11. Đại lễ Vesak LHQ lần 11 (2014):

    Đại lễ Phật đản LHQ lần 11 được tổ chức tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, từ ngày 8-11-2014. Đại lễ dự kiến thỉnh mời khoảng 1000 đại biểu quốc tế và khoảng 10,000 đại biểu trong nước, bao gồm các vị Tăng thống, chủ tịch các Giáo hội. Chủ đề chính của Đại lễ năm nay là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” (Buddhist Contribution towards Achieving the UN Millennium Development). Các diễn chuyên đề phụ cho các diễn đàn bao gồm như sau:

    • 1) Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội (Buddhist Response to Sustainable Development and Social Change).
    • 2) Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường (Buddhist Response to Global Warming and Environmental Protection).
    • 3) Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh (Buddhist Contributions to Healthy Living).
    • 4) Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn (Peace-building and Post-Conflict Recovery).
    • 5) Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học (Buddhist Education and University Level Curriculum).

    Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế năm nay là HT. Thích Thanh Nhiễu và tổng thư ký là TT. Thích Đức Thiện.

    Ý nghĩa Vesak LHQ 2014

    1. Ý nghĩa tâm linh:

    Thiết lập nhịp cầu tâm linh và học hỏi kinh nghiệm Phật sự của hơn 800 phái đoàn Phật giáo thế giới đến từ 90-100 quốc gia; đồng thời thực hiện các nghi thức hành trì của các tông môn pháp phái Phật giáo trên khắp thế giới; tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, mang lại cho đời sống xã hội các giá trị hoà bình, an lạc và hữu nghị.

    2. Ý nghĩa Giáo hội:

    Là cầu nối giữa Phật giáo Việt nam với Phật giáo thế giới, là cơ hội để Phật giáo khắp thế giới tập hợp nhau lại, để cùng nhau xây dựng cuộc sống hữu nghị, hoà bình vì hạnh phúc của con người. Đối với GHPGVN đây là cơ hội quý báu lần thứ hai, sau sự thành công năm 2008, để tỏ rõ vị thế của Phật giáo trong giai đoạn mới, qua đó khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam.

    3. Ý nghĩa văn hoá:

    Tưởng niệm Đại lễ Vesak LHQ là ngày quốc tế về tôn giáo và văn hoá, tạo sự giao lưu, học hỏi các tinh hoa văn hoá các nước; đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá thế giới, trong đó bao gồm các di sản văn hoá Phật giáo cấp thế giới và quốc gia.

    4. Về phương diện đạo đức:

    Trong thời đại mà nền kinh tế, khoa học và kỹ thuật phát triển không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thì áp lực về vật chất ngày càng gia tăng đè nặng lên đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Do đó, con người có nhu cầu tìm về những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh đó, đạo đức phật giáo có một ý nghĩa quan trọng đối với việc bồi đắp đời sống tinh thần lành mạnh đối với con người.

    5. Ý nghĩa học thuật:

    Gắn liền với chủ trương của Liên Hợp Quốc và mối quan tâm của quốc gia tổ chức, các chuyên đề Hội thảo Phật giáo thế giới và tuyên bố Hà Nội là sự đóng góp của Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời đóng góp vào các giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu.

    6. Ý nghĩa ngoại giao:

    Tạo hình ảnh tốt đẹp đối với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, thân thiện, hoà hợp, đoàn kết và phát triển. Qua đó, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thế giới, tăng cường thiết lập bang giao và hữu nghị với tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời cũng thể hiện sự gánh vác, vai trò của Việt Nam với việc thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nhằm xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực.

    7. Ý nghĩa kinh tế:

    Đại lễ Vesak 2014 sẽ một lần nữa góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ Vesak LHQ 2014.

    Add Comment