Trong truyền thuyết Phật giáo có rất nhiều bài kệ nói về Phật Đản sinh, câu “Duy ngã độc tôn” đã được bàn đến, nhưng trong đó có lẽ từ “Duy ngã độc tôn” đem đến sự ngộ nhận và tranh cãi nhiều nhất từ xưa đến nay.
Dựa vào lịch sử đức Phật, chúng ta có thể biết được, Thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha) khi chào đời, bước đi bảy bước, có bảy hoa sen đỡ chân và bước cuối cùng, Ngài đưa một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, dõng dạc tuyên ngôn:
Thiên thượng thiên hạ – Duy ngã độc tôn
(Nhất thiết thế gian – Sinh lão bệnh tử)
“Trên trời dưới đất, chỉ ta hơn hết, tất cả thế gian, sinh già bệnh chết”.
Nếu Thái tử Sĩ Đạt Ta ra đời như vậy thì Ngài đã trở thành đấng tối cao ban phước giáng họa, nó sẽ không còn giá trị lịch sử nhân loại. Trong nhiều các bản kinh, Ngài thường nói ta chỉ là vị thầy dẫn đường, ta không có khả năng ban phước giáng họa cho ai. Có nhiều nơi chỉ dẫn chứng hai câu đầu: “Trên trời dưới đất, chỉ ta hơn hết”, từ ngữ triết học rất nhiều nghĩa khiến con người ta dễ hiểu lầm.
Tuy nhiên, nếu không giải thích đúng sẽ làm cho người học Phật bị hoài nghi hoặc hoang mang, bối rối chẳng biết thế nào là đúng sai, có trước có sau. Chẳng hạn, cụm từ “Duy ngã độc tôn” (“Chỉ ta hơn hết”) đã có nhiều lời giải thích dưới nhiều góc độ, phân tích mổ xẻ, nhưng dường như vẫn chưa làm thỏa mãn những người thật tâm nghiên cứu đạo Phật. Chắc có lẽ từ “Duy ngã độc tôn” đem đến sự ngộ nhận và tranh cãi nhiều nhất từ xưa đến nay.
Nhiều nơi chỉ lấy hai câu đầu đem ra phân tích, nên làm cho người đọc dễ ngộ nhận. Chúng ta có thể hiểu được chữ “Ngã” là từ Hán Việt, chữ “Ta” hay “Tôi” là ngôn ngữ Việt Nam. Muốn cho mọi người được sáng tỏ qua nghĩa lý sâu xa, chúng ta phải dẫn chứng đầy đủ 4 câu kệ:
“Trên trời dưới đất, chỉ ta hơn hết, tất cả thế gian, sinh già bệnh chết”.
Bốn câu này chỉ là biểu tượng do người sau thêm vào để tôn vinh đức Phật theo truyền thuyết: có đấng Phạm Thiên ở Ấn Độ. Khi Thái tử Sĩ Đạt Ta ra đời, tiên nhân A Tư Đà đoán rằng sau này Ngài sẽ trở thành vị vua Chuyển Luân Thánh Vương và nếu xuất gia học đạo sẽ thành Phật. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng, về mặt thực tế trong cuộc đời, Thái tử sinh ra cũng giống như bao nhiêu đứa trẻ sơ sinh khác và như thế sẽ không thể cất được tiếng nói vào lúc mới sinh ra.
Nếu Thái tử sinh ra mà đi trên hoa sen và đọc bốn câu kệ đó thì Ngài chắc không phải là con người lịch sử mà trở thành con người huyền bí không thật có. Vậy, chúng ta có thể thiết lập giả sử quay trở lại nguồn gốc ban đầu. Có từ thời nào? Nó mang ý nghĩa gì? Và, đó cũng là điều nghi vấn về sự mâu thuẫn giữa lịch sử và triết lý Phật giáo mang tính ẩn dụ sâu sắc.
Suy luận và tìm hiểu lịch sử Ấn Độ, có thể được thêm vào trong những trường hợp sau:
– Một là sau khi đức Phật thành đạo, được người đương thời tôn vinh để có giá trị như Đấng Phạm Thiên.
