Diễn Văn Đại Lễ Phật Đản PL.2555 (2011) Của HT. Thích Trí Tịnh

DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2555, DL.2011
CỦA HT. THÍCH TRÍ TỊNH CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

DIỄN VĂN PHẬT ĐẢN
của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,
Kính thưa toàn thể Phật tử,

Tháng Tư mùa Hạ, cũng như toàn thể cộng đồng Phật giáo trên thế giới, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hân hoan bước vào mùa Phật đản, chào mừng ngày trăng tròn của tháng, ngày xuất hiện trên đời của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, đấng Hy hữu Đại Pháp Vương.

Hy hữu nghĩa là khó có, khó gặp. Khó gặp thời Đức Phật xuất hiện ở thế gian (hy hữu thời), khó có nơi nào như nơi ngài Đản sinh (hy hữu xứ), khó có công đức nào vô lượng như phúc đức trí tuệ của Phật (hy hữu đức), và khó có sự nghiệp nào vô lượng như sự nghiệp giáo hóa chúng sinh của Đức Phật (hy hữu sự).

Sự kiện hy hữu này như trong Kinh mô tả: “Kim quang sáng ngời, mặt đất rung động theo sáu cách, chúng sinh trong sáu đường hân hoan vì niềm cảm ứng thiêng liêng, hoa trời tuôn rải, nhạc trời lừng vang trước sự ra đời của đấng Tối thắng Đại Từ bi, Đại Trí tuệ là Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni”.

Đại lễ Phật đản năm nay, cũng là năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập (1981 – 2011). Do vậy, nhiều Phật sự quan trọng được thực hiện từ đầu năm đến nay và sẽ được đẩy mạnh cho đến cuối năm.

Vừa qua, là các hoạt động của nhiều ban ngành như Tăng sự, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Nghi lễ, Từ thiện Xã hội, Viện và Phân Viện Nghiên cứu Phật học… đã được thực hiện.

Một số hội nghị, hội thảo đang được Ban Văn hóa, Giáo dục Tăng Ni, Kinh tế Tài chính chuẩn bị để tổ chức vào khoảng 6 tháng cuối năm. Sau Đại lễ Phật đản Phật lịch 2555, Trung ương Giáo hội sẽ hướng dẫn chi tiết việc tổ chức hội thảo, kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội ở Trung ương và các tỉnh, thành hội Phật giáo; thông qua các nghi lễ, các nội dung hội thảo, đặc biệt là hội thảo toàn quốc vào cuối năm, chúng ta có thể tổng kết về những thành tựu Giáo hội đã đạt được trong 30 năm qua, nhất là hoạch định chiến lược và cương lĩnh phát triển Giáo hội trong thời hội nhập.

Sau Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự vào tháng 8, những Phật sự quan trọng tiếp theo cần thực hiện đầy đủ nghiêm túc, đó là việc chuẩn bị tổng kết các công tác Phật sự nhiệm kỳ VI của Trung ương Giáo hội, để làm cơ sở cho công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII sẽ tiến hành vào cuối năm 2012.

Do sự trùng hợp về thời điểm của các Phật sự quan trọng như trên, nên chương trình hoạt động Phật sự năm nay của các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, các Ban, Viện trung ương đều có nội dung đa dạng và phong phú hơn các năm trước.

Chúng ta thấy nhiều hoạt động Phật sự quan trọng đã được triển khai, thực hiện; công tác tôn tạo trùng tu nhiều tự viện, thánh tượng được thực hiện rộng khắp; tổ chức nhiều sự kiện văn hoá Phật giáo như các lễ hội, hội thảo khoa học Quốc tế 1.000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch, hội thảo toàn quốc về Hoằng pháp ở Bình Dương; tham gia các việc công ích, phúc lợi xã hội; tổ chức nhiều lễ hội Phật giáo trên phạm vi cả nước để tạo thắng duyên cho quần chúng Phật tử tu học, hành thiện…

Nhất là trong việc nỗ lực xoa dịu những khổ đau của chúng sinh, Giáo hội chúng ta luôn tham gia các công tác từ thiện xã hội trên lĩnh vực cộng đồng quốc tế và tình nhân loại; chúng ta đã gửi thư chia buồn, tổ chức Lễ cầu nguyện, vận động quyên góp tài chính ủng hộ các nạn nhân bị thiên tai động đất và sóng thần tại vùng Đông bắc Nhật Bản và Miến Điện vừa qua.

Từ đó, chúng ta tin rằng các Phật sự sắp đến sẽ đạt được những thành tựu tốt đẹp, đúng theo kế hoạch và những thành tích Giáo hội đạt được từ trước tới nay đã chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực.

Kính thưa chư liệt vị,

Trong thời đại mới, thời hội nhập, bên cạnh những thành tựu của thời đại, của đất nước, chúng ta không thể không lưu tâm trước những hiện tượng gây khổ đau, nhưng việc giảm bớt, hoặc tiêu trừ chúng quả là không dễ dàng: thù hận, chiến tranh, bạo lực, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự mất cân bằng của môi trường sống, sự nghèo đói, thiên tai, tật bệnh, nhất là những sự việc trái với luân thường đạo lý vẫn đang diễn ra hàng ngày trong xã hội…

Mọi người đều nhận biết là đạo đức đang suy đồi trong một bộ phận quần chúng. Nguyên nhân của những thứ gây đau khổ ấy chính là cái Tâm vọng động, nhiễm ô vì tham, sân, si, khiến nghiệp lực của thân khẩu ý luôn luôn vận hành.

Tu học là để ngăn chận và triệt tiêu tam độc, đó là thực hành tam học Giới, Định, Tuệ. Giới học được tu trì thì tâm mới định, từ định đưa đến tuệ. Giới học là chi phần căn bản, đầu tiên của sự tu tập.

Là con Phật, chúng ta tự nguyện tu tập theo lời Phật dạy, thúc liễm thân tâm, tự mình an tịnh và từ đó tạo nên những thiện duyên cho những người khác. Đức Phật dạy, “Trong khi hộ trì cho mình là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác là hộ trì cho mình. Thế nào là hộ trì cho mình là hộ trì người khác? Chính là do sự thực hành, do sự tu tập, do sự làm cho sung mãn. Thế nào là trong khi hộ trì cho người khác là hộ trì cho mình? Chính là do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng bi mẫn.”

Đức Phật đã ân cần nhắc nhở chúng ta tu tập như vậy, xem đây là Niệm Xứ cần phải thực hành.

Như thế, tu tập chính là tạo an lạc cho mình và cho mọi người. Người tu sĩ Phật giáo cũng như người Phật tử tại gia đều là đệ tử của Phật, phải nêu gương đạo đức cho quần chúng, nỗ lực để xứng đáng với lời tán thán của kinh, “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, chân chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn…Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dàng, đáng được chắp tay, là phúc điền vô thượng ở đời.”

Mùa Phật đản 2555 đã đến, Tăng Ni Phật tử chúng ta thành tâm tưởng niệm đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, lắng lòng để được nhận nguồn cảm ứng thiêng liêng của đại sự kiện vị tằng hữu xảy ra cách đây 2.635 năm ở vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ của nước Ấn Độ cổ – sự ra đời của đấng Tối thắng Đại từ Đại bi, Đại Trí tuệ là Đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni.

Ngưỡng cầu Tam Bảo phù hộ cho Phật giáo trường tồn, thế giới an lạc, quốc gia hưng thịnh, nhân dân hạnh phúc, Giáo hội vững bền và tất cả chúng sanh đều đạt niềm vui tự nội.

NAM MÔ BẢN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

Add Comment