– Hai, sau khi đức Phật nhập Niết bàn có báo trước ba tháng, hàng đệ tử biên tập kinh điển đã thêm vào, nhằm đề cao nhân cách của một bậc thầy vĩ đại của nhân loại phải khác với con người thế gian tầm thường.
– Ba, tư tưởng Phật giáo phát triển đã đạt đến trình độ cao, đưa ra triết lý sâu sắc thực tế, có Phật tính bình đẳng trong tất cả chúng sinh. Và, theo sự suy nghĩ của chúng tôi, bốn câu: “Trên trời dưới đất, chỉ ta hơn hết, tất cả thế gian, sinh già bệnh chết”. Do người sau thêm vào nhằm tôn vinh đức Phật, nếu chúng ta sử dụng đầy đủ bốn câu thì dễ có sự thông cảm hơn.
Đạo Phật lấy nhân quả làm nền tảng với triết lý sâu sắc Tứ diệu đế nhân quả thế gian và nhân quả xuất thế gian. Ở đây, chúng ta sẽ thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển sai biệt ở chỗ nào? Trong khi đạo Phật thì đề cao học thuyết vô ngã, nhưng ở đây Thái Tử mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói: “Duy ngã độc tôn”, như vậy Ngài đề cao cái tôi của mình quá mức rồi. Nếu Thái tử ra đời như thế thì trở thành người huyền bí siêu nhiên, do người sau nhân cách hóa. Chúng tôi có bài kệ để nói lên tinh thần nhập thế của một con người bình thường được sinh ra từ cha mẹ:
Những đóa sen vàng nâng nhẹ bước chân, đón mừng Bồ-tát sinh ra đời.
Vườn Lâm Tỳ Ni hoa Ưu đàm nở, đem đến tin vui khắp muôn loài.
Hoa sen mọc chốn bùn nhơ,
Nở hoa tươi thắm, ngát thơm cuộc đời.
Thân này nhơ nhớp vô thường,
Có tâm thanh tịnh sáng soi muôn loài.
Trong sự quyền uy tột bậc với tất cả những gì đang hiện hữu mà người đời ai cũng tham muốn để có được tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp và ngủ nghỉ thoải mái. Nhưng cách nay hơn 2600 năm có một vị Hoàng thái tử đã thoát ra được và tu hành giác ngộ thành Phật.
Đức Phật không phải là một vị thần linh thượng đế ban phước giáng họa cho mọi người, mà đức Phật chính là con người giống như tất cả mọi người chúng ta, cũng được sinh ra từ bụng mẹ, vẫn hưởng đầy đủ dục lạc ở thế gian, nhưng nhờ biết cách buông xả, nên thoát khỏi vũng bùn ngũ dục, trở thành đấng giác ngộ hoàn toàn.
Nếu đọc lịch sử chúng ta sẽ biết đức Phật ngồi dưới cội Bồ đề, trên toà cỏ. Nhưng hiện nay chúng ta lại thờ đức Phật ngồi trên tòa sen, như vậy có làm sai ý nghĩa hay không? Tòa sen mang ý nghĩa gì mà ai tu theo đạo Phật cũng đều quí trọng, để làm tòa cho đức Phật ngồi? Đó là những điều cần biết mà người phật tử phải hiểu rõ mục đích và ý nghĩa trên, để khi có người hỏi chúng ta biết cách trả lời cho đúng.
Như chúng ta đã biết, hoa sen luôn mọc trong ao, trong hồ từ chỗ bùn nhơ mà ra. Như vậy giá trị của hoa sen là từ nơi bùn nhơ vươn lên khỏi bùn, rồi ra khỏi mặt nước mới trổ hoa, đồng thời có hương, nhụy, hột cùng một lúc, mà các loài hoa khác không thể có, đó là điểm kỳ đặc của hoa sen.
Sen rất khác biệt hơn các loài hoa khác, ở chỗ mầm nó chui trong bùn nhưng khi gần trổ hoa thì nó vượt khỏi bùn và vươn lên khỏi mặt nước rồi mới trổ hoa. Đặc tính của sen khi còn ở trong bùn thì hôi, nhưng khi nó nở hoa thì hương sen thơm ngát. Thế cho nên đạo Phật dùng ý nghĩa của hoa sen, để tượng trưng cho người tu hành chân chính đã thành tựu giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Theo lịch sử, đức Phật ngày xưa là thái tử con vua Tịnh Phạn, Ngài sống trong cảnh quyền quý cao sang, sung túc đầy đủ với kẻ hầu người hạ muốn gì được đó. Tuy Ngài sống và chìm đắm trong ngũ dục giống như tất cả mọi người ở thế gian, nhưng Ngài đã thức tỉnh sau khi dạo bốn cửa thành thấy người già, bệnh, chết và vị tu sĩ. Từ đó Ngài suy tư quán chiếu ta đây rồi cũng sẽ già, bệnh, chết mà tìm cách để thoát khỏi và cuối cùng Ngài quyết định bỏ lại tất cả để ra đi tìm cầu chân lý.
Sau một thời gian dài khoảng 11 năm, do siêng năng tinh tấn tu hành, cuối cùng Ngài đã chứng được đạo vô thượng chánh đẳng giác và thành Phật, rồi chỉ dạy cho chúng ta. Vậy giá trị của hoa sen là từ chỗ nhơ nhớp hôi hám mà trổ hoa có mùi hương tinh khiết, chính vì thế hoa sen thường được dùng làm biểu tượng cao quý trong nhà Phật.
Thứ nhất, khi Ngài còn ở trong cung vua thọ hưởng đầy đủ các dục lạc, được ví dụ như hoa sen còn ở trong bùn. Thứ hai, khi Ngài bỏ lại hết tất cả để vượt thành xuất gia, tìm cầu chân lý, không còn hưởng thụ dục lạc nữa, ví như hoa sen vượt ra khỏi bùn nhưng vẫn còn ở trong nước. Cho đến khi Ngài cố gắng siêng năng tinh tấn tu hành, cuối cùng đạt được kết quả viên mãn giác ngộ, giải thoát giống như hoa sen vượt khỏi mặt nước, để rồi nở hoa thơm ngát.
Cũng lại như thế, hoa sen từ lúc mới mọc cho đến khi trổ hoa trải qua nhiều giai đoạn: Giai đoạn một là ở trong bùn, giai đoạn hai là ra khỏi bùn ở trong nước, giai đoạn ba là ra khỏi nước và nở hoa thơm ngát.
Như chúng ta đã biết, hoa sen mọc lên từ bùn lầy. Hoa sen vượt khỏi bùn, nhú lên mặt nước và cuối cùng tỏa hương thơm ngát. Điểm đặc biệt của hoa sen nếu không có bùn lầy nuôi dưỡng thì hoa sen sẽ không thể sống được. Đó là đặc tính của hoa sen và chính vì thế nó được chọn làm biểu tượng cao quý trong Phật giáo.
Người tu chúng ta không thể rời cuộc sống này để tìm đạo lý giác ngộ giải thoát. Từ chỗ cuộc sống có đủ thứ tốt xấu, hơn thua, phải trái, đúng sai, buồn vui lẫn lộn, chúng ta mới cố gắng chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc. Đó là tinh thần tích cực của những người biết buông xả tâm xấu ác làm hại người, vật. Giống như hoa sen sống từ bùn lầy và vươn lên nở hoa thơm ngát.
Ý nghĩa của hoa sen, trong nhà Phật giải thích rất rộng và thường lấy hoa sen làm biểu tượng cao quý. Có thể nói hoa sen là một biểu tượng quan trọng mà hầu hết các kinh điển Phật giáo đều nói đến, nhất là bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Ngoài ra, hoa sen còn được biểu trưng qua những lĩnh vực khác, mang tính đặc thù văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc theo Phật giáo. Như các đoàn thể gia đình phật tử chẳng hạn. Vì thế, ở đây, chúng tôi chỉ xin giải thích một cách khái lược qua một vài đặc tính tiêu biểu mang tính ẩn nghĩa sâu sắc trong Phật giáo mà thôi.
Nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên thủy, thì dẫn đủ bốn câu bản Hán Việt: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, bản chuyển ngữ, “Trên trời dưới đất, chỉ ta hơn hết, tất cả thế gian, sinh già bệnh chết”. Phật hơn tất cả mọi người ở thế gian vì Ngài đã qua khỏi sinh, già, bệnh, chết. Như vậy câu nói đó không phải đề cao cái ngã, cái tôi mà xác nhận Ngài an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh, trước khi nhập Niết bàn đức Phật đã báo trước ba tháng.
Tại sao người đời sau không dùng hết bốn câu, lại dùng chỉ có hai câu thôi để nói lên ý nghĩa gì? Bởi vì tinh thần Phật giáo Phát triển đi thẳng vào chỗ tâm Phật sáng suốt, chứ không phải cái tôi, cái ta của thân này. Như chúng ta đã biết, cái tôi của thân này vô thường sinh diệt đổi thay không khi nào ngưng hoạt động. Vô ngã là không dính mắc vào thân vật chất này, nhưng vẫn thường biết rõ ràng. Vì đó là tâm biết. Và mục đích cuối cùng là Niết bàn với điều kiện giải quyết tận gốc tính chấp ngã đạt đến vô ngã, lập nên triết lý vô ngã là Niết bàn.
Nhưng đến giai đoạn Phật giáo phát triển thì các vấn đề được mở rộng thêm là: Vô ngã chưa phải là điểm dừng, chưa phải mục đích tối thượng. Kinh Đại Bát Niết Bàn cho rằng, Thường – Lạc – Ngã – Tịnh mới là thật nghĩa của Niết bàn. Chính vì vậy, cái gì được gọi là Ngã hay Ta thì phải đáp ứng với các yếu tố: Thường hằng bất biến chẳng đổi thay, không do yếu tố khác hoặc ở bên ngoài để tồn tại, an nhiên làm chủ bản thân, vượt ngoài mọi đối đãi. Do đó, chân không mà diệu hữu, không dính mắc ta người chúng sinh nhưng vẫn thường biết rõ ràng. Đức Phật không chấp nhận học thuyết hữu ngã và linh hồn, đó là học thuyết của Bà La Môn, tức là có một linh hồn bất tử, là một sự ảo tưởng mơ hồ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc thầy vĩ đại của nhân loại đã thực chứng Niết bàn vô sinh, nên Ngài đã an nhiên tự tại báo trước cho chúng đệ tử ngày giờ ra đi trước ba tháng. Chính vì thế từ “duy ngã độc tôn” có nhiều ý nghĩa:
1. Duy ngã là chỉ có sự giác ngộ hoàn toàn do chính mình biết cách buông xả, bởi giác ngộ là thành Phật. Đó là sự tối thắng ở đời do sự kiên trì bền bỉ trong tu tập.
2. Duy ngã là chỉ có chân ngã, tức là Thường – lạc – ngã – tịnh chơn không mà diệu hữu, vì vẫn thường biết rõ ràng.
3. Duy ngã là chỉ có Phật tính trong mỗi con người ‘là tôn quý nhất’, Ta là Phật đã thành chúng sinh là Phật sẽ thành, vì mỗi chúng sinh đều có Phật tính sáng suốt.
4. Duy ngã là pháp thân thường trụ không biến đổi, chỉ vì bất giác chạy theo vọng niệm mà trầm luân trong sinh tử.
Chính vì vậy, học thuyết vô ngã hay duy ngã là một triết lý đặc thù, sâu sắc nếu luận bàn trên ngôn ngữ thất khó diễn bài, tạm phương tiện thiện xảo để chúng ta quay trở về với thực tại… Chính ý nghĩa này mà chữ “duy ngã” mới trở thành cái tối tôn tối thượng nhất của muôn loài. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã vượt qua cuộc đời trần tục, dám từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, quyền cao nhất thiên hạ để thể nhập Niết bàn vô sinh.
Thích Đạt Ma Phổ Giác